Điều 1526
§1. Ai đã quả quyết thì có nghĩa vụ phải chứng minh.
§2. Không cần phải trưng dẫn chứng cớ:
1° những điều do chính luật suy đoán;
2° những sự kiện do một bên tranh tụng quả quyết và được bên kia thừa nhận, nhưng trừ khi luật hoặc thẩm phán đòi thêm chứng cớ.
Điều 1527
§1. Có thể viện dẫn bất cứ loại chứng cớ nào, miễn là những chứng cớ này được xem là hữu ích đế thẩm cứu vụ án và phải hợp pháp.
§2. Nếu một bên yêu cầu thừa nhận một chứng cớ đã bị thẩm phán loại bỏ, thì chính thẩm phán này phải giải quyết vấn đề hết sức nhanh chóng.
Điều 1528
Nếu một bên hay một nhân chứng từ chối trình diện để trả lời trước thẩm phán, thì được phép hỏi cung họ kể cả việc nhờ một giáo dân do thẩm phán chỉ định hoặc yêu cầu họ khai trước mặt một công chứng viên dân sự hay bằng bất cứ cách thức hợp thức nào khác.
Điều 1529
Thẩm phán không được tiến hành việc thu thập chứng cớ trước khi có đổi tụng, trừ khi có một lý do nghiêm trọng.
Chương 1. Lời khai của các bên (Điều 1530 – 1538)
Điều 1530
Thẩm phán luôn luôn có thể thẩm vấn các bên để phát hiện rõ sự thật, hơn nữa, thẩm phán phải làm việc đó khi một bên yêu cầu hay đế chứng minh một sự kiện mà công ích đòi phải được đặt ra ngoài mọi sự hồ nghi.
Điều 1531
§1. Đương sự nào được thẩm vấn cách hợp pháp buộc phải trả lời và phải nói hết sự thật.
§2. Nếu đương sự từ chối trả lời, thẩm phán thẩm định xem điều gì có thể được rút ra từ đó đế chứng minh các sự kiện.
Điều 1532
Trong những trường hợp liên quan đến công ích, thẩm phán yêu cầu các bên phải thề là họ sẽ nói sự thật, hoặc ít nhất họ phải thề là họ đã nói sự thật, trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác; trong những trường hợp khác, thẩm phán có thể làm điều đó tùy sự khôn ngoan của mình.
Điều 1533
Các bên, công tố viên và bảo hệ viên có thể đệ trình cho thẩm phán những câu hỏi mà dựa theo đó một bên sẽ bị thẩm vấn.
Điều 1534
Các quy tắc được ấn định ở các điều 1548 §2, 1°, 1552 và 1558 – 1565 về các nhân chứng, cũng được áp dụng thích hợp trong việc thẩm vấn các bên.
Điều 1535
Lời tự thú tư pháp là lời thú nhận rằng một sự kiện liên quan đến chính đối tượng của vụ án đi ngược lại quyền lợi riêng của mình, do một bên nói miệng hoặc viết trên giấy tờ, hoặc tự ý hoặc do thẩm phán hỏi cung, trước mặt thẩm phán có thẩm quyền.
Điều 1536
§1. Lời tự thú tư pháp của một đương sự, nếu thuộc một vấn đề riêng tư và không liên quan đến công ích, thì miễn chuẩn cho các đương sự khác khỏi phải trưng dẫn chứng cớ.
§2. Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, lời tự thú tư pháp và những lời khai không có tính cách tự thú của các bên, có thể có giá trị chứng minh, thẩm phán phải thẩm định lời tự thú tư pháp và những lời khai đó trong tương quan với những yếu tố khác của vụ án; nhưng chúng không thể có giá trị chứng minh hoàn toàn nếu không được xác minh bằng những yếu tố vững chắc khác.
Điều 1537
Đối với lời tự thú ngoài tư pháp được trưng dẫn trong một vụ kiện, thẩm phán phải thẩm định xem lời tự thú đó có giá trị đến mức nào, sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh của vụ án.
Điều 1538
Một lời tự thú hay bất cứ lời khai nào khác của một đương sự sẽ không có giá trị, nếu xác nhận được rằng sự tự thú dựa trên sự lầm lẫn về sự kiện hoặc vì bạo lực hay vì một sự sợ hãi nghiêm trọng.
Chương 2. Chứng minh bằng tài liệu (Điều 1539 – 1546)
Điều 1539
Việc chứng minh bằng tài liệu, công cũng như tư, được chấp nhận trong bất cứ vụ kiện nào.
Tiết 1. Bản chất và giá trị chứng minh của các tài liệu (Điều 1540 – 1543)
Điều 1540
§1. Những tài liệu công của Giáo Hội là những tài liệu do một viên chức soạn thảo khi thi hành nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội, trong khi vẫn tuân giữ những thể thức do luật quy định.
§2. Những tài liệu công dân sự là những tài liệu mà luật pháp địa phương công nhận như thế.
§3. Những tài liệu khác là những tài liệu tư.
Điều 1541
Trừ khi có những luận cứ trái ngược và hiển nhiên chứng minh cách khác, những tài liệu công chứng thực tất cả những điều được quả quyết trực tiếp và chính yếu trong đó.
Điều 1542
Một tài liệu tư, do một bên thừa nhận hay được thẩm phán chấp nhận, có hiệu lực chứng minh như lời tự thú ngoài tư pháp chống lại tác giả hay người ký tên và những người kế quyền của họ; đối với những đệ tam nhân, tài liệu nói trên chỉ có hiệu lực chứng minh như những lời khai không có tính cách tự thú của các bên, chiếu theo quy tắc của điều 1536 §2.
Điều 1543
Nếu chứng minh được rằng các tài liệu có những vết tẩy xoá, sửa chữa, thêm thắt hay hà tỳ nào khác, thẩm phán thẩm định xem tài liệu ấy có đáng tin không và đáng tin tới mức nào.
Tiết 2. Xuất trình tài liệu (Điều 1544 – 1546)
Điều 1544
Những tài liệu không có hiệu lực chứng minh trong một vụ kiện, nếu đó không phải là những bản chính hoặc những bản sao đã được công chứng và nếu không được đệ nạp ở văn phòng tòa án, để thẩm phán và đối phương có thể nghiên cứu được.
Điều 1545
Thẩm phán có quyền ra lệnh xuất trình trong vụ kiện một tài liệu chung cho cả hai bên.
Điều 1546
§1. Không ai bị bắt buộc phải xuất trình những tài liệu, dù là những tài liệu chung, khi việc trao đổi những tài liệu ấy có nguy cơ gây ra thiệt hại, chiếu theo quy tắc của điều 1548 §2, 2°, hoặc có nguy cơ vi phạm việc giữ bí mật.
§2. Tuy nhiên, nếu có thể trích lục ít là một phần nào đó của tài liệu và trình bày dưới dạng bản sao mà không gây ra những bất tiện nêu trên, thì thẩm phán có thể ra lệnh xuất trình phần tài liệu ấy.
Chương 3. Các nhân chứng và việc làm chứng (Điều 1547 – 1573)
Điều 1547
Bằng chứng qua các nhân chứng được chấp nhận trong bất cứ vụ án nào, dưới sự điều hành của thẩm phán.
Điều 1548
§1. Các nhân chứng phải nói sự thật khi họ được thẩm phán hỏi cách hợp pháp.
§2. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1550 §2, 2°, những người sau đây được miễn trả lời:
1° các giáo sĩ trong những vấn đề họ biết được do tác vụ thánh; các viên chức dân sự, các thầy thuốc, các nữ hộ sinh, các luật sư, các công chứng viên và tất cả những người buộc phải giữ bí mật nghề nghiệp, kể cả những người mang danh hiệu cố vấn, trong tất cả những vấn đề thuộc về bí mật này;
2° những người sợ rằng việc làm chứng của họ sẽ làm cho chính bản thân họ, hoặc cho người phối ngẫu, hoặc cho những thân nhân thuộc họ máu hay họ kết bạn, bị mất thanh danh, bị đối xử tàn tệ, hay bị những hiểm họa khác.
Tiết 1. Những người có thể làm chứng (Điều 1549 – 1550)
Điều 1549
Tất cả mọi người đều có thể làm chứng, nếu họ không bị luật minh nhiên loại bỏ hoàn toàn hay một phần.
Điều 1550
§1. Những người vị thành niên dưới mười bốn tuổi và những người suy nhược tâm thần không được nhận làm nhân chứng, nhưng họ có thể được hỏi ý kiến do sắc lệnh của thẩm phán tuyên bố rằng điều đó hữu ích.
§2. Những người sau đây được coi là không có khả năng làm chứng:
1° các bên trong vụ án, hoặc những người đại diện cho các bên trước tòa, thẩm phán và những người trợ tá của thẩm phán, luật sư và những người khác đang hay đã giúp đỡ các bên trong cùng một vụ án;
2° các tư tế trong tất cả những điều họ biết được do việc thú tội trong bí tích Sám Hối, ngay cả khi hối nhân yêu cầu tiết lộ những điều ấy; hơn nữa, những gì nghe được do bất cứ ai và bằng bất cứ cách nào nhân dịp thú tội, cũng không thể được chấp nhận, dù chỉ như là dấu hiệu của sự thật.
Tiết 2. Chấp nhận và loại trừ nhân chứng (Điều 1551 – 1557)
Điều 1551
Bên nào đã đưa một nhân chứng ra tòa, thì có thể khước từ việc thẩm vấn nhân chứng ấy; nhưng đối phương có thể yêu cầu cứ thẩm vấn nhân chứng ấy.
Điều 1552
§1. Khi được yêu cầu lấy chứng cớ qua các nhân chứng, thì phải cho tòa án biết tên và nơi cư trú của họ.
§2. Trong thời hạn do thẩm phán ấn định, phải trình bày những điểm nào muốn yêu cầu để thẩm vấn những nhân chứng; bằng không, lời yêu cầu sẽ được xem như đã bị hủy bỏ.
Điều 1553
Thẩm phán phải hạn chế đừng đề cho có quá nhiều nhân chứng.
Điều 1554
Trước khi thẩm vấn các nhân chứng, phải thông báo tên của họ cho các bên; nhưng nếu theo sự thẩm định khôn ngoan của mình, thẩm phán thấy điều đó không thể thực hiện được mà không gây khó khăn nghiêm trọng, thì ít nhất phải thông báo tên của các nhân chứng trước khi công bố các lời chứng.
Điều 1555
Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1550, một bên có thể yêu cầu loại bỏ một nhân chứng, nếu có một lý do chính đáng để loại bỏ, trước khi nhân chứng ấy cung khai.
Điều 1556
Việc triệu tập một nhân chứng phải được thực hiện do sắc lệnh của thẩm phán, sắc lệnh này được thông báo cho nhân chứng cách hợp pháp.
Điều 1557
Một nhân chứng được triệu tập cách hợp pháp thì phải trình diện hoặc phải cho thẩm phán biết lý do vắng mặt của mình.
Tiết 3. Thẩm vấn các nhân chứng (Điều 1558 – 1571)
Điều 1558
§1. Những nhân chứng phải được thẩm vấn tại chính trụ sở tòa án, trừ khi thẩm phán định cách khác.
§2. Các Hồng y, các Thượng Phụ, các Giám mục và những người được hưởng đặc ân tương tự theo luật quốc gia của họ, phải được thẩm vấn tại nơi do chính họ lựa chọn.
§3. Thẩm phán phải quyết định về nơi chốn để thẩm vấn những người không thế hay khó đến trụ sở tòa án vì xa xôi, vì bệnh tật hay vì một ngăn trở nào khác, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1418 và 1469 §2.
Điều 1559
Các bên không được tham dự cuộc chấp cung các nhân chứng, trừ khi thẩm phán thẩm định là phải cho họ tham dự, cách riêng trong các vụ án việc liên quan đến tư ích. Tuy nhiên, những luật sư hay những người đại diện của họ có thể tham dự, trừ khi thẩm phán thẩm định phải tiến hành cách bí mật, vì những hoàn cảnh sự việc hay con người.
Điều 1560
§1. Các nhân chứng phải được thẩm vấn riêng từng người một.
§2. Nếu các nhân chứng bất đồng ý kiến với nhau hay với một bên về một vấn đề quan trọng, thẩm phán có thể cho những người ấy gặp nhau, tức là đối chất với nhau, nhưng phải làm hết sức để tránh những bất hòa và gương xấu.
Điều 1561
Việc chấp cung các nhân chứng được thực hiện do thẩm phán hay do người được thẩm phán ủy nhiệm hoặc do một dự thẩm, và phải có sự hiện diện của công chứng viên; vì thế, trừ khi luật địa phương ấn định cách khác, nếu các bên, hay công tố viên, hay bảo hệ viên, hay những luật sư hiện diện trong cuộc chấp cung có điều gì muốn hỏi nhân chứng thì không được hỏi thẳng nhân chứng, nhưng phải đưa câu hỏi cho thẩm phán hay cho người thay thế thẩm phán, để chính người này hỏi lại nhân chứng.
Điều 1562
§1. Thẩm phán phải nhắc nhở cho nhân chứng biết nghĩa vụ quan trọng phải nói hết mọi sự thật và chỉ nói sự thật mà thôi.
§2. Thẩm phán phải buộc nhân chứng tuyên thệ chiếu theo điều 1532; nhưng nếu nhân chứng từ chối tuyên thệ, thì cũng phải nghe người ấy cung khai, mặc dầu họ không tuyên thệ.
Điều 1563
Trước tiên, thẩm phán phải kiểm chứng lý lịch của nhân chứng, phải hỏi nhân chứng có liên hệ gì với các bên, và khi đặt ra cho nhân chứng những câu hỏi riêng biệt liên quan đến vụ án, thẩm phán cũng phải hỏi cho biết chính xác nơi chốn và thời gian mà nhân chứng biết được những điều họ quả quyết.
Điều 1564
Các câu hỏi phải ngắn gọn, hợp với tầm hiểu biết của người được thẩm vấn, không bao hàm một lúc nhiều vấn đề, không quanh co, không xảo quyệt, không gợi ra câu trả lời, hoặc không có tính cách khiêu khích bất cứ ai và phải liên quan đến vụ án đang được xét xử.
Điều 1565
§1. Những câu hỏi không được thông báo trước cho các nhân chứng.
§2. Tuy nhiên, nếu các sự kiện phải được làm chứng đã bị quên đi đến nỗi nếu không được gợi lại trước thì sẽ không quả quyết chắc chắn được, thẩm phán có thể nói trước cho nhân chứng một vài điểm, nếu nghĩ rằng điều đó không có gì nguy hại.
Điều 1566
Các nhân chứng phải cung khai bằng miệng và không được đọc điều đã viết sẵn, trừ khi phải nói đến những việc tính toán và sổ sách; trong trường hợp này, họ có thể tham khảo những điều ghi chú họ đã mang theo.
Điều 1567
§1. Câu trả lời phải được công chứng viên ghi ngay trên giấy tờ và phải ghi nguyên văn những lời nói của nhân chứng, ít nhất đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến đối tượng của vụ án.
§2. Có thể chấp nhận việc sử dụng máy ghi âm, miễn là sau đó các câu trả lời phải được ghi chép lại trên giấy tờ, và nếu có thể, phải được những người cung khai ký tên vào.
Điều 1568
Công chứng viên phải ghi vào các án từ lời thề đã được đọc, được miễn chuẩn hay bị từ chối, sự hiện diện của các bên và của những đệ tam nhân, các câu hỏi được thêm vào chiếu theo chức vụ, và nói chung, tất cả những gì đáng ghi nhớ đã xảy ra trong cuộc thẩm vấn các nhân chứng.
Điều 1569
§1. Thẩm vấn xong, phải đọc cho nhân chứng nghe những lời khai của họ đã được công chứng viên ghi lại trên giấy tờ hay đã được thu qua máy ghi âm, và phải cho nhân chứng được quyền thêm, bỏ, sửa chữa, thay đổi các lời đã cung khai.
§2. Tiếp đến, nhân chứng, thẩm phán và công chứng viên phải ký vào án từ.
Điều 1570
Trước khi công bố các án từ hay những lời chứng, các nhân chứng, mặc dầu đã được thẩm vấn rồi, vẫn có thể được mời ra để thẩm vấn lần nữa, do một bên yêu cầu hoặc chiếu theo chức vụ, nếu thẩm phán thấy điều đó là cần thiết hay hữu ích, miễn là không có nguy cơ thông đồng hay hối lộ nào.
Điều 1571
Tùy theo sự ước tính hợp tình hợp lý của thẩm phán, phải bồi thường cho các nhân chứng những phí tổn phải chịu cũng như những lợi tức đã mất vì phải ra tòa làm chứng.
Tiết 4. Giá trị của các lời chứng (Điều 1572 – 1573)
Điều 1572
Trong việc thẩm định các lời chứng, sau khi đã đòi phải có những chứng thư nếu cần, thẩm phán phải cứu xét:
1° tư cách và tiếng tăm của nhân chứng;
2° nhân chứng có cung khai điều họ biết hay không, nhất là điều do mắt thấy tai nghe, hoặc là theo ý kiến riêng của họ, hoặc do dư luận, hoặc do người khác nói lại;
3° nhân chứng có nhất quán, kiên trì, và mạch lạc với mình hay không, hoặc là hay thay đổi, hoặc là không chắc chắn, hoặc là do dự;
4° điều mà nhân chứng đã quả quyết có được những nhân chứng khác hoặc những yếu tố chứng minh khác xác nhận hay không.
Điều 1573
Lời khai của một nhân chứng duy nhất không thể đáng tin hoàn toàn, trừ khi người đó là một nhân chứng có tư cách chuyên môn và cung khai những việc mà họ đã thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ, hoặc trừ khi hoàn cảnh sự việc và con người khuyến cáo cách khác.
Chương 4. Các giám định viên (Điều 1574 – 1581)
Điều 1574
Phải nhờ đến các giám định viên, mỗi khi luật quy định hoặc mỗi khi thẩm phán cần đến việc nghiên cứu và ý kiến của họ dựa trên những quy luật kỹ thuật hay khoa học, để chứng minh một sự kiện hay để biết thực chất của một sự vật.
Điều 1575
Thẩm phán phải bổ nhiệm các giám định viên, sau khi đã nghe các bên hay do các bên đề nghị, hoặc nếu có dịp, phải thu nạp những bản phúc trình do các giám định viên khác soạn thảo.
Điều 1576
Các giám định viên cũng bị loại trừ hoặc có thể bị khước từ vì cùng những lý do như các nhân chứng.
Điều 1577
§1. Sau khi đã lưu ý đến những luận cứ do các bên đối tụng trình bày, thẩm phán phải ra sắc lệnh ấn định từng điểm mà các giám định viên phải nghiên cứu.
§2. Phải trao cho giám định viên những án từ của vụ án cũng như những tài liệu và những chi tiết khác mà họ có thể cần đến để chu toàn nhiệm vụ cách đứng đắn và trung thực.
§3. Sau khi đã bàn hỏi với giám định viên, thẩm phán phải ấn định thời hạn đế hoàn tất việc giám định và đệ nạp bản phúc trình.
Điều 1578
§1. Mỗi giám định viên phải làm bản phúc trình riêng, trừ khi thẩm phán ra lệnh làm chung một bản, để từng người ký vào; trong trường hợp này, nếu có những ý kiến bất đồng, thì phải ghi chú cẩn thận.
§2. Những giám định viên phải chỉ rõ là do những tài liệu nào hay do những cách thế thích hợp nào mà họ biết được lý lịch các nhân sự, các sự việc hay các nơi chốn; họ phải chỉ rõ là họ đã dùng đường lối nào và phương pháp nào để thi hành sứ mệnh đã được trao phó, và nhất là họ phải cho biết rõ là họ đã dựa trên những chứng cớ nào để kết luận.
§3. Giám định viên có thể được thẩm phán triệu tập để cung cấp thêm những lời giải thích mà về sau mới thấy là cần thiết.
Điều 1579
§1. Thẩm phán phải cân nhắc cẩn thận không những các kết luận của các giám định viên, ngay khi chúng ăn khớp với nhau, mà cả các hoàn cảnh khác của vụ án nữa.
§2. Khi đưa ra những lý do quyết định của mình, thẩm phán phải trình bày những lý do đã đưa đến việc chấp nhận hay bác bỏ những kết luận của các giám định viên.
Điều 1580
Phải hoàn trả cho các giám định viên những phí tổn và thù lao do thẩm phán ấn định cách hợp lý và công bình, miễn là vẫn giữ nguyên luật địa phương.
Điều 1581
§1. Các bên có thể chọn các giám định viên tư được thẩm phán chấp nhận.
§2. Nếu thẩm phán cho phép, các giám định viên tư này có thể tham khảo các án từ của vụ án, tùy theo mức độ cần thiết, và theo dõi diễn tiến của việc giám định, tuy nhiên, họ luôn luôn có thể nộp bản phúc trình riêng của họ.
Chương 5. Đi đến hiện trường và kiểm định tư pháp (Điều 1582 – 1583)
Điều 1582
Để thẩm vấn một vụ án, nếu thẩm phán nhận thấy cần phải đi đến một nơi hay cần phải xem xét một vật, thì phải quyết định điều đó bằng một sắc lệnh, trong đó phải vắn tắt kê khai những điều phải làm trong lúc đi đến hiện trường, sau khi đã bàn hỏi với các bên.
Điều 1583
Phải lập biên bản về việc kiểm định đã được thực hiện.
Chương 6. Những suy đoán (Điều 1584 – 1586)
Điều 1584
Sự suy đoán là sự phỏng định hữu lý về một việc không chắc chắn; sự suy đoán pháp định là sự suy đoán do chính luật ấn định; sự suy đoán nhân định là sự suy đoán do thẩm phán phỏng định.
Điều 1585
Người nào có sự suy đoán pháp định thuận lợi cho mình thì người ấy khỏi phải viện dẫn chứng cớ, nghĩa vụ viện dẫn chứng cớ này thuộc về đối phương.
Điều 1586
Thẩm phán không được phỏng định những sự suy đoán mà luật pháp không ấn định, nếu không căn cứ vào một sự kiện chắc chắn và nhất định có liên hệ trực tiếp đến điều đang tranh chấp.