Điều 145
§1. Giáo vụ là bất cứ nhiệm vụ nào đã được thiết lập một cách bền vững hoặc do ý định của Thiên Chúa hay của Giáo Hội để được thi hành nhằm một mục đích thiêng liêng.
§2. Những nghĩa vụ và những quyền lợi riêng của từng giáo vụ được ấn định hoặc do chính luật thiết lập giáo vụ hoặc do sắc lệnh của nhà chức trách có thẩm quyền vừa thiết lập vừa trao ban giáo vụ ấy.
Chương 1. Bổ nhiệm vào giáo vụ (Điều 146 – 183)
Điều 146
Giáo vụ không thể được thủ đắc cách thành sự nếu không có sự bổ nhiệm theo giáo luật.
Điều 147
Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ được thực hiện do sự tự ý trao ban của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, do sự cắt đặt của nhà chức trách đó sau khi được giới thiệu, do sự chuẩn y của nhà chức trách đó sau khi bầu cử hoặc do sự chấp nhận của nhà chức trách đó sau khi thỉnh cử, và sau hết, do việc bầu cử đơn thường và do sự chấp nhận của người đắc cử, nếu việc bầu cử không cần được chuẩn y.
Điều 148
Việc bổ nhiệm vào giáo vụ thuộc thẩm quyền nhà chức trách nào thiết lập, canh tân và bãi bỏ giáo vụ, trừ khi luật đã ấn định cách khác.
Điều 149
§1. Để có thể được đề cử vào một giáo vụ, đương sự phải thông hiệp với Giáo Hội và có khả năng xứng hợp, nghĩa là hội đủ những đức tính mà luật phổ quát hay luật địa phương hoặc luật thành lập đòi phải có đối với giáo vụ ấy.
§2. Việc bổ nhiệm một người thiếu những đức tính cần thiết vào một giáo vụ chỉ vô hiệu khi luật phổ quát hay luật địa phương hoặc luật thành lập minh nhiên đòi phải có để việc bổ nhiệm được hữu hiệu, bằng không, việc bổ nhiệm vẫn thành sự, nhưng có thể bị hủy bỏ do sắc lệnh của nhà chức trách có thẩm quyền hoặc do bản án của tòa án hành chính.
§3. Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.
Điều 150
Một giáo vụ hàm chứa toàn bộ việc coi sóc các linh hồn mà việc chu toàn giáo vụ này đòi phải thi hành chức tư tế, thì không thể trao ban cách hữu hiệu cho người chưa có chức ấy.
Điều 151
Không được trì hoãn việc bổ nhiệm vào một giáo vụ hàm chứa việc coi sóc các linh hồn, khi không có lý do nghiêm trọng.
Điều 152
Không được trao cho ai hai hay nhiều giáo vụ không tương hợp với nhau, nghĩa là những giáo vụ không thể được chu toàn trong cùng một lúc và do cùng một người.
Điều 153
§1. Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ không khuyết vị theo luật thì đương nhiên vô hiệu, và không trở thành hữu hiệu do sự khuyết vị sau đó.
§2. Tuy nhiên, nếu là một giáo vụ được trao ban trong một thời gian nhất định chiếu theo luật, thì việc bổ nhiệm có thể được thực hiện trong vòng sáu tháng trước khi hết hạn, và có hiệu lực kể từ ngày giáo vụ khuyết vị.
§3. Lời hứa ban một giáo vụ của bất cứ người nào không có một hiệu lực pháp lý nào cả.
Điều 154
Một giáo vụ khuyết vị chiếu theo luật vẫn đang bị chiếm giữ cách bất hợp pháp có thể được trao ban, miễn là đã hợp thức tuyên bố rằng việc chiếm giữ trên là bất hợp pháp, và phải ghi lời tuyên bố đó trong văn thư trao ban.
Điều 155
Người nào thay thế một người lơ đễnh hay bị cản trở để trao ban một giáo vụ, thì không vì thế mà có một quyền hành nào trên người đã nhận giáo vụ, nhưng tình trạng pháp lý của người này được thiết lập thích đáng như thể là việc bổ nhiệm đã được thực hiện chiếu theo quy tắc thông thường của luật.
Điều 156
Việc bổ nhiệm vào bất cứ giáo vụ nào phải được ghi trong văn bản.
Tiết 1. Tự ý trao ban (Điều 157)
Điều 157
Nếu luật không minh nhiên ấn định cách khác, việc bổ nhiệm vào những giáo vụ trong Giáo Hội địa phương qua việc tự ý trao ban thuộc về Giám mục giáo phận.
Tiết 2. Giới thiệu (Điều 158 – 163)
Điều 158
§1. Người nào có quyền giới thiệu vào một giáo vụ thì phải giới thiệu lên nhà chức trách có quyền bổ nhiệm vào giáo vụ đó trong vòng ba tháng, kể từ khi biết tin giáo vụ khuyết vị, trừ khi đã được quy định cách khác hợp pháp.
§2. Nếu quyền giới thiệu thuộc về một hiệp đoàn hay một nhóm người, thì việc chỉ định người được giới thiệu phải được tiến hành theo những quy định của các điều 165-179.
Điều 159
Không được giới thiệu ai khi họ không muốn, vì thế, người được đề nghị có thể được giới thiệu, nếu họ không từ chối trong vòng tám ngày hữu dụng, sau khi đã được hỏi ý kiến.
Điều 160
§1. Người nào có quyền giới thiệu thì có thể giới thiệu một hay nhiều người hoặc cùng một lúc hoặc kế tiếp nhau.
§2. Không ai có thể tự giới thiệu mình, nhưng một hiệp đoàn hay một nhóm người có thể giới thiệu một trong những thành viên của mình.
Điều 161
§1. Nếu luật không ấn định cách khác, ai đã giới thiệu một người bị nhận xét là không có khả năng xứng hợp, thì có thể giới thiệu một người khác trong vòng một tháng, nhưng chỉ một lần mà thôi.
§2. Nếu người được giới thiệu từ chối hoặc qua đời trước khi được bổ nhiệm, thì người có quyền giới thiệu có thể sử dụng quyền của mình một lần nữa trong vòng một tháng, kể từ khi biết tin người đó từ chối hoặc qua đời.
Điều 162
Người nào trong thời hạn hữu dụng chiếu theo các điều 158 §1 và 161, đã không giới thiệu, cũng như người nào đã hai lần giới thiệu một người bị nhận xét là không có khả năng xứng hợp, thì mất quyền giới thiệu trong trường hợp này; và nhà chức trách nào có nhiệm vụ bổ nhiệm thì phải tự ý bổ nhiệm vào giáo vụ khuyết vị, nhưng phải được Đấng Bản Quyền riêng của người được bổ nhiệm đồng ý.
Điều 163
Nhà chức trách nào, chiếu theo quy tắc của luật, có nhiệm vụ bổ nhiệm người đã được giới thiệu, thì phải bổ nhiệm người đã được giới thiệu cách hợp pháp mà họ nhận xét là có khả năng xứng hợp và đã chấp nhận; còn nếu nhiều người được giới thiệu cách hợp pháp đều được nhận xét là có khả năng xứng hợp, thì nhà chức trách ấy phải bổ nhiệm một trong những người đó.
Tiết 3. Bầu cử (Điều 164 – 179)
Điều 164
Trừ khi luật đã dự liệu cách khác, phải giữ những quy định của các điều khoản sau đây trong các cuộc bầu cử theo giáo luật.
Điều 165
Trừ khi luật hay quy chế hợp pháp của hiệp đoàn hoặc của nhóm đã dự liệu cách khác, nếu một hiệp đoàn hay một nhóm người nào có quyền bầu cử vào một giáo vụ, thì không được hoãn việc bầu cử quá ba tháng hữu dụng, tính từ khi biết tin giáo vụ khuyết vị; khi thời hạn ấy trôi qua vô ích, thì nhà chức trách Giáo Hội có quyền chuẩn y việc bầu cử hay nhà chức trách Giáo Hội có quyền bổ nhiệm kế tiếp phải tự ý bổ nhiệm vào giáo vụ khuyết vị.
Điều 166
§1. Chủ tịch hiệp đoàn hoặc nhóm phải triệu tập mọi người thuộc hiệp đoàn hay thuộc nhóm; nhưng khi mang tính cách cá nhân, thì việc triệu tập có giá trị, nếu được thực hiện tại nơi họ có cư sở hay bán cư sở hoặc nơi họ cư ngụ.
§2. Nếu một người nào đó trong số những người phải được triệu tập bị bỏ sót cho nên vắng mặt, thì việc bầu cử vẫn hữu hiệu; tuy nhiên, theo lời yêu cầu của đương sự, với điều kiện là có bằng chứng về sự bỏ sót và sự vắng mặt, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải hủy bỏ cuộc bầu cử, dù đã được chuẩn y, miễn là phải rõ ràng theo pháp lý là việc khiếu nại đã được chuyển đi trễ nhất là ba ngày, kể từ khi biết có cuộc bầu cử.
§3. Nếu hơn một phần ba cử tri bị bỏ sót, cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, trừ khi mọi người bị bỏ sót đã thực sSự có mặt.
Điều 167
§1. Sau khi đã được triệu tập cách hợp pháp, những người hiện diện đúng ngày và đúng nơi đã được ấn định trong lệnh triệu tập có quyền bỏ phiếu; không được bỏ phiếu qua thư hay qua người đại diện, trừ khi quy chế đã dự liệu cách khác hợp pháp.
§2. Nếu một người nào đó trong số các cử tri hiện diện tại nhà diễn ra cuộc bầu cử, nhưng không tham dự cuộc bầu cử được vì lý do sức khoẻ, thì những người kiểm phiếu phải thu phiếu do người ấy viết.
Điều 168
Dù một người có quyền nhân danh cá nhân mình bỏ phiếu với nhiều danh nghĩa, họ cũng chỉ có thể bỏ một phiếu mà thôi.
Điều 169
Để một cuộc bầu cử được hữu hiệu, không một người nào có thể được chấp nhận cho bỏ phiếu nếu không thuộc về hiệp đoàn hay nhóm.
Điều 170
Cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, nếu trong đó tự do đã thực sự bị cản trở bằng bất cứ cách nào.
Điều 171
§1. Không có tư cách để bỏ phiếu:
1° người không có khả năng thực hiện một hành vi nhân linh;
2° người không có quyền bầu cử,
3° người bị tuyên kết hay tuyên bố vạ tuyệt thông, hoặc do bản án của tòa án, hoặc do sắc lệnh;
4° người đã hiển nhiên lìa bỏ sự hiệp thông với Giáo Hội.
§2. Nếu một trong những người kể trên được chấp nhận cho bỏ phiếu, thì phiếu của người ấy không có giá trị, nhưng cuộc bầu cử vẫn hữu hiệu, trừ khi thấy rõ là người đắc cử sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết, nếu loại phiếu ấy ra.
Điều 172
§1. Để thành sự, phiếu phải là:
1° phiếu tự do; cho nên người nào do sợ hãi nghiêm trọng hoặc do man trá bị ép buộc trực tiếp hay gián tiếp phải bầu một người nhất định hoặc nhiều người riêng rẽ, thì phiếu của người ấy vô giá trị;
2° phiếu kín, chắc chắn, tuyệt đối, xác định.
§2. Các điều kiện đã được đặt ra cho việc bỏ phiếu trước khi bầu cử đều phải được coi như không có.
Điều 173
§1. Trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, phải chỉ định ít nhất là hai người kiểm phiếu trong số những thành viên của hiệp đoàn hay của nhóm.
§2. Người kiểm phiếu phải thu phiếu và phải kiểm tra trước mặt vị chủ tọa cuộc bầu cử xem số phiếu có đúng với số cử tri không, sau đó kiểm phiếu và công bố mỗi người được bao nhiêu phiếu.
§3. Nếu số phiếu vượt quá số người bỏ phiếu, thì cuộc bầu cử vô giá trị.
§4. Tất cả mọi văn bản của cuộc bầu cử phải được người giữ nhiệm vụ thư ký ghi chép cẩn thận, ít nhất phải có chữ ký của người ấy, của vị chủ tọa và của các người kiểm phiếu, và phải được lưu trữ cẩn mật trong văn khố của hiệp đoàn.
Điều 174
§1. Trừ khi luật hoặc quy chế đã dự liệu cách khác, cuộc bầu cử cũng có thể được thực hiện bằng cách hiệp thương, miễn là các cử tri nhất trí thỏa thuận với nhau bằng văn bản để chuyển nhượng quyền bầu cử lần ấy cho một hay nhiều người có khả năng xứng hợp, hoặc thuộc về hiệp đoàn, hoặc ở ngoài hiệp đoàn, những người đó sẽ bầu cử nhân danh mọi người, do năng quyền đã được lãnh nhận.
§2. Trong trường hợp một hiệp đoàn hoặc một nhóm chỉ gồm các giáo sĩ mà thôi, thì những người được chuyển nhượng quyền bầu cử phải có chức thánh; bằng không, cuộc bầu cử sẽ vô giá trị.
§3. Những người được chuyển nhượng quyền bầu cử phải tuân theo những quy định của luật về bầu cử, và phải giữ các điều kiện không trái ngược với luật được đặt ra cho việc hiệp thông, để cuộc bầu cử được hữu hiệu; còn những điều kiện trái ngược với luật phải được coi như không có.
Điều 175
Việc hiệp thương chấm dứt và quyền bỏ phiếu được trả về cho những người chuyển nhượng quyền:
1° do hiệp đoàn hay do nhóm thu hồi trước khi bắt đầu thi hành;
2° do không thi hành một điều kiện nào đó được đặt ra cho việc hiệp thương;
3° do cuộc bầu cử đã xong, nhưng vô hiệu.
Điều 176
Trừ khi luật hay quy chế đã dự liệu cách khác, người nào đạt được số phiếu cần thiết, thì được coi như đắc cử và vị chủ tịch hiệp đoàn hay nhóm phải tuyên bố như vậy, chiếu theo quy tắc của điều 119, 1°.
Điều 177
§1. Việc bầu cử phải được thông báo ngay cho người đắc cử; người này phải cho vị chủ tịch hiệp đoàn hoặc nhóm biết mình có chấp nhận hay không trong vòng tám ngày hữu dụng, kể từ khi nhận được thông báo; nếu không, việc bầu cử sẽ không có hiệu lực.
§2. Nếu người đắc cử không chấp nhận, thì họ sẽ mất mọi quyền lợi bắt nguồn từ việc bầu cử, dù sau đó có chấp nhận, họ cũng không lấy lại được những quyền ấy, nhưng họ có thể được bầu lại; hiệp đoàn hay nhóm phải tiến hành một cuộc bầu cử khác trong vòng một tháng, kể từ khi biết tin người đắc cử không chấp nhận.
Điều 178
Ngay sau khi chấp nhận việc bầu cử, người đắc cử giữ giáo vụ ngay với đầy đủ mọi quyền lợi, nếu việc bầu cử không cần được chuẩn y; bằng không, họ chỉ được quyền nhận giáo vụ.
Điều 179
§1. Nếu việc bầu cử cần phải được chuẩn y, thì người đắc cử phải đích thân hoặc nhờ người khác xin nhà chức trách có thẩm quyền chuẩn y trong vòng tám ngày hữu dụng, kể từ khi chấp nhận việc bầu cử; bằng không, họ sẽ mất mọi quyền lợi, trừ khi họ chứng minh được rằng mình chưa xin chuẩn y được vì có một ngăn trở chính đáng.
§2. Nếu thấy người đắc cử có khả năng xứng hợp chiếu theo quy tắc của điều 149 §1, và nếu việc bầu cử đã được thực hiện đúng luật, thì nhà chức trách có thẩm quyền không thể từ chối việc chuẩn y.
§3. Việc chuẩn y phải được viết trên giấy tờ.
§4. Trước khi nhận được văn thư chuẩn y, người đắc cử không được phép xen mình vào việc thi hành giáo vụ về mặt thiêng liêng hoặc về mặt vật chất, và giả như họ có thực hiện hành vi nào, thì hành vi đó sẽ vô hiệu.
§5. Ngay sau khi nhận được văn thư chuẩn y, người đắc cử đương nhiên giữ giáo vụ, trừ khi luật đã dự liệu cách khác.
Tiết 4. Thỉnh cử (Điều 180 – 183)
Điều 180
§1. Nếu người mà các cử tri nhận thấy là có khả năng hơn và họ ưng ý hơn, lại mắc một ngăn trở theo giáo luật và ngăn trở ấy có thể được miễn chuẩn và thường được miễn chuẩn, thì họ có thể thỉnh cử người ấy lên thẩm quyền qua lá phiếu của mình, trừ khi luật định cách khác.
§2. Những người được chuyển nhượng quyền bầu cử không thể thỉnh cử, trừ khi điều đó đã được ghi trong bản hiệp thương.
Điều 181
§1. Để việc thỉnh cử được hữu hiệu, cần phải có ít là hai phần ba tổng số phiếu bầu.
§2. Phiếu thỉnh cử phải được diễn tả bằng những từ: tôi thỉnh cử, hoặc bằng những từ tương đương; công thức: tôi bầu hay tôi thỉnh cử hoặc công thức tương đương, có giá trị cho việc bầu cử nếu không có ngăn trở; còn nếu có ngăn trở, thì có giá trị cho việc thỉnh cử.
Điều 182
§1. Vị chủ tịch phải chuyển đạt sự thỉnh cử lên nhà chức trách có thẩm quyền chuẩn y việc bầu cử trong vòng tám ngày hữu dụng; nhà chức trách này miễn chuẩn ngăn trở, hoặc nếu không có quyền miễn chuẩn này, thì xin nhà chức trách cấp trên miễn chuẩn; nếu việc chuẩn y không cần thiết, thì sự thỉnh cử phải được gửi lên nhà chức trách có thẩm quyền để được miễn chuẩn.
§2. Nếu sự thỉnh cử không được chuyển đạt trong thời hạn đã được ấn định, thì đương nhiên vô hiệu, và lần này, hiệp đoàn hoặc nhóm mất quyền bầu cử hoặc thỉnh cử, trừ khi chứng minh được rằng vị chủ tịch đã không chuyển đạt sự thỉnh cử vì một ngăn trở chính đáng; hoặc đã không chuyển đạt sự thỉnh cử đúng thời hạn vì man trá hay vì lơ đễnh.
§3. Sự thỉnh cử không đem lại quyền lợi nào cho người được thỉnh cử; nhà chức trách có thẩm quyền không buộc phải chấp nhận việc thỉnh cử.
§4. Các cử tri không thể rút lại sự thỉnh cử đã được chuyển đạt lên nhà chức trách có thẩm quyền, trừ khi có sự đồng ý của nhà chức trách ấy.
Điều 183
§1. Nếu nhà chức trách có thẩm quyền không chấp nhận sự thỉnh cử, quyền bầu cử lại thuộc về hiệp đoàn hoặc nhóm.
§2. Nếu sự thỉnh cử đã được chấp thuận, phải thông báo cho người được thỉnh cử biết, người này phải trả lời chiếu theo quy tắc của điều 177 §1.
§3. Người nào ưng nhận sự thỉnh cử đã được chấp thuận, thì giữ giáo vụ ngay với đầy đủ mọi quyền lợi.
Chương 2. Chấm dứt giáo vụ (Điều 184 – 196)
Điều 184
§1. Một giáo vụ chấm dứt do mãn thời hạn đã được ấn định, do đã đến tuổi luật định, do từ nhiệm, do thuyên chuyển, do giải nhiệm và do bãi nhiệm.
§2. Giáo vụ không chấm dứt khi nhà chức trách đã trao ban một giáo vụ hết quyền dưới bất cứ hình thức nào, nếu luật không dự liệu cách khác.
§3. Khi việc chấm dứt giáo vụ đã có hiệu lực, phải thông báo sớm hết sức cho tất cả những người có quyền trong việc bổ nhiệm giáo vụ.
Điều 185
Tước hiệu danh dự có thể được tặng cho người đã chấm dứt giáo vụ do quá hạn tuổi, hoặc do sự từ nhiệm đã được chấp nhận.
Điều 186
Việc chấm dứt giáo vụ do mãn thời hạn đã được ấn định hay do quá hạn tuổi chỉ có hiệu lực từ khi nhà chức trách có thẩm quyền thông báo điều đó bằng văn thư.
Tiết 1. Từ nhiệm (Điều 187 – 189)
Điều 187
Bất cứ ai còn làm chủ được bản thân mình đều có thể từ bỏ một giáo vụ vì một lý do chính đáng. Điều 188
Điều 188
Việc từ nhiệm do một sự sợ hãi nghiêm trọng phải chịu cách bất công, do man trá hay do lầm lẫn về bản thể, hoặc do mại thánh, thì đương nhiên vô hiệu.
Điều 189
§1. Dù có cần được chấp thuận hay không, đơn xin từ nhiệm phải được đệ nạp lên thẩm quyền có quyền bổ nhiệm vào giáo vụ và phải được thực hiện bằng giấy tờ hoặc bằng miệng trước mặt hai nhân chứng, thì mới hữu hiệu.
§2. Nhà chức trách không nên chấp thuận một sự từ nhiệm không dựa trên một lý do chính đáng và cân xứng.
§3. Nếu việc từ nhiệm nào đòi hỏi sự chấp thuận mà không được chấp thuận trong vòng ba tháng thì việc từ nhiệm đó không có hiệu lực; còn việc từ nhiệm nào không đòi hỏi sự chấp thuận thì có hiệu lực ngay, khi người từ nhiệm thông báo điều đó chiếu theo quy tắc của luật.
§4. Bao lâu việc từ nhiệm chưa có hiệu lực, người từ nhiệm có thể rút lại sự từ nhiệm; khi đã có hiệu lực rồi, thì không thể rút lại được nữa, nhưng người từ nhiệm có thể xin giữ giáo vụ với một danh nghĩa khác.
Tiết 2. Thuyên chuyển (Điều 190 – 191)
Điều 190
§1. Việc thuyên chuyển chỉ có thể được thực hiện do người có quyền bổ nhiệm vào giáo vụ đã được chấm dứt cũng như vào giáo vụ được trao ban.
§2. Nếu việc thuyên chuyển trái với ý muốn của người đang giữ giáo vụ, thì cần phải có một lý do nghiêm trọng và phải tuân giữ thủ tục do luật quy định, miễn là đương sự vẫn luôn luôn có quyền trình bày những lý do ngược lại.
§3. Để có hiệu lực, việc thuyên chuyển phải được thông báo bằng văn bản.
Điều 191
§1. Trong trường hợp thuyên chuyển, giáo vụ cũ trở thành khuyết vị do việc nhận chức trong giáo vụ mới theo đúng luật định, trừ khi luật đã dự liệu cách khác hoặc nhà chức trách có thẩm quyền quy định cách khác.
§2. Người được thuyên chuyển vẫn hưởng lương bổng gắn liền với giáo vụ cũ, cho tới khi nhận chức trong giáo vụ mới theo đúng luật định.
Tiết 3. Giải nhiệm (Điều 192 – 195)
Điều 192
Một người bị giải nhiệm do sắc lệnh được nhà chức trách có thẩm quyền ban hành cách hợp pháp, miễn là vẫn được giữ nguyên những quyền lợi đã thủ đắc do khế ước, hay do chính luật chiếu theo quy tắc của điều 194.
Điều 193
§1. Không thể giải nhiệm một người được trao ban giáo vụ với một thời hạn vô định, trừ khi có những lý do nghiêm trọng, và phải tuân giữ thủ tục do luật quy định,
§2. Điều trên cũng có giá trị đối với việc giải nhiệm một người được trao ban giáo vụ với một thời gian xác định trước khi mãn hạn, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 624 §3.
§3. Nhà chức trách có thẩm quyền đã trao ban giáo vụ cho người nào chiếu theo những quy định của luật, thì có thể giải nhiệm người ấy vì một lý do chính đáng, theo sự suy xét thận trọng của mình.
§4. Để có hiệu lực, sắc lệnh giải nhiệm phải được thông báo bằng văn bản.
Điều 194
§1. Do chính luật, bị giải nhiệm khỏi giáo vụ:
1° người đã mất bậc giáo sĩ;
2° người đã công khai từ bỏ đức tin Công Giáo, hoặc không còn hiệp thông với Giáo Hội;
3° giáo sĩ đã mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân theo luật dân sự.
§2. Chỉ có thể thúc bách việc giải nhiệm được nói đến ở 2° và 3°, nếu chắc chắn nhà chức trách có thẩm quyền đã công bố việc đó.
Điều 195
Nếu một người bị giải nhiệm không phải do luật nhưng do sắc lệnh của nhà chức trách có thẩm quyền khỏi một giáo vụ đang đảm bảo đời sống của mình, thì nhà chức trách ấy phải lo liệu trợ cấp cho đương sự trong một thời gian thích hợp, trừ khi đã dự liệu cách khác.
Tiết 4. Bãi nhiệm (Điều 196)
Điều 196
§1. Sự bãi nhiệm, như hình phạt dành cho một tội phạm, chỉ có thể được thực hiện chiếu theo quy tắc của luật.
§2. Việc bãi nhiệm có hiệu lực chiếu theo những quy định của các điều trong luật hình sự.