“Ngươi không được trộm cắp”(Xh 20,15)
“Ngươi không được trộm cắp”(Mt 19,18)
Điều răn thứ bảy cấm lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất công hay làm thiệt hại của cải của họ bất cứ bằng cách nào. Điều răn này dạy phải giữ đức công bằng và bác ái về những của cải trần thế và thành quả lao động của con người. Vì công ích, điều răn này đòi phải tôn trọng quyền chung hưởng các của cải trần thế để phục vụ Thiên Chúa và tình bác ái huynh đệ.
I. QUYỀN CHUNG HƯỞNG VÀ QUYỀN TƯ HỮU CỦA CẢI
1. Quyền chung hưởng: Dựa vào Thánh Kinh, người Kitô hữu hiểu rằng Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý để chăm sóc, chế ngự và hưởng dùng. Như thế, của cải của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại. Hiến chế Mục vụ viết: “Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người, và của mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý, theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái” (69).
2. Quyền tư hữu: Trái đất cũng cần được phân chia ra giữa người với người để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của họ, vốn bị sự túng thiếu và bạo lực đe dọa. Hiến chế Mục vụ viết: “Mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình” (69). Quyền tư hữu của cải là hợp pháp nhằm bảo vệ tự do, bảo đảm những nhu cầu căn bản. Tuy nhiên, quyền tư hữu này cũng phải giúp biểu lộ tình liên đới tự nhiên giữa người với người và quyền chung hưởng của cải trần thế vẫn là ưu tiên.
v Hai yếu tố: tư hữu và chung hưởng phải gắn bó với nhau và bổ túc cho nhau, tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người trong cuộc sống chung.
II. TÔN TRỌNG THA NHÂN VÀ CỦA CẢI CỦA HỌ
1. Tôn trọng tài sản của tha nhân :
a. Điều răn thứ bảy buộc:
ü Phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới.
ü Tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết;
ü Đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp;
b. Điều răn thứ bảy cấm:
ü Trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt của cải của người khác trái với ý muốn hợp lý của họ. Tuy nhiên, có những trường hợp lấy của người khác mà không phải là trộm cắp. Đó là trường hợp “những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải của người khác những gì cần thiết cho sự sống của mình” (MV 69)
ü Trả lương không công bằng,
ü Lũng đoạn giá trị tài sản để từ đó rút ra lợi nhuận cho mình mà làm thiệt hại cho người khác,
ü Việc giả mạo các thương phiếu hay hóa đơn.
ü Trốn thuế hoặc buôn bán gian lận, cố ý phá hoại tài sản cá nhân cũng như công cộng,
ü Đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản công làm của riêng, cố ý làm sai trái trong lao động, lãng phí.
2. Tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng
Ngày nay, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng của cả nhân loại. Khoáng sản, thực vật, động vật là những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người. Vì thế, một đàng con người được phép khai thác những tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống, nhưng đàng khác phải tôn trọng thiên nhiên là của cải chung cho con người hôm nay và thế hệ mai sau.
III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH
ü Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con người và chiều kích xã hội của con người.Nói cách khác, Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là tập hợp các giáo huấn của Hội Thánh về các biến cố lịch sử dưới ánh sáng mạc khải của toàn bộ Lời Chúa và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Học thuyết ấy đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những quy luật và định hướng để hành động. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế sao cho phù hợp với các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.
ü Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội : Hội Thánh sẽ can thiệp vào lãnh vực xã hội khi các quyền căn bản của con người, thiện ích chung hoặc phần rỗi các linh hồn bị vi phạm. Hội Thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội.
ü Đường hướng mà đời sống kinh tế xã hội phải thực hiện: Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của mình, trong vòng trật tự luân lý, để phục vụ con người trong sự toàn vẹn của họ và phục vụ cho toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Đời sống kinh tế và xã hội phải lấy con người làm đối tượng, trung tâm và cùng đích của mình.
IV. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
Càng ngày kinh tế chiếm vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống con người (x. MV 63). Vì thế,Hội Thánh đưa ra những hướng dẫn về đời sống kinh tế nhằm phục vụ con người, vốn “là tác giả,là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội” (MV 63).
1. Hoạt động kinh tế
Phát triển kinh tế là nhằm phục vụ con người, nên những hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và là mục đích tối hậu của chúng là đi ngược lại với Học thuyết Xã hội của Hội Thánh. Đồng thời, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.
2. Lao động
Đối với Kitô giáo, lao động có giá trị cao cả không những nuôi sống bản thân và gia đình mà còn liên kết với tha nhân và phục vụ họ, cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô qua những lao công vất vả của mình (x. MV 67). Như vậy, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của con người.
Do đó, mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, phái tính hay giai cấp, đều được quyền có một việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị cách bất công, được quyền tự do lựa chọn về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng.
Để đạt được mục đích trên, đòi phải có sự cộng tác của các bên liên quan:
Ø Nhà Nước: Nhà Nước có trách nhiệm giữ vững giá trị tiền tệ, làm cho những việc phục vụ xã hội có hiệu quả, trông coi và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế, giúp các công dân tìm được việc làm.
Ø Những người lãnh đạo xí nghiệp: Họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và môi sinh do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến thiện ích của con người chứ không chỉ nhằm làm gia tăng các lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.
Ø Các công nhân: Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng đình công bất bạo động là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi chính đáng nhưng phải nhắm đến công ích.
V. SỰ CÔNG BẰNG VÀ TINH LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC QUỐC GIA
Ngày nay, người ta chứng kiến sự cách biệt rất lớn giữa các nước giầu và các nước nghèo. Đang khi một số quốc gia càng lúc càng giàu hơn, thì nợ nần của các nước nghèo lại gia tăng. Và nhiều khi một quốc gia giàu có là vì đã tước đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, Hội Thánh kêu gọi xây dựng công bằng thế giới, và tình liên đới giữa các dân tộc. Sự liên đới ấy không chỉ thể hiện bằng cách giúp đỡ trực tiếp, nhưng còn phải cải tổ cả cơ cấu của nền kinh tế thế giới, và phải hướng đến việc phát triển toàn diện của gia đình nhân loại.
VI. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO
Tiếng gọi của Thiên Chúa không chỉ ngưng lại ở đòi hỏi công bằng, mà còn đi xa hơn đến chỗ: yêu thương người nghèo. Ngay trong Cựu Ước, dân Chúa đã có những biện pháp cụ thể để nâng đỡ người nghèo: Năm Toàn Xá với việc tha thứ nợ nần, trả lại đất đai. Đến thời Tân Ước, tiếng gọi ấy lại càng khẩn thiết hơn: Đức Giêsu công bố hạnh phúc cho người nghèo, chính Người đã sống giữa người nghèo để chăm sóc họ, và Người vẫn hiện diện trong những người nghèo (x.Mt 25,31-36). Vì thế, trong suốt lịch sử của mình, Hội Thánh luôn dành cho người nghèo tình yêu thương đặc biệt, không chỉ nghèo về vật chất mà cả về văn hóa, tôn giáo.
Là người Kitô hữu, ta không thể không mang tâm tư của Đức Giêsu. Lòng yêu thương ấy được thể hiện qua cuộc sống tiết độ, không tham lam của cải, không tiêu xài lãng phí. Tích cực hơn, ta góp phần làm vơi đi nỗi khổ của những anh chị em nghèo khổ hơn về tinh thần cũng như vật chất qua việc an ủi, khích lệ, khuyên bảo, dạy dỗ, giúp đỡ vì “Nếu con không cho người đói ăn uống tức là con đã giết họ”(Các Giáo Phụ). Các việc từ thiện, đặc biệt là bố thí, là một trong những bằng chứng chính yếu của tình bác ái huynh đệ. Những công việc đó làm cho ta được nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ và giầu lòng thương xót.