1730. Thiên Chúa đã tạo dựng con người có lý trí khi ban cho họ phẩm giá của một ngôi vị có khả năng khởi xướng và điều khiển các hành vi của mình. “Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định lấy, để chính họ tự nguyện tìm kiếm Đấng Tạo hóa của mình và tự do đạt tới sự hoàn hảo sung mãn và hạnh phúc bằng việc kết hợp với Người” (x. GS 17).
“Con người có lý trí, và do đó giống như Thiên Chúa; con người được dựng nên có tự do trong sự quyết định và có quyền trên chính mình” (Thánh Irênê, chống lạc giáo 4,4,3).
I. TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
1731. Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hoặc việc khác; và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về chính bản thân mình. Trong con người sự tự do là sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và điều thiện. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó được quy hướng về Thiên Chúa, là vinh phúc của chúng ta.
1732. Bao lâu sự tự do chưa được xác định cách vĩnh viễn nơi sự thiện tối thượng là Thiên Chúa, thì nó vẫn còn có khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu; nghĩa là có thể tiến tới sự trọn hảo hoặc có thể sai lỗi và phạm tội. Tự do là nét đặc trưng của hành vi nhân linh. Tự do là nguồn mạch để được ca tụng, hoặc bị khiển trách, nguồn mạch của công trạng hoặc tội trạng.
1733. Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do. không có tự do đích thực nếu không phục vụ điều thiện và chân lý. Chọn sự bất tuân và điều xấu, là lạm dụng tự do và sự lựa chọn này đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi (x.Rm 6,17).
1734. Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn. Sự tiến tới về nhân đức, sự nhận biết điều thiện, và sự khổ chế làm gia tăng việc làm của ý chí đối với các hành vi của mình.
1735. Việc quy tội và trách nhiệm của một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí được loại bỏ vì lý do không biết, không chủ ý, do áp lực, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó, do các nguyên nhân khác về tâm thần hoặc xã hội.
1736. Mọi hành vi được muốn cách trực tiếp đều trách nhiệm về tác giả hành vi đó:
Chẳng hạn, Chúa hỏi ông Ađam sau khi ông phạm tội trong vườn địa đàng, “Ngươi đã làm gì thế:?” (St 3,13). Cũng một cách đó Chúa hỏi Cain (x.St 4,10). Tiên tri Nathan cũng hỏi như vậy với vua Đavít. Sau khi Vua phạm tội ngoại tình với vợ Uria và ra lệnh giết ông này. (x. 2V 12,7-15)
Một hành vi có thể chủ ý cách gián tiếp, khi nó là hậu quả của sự chểnh mảng đối với điều phải biết hay phải làm; ví dụ: gây ra một tai nạn vì không biết luật giao thông.
1737. Một hậu quả, do tác giả không chủ ý gây nên, có thể được dung thứ; ví dụ: người mẹ bị kiệt sức vì chăm sóc đứa con đau yếu. Một hậu quả xấu sẽ không bị quy lỗi nếu nó không phải là mục đích hay phương tiện của một hành động cố ý; ví dụ: một người bị thiệt mạng vì cứu người đang gặp nguy hiểm. Để một hậu quả xấu bị quy tội, hậu quả này phải có thể được thấy trước và tác giả có khả năng tránh được hậu quả đó; ví dụ: trường hợp làm chết người do lái xe trong tình trang say rượu.
1738. Sự tự do được thực thi trong các tương quan giữa người với người. Mỗi nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên được công nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Mọi người có bổn phận tôn trọng quyền đó của mỗi người. Quyền sử dụng tự do là một đòi hỏi không thể tách biệt khỏi phẩm giá nhân vị, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền này phải được luật dân sự công nhận và bảo vệ, trong giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng. (x. CĐ Vaticano II Dignitatis hummanae: 7 AAS 58 (1966) 934-935)
II. SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ
1739. Sự tự do và tội lỗi. Sự tự do của con người thì có giới hạn và có thể lầm lạc. Quả thật, con người đã sa ngã, con người đã phạm tội cách tự do. Khi từ chối kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, con người đã tự lừa dối mình và trở thành nô lệ của tội lỗi. Sự tha hóa đầu tiên này đã sinh ra nhiều sự tha hóa khác. Lịch sử nhân loại, ngay từ những lúc khởi đầu, làm chứng rằng những tai họa và áp bức phát sinh từ trái tim con người, như một hậu quả của việc sử dụng sai tự do.
1740. Những nguy hiểm đe dọa sự tự do. Việc thực thi sự tự do không bao hàm quyền được nói mọi sự và làm mọi sự. Thật là sai lầm khi cho rằng “con người một chủ thể tự do, là một cá nhân tự đủ cho mình, và mục tiêu tối hậu của cá nhân đó, là thỏa mãn các sở thích của mình bằng cách hưởng thụ các của cải trần thế” (CDF, tự do tín ngưỡng). Ngoài ra, những điều kiện về trật tự kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa phải có để thực thi tự do cách chính đáng, rất thường không được biết tới và bị vi phạm. Những tình trạng đen tối và bất công này làm băng hoại đời sống luân lý và cám dỗ kẻ mạnh cũng như người yếu phạm tội nghịch đức ái. Con người khi tách biệt khỏi luật luân lý, làm thương tổn sự tự do riêng của mình, tự trói buộc mình, cắt đứt tình huynh đệ với đồng loại và nổi loạn chống lại chân lý thần linh.
1741. Sự giải thoát và cứu độ. Đức Kitô nhờ thập giá vinh quang của Ngài, đã mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Người cứu chuộc họ khỏi tội lỗi đang cầm giữ họ làm nô lệ. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Trong Người, chúng ta được hiệp thông với “chân lý giải thoát” (Ga 8,32). Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta và như thánh tông đồ dạy: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Ngay từ bây giờ, chúng ta được vinh dự về “Sự tự do của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21).
1742. Sự tự do và ân sủng. Ân sủng của Đức Kitô không hề đối nghịch với sự tự do của chúng ta, khi sự tự do này phù hợp với ý nghĩa của chân lý và điều thiện mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim con người. Trái lại, như kinh nghiệm Kitô giáo chứng tỏ, nhất là trong việc cầu nguyện: chúng ta càng ngoan ngoãn đối với những thúc đẩy của ân sủng, thì càng gia tăng sự tự do nội tâm của chúng ta và sự vững vàng của chúng ta trong các thử thách, cũng như trước những áp lực, và cưỡng bách của thế giới bên ngoài. Bằng tác động của ân sủng, Chúa Thánh Thần giáo dục chúng ta về sự tự do thiêng liêng để chúng ta trở thành những cộng sự viên tự nguyện cho công trình của Ngài trong Hội Thánh và trong trần gian :
“Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến của chúng con trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa” (x.SLMR, Lời nguyện CN 32).
TÓM LƯỢC
(Trích bản toát yếu sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1. Tự do là gì?
T. Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay làm việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ra càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi.
2. Đâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm?
T. Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc quy trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do quá gắn bó, hoặc do các thói quen.
3. Tại sao mọi người có quyền thực thi tự do của mình?
T. Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế, quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được quyền bính dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.
4. Sự tự do của con người có chỗ đứng nào trong kế hoạch cứu độ?
T. Sự tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó. Nhưng “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội Thánh và trong thế giới.