1749. Sự tự do làm cho con người thành một chủ thể luân lý. Con người khi hành động một cách có chủ ý, có thể nói được là cha đẻ các hành vi của mình. Các hành vi nhân linh, nghĩa là đã được lựa chọn cách tự do theo phán đoán của lương tâm, đều có tính luân lý: chúng là những hành vi tốt hoặc xấu.
I. NGUỒN GỐC CỦA TÍNH LUÂN LÝ
1750. Tính luân lý của các hành vi nhân linh tùy thuộc vào:
– Đối tượng được lựa chọn;
– Mục đích nhắm tới hoặc ý hướng;
– Các hoàn cảnh của hành động.
Đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh tạo nên các “nguồn mạch”, còn gọi là các yếu tố cấu thành, của tính luân lý của các hành vi nhân linh
1751. Đối tượng được lựa chọn là một điều thiện được ý chí chủ ý nhắm tới. Đó là chất liệu của hành vi nhân linh. Đối tượng được lựa chọn xếp loại hành vi của ý chí về mặt luân lý, theo lý trí nhận biết và phán đoán đối tượng ấy phù hợp hay không phù hợp với điều thiện đích thực. Những quy tắc khách quan của tính luân lý vạch cho thấy trật tự hợp lý về điều tốt và điều xấu, một trật tự được lương tâm xác nhận.
1752. Đối diện với đối tượng, ý hướng thuộc ở về phía chủ thể hành động. Ý hướng từ nguồn mạch chủ ý của một hành động và xác định hành động đó nhờ mục đích, nên nó là một yếu tố căn bản trong việc đánh giá tính luân lý của hành động. Mục đích là điểm đầu tiên của ý hướng, và đưa ra mục tiêu mà hành động theo đuổi. Ý hướng là động thái của ý chí hướng đến mục đích, nhắm đến đích điểm của hành động, ý hướng là việc nhắm tới điều thiện được mong đợi khi bắt đầu hành động. Ý hướng không bị thu hẹp vào việc định hướng cho từng hành động riêng lẻ, nhưng có thể quy hướng nhiều hành động nhắm đến cùng một mục tiêu. Ý hướng đó có thể định hướng cả cuộc đời nhắm đến mục đích tối hậu. Chẳng hạn: một việc phục vụ có mục đích là giúp đỡ người lân cận, nhưng đồng thời nó có thể được linh hướng bởi tình yêu Thiên Chúa xét như một mục đích tối hậu của mọi hành động của chúng ta. Cùng một hành động cũngcó thể được gợi hứng do nhiều ý hướng, như phục vụ để nhận một đặc ân hoặc để khoe khoang.
1753. Một ý hướng tốt (ví dụ: giúp đỡ người lân cận) không thể làm cho một hành động tự nó là sai trái (như nói dối, nói xấu), trở thành tốt hay đúng. Mục đích không biện minh cho phương tiện. Như thế, việc kết án một người vô tội không thể được biện minh như phương tiện hợp pháp để cứu dân. Trái lại, một ý hướng xấu được thêm vào (như tìm hư danh x. Mt 6,2-4) có thể làm cho một hành vi tự nó có thể là tốt (như bố thí trở thành xấu).
1754. Các hoàn cảnh, gồm cả những hậu quả, là những yếu tố phụ thuộc của một hành vi luân lý. Chúng góp phần làm gia tăng hay giảm thiểu tính chất tốt hay xấu về mặt luân lý của những hành vi nhân linh (Ví dụ: số lượng của vụ cắp nào đó), Chúng cũng có thể giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả (như hành động vì sợ chết). Tự chúng, các hoàn cảnh không thể thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Chúng không thể làm cho một hành vi tự nó là xấu, trở nên tốt hay đúng.
II. HÀNH VI TỐT VÀ HÀNH VI XẤU
1755. Một hành vi tốt về mặt luân lý đồng thời giả thiết đối tượng, mục đích và các hoàn cảnh đều phải tốt. Mục đích xấu làm hư hoại hành động, mặc dù đối tượng của hành động tự nó là tốt (như cầu nguyện và ăn chay như là “để người khác trông thấy”).
Đối tượng được lựa chọn có thể mình nó làm cho toàn bộ hành động trở nên xấu. Có những hành động cụ thể, như tội tà dâm, mà việc lựa chọn chúng luôn luôn là sai lầm, bởi vì việc lựa chọn chúng đã bao hàm một sự lệch lạc của ý chí, nghĩa là một điều xấu luân lý.
1756. Vì vậy, là sai lầm, nếu thẩm định tính luân lý của các hành vi nhân linh mà chỉ quan tâm đến ý hướng gợi hứng cho các hành vi đó các hoặc hoàn cảnh như là “sân khấu” của các hành vi đó (môi trường, áp lực xã hội, cưỡng bách hoặc nhu cầu phải hành động….). Có những hành vi tự nó và trong nó, hoàn toàn độc lập khỏi các hoàn cảnh và các ý hướng, luôn là bất hợp pháp một cách nghiêm trọng do đối tượng của chúng; chằng hạn lộng ngôn, thề gian, sát nhân và ngoại tình. Không được phép làm điều xấu, để từ đó đạt tới điều tốt.
TÓM LƯỢC
(Trích bản toát yếu sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1. Đâu là nguồn gốc tính chất luân lý của các hành vi nhân linh?
T. Tính chất luân lý của các hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn:
– Đối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.
– Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.
– Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.
2. Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý?
T. Xét về phương diện luân lý, hành vi là tốt khi đồng thời đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Đối tượng được chọn có thể tự nó có thể làm cho hành vi trở thành xấu, dù có ý hướng tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể làm cho hành vi ra xấu cho dù đối tượng tự nó là tốt. Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Các hoàn cảnh không bao giờ làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được.
3. Có phải có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không?
T. Có những hành vi luôn luôn là không được phép lựa chọn, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, giết người và ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này bao hàm một sự lệch lạc của lòng muốn, nghĩa là một điều xấu luân lý; điều xấu này không thể biện minh bằng việc xét đến những hậu quả tốt có thể phát xuất từ đó.