“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20,2-5).
“Đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).
I. CHÍNH ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, LÀ ĐẤNG NGƯƠI PHẢI PHỤNG THỜ; CHÍNH NGÀI LÀ ĐẤNG NGƯƠI PHẢI PHỤNG SỰ.
Khi thực hiện công cuộc giải phóng dân, Thiên Chúa đã mạc khải quyền năng và lòng nhân hậu cho dân được chọn: “Ta đã đưa các ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Đnl 5,6). Vì thế, Israel thuộc về Chúa, là dân của Chúa nên phải tôn thờ một mình Ngài (x. Đnl 6,13-14).
Khi Thiên Chúa mạc khải vinh quang của Ngài cho dân Israel, Ngài cũng mạc khải về chính con người và ơn gọi của họ,để họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài. Con người phải thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng một mình Ngài mới là phải đạo: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8).
Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Mẹ Maria: ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kỳ công tuyệt vời của Chúa (x. Lc1,46-55). Thờ phượng Thiên Chúa như vậy là thể hiện lòng tin, cậy, mến đối với Thiên Chúa. Như thế, điều răn thứ nhất bao gồm đức tin, đức cậy và đức mến.
1. Đức tin
Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa là tin vào Ngài và làm chứng về Ngài. Theo Thánh Phaolô, chính sự không nhận biết Thiên Chúa là nguyên nhân và lời giải thích cho mọi lệch lạc luân lý (x.Rm 1,18-32).
Cho nên điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng đức tin và phải loại bỏ tất cả những gì nghịch với đức tin. Sau đây là những tội nghịch với đức tin:
a. Nghi ngờ:
* Cố tình nghi ngờ những chân lý đức tin: là sự thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin.
* Vô tình nghi ngờ các chân lý đức tin: là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin. Điều này có thể làm cho tâm trí bị mù quáng.
b. Vô tín: cố chấp coi thường hay không tin những lời Chúa và Hội Thánh dạy. Có những hình thức vô tín sau đây:
* Lạc giáo: ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
* Bội giáo: chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.
* Ly giáo: từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội Thánh thuộc quyền Đức Giáo Hoàng.
2. Đức cậy
Được Thiên Chúa kêu gọi tới hưởng phần phúc đời đời, con người, tự sức mình, không thể đáp trả tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa mà phải cậy trông vào sự trợ giúp của Ngài. Đức cậy là lòng mong đợi đầy tin tưởng được Thiên Chúa chúc lành và được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa.
Sau đây là những tội nghịch với đức cậy:
a. Ngã lòng: không còn hi vọng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa để mình được cứu độ, không còn hi vọng ơn tha thứ các tội lỗi của mình.
b. Tự phụ: Có hai loại tự phụ:
* Tự phụ vào sức riêng của mình: quá tin vào khả năng của mình mà không cần ơn Chúa trợ giúp.
* Ỷ lại vào lòng thương xót của Chúa: nghĩ rằng chắc chắn mình được Chúa cứu độ mà không cần hối cải, không cần lập công.
3. Đức mến
Điều răn thứ nhất dạy ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến mọi thụ tạo vì Ngài và nhờ Ngài. Sau đây là những tội nghịch với đức mến :
* Lãnh đạm: không lưu tâm đến tình yêu củaThiên Chúa.
* Vô ơn: không đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.
* Nguội lạnh: do dự hay thờ ơ trong việc đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
* Lười biếng: coi thường, khinh chê mọi lợi ích thiêng liêng.
* Căm ghét Thiên Chúa: do kiêu ngạo chống lại tình yêu của Thiên Chúa, phủ nhận sự tốt lành của Ngài, cố ý nguyền rủa Thiên Chúa, Đấng cấm các tội lỗi và đặt ra các hình phạt.
II. NGƯƠI PHẢI THỜ PHƯỢNG MỘT MÌNH NGÀI MÀ THÔI
Các nhân đức đối thần “tin, cậy, mến” định hình và đem lại sức sống cho các nhân đức luân lý. Đức mến làm cho chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những điều chúng ta mắc nợ Ngài theo đức công bằng. Nhân đức thờ phượng giúp chúng ta sống tâm tình này.
1. Thờ lạy
Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy.Thờ lạy Thiên Chúa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo và cứu chuộc, là Chúa tể mọi loài, là tình yêu vô biên và giầu lòng thương xót. Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối quy phục Ngài vì biết tính hư vô của thụ tạo, biết sự hiện hữu của chúng ta hoàn toàn nằm trong tay Ngài.
2. Cầu nguyện
Các hành vi tin cậy mến mà điều răn thứ nhất truyền dạy được chu toàn trong kinh nguyện, tức là tỏ bày tâm tình thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ, ăn năn và cầu xin. Cầu nguyện là hơi thở của sự sống siêu nhiên.
3. Hy lễ
Để tỏ lòng tôn kính, thờ lạy, khẩn cầu và hiệp thông với Thiên Chúa, người ta dâng lên Ngài những hy lễ. Hy lễ bên ngoài cần đi đôi với tâm tình bên trong. Chỉ có hy lễ mà Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ Thập giá mới là lễ tế đẹp lòng Thiên Chúa. Hy lễ của chúng ta cần hiệp với hy lễ của Người.
4. Các lời hứa và lời khấn
a. Các lời hứa: người ta có thể hứa với Thiên Chúa làm những điều lành. Có những lời hứa với Thiên Chúa được bao hàm khi chịu Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối và Truyền Chức Thánh. Ngoài ra, do lòng sùng kính, người Kitô hữu có thể hứa với Chúa để làm việc này việc kia. Lời hứa này bày tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, và tin tưởng Ngài là Đấng toàn năng và trung thành.
b. Lời khấn: Lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo. Khấn là tự hiến cho Thiên Chúa hoặc là tự nguyện và ý thức hứa với Thiên Chúa sẽ làm một điều tốt lành nào đó. Hội Thánh vốn công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn sống theo các lời khuyên Phúc Âm của các tu sĩ nam nữ. Trong một số trường hợp, Hội Thánh có thể miễn chuẩn những lời khấn và lời hứa vì những lý do tương xứng. Lời khấn thuộc về đức thờ phượng và buộc phải tuân giữ (x.Giáo Luật điều 1191,1)..
5. Bổn phận xã hội về tôn giáo
Người Kitô hữu không chỉ có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa mà còn phải “cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống” (TĐ 13). Bổn phận xã hội của người Kitô hữu là tôn trọng và khơi dạy nơi mỗi con người lòng yêu mến điều chân thật, cái tốt lành. Người Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian.
III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
Điều răn thứ nhất cấm không được tôn thờ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Sau đây là các tội nghịch với điều răn thứ nhất:
1. Mê tín, dị đoan: là lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và trong cách thể hiện tâm tình ấy như tôn kính những vật hoặc làm những việc không được Giáo Hội nhìn nhận.
2. Thờ ngẫu tượng: là tôn thờ bất cứ tạo vật nào thay thế Thiên Chúa như thờ ma quỷ, vật tổ, sông núi, khoái lạc, tiền bạc …Nói chung, thờ ngẫu tượng là người “gán ý niệm bất diệt về Thiên Chúa cho bất cứ thứ gì không phải là Thiên Chúa” (GLHTCG 2114)
3. Bói toán và ma thuật
a. Bói toán: là cậy nhờ ma quỷ hay cách thế nào khác để biết được tương lai, những điều bí nhiệm. Vì thế, việc coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán, đồng bóng là nghịch với sự cung kính và tôn trọng mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
b. Ma thuật: Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác, dù là để chữa bệnh,nhất là có ý làm hại người khác, đều nghịch với nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng
4. Hành động thử thách Thiên Chúa: Dùng lời nói hoặc việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng của Thiên Chúa. Thử thách Thiên Chúa luôn hàm chứa thái độ hoài nghi về tình yêu của Ngài, sự quan phòng và quyền năng của Ngài .
5. Phạm thánh: là xúc phạm đến các bí tích hay đồ vật, người hoặc nơi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa.
6. Mại thánh: là mua hay bán những thực tại thiêng liêng bằng tiền bạc.
IV. NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHO MÌNH BẤT CỨ HÌNH TƯỢNG NÀO VỀ THIÊN CHÚA
Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng thánh của người Kitô hữu được xác nhận (qua Công Đồng Nicêa II năm 787) vì việc tôn kính này được đặt trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó, Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình. Do đó, việc tôn kính ảnh tượng: Đức Kitô, Đức Trinh nữ Maria, các thiên thần và các thánh không nghịch với giới răn thứ nhất. Vì khi tôn kính ảnh tượng, ta không tôn kính chính ảnh tượng,mà là tôn kính chính Đấng có hình ảnh đó. Lời cầu nguyện khi làm phép ảnh diễn tả tâm tình phải có: “Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh của các Thánh Chúa, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, thì con mắt ký ức cũng suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của các Đấng mà bắt chước”. Như thế, việc tôn kính ảnh tượng trở thành phương thế giúp cầu nguyện, sống mầu nhiệm hiệp thông các Thánh và huấn luyện đời sống đức tin.