Sáng thứ sáu, ngày 04/10/2024, tại nhà thờ Giáo xứ Du Sinh – Giáo hạt Đà Lạt, Dòng Anh Em Hèn Mọn hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, đến chủ tế thánh lễ kính Thánh Phanxicô Assisi – Bổn mạng Nhà dòng và kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô được in Năm dấu thánh tại núi La Verna, Italia. Cùng đồng tế với Đức cha có Cha Giuse Nguyễn Minh Cường – Phó Chưởng ấn, Cha Gioan Baotixita Đoàn Minh Sáng – Quản xứ Du Sinh, Cha Anphongsô Nguyễn Công Minh – Bề trên tập viện Phan Sinh, Cha Giám tỉnh Tu hội Vinh Sơn và quý Cha trong Giáo hạt Đà Lạt. Tham dự thánh lễ có sự hiện diện đông đảo quý Tu sỹ nam nữ, con cái đại Gia đình Huynh đệ đoàn Phan Sinh và cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Du Sinh.
Phanxicô- Đấng nghèo khó và chịu đóng đinh
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Đaminh nói: “Hôm nay là ngày đặc biệt. Quý Cha, quý Tu sỹ, giáo dân Giáo xứ Du Sinh và anh chị em trong Huynh đệ Đoàn Phan Sinh được vinh dự hiệp thông với quý Cha, quý Thầy dòng Phanxicô (OFMVN) cử hành đại lễ mừng kính thánh Tổ phụ Phanxicô thành Assisi – Bổn mạng nhà dòng và kỷ niệm 800 năm Thánh nhân được in Năm dấu Thánh. Thánh Phanxicô được mệnh danh là người nghèo thành Assisi. Trong bối cảnh đặc biệt mừng kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô được in Năm dấu thánh của Chúa Kitô (1224-2024), chúng ta càng thấm thía tiểu sử của thánh nhân được ghi trong sách Các Giờ kinh Phụng vụ sáng nay rằng: Tại nhà nguyện Thánh Đamianô, Phanxicô được Chúa Giêsu mời gọi: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của Ta đang đổ nát hoang tàn!”, từ ngày “trở lại” đặc biệt đó cho tới ngày từ trần, thánh nhân cùng anh em tu sỹ Phan Sinh của mình đã xây dựng lại Hội Thánh bằng lối sống nghèo khó khắp nơi với tình yêu của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng đã đặt nền tảng cho dòng Nữ Đan sỹ và Huynh đoàn Giáo dân. Phanxicô không có nỗi bận tâm nào khác ngoài việc theo Chúa Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh, và dịu dàng yêu thương mọi người. Người dân nước Ý bị cuốn hút và rất hãnh diện về Thánh Phanxicô Assisi, vì ảnh hưởng lớn lao của Ngài trong lịch sử Giáo Hội, cụ thể nơi Đức Thánh Cha- đương kim Giáo hoàng. Mừng lễ Ngài, chúng ta cầu xin Chúa một lần nữa canh tân Hội Thánh nên thánh và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng.”
Sau bài Tin Mừng, Cha Phanxicô Xaviê Đinh Trọng Đệ chia sẻ đôi nét về sự kiện Thánh Phanxicô được in Năm dấu thánh. Cha Thánh Phanxicô không phải là người duy nhất được in dấu thánh, nhưng các dấu thánh trên tay, chân và cạnh sườn như Năm dấu đinh bằng thịt và các vết thương này vẫn nguyên vẹn, và vẫn còn rỉ máu khi khai quật mộ Ngài hai năm sau khi Ngài qua đời. Thật đúng như lời thánh Phaolô đã nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô”. Năm dấu thánh đối với Cha Thánh không phải là công trạng, cũng không phải là điều gì đó để tự hào, mà là kết quả cuộc hành trình khám phá tình yêu nóng bỏng, là ân ban của Thiên Chúa mà Thánh Phanxicô dành cho Đức Giêsu Kitô – Đấng nghèo khó và chịu đóng đinh. Như thánh Bônaventura nói: “Chính tình yêu chân thật của Đức Kitô đã biến đổi con người yêu mến Người nên như chính hình hài của Người”. Thánh Phanxicô luôn chọn chỉ yêu một mình “ Đấng nghèo khó và chịu đóng đinh” và đó chính là một hình mẫu “Hiền lành và khiêm nhường”, một tấm gương, một hình ảnh Đức Kitô chịu trên trên thập giá là hình đẹp nhất mà Ngài luôn ôm ấp và noi theo. Khi muốn sống đời hoán cải, Thánh Phanxicô khám phá ra nét hiền lành và khiêm nhường của chính Đức Giêsu Kitô, để mỗi ngày Ngài đã từ bỏ tất cả để trở nên giống Đức Kitô – Đấng nghèo khó và chịu đóng đinh. Cho đến cuối cuộc đời, thánh nhân khiêm nhường nói với anh em: “Anh em ơi chúng ta hãy bắt đầu lại, vì cho đến bây giờ chúng ta chưa làm được gì cho Thiên Chúa cả! Ôi tình yêu không được người yêu lại…”.
Trong bài giảng, Cha Phanxicô Xaviê cũng nhắc lại lời truyền dạy như là di chúc của Cha Thánh Phanxicô, đó là:
- Hết lòng kính trọng và phục tùng các chức sắc của Mẹ Hội Thánh, là lời mời gọi hiệp hành trong lòng Mẹ Giáo Hội “Tôi muốn kính sợ, yêu mến, và kính trọng các ngài cũng như tất cả các linh mục khác như là tôn chủ của tôi. Tôi không muốn xem xét tội lỗi của các ngài vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa nơi các ngài!”.
- Trung thành với Bà Chúa Nghèo. Người nghèo thật là người chấp nhận cho đi, cúi xuống giơ tay nắm lấy người khác, tự hủy chính bản thân mình trần trụi như Đức Kitô “Anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì Chúa đã trở nên nghèo và đã hiến toàn thân cho anh em”.
- Luôn yêu thương nhau. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bằng hữu”. Không có tình yêu đích thực nào mà không nhỏ “máu hy sinh”, “máu tha thứ”, “máu hạ mình” không ngừng chảy ra…
Để kết thúc bài giảng, ngài nói rằng: Thánh Phanxicô được Thiên Chúa in Năm dấu thánh không phải chỉ để cho chính Ngài, nhưng là vì chính Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta. Là những người con của Thánh Phanxicô, những người đã biết ngài, chúng ta có dám một lần nữa bằng sự hiền lành và khiêm nhường, đốt lên lửa yêu mến Chúa bằng chính các vết thương mà Chúa đang gởi đến chúng ta trên đôi chân: Lòng yêu mến Giáo Hội; Đôi tay: lòng yêu mến khó nghèo Phúc Âm và cạnh sườn: yêu thương lẫn nhau. Và xin chúc và cầu xin cho các vết thương tình yêu của chúng ta sẽ được mở ra để cùng nhau chúng ta sẽ hát tiếp bài ca thụ tạo với Cha Thánh.
Chiều rộng và chiều cao của dòng Phan sinh Tại thế
Sau phép lành trọng thể, Cha Anphongsô Nguyễn Công Minh – Bề trên tập viện Phan Sinh ngỏ lời với Đức cha, quý Cha và cộng đoàn hiện diện. Cha Anphongsô nói rằng cách đây một năm, ngài có khoe với Đức cha về “chiều rộng” – tức là sự lan tỏa. Năm nay, ngài khoe tiếp về “chiều cao” của dòng Phan Sinh tại thế. Đức cha là tiến sỹ giáo luật nên ngài cũng nhắc đến giáo luật về Dòng Ba Phan Sinh, điều 303 “được gọi là Dòng Ba gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tinh thần thiêng liêng với một dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối đa của dòng tu đó” . Nhưng cái độc đáo nhất của Dòng Ba Phan Sinh vượt “cao” hơn cái khung của khoản giáo luật này, vượt lên cao “tung nóc”.
Dòng Ba Phan Sinh tại thế không ở dưới sự điều hành tối cao của của một dòng tu nào, vì tính tính độc lập, tự quyết của dòng Ba Phan Sinh:
- Việc tuyên khấn thành sự là phải tuyên khấn trước mặt người Trưởng huynh đoàn đó (trưởng Phụng vụ). Khi muốn thành lập Huynh đệ đoàn phải xin Giám tỉnh để được gởi Linh mục trợ úy đến.
- Dòng Phan Sinh Tại thế gắn thẳng với gốc. Chính Thánh Phanxicô sáng lập Dòng Ba, không qua trung gian nào. Luật dòng do chính Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Hiến chương của Dòng cũng do Bộ Tu sỹ phê chuẩn và Sách nghi thức được phê chuẩn do Bộ Phụng tự.
- Việc Tuyên khấn là một hành vi công khai nên phải được cử hành với sự hiện diện của Huynh đệ đoàn trong thánh lễ.
Đáp lại tâm tình của Cha Anphongsô, Đức cha Đaminh cảm ơn Cha Bề trên tu viện, Cha Quản xứ Du Sinh đã chia sẻ linh đạo và đặc sủng Phan Sinh trong việc xây dựng Hội Thánh dựa vào các đặc ân và có tầm ảnh hưởng trong lịch sử vì ý nghĩa và tầm quan trọng của hội dòng. Việc loan báo và gieo trồng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội địa phương được lan xa cũng nhờ các dòng tu. Đó cũng là đặc sủng của Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh.
Tạ ơn Chúa. Niềm hãnh diện nét đặc biệt của con người Thánh Phanxicô là vị thánh nghèo khó và chịu đóng đinh. Ngài chọn Chúa làm gia nghiệp để trở nên giống Chúa không nề hà khổ đau nào. Tạ ơn Chúa đã ban Thánh Phanxicô cho Hội Thánh. Chúc mừng Bổn mạng Dòng Phan Sinh.
Bài: Têrêsa Thùy Trang
Hình: Phaolô Lê Minh
(Ban Truyền thông Giáo hạt Đà Lạt)