“Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều”.
(Mc 8,31)
BÀI ÐỌC I: (Năm I) St 9, 1-13
“Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: “Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất”.
Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.
Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế
Xướng: Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion. Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn, Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.
Xướng: Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.
Xướng: Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Ðáp.
Tin Mừng: Mc 8, 27-33
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai ?”
28 Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”.
29 Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”.
30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.
32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người.
33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Suy Niệm
1. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Lời Tuyên Xưng Của Môn Đệ Chúa
Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống
Lời tuyên xưng của thánh Phêrô được Tin Mừng Máccô thuật lại ở chương 8, còn Tin Mừng Mátthêu thuật lại ở chương 16. Chi tiết này cho ta thấy các môn đệ đã trải qua một hành trình dài đi theo Chúa. Các ông đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều, đã cùng được ăn uống, cùng đi rao giảng, được chứng kiến những dấu lạ Chúa làm… và dĩ nhiên không chỉ các môn đệ mà cả dân chúng cũng được nghe được thấy những điều ấy.
Cho nên, Chúa muốn biết xác tín của dân chúng cũng như của chính các môn đệ về Ngài. Với dân chúng xem ra có sự thiếu nhất quán: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia, hay một trong các vị ngôn sứ”.
Đó là cái nhìn, cách nghĩ của người ta về Chúa. Tuy nhiên, Chúa cần chính các môn đệ xác tín về Chúa: Còn anh em bảo Thầy là ai? Thánh Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu thế. Ấy là xác tín khác hẳn với dân chúng cho rằng: Đức Giêsu chỉ là một tiên tri, một ngôn sứ.
Chúa Giêsu xác nhận lời tuyên xưng cao đẹp này, và Chúa cho các môn đệ biết: Ngài sẽ hoàn tất sứ mạng cứu thế qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Giống như các môn đệ năm xưa, chúng ta đã trải qua một thời gian tin theo Chúa. Chúng ta đang tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng ta nhận danh hiệu người kitô hay kitô hữu, có nghĩa là người có Chúa Kitô, người bạn thân của Chúa Kitô. Vậy, bằng cách nào để người ta có thể nhận ra tôi là Kitô đây? Thiết nghĩ đức tin của ta không chỉ giới hạn trong nhà thờ với kinh sách lễ lạy linh đình… Nhưng ta cần mở lòng để lắng nghe, tìm hiểu xem người đời đang nghĩ, đang nói gì về Chúa, về tín hữu của Chúa, đừng để người ngoại phải ca thán: “Tôi tin Chúa, nhưng không tin những người theo Chúa”. Để từ đó, chúng ta nỗ lực điều chỉnh dư luận, bằng chính cuộc sống lương thiện, bác ái vị tha theo Tin mừng Chúa dạy.
Chúng ta sẽ nói về Chúa Kitô bằng thái độ gần gũi, phục vụ yêu thương hết thảy mọi người, ngay trong cuộc sống thường ngày, theo tinh thần Công đồng Vaticanô II: Nỗi vui mừng và sầu khổ của nhân loại cũng là nỗi vui mừng và sầu khổ của mỗi kitô hữu chúng ta. Với ân huệ là thời gian sức khỏe, tài năng Chúa ban, chúng ta nói về Chúa, bằng những việc làm cụ thể:
Chúng ta nói về Chúa khi cùng nhau gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp. Chúng ta sẽ nói về Chúa Kitô bằng niềm tin kiên trung của chúng ta giữa đời thường. có câu chuyện rằng: Một cô gái Công giáo lấy người ngoại đạo. Cuộc sống của họ những ngày đầu thật hạnh phúc, nhưng ít lâu sau những chuyện khó khăn chồng chất. Gia đình bên chồng không cấm cô đi lễ Chúa nhật, nhưng tỏ vẻ khó chịu, mẹ chồng hay nói gần xa, châm dầu vào lửa là mấy chị em gái của chồng nói này nói nọ về “cô dâu có đạo” hay đi nhà thờ. Biết thế cô càng cố gắng chu toàn mọi việc trước khi đi lễ. một tay cô lo vén khéo việc trong nhà trước sau. Cha chồng mắt yếu, cô là đôi mắt của ông. Hằng ngày, cô trưng hoa, vái nhang tỏ lòng hiếu kính tổ tiên, ngày giỗ ông bà cô làm mâm cơm theo ý cha mẹ chồng.
Thế mà, khi sinh đứa con đầu lòng, cô phải kiên nhẫn lắm mới thuyết phục được bên chồng cho con nhập đạo. Ngày con nhập đạo, chỉ có một mình cô ôm con đến nhà thờ với hai hàng nước mắt, ngậm ngùi, cô quạnh. Khi con lẫm chẫm biết đi muốn kêu con dậy đi dự lễ thì mẹ chồng nạt nộ: con nít mà biết cái gì, để cho nó ngủ, không đi đâu hết. Nhiều lúc cô tủi hờn muốn dứt mối dây hôn phối cho xong… nhưng lại tịnh tâm cầu nguyện xin ơn Chúa giúp như thánh Monica, cô giữ đạo như thế suốt 15 năm. Và quả thực tình yêu biến đổi mọi sự, dần dà, bên chồng đã hiểu và đón nhận cô, ba đứa con được sống trong đức tin trọn vẹn. Cô tự hào mình là con Chúa, nhờ ơn Chúa giúp mà cô biết kiên nhẫn sống đạo yêu thương.
Ước chi chúng ta luôn biết biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa, qua lòng khiêm nhường sám hối, qua lòng bác ái vị tha, qua lòng kiên trung sống những giá trị Tin Mừng trước mặt người đời. Amen.
2. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Đức Giêsu là ai vậy?
- Khi đi đến làng Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các tông đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng: người ta cho Ngài là Gioan Tẩy giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các ông cho Ngài là ai, thì Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị: giải phóng đất nước, giành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên tín, Ngài liền báo cho họ con đường Thương khó và Phục sinh của Ngài.
- Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, thuỷ tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giêsu.
- Theo dư luận quần chúng
Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp liền: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).
Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng: Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy giả… Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.
- Theo ý kiến các môn đệ
Đức Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai?” Ông Phêrô đã nhanh nhảu trả lời ngay: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29).
Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.
Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.
- Theo tiết lộ của Đức Giêsu
Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.
Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
- Truyện: Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux
Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.
Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras:
– Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông?
Ông Barras trả lời:
– Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa nhật, đồng chí cố sống lại đi.