“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
(Mc 8,35)
BÀI ÐỌC I: (Năm I) St 11, 1-9
“Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn”.
Trích sách Sáng Thế.
Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”.
Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là “Babel”, vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 32, 10-11. 12-13. 14-15
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình
Xướng: Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia.
Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Ngài xem thấy hết thảy con cái loài người.
Xướng: Từ cung lâu của Ngài, Ngài quan sát hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Ngài đã tạo thành tâm can bọn họ hết thảy; Ngài quan tâm đến mọi việc làm của họ.
Tin Mừng: Mc 8,34–9,1
8:34 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ?
37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ?
38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”.
9:1 Chúa Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực”.
Suy Niệm
1. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Bỏ Mình Vác Thánh Giá
Có thể nói đời người là một tiến trình từ bỏ liên tục. Hài nhi từ bỏ cung lòng êm ấm an tòan của người mẹ để cất tiếng khóc chào đời. Em bé phải từ bỏ bầu sữa ngọt ngào tươi mát của mẹ mới cỏ thể thưởng thức được nhiều hương vị trần gian. Người thanh niên nam nữ phải rời bỏ cha mẹ để xây dựng một tổ ấm cho riêng mình… có ai trong chúng ta đã không phải từ bỏ?
Từ bỏ trở thành quy luật để sống và lớn lên. Cuộc từ bỏ nào mà chẳng làm người ta không cảm thấy luyến tiếc xót xa. Phải từ bỏ những điều xấu, những tệ nạn trai gái, rượu chè, hút sách đã khó. Đằng này cần bỏ những điều tốt để chọn một điều tốt hơn, xem ra lại càng khó. Thế mà, Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta “Ai muốn đi theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Từ bỏ chính mình nghĩa là gì? Thưa, là từ bỏ cái “tôi”, bỏ ý riêng thích an nhàn hưởng thụ, bỏ cái tham, sân, si của mình, để nhận vác lấy thánh giá bước theo Chúa. Thật khó biết bao? Phải chăng đây là điều không thể?
Theo Kitô Giáo, bỏ cái tôi không phải là xóa ra không, không phải như giọt nước hòa vào đại dương. Bỏ không phải là mất nhưng là được: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô). Cuộc đời của Chúa Giêsu minh chứng điều đó: Chính khi Ngài bỏ vinh quang của một Thiên Chúa, trở nên phàm nhân, chịu khổ hình thập giá thì Ngài lại trở nên nguồn ơn cứu độ cho mọi người.
Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Chúa đã đi qua; đó là con đường từ bỏ, hi sinh mạng sống. Bỏ cái tôi ích kỉ vì lợi ích của tha nhân. Bỏ những vinh danh bản thân, để danh Chúa được tôn vinh. Bỏ đời tạm đổi lấy đời đời.
Chắc chắn rồi, khi chúng ta bỏ mình vác Thánh Giá là mang vào thân sự hy sinh vì tình yêu Chúa và yêu người. Nhưng chính những hy sinh đó có giá trị xây dựng bình an hạnh phúc ngay bây giờ và mai sau. Thật vậy, Chúa Giêsu đã không cứu chuộc được ai nếu Ngài không tự nguyện hy sinh. Hy sinh không phải là chết mà là sống: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Thích sướng ngại khổ, tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Ai lại chẳng muốn đời mình xuôi chèo mát mái, khỏi phải đương đầu với gian nan nghịch cảnh. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không tránh khỏi suy tính đó. Nhưng lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bỏ mình vác lấy thập giá mà theo Chúa.
Thực tế, Chúa luôn ban các ơn cần thiết giúp chúng ta đủ sức vác thánh giá đi theo Ngài. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, ấy là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của chúng ta thôi. Chúa biết rõ điều này, nên Ngài dạy chúng ta phải từ bỏ chính mình trước đã, rồi mới vác thập giá bước theo Chúa. Bởi một khi đã từ bỏ chính mình, chúng ta chỉ còn cậy dựa vào Chúa, bước đi dưới sự nâng đỡ của Chúa.
Đời sống của các vị thánh cho ta thêm xác tín điều đó. Đối với thánh Phêrô có lẽ thánh giá lớn của ngài là sợ hãi. Không chỉ sợ đứa đầy tớ gái trong dinh philatô, mà sau này giữa cuộc bách hại các kitô hữu thời giáo hội sơ khai. Thánh Phêrô đã sợ hãi trốn khỏi Rôma, nhưng khi ra đến cổng thành, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá, ngài hỏi Chúa: “Quo vadis, Domine?” (“Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”), Chúa Giêsu trả lời: “Eo Romam crucifigi iterum” (“Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”) – ngụ ý nhắc Phêrô can đảm tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhờ đó Phêrô thêm can đảm, quay vào thành Rôma chịu tử đạo làm chứng cho Chúa.
Với thánh Phaolô, thánh giá của ngài có thể là sự yếu đuối chăng? Nhiều lần Phaolô đã phải kêu lên điều tôi muốn thì tôi không làm, tôi cứ làm điều không muốn. Ai có thể cứu tôi khỏi cảnh khốn nạn này. Chúa hứa với ngài: “Ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ qua sự yếu đuối”. Thánh nhân đã cậy nhờ ơn Chúa để chiến thắng những yếu đuối của mình và nhiệt thành rao truyền tình thương của Chúa cho mọi người.
Còn thánh giá của thánh nữ Monica có lẽ là những vất vả lo toan, vui buồn sướng khổ trong đời sống gia đình… đau khổ vì chồng, vì con, thánh nữ chấp nhận dâng lên Chúa tất cả. Và chính Chúa đã ban cho ngài được lại người chồng sùng đạo, người con làm giám mục và cả 2 mẹ con đều làm thánh.
Thế nên, phúc cho những ai biết bỏ mình vác lấy thánh giá của mình hằng ngày mà theo Chúa vì họ sẽ được thiên đàng làm gia nghiệp vậy. Amen.
2. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Điều kiện để theo Chúa
- Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
- Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16), Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các ông biết: “Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giêsu mở ra một giai đoạn mới, trong giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng: “Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
- THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Kitô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào có thể làm cho họ lìa bỏ nhau:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Trong lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai điều kiện ấy.
- Từ bỏ chính mình
Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật… và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi…
Đức Thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói: “Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ”.
Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hoà vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.
- Vác thập giá mình
Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất… trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.
Trong đời sống Kitô hữu, ai cũng phải vác thập giá, vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.
- Truyện: Thánh giá vừa sức mình
Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo:
– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:
– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
Thiên thần yên ủi:
– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van nữa.