“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.
Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 1-4
“Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ.
Anh em thân mến, tôi xin gởi lời khuyên bảo đến bậc Kỳ Lão trong anh em. Tôi là một Kỳ Lão như các ngài, là một nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Ki-tô, một kẻ sẽ được thông phần vinh quang sắp được tỏ bày. Hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa nơi anh em, hãy trông nom nó, không phải bằng cách miễn cưỡng, mà là sẵn sàng theo thánh ý Chúa; không phải để trục lợi, mà là do tình nguyện; không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên. Và khi thủ lãnh các đấng chăn chiên xuất hiện, anh em sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang bất diệt.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi
Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.
Xướng: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.
Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Alleluia: Mt 16, 18
Alleluia, alleluia! – Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy, và cửa hoả ngục sẽ không thắng được. – Alleluia.
Tin Mừng: Mt 16, 13-19
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút Lời Chúa
B/ Suy niệm
ÂN HUỆ VÀ TRÁCH NHIỆM
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.” (Mt 16,19)
Suy niệm: Phê-rô hẳn đã quá đỗi kinh ngạc bởi vì chỉ từ một lời tuyên xưng Đức Giê-su Na-da-rét, một con người bằng xương bằng thịt, là Con Thiên Chúa hằng sống, mà ông được Chúa Giê-su khen tặng “là người có phúc” vì đã được “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” mạc khải những điều cao trọng; ông lại lại còn được Ngài trao cho sứ mạng trọng đại: trên con người mỏng dòn của ông, Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài bền vững đến độ “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”. Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho ngư phủ Phêrô với toàn quyền cầm buộc hay tháo cởi, có hiệu lực cả trên trời cũng như dưới trần gian này. Tất cả những điều đó là ân ban và đồng thời cũng là sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời Phêrô đáp trả với lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm.
Mời Bạn: Gia đình Ki-tô hữu là một Hội Thánh tại gia. Gia đình Ki-tô hữu lãnh nhận hồng ân và chu toàn sứ mạng của mình giữa lòng Hội Thánh khi tuyên nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa là Đầu của gia đình mình. Năm “Phúc-Âm-hoá Gia đình”, Hội Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại những hồng ân và trách nhiệm Chúa đặt nơi mỗi gia đình Ki-tô hữu để nỗ lực xây dựng gia đình mình thành một gia đình thánh thiện, một gia đình truyền giáo.
Sống Lời Chúa: Để thực hiện “Phúc-Âm-hoá gia đình”, toàn gia đình quyết tâm cầu nguyện chung và hy sinh quên mình phục vụ lẫn nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đầu và là Hôn Phu của Giáo Hội, xin thương đến gia đình chúng con và giúp chúng con sống thánh thiện và làm chứng nhân tình yêu Chúa ở giữa lòng thế giới hôm nay.
LÒNG TIN CỦA PHÊ-RÔ
“Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Chúng ta nhìn vào đức tin của thánh Phê-rô, hầu rút ra bài học cho mình trong Năm Đức Tin này. Phê-rô vừa biết Chúa Giê-su thì đã tin vào Ngài, trở nên một trong bốn môn đệ đầu tiên. Ông được nghe lời giảng dạy của Chúa và chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Tưởng chừng như lòng tin của ông kiên vững lắm. Nhưng ta chưng hửng biết bao khi thấy ông tỏ ra yếu tin, ngã lòng, thất đảm, thậm chí chối bỏ đức tin nữa. Các trình thuật về việc Phêrô đi trên mặt nước rồi bị chìm (Mt 14,22-33), chối Chúa ba lần (Mc14,66-72), trốn chạy khi Chúa chịu nạn… cho thấy long tin của ông như thế nào! Cuối cùng, sau những lần yếu đuối, Phê-rô đã kiên vững trong lòng tin cho đến chết. Gương của Phê-rô cho thấy đức tin là một ơn của Chúa, con người khó mà có được lòng tin vững mạnh nếu Chúa không nâng đỡ (Lc 22,31-32). Về phần Chúa, ta thấy Ngài luôn lạc quan, tin tưởng vào Phê-rô, dù biết rõ con người của ông.
Mời Bạn: Hẳn bạn không thể tự mãn về lòng tin của mình, dù bạn vẫn giữ đạo tốt, vẫn tin vào Chúa. Bạn cũng chẳng dám cho rằng mình có đức tin “lớn bằng hạt cải” (Lc 17,6). Đức tin của bạn phải trải qua thử thách thì mới là đức tin thật và mạnh mẽ.
Sống Lời Chúa: Khiêm tốn nài xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của bạn, trong sự xác tín rằng đức tin của bạn sẽ được củng cố nhờ cầu nguyện, nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Tâm sự với Chúa bằng lời Phúc Âm: – “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5); – “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24).
“ABBA!” (“CHA ƠI!”)
Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phêrô tuyên xưng. Thế nhưng, là người Con hiếu thảo với Cha, đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.
Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần- linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả Thiên-Chúa-con-người này, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Áp-ba!” (“Cha ơi”).
Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để có thể như Ngài sống trong tôi mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
Câu chuyện
Mộ phần của vị tông đồ trưởng Phêrô ở ngay dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Truyền tụng từ xưa vẫn tin như thế, và mới đây đã được xác định nhờ các cuộc điều tra khảo cổ. Ngôi mộ này như một biểu tượng bền vững cho chân lý: Simon Phêrô theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo hội. Tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn được lắng nghe suốt các thế kỷ, qua lời giáo huấn của các Đức Giáo hoàng.
Ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Trước kia, Giáo hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia (trước khi Ngài đến Rôma) và một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo hội chỉ cử hành một thánh lễ: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.
Có ba bản văn Kinh Thánh là nền tảng về ngai tòa của Thánh Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội… Ta sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời…” (Mt 16,13-19). “Con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-19).
Suy niệm
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô – Mêssia, là “Con Thiên Chúa”, Đấng Mêssia (tiếng Hy Lạp Christos – Kitô) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Phêrô lại gọi Chúa Giêsu là “Con của Thiên Chúa”, ông khẳng định nguồn gốc thần linh của Ngài… Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Giáo hội của Ngài: “Phêrô! con là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu ước chỉ có Chúa là Đá Tảng: “Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 72,3), và sau này trong Tân ước, Đức Giêsu là Thiên Chúa Phục Sinh cũng là nền tảng. (x. 1Pr 2,4-5), nhưng Phêrô cũng được Chúa Giêsu đặt làm đá tảng, là nền cho Giáo hội. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. Simon như tên căn cước được đặt bởi cha mẹ, nhưng Chúa Giêsu gọi ông là Đá – Phêrô, sau này biệt danh Phêrô luôn gắn liền với ông và theo Kinh Thánh Tân ước, ông đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kêphas – Phêrô – nghĩa là đá tảng (x. 1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14). Trong Kinh Thánh về việc đổi tên và với tên mới, ý nghĩa thật quá rõ ràng: Simon sẽ là tảng đá móng, tảng đá vững bền trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Ngài.
Chúa Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa, sách Khải huyền nhấn mạnh chỉ mình Đức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), chìa khóa là hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống về cai quản (x. Is 22,22). Cho nên, người nào giữ chìa khóa của một ngôi nhà, người ấy có toàn quyền trên ngôi nhà đó. Chìa khóa tượng trưng cho quyền hành và trách nhiệm cai quản. Trao chìa khóa theo ngôn ngữ Kinh Thánh tượng trưng cho sự ủy thác trách nhiệm…
Phêrô được trao chìa khóa nước Trời, nghĩa là được tham dự vào quyền bính trách nhiệm của Chúa Giêsu, chính vì thế, Phêrô đại diện Chúa Kitô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Giáo hội, nhằm mục đích là phục vụ dân Chúa. Các Đức Giáo hoàng sau này kế vị thánh Phêrô và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian mang trọng trách cùng quyền bính của Phêrô. Thánh Augustinô đã chú giải đoạn Phúc Âm Matthêu (16,13-23) như sau: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã đoái thương đặt thánh Phêrô Tông Đồ trên toàn thể Giáo hội. Nền tảng này được tôn kính thật xứng hợp bởi vì đó là phương thế để chúng ta có thể được lên thiên đàng”.
Cho nên, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Chúng ta thần phục và lắng nghe giáo huấn của Ngài, cũng như cầu nguyện cho Ngài trong sứ vụ lèo lái con tàu của Giáo hội …
Ý lực sống
“Thánh Phêrô giữ quyền tối thượng để chứng tỏ Giáo hội của Chúa Kitô là duy nhất, và Tòa của ngài là duy nhất. Thiên Chúa là duy nhất. Đức Kitô là duy nhất. Giáo hội là duy nhất. Tòa được Chúa Kitô thiết lập cũng duy nhất” (Thánh Cyprianô vào thế kỷ III).