ĐỨC PHANXICÔ TẬP TRUNG VÀO KINH THÁNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT – TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÓ CHỊU?
Tôi đang viết cho tạp chí America vào tháng 3 năm 2013 khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng. Có thể thấy rõ bầu khí phấn khích xung quanh cuộc bầu cử của ngài nơi tạp chí này. Tuyên bố công khai quan trọng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô là cuộc phỏng vấn với cha Antonio Spadaro, S.J., được xuất bản ở cùng tạp chí America với tựa đề “Một tấm lòng cao cả mở ra cho Thiên Chúa”. Cuộc phỏng vấn bao trùm trên phạm vi rộng lớn, trung thực và chân thành này đã làm tăng thêm sự phấn khích cho vị tân Giáo hoàng, không chỉ ở Mỹ, mà còn trên toàn thế giới Công giáo. “Một tấm lòng cao cả mở ra cho Thiên Chúa” sau đó được Nxb Harper One xuất bản thành sách với những suy tư của một số nhà văn. Tôi đã đóng góp một bài suy tư ngắn về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha và các chủ đề Kinh Thánh, được gọi đơn giản là “Cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng và Kinh Thánh”.
Mười năm sau cuộc bầu cử Giáo hoàng, tôi đã tham gia một hội nghị quốc tế vào tháng 5 năm 2023 tại Đại học St. Mark, học viện Công giáo thuộc Đại học British Columbia, có tên là “Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tương lai của Giáo hội: Triển vọng và Thử thách cho cuộc Canh tân”. Các học giả từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á đã quy tụ tại đây để nhận định và kỷ niệm thập kỷ đầu tiên trong triều đại của ngài. Trên trang web hội nghị, chúng tôi đã viết: “Qua Tông huấn mang tính chương trình nghị sự ‘Evangelii Gaudium’ (‘Niềm vui Tin Mừng’), Đức Phanxicô đã khởi động một cuộc cải cách thách thức người Công giáo suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc trở thành Giáo hội trong thế kỷ 21”.
Hội nghị đã xem xét di sản của Đức Phanxicô và con đường hiệp hành mà ngài đang hướng dẫn. Bây giờ, khi sắp kỷ niệm 10 năm xuất bản cuốn Một tấm lòng cao cả mở ra cho Thiên Chúa, tôi muốn nhìn lại suy tư ngắn của mình từ một thập kỷ trước để suy ngẫm về những cách mà Kinh Thánh đã hướng dẫn triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô – và tại sao việc Đức Phanxicô sử dụng Kinh Thánh không chỉ tạo ra niềm vui cho nhiều người mà còn gây ra nỗi sợ hãi và thậm chí sự bối rối cho nhiều người khác.
Một nguồn cảm hứng Kinh Thánh
Để đưa ra một vài bối cảnh cho cả niềm vui lẫn nỗi sợ hãi bao trùm triều đại Giáo hoàng Phanxicô, tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện chữa lành từ Tin Mừng Máccô. Trong câu chuyện về người bị quỷ ám (Mc 5), sau khi Chúa Giêsu trục xuất tên quỷ ra khỏi người đàn ông sống giữa các đám mồ mả, thì dân chúng nài xin Chúa Giêsu rời đi. Tuy nhiên, người bị quỷ ám lại xin đi theo Ngài. Chúa Giêsu từ chối anh ta và nói: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5:15).
Trong cuốn Đọc Kinh Thánh trong thời đại Phanxicô (Reading the Bible in the Age of Francis), nhà thần học Micah Kiel viết về dụ ngôn này: “Lòng thương xót là điều ngạc nhiên mà người ta không muốn vì nó có nghĩa là họ không có cách nào đoán trước được Thiên Chúa sẽ làm gì và Thiên Chúa sẽ làm điều đó cho ai”. Nhưng đối với người bị quỷ ám, được Chúa tỏ lòng thương xót, thì chính sự bất ngờ ấy mang đến cho anh niềm vui tràn trề. Còn đối với người dân trong vùng, khi họ “đến để xem chuyện gì đã xảy ra…. Họ trở nên sợ hãi” (Mc 5:14-15). Họ muốn Chúa Giêsu rời đi.
Một số người cũng sợ hãi Đức Phanxicô và mong ngài rời đi. Phần lớn nỗi sợ hãi đó xuất phát từ suy nghĩ rằng Đức Phanxicô là một “thế lực gây bất ổn”(destabilizing force), làm lung lay những nền tảng nhất định nào đó trong Giáo huấn của Giáo hội. Tôi đồng ý rằng Đức Phanxicô đã trở thành một “thế lực gây bất ổn” đơn giản vì ngài chào đón những người bị gạt ra bên lề xã hội thuộc mọi thành phần vào Giáo hội. Nhưng việc chào đón này cũng đơn giản chỉ là trở lại với sứ mạng và sứ vụ của chính Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng hơn nếu quay lại xem xét một vài đoạn Kinh thánh mà 10 năm trước tôi hoài nghi sau Giáo huấn của Đức Phanxicô về lòng thương xót. Bây giờ có nhiều bài huấn từ của chính Đức Phanxicô hỗ trợ cho nhận thức ban đầu của tôi.
Trong bài viết cách đây 10 năm, tôi đã lưu ý đến hai đoạn Tin Mừng nổi bật trong cuộc phỏng vấn với Cha Spadaro làm nền tảng cho Đức Phanxicô: Mt 9:9-13 và Lc 10:25-37. Ở đây, tôi muốn khám phá xem Đức Phanxicô đã trở lại những đoạn Tin Mừng này như thế nào trong các bài tiếp theo của ngài. Tôi cũng muốn lấy lại hai đoạn khác mà ngài đã đề cập trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, trong đó có một đoạn mà ngài đã ám chỉ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên. Điều quan trọng là phải suy ngẫm tại sao lòng thương xót, không chỉ trong sứ vụ của Chúa Giêsu mà cả trong triều đại Giáo hoàng Phanxicô, lại là điều ngạc nhiên mà người ta không muốn – nhưng cũng là lý do tại sao nó lại có ý nghĩa quan trọng đối với việc đổi mới Giáo hội trong thời đại chúng ta.
Matthêu 9:9-13
Trong cuộc phỏng vấn với Cha Spadaro, Đức Phanxicô đã nói trực tiếp về ơn gọi của Thánh Mátthêu từ Mt 9:9, trong đó Chúa Giêsu nhìn thấy Mátthêu và nói với ông: “Anh hãy theo tôi”. Mátthêu đi theo Chúa Giêsu và chẳng bao lâu sau sẽ dùng bữa tối với Ngài, với các môn đệ, với “nhiều người thu thuế và tội lỗi” (Mt 9:10). Khi được hỏi về vấn đề này, Chúa Giêsu trả lời: “Những người mạnh khỏe không cần đến thầy thuốc, nhưng những người ốm đau mới cần.Các ông hãy đi mà học xem lời này nghĩa là gì: Tôi muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế. Vì Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi.” (Mt 9:12-13).
Đức Thánh Cha đã nói về đoạn văn này trong bối cảnh bức tranh của Caravaggio về khung cảnh tại Nhà thờ Thánh Louis của Pháp ở Rôma (“Ơn gọi của Thánh Mátthêu”): “Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Mátthêu. Đó là tôi. Tôi cảm thấy giống ngài. Giống như Matthêu.” Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tôi chấp nhận trong tinh thần sám hối”.
Bấy giờ, tôi đã viết rằng: “khi đồng hóa mình với các tội nhân, Đức Phanxicô đã xếp căn tính đầu tiên của bản thân như một người được cứu bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải như một chuyên gia tôn giáo”. Tự xác định mình như thế, có thể là điều rất khó khăn với những người tự cho mình là ưu việt hoặc trong sạch về mặt tôn giáo. Lòng thương xót để dành cho người khác đang cần, nhưng không dành cho tôi. Đức Phanxicô đã trở lại chủ đề này trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 13 tháng 4 năm 2016:
“Tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta đều đã phạm tội. Khi gọi tên Mátthêu, Chúa Giêsu cho những người tội lỗi thấy rằng Ngài không nhìn vào quá khứ của họ, địa vị xã hội của họ, những quy ước bề ngoài, mà đúng hơn, Ngài mở ra cho họ một tương lai mới… Giáo hội không phải là một cộng đoàn những người hoàn hảo, nhưng là một cộng đoàn các môn đệ trên hành trình đi theo Chúa vì họ biết mình là những tội nhân và cần được Ngài tha thứ. Vì vậy, đời sống Kitô hữu là một trường học về đức khiêm nhường để mở lòng chúng ta ra với ân sủng”.
Đức Phanxicô nói rằng:
“Cách ứng xử như vậy không thể hiểu được với những người tự hào cho rằng mình là ‘công chính’ và tốt hơn người khác. Sự ngạo mạn và kiêu ngạo không chỉ ngăn cản người ta nhận ra mình đang cần được cứu rỗi, nhưng còn ngăn cả người ta nhận ra dung mạo Thiên Chúa giàu lòng thương xót và nhất là không cho người ta hành động với lòng thương xót.”
Đức Phanxicô gọi con đường lòng thương xót của Thiên Chúa là “một mầu nhiệm; Trái tim Thiên Chúa là mầu nhiệm vĩ đại nhất và đẹp nhất. Nếu bạn muốn đến với trái tim Chúa, hãy đi theo con đường thương xót và để cho mình được đối xử với lòng xót thương”. Đức Phanxicô đã “gây bất ổn” cho những người tự coi mình là ưu việt về tôn giáo bằng cách ngài coi mình là một tội nhân được cứu rỗi bởi ân sủng của Thiên Chúa và đưa tất cả chúng ta trở lại với chính giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng thương xót.
Luca 10:25-37
Điều này dẫn đến dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu, cũng đã được thảo luận trong “Một tấm lòng cao cả mở ra cho Thiên Chúa”. Đây là những gì Đức Phanxicô nói về Giáo hội như bệnh viện dã chiến trong cuộc phỏng vấn đó:
“Giáo hội đôi khi tự nhốt mình trong những điều nhỏ nhặt, trong những luật lệ nhỏ mọn. Điều quan trọng nhất là lời loan báo đầu tiên: Chúa Giêsu Kitô đã cứu anh chị em. Và các thừa tác viên của Giáo hội trên hết phải là những thừa tác viên của lòng thương xót… Trong mục vụ, chúng ta phải đồng hành với mọi người và chúng ta phải chữa lành vết thương cho họ.”
Khi đó tôi đã viết câu chuyện người Samaritanô nhân hậu là đoạn văn thích hợp nhất đằng sau phần này vì nó nhấn mạnh vào việc “chữa lành vết thương, chữa lành vết thương” của “người bị thương nặng” và “chúng ta phải đồng hành với họ, bắt đầu từ hoàn cảnh của họ. Cần phải đồng hành với họ với lòng thương xót.”
Trong “Fratelli Tutti,” đặc biệt là các số từ 56 đến 79, Đức Thánh Cha khẳng định tính trung tâm của dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu:
“Dụ ngôn này là một biểu tượng soi sáng, có khả năng làm nổi bật lựa chọn cơ bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới vốn bị tổn thương này. Đối mặt với quá nhiều đau đớn, quá nhiều vết thương, lối thoát duy nhất là trở nên giống như người Samaritanô nhân hậu. Mọi lựa chọn khác đều dẫn chúng ta đứng về phía bọn cướp hoặc về phía những người tránh sang một bên mà không thương xót người bị thương dọc đường” (số 67).
“Dụ ngôn này rõ ràng không trình bày một giáo huấn về những lý tưởng đạo đức trừu tượng, cũng không giản lược thành một bài học luân lý đạo đức xã hội. Trên hết, nó mở ra cho chúng ta thấy nhân tính thiết yếu của con người mà chúng ta thường lãng quên. Đó là chúng ta được dựng nên để trở nên sung mãn trọn vẹn, vốn chỉ tìm thấy trong tình yêu. Chúng ta không thể dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác; chúng ta không được phép để ai đi qua đời mình như một kẻ bị bỏ rơi. Thay vào đó, chúng ta phải cảm thấy phẫn nộ, bị thách thức vượt ra khỏi vỏ ốc thoải mái của mình, và chịu biến đổi trước nỗi đau khổ của con người. Đó chính là ý nghĩa của phẩm giá!.” (số 68).
Nhưng trong khi Đức Phanxicô tập trung vào những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, ngài không còn dành nhiều thời gian thương cảm cho giới tu hành, có lẽ ngoại trừ việc chỉ trích. Đó là nơi nổi lên rất nhiều tiếng nói phản đối ngài.
“Một chi tiết đáng chú ý trong số những người tránh qua một bên mà đi: họ là những người sùng đạo, và hơn thế, là những chức sắc chuyên lo việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa: một thầy tư tế, một thầy Lêvi. Chi tiết này cần hết sức lưu ý. Nó cho thấy việc tin và tôn thờ Thiên Chúa không đủ để bảo đảm cho chúng ta đang sống đẹp Ý Chúa.” (Số 74).
“Một tín hữu như thế chưa chắc đã trung thành với mọi đòi hỏi của đức tin, thế nhưng lại cảm thấy mình gần với Thiên Chúa và xứng đáng hơn những người khác. Ngược lại, có những cách sống đức tin giúp chúng ta mở lòng ra với anh chị em mình, và điều đó sẽ bảo đảm cho chúng ta mở lòng ra đích thực với Thiên Chúa.,” Đức Phanxicô nói tiếp. “Nghịch lý thay, đôi khi những người nói không tin lại có thể sống theo ý Chúa tốt hơn những người có lòng tin.” (Số 74).
Lòng thương xót chính là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa tuôn đổ trên nhân loại bất xứng. Không phải vì chúng ta xứng đáng, không có lý do nào khác ngoài tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, bổn phận của chúng ta là tỏ lòng thương xót với người khác như Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót chúng ta.
Mattthêu 18: 21-35
Khi xem xét dụ ngôn tên đầy tớ không có lòng thương xót (Mt 18:21-35), chúng ta có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa là nền tảng cho lòng thương xót của con người như thế nào. Đức Thánh Cha đã giảng ít nhất ba bài về đoạn Tin Mừng này, khi viết rằng:
“Trong dụ ngôn này, chúng ta thấy hai thái độ khác nhau: một bên, vị vua tha thứ nhiều, đại diện cho Thiên Chúa vì Thiên Chúa luôn tha thứ; còn bên kia là thái độ của con người. Thái độ của Thiên Chúa là công lý tràn ngập lòng thương xót, trong khi thái độ của con người chỉ giới hạn ở công lý. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta can đảm mở lòng đón nhận sức mạnh của ơn tha thứ, bởi vì trong cuộc sống không phải cái gì cũng có thể giải quyết bằng công lý. Chúng ta biết rõ điều này”.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha viết, “cần có lòng thương xót. Trước dụ ngôn này, Phêrô thắc mắc và Chúa đã đưa ra câu trả lời đặt trên nền tảng lòng thương xót. Phêrô đã hỏi như thế này: “Lạy Chúa, nếu anh em con có lỗi với con, con phải tha cho người ấy mấy lần? Đến bảy lần chăng?” (c. 21). Đức Giêsu bảo ông: “Thầy không nói với con là đến bảy lần, mà là đến bảy mươi lần bảy.” (c. 22). Trong dụ ngôn này, thật khó để đưa ra ý nghĩa đầy đủ cho thấy ơn tha tội vô lý biết chừng nào: Theo tính toán của tôi, tên đầy tớ bất nhân nợ hàng triệu triệu đô, trong khi người bạn chỉ nợ anh số tiền tương đương khoảng ba tháng lương.
Trong “Gaudete et Exsultate” số 82, Đức Phanxicô nói rằng “chúng ta cần nghĩ về mình như một đạo quân gồm những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đều đã được Thiên Chúa ghé mắt nhìn với lòng thương xót. Nếu chúng ta chân thành đến với Chúa và để tâm lắng nghe, đôi khi chúng ta sẽ nghe thấy lời Ngài quở trách: ‘đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18:33)”. Chúng ta không nên đánh giá thấp lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá thấp nhu cầu lòng thương xót cho chính mình. Bất cứ khi nào chúng ta tưởng mình đã kiếm được ơn cứu độ, chúng ta quên mất vai trò chính của mình là tội nhân và bắt đầu quá trình phán xét người khác như những tội nhân bất xứng với lòng thương xót hay ơn cứu độ. Lòng thương xót của Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của ơn cứu độ. Lòng thương xót không phải là thứ cần cho ai đó, mà là điều cần thiết cho chính tôi. Đó là khi chúng ta bắt đầu níu lấy lòng thương xót.
Luca 24
Trong cuộc phỏng vấn với Cha Spadaro, Đức Phanxicô nói:
“Việc rao giảng theo phong cách truyền giáo tập trung vào những điều thiết yếu, những điều cần thiết: đây cũng là điều lôi cuốn và thu hút hơn, điều khiến tâm hồn bừng cháy, như đã làm cho các môn đệ ở Emmaus. Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng mới; nếu không thì ngay cả tòa nhà đạo đức của Giáo hội cũng có thể sụp đổ như một ngôi nhà bằng lá bài, mất đi sự tươi mới và hương thơm của Tin Mừng. Lời đề nghị của Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu sắc hơn, rạng ngời hơn. Chính từ chủ trương này mà các hệ quả đạo đức sẽ xuất hiện theo sau.”
Cách đây 10 năm, tôi đã chỉ ra rằng từ Emmaus ám chỉ một đoạn trong Luca 24, khi Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ chán nản, mặc dù họ không nhận ra Ngài. Sau đó, khi nhận ra Ngài, họ nói: “Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên [trong chúng ta] khi Ngài nói chuyện với chúng ta trên đường và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta sao?” (Lc 24:32). Vào cuối bài báo năm 2013, tôi đã viết, “Tuy nhiên, để nhận ra Chúa Giêsu, bạn cần một cuộc gặp gỡ và để làm được điều đó, bạn cần một lời giới thiệu. Lòng thương xót dường như là một cách tốt để giới thiệu mọi người đến với Chúa Giêsu.” Và đó là trọng tâm của triều đại Giáo hoàng Phanxicô.
Trong “Laudato Si”, Đức Phanxicô viết: “Khi nhấn mạnh con người là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được phép quên rằng mọi loài thụ tạo đều có mục đích riêng của mình. Không có gì là thừa. Cả vũ trụ vật chất đều nói lên tình yêu của Thiên Chúa, biểu lộ tình thương vô biên của Ngài dành cho chúng ta” (Số 84). Đức Phanxicô tiếp tục nói về cái nhìn của Chúa Giêsu: “Với sự dịu dàng cảm động, Ngài nhắn nhủ họ rằng mỗi người đều quan trọng trước mắt Thiên Chúa: ‘Năm con chim sẻ há chẳng bán được hai xu sao? Vậy mà không một con nào bị lãng quên trước mặt Thiên Chúa’ (Lc 12:6)” (Số 96). Trong lập luận (từ nhỏ đến lớn) thường được Chúa Giêsu sử dụng, con người xứng đáng được Thiên Chúa thương xót và chăm sóc hơn chim sẻ đến chừng nào?
Thế tại sao lại phản đối?
Lòng thương xót dường như là cách tốt nhất để giới thiệu mọi người đến với Chúa Giêsu, dựa trên chính giáo huấn của Ngài và về cơ bản, đó là hữu thể của Thiên Chúa. Vậy tại sao giáo huấn của Đức Phanxicô về lòng thương xót lại chịu nhiều sự phản đối đến vậy? Đức Phanxicô lưu ý trong “Gaudete et Exsultate” rằng: “Chính Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng con đường Ngài đề xuất là đi ngược dòng đời, thậm chí khiến chúng ta trở nên thách đố cho xã hội qua cách sống của mình và kết quả là chúng ta trở thành một mối gây phiền toái” (Số 90). Đức Phanxicô nói rằng: “đối với người Kitô hữu, điều này kéo theo một sự trăn trở lành mạnh và thường xuyên” (Số 99). Nói cách khác, đó là sự bất ổn.
Lòng thương xót gây ngạc nhiên. Một số người lại không mong muốn vì nó mang mầm mống gây ra sự bất ổn, bấp bênh. Lời giảng dạy của Đức Phanxicô về lòng thương xót cũng gây ra bất ổn vì nhiều người trong chúng ta, bất kể tuyên bố theo thần học nào, đều thấy mình ở mức độ cá nhân là xứng đáng với lòng thương xót còn những người khác thì không. Cho dù chúng ta hiểu rằng lòng thương xót là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, không thể mua được, tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn cho mình là người xứng đáng được hưởng hoặc xứng đáng giành được, chứ không giống như những người khác. Thật đáng kinh ngạc và thậm chí đáng sợ, nhất là khi lòng thương xót được đổ trên những người mà chúng ta nghĩ là bất xứng nhất. Những ai đang tìm kiếm sự chắc chắn, hoặc cảm thấy mình đã đạt được điều đó, sẽ vấp ngã trước lòng thương xót hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau trong “Evangelii Gaudium”:
“Trong tiến trình phân định liên lỉ, Giáo hội cũng có thể nhận ra rằng một số thói quen tập tục không liên quan trực tiếp đến tâm điểm của Tin Mừng, thậm chí một số có nguồn gốc lịch sử sâu xa, nay không còn được hiểu và đánh giá như trước. Một số tập tục có thể rất đẹp, nhưng không còn dùng làm phương tiện loan truyền Tin Mừng hữu hiệu nữa. Chúng ta đừng sợ xem xét lại chúng. Đồng thời, Giáo hội có những quy tắc hoặc giới răn có thể khá hữu hiệu vào thời trước, nhưng không còn hữu ích trong việc hướng dẫn và uốn nắn đời sống con người hôm nay” (Số 43).
Nhận định đó có thể đáng sợ, một sự ngạc nhiên thách thức sự chắc chắn của chúng ta, chất vấn cách chúng ta làm những việc lớn nhỏ khác nhau. Nó yêu cầu chúng ta không được nghỉ ngơi trong vỏ ốc an toàn và chắc chắn của riêng mình mà trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng khi cảm giác an toàn và chắc chắn của chúng ta sụp đổ, Đức Phanxicô yêu cầu chúng ta hãy hướng mắt nhìn lên Thiên Chúa, vì cuộc cải cách Giáo hội đang diễn ra, ngài viết, phải chứng tỏ “một ước muốn khôn nguôi để diễn tả lòng thương xót, là hoa trái từ kinh nghiệm của bản thân trước lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy cố gắng hơn một chút để đi bước đầu tiên và dấn thân” (Evangelii Gaudium, Số 24).
Đức Phanxicô đã cho chúng ta biết ngài là ai ngay từ đầu. Trên huy hiệu của ngài có dòng chữ “Miserando atque Eligendo”, “Thương xót và tuyển chọn”. Và thế là chúng ta quay lại lúc ban đầu: “Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Mátthêu. Đó chính là tôi. Tôi cảm thấy giống ngài. Giống như Matthêu.”
Đình Chẩn
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (05.01.2024)
Nguồn: WHĐGMVN – 11/01/2024