Dẫn nhập
Để hiểu được sứ mạng thánh hoá dân Chúa khi cử hành phụng vụ, Sắc lệnh “Tác vụ và đời sống linh mục” của Công đồng Vatican II, số 5, xác định: “Nhờ bí tích truyền chức, linh mục được tham dự vào chức tư tế thừa tác của Chúa Kitô qua cử hành các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể, đọc giờ kinh phụng vụ và chăm sóc nơi thờ phượng”. Theo chỉ dẫn của Công đồng, cần đào sâu cách cụ thể sứ vụ của linh mục khi cử hành các bí tích, phụng vụ giờ kinh, chăm sóc nơi thờ phượng và điểm vài nét gương mẫu của Thánh Gioan Maria Vianney.
I. BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Thừa tác viên thông thường của bí tích thánh tẩy là giám mục, linh mục và phó tế, nhưng trách nhiệm chính yếu là cha sở, người phải chăm lo cử hành rửa tội cho những người thuộc trách nhiệm của mình.[1] Trong trường hợp nguy tử, mọi người – kể cả người không phải là kitô hữu, có ý hướng đúng đắn là làm điều Hội Thánh làm, đều có thể cử hành bí tích thánh tẩy thành sự khi lấy nước lã tự nhiên đổ trên người lãnh nhận Thánh tẩy và đọc kèm công thức Ba Ngôi: “Tôi rửa ông (bà, anh, chị, em) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.[2] Khi cử hành thánh tẩy trong trường hợp nguy tử cho người lớn lẫn trẻ em, nếu thừa tác viên là giám mục hoặc linh mục, các ngài sẽ cử hành liền ngay bí tích Thêm sức và Thánh Thể cho người hấp hối[3] nhưng nếu là phó tế và giáo dân họ có thể đưa Mình Thánh Chúa cho người hấp hối mà không được phép cử hành bí tích Thêm sức.[4] Ngay sau khi cử hành bó tích Thánh tẩy cho người hấp hối, người ta cần ghi tên người vừa lãnh nhận bí tích, tên thừa tác viên, nơi chốn và ngày giờ cử hành, cùng với tên của ít nhất hai nhân chứng, rồi thông báo cho cha sở nơi vừa cử hành bí tích để ngài ghi vào sổ sách lưu trữ tại giáo xứ.[5] Trong trường hợp bình thường, không ai được phép cử hành bó tích Thánh tẩy trong lãnh thổ người khác nếu không được sự đồng ý của người có trách nhiệm nơi lãnh thổ này.[6] Thông thường Hội Thánh cử hành bí tích Thánh tẩy nơi giếng Thánh tẩy.[7] Vì tầm quan trọng của giếng Thánh tẩy trong đời sống Hội Thánh, nên khi có thể được, mọi nhà thờ chánh toà và nhà thờ giáo xứ nên xây dựng giếng thánh tẩy riêng cho mình.[8]
Bí tích Thánh tẩy chỉ được ban một lần mà thôi,[9] vì vậy chỉ những ai chưa chịu Thánh tẩy mới có thể lãnh nhận bí tích này.[10] Để có thể lãnh nhận thánh tẩy, đối với người lớn phải được giáo dục về các chân lý đức tin và tự nguyện xin đón nhận bí tích, đối với trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ, hay ít ra của một trong hai người hoặc của người thế quyền cha mẹ, đồng thời cũng phải chắc rằng trẻ em này sau khi lãnh Thánh tẩy sẽ được giáo dục trong đức tin công giáo. Tuy nhiên khi một trẻ em trong tình trạng nguy tử, phải cho em lãnh nhận Thánh tẩy ngay, không được trì hoãn, cho dù cha mẹ em có đồng ý hay không. Khi một người lớn trong cơn nguy tử, chỉ cần người này tự nguyện xin lãnh nhận Thánh tẩy và tuyên xưng đức tin công giáo là đủ.[11]
Khi cử hành Thánh tẩy trong trường hợp nguy tử, chỉ cần đổ nước lã tự nhiên lên đầu hoặc phần thân thể xứng đáng của người hấp hối và đọc công thức Ba Ngôi. Nước lã tự nhiên trong trường hợp này không buộc phải là nước đã được làm phép.[12] Trường hợp một người đã chịu Thánh tẩy khi nguy tử, nếu khoẻ lại thì chỉ cử hành nghi thức diễn nghĩa của Thánh tẩy mà thôi, nghi thức này cách gọi cũ là “phép bù”.[13] Khi cử hành “phép bù” người ta bỏ phần đổ nước và đọc công thức Ba Ngôi, để không gây ngộ nhận là cử hành Thánh tẩy lại lần thứ hai.[14] Trường hợp nghi ngờ không biết đã chịu Thánh tẩy chưa, cần điều tra cẩn thận qua sổ sách và các chứng nhân, nếu vẫn còn nghi ngờ thì có thể cử hành Thánh tẩy với điều kiện.[15]
II. BÍ TÍCH THÊM SỨC
Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm sức là giám mục. Các linh mục khi được uỷ nhiệm cách hợp pháp cũng được phép ban bí tích Thêm sức.[16] Giám mục có thể cấp năng quyền ban bí tích Thêm sức thường xuyên cho một hay nhiều linh mục, và mỗi khi cử hành bí tích, nếu vì một lý do quan trọng, có thể mời các linh mục khác cùng ban bí tích Thêm sức với mình trong từng trường hợp.[17] Giám mục ban bí tích Thêm sức cách tự do trong lãnh thổ của mình, nghĩa là cho các tín hữu của mình và cho cả các tín hữu từ nơi khác đến, trừ khi họ bị bản quyền riêng minh nhiên ngăn cấm; tuy nhiên ngài không thể ban bí tích Thêm sức cách hợp pháp trong lãnh thổ người khác nếu không có phép, ít là mặc nhiên của giám mục địa phương.[18] Mọi linh mục, khi gặp trường hợp nguy tử, có quyền ban bí tích Thêm sức liền ngay sau bí tích Thánh tẩy cho người hấp hối, mà không cần phải xin phép bản quyền địa phương.[19]
Cha sở phải chăm lo giáo dục đức tin để những tín hữu nào đã lãnh bí tích Thánh tẩy và chưa lãnh bí tích Thêm sức có thể lãnh bí tích Thêm sức cách xứng đáng. Trường hợp bình thường, để lãnh bí tích Thêm sức, người tín hữu phải biết sử dụng trí khôn, được học giáo lý đầy đủ, chuẩn bị cẩn thận và tuyên xưng lại đức tin của bí tích Thánh tẩy.[20] Để bí tích Thêm sức được lãnh nhận cách xứng đáng, cha sở cần giúp người tín hữu trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội trọng, vì vậy họ cần lãnh bí tích Hòa giải trước khi lãnh bí tích Thêm sức, nhằm thanh tẩy tâm hồn xứng đáng lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần.[21] Trong trường hợp nguy tử, mọi tín hữu chưa lãnh nhận bí tích Thêm sức, dù là người lớn hay trẻ em, linh mục phải trao ban bí tích Thêm sức cho họ, vì “Hội Thánh mong muốn: không một người con nào của mình, cho dù bé nhỏ, khi lìa đời mà chưa được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng ân sủng tràn đầy của Chúa Kitô”.[22]
III. BÍ TÍCH HOÀ GIẢI
Chúa Kitô trao quyền tha tội trước tiên cho các Tông đồ (x. Ga 20,23), vì thế quyền tha tội trong Hội Thánh được hiểu trước tiên thuộc về các giám mục, là những người kế vị các Tông đồ. Các linh mục là những cộng tác viên của giám mục trong chức tư tế, cũng được hưởng quyền này do năng quyền giám mục cấp cho,[23] vì vậy một linh mục sau khi chịu chức thánh, nếu là linh mục giáo phận chỉ có thể ban bí tích Hòa giải hợp pháp khi nhận được năng quyền do giám mục cấp; nếu là linh mục dòng do bề trên cấp.[24] Khi thi hành quyền tha tội trong bí tích Hòa giải, linh mục ý thức vai trò mục tử nhân lành, yêu thương, cảm thông và chăm lo băng bó vết thương hối nhân, là thày thuốc chữa lành hơn là thẩm phán xét xử ngăm đe.[25] Linh mục không ban ơn tha thứ như ông chủ nhưng là tôi tớ phục vụ Thiên Chúa nhân từ. Vì thế cần tôn trọng và tế nhị đối với hối nhân. Khi đặt các câu hỏi phải khôn ngoan và thận trọng, tránh làm cho hối nhân hiểu rằng ngài đang khai thác một điều gì đó do tò mò, hơn là giúp cho hối nhân hoán cải trở về với Chúa. Không bao giờ thừa tác viên được phép hỏi tên người đồng phạm với hối nhân.[26]
Linh mục phải tuyệt đối giữ kín ấn tín tòa giải tội, giữ kín mọi tội hối nhân đã xưng thú, bằng lời nói cũng như hành động, cho dù phải chấp nhận hy sinh.[27] Ấn tín toà giải tội không những ràng buộc linh mục giải tội mà còn ràng buộc cả hối nhân, nghĩa là điều hối nhân xưng thú trong toà giải tội, họ cũng không được phép tiết lộ cho bất cứ ai ngoài toà giải tội. Tất cả những gì hối nhân đã tiết lộ và linh mục được biết trong toà giải tội đều thuộc ấn tín, và mọi người buộc phải tuyệt đối giữ kín.[28] Ấn tín tòa giải tội không có luật trừ.[29] Linh mục tuyệt đối không được phép hành xử ở toà ngoài những điều được biết trong tòa giải tội vào bất cứ thời điểm nào.[30] Linh mục phải luôn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh và những gì thẩm quyền Hội Thánh dạy bảo, khi khuyên bảo hối nhân, rồi tuỳ tính chất của tội và hoàn cảnh của hối nhân mà ra việc đền tội để chữa lành hơn trừng phạt vì tội đã phạm. Linh mục không được yên trí ra việc đền tội theo cảm tính về một tội hối nhân đã phạm mà mình không vững chắc. Nơi tòa giải tội linh mục không được thành kiến với hối nhân vì tội này hay tội kia đã phạm, phải luôn tỏ lòng nhân hậu nhưng công minh sáng suốt, biết cảm thông và nâng đỡ để hối nhân nhận biết sự yếu đuối của mình mà quyết tâm hoán cải đời sống mới.[31]
Tất cả các linh mục có trách nhiệm coi sóc các linh hồn, phải thường xuyên chăm lo cho đoàn chiên mình được năng lãnh nhận bí tích Hoà giải.[32] Lợi ích của các linh hồn là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc phục vụ dân Chúa, vì thế linh mục không tự mình ngăn cấm, hay ra hình phạt cho một ai không được lãnh bí tích hòa giải. Kỷ luật về việc ban bí tích Hoà giải chỉ thuộc quyền giám mục giáo phận mà thôi.[33] Khi một hối nhân trong cơn nguy tử, thì bất cứ linh mục nào, dù có năng quyền giải tội hay không, cũng có thể tha tội và tha vạ cách thành sự và hợp pháp.[34] Để cử hành bí tích Hòa giải, nơi thông thường và được dành riêng là tòa giải tội phải được đặt nơi nhà thờ, nhà nguyện, nơi thánh hay một chỗ công khai. Linh mục chỉ ban bí tích Hoà giải ngoài tòa giải tội khi có lý do chính đáng.[35]
Việc xưng tội cá nhân trực tiếp và lãnh phép giải tội riêng được coi là cách thức thông thường duy nhất, nhờ đó các tín hữu giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.[36] Để tránh lạm dụng, linh mục phải thận trọng khi ban bí tích giải tội tập thể, chỉ trong hai trường hợp sau đây linh mục mới có thể ban bí tích giải tội tập thể:
1) Vào lúc nguy tử (chiến tranh, thiên tai…), một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội.
2) Khi khẩn thiết thực sự, nghĩa là khi có quá đông hối nhân mà không đủ cha giải tội trong một thời gian thích hợp, đến nỗi các hối nhân không phải vì lỗi họ mà buộc phải chịu thiệt thòi không được rước lễ. Chính bản quyền giáo phận sẽ xác định từng trường hợp nêu trên và cho phép cử hành “giải tội tập thể” mà không phải linh mục phụ trách nơi có đông người xưng tội. Linh mục phụ trách phải thông tin cho giám mục về tình trạng nêu trên để xin quyết định của ngài; trong trường quá khẩn cấp không liên lạc được với bản quyền giáo phận, linh mục phụ trách theo lương tâm có thể giải tội tập thể, nhưng buộc phải thông báo sớm hết sức cho bản quyền về cử hành giải tội tập thể đã được ban.[37] Khi giải tội tập thể, linh mục phải giúp các hối nhân sám hối về tội mình đã phạm; dốc lòng chừa; quyết tâm sửa lại các gương xấu và những thiệt hại do mình gây ra; đồng thời phải xưng tội sớm nhất từng tội trọng mà hiện nay họ không thể xưng được.[38]
IV. BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
Chỉ linh mục mới ban bí tích Xức dầu bệnh nhân cách thành sự. Vì nhu cầu khẩn thiết cho người tín hữu, mọi linh mục được phép mang dầu bệnh nhân (OI) theo mình, để khi cần có thể ban bí tích Xức dầu bệnh nhân cho người xin.[39] Dầu bệnh nhân phải được đức giám mục hay những người do luật quy định làm phép và dầu này thường được làm phép vào ngày thứ năm tuần thánh, nhưng khi không có sẵn dầu bệnh nhân đã được giám mục làm phép, thì bất cứ linh mục nào cũng có thể làm phép dầu trong khi cử hành bí tích Xức dầu, số dầu còn lại do chính linh mục này làm phép, sẽ phải đốt hết sau khi cử hành bí tích cho bệnh nhân.[40] Khi xức dầu, linh mục phải xức bằng chính tay của mình, trừ khi vì một lý do quan trọng đòi phải dùng đến một dụng cụ trung gian.[41]
Mọi tín hữu đã lãnh bí tích Thánh tẩy và biết sử dụng trí khôn, khi bệnh nặng hay già yếu đều có thể xin lãnh bí tích Xức dầu bệnh nhân.[42] Bí tích Xức dầu bệnh nhân có thể lặp lại khi bệnh nhân đã bình phục rồi bệnh lại tái phát, hoặc trong cùng một cơn bệnh kéo dài mà bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Trước các cuộc giải phẫu quan trọng, bệnh nhân nên xin lãnh nhận bí tích Xức dầu. Khi cao niên hoặc đau yếu thường xuyên, dù rằng không bệnh nặng, vẫn có thể xin lãnh bí tích Xức dầu, trong trường hợp này chỉ có thể lãnh bí tích Xức dầu bệnh nhân 1 lần /năm vào ngày được xác định cử hành cho những người này, thông thường vào Ngày Thế giới các Bệnh nhân, tức lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11 tháng 02 hằng năm.[43] Bí tích xức dầu được ban cho cả những bệnh nhân bất tỉnh hay mất trí, miễn là khi còn tỉnh, họ có ý định xin lãnh bí tích này ít là cách mặc nhiên. Khi được mời đến mà bệnh nhân đã chết, linh mục không xức dầu nữa, nếu hồ nghi, có thể xức dầu nhưng với điều kiện.[44] Không được ban bí tích Xức dầu cho những người cố chấp trong một tội nặng công khai.[45]
V. BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Khác với các bí tích khác có sự phân biệt giữa thừa tác viên và người lãnh nhận bí tích, còn trong cử hành bí tích Hôn phối, đôi tân hôn vừa là người cử hành vừa là người lãnh nhận ân sủng của bí tích. Sự hiện diện của linh mục hay các nhân chứng để xác nhận và chúc lành cho họ, mặc dù sự chúc lành của linh mục cũng là yếu tố làm nên tính thành sự của bí tích do chính đôi hôn phối cử hành.[46]
Người cử hành bí tích Hôn phối phải là người nam và người nữ, và cả hai phải bày tỏ công khai sự tự do ưng thuận kết hôn của mình. Sự tự do ưng thuận phải là hành vi ý chí của mỗi bên hôn phối, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ ngoại tại. Thiếu sự tự do ưng thuận, hôn nhân bất thành.[47]
Theo luật hiện hành trong Hội Thánh La tinh, hôn phối hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép của Bản quyền, còn hôn phối khác đạo chỉ thành sự khi có phép chuẩn của Bản quyền địa phương.[48] Trong lãnh thổ mình chịu trách nhiệm, Bản quyền địa phương và cha sở khi không bị ngăn trở theo giáo luật, sẽ chứng hôn thành sự hôn phối của những người thuộc quyền mình và cả những người không thuộc quyền mình, miễn là một trong hai người thuộc nghi lễ La tinh.[49]
VI. BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. Thánh lễ
Thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một hành vi phụng vụ duy nhất. Do đó không ai được phép tách rời hai cử hành này biệt lập nhau, ví dụ cử hành phụng vụ Lời Chúa một nơi, rồi cử hành phụng vụ Thánh Thể một nơi khác; hoặc cử hành phụng vụ Lời Chúa, rồi ngắt đoạn làm việc khác, sau đó mới cử hành phụng vụ Thánh Thể.[50] Bắt đầu cử hành thánh lễ, chủ tế bái kính và hôn bàn thờ xong, mới xông hương thánh giá và bàn thờ.[51] Trong mỗi thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ mà thôi. Không bao giờ được phép đọc nhiều lời nguyện nhập lễ của các lễ khác nhau rồi đọc chung một câu kết.[52] Mỗi thánh lễ đều có lời nguyện nhập lễ riêng, tuy nhiên các ngày trong tuần thuộc mùa thường niên không có lời nguyện riêng, chủ tế nên thay đổi 34 lời nguyện nhập lễ của 34 Chúa nhật thường niên cho các ngày trong tuần để làm phong phú các lời nguyện nhập lễ.[53]
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, bài đọc Sách Thánh do một người công bố, mọi người lắng nghe, không được làm điều gì khác ngoài việc lắng nghe Chúa nói qua thừa tác viên công bố Lời của Ngài. Không cho phép mọi người cùng đọc tập thể một đoạn Lời Chúa.[54] Thừa tác viên công bố Lời Chúa phải là người tín hữu đã lãnh bí tích Thánh tẩy và được uỷ nhiệm để chu toàn sứ mạng Hội Thánh trao ban, vì thế không thể trao cho người chưa lãnh bí tích Thánh tẩy thi hành nhiệm vụ này.[55] Trong thánh lễ có giáo dân tham dự, tất cả các bài đọc Sách Thánh phải được công bố tại giảng đài, vì vậy không được phép đọc bài sách Thánh ở chỗ giáo dân, cũng không thể đọc Tin Mừng tại bàn thờ.[56] Bài Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa và trổi vượt hơn mọi bài đọc khác. Khi nghe bài Tin Mừng, chính Chúa Kitô giáo huấn dân Người, vì vậy mọi người đứng và hướng về giảng đài để lắng nghe.[57] Trong thánh lễ, bài Tin Mừng luôn luôn do thừa tác viên có chức thánh công bố: nếu thầy phó tế công bố, thầy phải xin phép lành của linh mục hay giám mục chủ tế, nếu linh mục công bố, ngài phải xin phép lành của giám mục chủ tế, nhưng không xin phép lành nếu thánh lễ do một linh mục chủ tế.[58] Công bố Tin Mừng xong, thầy phó tế và linh mục có thể tuỳ nghi hôn Sách Tin Mừng hoặc đưa cho chủ tế hôn. Nếu chủ tế là giám mục, vào các dịp lễ đặc biệt long trọng, sau khi hôn Sách xong, giám mục có thể giơ cao Sách Tin Mừng để ban phép lành cho dân chúng.[59] Bài giảng là thành phần của phụng vụ và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống dân Chúa, do đó linh mục phải giảng ngày Chúa nhật và lễ buộc trong mọi thánh lễ có giáo dân tham dự, trừ khi bị ngăn trở vì một lý do quan trọng.[60] Vị giảng thuyết trong thánh lễ là giám mục, hoặc linh mục hoặc phó tế, nhưng không bao giờ là một giáo dân, không cho phép chủng sinh hoặc sinh viên thần học thực tập giảng trong thánh lễ. Trong những trường hợp đặc biệt, giám mục hay linh mục không đồng tế nhưng hiện diện trong thánh lễ, vẫn có thể đảm trách việc giảng lễ.[61]
Bàn thờ là trung tâm của phụng vụ Thánh Thể. Bàn thờ là chính Chúa Kitô nên phải được kính trọng xứng đáng. Mỗi khi đi ngang trước bàn thờ mọi người phải cúi mình sâu tỏ lòng tôn kính. Bàn thờ tế lễ cần được cung hiến hoặc làm phép, và chỉ dùng vào việc tế lễ, không được phép dùng vào việc khác.[62] Khi chuẩn bị lễ vật, đem lên bàn thờ chén thánh, khăn thánh, khăn lau chén, bình đựng bánh thánh, sách lễ và chỉ đặt trên bàn thờ những gì liên quan đến cử hành Thánh Thể, vì thế không để trên bàn thờ các bình hoa, hộp đựng, chai lọ…, các thứ này được để một chỗ thích hợp ngoài bàn thờ. Việc chuẩn bị lễ vật là một tác động phụng vụ chỉ được thực hiện khi bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, do đó không được để sẵn trên bàn thờ lúc bắt đầu thánh lễ tất cả chén thánh hoặc bình đựng bánh thánh.[63] Việc chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ là công việc của thầy phó tế, vì thế khi có phó tế giúp bàn thờ, không ai được dành công việc của thầy, kể cả linh mục.[64] Tuy nhiên khi không có phó tế, thì linh mục đồng tế hoặc thầy tác vụ giúp lễ sẽ giúp chủ tế chuẩn bị lễ vật.[65] Trong thánh lễ đồng tế, các linh mục đồng tế chỉ tiến lên bàn thờ sau khi chủ tế đọc xong lời nguyện trên lễ vật, các ngài phải đứng thế nào để không quá đông đến nỗi che lấp bàn thờ, hoặc gây trở ngại khiến giáo dân không trông thấy rõ các nghi lễ hoặc cản trở thầy phó tế thi hành nhiệm vụ nơi bàn thờ.[66]
Kinh nguyện Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của phụng vụ Thánh Thể. Kinh này chỉ dành cho người có chức tư tế, tức giám mục hoặc linh mục, do đó giáo dân kể cả thầy phó tế không được phép đọc những phần dành riêng của người có chức tư tế.[67] Vì bản chất kinh nguyện Thánh Thể là trung tâm của cử hành Thánh Thể, và là hành vi phụng tự của toàn thể Hội Thánh, nên không một ai có thể thay đổi, hoặc thêm bớt điều gì vào các nghi thức hay lời đọc của kinh nguyện Thánh Thể.[68] Trong thánh lễ buộc phải xướng tên đức giáo hoàng và giám mục giáo phận, còn các giám mục phó và phụ tá thì tuỳ nghi, tuy nhiên không nêu tên các giám mục khác cho dù các ngài đang hiện diện.[69] Khi đọc kinh Lạy Cha, chủ tế và các vị đồng tế dang tay, còn giáo dân thì không.[70] Nghi thức chúc bình an trong truyền thống phụng vụ Rôma không phải là cử chỉ hoà giải hay xin ơn tha tội, mà là cách biểu lộ sự bình an, tinh thần hiệp thông và lòng bác ái trước khi người tín hữu lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Cách thức chúc bình an theo quy định của Hội đồng Giám mục Việt Nam là giáo dân hai bên nhà thờ cúi đầu chúc bình an cho nhau, không cúi đầu chúc chủ tế.[71] Chủ tế chúc bình an cho những vị đồng tế ở gần mình, và có thể cho cả những người giúp lễ, nhưng không được ra khỏi cung thánh, ngài cũng không đi xuống giáo dân chào người nọ bắt tay người kia.[72]
Nghi thức bẻ bánh diễn tả đúng tên gọi của cử hành Thánh Thể vào thời các thánh Tông đồ (x. Cv 2, 42.46; 20,7.11). Khi bẻ bánh, chủ tế có thể phân phát bánh cho các linh mục đồng tế, nhưng không phân phát cho các phó tế, các thầy sẽ nhận Mình Thánh Chúa từ tay chủ tế sau khi ngài đã rước lễ.[73] Khi rước lễ, chính chủ tế hoặc thừa tác viên trao Mình Thánh cho giáo dân. Họ có thể đứng hay quỳ, rước lễ bằng tay hay bằng miệng theo lòng đạo đức và tôn kính của mình, nhưng không được tự mình bốc Mình Thánh Chúa hoặc cầm Mình Thánh Chúa tự chấm vào Máu Thánh để rước lấy.[74] Trước khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa, giáo dân cúi mình sâu để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể và thưa “Amen” khi thừa tác viên nói “Mình Thánh Chúa Kitô”.[75] Khi có nhiều chén hay bình thánh phải tráng sau khi rước lễ, nên đem xuống bàn phụ để sau thánh lễ sẽ tráng chén tại đây.[76]
Sau lời nguyện hiệp lễ, nếu cần thông báo gì, có thể loan báo ngắn gọn. Tuy nhiên vào một số dịp lễ đặc biệt, người giáo dân có thể trình bày những chứng từ kitô giáo hay đời sống đạo cho cộng đoàn cách ngắn gọn nhưng không được gây ngộ nhận là một bài giảng khác của thánh lễ, hoặc lạm dụng biến các chứng từ thành một loại diễn đàn hay buổi sinh hoạt trần tục.[77] Kết thúc thánh lễ, chủ tế và thầy phó tế hôn bàn thờ, còn các linh mục đồng tế không hôn, nhưng sẽ cúi mình sâu trước bàn thờ với chủ tế rồi ra về.[78]
2. Thánh lễ đồng tế
Theo luật chung, buộc phải cử hành thánh lễ đồng tế vào ba dịp sau đây: lễ truyền chức giám mục và linh mục, lễ chúc phong viện phụ và lễ truyền dầu.[79] Ngoài ba dịp bắt buộc nêu trên, Hội Thánh khuyên các linh mục nên đồng tế vào các dịp sau đây: Thánh lễ tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh, thánh lễ tại tu viện, thánh lễ nhân dịp hội họp của các linh mục giáo phận hay dòng tu, lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh, lễ cầu cho các linh hồn (2/11).[80] Ngoài ra giám mục giáo phận là vị có thẩm quyền cho phép đồng tế trong giáo phận của mình vào những dịp khác với những chỉ dẫn cụ thể.[81]
Khi cử hành thánh lễ đồng tế, các linh mục mặc phẩm phục như khi dâng lễ một mình, gồm áo trắng dài (alba), đeo dây cổ (stola) và áo lễ bên ngoài (casula). Nhưng khi có lý do chính đáng trừ vị chủ tế mặc đủ lễ phục, còn các vị đồng tế có thể mặc áo trắng dài (alba) và đeo dây cổ (stola). Đàng khác, linh mục không được phép lạm dụng chỉ mặc tu phục của dòng tu hay tu hội mình hoặc áo dân sự rồi chỉ đeo thêm dây cổ (stola) để dâng lễ.[82]
Khi rước vào thánh lễ, các linh mục đồng tế đi trước chủ tế, tới bàn thờ cúi mình sâu bái kính rồi hôn bàn thờ và trở về chỗ của mình. Một khi thánh lễ đã bắt đầu, không ai được phép vào đồng tế hoặc được nhận vào đồng tế nữa.[83] Linh mục đồng tế không làm công việc của phó tế khi thầy đang có mặt giúp cử hành thánh lễ, ví dụ: công bố Tin Mừng, chuẩn bị lễ vật, giúp chủ tế nơi bàn thờ, nâng chén thánh kết thúc kinh nguyện Thánh Thể, tráng chén.[84] Khi giúp bàn thờ, thầy phó tế không đứng ngang giữa chủ tế và linh mục đồng tế, nhưng đứng sau các vị đồng tế một chút và khi cần thì giúp chủ tế mở sách, đậy chén thánh hay những việc cần thiết rồi lại trở về vị trí của mình.[85] Những phần mà các vị đồng tế cùng đọc, nhất là các lời truyền phép, các ngài phải đọc nhỏ tiếng để giọng chủ tế được nghe rõ ràng. Khi đọc kinh nguyện Thánh Thể, các vị đồng tế có thể luân phiên đọc những phần thích hợp.[86] Khi không có phó tế, một vị đồng tế giúp chủ tế nâng chén Thánh khi đọc vinh tụng ca kết thúc kinh nguyện Thánh Thể, và có thể vị đồng tế khác mời gọi mọi người chúc bình an cho nhau. Các vị đồng tế chỉ chúc bình an cho những người ở gần mình mà không di chuyển chỗ này chỗ khác.[87] Rước lễ xong, vài vị đồng tế giúp phó tế rước hết Máu Thánh ngay tại bàn thờ, rồi đem các chén hay bình đựng xuống bàn phụ để thầy phó tế hay thầy tác vụ giúp lễ tráng chén.[88] Kết thúc thánh lễ, các linh mục đồng tế không hôn bàn thờ, nhưng chỉ cúi mình sâu trước bàn thờ với chủ tế rồi trở về phòng áo thay lễ phục.[89]
3. Tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ (Chầu Thánh Thể)
Việc tôn thờ Thánh Thể được xác định như sau: Sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể liên kết chặt chẽ với cử hành thánh lễ, vì vậy khi không có lý do chính đáng, cần tránh chầu Mình Thánh Chúa trước khi cử hành Thánh lễ.[90] Thừa tác viên đặt và ban phép lành Thánh Thể là linh mục hay phó tế. Khi không có những người này, thầy tác vụ giúp lễ hoặc thừa tác viên ngoại lệ thường xuyên trao Mình Thánh Chúa cũng được phép đặt và cất Mình Thánh Chúa, nhưng không được ban phép lành, và phải tuân theo chỉ thị của giám mục giáo phận.[91] Khi chầu Thánh Thể có thể đặt bình đựng Bánh Thánh hay hào quang để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu đặt hào quang sẽ phải xông hương; và khi ban phép lành vào lúc kết thúc giờ chầu, linh mục hay phó tế ngoài áo alba và dây stola, mặc thêm áo choàng và khăn vai để ban phép lành Mình Thánh Chúa cho dân chúng. Còn nếu đặt bình đựng thì tuỳ nghi có thể xông hương, nhưng chủ sự không mặc áo choàng mà chỉ mang khăn vai để ban phép lành Mình Thánh Chúa [92]. Khi đặt Mình Thánh Chúa, chỉ quy hướng về Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể để tôn thờ Người, vì thế không được pha tạp các việc đạo đức khi chầu Thánh Thể như đọc kinh tôn kính Đức Maria hay các thánh.[93]
Trước Mình Thánh Chúa nên đọc Lời Chúa, diễn giảng hay suy niệm về Thánh Thể, đọc các lời nguyện, lời kinh và thánh ca thích hợp về Thánh Thể, dành những giây phút thinh lặng, và đặc biệt đọc một giờ kinh phụng vụ nào đó.[94] Hội Thánh khích lệ việc kiệu Thánh Thể để biểu lộ đức tin công khai vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, đồng thời để tỏ lòng tôn thờ và kính mến Người. Trong số các cuộc kiệu Thánh Thể, cuộc kiệu dịp lễ Mình Máu Chúa đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống mục vụ của giáo xứ và các cộng đoàn.[95] Nên kiệu Thánh Thể sau khi cử hành Thánh lễ với Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép, nhưng cũng không có gì cản trở kiệu Thánh Thể sau khi đã chầu Mình Thánh Chúa một thời gian dài. Nếu sau Thánh lễ sẽ kiệu Thánh Thể, linh mục có thể mặc phẩm phục như khi dâng thánh lễ thêm khăn vai, hoặc mặc áo choàng với khăn vai. Nhưng nếu cuộc kiệu không diễn ra sau Thánh lễ, ngài sẽ mang áo choàng với khăn vai cầm Mình Thánh Chúa. Khi kết thúc cuộc kiệu, linh mục ban phép lành Thánh Thể cho mọi người.[96]
Để cất giữ Thánh Thể sau khi dâng lễ, mỗi nhà thờ phải có một nhà tạm. Nhà tạm có thể đặt trong cung thánh nhưng phải ở ngoài bàn thờ dâng lễ, hoặc đặt trong một phòng thích hợp cho việc thờ phượng và cầu nguyện riêng của các tín hữu.[97] Nhà tạm được làm theo hình dáng xứng đáng với cử hành thánh, nhưng phải luôn luôn bằng chất liệu bền chắc, không thể di chuyển, không trong suốt đến nỗi có thể nhìn từ bên ngoài thấy những gì chứa đựng bên trong, phải được khoá cẩn thận để tránh mọi nguy cơ phạm thánh.[98] Nhà tạm cần có những dấu chỉ bên ngoài để cho mọi người nhận biết và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, vì thế gần nhà tạm phải có một ngọn đèn riêng thường xuyên cháy sáng.[99] Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình hoặc đem theo mình đi đường, trừ khi vì nhu cầu mục vụ khẩn thiết đòi hỏi và phải tuân giữ các chỉ thị của giám mục giáo phận.[100] Được phép thiết lập nhà tạm cất giữ Mình Thánh Chúa tại các phòng nguyện riêng của một người hay một cộng đoàn, nhưng phải có phép của bản quyền giáo phận.[101] (GL 934, 936).
VII. PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH (LITURGIA HORARUM)
Cử hành phụng vụ các giờ kinh không phải là việc tư riêng của ai, nhưng liên hệ đến Nhiệm thể Hội Thánh, biểu lộ Nhiệm thể đó và ảnh hưởng đến toàn thể Hội Thánh. Phụng vụ các giờ kinh diễn tả bản chất của Giáo Hội: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.[102] Hội Thánh kể đến các thành phần dân Chúa trong phụng vụ các giờ kinh như sau: Giáo xứ đơn vị cơ bản của Giáo phận, dưới quyền chủ toạ của một mục tử đại diện giám mục, biểu lộ Mầu nhiệm Hội Thánh cách sống động khi đọc chung những giờ kinh chính trong nhà thờ.[103] Mọi tín hữu khi họp nhau bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, kể cả trong gia đình cũng được mời gọi đọc một phần phụng vụ các giờ kinh, để biểu lộ sự hiệp nhất và việc thờ phượng công cộng của Giáo Hội, nơi đó họ được kêu gọi tham dự cách tích cực và sinh động.[104] Các cộng đoàn chiêm niệm, nam hay nữ đan sĩ, cũng như các tu sĩ khác theo hiến pháp hay luật định, khi đọc phụng vụ các giờ kinh họ đại diện Hội Thánh cầu nguyện, và như thế họ góp phần xây dựng và phát triển toàn thể Nhiệm Thể Chúa Kitô và mưu ích cho Giáo Hội địa phương.[105] Những người đã lãnh nhận chức thánh như giám mục, linh mục và phó tế, buộc phải đọc mỗi ngày phụng vụ các giờ kinh theo sách phụng vụ quy định và cố gắng đọc cho phù hợp với giờ thật trong ngày bao nhiêu có thể,[106] họ còn có bổn phận phải tổ chức và hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện, chẳng hạn đọc chung những phần quan trọng của phụng vụ các giờ kinh vào các Chúa nhật hay ngày lễ.[107]
Cũng như các cử hành phụng vụ khác, khi đọc phụng vụ các giờ kinh người có chức thánh và các tín hữu có những phận vụ khác nhau, mỗi người sẽ chu toàn theo bản tính và quy luật phụng vụ các giờ kinh đòi hỏi. Nếu đọc phụng vụ các giờ kinh cách long trọng khi có giám mục, linh mục hay phó tế chủ toạ, các ngài sẽ mặc lễ phục theo quy định như áo alba, dây các phép và có thể thêm áo choàng, và chủ toạ giờ kinh từ cung thánh.[108] Không một cử hành phụng vụ nào mà không có vị chủ toạ, vì thế thông thường vị chủ toạ giờ kinh nếu không phải là người có chức thánh, thì người đó sẽ là người phụ trách cộng đoàn; người này sẽ chủ toạ giờ kinh tại một vị trí xứng đáng nhưng không đứng nơi cung thánh, không chào và chúc lành trên dân chúng.[109]
VIII. TỔ CHỨC PHỤNG VỤ GIÁO XỨ
Cử hành phụng vụ vừa là một trong các hoạt động, vừa là trung tâm và đỉnh cao của mọi hoạt động trong đời sống Hội Thánh.[110] Vì thế, linh mục cần tổ chức sao cho phụng vụ trở nên sống động và là trung tâm đời sống đức tin của giáo xứ.
Để sinh hoạt phụng vụ giáo xứ sống động, các nhà phụng vụ đề nghị giáo xứ chú ý 2 khía cạnh sau đây để giúp mọi người tham dự tích cực:
1. Tổ chức nhân sự gồm các thừa tác viên khác nhau
Thừa tác viên là người cộng tác trực tiếp với linh mục trong các cử hành phụng vụ. Họ là thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa, thừa tác viên công bố Lời Chúa, ca viên, lễ sinh. Để chu toàn sứ vụ thánh được uỷ thác cho mình, những người này phải được huấn luyện để việc họ làm không chỉ là thực hiện một công việc được trao mà là chu toàn hành vi thánh, qua đó họ sống với Chúa và giúp mọi người gặp gỡ Chúa.
Thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa lại gồm ngoại lệ thường xuyên (ad habitum) và ngoại lệ từng lần (ad actum). Ngoại lệ thường xuyên là người được uỷ nhiệm thường xuyên; những người này do linh mục hoặc người có trách nhiệm trong cộng đoàn đề cử lên bản quyền giáo phận và được chấp nhận. Thông thường bản quyền sẽ xác định rõ thời gian thi hành nhiệm vụ cho người được đề cử tuỳ theo hoàn cảnh của từng nơi. Khi đã được bản quyền chấp nhận, linh mục chủ tế trao thừa tác vụ cho người này qua một nghi thức phụng vụ được cử hành sau bài giảng.[111] Nhiệm vụ của thừa tác viên thông thường là trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân, trông coi và đặt Mình Thánh Chúa để giáo dân tôn thờ, chủ tọa cử hành phụng vụ Lời Chúa, thăm viếng và đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.[112] Ngoại lệ từng lần (ad actum), là người được uỷ nhiệm từng lần, trao Mình Thánh Chúa xong lần nào thì hết quyền lần đó. Linh mục chủ tế được quyền chỉ định người giáo dân xứng đáng, và trao cho họ tác vụ qua một nghi thức phụng vụ đơn giản ngay sau khi mình rước lễ trong thánh lễ mà họ sẽ thi hành tác vụ được uỷ nhiệm.[113]
Thừa tác viên công bố Lời Chúa là người giáo dân nam hay nữ được chỉ định thay thế thầy tác vụ đọc sách khi thầy không có mặt trong thánh lễ.[114] Người này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và có khả năng thi hành nhiệm vụ giữa cộng đoàn, để khi mọi người lắng nghe Lời Chúa thì cảm nghiệm được sức sống dồi dào của Sách Thánh.[115] Khi công bố Lời Chúa, người tín hữu thi hành chức năng tư tế phổ quát nhờ bí tích Thánh tẩy, vì thế người chưa lãnh nhận bí tích Thánh tẩy không thể thi hành chức năng này. Nghi thức gia nhập Kitô giáo cũng loại trừ khả năng người dự tòng công bố Lời Chúa khi tham dự các nghi thức phụng vụ của Hội Thánh.[116]
Người giúp lễ được hiểu là người giáo dân phục vụ bàn thờ giúp linh mục và thày phó tế, khi không có thầy tác vụ giúp lễ hiện diện. Truyền thống lâu đời của Hội Thánh Rôma thường chọn các em thiếu nhi nam, nhưng cũng không loại trừ chọn người nam trưởng thành. Đàng khác, ngày nay Hội Thánh cũng mở rộng việc giúp lễ cho người nữ nhưng phải theo những quyết định và chỉ thị của bản quyền giáo phận.[117] Nhiệm vụ của người giúp lễ là phục vụ bàn thờ đồng thời cũng giúp cộng đoàn cầu nguyện, vì thế người giúp lễ phải giữ tác phong chỉnh tề, đi đứng nghiêm trang, không di chuyển liên tục trên cung thánh, chỉ thực hiện công việc ở khoảng giữa hai tác động phụng vụ.[118] Người giúp lễ phải mặc y phục xứng đáng khi phục vụ bàn thờ. Trừ khi HĐGM quy định cách khác, thì y phục chung cho cả người nam và nữ là áo alba, thắt dây hay không tùy theo kiểu áo.[119]
Ca đoàn có phần vụ riêng của mình trong phụng vụ, nhiệm vụ của ca đoàn là giúp cộng đoàn cầu nguyện qua lời ca tiếng hát của mình. Vì vậy ca đoàn không lấn át cộng đoàn trong mọi bài hát, không biến cử hành phụng vụ thành nơi trình diễn sân khấu, biết chọn bài hát đúng với từng cử hành và phải tuân thủ các chỉ dẫn của Hội Thánh trong lãnh vực thánh nhạc. Vị trí của ca đoàn được sắp xếp thế nào cho thấy rõ họ là thành phần của cộng đoàn và để họ dễ dàng tham dự đầy đủ vào phụng vụ, cũng như giúp họ chu toàn nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, trong những buổi cử hành phụng vụ đặc biệt nên có người ca trưởng hay ca viên điều khiển hát cộng đoàn. Nhiệm vụ của người này là giúp cộng đoàn cầu nguyện và đồng tâm hiệp nhất qua tiếng hát, đồng thời cũng làm cho cử hành phụng vụ trở nên trang trọng và hân hoan, do đó vị trí của ca trưởng vừa phải giúp họ thuận tiện trong việc hướng dẫn cộng đoàn, vừa không gây chú ý cho mọi người xem họ như một diễn viên.[120]
2. Chương trình phụng vụ cụ thể
Sinh hoạt phụng vụ của một giáo xứ không chỉ có nhân sự, nhưng còn cần tổ chức về thời gian, khung cảnh và các yếu tố vật chất bên ngoài.
a. Ba thời điểm: Phụng vụ cần có chương trình dài hạn, trung hạn và ngắn hạn
Dài hạn lên kế hoạch và chương trình phụng vụ cho cộng đoàn ít là trong một năm, ví dụ các lễ lớn, dịp kỷ niệm, biến cố lớn trong năm… Mỗi năm có một chủ đề để cả giáo xứ cùng cử hành và sống đức tin. Chủ đề này tương hợp với chủ đề do Hội đồng Giám mục hay giáo phận đề nghị.
Trung hạn nhắm đến các mùa phụng vụ trong năm, ví dụ mùa chay phải làm gì ? mùa phục sinh có gì khác với mùa giáng sinh ? mùa thường niên sẽ khai triển và sống điều gì ?
Ngắn hạn thường quy chiếu vào mỗi Chúa nhật, mỗi ngày lễ lớn. Vào những dịp lễ này cần phân chia công việc cụ thể và chi tiết từng việc và từng người, tránh phân công đại khái hoặc chồng chéo việc người này với người kia. Vai trò của người điều hành rất cần thiết, cha sở hay người do ngài uỷ nhiệm chịu trách nhiệm việc điều hành này.
b. Ba khung cảnh: nhà thờ và khuôn viên, mùa phụng vụ, từng ngày lễ
Nhà thờ và khuôn viên nhà thờ phải trang nghiêm và được tôn trọng xứng đáng. Nhà thờ luôn giữ sao cho sạch sẽ, đẹp, thoáng mát để mọi người cảm thấy thoải mái và hân hoan mỗi khi đến nhà thờ tham dự cử hành phụng vụ.[121] Không gian của buổi cử hành phụng vụ cũng đòi phải có những giây phút thinh lặng thánh, giúp con người lắng nghe Lời Chúa, nội tâm hoá Lời Ngài và để chiêm ngắm và thờ lạy Chúa, vì vậy cần tạo một bầu khí trầm lắng trong nhà thờ và nơi khuôn viên, cần có những giây phút thinh lặng trước và đang khi cử hành thánh lễ, để mọi người có thể gặp gỡ Chúa. Cha xứ tập cho giáo dân biết giá trị của thinh lặng, để không chỉ đọc kinh mà còn sống giây phút thinh lặng với Chúa.
Cách trang trí trong nhà thờ theo từng mùa phụng vụ cần thiết để làm nổi bật ý nghĩa các mầu nhiệm trong năm phụng vụ: mùa chay mang chiều kích sám hối khác với của mùa phục sinh mang tính hân hoan, mùa vọng khác với mùa thường niên… Chúng ta nên lưu ý, việc trang trí trong nhà thờ thường được diễn tả rõ nét nơi cung thánh, vì vậy cách trang trí cung thánh gần như biểu lộ điều Hội Thánh cử hành.
Khung cảnh buổi cử hành phụng vụ còn được diễn tả cách cụ thể hơn vào từng ngày lễ, đặc biệt Chúa nhật, các lễ trọng hay dịp lễ đặc biệt. Vì thế cần khai triển chủ đề của từng ngày lễ qua việc chưng đèn, cắm bông … và nhất là tập các nghi thức sao cho nhịp nhàng và nghiêm trang. Cử hành phụng vụ luôn phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, không nghĩ gì làm nấy, hoặc vừa cử hành vừa chỉ dẫn.
c. Ba lãnh vực: Lời, âm nhạc và nghi lễ
Lời trong phụng vụ diễn tả ý nghĩa của từng cử hành, vì thế các lời đọc phải phù hợp với từng bản văn khác nhau, ví dụ lời tung hô khác với lời đối đáp, lời công bố khi đọc Lời Chúa khác với lời nguyện, hoặc khi đọc một mình sẽ khác với lúc đọc chung… Cách đọc diễn tả điều bản văn muốn nói, cần rõ ràng, tâm tình và nghiêm trang. Cũng không quá cứng nhắc trong các công thức khi Giáo Hội cho phép thay đổi, chẳng hạn nên thay đổi nghi thức sám hối đầu lễ hay lời nguyện chung… …
Âm nhạc làm cho cử hành trở nên trang trọng, giúp cộng đoàn cầu nguyện, vì thế các bài hát, điệu nhạc phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Nguyên tắc đầu tiên khi chọn bài hát không phải bài hợp thị hiếu hay nét nhạc hấp dẫn, mà là bài nội dung phù hợp với từng tác động phụng vụ trong thánh lễ, ca nhập lễ khác đáp ca, ca tiến lễ khác ca hiệp lễ… hoặc phù hợp với ngày lễ hay mầu nhiệm cử hành, mùa vọng khác mùa chay, lễ Chúa khác lễ các thánh… mọi bài hát phải lệ thuộc vào thánh lễ được cử hành, chứ không theo ý thích của từng cá nhân hay nhóm người nào. Chỉ được hát những bài thánh ca đã được thẩm quyền Giáo Hội cho phép, không được hát những bài tự sáng tác hay không rõ nguồn gốc.[122]
Nghi lễ bao gồm các cử chỉ và điệu bộ của thân thể như đứng, ngồi, bái, quỳ… tất cả phải được thực hiện cách nghiêm trang và ý thức, bởi qua đó diễn tả đức tin của người tín hữu vào các mầu nhiệm được cử hành. Vì vậy không làm các cử chỉ qua loa chiếu lệ, không gây chú ý người khác về mình bằng cách ăn mặc, đi đứng lập dị, không ù lì thụ động. Trong phụng vụ mọi người hiệp nhất trong cử chỉ và lời đọc, cùng đọc các kinh chung, cùng thực hiện một tác động, cùng hăng hái tham gia vào các phần việc của mỗi người. Đó là hình ảnh sống động của Thân Thể Chúa Kitô, mỗi người chu toàn phận vụ của mình để làm cho toàn Thân Thể của Chúa trở nên sống động. Ngoài nghi lễ và lời đọc biểu lộ sự hiệp nhất, các yếu tố vật chất như: rượu, bánh, nước, lửa, đèn nến, hương… cũng phải được chuẩn bị chu đáo, phải tránh “nước đến chân mới nhảy”, gây xáo trộn và chia trí cho cả cộng đoàn.
IX. THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY, GƯƠNG MẪU ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Tông thư thiết lập Năm Linh Mục (2009-2010) nhân kỷ niệm 150 năm “Sinh nhật trên trời” của Thánh Gioan Maria Vianney, đã nhắc đến gương mẫu đời sống phụng vụ của Thánh Nhân cho mọi linh mục trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: gương sáng của Thánh Vianney khi cử hành phụng vụ giáo huấn dân Chúa hơn tài năng giảng thuyết, chăm chỉ tôn thờ Thánh Thể hơn các bài tham luận hùng hồn về Thánh Thể, siêng năng ngồi toà giải tội hơn tài khéo điều hành giáo xứ. Chúng ta có thể tóm lược vài điểm gương mẫu của Thánh Vianney theo Tông thư của Bênêđictô XVI như sau:[123]
1. Hy tế thánh lễ
Giáo dân nhận định “Cứ nhìn xem Thánh Vianney cử hành hy tế thánh lễ thì biết ngài đang sống với ai và ai đang hoạt động trong ngài. Khi cử hành hy tế thánh, ngài không biết gì ngoài hành vi thánh đang cử hành, không gì có thể lôi kéo ngài ra khỏi điều ngài đang sống với Chúa”. Còn chính Thánh Vianney xác tín: “Hy tế thánh lễ là công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, linh mục là con người bất xứng, nhưng bởi tình thương được Thiên Chúa trao cho thực hiện công trình thần linh này, vì vậy phải đặt tất cả con người, linh hồn và thân xác vào công trình của Thiên Chúa. Không được biến giây phút thánh dành cho Chúa vào việc trần tục, nhưng khốn thay nhiều linh mục đã biến hy tế thánh lễ trở nên công việc tầm thường, máy móc, nhàm chán, làm cho xong, thậm chí đánh cắp thời gian dành cho Chúa để suy tính việc đời đang khi dâng lễ hoặc đơn thuần chỉ là thao tác của một công chức”.
2. Chầu Thánh Thể
Thánh Thể là lương thực hằng ngày của Thánh Vianney, ngài khẳng định “Đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể không phải là việc tuỳ ý hay thêm vào của đời sống ta, mà là một nhu cầu sống còn của người kitô hữu, nhất là với các linh mục. Người ta đến với Chúa Giêsu trong Thánh Thể vì sự hiện diện của Người. Hạnh phúc của con người là ở bên cạnh người mình yêu. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là đủ cho hạnh phúc của ta. Không cần nói nhiều, hãy dành thời gian ở bên Chúa cho dù bạn chẳng nói gì. Chúa Giêsu Thánh Thể là tất cả cuộc đời ta. Bạn đừng nói tôi sẽ đến với Chúa, nhưng hãy xem bạn sẽ đến với Chúa khi nào trong ngày hôm nay”.
3. Toà giải tội
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh: Đối với Thánh Vianney có một mối liên hệ chặt chẽ hai chiều giữa Thánh Thể và toà giải tội. Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng chữa lành nơi toà giải tội, toà giải tội là nơi con người được chữa lành để xứng đáng rước Chúa vào lòng. Vào thời Thánh Vianney, ảnh hưởng Cuộc Cách Mạng Pháp chống Giáo Hội đã làm suy yếu lòng đạo giáo dân, người ta ít xưng tội, Thánh Nhân đã miệt mài rao giảng giúp mọi người khám phá vẻ đẹp của bí tích chữa lành. Không chỉ rao giảng, Ngài làm gương khi hiện diện thường xuyên nơi toà giải tội, có khi ngài dành 16 tiếng một ngày cho các hối nhân. Mỗi hối nhân tìm thấy nơi ngài, hình ảnh thầy thuốc chữa lành, người cha yêu thương, mục tử chăm sóc đoàn chiên, đến độ thiên hạ gọi Xứ Ars là “Đại bệnh viện của các linh hồn”. Thánh Vianey nói rằng “Tình thương của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi con người, chẳng phải kẻ có tội đi tìm Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa đi tìm người có tội để đưa họ về với Ngài. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là mục đích của toà giải tội chứ không phải kẻ có tội đến đây để bị xét xử và kết án”.
4. Cầu nguyện
Khi được sai đến giáo xứ Ars chỉ với 230 tín hữu nguội lạnh, chưa đầy 20 người tham dự không đều đặn thánh lễ mỗi Chúa nhật, Thánh Vianney nói với Chúa: “Nếu các tín hữu nguội lạnh là bởi vì họ chưa cảm nhận được tình yêu của Chúa và bởi vì mục tử chưa làm gương cho họ gặp Chúa. Việc đầu tiên của con nơi xứ đạo này là đem Chúa đến cho họ, mọi hoạt động khác sẽ phát triển nhờ sự hiện diện của Chúa nơi đây”. Từ xác tín đó, ngài bắt tay thành lập từng nhóm cầu nguyện, hướng dẫn và cầu nguyện với họ. Ngài chọn nhà thờ để cầu nguyện một mình hoặc cầu nguyện với người khác từ sáng sớm và trở về nhà xứ tối khuya. Mỗi khi cầu nguyện ngài sấp mình trước Thánh Thể để cầu xin ơn hoán cải cho giáo dân, để đền tội thay cho các hối nhân mà ngài hứa làm việc đền tội thay, để cầu xin ơn thánh thiện cho mình và cho anh em linh mục. Đối với ngài, các hoạt động mục vụ chỉ mang kết quả đích thực khi các hoạt động đó được khơi nguồn từ cầu nguyện và gắn bó với Chúa. Cầu nguyện là hơi thở. Cầu nguyện không chỉ ở nhà thờ, nhưng mọi lúc mọi nơi. Thánh Vianney quan niệm cầu nguyện là luôn sống dưới con mắt Chúa. Khi luôn sống dưới con mắt Chúa, linh mục trở nên thánh thiện và sự thánh thiện của linh mục thuyết phục giáo dân hơn tài năng điều hành giáo xứ của linh mục ấy.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)
_______
Nguồn: WHĐGMVN – 21/08/2024
[1] Giáo luật 1983, điều 530/1
[2] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo 1992, số 1256
[3] Giáo luật 1983, điều 883
[4] Nghi thức rửa tội người lớn 280; Nghi thức rửa tội trẻ em 157
[5] Nghi thức rửa tội người lớn 282
[6] Giáo luật 1983, điều 862
[7] Nghi thức giám mục 1984, số 832
[8] Nghi thức giám mục 1984, số 833
[9] Giáo lý Công giáo 1992, số 1121
[10] Giáo luật 1983, điều 864
[11] Giáo luật 1983, điều 865; 868
[12] Nghi thức rửa tội người lớn 281; Nghi thức rửa tội trẻ em 164
[13] Nghi thức rửa tội trẻ em 185
[14] Nghi thức rửa tội trẻ em 177
[15] Ibid. điều 869
[16] Ibid. điều 882, 883
[17] Ibid. điều 884
[18] Ibid. điều 886
[19] Nghi thức thêm sức 7, Giáo lý công giáo 1992, số 1314; Giáo luật 1983, điều 883
[20] Giáo luật 1983, điều 889
[21] Giáo lý công giáo 1992, số 1310
[22] Giáo lý công giáo 1992, số 1314
[23] Giáo lý công giáo 1992, số 1462
[24] Giáo luật 1983, điều 969
[25] Giáo lý công giáo 1992, số 1465
[26] Giáo lý công giáo 1992, số 1466; Giáo luật 1983, điều 979
[27] Giáo lý công giáo 1992, số 1467; Giáo luật 1983, điều 983
[28] Đức Hồng y Piacenza, Chánh án Toà ân giải tối cao trả lời ngày 12 tháng 3 năm 2019 về vấn đề xưng thú bị lạm dụng tình dục trong toà giải tội
[29] Giáo lý công giáo 1992, số 1467
[30] Giáo luật 1983, điều 984
[31] Giáo lý công giáo 1992, số 1465; Giáo luật 1983, điều 978; 981
[32] Giáo luật 1983, điều 986
[33] Nghi thức bí tích hoà giải, số 9
[34] Giáo luật 1983, điều 976
[35] Giáo luật 1983, điều 964
[36] Nghi thức bí tích hoà giải, số 31
[37] Nghi thức bí tích hoà giải, số 32; Giáo luật 1983, điều 961
[38] Nghi thức bí tích hoà giải, số 33; Giáo luật 1983, điều 962
[39] Nghi thức xức dầu bệnh nhân 16; Giáo luật 1983, điều 1003
[40] Nghi thức xức dầu bệnh nhân 21-22
[41] Giáo luật 1983, điều 1000
[42] Nghi thức xức dầu bệnh nhân 08, Giáo luật 1983, điều 1004
[43] Nghi thức xức dầu bệnh nhân 09-11, Giáo luật 1983, điều 1004; Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 1, 11/02/1992
[44] Nghi thức xức dầu bệnh nhân 14, Giáo luật 1983, điều 1006
[45] Giáo luật 1983, điều 1007
[46] Giáo lý công giáo 1992, số 1623
[47] Giáo lý công giáo 1992, số 1625-1628
[48] Giáo lý công giáo 1992, số 1635 ; Giáo luật 1983, điều 1124, 1086
[49] Giáo luật 1983, điều 1109
[50] Bộ phụng tự, Huấn thị “Bí tích cứu độ – Redemptionis Sacramentum” 25/03/2024, số 60
[51] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 49
[52] Ibid. số 54
[53] Ibid. số 363
[54] Ibid. 29, 60; Huấn thị Bí tích cứu độ, số 59
[55] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 101
[56] Ibid. 58, 134, 309
[57] Ibd. 60; Nghi thức giám mục – Coeremoniale Episcoporum 14/09/1984, số 74
[58] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 212
[59] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 175
[60] Ibid. Số 66
[61] Ibid. số 64, 66
[62] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 300; Nghi thức giám mục 1984, số 68
[63] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 73, 139, 306
[64] Nghi thức giám mục 1984, số 147
[65] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 98, 214
[66] Ibid. 215
[67] Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 52
[68] Ibid. số 51
[69] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 149
[70] Ibid. các số 43, 152, 237. Theo quy định của phụng vụ, chỉ Hội đồng Giám mục là thẩm quyền cho phép các thích nghi cử chỉ và điệu bộ trong thánh lễ với sự phê chuẩn của Toà Thánh, giám mục giáo phận không có thẩm quyền thay đổi các cử chỉ trong phụng vụ. Hiện nay chưa có văn bản nào của Hội đồng Giám mục Việt Nam quy định dang tay khi đọc kinh Lạy Cha, nhưng có nơi giáo dân cũng dang tay khi đọc kinh Lạy Cha như chủ tế, chúng ta cần đợi quyết định của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong vấn đề này.
[71] Thông cáo của HĐGM Việt Nam năm 2001
[72] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 154, 239; Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 71, 72
[73] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 244, 249
[74] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 160, 161; Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 90-92
[75] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 84
[76] Ibid. 163, 192, 247, 249, 279
[77] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 166; Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 74
[78] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 169, 186, 251
[79] Ibid. số 199
[80] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 204; Nghi thức giám mục 1984, các số 335, 400
[81] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 387
[82] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 209; Huấn thị “Bí tích cứu độ”, các số 124, 126
[83] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 206, 211
[84] Ibid. các số 212, 215, 180, 183, 247
[85] Ibid. các số 179, 215
[86] Ibid. các số 218, 223, 228, 231, 234
[87] Ibid. số 208, 239
[88] Ibid. số 249
[89] Ibid. số 251
[90] Bộ Phụng tự, “Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ – Ordo de sacra communione et de cultu eucharistici extra missam” 21/06/1973, số 16
[91] Ibid. số 92 ; Giáo luật 1983, điều 943
[92] Ibid. các số 85, 92
[93] Ibid. số 95
[94] Ibid. số 95-96
[95] Ibid. số 101-102
[96] Ibid. 103, 105, 108
[97] Ibid. các số 10, 11; Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 314
[98] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 314; Giáo luật 1983, điều 938
[99] Ibid. số 316
[100] Giáo luật 1983, điều 935
[101] Giáo luật 1983, các điều 934, 936
[102] Phụng vu các giờ kinh – Liturgia horarum 1987 – Văn kiện trình bày và quy định, số 20
[103] Ibid. số 21
[104] Ibid. số 27; Giáo luật 1983, điều 1174/2
[105] Ibid. số 24; Giáo luật 1983, điều 1174/1
[106] Ibid. các số 28-29; Giáo luật 1983, điều 276/2 ; 1174/1, 1175
[107] Ibid. số 23
[108] Ibid. các số 253-255
[109] Ibid. số 258
[110] Vatican II, Hiến chế Phụng vụ, số 10
[111] Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 160; Nghi thức trao thừa tác viên ngoại lệ, số 8-10
[112] Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ, các số 17, 54, 91
[113] Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 155
[114] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 100
[115] Ibid. số 101; Huấn thị liên Bộ “Về việc giáo dân cộng tác vào thừa tác vụ linh mục” ngày 15/8/1997, chương “Áp dụng thực hành”, mục 2, số 3.
[116] Huấn thị liên Bộ “Về việc giáo dân cộng tác vào thừa tác vụ linh mục” ngày 15/8/1997, chương “Áp dụng thực hành”, mục 1, số 2
[117] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 100, Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 47; Thư Bộ Phụng tự gửi các chủ tịch HĐGM “Về việc giáo dân nam hay nữ giúp bàn thờ” ngày 15 tháng 3 năm 1994.
[118] Đức Gioan Phaolô II, huấn dụ các em giúp lễ ngày 18 tháng 5 năm 1999
[119] Huấn thị “Bí tích cứu độ”, số 47, 122, 336
[120] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 103-104, 312; Thánh Bộ Nghi lễ, Huấn thị “De Musica in sacra Liturgia – Về Âm nhạc trong Phụng vụ thánh”, công bố ngày 5 tháng 3 năm 1967, số 22
[121] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 293
[122] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 48
[123] Các trích dẫn trong ngoặc kép của phần “Gương mẫu đời sống phụng vụ của Thánh Gioan Vianney” được trích từ Tông thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, 16/06/2009