Thần học đôi khi sử dụng những từ ngữ mang tính học thuật này mà việc giải thích sẽ rất hữu ích… Hãy tìm hiểu ở đây từ “kénose” nghĩa là gì, cùng với cha Eric Morin, giáo sư thần học tại Trường des Bernardins, ở Paris.
Sophie de Villeneuve: Thần học đôi khi bị chỉ trích vì dùng những từ ngữ quê mùa không ai hiểu được, từ kénose chẳng hạn. Đó là về điều gì vậy?
Eric Morin : Đó không phải là một từ quê mùa, bởi vì nó là một từ Hy Lạp. Nhưng trong tiếng Hy Lạp, barbaroscó nghĩa là “điều không phải là Hy Lạp”. Đó là một thuật ngữ chuyên môn của thần học, hiếm khi được sử dụng trong giáo lý hoặc trong các bài giảng lễ. Nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp kenos, có nghĩa là trống rỗng. Chúng ta có thể nói “trống rỗng”, điều này có sức mạnh tương tự như khi Thánh Phaolô sử dụng từ này lần đầu tiên.
Sophie de Villeneuve: Chúng ta không tìm thấy nó trong các sách Tin Mừng?
Eric Morin : Chúng ta tìm thấy nó trong bài Magnificat: “Người giàu có lại đuổi về tay không.” Trong một dụ ngôn, Chúa Giêsu cũng nói về chiếc lưới rỗng. Đó là một tính từ rất thông thường.
Sophie de Villeneuve: Tuy nhiên, thánh Phaolô áp dụng nó cho Chúa Kitô.
Eric Morin : Vâng, và theo nghĩa thông thường của nó. Việc sử dụng từ kénose khiến chúng ta nghĩ rằng đó là một khái niệm phức tạp. Thánh Phaolô sử dụng nó trong chương 2 của Thư gửi tín hữu Philipphê. Ngài nói rằng Chúa Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Người đã hạ mình xuống, hóa mình ra không, bằng cách nhận lấy thân phận nô lệ khi chết trên thập giá. Bởi vì hình phạt tử hình bằng cách đóng đinh được dành riêng cho nô lệ ở Đế quốc Rôma. Giữa Chúa Kitô, thuộc thân phận Thiên Chúa, và con người Giêsu Nadarét, có một sự trống rỗng, một sự tự hạ, một sự khiêm nhường.
Sophie de Villeneuve: Phải chăng điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đã hóa mình ra không về thân phận Thiên Chúa của mình? Người đã hóa mình ra không về điều gì?
Eric Morin : Người không hóa mình ra không về thân phận Thiên Chúa của mình. Trên thập giá, Người nói “Lạy Cha”, như Người đã nói từ muôn đời. Nhưng Người đã đi đến nơi không thể tưởng tượng được để tiếp tục có một mối quan hệ với Thiên Chúa: trong cái chết ô nhục nhất. Đây là điều cứu chúng ta: kể từ Chúa Kitô, không còn thân phận con người nào không thể ngước mắt lên và nói “Lạy Cha”. Ngay cả trong hoàn cảnh xa cách Thiên Chúa vô cùng, Chúa Kitô vẫn tiếp tục gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đây là xác tín của thánh Phaolô khi ngài nói về thân phận Thiên Chúa và thân phận nô lệ. Giữa hai điều này, có một khoảng trống không phải là sự trống rỗng hiện hữu, mà là sự không đòi hỏi về thân phận Thiên Chúa, về vinh quang của mình trước mặt người ta. Khi biến hình trước mặt ba Tông đồ của mình, Chúa Giêsu tỏ mình ra như Người sẽ là sau khi sống lại, không có dấu vết vết thương. Khi từ trên núi xuống, Người cấm họ nói về điều đó trước khi Người sống lại, điều mà họ không hiểu. Nhưng, luật Do Thái chấp nhận một lời chứng khi nó được chứng thực bởi ba người, Chúa Giêsu đã thiết lập một lời chứng được chấp nhận về mặt pháp lý của ba nhân chứng, những người sẽ có thể nói: “Chúng tôi đã thấy Ngài phục sinh trước khi Người chết”. Họ sẽ có thể làm chứng cho sự tự do của Chúa Giêsu, qua đó Người từ bỏ không đòi hỏi uy quyền Thiên Chúa của mình, chấp nhận đi đến điểm cuối cùng mà chúng ta không thể tưởng tượng rằng vẫn còn có thể có mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa: thập giá.
Sophie de Villeneuve: Kénose có nghĩa là Chúa Giêsu từ bỏ mọi thứ Người có thể có để sống trọn vẹn thân phận con người của mình.
Eric Morin : Đúng thế. Trong Thư gửi tín hữu Philípphê, ngay trước khi nói về kénose, thánh Phaolô nói với các Kitô hữu: Hãy tránh vinh quang trống rỗng, háo danh, như chúng ta dịch. Vinh quang trống rỗng, đó là thứ vinh quang chỉ có vẻ bề ngoài. Chúa Giêsu lẽ ra đã có vinh quang “trọn vẹn”, sự biến hình không phải là vinh quang trống rỗng. Nhưng để chúng ta biết rằng vinh quang này không trống rỗng, Chúa Giêsu đã thích làm người không có vinh quang, để có thể kết hợp chúng ta với vinh quang của Người. Sự trống rỗng nằm ở đó.
Sophie de Villeneuve: Có phải tại thời điểm cuộc Thương Khó mà kénose đã xảy ra?
Eric Morin : Đó là một chuyển động. Nếu Chúa Kitô, Thiên Chúa nhập thể, tôn trọng các quy luật của Nhập Thể, thì cái chết nằm trong trong cuộc hành trình của Người. Người lẽ ra đã thoát khỏi nó. Nhưng điều mà Tân Ước cho chúng ta chiêm ngưỡng, đó là sự tự do liên tục của Chúa Giêsu, Đấng lẽ ra có thể… nhưng đã đi đến cùng.
Sophie de Villeneuve: Để hiểu kénose, cần phải giữ cùng nhau thân phận con người và thân phận Thiên Chúa của Chúa Giêsu…
Eric Morin : Cần phải giữ cả hai. Thánh Phaolô là một nhà sư phạm thực sự cho việc này.
Sophie de Villeneuve: Nhưng tại sao chính thánh Phaolô, chứ không phải các Tông đồ đã biết ngài, mới nói điều này về Chúa Giêsu?
Eric Morin : Các Tin Mừng cũng nói điều này. Các Tin Mừng trình bày một cách tường thuật những gì thánh Phaolô triển khai theo cách dạy giáo lý. Thánh Phaolô viết để trả lời các vấn đề từ các cộng đoàn khác nhau. Thay vì đáp lại bằng cách kể những câu chuyện hoặc thu thập những lời của Chúa Giêsu, ngài thích trả lời bằng cách vạch ra con đường dẫn độc giả của mình đến chân thập giá. Chúa Giêsu đã chết cho mọi người, và bạn phải hòa hợp với người anh em của bạn, người đã làm bạn khó chịu vì Chúa Giêsu đã chết cho bạn và cũng cho người anh em của bạn.
Sophie de Villeneuve: Kénose có ý nghĩa gì đối với chúng ta là những Kitô hữu? Điều này thúc đẩy chúng ta tin vào điều gì?
Eric Morin : Tôi quay lại với bài Magnificat: “Người giàu có lại đuổi về tay không.” Cuộc gặp gỡ diễn ra với một Thiên Chúa đã hóa mình ra không, trút bỏ chính mình để gặp chúng ta giữa con người với con người, và điều này được thự hiện với tay không.
Sophie de Villeneuve: Nhiều người từ chối tin vào một vị Thiên Chúa đã tự trút bỏ chính mình, đã tự hóa mình ra không. Đối với họ, điều đó có vẻ khó tin…
Eric Morin : Vâng, tôi hiểu rằng người ta không muốn hoặc không thể tin vào điều đó. Nhưng đây chính xác là mấu chốt của đức tin Kitô giáo. Chính ánh sáng phục sinh chiếu rọi trên cuộc đời Chúa Giêsu khiến chúng ta chiêm ngưỡng sự tự do này.
Sophie de Villeneuve: Điều này có áp dụng cho đời sống Kitô hữu chúng ta không? Chúng ta cũng phải hóa mình ra không, trút bỏ chính mình?
Eric Morin : Vâng, chúng ta phải giữ tay mình trống rỗng. Chúng ta muốn đến trước mặt Thiên Chúa và nói với Ngài: Xin nhìn xem mọi điều con đã làm cho Chúa. Nhưng khi chúng ta đến với đôi tay đầy ắp, chúng ta không thể đón nhận tình yêu của Ngài như Ngài mong muốn. Chúng ta đã làm gì cho Ngài? Ngài sẽ đón nhận nó vì Ngài có đủ sự tế nhị cho việc đó. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix)
Nguồn: Xuân Bích Việt Nam – 06/04/2024
————————————————-
(Từ vựng triết thần căn bản: Kénose: Lột/tước bỏ, tự hủy)