GIÁO LÝ VIÊN, CHỨNG NHÂN HIỆP THÔNG
theo “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam”
của HĐGMVN 2017
Chia sẻ tại Đại hội Giáo lý Giáo phận Đà Lạt
Tân Hà – Bảo Lộc, 26/07/2019
Gm. Antôn Vũ Huy Chương
Cha Trưởng ban Giáo lý Giáo phận mời tôi chia sẻ về đề tài “Giáo lý viên, chứng nhân hiệp thông” theo “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam” của HĐGMVN 2017. Cha Trưởng ban cũng gửi cho tôi 5 bài thuyết trình về đề tài này để tham khảo; những bài này được trình bày rất sâu sắc về phương diện thần học, dựa trên nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn của Hội Thánh.
Ở đây tôi xin trình bày cách đơn giản, hy vọng là dễ hiểu, về chủ đề HIỆP THÔNG mà HĐGMVN đã định hướng cho việc đào tạo giáo lý viên trở thành chứng nhân hiệp thông.
Ý niệm về hiệp thông xuất phát từ Kinh Thánh, cụ thể từ gương mẫu của cộng đoàn tín hữu ban đầu được ghi trong Sách Công vụ Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy…, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau… Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-47). Nói cách khác, các tín hữu thuở ban đầu đã sống hiệp thông với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ; hiệp thông với Giáo hội, cụ thể qua việc chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy; hiệp thông với nhau qua việc đồng tâm nhất trí và sống bác ái trong đời sống cộng đoàn; hiệp thông với hết mọi người chưa biết Chúa để cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
Tuy nhiên, trải qua những năm dài trong lịch sử, dần dần các tín hữu đi xa gương sống của cộng đoàn thuở ban đầu, một phần vì Giáo hội lo củng cố về tổ chức trong Giáo hội. Chính vì thế mà Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Đức Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Chung Vatican II, một hội nghị quy tụ 2344 giám mục trên toàn cầu đến Vatican lần thứ hai để tham dự hội nghị trong vòng 3 năm, khai mạc ngày 11/10/1962 và bế mạc ngày 8/12/1965 dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Khi được hỏi tại sao cần triệu tập một Công đồng, Đức Thánh Cha Gioan XXIII mở cửa sổ và nói: “Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được”. Mục đích của Công đồng Vatican II là để canh tân Giáo hội, đối nội cũng như đối ngoại, có thể nói bằng cách trở về nguồn của Giáo hội như được mô tả trong Sách Cvtđ về cuộc sống của các tín hữu thuở ban đầu.
Nếu dùng hình ảnh để mô tả Giáo hội trước và sau Công đồng Vatican II, có thể dùng hình ảnh kim tự tháp để mô tả Giáo hội trước Công đồng, và hình ảnh những vòng tròn đồng tâm để mô tả Giáo hội Giáo hội sau Công đồng:
– Trước CĐ Vatican II, hình ảnh Giáo hội như một kim tự tháp hình tam giác: đỉnh cao là Đức Giáo hoàng; bên dưới là hàng Giáo phẩm (giám mục và linh mục); đáy kim tự tháp là giáo dân; còn lương dân thì ở bên ngoài, không được cứu độ nếu không vào bên trong. Giáo hội được ví như một pháo đài, kín cổng cao tường, không nhìn ra được và cũng không nhìn vào được.
– Với CĐ Vatican II, hình ảnh Giáo hội như những vòng tròn đồng tâm: trung tâm điểm là Chúa Giêsu Kitô; vòng gần trung tâm là hàng Giáo phẩm; vòng kế đó là giáo dân; vòng tiếp theo là lương dân; tất cả đều hướng về Chúa Kitô là Đấng Cứu độ. Cùng là Kitô hữu, hàng giáo phẩm ở trong chứ không phải ở trên giáo dân; Giáo hội ở trong chứ không phải ở trên lương dân. Đó chính là hình ảnh của một Giáo hội hiệp thông: người Kitô hữu hiệp thông với Thiên Chúa nhờ ĐGK và trong CTT; hiệp thông với Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập và đặt hàng giáo phẩm lãnh đạo phục vụ; hiệp thông với nhau trong Giáo hội và với hết mọi người ngoài Giáo hội. Về mặt tổ chức, tuy Giáo hội có phẩm trật, nhưng về mặt đời sống và cung cách ứng xử thì cần phải hiệp thông với nhau và với hết mọi người như con chung một Thiên Chúa là Cha; lý do căn bản là vì Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người nhờ sự chết và sống lại của ĐGK; tất cả đều có thể được cứu độ “mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Đó là Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng bằng hiệp thông là sống niềm tin nơi những người đã biết Chúa, và khơi dậy niềm tin nơi những người chưa biết Chúa, và nơi những người đã biết Chúa nhưng bỏ Chúa hoặc khô khan nguội lạnh.
Giáo lý viên là cộng tác viên đặc biệt của giáo sĩ trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, do đó cần được đào tạo trở thành con người hiệp thông để làm chứng nhân hiệp thông, trước tiên cho những người mà giáo lý viên dạy giáo lý cho họ, và cùng với họ làm chứng nhân hiệp thông cho những người khác.
Như thế, dạy giáo lý không phải chỉ là truyền đạt kiến thức về giáo lý, mà là truyền đạt lối sống hiệp thông: hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo hội, với nhau và với hết mọi người. Trong giáo phận Đà Lạt, giáo lý viên cho các em thiếu nhi đồng thời là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể. Cũng có nhận định cho rằng: trình độ giáo lý của huynh trưởng TNTT còn hạn chế; chính vì thế mà cần được đào tạo, nhưng cần quan tâm đào tạo con người toàn diện cho giáo lý viên, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo về đời sống hiệp thông.
Trước hết là hiệp thông với Thiên Chúa. Tôi xin kể một câu chuyện để minh họa. Một lần tôi ghé thăm một giáo họ ở miền bắc, có khoảng 300 giáo dân, được Ban hành giáo dẫn đi thăm nhà thờ mới xây hết 5 tỷ. Tôi hỏi: “Ít giáo dân mà sao xây nhà thờ lớn thế? Chắc bà con ở đây hăng say truyền giáo?” Ông trùm trả lời: “Thưa Đức Cha, giáo họ chúng con toàn tòng, không có một thằng lương nào lọt vào đây”. Tôi hỏi thêm: “Vậy chắc là ở đây sinh sản nhiều nên cần làm nhà thờ lớn để sau này có đủ chỗ?” Ông trùm trả lời: “Thưa Đức Cha, đám trẻ bây giờ chỉ sinh một hai con thôi”. Tôi thắc mắc: “Vậy thì cần gì phải xây nhà thờ lớn thế?” Ông Trùm trả lời: “Nhà thờ giáo họ chúng con so với nhà thờ giáo họ bên cạnh còn thua 2 tỷ”. Tôi hỏi tiếp: “Nghe nói ở giáo họ này, mỗi gia đình có một cuốn Tân Ước?”. Ông trùm hỏi lại: “Cuốn Tân Ước là cuốn gì, thưa Đức Cha? Chúng con chỉ học kinh bổn thôi”! Không biết Thánh Kinh Tân Ước thì làm sao sống hiệp thông với Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu?!
Thật vậy, nguồn mạch của sự hiệp thông xuất phát từ ý định của Thiên Chúa; Hiến chế về Mạc khải của Công đồng Vatican II dạy rằng: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài… để mời gọi và đón nhận họ hiệp thông với Ngài” (DV 2). Thánh ý của Chúa Cha đã được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu và được thực hiện bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Như thế, sống đạo đích thực không phải chỉ thưa thốt “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, tức là làm theo thánh ý Chúa.
Vì thế, giáo lý viên cùng với các em thiếu nhi suy niệm Lời Chúa và sốt sắng cầu nguyện, ít là trước hoặc sau mỗi bài giáo lý, cùng nêu lên những việc cụ thể phải làm theo chủ đề của mỗi bài giáo lý.
Kế đến là hiệp thông với Giáo hội. Cụ thể như giáo xứ, là một cộng đoàn Giáo hội tại địa phương, trong đó mọi phần tử cần hiệp thông với nhau. Linh mục, tu sĩ, giáo dân luôn ý thức mình thuộc về Giáo hội và góp phần xây dựng Giáo hội, tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội với tinh thần trách nhiệm.
Vì thế, giáo lý viên cùng với các em tham gia những công việc trong giáo xứ theo khả năng, giúp các em tích cực tham gia đọc và hát cộng đồng trong phụng vụ, tham gia các việc bác ái phù hợp với các em v.v.
Còn hiệp thông với mọi người thì sao? Tôi xin kể một câu chuyện để minh họa. Tại một giáo họ kia, Ban hành giáo hãnh diện khoe với giám mục: “Họ giáo chúng con tự đóng góp xây nhà thờ này trong vòng 20 năm. Khi xây dựng, và nhất là khi khánh thành, có bà con bên lương đến làm giúp, có cả sư sãi đến ăn mừng nữa”. Giám mục hỏi: “Vậy ở đây, khi bên lương làm chùa mới, bên giáo có đi làm giúp và ăn mừng không?” – “Thưa không” – “Tại sao vậy ?” – “Thưa, Cha Xứ không cho đi; Cha Xứ bảo: đạo ta là đạo thật” ! Quan niệm loan báo Tin Mừng bằng cách loại trừ như thế là vì không biết đến “đối thoại tôn giáo” theo tinh thần của Công đồng Vatican II.
Một dịp khác, giám mục đi làm lễ khánh thành nhà thờ mới; nhà thờ có tháp mà chưa có chuông. Sau lễ, Ban hành giáo xin Đức Cha tiền để mua chuông. Đức Cha nói: “Sẽ xin tiền mua chuông sau. Hiện tại có người cho tiền để làm đường bê-tông. Xin mời về tòa giám mục lấy tiền làm đường trước, rồi sẽ có tiền mua chuông sau”. Hai tháng sau, Ban hành giáo có dịp gặp lại giám mục: “Báo cáo Đức Cha, chúng con mua chuông rồi. Xin Đức Cha cho tiền làm đường”. Giám mục hỏi: “Tại sao lại mua chuông trước ?”. Ban hành giáo trả lời: “Kéo chuông để truyền giáo, để kêu gọi người ta đến nhà thờ”. Giám mục chia sẻ: “Khi nghe tiếng chuông, người bên giáo thì phấn khỏi, nhưng người bên lương thì khó chịu. Khi làm đường cho cả lương và giáo cùng đi, chắc chắn người lương sẽ có cảm tình với người giáo, sau đó kéo chuông vô tư; con đường đó lại là con đường dẫn đến nhà thờ”.
Vì thế, người Kitô hữu nói chung, giáo lý viên nói riêng, khi loan báo và thể hiện Nước Thiên Chúa bằng con đường đối thoại và cộng tác với mọi người nhằm phục vụ cho công ích chính là chứng nhân hiệp thông theo định hướng của HĐGMVN, nhờ đó mà “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Tóm lại, mô hình “Hiệp Thông” khơi dậy nơi giáo lý viên và các em thiếu nhi lòng khát khao loan báo cho mọi người biết họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Nếu truyền giáo là bản chất của Giáo hội thì hiệp thông chính là phương thức để truyền giáo hữu hiệu trong thời đại ngày nay. Một khi tâm hồn có được niềm vui nhờ gặp gỡ và kết hợp với Thiên Chúa, giáo lý viên được thúc bách đi ra và đến với mọi người, nhất là người nghèo và bị loại trừ, để đem ơn cứu độ của Chúa đến với họ. Giáo lý viên bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo hội và với mọi người, để có thể trở thành chứng nhân hiệp thông, chứng nhân của Niềm Vui Tin Mừng.