Này là Con Bà. Này là Mẹ con.
Bài đọc I: St 3,9-15.20
“Mẹ của toàn thể chúng sinh”
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?” Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Hoặc: Cv 1,12-14
“Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu”
Bài trích sách Công vụ Tông đồ
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat. Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu. Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê, Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê. Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và các anh em Người.
Đáp ca: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
Xướng: Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
Xướng: Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Đấng Tối Cao củng cố thành”.
Xướng: Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”.
Alleluia
Alleluia! Alleluia! Kính chào Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Đấng giữ gìn trong chúng conThần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô
Tin Mừng: Ga 19, 25-34
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. 28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” 29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. 31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
ĐƯA MẸ VỀ NHÀ MÌNH
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Đứng dưới chân thập giá Đức Ki-tô có Đức Ma-ri-a. Đứng bên cạnh Đức Ma-ri-a lại có người môn đệ Chúa thương mến. Khi cùng đứng chung với nhau trước cơn đau khổ, người ta thấy mình có liên hệ gần gũi với nhau hơn, người ta được tăng thêm sức mạnh. Lời trăng trối của Đức Giê-su càng củng cố làm cho mối liên hệ ấy trở nên bền vững. Trên thập giá Ngài thiết lập căn tính mới, liên hệ mới giữa Mẹ của Ngài với người môn đệ: Mẹ của Thầy cũng là Mẹ của anh. Khi phục sinh Chúa sẽ nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Mời Bạn: Khi rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được cùng với Mẹ thông phần cuộc khổ nạn với Đức Ki-tô. Giờ đây, đau khổ của ta được thông phần với đau khổ của Chúa, cuộc chiến của ta chống lại ma quỷ, tội lỗi cũng chính là cuộc chiến mà Đức Ki-tô tham chiến và đã chiến thắng. Rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được gần nhau hơn, gần Chúa hơn và nhất là được tăng sức mạnh mẽ hơn cho sứ mạng của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Gia đình, cộng đoàn tôi “rước Mẹ về nhà mình” bằng cách cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đứng kề Thánh Giá hiệp thông với Đức Giê-su Con Mẹ trong cuộc khổ nạn. Xin Mẹ dắt chúng con đến với Chúa để Thánh Giá Chúa trở nên bí tích cứu độ chúng con.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Ngày nay vẫn còn nhiều người quan tâm đến hiện tượng ma quỷ. Không chỉ trên sách vở báo chí, phim ảnh, mà ngay bên Mỹ còn có cả một phong trào Satanism, một tôn giáo tôn thờ ma quỷ. Điều này khiến chúng ta dễ rơi vào một lầm lẫn đáng kể, là nghĩ rằng ma quỷ ở mãi tận đâu đâu, hoặc nhập vào một số người nào đó, chứ chúng ta thì không.
Thực ra thì ma quỷ vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, tìm mọi phương thế để cám dỗ chúng ta. Và một cách nào đó tinh thần của chúng đã ám vào hầu hết mọi người chúng ta. Chúng ta không thấy có những hiện tượng bên ngoài như bị quật ngã, sùi bọt mép, nghiến răng hoặc cứng đờ thân thể, khiến chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta đang an toàn vô sự. Kỳ thực ra quỷ đã ám chúng ta lúc nào không hay. Những quỷ hà tiện, kiêu ngạo, dâm ô, tham lam… không hiện nguyên hình để chiếm hữu chúng ta, nhưng chúng thay hình đổi dạng thật khéo léo, Chúng không mang một bộ mặt đen đủi xấu xí để chúng ta xa tránh, nhưng chúng ngụy trang dưới một lớp mặt nạ thật quyến rũ.
Chẳng hạn có gì xấu đâu khi chúng ta gom góp của cải để dự phòng tích trữ cho mình. Chúng ta làm ra nhiều tiền bạc của cải, tại sao không có quyền tiêu xài phung phí. Chiều theo những nhu cầu, những đòi hỏi của con người, có gì xấu đâu…
Với những lý lẽ hợp tình hợp lý như vậy, ma quỷ đã âm thầm lẻn vào tâm trí chúng ta để dần dần chiếm hữu chúng ta, khiến chúng ta trở thành những người câm điếc không còn xét đến những nhu cầu, những khổ đau của người anh em chung quanh.
Tiếp tục công cuộc của Đức Giê-su, trong Hội Thánh vẫn có những người trừ quỷ. Đó là các tu sĩ, linh mục thánh thiện, được giám mục sở tại cho phép. Các vị trừ quỷ thường có một đời sống thánh thiện, luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Các ngài trừ quỷ không dựa vào thế giá của mình, nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, và sức mạnh ấy được thông ban nhờ đời sống cầu nguyện thân thiết với Chúa.
Cần phải cầu nguyện, cần phải ăn chay, cần phải hãm mình để nâng con người dậy khỏi những sức nặng của cám dỗ vật chất và thân xác, để xua đuổi ma quỷ ra khỏi cuộc sống của chúng ta.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
TÌNH THƯƠNG MẸ HIỀN NÂNG ĐỠ
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Maria – Mẹ Hội Thánh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Con Một Chúa đã muốn Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người, làm Mẹ chúng ta. Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin cho Hội Thánh được vui mừng: vì đoàn con thánh thiện, và vì muôn dân quy tụ về nên một trong Chúa.
Tước hiệu Mẹ Hội Thánh được dành cho Đức Trinh Nữ Maria, bởi vì, chính Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, và trước khi Con lòng Mẹ trút hơi thở trên thập giá, Mẹ trở nên Hiền Mẫu của những kẻ được cứu chuộc. Đức Phaolô VI đã long trọng xác nhận danh hiệu này, trong diễn từ đọc trước các nghị phụ Công Đồng Vaticanô II ngày 21/11/1964, và quyết định: Toàn dân Kitô giáo xưa nay đã tôn kính Thánh Mẫu Thiên Chúa bằng danh hiệu rất dịu ngọt này, thì nay còn phải tôn kính hơn nữa.
Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra rằng: chỉ có Chúa là bền vững, còn mọi sự đều mau qua chóng tàn, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên đã cho thấy: Thú vui không đem lại hạnh phúc thật: hoạt động của con người, dưới bất cứ hình thức nào cũng thế. Cái chết kết liễu cả hai. Cái chết làm cho chính cuộc sống nên đáng ghét, đối với người Sêmít, đây là nghịch lý, lời nói không diễn tả hết được. Trong khung cảnh đổ vỡ này, chỉ còn một thực tại duy nhất đứng vững, đó là Thiên Chúa và kế hoạch Người muốn thực hiện cho con người: Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui; ai có tội, thì Người bắt phải vất vả gom góp và tích trữ để trao lại cho kẻ đẹp lòng Người. Điều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.
Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết bắt chước các nhân đức của Mẹ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Phaolô VI đã nói: Trong cuộc đời phải chết này, khi diễn tả mẫu người môn đệ hoàn hảo của Đức Kitô, Mẹ đã nêu gương mọi nhân đức và đã hoạ lại đầy đủ các mối phúc Đức Kitô rao giảng. Vì thế, khi quảng diễn sức sống thiên hình vạn trạng và đầy năng động nhiệt thành của mình, toàn thể Hội Thánh nhận Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa làm mẫu gương tuyệt vời mà bắt chước Đức Kitô cách hoàn hảo.
Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết vững tin vào lời hứa cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại, Chúa nói với con rắn: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 86, vịnh gia cũng cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ của Người: Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành! Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.” Và ai nấy múa nhảy hát ca: “Xion hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành.”
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Nữ Trinh diễm phúc, Đấng đã sinh hạ Chúa Trời. Lạy Thân Mẫu hồng phúc của Hội Thánh, Đấng giữ nơi chúng con lửa Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, Con lòng Mẹ. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại biến cố dưới chân thập giá: Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi, Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Đức Maria đã vâng lời Thiên Chúa cho đến cùng dưới chân thập giá, cho nên, Mẹ đã trở thành Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì chúng ta cũng biết mau mắn vâng lời Chúa như Mẹ, để cũng như Mẹ, chúng ta cưu mang và sinh hạ Chúa cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Đức Maria Mẹ Hội Thánh
Một nhà văn kể lại rằng, trong cuộc chiến kia, nhiều người phải đi trốn, phải ẩn náu trong một trường học. Một hôm người ta ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, họ liền sục sạo tìm kiếm và phát hiện ra một người đàn bà ngồi ở một góc phòng đang ôm xác đứa con ba tuổi của bà. Người ta giằng lấy xác đứa trẻ đem đi chôn, nhưng bà mẹ gào lên: “Nó chết thì chết nhưng nó là con tôi, hãy trả lại con cho tôi!”
Đây có thể coi là hình ảnh đại diện cho tình mẫu tử, của bà mẹ thương con. Từ hình ảnh này, chúng ta nhìn lên Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của mỗi người chúng ta. Phải chăng Mẹ cũng mang tâm tình như bà mẹ thương con trong câu chuyện? Và còn hơn thế nữa, Mẹ Maria là mẫu gương hoàn hảo cho mọi tình mẫu tử. Mẹ đang ôm mỗi người chúng ta vào lòng, trong cánh tay từ ái của Mẹ cho dù nhiều khi chúng ta đã ra nặng mùi hôi thối vì tội lỗi.
Bởi Mẹ thực là Mẹ của chúng ta về phương diện Đức Tin, Mẹ đã sinh ra chúng ta trong đức tin khởi đầu với lời đáp: “Xin vâng” để cưu mang, sinh dưỡng Chúa Giêsu là đầu của Hội Thánh mà chúng ta là chi thể. Vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thế nên Mẹ thực là Mẹ của hết thảy chúng ta – những người em của Chúa Giêsu. Một cách âm thầm, Mẹ Maria đã mang lấy trách nhiệm làm Mẹ Hội Thánh khi can dự với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3). Mẹ thực là mẹ Hội Thánh rõ ràng nhất qua lời trăng trối của Chúa Giêsu với người Mẹ: “Này là con bà” và với môn đệ Gioan: “Này là mẹ con”.
Điểm quan trọng trong lời trối này không chỉ là lời khuyên nhưng là mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong “giờ” Ngài được tôn vinh. Mệnh lệnh của Ngài thiết lập một giao ước công khai để Đức Maria chính thức là Mẹ của các môn đệ, là Mẹ của tất cả chúng ta, còn chúng ta chính thức là con của Mẹ mà Thánh Gioan là người đại diện cho các môn đệ, đón rước Mẹ về nhà.
Để rồi, Đức Maria luôn đồng hành cùng Hội Thánh như sách Công Vụ Tông Đồ ghi nhận: Đức Maria siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, chuyên cần cầu nguyện cùng với các tông đồ (Cv 1,12-14). Đồng thời Đức Maria luôn dõi theo, dẫn dắt và nâng đỡ con cái Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin thường ngày.
Vào năm 1917, trước nạn vô thần và chiến tranh lan tràn khắp thế giới, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với 3 trẻ: Lucia, Francisco, và Jancinta tại làng Fatima – Bồ Đào Nha. Mẹ làm phép lạ chữa lành nhiều bệnh nhân. Mẹ nhắn nhủ đoàn con: Chúa đã bị xúc phạm quá nhiều rồi! Các con hãy cầu nguyện và hy sinh cho tội nhân được ơn trở lại và cầu nguyện cho thế giới được hòa bình.
Nói đâu xa, ngay trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, vào năm 1789, thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo, các tín hữu phải chạy vào rừng núi La Vang – Quảng Trị để ẩn náu. Đức Mẹ đã hiện ra âu yếm an ủi con cái kiên trì qua cơn bách hại; Mẹ dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ chữa được nhiều bệnh. Mẹ đã che chở dẫn dắt đoàn con dân Việt trung thành giữ đức tin để truyền lại cho đến hôm nay.
Khi đi đến các Trung tâm Hành hương Kính Đức Mẹ chẳng hạn như Măng Đen, Trà Kiệu, La Vang, Tà Pao… Chúng ta không chỉ thấy người ta dâng nhiều hương- hoa- nến lên Đức Mẹ, mà còn dễ dàng nhận ra có rất nhiều tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ: Con tạ ơn Mẹ; Chúng con tạ ơn Mẹ; Gia đình chúng con tạ ơn Mẹ; Con là người ngoại đạo xin tạ ơn Đức Mẹ... Vâng, có rất nhiều bảng tạ ơn Đức Mẹ – không chỉ của những người Công giáo mà còn của cả những người ngoại đạo. Điều ấy chứng tỏ quyền năng và tình thương bao la của Mẹ dành cho nhân loại.
Thế nên Kitô hữu chúng ta thật diễm phúc vì không chỉ có một người Mẹ dưới đất mà còn có một người Mẹ trên trời hằng phù trợ chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ như ánh sao đức tin, như nguồn hy vọng, như lẽ cậy trông của chúng ta trên con đường về quê, theo xác tín của Thánh Bênađô:
“Bước theo Mẹ – Bạn không lạc lối.
Khẩn cầu Mẹ – Bạn không thất vọng.
Nhớ đến Mẹ – Bạn không mê lầm.
Tựa vào Mẹ – Bạn không sợ ngã.
Mẹ chở che – Bạn không khiếp sợ.
Mẹ dẫn dắt – Bạn không nản lòng.
Nhờ ơn Mẹ – Bạn về bến bình an.”
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm