Bài 8:
CHÚA THÁNH THẦN VÀ HOA TRÁI THẦN KHÍ (Gl 5)
Trong chương 5 của Thư gửi người Galát, thánh Phaolô có nói đến các hoa trái của Thần Khí. Hôm nay cha giáo G.B. Hoàng Văn Khanh giúp chúng ta tìm hiểu các hoa trái ấy.
Lm. G.B. Hoàng Văn Khanh
THÁNH THẦN NHƯ MỘT NGÔI VỊ: THÁNH THẦN TÌNH YÊU
Ngôn ngữ thần học gọi Thần Khí như một Ngôi vị. Khái niệm Ngôi vị bao hàm tư cách và chức năng. Khi nói Cha là Ngôi vị thì tư cách của Ngôi vị đó “là Cha” và chức năng của Ngôi vị đó là “làm Cha”, tức sinh ra Con, yêu thương Con. Khi nói Con là Ngôi vị, thì tư cách của Ngôi vị Con “là Con” và chức năng là “làm Con”, nghĩa là đón nhận sự sinh ra và tình yêu của Cha, đồng thời đáp trả bằng tình con thảo. Vậy, đâu là tư cách và chức năng của Ngôi vị Thần Khí ? Vấn đề đã được đặt ra từ những thể kỷ IV-V trong bối cảnh một số lạc thuyết chủ trương Thần Khí không thể ngang hàng với Chúa Cha vì được Chúa Cha đổ tràn (Ed 39,29), được Cha trao ban (Ga 7,39); cũng không thể ngang hàng với Chúa Con vì được Con sai đi (Ga 15,26). Ðể đối phó với những lạc thuyết đó, ngôn ngữ Công đồng và thần học đã sử dụng những khái niệm triết học đồng bản thể, nhiệm xuất, nhiệm xuy để khẳng định thần tính của Chúa Thánh Thần, Ðấng được phụng thờ và tôn vinh hoàn toàn cùng với Chúa Cha và Chúa Con.
Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí xem ra như thiếu Ngôi vị tính, thụ động: được ban cho, được đổ tràn, được sai đến. nhưng trong khi thi hành sứ vụ được giao, ngôn ngữ Kinh Thánh cho thấy Thần Khí như một Ðấng đầy ngôi vị tính, năng động, mạnh mẽ, tích cực (Is 11,1-5; Tl 3,10; 1S 1,6; 10,1; Am 3,8; 7,14; Gr 20,7). Kinh Thánh cho thấy Thần Khí tuôn tràn như cơn mưa đem sự sống cho vùng đất khô cằn (Is 32,15; 44,3; Ed 36,25; Gr 3,1), như sinh khí làm sống động những bộ xương khô (Ed 37), như một sáng tạo mới thay đổi bộ mặt xứ sở (Is 32,16), thay đổi con tim, lòng dạ con người (Is 59,21; Tv 143,10; Ed 39,29), tác sinh (Ga 6,63; Lc 1,35), tái sinh (Ga 3,8), phục sinh (Rm 8,11), mạc khải chân lý (Ga 16,13).
Thánh Gregoriô Naziance đã sử dụng ý niệm processio để bênh vực thần tính của Chúa Thánh Thần (procedit a Patre). Từ ngữ này được Công đồng Constantinople I đưa vào tín biểu. Sau đó, sự xuất phát của Thánh Thần được thần học đặt tên là spiratio hoặc processio amoris. Spiratio do spiritus, spirare có nghĩa là thở ra, thở ra tình yêu (spirans amorem). Processio amoris là gì ?
Do sự thông đạt hoàn toàn giữa Cha và Con nảy ra tình yêu. Thánh Thần ví với tình yêu giữa Cha và Con. Trong lịch sử thần học, khi trình bày mối liên hệ giữa Thánh thần với Cha và Con, người ta nhận thấy có hai lối diễn tả khác nhau nơi Tôma và Bonaventura, tuy cả hai cũng dựa trên Augustin.
Thánh Augustin đã ví sự xuất phát của Thánh Thần với tình yêu: amans, quod amatur, amor. Tôma đi từ Thiên Chúa như là Hữu thể (Esse), một hữu thể tinh thần với hai tác động là tri thức và yêu mến; từ đó có hai nhiệm xuất của Lời và của Tình yêu (tức Ngôi Hai và Thánh Thần). Thánh Bonaventura thì khởi sự từ Thiên Chúa như là Sự Thiện (Bonum). Sự Thiện tự bản chất là thông đạt toả lan (bonum diffusivum sui). Thiên Chúa là Sự Thiện tuyệt đối, cho nên cũng trào ra và thông đạt: Cha là kẻ yêu thông ban mình cho Con; Con là kẻ được yêu tiếp đón tình yêu của Cha; Thánh Thần là tình yêu nối kết Cha và Con.
Dù diễn tả cách nào đi nữa, Thánh Thần vẫn được coi như Tình Yêu liên kết Cha và Con, Tình Yêu trao ban hỗ tương. Hơn thế nữa, Tình Yêu ấy không khép kín trong nội tại của Thiên Chúa, nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra ngoài. Vì thế, tất cả mọi hoạt động của Thiên Chúa ra bên ngoài (tạo dựng và cứu chuộc) đều được coi như trào ra từ tình yêu trao ban nội tại của Ba Ngôi (x. AG 2). Như vậy, tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện đều bắt nguồn từ tình yêu dạt dào của Người. Nói thế có nghĩa là tất cả những gì Thiên Chúa làm trong vũ trụ và lịch sử nhân loại đều bởi Thánh Thần, tình yêu trao ban và đón nhận giữa Cha và Con. Ðối lại Thánh Thần biểu lộ cho thấy Thiên Chúa là Tình yêu, là Hồng ân trao ban (1Ga 4,8.16).
Nơi con người, tình yêu thường mang tính chiếm đoạt đối tượng thiện hảo, giữ khư khư cho mình; còn nơi Thiên Chúa, tình yêu thông ban chứ không nắm giữ chiếm đoạt. Hơn thế, khi ban phát chính mình, tình yêu nơi Thiên Chúa ra như huỷ diệt chính mình. Chúa Giêsu đã từng nói không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết cho người mình yêu (Ga 15,13). Ngài đã tự hạ, tự huỷ cho đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11). Cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về Thánh Thần Tình yêu. Ngài không tỏ mình xuất hiện nhưng âm thầm tác động trong vai trò mối dây liên kết Cha với Con. Ngài cũng là mối dây kết tụ Hội thánh nên một gia đình và đưa về hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngài được ví như hơi thở làn gió. Ngài là tình yêu kín đáo nép mình trong nội tâm sâu thẳm của Thiên Chúa cũng như trong thâm tâm của con người (1 Cr 2,11). Tuy nhhiên chính nhờ việc ẩn danh xoá mình đó mà Thánh Thần tinh yêu duy trì cho các bản vị được tự lập chứ không bị xoá nhoà tiêu diệt. Con người khi yêu thì muốn chiếm đoạt hoàn toàn người mình yêu, muốn hoàn toàn đồng hoá với đối tượng yêu; còn tình yêu nơi Thiên Chúa thì không như thế. Sự thông đạt tình yêu đòi phải duy trì hai chủ thể, nếu không thì không còn là thông đạt. Giữa lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn luôn có sự thông đạt: tình yêu liên kết các ngôi vị, tạo nên hiệp nhất nhưng không huỷ bỏ sự phân biệt Ba Ngôi. Ðó là mầu nhiệm thông hiệp: hợp nhất trong khác biệt đa dạng. Thánh Thần tình yêu bảo đảm cho sự thông hiệp giữa lòng Ba Ngôi thì cũng trở thành nguyên tố và mẫu mực cho sự thông hiệp trong Hội thánh.
THÁNH THẦN TÁC ÐỘNG TRONG LỊCH SỬ CỨU ÐỘ
Ðành rằng phải chờ đến Tân ước, mạc khải về Thánh Thần như một Ngôi vị mới rõ ràng, thế nhưng khi đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ dưới ánh sáng Phục sinh, Kitô hữu nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần ngay từ buổi đầu sáng tạo. Phân tích các bản văn Cựu ước, ta thấy nói tới “ruah Yaweh” (Thần Khí Chúa) không những đã hiện diện vào buổi đầu tạo dựng vũ trụ, nhưng còn tiếp tục duy trì cho các vật được hiện hữu. Nếu Thiên Chúa rút Thần Khí lại thì mọi vật tan tành mây khói. Thánh Thần được kêu cầu như Thần Khí tác tạo (Creator Spiritus).
Cựu ước cho thấy Thần Khí Chúa hoạt động cách đặc biệt nơi lịch sử Israel, qua việc kêu gọi và thành lập dân Thiên Chúa mà lịch sử tạo dựng là hậu cảnh cần thiết. Xuất hành là khởi đầu cho tạo dựng mới. Qua Xuất hành và qua kinh ngiệm sa mạc, Thần Khí dẫn dắt Israel về Ðất hứa. Môisê được lãnh nhận Thần Khí để lãnh đạo dân (Ds 11,16); từ Môisê, Thần Khí xuống trên 70 vị bô lão (Ds 11,17.25-26). Môisê mong toàn dân được đầy Thần Khí (Ds 11,29). Ðiều này sẽ được ngôn sứ Gioen xác định vào ngày cuối cùng (Ge 3,1-5) và sẽ thành hiện thực vào Lễ Hiện xuống đầu tiên (Cv 2,1tt). Thần Khí từ Môisê qua Giosuê bằng việc đặt tay (Ðnl 34,9; Ds 27,18-23); và từ đây bắt đầu một truyền thống sống động mà đối tượng là Thần Khí: các Thủ lãnh nhận Thần Khí (Tl 3,10), Saul là vị vua đầu tiên của Israel nhận Thần Khí (1 Sm 10,6), rồi Ðavít (1 Sm16,13)…
Niềm hy vọng của dân là được lãnh nhận Thần Khí như các ngôn sứ đã từng loan báo (Is 32,15; 44,3; Ge 3,1-5). Ngôn sứ Giêrêmia nói về Giao ước mới do Thiên Chúa thiết lập bằng Luật ghi trong tâm hồn (Gr 31,31tt). Êdêkien cho rằng lời hứa về Giao ước mới và Lề luật ấy cốt tại những ân phúc của Thần Khí (Ed 36,26-27) là sự thánh thiện, sự trung tín, sự sống (Ed 37,1-14). Các ngôn sứ khẳng định sẽ xuất hiện Ðấng được xức dầu (Messia = Kitô) là vị vua tràn đầy Thần Khí, có nhiệm vụ dẫn đưa dân đến cùng Thiên Chúa của họ. Isaia đệ nhị trình bày người Tôi tớ đầy Thần Khí để đem Thần Khí đến cho muôn dân (Is 42,5). Người Tôi Tớ được chọn để làm giao ước với dân và nên ánh sáng chiếu soi muôn nước (Is 42,5-6), mang cứu độ đến tận cùng trái đất (Is 50,4-11).
Ðến thời viên mãn, Tân ước cho thấy tác động của Thánh Thần trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, từ nhập thể đến Phục sinh; rồi từ Phục sinh, Thánh Thần trở nên hồng ân mà Ðức Kitô ban cho nhân loại. Có thể kể ra ba trường hợp điển hình:Thánh Thần can thiệp đặc biệt vào lúc nhập thể (Truyền tin), Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Chính lúc Chúa Giêsu tắt thở, không phải trút hơi lìa đời mà là trao nộp Thần Khí. Chương trình cứu rỗi được hoàn tất do việc Ðức Kitô hiến mạng sống cho người mình yêu; cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thần Khí. Thần khí được ban từ hồi nguyên thuỷ, nay được ban dồi dào từ cái chết của Ðức Kitô như mạch suối nước hằng sống (Ga 19.20; 7,37-39). Việc trao ban Thánh Thần được biểu thị hữu hình khi Chúa Giêsu nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Thánh Phaolô nói Thánh Thần được trao ban từ cuộc phục sinh của Ðức Kitô trở thành sinh lực cho ta, biến ta thành con cái Chúa và là bảo chứng cho việc chúng ta sống lại mai sau.
Thời của Hội thánh. Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt. Người đã nói qua các ngôn sứ, qua việc chuẩn bị và hiện thực hoá mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô trong tâm hồn mọi người và trong lịch sử nhân loại. Người giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ sứ vụ của Giáo hội, đặc biệt sứ vụ truyền giáo (MR 21). Người chuẩn bị cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội qua việc gieo vãi và phát triển những ân huệ nơi tất cả mọi dân tộc, nơi nền văn hoá và tôn giáo của họ. Chính Thánh Thần là Ðấng gieo vãi những hạt giống của Lời (sermences du Verbe) đang hiện diện nơi họ và chuẩn bị cho sự chín mùi của họ nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhiệm vụ này được thực hiện đầy đủ khi mọi người được hoàn toàn trở thành những tạo vật mới nơi hình ảnh của Thiên Chúa, mà qua đó họ đã được tiền định từ ban đầu. Vì thế, chỉ có một sứ vụ cứu độ từ Chúa Cha đến với nhân loại, thông qua Ðức Giêsu Kitô, Người Con Một, Ngôi lời nhập thể, và Chúa Thánh Thần (RM 36). Ðặc biệt, sách Công vụ đề cập đến hoạt động của Thánh Thần, xuất hiện như Ðấng linh hứng của Lời, Ðấng thổi sinh khí cho đời sống Giáo hội, Ðấng hướng dẫn sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.
THÁNH THẦN VÀ HOA TRÁI THẦN KHÍ
1. Thánh Thần như ân huệ (Spiritus Sanctus ut Donum)
Trong lòng Ba Ngôi, Thánh Thần là Tình yêu trao ban giữa Cha và Con. Tình yêu trao ban ấy tràn trào trên vũ trụ và nhân loại. Ðặc biệt, Thánh Thần là ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Hội thánh qua Ðức Kitô chết và sống lại. Thánh Thần tuôn tràn trên Hội thánh nhiều dạng hồng ân khác nhau nhằm xây dựng Hội thánh và cộng đoàn. Thần học thường nói tới bảy ân huệ của Chúa Thánh Thần. Thần học về bảy ân huệ dựa trên đoạn văn Is 11,1-2. Ngôn sứ nói đến vị vua lý tưởng thuộc dòng Ðavít, được Thần khí trang điểm với các nhân đức lỗi lạc vượt xa các tiền bối. Theo nguyên bản Hipri, có 6 đức tính ghép từng đôi một: Thần khí khôn ngoan và thông hiểu (Esprit de sagesse et dintelligence); Thần khí định liệu và mạnh bao (Esprit de conseil et de force); Thần khí nhận biết và kính sợ Giavê (Esprit de science et de crainte de Yahvé). Không hiểu vì lý do gì mà đức tính chót (kính sợ Giavê) lại được lặp lại ở câu 3 tiếp theo (Ngài được đầy tràn Thần khí kính sợ). Có lẽ vì muốn tránh sự trùng hợp lặp lại, nên bản dich Septante và Vulgata đã đổi kính sợ Chúa ở câu 2 ra là hiếu thảo (eusebia, pietas). Từ đó có thể đếm được 7: Khôn ngoan (sapientia) giúp ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực; Thông hiểu (intellectus) ban cho ta hiểu biết sâu xa các chân lý đức tin; Nhận biết (Scientia) giúp phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin; Ðịnh liệu (consilium) cho ta biết chọn lựa con đường nào hợp ý Chúa và ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn; Hiếu thảo (pietas) ban cho ta lòng tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con một Cha; Mạnh bạo (fortitudo) giúp vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ bằng sức mạnh Chúa ban; Kính sợ Chúa (Timor dei) để biết tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính yêu mến Chúa.
Thánh Tôma đã trình bày cách hệ thống vai trò của 7 ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống của Kitô hữu. Theo Tôma, con người khao khát tìm kiếm hanh phúc. Hanh phúc thật là Thiên Chúa vì chỉ có nơi Chúa, con người mới tìm thoả mãn tất cả mọi khát khao về hiểu biết và ước muốn. Làm thế nào để đạt hạnh phúc ấy? Bằng hai cách: sự cố gắng của con người qua việc thực hành các nhân đức, đàng khác nhờ vào chính Thiên Chúa. Thực vậy Chúa đến giúp đỡ chúng ta bằng lời chỉ giáo của Người (Tôma gọi là Luật Chúa) và bằng ân sủng (Tôma nhấn mạnh luật mới = luật Tân ước hệ tại ơn thánh của Chúa Thánh Thần ghi khắc trong tâm khảm con người. Trong bối cảnh đó mà Tôma trình bày 7 ân huệ Chúa Thánh Thần. 7 ân huệ ấy được ban cho ta để kiện cường 7 nhân đức trụ, cốt điều khiển tất cả các hành vi: 3 nhân đức đối thần (tin-cậy- mến), 4 nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm. Tương ứng với đức tin là hai ơn thông hiểu và nhận biết; với đức cậy là ơn kính sợ; với đức mến là ơn khôn ngoan, với đức khôn ngoan là ơn định liệu, với đức công bằng là ơn hiếu thảo, với tiết độ là ơn kính sợ, với đức can đảm là ơn mạnh bạo.
2. Hoa trái Thần Khí (Gl 5)
Thư Galát và Rôma rất giống nhau về giáo thuyết. Thư Rôma quảng diễn với những luận cứ sâu sắc những đạo lý mà Phaolô đã trình bày trong thư Galát: Luật không có khả năng ban ơn công chính hoá. Luật không còn giá trị khi Chúa Kitô đến. Ngài chết để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ luật. Mọi người tội lỗi được công chính hoá không phải do việc tuân giữ luật, nhưng nhờ đức tin vào Ðức Kitô chết và sống lại. Vì thế, Kitô hữu nổ lực sống đời sống mới bằng sự thánh thiện và bác ái trong niềm hy vọng chờ đợi ngày Chúa quang lâm.
Thư Galát nhấn mạnh hơn vai trò của luật là nhà sư phạm (Gl 3,23-26). Ðặc biệt, trong thơ Galát, thánh Phaolô minh định thế giá tông đồ của mình (Gl 1-2; 6,17). Thánh nhân minh chứng ngài là tông đồ như các tông đồ, vì được Chúa Giêsu phục sinh chọn gọi và trực tiếp mạc khải. Thơ Galát còn cho ta biết nhiều về con người và hoạt động của Phaolô. Do đó, ta thường dùng thơ Galát so sánh với Công vụ để tìm hiểu về thân thế và hoạt động truyền giáo của thánh nhân.
Mở đầu chương 4 thư Galát, Phaolô đề cập đến sự tự do đích thực của Kitô hữu. Ngài khẳng định bao lâu còn sống dưới lề luật, con người không thể có tự do; chỉ khi nào biết đặt mình dưới luật của Thánh Thần, ta mới có thể đạt tới tự do đích thực và trổ sinh hoa trái Thần Khí đối nghịch với những hành động của xác thịt.
Sau đó Phaolô liệt kê 14 hành động xấu mà Phaolô gọi là hành động do xác thịt làm băng hoại con người, đó là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ say sưa” (Gl 5,19-21). Ðối lại với những hành động theo xác thịt này, Phaolô trân trọng nêu lên 9 thái độ tích cực mà ngài gọi là hoa trái của Thần Khí, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23)
Theo Phaolô, các hành động tích cực kể trên không do khả năng con người đắc thủ. Ngài dùng từ hoa trái để ám chỉ đó là ân huệ, nghĩa là cái gì thật đáng yêu, quyến rũ, tốt đẹp, tự phát, tươi vui và ngọt ngào như trái trăng thơm ngon trổ sinh từ “Thánh Thần”. Ta sống và thực hiện nhưng chính Thánh Thần làm phát sinh hoa trái. Ngài dùng ở số ít (dù là 9 hành vi) như muốn cho thấy sự thống nhất của đời sống mới ngược với cuộc sống phân rẽ theo xác thịt và theo tinh thần thế gian. Do đó, từ hoa trái diễn tả sự phong phú của các ân huệ Thánh Thần. Những thực tại sống động kia được Thánh Thần đặt nơi mỗi người, không riêng cho ai, để điều hành cuộc sống mới do Ðức Kitô chết và phục sinh đem lại. Ðó chính là nền luân lý Kitô giáo đích thực hoàn toàn đối nghịch với nền luân lý giới hạn và mang tính áp đặt. Phaolô gọi dó là nền Luân lý Tân ước, Luân lý Tin Mừng, Luân lý Thánh Thần.
Nói đến luân lý, thường người ta nghĩ ngay đến việc được phép làm điều này điều nọ và cấm không được làm thế này khác (không được vì dó là tội). Ðó chỉ là mức độ sơ đẳng và tự nhiên của luân lý. Cao hơn là một luân lý bổn phận (E. Kant): đáp ứng quyền lợi, đòi hỏi chính đáng của kẻ khác; bổn phận và trách nhiệm xây dựng xã hội; tôn trọng quyền lợi tha nhân…. Ở đây, Phaolô trình bày một luân lý cao hơn, đẹp hơn nhiều vì nói đến cái tốt, cái đẹp, cái tươi mát, đem lại hạnh phúc, tạo nên cuộc sống tươi vui hy vọng và phong phú. Ðó chính là nền luân lý Tin Mừng, luân lý của Thánh Thần, không chỉ nhằm xây dựng một xã hội trật tự, công bằng, mà nhất là tạo dựng một xã hội tươi vui, yêu thương và huynh đệ mà Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II gọi là một nền văn minh tình thương.
Kitô hữu trổ sinh Hoa Trái Thần Khí bằng ba cách thế theo lối diễn tả Thánh Kinh:
– con tim, nghĩa là bằng những tình cảm sâu đậm nhất của tâm hồn;
– miệng lưỡi, nghĩa là bằng đối thoại lắng nghe;
– đôi tay, nghĩa là bằng hành động.
Như thế, ta có thể chia hoa trái Thần Khí thành ba phạm trù:
– Hành động con tim: yêu thương, hoan lạc và an bình.
– Hành động miệng lưỡi: nhẫn nhục, nhân hậu và hiền hoà.
– Hành động đôi tay: tốt lành, trung tín, tự chủ.
Tất cả đều tạo nên vẻ đẹp và duyên dáng cho đời sống Kitô hữu theo bát phúc, sự phong phú sung mãn của một cuộc sống theo Tin Mừng.
1. Tình yêu
Tình yêu được xếp đầu trong bảng hoa trái Thần Khí. Ta có thể tìm một ví dụ cụ thể về tình yêu trong Lc 7,11-17 (Ðức Giêsu hồi sinh con trai bà goá Naim) hay câu chuyện người Samaritanô. Tinh yêu gợi lên biết bao ý nghĩa xuyên suốt các Tin Mừng. Ở đây, chỉ cần dừng lại nơi hai ý chính trong mạch văn thơ Galát:
– Tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trong tâm hồn chúng ta. Ðây chính là thái độ tóm kết toàn bộ luân lý Tin Mừng. Trong Gl 5,14 Phaolô đã khẳng định: “Tất cả Lề luật được nên trọn lành trong điều răn duy nhất này là ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình“.
– Một nghĩa khác tổng quát hơn, đó là sự chân tình, lòng cảm mến, lòng tốt. Ðây là một thái độ nội tâm đi trước mọi tư tưởng, lời nói, hành động hướng về điều thiện, là thái độ cơ bản và tiên quyết cho việc mở rộng tâm hồn đón nhận luân lý mới của Tin Mừng. Ta lược qua đoạn Tin Mừng Luca về việc hồi sinh cho con trai bà goá Naim để thấy rõ hơn. Trong sự kiện này, ta dễ nhận ra 3 thái độ: trên đôi tay, trên miệng và trong con tim.
Từ sự chạnh thương của con tim (trong Kinh Thánh, từ chạnh lòng thường dùng cho Thiên Chúa) dẫn tới lời an ủi vỗ về và sau cùng đưa tới hành động. Tình yêu hay lòng chân thành của con tim khơi mào cho mọi hành động kế tiếp. Tình yêu chính là sự chân tình, lòng thương cảm, con tim rộng mở. Ðó chính là khả năng hiểu được nỗi đau, niềm vui của người khác. Rm 12,9-10.15 nói đến sự chạnh thương bằng: “Vui với người vui, khóc với kẻ khóc“, nghĩa là đi vào được trong các tâm tình của anh em.
Tiếng sympathie (sumpàscho) có nghĩa là hoà đồng với. Sự chân tình, lòng cảm mến tạo nên ý muốn trao dâng và hiệp thông với kẻ khác trước khi làm cho họ điều tốt lành. Ngược lại với tình yêu chân tình là sự độc ác của con tim, tâm hồn hẹp hòi đưa tới ích kỷ, hưởng thụ, kiêu căng và dửng dưng trước mọi hoàn cảnh của người khác (người giàu có và Lazarô nghèo khổ).
Hãy biến mình thành tình yêu để tình yêu ấy chan hoà khắp nơi và cho mọi người. Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Tình yêu là căn tính và lý do hiện hữu của con người: con người được dựng nên vì và cho tình yêu. Ðó vừa là dấu chỉ của người môn đệ Ðức Kitô vừa là mệnh lệnh: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau“; “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con“. Ðó cũng là tiêu chuẩn của phán xét chung (Mt 25).
2. Sự tốt lành
Nếu tình yêu là hành động của con tim làm nền tảng cho mọi hành vi thiện hảo, thì sự tốt lành là hành vi thuộc đôi tay, cũng gọi là sự tốt lành hành động.
Tốt lành là gì? Sự tốt lành dịch từ Hy ngữ agatosùne, có nghĩa là một hành động tốt phát sinh hiệu quả tốt nơi người khác. Ðể hiểu hành động này tốt lành này, ta có thể đọc lại Cv 9,36t: Tabitha, một phụ nữ “tốt lành” không những bằng những lời lẽ tốt đẹp mà nhất là bằng “đôi tay”, tức bằng hành động để giúp đỡ và phục vụ người khác. Trong diễn từ tại nhà Corneille, Phêrô nhấn mạnh đến Ðức Giêsu, Ðấng là sự tốt lành khi nói: “Ði tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài” (Cv 10,38). Ðức Giêsu bày tỏ sự tốt lành qua việc chữa lành – vừa biểu thị sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa, vừa bày tỏ Ngài là Ðấng Messia mà các Ngôn sứ đã từng loan báo. Cảm động nhất là câu chuyện chữa người câm điếc do Marcô thuật lại (Mc 7,36-37), hoặc Ðức Giêsu chữa người mù bẩm sinh trong Tin mừng Gioan.
Sự tốt lành có khả năng biến đổi người khác, tạo cho họ niềm vui, hy vọng và khát khao xây dựng lại cuộc đời. Như thế, sự tốt lành là hoa trái Thần Khí làm nảy sinh trong tâm hồn agapè, tức tình yêu, lòng thương cảm; cũng chính sự tốt lành thúc đẩy ý chí thực hành điều tốt cho mọi người.
Sự tốt lành xuất phát từ Thiên Chúa là Ðấng tốt lành: “Sao nói Tôi nhân lành? Chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc l8,18-19). Chúa tốt lành nên Người đã tạo thành vũ trụ nhân loại, và mọi sự Người dựng nên đều tốt lành (St 1). Vì sự tốt lành là hoa trái của Thần Khí, chứ không do nỗ lực con người thủ đắc, nên có được là do khiêm tốn cầu xin và biết hết lòng tri ân.
Sự tốt lành còn là biểu lộ niềm vui trong tâm hồn.
Có thể nói niềm vui là nguồn của lòng tốt lành. Ông Booz bày tỏ sự tốt lành khi kết hôn với bà Ruth. Trước khi kết hôn, Sách Rút 3,7 viết: “Lòng ông Booz vui tươi hớn hở“. Huấn ca 30,22 viết: “Tâm hồn sướng vui thì con người giàu sức sống“. Sự tốt lành còn bộc lộ niềm vui khi biết trao ban: “Cho thì vui hơn là nhận” (Cv 20,35).
Trong thơ gởi giáo đoàn Êphêsô, khi nói đến đời sống mới trong Ðức Kitô, thánh Phaolô nhắc lại sự tốt lành xuất phát từ ánh sáng của chân lý Tin Mừng: “Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là tốt lành, công chính và chân thật” (Ep 5,9). Như thế, lòng tốt lành Tin Mừng cảm hứng từ sự tốt lành cứu độ của Ðức Kitô, một tốt lành không ngừng giải thoát, thi ân và sáng tạo. Sự tốt lành theo Tin Mừng khao khát làm cho kẻ khác điều mình ước ao cho bản thân, và như thế là đã làm trọn lề luật: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn Lề luật Ðức Kitô” (Gl 6,2). Sự tốt lành hướng về tha nhân để mong và làm điều thiện hảo cho anh em theo tinh thần của 1 Cr 13,4-7; nhưng hoàn toàn khác với tình nhu nhược mặc ai muốn làm gì thì làm, vô tư chẳng cần lưu tâm, vì lòng tốt lành luôn tôn trọng và thăng tiến nhân phẩm. Lòng tốt lành xây dựng con người và cuộc sống cho mình và cho mọi người. Ðó chính là tình yêu, là Chúa yêu tôi và đến lượt mình, tôi bày tỏ cho kẻ khác: “Hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em” (Ga 13,34). Yêu cả những kẻ thù ghét mình (Mt 5,44-48). Và như thế, ta mới thật sự nên “trọn lành như cha trên trời là Ðấng trọn lành” (Lc 6,36).
Nghịch với lòng tốt lành là tâm hồn xấu xa, độc ác, chuyện tạo sự xấu cho anh em. Tâm hồn độc ác phá hủy đời sống; đó cũng là chính hành động của ma quỷ nhằm tiêu diệt thế giới, lịch sử, nhân loại. Nhân loại luôn có nguy cơ bị ma quỷ và bè lũ phá hủy và tiêu diệt, nhưng cũng không ngừng được giải thoát và cứu độ bởi Thiên Chúa tốt lành và những ai thuộc về Người.
3. Tiết độ và tự chủ
Ðây không phải là những nhân đức nền tảng như những nhân đức mà chúng ta vừa trình bày trên: lòng yêu thương, sự chân tình, lòng thương cảm, sự tốt lành. Nhưng là những yếu tố hết sức quan trọng cho đời sống bản thân và xã hội.
Tiết độ, Hy ngữ là epieikeia, xuất hiện 7 lần trong Tân ước, thường trong những khuyến dụ luân lý. Epieikeia có nghĩa gì? Trong thơ gởi tín hữu Êphêsô 4,4-5, epieikeia được dịch là điều hoà (modération) hay là nhã nhặn (affabilité). Trong thơ thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô (2 Cr 10,1), nó có nghĩa là sự hiền hoà (douceur). Trong Công vụ (Cv 24,3-4), nó có nghĩa là lòng khoan hậu (clémence). Dựa vào những ý nghĩa trên, ta có thể hiểu epieikeia là lòng tôn trọng đối với kẻ khác của những ai có chút quyền hành. Hiểu và thực hiện điều ấy, chắc chắn xã hội sẽ hạnh phúc hơn: ngược lại xã hội sẽ đầy dẫy những bất công và tranh chấp. Ðiều này cũng được áp dụng trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, trong học đường giữa thầy trò, trong Giáo hội giữa Chủ Chăn và đoàn chiên, giữa giám mục và linh mục…
Epieikeia là sự tôn trọng, nhã nhặn, điều hoà, mềm mỏng, quân bình trong việc áp dụng luật lệ và nguyên tắc. Ðó là khả năng biết trước những trường hợp ngoại lệ thích hợp. Ðó cũng là sự chiếu cố đối với kẻ dưới người gặp hoàn cảnh khó khăn… Ðức Giêsu là mẫu gương lý tưởng cho chúng ta trong việc thực thi epieikeia: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, là không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng dã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân, sống như người phàm. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết là cái chết trên thập giá…” (Pl 2,6-8).
Sự tự chủ giúp kiềm chế các tình cảm cá nhân, đẩy lui bản năng dùng uy quyền, từ chối mọi tìm kiếm tư lợi, tránh xa mọi lợi dụng áp đặt trên kẻ bề dưới, kẻ yếu đuối, nghèo hèn… Sự tự chủ giúp xa lánh tinh thần tự tôn, bạo lực trong mọi tương giao, kể cả bạo lực luân lý. Sự tự chủ giúp lánh xa mọi lạm dụng làm giảm nhẹ nhân phẩm người khác. Ðó quả là một nhân đức xã hội nền tảng. Ðức Giêsu là mẫu mực cho sự tự chủ khi Ngài chỉ biết tìm và ban hạnh phúc cho người khác. Thánh Phaolô viết trong thơ Galát: “Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gl 5,23). Thánh Phêrô viết trong 1 Pr 3,8-10: “Anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn… Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa“.
4. Lòng nhân hậu – hiền hoà – nhẫn nại
Lòng nhân hậu (chrèstotès: bienveillance, amabilité) trước hết là cách cư xử của Chúa đối vớt con người như Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35). Ðức Giêsu đã từng phá đổ những rào cản của các truyền thống Do thái để đồng bàn với những người thu thuế, đi tìm và gặp gỡ những người tội lỗi… Lòng nhân hậu đặt người khác trong sự thoải mái nhẹ nhàng, dù họ đang trong tình trạng bối rối; lòng nhân hậu bày tỏ sự tôn trọng, quan tâm và cởi mở đối với người khác, làm cho họ thấy mình có giá trị và từ đó hy vọng trào dâng để làm lại cuộc đời. Nhân hậu còn là sự ân cần vồn vã với người khác. Ta hiểu rõ điều này khi đọc lại câu chuyện thăm viếng (Lc 1,39-45). Lòng nhân hậu quả là một nghệ thuật đón tiếp, gặp gỡ, trao đổi… làm kẻ khác cảm thấy dễ chịu, vui tươi và sẵn lòng cộng tác (x. Rm 12,10).
Sự hiền hoà (prautes). Nhiều khi người ta hiểu lầm sự hiền hoà với yếu đuối, ngây ngô. Không! Ðây là một đức tính anh hùng mà Ðức Giêsu đã từng dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Hiền lành là điều được Ðức Giêsu chúc phúc: “Phúc cho ai hiền lành” (Mt 5,5). Ngươi hiền lành đồng hoá với người nghèo (anawim). Sự hiền hoà làm dịu nóng giận mà Giacôbê từng khuyên trong Gc 1,19-21.
Nhẫn nại (makrothumos: longanimité). Ðâu là nhân đức giúp ta sống niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nếu không phải sự nhẫn nại. Nó liên kết với sự nhã nhặn và hiền hoà để là ai thành bộ ba quan trọng cho cuộc sống trong tương quan xã hội. Trước hết, ta đọc lại bài dụ ngôn Ðức Giêsu kể trong Lc 13,6-9 nói về sự nhẫn nại. Sau đó, ta cũng thấy Sách Khôn ngoan 15, 1-2 khẳng định nhẫn nại là một thái độ thần linh. Thiên Chúa không hề nôn nóng. Người luôn nhẫn nại chờ đợi. Nhiều dụ ngôn Tin Mừng cho biết Thiên Chúa luôn nhẫn lại chờ đợi người tội lỗi hối cải để ban ơn tha thứ. Nhẫn nại là đức tính của người tông đồ, nhà giảng thuyết, mục tử không hề được nản lòng, dù trước những thất bại trước mắt, nhưng có can đảm chờ đợi để khoảng cách và thời gian Chúa Thánh Thần hoạt động!
5. Vui mừng và bình an
Nếu trong Cựu ước vang lên những tâm tình vui mừng qua các thánh thi, thánh vịnh, thánh ca, những tâm tình chúc tụng, tạ ơn, thờ phượng; thì niềm vui càng phở lở biết mấy trong Tân ước như trong diễn từ biệt ly, Ðức Giêsu đã từng nói với các môn đệ về niềm vui (Ga 15,11; 16,22-24). Vui mừng (chara) xuất hiện 59 lần trong Tân ước. Các bản văn Luca, Gioan và Phaolô đặc biệt tràn đầy niềm vui; chẳng hạn Pl 4,4-7. Heinrich Schlier gọi niềm vui là sự oà vỡ của niềm hy vọng.
Thiên Chúa yêu thích kẻ cho với niềm vui (2 Cr 9,7) vì đó là cách cho tốt nhất. Ðức Phaolô VI nói trong Thiên Chúa, tất cả đều là niềm vui vì tất cả là ân ban. Niềm vui gắn liền với ân huệ: vui khi cho và vui được đón nhận.
Niềm vui còn là dấu hiệu Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn, và trong cộng đoàn. Sứ mệnh và mọi hoạt động của Ðức Kitô nhằm kiến tạo và đem lại cho ta niềm vui, sự hoan lạc sung mãn trong Nước Trời mà ngay từ bây giờ bắt đầu. Trong ý nghĩa đó, niềm vui là đặc tính của Nước Thiên Chúa.
Ðối lại với niềm vui là sự buồn chán làm mọi cái nên nặng nề. Buồn chán còn là tên gọi của sự trầm uất, một căn bệnh thời đại do bất mãn, bi quan về cuộc đời và định mệnh…
Bình an là tổng hợp mọi điều thiện hảo như Kinh Thánh thường hiểu. Ta có thể đọc lại ba bản văn đặc biệt đề cập đến sự bình an: Pl 4,7; Cl 3,14-15; 2 Cr 13,11. Trước khi nói về sự bình an, Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl 4,6).
Thật vậy, nghịch lại với bình an không phải chỉ là chiến tranh cho bằng sự lo âu, băn khoăn, lo lắng? Vì thế, bình an trước hết là yếu tố giúp ta thoát khỏi lo âu; và đó là một ân huệ do Chúa thương ban. Bình an còn là cảm giác “như ở nhà”, nghĩa là cảm thấy thân thiện thoải mái trong bầu khí gia đình. Gia đình đây là nhà Chúa, là sự an nghỉ trong Chúa như thánh Augustin từng thốt lên: “hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa“. Bình an còn là kết quả của một tâm hồn trong sáng, tin tưởng phó thác, biết từ bỏ.
Sau cùng, hạnh phúc cho ai biết kiến tạo hoà bình (Mt 5,9). Người kiến tạo hoà bình cần biết đơn giản hoá vấn đề; biết khoanh tròn vấn đề, hạn chế và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp.
Kết luận
Sau một vòng rảo qua vườn cây Thánh Thần để tham quan và chiêm ngắm các hoa trái của Người. Ðáng khâm phục biết bao kiệt tác vĩ đại của Người, đó là xây dựng con người mới, con người theo Tin Mừng. Những hoa trái của vườn cây Thánh Thần ấy đều tóm gồm trong tình yêu, nghĩa là mối tương quan đích thực và tốt đẹp giữa Thiên Chúa với con cái của Người. Từ tình yêu, trổ sinh muôn nghìn trái trăng: hoan lạc, an bình, tươi vui, hiền hoà, khiêm tốn, nhẫn nhục, tự chủ, từ tâm… Tất cả đều phát sinh từ mối tương quan tốt dẹp và thánh thiện mà ta có với Thiên Chúa và với tha nhân. Ðiều này làm nhớ lại lời thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Côlôsê: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liến kết thiện hảo” (Cl 3,14). Hoa trái thì vô vàn, nhưng chung quy chỉ là một: Tình yêu. Yêu thương là hoan lạc, là an bình, là từ tâm, là dễ thương, là khiêm tốn, nhã nhặn, ôn hoà… (x. 1 Cr 13). Do đó cần mở rộng con tim và cõi lòng cho ân huệ Thánh Thần, Ðấng là Tình yêu.
————————————————————
Thư mục:
M. Quesnel, Les épitres aux Corinthiens, CE 22, 1977
E. Cothenet, L’épitre aux Galates, CE 34, 1980J. Murphy OConnor, L’existence chrétienne selon Saint Paul, Cerf, 1984