Bài 6:
GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAOLÔ
Hôm nay chúng ta đọc các Thư của Thánh Phaolô để ghi nhận những lời giáo huấn của ngài về các bí tích.
Lm. F.X. Nguyễn Chí Cần
Trong bảy bí tích, bí tích xức dầu bệnh nhân không được thánh Phaolô đề cập đến, bí tích thống hối tha các tội còn kín hầu chắc cũng thế. Ngược lại ngài đề cập nhiều đến bí tích thanh tẩy và bí tích thêm sức. Giáo huấn của ngài về bí tích Thánh Thể đầy đủ hơn các tác giả Tin Mừng. Các khẳng định của ngài về bí tích truyền chức và hôn phối cho phép kết luận ngài coi chúng như những dấu chỉ linh thánh ban ơn thánh, nhưng người ta không thể quả quyết ngài coi chúng được Ðức Giêsu Kitô thiết lập.
I. BÍ TÍCH THANH TẨY
1. Nghi thức thanh tẩy bằng dìm trong nước là thực hành thông thường của Giáo hội sơ khai. Ta có thể xem xét nó dưới bốn khía cạnh biểu trưng: như là tắm linh thiêng, biểu tượng của sự thanh tẩy nội tâm; như là trở về với ánh sáng, biểu tượng của sự soi sáng thiêng liêng; như là chôn cất huyền nhiệm, biểu tượng chết cho con người cũ và kết hiệp với cái chết của Ðức Kitô; như là phục sinh huyền nhiệm, biểu tượng của tái sinh và đời sống mới.
Trong số bốn khía cạnh nêu trên, khía cạnh thứ nhất được mọi người công nhận. Khía cạnh thứ hai được đặc biệt đề cao từ thế kỷ thứ hai; từ thánh Giustinô, soi sáng trở thành đồng nghĩa với thanh tẩy. Tuy nhiên, ánh sáng là đề tài rất quen thuộc của thánh Phaolô. Các kitô hữu có “những cặp mắt con tim được soi sáng” (Ep 1,18); họ là “con cái ánh sáng, con cái ban ngày” (1 Tx 5,5). Hơn nữa, ánh sáng thấm nhập họ ngày chịu thanh tẩy biến đổi họ thành lò ánh sáng; họ phản chiếu ánh sáng và phân tán ánh sáng như thuỷ tinh sáng rực và toả sáng khi được tia mặt trời chiếu vào: họ sáng chói như “những vầng sáng đặt giữa thế gian” (Pl 2,15), họ là “ánh sáng trong Chúa” (Ep 5,8). Phaolô cũng biết phép thanh tẩy là “tắm tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5): mọi tín hữu đã được “tẩy rửa, thánh hoá và nên công chính” (1 Cr 6,11); Ðức Giêsu Kitô muốn chuẩn bị cho mình một hiền thê hoàn hảo và xứng đáng với Người, nên đã thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5, 26). Hẳn nhiên, đây không phải là thanh tẩy vật chất: nước thanh tẩy có hiệu năng là nhờ lời toàn năng nâng nó lên hàng nghi thức bí tích. Tuy nhiên, không phải sự thanh tẩy linh hồn bằng việc tha tội, không phải sự soi sáng trí khôn bằng đức tin mà Phaolô muốn làm nổi bật khi nói về phép thanh tẩy nhưng chính cái chết và phục sinh huyền nhiệm được hình dung và phát sinh bởi bí tích.
2. Việc tái sinh con người có điều kiện thiết yếu là chết trước đã. Ðức Giêsu Kitô chỉ là đấng cứu độ khi Người chết trên thập giá và Người chỉ cứu chúng ta khi cho chúng ta tham dự vào cái chết của Người. Ðiều này được hiện thực nơi mỗi người chúng ta khi chịu phép thanh tẩy:
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Ðức Kitô, nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Kitô, như vậy con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6,3-7).
Ðoạn văn này cô đọng xuất sắc trong vài dòng những hiệu quả tức thời của phép thanh tẩy, những ơn ích mà nó đảm bảo cho chúng ta trong tương lai, những bổn phận nó đòi buộc chúng ta trong hiện tại. Chúng ta chỉ bàn ở đây những hoa quả trực tiếp của phép thanh tẩy. Ðược thanh tẩy trong cái chết của Ðức Kitô chính là được thanh tẩy trong Ðức Kitô đang chết, chính là được nhập hiệp vào Ðức Kitô trong chính hành vi nhờ đó Người cứu độ chúng ta, chính là chết cách huyền nhiệm với đấng đã chịu chết nhân danh và vì lợi ích của tất cả. Cái chết huyền nhiệm này là một thực tại, vì những hiệu quả rất là có thực: chết cho tội lỗi, chết cho con người cũ, chết cho Lề Luật.
Chết cho tội lỗi là lột bỏ vết nhơ của tội; nhưng đồng thời cũng được giải thoát khỏi ách bạo ngược của tội và có sức chống cự với các tấn công sau này của nó. Không có giới hạn hay miễn trừ: tội nguyên tổ, tội hiện mắc, tất cả những gì gọi là tội theo đúng nghĩa đều tan biến trong phép thanh tẩy, vì “những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1). Hôm qua họ có thể là người thờ ngẫu tượng, dâm dật, trộm cắp, vu khống, nói phạm thượng, giờ đây họ “được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 6,11).
Chết cho con người cũ là một hệ quả của chết cho tội. Khi chúng ta được thanh tẩy trong cái chết của Ðức Kitô “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Người” (Rm 6,6). Con người cũ chỉ tất cả những gì chúng ta có chung với Ađam thứ nhất, tất cả những gì, trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta nhận lãnh từ ông, như là thủ lãnh tôn giáo của nhân loại. Tất cả điều đó đã tiêu vong do việc chúng ta kết hiệp với Ađam thứ hai. Hiển nhiên là chết cho con người cũ có tính tiệm tiến vì hướng chiều về đàng trái vẫn còn tồn tại trong con người được tái sinh, nhưng con người cũ đã nhận một cú chí tử; với thuốc giải độc là ơn thánh, sự hướng chiều về tội, được gọi ở đây là “thân xác tội lỗi” bị làm ra vô năng và vô hiệu.
Phép thanh tẩy kitô giáo cũng là chết cho Luật Môisen. “Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá.Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20) – “Thưa anh em, anh em cũng thế. Anh em đã chết đối với Luật Môisen, nhờ thân thể của Ðức Kitô. Giờ đây chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta” (Rm 7, 4. 6).
Mặt khác thánh Phaolô luôn luôn nêu lên mối dây liên kết giữa cái chết thiêng liêng và sự phục sinh thiêng liêng. Thật vậy, không thể chết cho tội lỗi mà không bắt đầu sống trong ơn thánh: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. Nếu chúng ta đã nên một với Ðức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,8; 6,5). Sự sống mới của chúng ta có thể không tỏ lộ, nhưng chắc chắn có thực, vì nó là kết quả tất nhiên của cái chết của chúng ta: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Làm sao có thể khác được khi phép thanh tẩy là nấm mồ chôn con người cũ, nhưng cũng là cái nôi của con người mới ?
Gần như tất cả các hiệu quả của phép thanh tẩy như là nguyên lý của một đời sống mới được tóm tắt rất hay trong đoạn văn sau: “Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Ðức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,5-7).
Tất cả những hiệu quả mà chúng ta vừa gán cho phép rửa, – công chính, sự sống, ơn cứu độ, nghĩa tử, sở hữu Thánh Thần, – thánh Phaolô cũng gán cho đức tin. Vì đâu mà có sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và phép rửa ? Trước hết là sự đồng thời. Hầu hết những người nhận thư của Phaolô đã lãnh nhận phép rửa cùng lúc với ơn huệ đức tin: hai kỷ niệm này hoà nhập trong ký ức của họ. Việc giáo huấn các dự tòng lúc đó khá giản lược: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16), Chúa đã nói như thế khi lên trời, như thể hai hành vi xảy ra đồng thời. Thực thế, ba ngàn người do Phêrô hoán cải vào ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, được rửa trong chính ngày đó (Cv 2,41). Viên hoạn quan của nữ hoàng Candace bước xuống xe để chịu phép rửa từ tay phó tế Philippe vừa dạy giáo lý cho ông (Cv 8,38); người cai ngục nơi giam giữ Phaolô được rửa cùng với toàn thể gia đình ngay trong đêm ông đón nhận đức tin (Cv 16,33); mười hai đồ đệ ở Êphêsô chỉ mới chịu phép rửa của Gioan, tin vào Ðức Giêsu và chịu phép rửa (Cv 19,5). Lời tổng kết các hoạt động của vị Tông đồ tại Côrintô cho biết nhiều người ở Côrintô đã nghe Phaolô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa (Cv 18,8). Vậy không có ly cách giữa đức tin và phép rửa.
Hơn nữa, đối với Phaolô, đức tin cụ thể, đức tin công chính hoá không phải đơn thuần là sự ưng thuận của lý trí với một chân lý trừu tượng; nhưng đó là tiếng amen của lý trí, của ý chí, của toàn diện con người, đối với Tin Mừng, nghĩa là kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa là tác giả và Ðức Giêsu Kitô là người thực hiện. Ðức tin khởi đầu này, mà Phaolô quan tâm hơn cả, vì đó là đối với chính ngài cũng như đối với các độc giả đầu tiên, điểm quyết định của đời sống mình, và là khoảnh khắc hệ trọng của số phận mình, vậy nhất thiệt bao gồm, cùng với sự hâng hiến chính mình cho Thiên Chúa, ước muốn tiềm tàng lãnh nhận phép rửa. Không những người lớn không thể chịu phép rửa mà không có đức tin, bởi vì phép rửa đòi hỏi lòng thống hối và sự trở về với Thiên Chúa, nhưng đức tin chân thành và công chính hoá cũng không thể có được nếu không có ước muốn chịu phép rửa. Chính vì thế việc tái sinh thiêng liêng của chúng ta khi thì đựơc gán cho đức tin khi thì được gán cho phép rửa, vì hành vi và nghi thức có mối tuỳ thuộc hỗ tương và làm thành nguyên nhân chung: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3,26-27).
II. BÍ TÍCH THÊM SỨC
Việc ban Chúa Thánh Thần bằng việc đặt tay liên kết chặt chẽ với phép rửa đến nỗi cả hai hành vi dường như chỉ là hai thành phần của cùng một nghi thức. Hẳn nhiên, câu hỏi mà thánh Phaolô đưa ra cho các môn đồ ở Êphêsô, mà ngài nghĩ là đã nhận phép rửa kitô giáo, cho thấy rõ hai hành vi này không những phân biệt mà còn có thể tách rời (Cv 19,2). Thật thế, những người Samari đã được phó tế Philípphê ban phép rửa chỉ nhận Thánh Thần sau này, khi các tông đồ đến (Cv 8,17-18). Ðây là trường hợp phép thêm sức được ban tách rời với phép rửa, chỉ do sự vắng mặt của một thừa tác viên hợp pháp, chứ thông thường chúng được ban chung.
Thánh Phaolô luôn giả thiết các kitô hữu nhận Thánh Thần lúc chịu phép rửa, qua việc đặt tay: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Ðức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,12-13). Những lời của Phaolô mô tả sự hình thành thân thể huyền nhiệm: nhờ phép rửa, người tân tòng được ghép vào Ðức Kitô, được dìm vào trong Ðức Kitô, được nhập hiệp với Ðức Kitô; liền sau đó có sự can thiệp của Thánh Thần, linh hồn của Hội Thánh, để ban cho họ một sự sống mới; việc ban Thánh Thần hoàn tất việc nhập hiệp của phép rửa.
III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. Nếu phép rửa khai sinh thân thể huyền nhiệm, thì phép thánh thể nuôi dưỡng và làm nó lớn lên. Thánh Phaolô trình bày cùng một lúc kiểu mẫu trong Cựu ước của hai bí tích này. Ngài nói: “Những người Do thái chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môisen. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Ðức Kitô” (1 Cr 10,2-4). Manna và nước chảy từ tảng đá được gọi là linh thiêng vì chúng là kết quả của một phép lạ và vì chúng là hình bóng của hai yếu tố của phép thánh thể, thức ăn và thức uống của người được tái sinh nhờ phép rửa.
Do một sự cố tình cờ mà ta có được giáo huấn của Phaolô về đề tài phép thánh thể. Ngài đã giảng dạy bằng miệng giáo huấn này cho người Côrintô, cũng như cho mọi dự tòng, và ngài chỉ lặp lại bằng chữ viết vì có những nghi ngờ của những người mới tòng giáo liên quan đến việc ăn của cúng và do những cách xử sự bất kính của họ khi cử hành agape. Vị Tông đồ trước hết cho biết nguồn của những thông tin ngài có, chính là Ðức Giêsu Kitô: “Ðiều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11,23). Khi thuật kể việc lập phép thánh thể, ngài nhấn mạnh đến các hoàn cảnh thời gian – “trong đêm Chúa bị nộp cho các đối thủ”, “sau bữa ăn” từ biệt – hoặc để khắc sâu biến cố vào trí các tân tòng, hoặc đúng hơn để đặt nó trong tương quan trực tiếp với cái chết của Ðức Giêsu Kitô.
Công thức truyền phép bánh không thể rõ hơn nữa. Thật là không chỉ tối nghĩa mà còn không thể hiểu được nếu Chúa nói: “Bánh này là mình Thầy”, vì hoàn toàn không thể xảy ra được việc một sự vật vừa “là” vừa “không là” cùng lúc, và người ta không thể gở hết khó khăn khi nhốt kín mình Ðức Kitô trong tấm bánh thường, vì luôn luôn là sai bánh vật chất là mình thật của Ðức Kitô. Nhưng Ðức Giêsu nói không mập mờ: “Ðây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em” (1 Cr 11, 24). Chủ từ của câu là đại danh từ chỉ định “Ðây”, nghĩa là điều các anh em thấy trước mặt anh em, điều tôi dùng cử chỉ chỉ đến. Ðộng từ “là” diễn tả sự đồng nhất giữa chủ từ và thuộc từ.
Nếu chỉ hiểu riêng mình nó, độc lập với các ám chỉ và hoàn cảnh, công thức truyền phép kia: “Chén này là giao ước mới trong máu Thầy” thật khó hiểu. Ở đây có hai hoán dụ, một lấy cái chứa đựng thay cho vật được chứa đựng, và hai lấy cái hiệu quả thay cho nguyên nhân, giao ước mới ký kết trong máu Ðức Kitô thay cho máu Ðức Kitô ký kết giao ước mới. Tuy nhiên, hoán dụ thứ nhất quá thông dụng nên “chén này” gợi lên tức khắc trong trí ý tưởng thức uống. Hoán dụ thứ hai ít thông dụng hơn; nhưng nó rõ nghĩa khi ta đặt nó trong bối cảnh: chất chứa trong một chén vật chất không thể là giao ước ký kết trong máu, đó phải là máu giao ước. – Ðức Giêsu Kitô hành động cùng một cách trong hai truyền phép: giữa hai hành vi có sự song đối hoàn toàn; vậy nếu, theo các lời bí tích, có một bên là mình Chúa Kitô, thì bên kia cũng phải có máu Chúa Kitô. – Lời ám chỉ minh nhiên đến bài tường thuật Xuất Hành đánh tan mọi nghi ngờ. Ông Môisen rảy trên dân máu của hy tế và nói: “Ðây là máu giao ước”. Vậy Máu giao ước và giao ước trong máu chỉ là một.
Dĩ nhiên, trong cả hai công thức, lời của Con Thiên Chúa có tính sáng tạo. Sự vật được thốt ra không có trước lúc thốt ra, như trong những xác quyết thông thường; lời thốt ra sản sinh sự vật. Nhưng các môn đệ đã quen với những phép lạ xảy ra chỉ do một lời nói của Ðức Giêsu Kitô. Ðấng chữa lành chỉ bằng một câu: “Con ông khoẻ mạnh lại rồi” hoặc “Bà được khỏi bệnh” cũng đáng được tin khi bằng một công thức tương tự Ngài ban mình và máu Ngài như đã hứa.
Thánh Phaolô thêm vào hai lời truyền phép lệnh của Ðức Kitô truyền các tông đồ phải tiếp tục cử hành phép thánh thể cho đến tận thế. Thánh Luca chỉ ghi điều này sau truyền phép bánh và hai thánh sử kia thì không nhắc đến, có lẽ cho rằng không cần thiết vì đã có truyền thống sống động của Giáo Hội.
2. Theo mệnh lệnh của Chúa và lời giải thích vị Tông đồ đưa ra, phép thánh thể là một nghi thức tưởng niệm: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Vì mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới ngày Chúa đến“. Nhưng nghi thức thánh thể không phải là một sự tưởng niệm suông về hy tế thập giá; chính nó là một hy tế tưởng niệm. Thánh Phaolô không nói: “Chén này tưởng niệm giao ước mới ký kết ở Calvariô trong máu Thầy”; Người nói: “Chén này là giao ước”; nói cách khác: “Máu chứa đựng trong chén này đóng ấn giao ước”. Vậy đó là máu của một tế vật; và nghi thức làm đổ máu ấy ra cách huyền nhiệm có tính cách một hy tế. Ðiều này càng rõ hơn trong bản văn song song của Luca: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Thánh Luca không viết: máu sẽ đổ ra vào lúc khổ nạn; ngài viết: “máu đổ ra lúc này, vào lúc thực hiện nghi thức thánh thể; ngài còn nói mạnh hơn rằng chén – nghĩa là máu trong chén – đổ ra cho loài người. Xét riêng một mình, công thức truyền phép bánh không gợi lên ý tưởng hy tế: “Này là mình Thầy vì anh em”. Người ta có thể hiểu:”ban cho anh em làm thức ăn”, thay vì ” hiến tế vì anh em”. Bản văn rõ hơn của Luca cũng không hoàn toàn đánh tan nghi ngờ: “Này là mình Thầy trao ban (hoặc trao nộp) vì anh em”.
Một đoạn văn khác của thánh Phaolô cung cấp một ánh sáng bổ túc. Muốn chứng minh cho người Côrintô hiểu rằng tham dự vào các bữa tiệc cúng thần là chuyện không được phép, dù người ta có ý gì đi nữa, vì đó là một gương xấu, một nguy hiểm và một hành vi minh nhiên thờ ngẫu tượng, thánh Tông đồ kêu gọi đến lương tâm họ: “Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói. Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Anh em hãy coi Israen xét theo huyết thống. Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao ?“. Thánh Phaolô rút ra kết luận như sau: “Vật dân ngoại cúng là cúng cho ma quỷ, chứ không phải là cúng cho Thiên Chúa; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc ma quỷ được“. Như vậy theo lý luận của thánh Phaolô, hiệp thông Thánh Thể đối với kitô hữu cũng giống như ăn thịt cúng đối với dân ngoại và bữa tiệc thánh đối với người Do thái. Thế mà tiệc thánh có một ý nghĩa tôn giáo; nó tạo nên một hành vi thờ phượng vì nó là phần bổ túc của hy tế và nó kết hiệp các tín hữu với vị tư tế làm việc hy tế, với bàn thờ nơi hiến tế lễ vật và với chính lễ vật.
IV. PHÉP TRUYỀN CHỨC
Nghi thức thiết lập các thừa tác viên thánh là việc đặt tay. Tự nó thiếu tính xác định, nghi thức này mang ý nghĩa rõ rệt từ những hoàn cảnh bao quanh nó hay từ những lời đi kèm.Chúng ta thấy trong Thánh Kinh người ta đặt tay: bề trên đặt tay để chúc lành, người thần thông để chữa lành, các tông đồ để ban Thánh Thần, người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội để thông ban quyền lực mà họ có. Ý tưởng chung cho bốn loại là thông ban một ân huệ thiêng liêng, một đặc ân siêu nhiên hoặc một quyền bính linh thánh.
Mọi tín hữu đều tham gia vào việc tuyển chọn bảy trợ tá, nhưng chỉ có các tông đồ đặt tay trên họ. Ý là làm cho họ có khả năng đảm nhận một phận vụ thánh tự bản chất, vì việc cử hành agape còn liên kết chặt chẽ với phép thánh thể. Vì thế người ta đòi hỏi các ứng viên phải đầy tràn Chúa Thánh Thần, việc đặt tay được thực hiện giữa buổi cầu nguyện công cộng; nghi lễ kết thúc, Bảy Vị, ngoài việc phục vụ bàn ăn, còn đảm nhận việc rao giảng và ban phép thanh tẩy, nhưng không được ban Chúa Thánh Thần, vì việc này được dành riêng cho các tông đồ. Việc thiết lập họ đã mang một tính chất tôn giáo và quyền hành của họ mang tính thiêng liêng, dù vẫn ở bậc thấp.
Việc đặt tay cũng được dùng cho hàng giáo sĩ. Khi Phaolô viết cho Timôthê: “Ðừng vội đặt tay trên bất cứ ai”, ngài nói về các kỳ mục, theo nghĩa dùng trong Giáo hội, chứ không theo nghĩa người lớn tuổi.
Sau cùng cũng nghi thức này cũng dùng cho cấp cao của phẩm trật; và ở đây các bản văn khá rõ ràng. Người ta có cảm tưởng việc đặt tay mô tả trong chương 13 sách Công Vụ có mục đích thông ban cho Barnabê và Saolô quyền bính tối cao của chức thánh. Một nghi thức ban phúc từ giã không thể mang tính long trọng, có việc ăn chay trước và được thực hiện trong phụng vụ, dựa theo lệnh của Chúa Thánh Thần. Các nhà truyền giáo được đặc biệt chỉ định làm công việc hoán cải dân Ngoại, nghĩa là việc thiết lập các giáo đoàn mới mà quyền chức thánh không thể không có. Trên thực tế, liền ngay sau đó, chúng ta thấy thiết lập các kỳ mục trong các thành có các giáo đoàn.
Với việc thánh Phaolô phong chức cho Timôthê, chúng ta có chứng từ chắc chắn hơn. Vị Tông đồ viết cho đồ đệ: “Ðừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tm 4,14). – “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa (charisma), đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1,6). Chúng ta có một nghi thức bên ngoài – đặt tay – và một ân sủng bên trong phát sinh bởi nghi thức. Ân sủng này, charima này là gì ? Ðó dĩ nhiên không phải là ân huệ thuần tuý nhưng không mà Chúa Thánh Thần ban hay rút lại tuỳ ý, nó phải trường tồn và không thuộc về ai khác làm cho nó sống dậy hoặc làm phát sinh. Ðặc sủng ấy là năng khiếu siêu nhiên được nhận lãnh để thi hành xứng đáng thừa tác vụ thánh, giống như điều ta gọi là ân sủng theo chức vụ, nghĩa là toàn bộ những ân huệ thiêng liêng và quyền nhận được các hiện sủng mà các bổn phận của chức thánh đòi hỏi. Ðặc sủng có thể lụi tàn, vì thiếu cố gắng hay tỉnh thứ, nên nó cần đuợc khơi dậy. Thánh Phaolô chỉ ra khá rõ bản chất của đặc sủng này: “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một thần khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2 Tm 2,7). Tất cả những điều này được ban nhờ việc đặt tay của vị Tông đồ, cùng với sự tham dự của hàng kỳ mục.
Vậy chúng ta có trong việc phong chức cho Timôthê ba yếu tố chính của điều mà Giáo hội ngày nay gọi là bí tích: một nghi thức bên ngoài, việc đặt tay; một ân sủng trường tồn (charisma), nguồn của mọi ân sủng chức vụ, phát sinh từ nghi thức này; một ân sủng bên trong đáp ứng với biểu tượng của nghi thức bên ngoài, mà ý nghĩa được xác định bởi toàn bộ các hoàn cảnh, như việc chỉ định ngôn sứ và sứ vụ mà Timôthê được bổ nhiệm.
V. PHÉP HÔN PHỐI
Sau trích dẫn sách Sáng Thế: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt”, thánh Phaolô thêm suy nghĩ sau: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Theo công đồng Trentô, bí tích hôn phối được gợi ý trong đoạn văn này. Ðó là từ đúng nhất.
Mầu nhiệm ở đây được dịch trong tiếng la tinh là sacramentum. Ý nghĩa Thánh Kinh của sacramentum không phải là bí tích. Ðó, hoặc là kế hoạch bí mật liên quan đến phần rỗi con người, hoặc một lời nói hay một sự kiện chứa đựng một ý nghĩa biểu tượng. Trong câu này thánh Phaolô so sánh các liên hệ giữa chồng và vợ một bên và mối liên hệ giữa Ðức Kitô và Hội thánh một bên. Ẩn dụ vợ chồng không phải là điều mới trong môi trường kinh thánh: từ thời tiên tri Osê (Hs 1-3), ẩn dụ này được dùng để gợi lên giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, mà Ngài làm thành hiền thê của Ngài. Vì giao ước từ nay được thực hiện trong Chúa Kitô, nên chính Người trở thánh Hôn phu thần thánh có Hội thánh là Hiền thê, “được thánh hoá bằng nước” (Ep 5,26: ám chỉ phép rửa), để “nên không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (5,27). Như thế, tình yêu của Ðức Kitô, Ðấng đã yêu mến Hội thánh Người đến mức “hiến mình vì Hội thánh” (5,25) trở nên mẫu mực cho người chồng cũng phải yêu thương vợ mình như vậy. Lúc ấy lý tưởng ghi trong sách Sáng Thế được thực hiện (St 2,24).
Nhưng nếu là như vậy, ta phải kết luận rằng hôn nhân giữa một tín hữu nam và một tín hữu nữ không chỉ thuộc trật tự thụ tạo, theo đó nó đã có phẩm giá và quy luật riêng rồi. Nó thuộc về trật tự các sự vật được thánh hoá bởi ân sủng cứu độ của Ðức Kitô: “mầu nhiệm này thật là cao cả.
Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội thánh” (Ep 5, 32).Chính từ đoạn văn này mà suy tư thần học nhìn nhận tính bí tích của hôn nhân giữa những người chịu phép rửa: hôn nhân kitô giáo là thánh nơi chính nó và là nguồn thánh hoá cho những người tham dự vào, mà không đánh mất giá trị “tự nhiên” thuộc về trật tự thụ tạo và điều khiển các quy luật luân lý giúp nó được thực hiện hết sức về mặt nhân bản.
Soạn theo:
– F. PRAT. S.J., La théologie de saint Paul, Les sacrements, p. 305-330, Paris, 1923.
– PIERRE GRELOT, La liturgie dans le Nouveau Testament, Introduction à la Bible. Edition nouvelle, Desclée, 1991.