Bài 7:
PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT
Những suy tư của thánh Phaolô về cái chết của Chuùa Giêsu, của chính ngài và của các Kitô hữu giúp chúng ta có một cái nhìn quân bình tích cực và biến cố chung kết cuộc đời này.
Lm. Giuse Hoàng Văn Khanh
Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu được mời gọi sẵn sàng từ bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Chúa (x. Mt 16,24). Từ sau biến cố Ðamas, Phaolô đã thật sự ý thức mình được Chúa chọn gọi làm Tông đồ (Gl 1,11tt) và đã hoàn toàn đáp trả bằng cả cuộc đời loan Tin mừng, đạt cao điểm nơi chính sự chết theo gương Ðức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, và tột đỉnh của vâng phục là cái chết thập giá (x. Pl 2,6-8). Phaolô đã khẳng quyết: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,10). “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập giá. Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Chọn Chúa làm lẽ sống, Phaolô là người môn đệ tuyệt vời của Ðức Giêsu, thể hiện cao điểm nơi ý thức và thái độ trước sự chết.
Trong bài này, xin phép được chia sẻ:
– Phaolô suy tư về cái chết thập giá của Ðức Kitô
– Phaolô trước cái chết của chính mình
– Kitô hữu trước sự chết.
I. PHAOLÔ SUY TƯ VỀ CÁI CHẾT THẬP GIÁ CỦA ÐỨC GIÊSU
Trước khi xảy ra biến cố Ðamas, Saolô, người Do thái thuộc chi tộc Bengiamin, tuân giữ Luật như một Pharisêu (Pl 3,5) đã nhìn Giêsu Nadareth bị treo trên cây gỗ là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa (Ðnl 21, 23; Gl 3,13). Lòng nhiệt thành bảo vệ Ðạo và Lề Luật khiến ông hết sức căm phẩm nên hùng hổ tìm bách hại những ai tôn vinh Giêsu là Con Thiên Chúa (Cv 8,3; 9,1-2; 22,3-5; 26,9-12; Pl 3,5; Gl 1,13 tt).
Cảm nghiệm gặp gỡ Ðấng Phục Sinh trong biến cố Ðamas đã biến đổi Phaolô cách tận căn (Gl 1,15tt; Pl 3,12). Ðiều này cũng diễn ra tương tự nơi các Tông đồ. Phaolô nhận thức rõ ràng Ðấng chịu đóng đinh Thập giá đã sống lại, đã tỏ mình (opthè) cho ngài cũng như cho các môn đệ (1 Cr 15,3-7) và khám phá ra ý nghĩa thâm sâu của cái chết thập giá. Tâm hồn tràn ngập niềm vui và an bình vì được giao hoà với Thiên Chúa (Pl 3,7-14). Từ dạo ấy, Ðức Kitô là lẽ sống của Ngài (Pl 3,8-14). Ngài quả quyết không còn muốn biết đến chuyện gì khác ngoài ÐGK chịu đóng đinh thập giá (1 Cr 2,2-5). Ngài phiền trách giáo đoàn Galát bị mê hoặc mà quên đi hình ảnh ÐGK chịu đóng đinh (Gl 3,1). Ngài thêm vào Truyền thống về Thánh Thể lời xác quyết: loan truyền Chúa chịu chết cho đến khi Ngài lại đến (1 Cr 11,26).
Trong thư 1 Cr (năm 56), Phaolô đã sử dụng “Lời thập giá” để diễn tả quyền năng siêu việt của Thiên Chúa. Ngôn từ này gây vấp phạm cho người đương thời; nên sau này không ai dùng lại, ngay cả thánh Ignatiô Antiôkia và Jean Chrysostome. Có lẽ Phaolô dùng ngôn từ này trong bối cảnh tranh luận với những người Do thái và phái ngộ đạo. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Phaolô khẳng định người môn đệ phải trải qua cái chết để loan báo Tin mừng, phải mang thập giá và cái chết của Ðức Giêsu trên thân mình (2 Cr 4,10; 6,4-10; 12,9; Pl 3,4-11). Nói đến thập giá, Phaolô không đơn sơ nghĩ đến cái chết đau đớn và tủi nhục, nhưng nhắm đến sự cứu độ và vinh quang: Chính qua cái chết mà Ðức biểu lộ sự vinh quang. Và đó chính là ý nghĩa then chốt của “Lời Thập giá”.
1. Cái chết cứu độ
a. Ðức Kitô đã chiến thắng Thần Chết
Câu chuyện đã xảy ra từ buổi đầu sáng tạo (St 3). Tội đã nhập vào thế gian và bởi tội mà có sự chết (Rm 5,12.17; 1 Cr 15,21). Từ đó tất cả mọi người đều phải chết nơi Ađam (1 Cr 15,22); do đó Thần Chết đã thống trị thế gian (Rm 5,14) và Vương quyền Satan được thiết lập (x. Ga 8,44). Chính tội là nọc độc của Thần Chết và đem lại sức mạnh cho quyền lực Thần Chết (1 Cr 15,56) và sự chết là hậu quả của tội (Rm 6,16.21.23). Thân xác được Thiên Chúa tạo thành nay trở thành thân xác phải chết (Rm 7,24).
Ðể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực thần chết, Ðức Kitô đã nhận cho mình thân phận hay chết của con người và nhận cái chết (Gl 4,5). Sự chết đến với Người không phải cách ngẫu nhiên, Người đã từng loan báo trước cho các Tông đồ (Mc 8,31; 9,31; 10,34). Người đã run sợ trước cái chết (Ga 12,27), đã khóc trước mộ của bạn thân Ladarô (Ga 11,33.38), đã tha thiết nài van Chúa Cha cho mình khỏi chết (Dt 5,7; Lc 22,42). Ngài chấp nhận chén đắng (Mc 10,38) và sau cùng, để thực hiện trọn vẹn thánh ý của Chúa Cha, Người đã vâng lời đến chết (Pl 2,6-8). Cái chết của Ðức Kitô như hạt lúa mì mục nát trong lòng đất để trổ sinh bông hạt (Ga 12,24-32), trở thành hy tế xá tội (Dt 9) cho tất cả mọi người (2 Cr 5,14). Người cho chúng ta một dấu chứng tình yêu tuyệt vời, đó là: Người đã chết vì chúng ta đang khi chúng ta là tội nhân (Rm 5,6tt; 1Tx 5,10). Người không chết thay cho chúng ta nhưng vì lợi ích chúng ta: Người chết vì tội lỗi (1 Cr 15,3) để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa (Rm 5,10). Người đã chiến thắng Thần Chết bằng sự phục sinh, như lời Thánh Kinh (1 Cr 15,4), và trở nên Trưởng tử giữa mọi vong nhân (Cl 1,18), Thần chết mất hết quyền lực trên Người (Rm 6,9). Người giải thoát con người khỏi Luật cũa tội và sự chết (Rm 8,2). Sau cùng, khi thời gian viên mãn, Người sẽ phục sinh tất cả để hoàn tất chiến thắng của Người. Lúc đó Thần chết sẽ bị tiêu diệt mãi mãi (1 Cr 15,26).
b. Thập giá đem lại ơn công chính hoá, sự cứu chuộc và giải thoát, sự giao hoà và thánh hoá
* Công chính hoá
Thánh Phaolô đã trình bày giáo thuyết này trong thư Galát (Gl 3), và sau đó triển khai sâu sắc trong thư Rôma (Rm 3,21-4,25)..
Trước hết, Phaolô quả quyết mọi người, Do thái và dân ngoại, đều là tội nhân, nghĩa là cắt đứt tương quan Giao ước (Rm 2,12) và bị thống trị bởi tội lỗi. Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ lộ (3,21). Không ai được công chính hoá bởi việc tuân giữ Lề Luật nhưng chỉ nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô chết và sống lại (3,22). Ðó là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Sự công chính tới với con người nhờ đức tin sống động, biến cải con người để trở nên người công chính của Thiên Chúa (2 Cr 5,21; 1 Cr 1,30-31). Nếu đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, thì sự công chính hoá cũng hoàn toàn lệ thuộc vào tác động cứu chuộc của Ðức Kitô. Tác động đó biến cải thân phận con người, phá hủy con người cũ, kiến tạo con người mới, giải thoát khỏi tội và làm ta nên con cái Thiên Chúa. Tin không chỉ là việc lý trí chấp nhận sứ điệp của Ðức Kitô (Rm 10,9-10), nhưng tiên vàn là sự tín nhiệm, tuân phục, dấn thân trọn vẹn cho Ðức Kitô.
Phaolô trình bày sự liên đới giữa mọi người với Ađam: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Cũng như vì người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người được Thiên Chúa làm cho nên công chính, tức là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19). Phaolô đối chiếu Ađam và Ðức Giêsu, tội của Ađam và hành vi cứu độ của Ðức Kitô (x. 1 Cr 15,20-22). Ta gặp thấy những cặp đối chiếu song song: Tội (12.13) – Ân sủng (15.16.17); Sự chết (12.13.14.17) – Sự sống (17.18.21); Sa ngã, phạm tội (15.16.17.18) – Công chính hoá (16.18); Sự bất tuân – Sự vâng phục
Mọi tín hữu được liên kết vào biến cố thập giá của Ðức Kitô. Bí tích Thánh tẩy biểu tượng cho sự chết và mai táng vơi Ðấng chịu đóng đinh, nhờ đó đạt tới sự sống mới nhờ sự Phục sinh của Ðức Kitô (Rm 6, 5-11).
* Cứu chuộc và giải thoát
Phaolô dùng từ cứu chuộc 7 lần trong các ngục thư (so với Tân ước 10 lần). Theo nghĩa thông thường, cứu chuộc là chuộc lại bằng một món tiền tương ứng người hoặc vật đã thuộc quyền sỡ hữu của chủ khác (goel, gaal: giải thoát). Kinh thánh gọi Thiên Chúa là goel, Ðấng cứu chuộc Israel. Ðức Kitô đã chuộc lại ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi bằng giá máu của Ngài đổ ra trên thập giá. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm nơi xá tội nhờ máu của Ngài (Dt 9,5). Trong Cựu ước, ngày Yôm Kippour, người ta tiến dâng con dê làm lễ tạ tội cho dân (Lv 16,11-16), thì nay Ðức Kitô tự hiến tế chính mình làm lễ đền tội cho ta để ta trở thành tôi tớ (doulos) của Ngài (1 Cr 6,20; 7,23). Ðức Kitô vừa là của lễ vừa là người dâng hiến (2 Cr 5,21). Ngài là Chiên Vượt qua đích thực (1 Cr 5,7), là Con Chiên sát tế (Kh).
Nhờ cái chết thập giá, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội và ban cho ta đời sống mới (Rm 6,12-14), đời sống làm con Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa (Rm 8,29). Ðức Giêsu Kitô biến đổi chúng ta nên hình ảnh rạng ngời của Người nhờ tác động của Thần Khí (2 Cr 3,18) và làm cho thân xác yếu hèn của ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (Pl 3,20-21).
* Giao hoà
Tội lỗi đặt con người trong tình trạng đối kháng với Thiên Chúa và với anh em. Ðức Giêsu đã dùng cái chết thập giá để tha thứ mọi tội lỗi và giao hoà ta với Thiên Chúa (2 Cr 5,18; 5,1-2.10). Thập giá nối chiều dọc và chiều ngang, là nơi gặp gỡ của hai chuyển động giao hoà: với Chúa và với anh em. Thánh Phaolo khẳng định sứ vụ của ngài là loan báo sự giao hoà (2 Cr 5,18-19), sự giao hoà trải dài trên toàn vũ trụ nhân loại (Cl 1,19-20).
2. Ðau khổ và hy vọng
Gặp gỡ Ðấng Phục sinh, Phaolô xác tín Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và thập giá Ðức Kitô mang ý nghĩa cứu độ. Sự chết đã bị đánh bại, thế nhưng đau khổ với mọi chiều kích vẫn còn đó gây lo âu và bất hạnh cho con người. Làm sao giải thích ?
Kinh thánh đã không đưa ra câu giải thích về đau khổ. Gióp đã nghiêng mình trên mầu nhiệm bất khả thấu đạt này để chỉ biết đón nhận bằng niềm tin trần trụi; người Tôi trung của Giavê chấp nhận mang trên mình mọi khổ đau của dân để đền tội thay cho dân. Người Do thái tin rằng chỉ đến ngày cánh chung đau khổ mới chấm dứt. Ðức Giêsu, trong đời sứ vụ, đã từng sống nổi đau của nhân loại và dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện (Dt 5,7).
Chiêm ngắm Ðấng đã chết và sống lại, Phaolô đặt vấn nạn: nếu sự chết đã bị thập giá đánh bại, liệu đau khổ có biến mất khỏi thế gian ? Ngài xác định rằng niềm tin Ðức Giêsu chết và sống lại không loại bỏ đau khổ, nhưng giúp can đảm chiến đấu để loại trừ và làm giảm bớt đau khổ. Ðau khổ mang chiều kích cứu độ. Nhìn đau khổ trong tương quan với hy vọng.
a. Chúa Giêsu và niềm hy vọng của nhân loại
Chúa Giêsu đã được vinh thăng bên hữu Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giai đoạn này, Thánh Thần hoạt động. Thánh Phaolô quả quyết Ðức Giêsu vẫn đang tiếp tục hiện diện và hoạt động cho đến ngày cùng tận. Trong 1 Cr 15,20-28 thánh Phaolô nhằm thuyết phục những ai nghi ngờ về sự sống lại cánh chung, đã đề cập đến ba điểm chính yếu: sự sống lại của Ðức Kitô là nền tảng, sự sống lại của mọi người và sự chiến thắng cuối cùng. Ðiều mà Phaolô muốn nhấn mạnh ở đây, đó là vai trò của Ðức Kitô vào thời cùng tận, trước khi trao vương quốc lại cho Chúa Cha, Người chiến đấu đến tận cùng để đánh bại kẻ thù cuối cùng là sự chết, và cùng với sự chết là đau khổ. Và như thế, Ðức Kitô luôn cùng với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong cuộc chiến này.
b. Ðức tin chiến thắng
Trong cuộc chiến liên lỉ, đức tin sẽ thắng. Ðó là điều mà Phaolô xác quyết dựa vào tấm gương của Abraham (Rm 4,17-21). Ðức tin dựa vào Chúa có sức giải thoát ta khỏi sự dữ. Dĩ nhiên, Phaolô không đưa ra lời giải thích về đau khổ, nhưng đề ra một thái độ phải có để chiến thắng đau khổ. Trong đau khổ, ta tràn trề niềm hy vọng về vinh quang chờ đợi ở cuối đời (Rm 5,1-2).
c. Sống hy vọng
Phaolô không có ý đưa ra lời giải thích về đau khổ. Ðiều đó hoàn toàn không thể, tốt nhất chấp nhận truyền thống về sự hiện diện của đau khổ: ngôn sứ phải chịu nhiều đau khổ, người công chính phải chịu bách hại, và đem lại cho nó một ý nghĩa. Theo Phaolô, tội lỗi là căn rễ của mọi sự dữ trong thế gian. Thập giá Ðức Giêsu đã đánh bại tội lỗi, mang lại cho đau khổ chiều kích cứu độ. Kitô hữu hướng tầm mắt về Ðức Giêsu là Ðấng vẫn chiến đấu sự dữ đến tận cùng, để sẵn sàng đón nhận đau khổ hầu thông phần với đau khổ của Ðức Giêsu và đặt đau khổ trong tương quan với vinh quang đang chờ đợi. Nhận thức đau khổ phát sinh từ tội không phải để chấp nhận định mệnh đau khổ nhưng để sống niềm hy vọng. Ðức Giêsu không hề chúc phúc cho đau khổ, nhưng mời gọi kitô hữu cộng tác để chiến đấu chống lại tội lỗi, và như thế chống mọi đau khổ với niềm tín thác vào Ðấng có thể giải thoát. Trong cuộc chiến này, tín hữu không đơn độc nhưng luôn hiệp thông với toàn thể vũ trụ đang rên xiết trong đau khổ, nhất là với Ðức Kitô, Ðấng vẫn chiến đấu đến thời cùng tận và luôn trợ lực và hướng dẫn ta. Thánh Thần soi sáng cho ta biết ý định của Thiên Chúa và hướng ta về vinh quang. Ðau khổ làm trào dâng niềm hy vọng và Chúa Thánh Thần làm cho niềm hy vọng này được phong phú. Hy vọng thôi thúc ta sống và hành động trong niềm tin và phó thác.
II. PHAOLÔ TRƯỚC SỰ CHẾT CỦA CHÍNH MÌNH
1. Dung mạo kép của sự chết
A. Sự chết đáng yêu (Pl)
Trong 1 Tx (50), Phaolô nói đến số phận những người đã chết để trấn an những người đang sống: “Nếu chúng ta tin rằng Ðức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những ai đã an giấc trong Ðức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Ðức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, la 2chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta là những người đang sống, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chứng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1Tx 4,14-17).
Trong thư Pl, Phaolô bộc bạch những tâm sự của mình – đang bị cầm tù, nóng lòng về việc loan Tin mừng mà ngài có trách nhiệm, và có những người loan báo Ðức Kitô vì ghen tương với ngài tưởng thế sẽ gây khổ sở cho ngài (Pl 1, 17). Thay vì xót xa, Phaolô hướng cái nhìn về Ðức Kitô, bày tỏ niềm vui và tạ ơn vì dù sao Tin mừng cũng được rao báo (Pl 1,18). Phaolô luôn vững tin vào Ðức Kitô và tâm sự: ” Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô và chết là một mối lợi vì được hoàn toàn ở với Ðức Kitô (Pl 1,22). Ðối với ngài, cái chết đáng yêu vì cho phép được ở với Ðức Kitô như lòng hằng mong mỏi. Phaolô giải thích thêm: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi ra đi để được ở với Ðức Kitô, điều này tột hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” (Pl 1,22-24).
1 Tx nói Ðức Kitô quang lâm ngự đến trên không trung, những kẻ đã chết sống lại và cùng với những người đang sống đi nghênh đón Ngài và được ở cùng Ngài mãi mãi (syn Christoi). Ở đây, chết là một biến đổi (x. Pl 3,20-21) để được ở với Ðức Kitô (en Christoi). Như thế, ta nhận thấy có một bước tiến trong tư tưởng của Phaolô so về sự chết.
B. Sự chết đáng sợ (2 Cr)
Lúc ấy, Phaolô đang gặp thất bại trước những người Do thái quá khích và buồn sầu trước sự sa sút của các tín hữu Côrintô. Ngài viết thư 2 Cr Tư tưởng của Phaolô về sự chết lúc này khá bi quan. Nếu trong Rm 6, Phaolô trình bày Mầu nhiệm Vượt qua: được thanh tẩy trong cái chết và sự Phục sinh của Ðức Kitô, tín hữu chết đi cho tội lỗi và sống sự sống mới của Chúa, thì trong 2 Cr, Phaolô không nói chết để được sống mà lại ngắm nhìn sự chết đến với tất cả những khổ đau nó đem đến: “Chúng tôi phải chịu đứng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi“.
a. Tin tưởng vào Ðức Kitô đang hành động
Trước những nổi đau ấy, Phaolô chỉ còn biết áp dụng cho chính mình những gì mà ngài đã từng nói về Abraham: như Abraham, phải “tin vào Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, trổi dậy từ trong kẻ chết” (Rm 4,24): “Chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân, để chúng tôi không còn tin tưởng vào chính mình mà vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ chết sống lại” (2 Cr 1,9-10).
Trong 2 Cr 4,16 – 5,10, ta nhận ra thái độ của Phaolô trước sự chết đe doạ. Sau khi long trọng công bố ngài được vinh dự trao phó sứ vụ tông đồ, như một kho tàng vinh quang, ngài cũng ý thức mình chỉ là con người nghèo hèn yếu đuối: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7). Ngài khẳng định phải luôn tin tưởng Chúa luôn hiện diện và hoạt động qua các thừa tác của Người (x. 2 Cr1,21; 2,14; 3,18; 4,6). Ngài bộc lộ những khổ đau phải chịu vì Ðức Kitô, nhưng hoàn toàn đặt niềm tin tưởng nơi Ðức Kitô, Ðấng hành động nơi người tông đồ và thông ban cho ngài sức sống của Ngài. Vinh quang hành động ngang qua sự khiêm hèn hầu mang lại chiến thắng trên sự chết: “Ðấng làm cho ÐK sống lại cũng làm cho chúng tôi được sống lại với ÐG và đặt chúng tôi bên Ngài (2 Cr 4,13-15). Hãy lắng nghe những tâm sự sau đây của Phaolô: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,8-11). Chính do sự chết của người tông đồ mà phát sinh sự sống cho các tín hữu: “Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em” (2 Cr 4,12). Chính vì thế, người tông đồ luôn can đảm đối diện với sự chết và đặt trọn niềm tin tưởng vào Ðức Kitô, vì “khi mang trong mình cuộc thương khó của Ðức Kitô, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác của chúng tôi”.
b. Hy vọng được ở với Ðức Kitô
Ðối diện với sự chết, Phaolô bày tỏ niềm hy vọng sâu sắc, đó là khi nhà trần gian bị hủy diệt là ta đi vào nhà trên trời. Ngài nói: “Ngôi nhà của chúng ta dưới đất là chiếc lều này bị phá hủy thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cửu trên trời không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1-5). Ngôi nhà đó là gì ? Vinh phúc trên trời, thân thể vinh quang, Thiên đàng ? Cha A. Feuillet lưu ý: theo mạch văn, ngôi nhà này không do tay người làm ra – gợi lại lời Chúa Giêsu nói về Ðền thờ- có nghĩa là ngôi nhà này đến từ Thiên Chúa; và đó không là gì khác ngoài chính con người Ðức Giêsu. Thánh Phaolô không có ý nói chúng ta sẽ có một thân thể vinh quang, nhưng đang có bây giờ một ngôi nhà vĩnh cửu. Ðiều đó có nghĩa là thân thể vinh quang của Ðức Kitô đang hiện diện trên trời. Ðiều này gợi lại cho ta sự xác tín của Phaolô về hai Ađam trong 1 Cr 15,45-49. Cũng như có hai Ađam, một Ađam từ bụi đất mà ra và một từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Ðấng từ trời mà đến. Và như thế, có hai chổ ở. Ðức Kitô vinh hiển là nơi cư ngụ trên trời của chúng ta.
Trong thư Pl, thánh Phaolô nói Thiên Chúa sẽ biến đổi thân xác hay chết của chúng ta nên giống thân thể sáng láng của Ðức Giêsu. Do đó, Khi chết cũng chính là lúc được ở với Ðức Kitô. Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cả một khối vinh quang vô tận (2 Cr 4,16-18).
Tất cả những điều này nói lên niềm hy vọng sâu sa của thánh Phaolô đứng trước sự chết đáng sợ đang mời chào: Qua cái chết, chúng ta sẽ được ở bên Thiên Chúa, ở cùng Ðức Kitô vinh hiển; và như thế, niềm ước vọng sâu thẳm của chúng ta được thành tựu: “Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn vì biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa,.và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5,6-8; x. Pl 1,22).
2. Chịu đóng đinh với Ðức Kitô
Ðức Giêsu đã từng mời gọi các môn đệ: ” Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). Thánh Phaolô đã thực hiện đến cùng lời mời gọi này. Ngài đưa vào thực tế đời mình lý thuyết “lời thập giá”.
Mầu nhiệm Ðức Kitô chết và sống lại được diễn tả trong lời thập giá và trong việc thực hành thánh tẩy. Thập giá mang đến sự giao hoà với Thiên Chúa, bí tích Thánh tẩy đưa tín hữu vào mầu nhiệm vượt qua và làm nó nên tạo thành mới. Ðước chết trong Ðức Kitô và được sống lại, người tín hữu dấn thân vào tiến trình đời sống mới. Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20″. “Những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).
3. Hoa trái Thần khí (Gl 5, 16-24)
Thánh Phaolô trình bày một đối kháng giữa thần khí và xác thịt. Xác thịt thì ước muốn điều trái ngược với Thần khí. Xác thịt làm phát sinh những hoa trái xác thịt; còn hoa quả của Thần khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhịn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,16-23). Theo Phaolô, xác thịt là thừa kế của tội, trong khi Thần khí mang lại tất cả những gì là tốt đẹp. Chiến đấu với xác thịt không là gì khác ngoài chống lại sự tội, tức chống lại sự chết là hậu quả của tội. Kitô hữu thực hiện cuộc chiến này, vì lẽ Ðức Kitô đã mang lấy xác thịt và biến thành tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21), Người đã mang lấy thân phận tội lỗi (Pl 2,6; Rm 8,3) và Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3) để ta được nên công chính trong Người (2 Cr 5,21; Rm 8,4). Tín hữu đóng đinh xác thịt vào Thập giá Ðức Kitô và được đảm bảo cuộc chiến thắng vào ngày Quang lâm (x. Cl 3,1-4).
4. Từ sự chết đến sự sống
Thái độ sống của Phaolô cho thấy mầu nhiệm sự sống triển nở ngang qua cái chết. Ngài viết: “Tôi coi tất cả, mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người. Vấn đề là biết chính Ðức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-10).
Phaolô coi cuộc đời như một thao dợt và học tập cách chết, vì nghĩ rằng ”một khi cùng chịu đau khổ với Người thì cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Cuộc sống của Phaolô vì thế luôn là một cảm nghiệm sống thường xuyên về đau khổ. Ngài tuyên bố tuy sống nhưng hằng bị cái chết đe doạ vì Ðức Giêsu (2 Cr 4,11). Con người được nhận lãnh những hồng ân phi thường vẫn phải chịu một cái dằm trong thân xác để khỏi tự cao tự đại (2 Cr 12,7). Ngài tâm sự: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Ta hãy lắng nghe lời tâm sự sau đây: “Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm tông đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người. Chúng tôi điên dại vì Ðức Kitô, chúng tôi yếu đuối, chúng tôi bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang; chúng tôi phải vất vả làm lụng. Bị nguyền rủa… bị bắt bớ, chúng tôi nên như rác rưởi của thế gian, như đồ phế thải đối với mọi người” (1 Cr 4,9-13). Ngài sẵn sàng đón nhận tất cả vì nhận thức sâu sắc rằng trong mọi đau khổ phải chịu ấy, Ngài thật sự cộng tác vào sự cứu độ của Ðức Kitô.
Thánh Phaolô viết: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Ðức Giêsu để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,10), như thể muốn nói Ðức Giêsu đã và nay vẫn tiếp tục chết ngang qua các môn đệ của Người. Sự chết vẫn đang hoạt động trong các tông đồ để sự sống được chuyển tới các tín hữu. Không phải là một thay thế, nhưng là một chuyển dời từ sự chết đến sự sống. Sự chết của Ðức Kitô vẫn đang hoạt động cách huyền nhiệm để đản sinh sự sống trong Giáo hội của Người. Ngài nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh” (Cl 1,24).
Gian nan thử thách (tribulations: thlipseis) gợi lại những thử thách mà Israel đã trải qua, đặc biệt nơi Ai cập (Xh 4,31) và thời lưu đày (Ðnl 4,29). Từ này được dùng để nói lên những gian nan thử thách, nhất là những bách hại do đức tin mà các Tông đồ phải chịu. Thánh Phaolô đồng hoá những đau khổ của ngài với những gian nan thử thách mà Ðức Kitô đã chịu trong suốt thời gian sứ vụ, đưa đến cái chết thập giá. Thánh Phaolô nói những gian truân của Ðức Kitô còn thiếu, ngài xin mang vào thân cho đủ mức (antanaplèroô: remplir, compléter, combler). J. Kremer giải thích: Ðức Kitô vẫn hoạt động mãi cho đến ngày cùng tận. Ðiều đó được thể hiện nơi hoạt động của các tông đồ. Ðức Kitô phục sinh và vinh hiển luôn hiển hiện trong lịch sử qua dòng thời gian. Ðiều này thiếu nơi Ðức Giêsu Nadarét trước khi chết, do bị giới hạn bởi thân xác và lệ thuộc vào các định luật không và thời gian. Thánh Phaolô cho rằng những đau khổ ngài chịu như một bổ khuyết vào điều còn thiếu nơi những gian truân thử thách của Ðức Giêsu. Từ nay Ðức Giêsu Nadarét tỏ mình ngang qua hoạt động và những gian truân của các môn đệ. Mọi đau khổ truân chiên được đón nhận vì và cho Hội thánh, cũng như Ðức Giêsu đã chịu mọi đau khổ để thiết lập và xây dựng Hội thánh là thân mình của Người.
Kết luận
1. Giá trị của sự chết
Trọn cuộc đời, Chúa Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha và chu toàn sứ mệnh Cha đã trao phó. Ngài không hề tìm sự chết, nhưng một khi hoàn toàn trung thành và đi đến cùng sứ mệnh, tất nhiên sự chết đến với Ngài như hậu quả của lòng trung thành tuyệt đối đó. Trong dòng Cựu ước, các ngôn sứ và các bậc chính nhân cũng đã từng chịu bách hại và giết chết. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, Ðức Giêsu hoàn toàn tín nhiệm và phó thác vào Chúa Cha. Ngài bị kết án chết thập giá vì đã hoàn toàn trung thành đến cùng với Chúa Cha. Do đó sự chết thập giá của Ngài trở thành hy tế cứu độ nhân loại và căn nguyên sự sống cho mọi người. Cả một đời, Ngài hoàn toàn sống cho (Chúa Cha và nhân loại (pro-existence), thì cái chết cũng là chết cho Cha và mọi người. Tội Ađam gây nên sự chết cho mọi người, và cái chết của Ðức Kitô đem lại sự cứu độ cho mọi người. Biến cố sự chết của Ðức Kitô chỉ thật sự hữu hiệu cho những ai từ nay biết sống phù hợp với đời sống mới. Ðó là điều mà Thánh Phaolô đã trình bày trong thư Roma, Ep. Cái chết của Ðức Kitô mang giá trị toàn vẹn vì đem đến sự sống của Thiên Chúa; cho nên sự chết của mọi kẻ tin đạt ý nghĩa theo mức độ liên kết với sự chết của Ðức Kitô.
Ðức Giêsu chỉ cho các môn đệ biết con đường sự sống là hoàn toàn từ bỏ. Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải triệt để bước theo Ngài, tức là ở với (avec) và ở trong (en) Ngài. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm này khi chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu và khi đối diện với cái chết của chính mình. Chúa Giêsu, và sau đó thánh Phaolô, đều có chung một kinh nghiệm: nhìn sự chết với tất cả niềm tin tưởng và phó thác vào sự hiện diện sống động của Thiên Chúa.
2. Dung mạo kép của sự chết
Nói về sự chết, trước hết Ðức Giêsu cho thấy đó là thân phận của con người và trước viễn tượng sự chết đe doạ, Ngài nhắc nhở cần sẵn sàng tỉnh thức và hoán cải, đồng thời hướng mắt về với Ðấng đang đến. Trong đời sứ vụ, Ðức Giêsu đã từng đấu tranh chống sự chết và đau khổ, dù Ngài tuyệt đối trung thành với Cha và với sứ mệnh. Những phép lạ Ngài làm chữa lành bệnh tật, phục sinh kẻ chết, chứng tỏ cho thấy sự sống mạnh hơn sự chết và sự chết không phải là điểm cuối của sự sống. Ðức Giêsu tin vào sự sống lại sau hết và hơn nữa Ngài biết Ngài sẽ sống lại. Sự chết mang khuôn mặt kép. Trong vườn Giệtsêmani, Ðức Giêsu vừa run sợ trước cái chết gần kề, nhưng lại vừa sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Trên thập giá, Ngài vừa bộc lộ sự khắc khoải vừa bày tỏ sự trung thành trong tiếng kêu Chúa Cha là Thiên Chúa của con.
Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm khuôn mặt kép đó của sự chết, vừa đáng yêu vì được ở với Ðức Kitô mà Ngài hằng khát khao, vừa đáng khiếp sợ mà chỉ có đức tin vào Ðức Kitô mới giúp thắng vượt.
3. Mầu nhiệm sự chết
Chết là một huyền nhiệm, không thể hiểu khi nhìn vào chính nó, nhưng tình yêu cho phép ta hiểu được nó, như thể nhờ ánh sáng mà hiểu được mặt trời. Chết không phải là hết, nhưng là một Vượt qua từ cuộc sống trần gian tạm bợ tiến vào sự sống vĩnh cửu, là một biến đổi từ thân xác yếu hèn nên giống thân thể vinh quang của Ðức Kitô. Chết là hậu quả của tội như một quyền lực đang hoạt động và dường như thể đang thắng thế. Chính tội đưa đến sự chết và sự chết biểu tượng cho Tội. Nơi Ðức Giêsu, chết và sống lại là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất. Không thể tách sự chết ra khỏi lòng trung thành đi trước để gán cho sự chết ý nghĩa cứu chuộc, giải thoát, xá tội. Sự chết chỉ được soi sáng nhờ vào mầu nhiệm sự trung thành phó thác. Ðức Giêsu không tìm cái chết như phương thế cứu độ. Ngài đón nhận sự chết vì hoàn toàn vâng phục và trung thành với sứ mệnh Cha trao phó. Phaolô quả quyết mầu nhiệm sự chết và sự sống (tử nạn và Phục sinh) của Ðức Kitô vẫn tiếp tục hoạt động trong thân xác. Kitô hữu không được mời gọi tiêu cực chấp nhận khổ đau nhưng đón nhận chịu đóng đinh để biểu lộ lòng trung thành đến cùng với Tin mừng.
Cuộc sống tăng trưởng khi bứt mình khỏi vỏ cứng để mở ra cho tha nhân, điều đó đem đến đau khổ. Ðàng khác, những đau khổ đều do tội. Sự chết chỉ đem lại ý nghĩa từ sự chết của Ðức Kitô, cũng thế đau khổ chỉ có nghĩa trong mức độ kết hiệp với đau khổ của Ðức Kitô. Bên kia đau khổ và sự chết, chính là sự sống sung mãn.
4. Kitô hữu và sự chết
Khi mặc lấy bản tính loài người, Ðức Giêsu nhận lấy cái chết của chúng ta để cùng liên đới với thân phận tội lỗi của chúng ta. Là thủ lãnh nhân loại mới, Ađam mới (1 Cr 15,45; Rm 5,14), Người mang tất cả chúng ta trong Người khi chết thập giá; do đó trong cái chết của Người, tất cả đều chết (2 Cr 5,14). Bí tích Thánh tẩy liên kết chúng ta nên một với Chúa Kitô trên thập giá, được tẩy rửa trong cái chết của Người, được mai táng với Người trong sự chết ((Rm 6,3; Pl 3,10), và sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm ẩn với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa (Cl 3,3). Từ nay, chúng ta chết cho tội (Rm 6,11), cho con người cũ (Rm 6,6), cho xác thịt (Gl 5,24), cho luật (Gl 2,19), cho những gì thuộc thế gian (Cl 2,20), để sống con người mới (Cl 3,5tt; Ep 4,20tt), sống theo Thần Khí (Rm8)..
Nhờ Ðức Kitô, chúng ta là những người sống trở về từ cỏi chết (Rm 6,13), được giải thoát khỏi sự chết, “vì ai nghe lời Ta sẽ vượt qua cái chết mà được sống” (Ga 5,24) và ” dầu chết, sẽ được sống” (Ga 11,25). Việc kết hợp cùng cùng cái chết của Ðức Kitô đã thực hiện trong Phép Thánh tẩy vẫn thể hiện mỗi ngày trong đời sống, đó là chết cho tội, cho tình xác thịt (Rm8,13), cho những gì thuộc hạ giới (Cl 3,5). Cái chết từng ngày này hiện tại hoá cái chết của Ðức Giêsu và kéo dài hiệu quả phong phú của mầu nhiệm tử nạn trong thân thể Người là Giáo hội.
Ðức Kitô chết và sống lại là nên tảng cho niềm hy vọng được sống lại của tín hữu. Sự kết hợp với cái chết của Ðức Kitô không những cho ta bây giờ được sống cuộc sống mới Rm 8,11), nhưng còn bảo đảm cho ta sự sống vĩnh cửu trong Trời mới Ðất mới (Kh 21,4).
————————————————————
Thư mục:
– X. Léon- Dufour, Face à la mort, Jésus et Paul, Seuil, Paris, 1979
– J. Guillet, Jésus devant sa vie et devant sa mort, Aubier, 1971
– P. Grelot, Péché originel et Rédemption à partir de l’épitre aux Romains, Desclée, 1973
– Simon Légasse, Paul Apôtre, Fides, 1991