Bài 5:
SỰ HOÀ GIẢI THEO TINH THẦN CỦA PHAOLÔ
Hơn bao giờ hết, vào lúc này, người ta nói nhiều đến “hòa giải”. Tuy nhiên, thế nào là hòa giải như Thiên Chúa muốn, chúng ta cùng đọc các thư của thánh Phaolô để tìm câu trả lời.
Lm. Nguyễn Văn Bản, Gp. Quy Nhơn
Trong năm thánh Phaolô, chúng ta có dịp tìm hiểu về cuộc đời truyền giáo, những biến cố quan trọng, cũng như những tư tưởng thần học chi phối cách lập luận và lựa chọn của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Lựa chọn phong cách truyền giáo của Phaolô không phải là một quyết định do ngẫu hứng, nhưng là kết quả của những suy tư bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đamas. Cuộc gặp gỡ đã làm cho ngài bị giằng co xâu xé, một bên là giá trị truyền thống của Lề Luật và một bên là Đấng Phục Sinh đang hiện diện. Những nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này đã giúp cho Phaolô có cơ sở vững chắc để trình bày về mối tương quan giữa Đức Kitô và Lề Luật. Sự vượt qua này, kết quả của sự hoà giải giữa mình với Thiên Chúa và với Lề Luật, nhờ vào sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, đã giúp cho Phaolô có điểm tựa để giúp các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi vượt qua những khủng hoảng trong cộng đoàn cũng như về căn tính của người kitô hữu.
Trong giới hạn khiêm tốn của bài nghiên cứu này, chúng ta dựa trên hai bản văn của Phaolô trình bày về sự hoà giải, để hiểu ý nghĩa của từ vựng này trong tư tưởng của Phaolô như thế nào, rồi sẽ đề cập đến biến cố gặp gỡ trên đường Đamas để hiểu thêm tầm quan của sự hoà giải trong suy tư thần học của ngài.
Từ “hoà giải” được Phaolô sử dụng, dưới dạng động từ (katalla,ssw) hay danh từ (katallagh,), trong 2 bản văn khá quan trọng: 2 Cr 5,14 – 6,2 và Rm 5,6-11. Để hiểu được ý nghĩa của từ này, cần phải đặt mình trong bối cảnh của cộng đoàn nhận thư và nắm bắt được cách lập luận của Phaolô trình bày trong đoạn văn đó.
1/ Bối cảnh của cộng đoàn tín hữu trong thư 2 Côrintô
Trong thư 2 Cr 2,14 – 7,4, Phaolô biện minh cho sứ vụ tông đồ của mình, để trả lời cho những nhóm chống đối lại việc ngài rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Vấn đề ở Côrintô thật tế nhị, vì có nhiều người đến thành phố này thi hành chức vụ khác với Phaolô. Ở đây, Phaolô gặp sự chống đối của một đối thủ, được biết đến rõ ràng nhưng tên tuổi không được tiết lộ (2,5-8); đoạn ngài viết “lá thư trong nước mắt” (2 Cr 2,1-9; 7,8-12) vì những chuyện lộn xộn này. Có hai yếu tố giúp chúng ta nhận ra những điều các đối thủ cáo buộc Phaolô về tông đồ tính của ngài: một đàng ngài khẳng định mình là người trung thực được Thiên Chúa sai đi, chứ không phải như nhiều người xuyên tạc Lời Chúa (2,17), đàng khác, ngài nhắc đi nhắc lại việc “giới thiệu” (sunista,nw) với cộng đoàn như là bằng chứng về tính hợp pháp của Ngài trong việc rao giảng Tin Mừng (2 Cr 3,1-3; 4,2; 5,12; 6,4). Sự mâu thuẫn trong cộng đoàn cần phải được giải quyết do sự thúc đẩy của tình yêu Đức Kitô và theo mô hình hoà giải của Ngài.
2/ Sự hoà giải trong 2 Cr 5,14 – 6,2
Điều mà đoạn văn này nhắm đến là sự hoà giải của mỗi người với Chúa và mọi thành viên trong cộng đoàn với nhau. Động cơ của lời mời gọi là “sự thôi thúc của tình yêu Thiên Chúa” (5,14a). Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, Đấng không biết đến tội lỗi, đã để cho Con Một của Ngài chết vì chúng ta, để hoà giải thế gian với mình, vị tông đồ cảm thấy có trách nhiệm phải hoà giải với những người khác, những người chống đối hoặc không chia sẻ quan điểm với mình, không chỉ bởi vì ngài đã được hoà giải, nhưng ngài còn được lãnh nhận tác vụ hoà giải nữa.
Lập luận của Phaolô dựa trên một cảm nghiệm nền tảng: hoà giải là một ơn nhưng không đến từ Thiên Chúa, đây là một điều kiện giúp con người đón nhận ơn công chính và làm cho ơn này phát sinh hoa trái. Một người đã chết cho mọi người để làm gì ? Nếu mọi người được thừa hưởng hiệu quả của cái chết đó, họ có được biến đổi gì không hay vẫn sống theo kiểu của con người cũ ? Nếu cái chết của “Đấng đã chết và sống lại” vì chúng ta, những người kitô hữu, không đem lại được điều gì mới mẻ cho từng người tín hữu, thì cái chết của Ngài trở nên vô ích à ? Một cái chết vô ích làm sao có thể trở thành trung tâm của niềm tin kitô giáo và làm sao có thể đem lại sự sống đời đời?
Câu trả lời của vị tông đồ thật rõ ràng: bởi vì Đức Kitô đã chết cho mọi người được sống, thì những người đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (5,15). Phaolô muốn nói gì nếu không phải là: bởi vì đã được cứu chuộc nhờ cái chết của Đức Kitô, người kitô hữu phải sống một đời sống mới, một đời sống biểu lộ được hiệu quả của ơn cứu chuộc. Vì thế, từ nay ngài không biết đến con người cũ, con người theo xác thịt nữa, nhưng là con người mới, con người sống trong Đức Kitô (5,16-17). “Con người mới” này là gì nếu không phải là người ý thức rằng sau khi được hoà giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô, đã được trở nên công chính, thì đến phiên mình, cũng phải sống theo tinh thần hoà giải của Đức Kitô, biến mình thành phương tiện đem sự sống đến cho người khác.
Theo cha M. Trimaille, trong tiếng hy-lạp, động từ “hoà giải” được hình thành do tĩnh từ “khác” (alla). Vì thế, sự hoà giải là một hành động biến đổi[1]. Hơn nữa, vì giới từ Kata có nghĩa “từ trên xuống dưới, hoàn toàn”[2], nên động từ “hoà giải” (katalla,ssw) có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn, làm cho con người trở nên khác trước; nhưng sự thay đổi này đến từ bên trên, nghĩa là đến từ Thiên Chúa, chứ không phải là do sức riêng của con người. Trong tư tưởng của Phaolô, điểm làm cho người kitô hữu thay đổi và nhờ đó họ trở nên giống Chúa Giêsu, sống tinh thần hợp nhất trong cộng đoàn, cũng như thánh hoá đời sống của mình, đó là nhờ Tin Mừng cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô.
Cũng theo M. Trimaille, trong cộng đoàn kitô hữu, mọi sự hoà giải đều bắt nguồn từ sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa được thực hiện qua cái chết của Đức Kitô, bởi vì chính cái chết này đã làm thay đổi tất cả. Có một điều gì đó mới mẻ đã được thực hiện và xuất hiện trong lịch sử. Phép rửa tội, nơi mà sự mới mẻ này được thực hiện, không chỉ là sự hoà giải với Thiên Chúa, nhưng còn đòi hỏi phải nhận biết anh chị em mình một cách khác hơn và biểu lộ cho họ thấy được “tình yêu của Đức Kitô” thôi thúc trái tim[3].
Công việc hoà giải của Thiên Chúa không dừng lại nơi cái chết lịch sử của Đức Giêsu Kitô, Ngài tiếp tục trao ban sứ vụ này cho các vị Tông Đồ: “Mọi sự ấy đều do Thiên Chúa, Đấng đã hoà giải chúng ta với chính mình Ngài, và ban cho chúng tôi chức vụ hoà giải, bởi vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hoà giải thế gian với chính mình, Người đã không tính đến tội lỗi của họ và đã đặt trên chúng tôi lời hoà giải” (5,18-19). Nói khác hơn, Thiên Chúa kéo dài công việc hoà giải của mình qua trung gian sứ vụ tông đồ: điều mà Ngài đã làm cho hoàn thành một lần trong Đức Kitô, được hiện tại hoá trong sứ điệp Tin Mừng trao phó cho các tông đồ, sứ điệp có khả năng đặt con người vào những mối tương quan mới với Thiên Chúa và ban cho họ một cái nhìn mới về anh chị em mình[4]. Và theo cách lập luận này, chúng ta có thể hiểu rằng để có thể trở thành thừa tác viên của sứ vụ hoà giải, vị tông đồ phải là người ý thức về sự hoà giải mình đã được lãnh nhận, tình trạng công chính mà mình đang sống, và chính mình cũng phải nỗ lực sống tinh thần hoà giải, tinh thần của một thọ tạo mới, như là biểu thị hoa trái của sự hoà giải mà mình đã lãnh nhận. Nói khác hơn, người tông đồ phải sống tinh thần hoà giải, vì không những là mình ý thức được giá trị của việc cứu chuộc qua cái chết của Đức Giêsu Kitô, nhưng còn vì mình đã được trao cho sứ vụ hoà giải, với Thiên Chúa và với cộng đoàn.
3/ Sự hoà giải trong Rm 5,6-11
Trong thư Rm, vào lúc mà tư tưởng của Phaolô chuyển từ vấn đề công chính hoá sang vấn đề ơn cứu rỗi thì từ “hoà giải” lại xuất hiện. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người được biểu lộ nơi cái chết của Đức Kitô. Chính nơi Ngài mà niềm hy vọng cứu rỗi có thể dựa vào. Phaolô trình bày tính cách song song giữa tội lỗi/kẻ thù và được nên công chính/được hoà giải.
Chúng ta biết rằng Phaolô thường diễn tả hiệu quả chính yếu của công cuộc cứu chuộc bằng từ “công chính hoá”, nhưng ở đây ngài diễn tả rõ ràng bằng từ “hoà giải”. Trước khi được “ơn công chính”, con người bị coi như “vô đạo” (c. 6), “tội lỗi” (c. 8); cũng vậy, trước khi được “hoà giải”, họ là “kẻ thù nghịch với Thiên Chúa” (c. 10). Cả hai cách trình bày này đã được liên kết trong câu đầu của chương 5: “Vậy, một khi đã nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (5, 1). Rõ ràng là sự “bình an” ở đây đối nghịch lại với sự thù nghịch ở câu 10.
Nhưng tại sao Phaolô dùng ở đây từ “hoà giải” thay vì dùng từ công chính hoá như ngài quen làm ? Cũng theo M. Trimaille, từ “hoà giải” thêm vào cho từ “công chính hoá” điểm nhấn mạnh về “sự thay đổi”. Nếu Thiên Chúa nhìn kẻ đã từng là “kẻ thù nghịch” của Ngài một cách khác, nếu mối tương quan với Ngài đã trở nên mối tương quan “bình an”, đó chính là bởi vì con người không chỉ được làm cho nên công chính trên bình diện pháp lý, nhưng còn trong mức độ “hiện sinh”[5]. Thực vậy, lập luận của 5,9-11 vận hành theo chiều ngược lại: công việc của ơn cứu rỗi trong tương lai sẽ đòi hỏi Thiên Chúa “ít” sức mạnh hơn sự công chính/hoà giải đã thực hiện. Hoà giải là một sự chuyển đổi nền tảng hơn là chính sự chuyển đổi của ơn cứu độ cánh chung: đối với Thiên Chúa, ban sự sống cho thân xác hay chết của chúng ta thì dễ hơn là làm cho chúng ta trở nên những người công chính. Sự bình an mà Thiên Chúa thiết lập với các tín hữu nhờ vào ơn cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô rõ ràng là một ân huệ phi thường trong sự chuyển đổi trong thân phận con người của chúng ta[6].
Trong cách lập luận về sự hoà giải trong chương này, chúng ta thấy có sự tương đồng với cách lập luận trong thư 2 Cr Ngay cả khi chúng ta còn là người vô đạo (c. 6), tội lỗi (c. 8), nghĩa là những kẻ đứng về phía đối nghịch với Thiên Chúa, thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta (c. 6). Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết để cho chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa (c. 10). Vậy, Đức Kitô chính là Đấng hoà giải chúng ta với Thiên Chúa (c. 11). Sự hoà giải qua cái chết của Chúa Giêsu là một điều đã xảy ra trong quá khứ, và đây cũng chính là điều kiện để người tín hữu được trở nên công chính và nhờ đó có được đời sống ân sủng trong Thiên Chúa. Đời sống ân sủng này sẽ cứu chúng ta thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, điều sẽ xảy đến trong tương lai. Thế thì từ khi được hoà giải, được đón nhận ơn công chính, đến khi thừa hưởng trọn vẹn ơn cứu độ trong Ngày của Chúa, người tín hữu phải làm gì ? Chắc chắn không phải là một thái độ thụ động, nhưng phải làm thế nào để ơn Chúa mà mình đã lãnh nhận không trở nên vô ích. Điều mà Phaolô còn bỏ ngỏ trong đoạn này sẽ được khai triển kỹ lưỡng trong Rm 8, khi ngài trình bày về cuộc sống mới theo Thần Khí của những người được cứu độ trong Đức Kitô.
Hoà giải là một điều mà người kitô hữu đã đón nhận một cách nhưng không; hoà giải làm cho con người trở nên khác, trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô. Chính nhờ cái nhìn khác này, mà “một người Do Thái nhiệt thành với Lề Luật của Cha Ông” không còn nhìn Chúa Giêsu như một “kẻ làm điều ác” (Ga 18, 30), “tên phạm thượng” (Ga 19,7), nhưng là một “Thiên Chúa làm người” (Pl 2,6-11); cũng chính nhờ cái nhìn khác này mà một người ngoại giáo không còn chỉ thấy Chúa Giêsu như là một tên gian phi, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin Mừng cứu độ của Ngài do các tông đồ rao giảng. Hoà giải là một lời mời gọi giúp con người khám phá tình yêu Thiên Chúa và khả năng đáp trả của con người. Sự khám phá này cũng chính là kinh nghiệm Phaolô đã trải qua.
II/ Sự hoà giải, một kinh nghiệm của chính Phaolô
1/ Trước biến cố Đamas
Sách Công vụ Tông Đồ giới thiệu về một Saolô tàn phá Hội Thánh (8,3), và sự bách hại của ông càng ngày càng khốc liệt hơn (9,1-2). Từ một người thanh niên khiêm tốn giữ quần áo cho những người ném đá Stêphanô (7,58), trở thành một người tự nguyện đi bắt những người tin vào Chúa Giêsu, chỉ là một bước nhỏ. Lòng nhiệt thành với Lề Luật của Cha Ông và quá trình được đào tạo trong truyền thống biệt phái khiến ông không thể có một “cái nhìn khác” với quan điểm của những người lãnh đạo do thái vào thời điểm đó[7].
Sau khi kết thúc cuộc hành trình truyền giáo lần thứ III, Phaolô về đến Giêrusalem và bị những người Do Thái quá khích bắt ngay trong đền thờ. Trong khi ngỏ lời với nhóm người này, Phaolô trình bày một phần lý lịch của mình như sau: “Người Do Thái, sinh ở Tarse, nhưng được nuôi dưỡng tại thành Giêrusalem, dưới chân thầy Gamaliel, tuân giữ Lề Luật của Cha Ông một cách nghiêm nhặt” (22,3-5). Hai năm sau, trình diện trước mặt vua Agrippa, Phaolô cho biết thêm: “Tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pharisiêu” (26,5), “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giêsu người Nadarét” (26,9). Trong các thư của ngài, Phaolô cũng khẳng định về nguồn gốc do thái và một phần nào lý do về thái độ thù nghịch của mình (1 Cr 15,9; Gl 2,13-14; Pl 3,4-6).
Đối với Saolô, lựa chọn bảo vệ Lề Luật theo cách thế của những người lãnh đạo lúc bấy giờ là điều hợp lý, bởi vì “chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7). Cách lý luận này vẫn là nền tảng cho lựa chọn của Saolô, mãi cho tới ngày ngài nhận ra Giêsu dưới một cái nhìn khác.
2/ Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời Phaolô
Trong tư cách của một người đi bách hại, đáng lẽ phải là người chất vấn những người kitô hữu, Saolô lại bị một người đang bị bách hại chất vấn: “Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta ?” (Cv 9,4). Rồi người đó còn giải thích thêm: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5). Đứng trước sự việc lạ lùng này, Saolô không biết lý luận làm sao; ông không đòi hỏi người đối thoại giải thích rõ ràng hơn, ông đành để cho lý trí của mình bị khuất phục qua lời thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” (Cv 22,10).
Sự kiện được tiếp xúc với Chúa Giêsu Phục Sinh tự đồng hoá với những người anh chị em tín hữu nhỏ bé bị bách hại cũng đủ để thuyết phục Saolô rằng Đấng bị đóng đinh trên thập giá hiện đang sống. Bởi vì Ngài đang sống, nên sự kết án của Lề Luật, qua trung gian của những người lãnh đạo, không có hiệu lực. Điều này buộc Saolô phải đặt lại giá trị của Lề Luật, cũng như vai trò của Lề Luật như là nơi Thiên Chúa biểu lộ ý muốn của Ngài cách cụ thể nhất.
Hãy thử đặt mình vào trong trường hợp của Saolô, chúng ta sẽ thấy mình bị xâu xé đến mức độ nào. Là một người nhiệt thành phụng sự Lề Luật như là một cách thế biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa, bỗng dưng phải đặt lại vấn đề về giá trị của Lề Luật. Là một người đang truy bắt các kitô hữu, nghĩa là đứng về phía những “kẻ thù” của Đức Kitô, bỗng dưng được gặp Ngài trong vị thế của người chiến thắng, và để cho mình bị hoàn toàn khuất phục. Saolô không thể giải thích sự kiện này ngay lập tức, cũng không thể cứng lòng chối bỏ cuộc gặp gỡ này. Con người của ngài bị xâu xé và cần có thời gian để tìm được câu trả lời thích hợp và nhờ đó ngài đi đến chỗ thống nhất đời sống. Vì thế, ngài đã chọn một giải pháp hợp lý: “Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi sang xứ A-rập, rồi lại trở về Đamas” (Gl 1,16-17). Chính trong thời gian cô tịch trong sa mạc A-rập, Saolô đã có dịp phân tích và hệ thống hoá tất cả những điều mình hiểu dựa trên điều căn bản: Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại để cho con người có được sống mới, sự sống trong Thiên Chúa. Kinh nghiệm của sự hoà giải này được phản chiếu trong lý luận của cả hai đoạn văn quan trọng: 2 Cr 5,14 – 6,2 và Rm 5,6-11.
Sự gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh đã biến Phaolô thành một thụ tạo mới. Chúa Giêsu Phục Sinh đã đi bước trước để hoà giải kẻ bách hại và người bị bách hại. Nhờ sự hoà giải này, Phaolô khám phá ra giá trị của sự sống mới trong Thiên Chúa và dành hết cuộc đời còn lại của mình để thi hành tác vụ hoà giải qua việc loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chính kinh nghiệm của Phaolô đã giúp cho ngài khám phá ra mối tương quan giữa Đức Kitô và người tông đồ: hoà giải – công chính – hoà giải.
————————————————————————
Các tài liệu tham khảo:
1/ James Orr, The International Standard Bible Encyclopaedia, WM. B. Eerdmans,
2/ Anatole Bailly, Dictionnaire GREC FRANÇAIS, Hachette, 2000.
3/ Michel Quesnel, Les épitre aux Corinthiens, C.E. 22, 1977.
4/ Michel Trimaille, La réconciliation selon st. Paul.
5/ Bible Works
Câu hỏi thảo luận:
Sự hoà giải với con người tội lỗi bắt nguồn từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính tình yêu này đã giúp cho Phaolô vượt qua được những rào cản của tinh thần phe nhóm, để có thể nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện và ngỏ lời với mình, rồi sau đó chính ngài cũng trở thành tác viên của sự hoà giải. Là những thừa tác viên hoà giải, chúng ta cần sống tinh thần hoà giải như thế nào ?
[1] Michel Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 5.
[2] Anatole Bailly, Dictionnaire GREC FRANÇAIS, Hachette, 2000, tr. 1026.
[3] M. Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 5.
[4] Ibidem
[5] M. Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 6.
[6] Ibidem, tr. 7.