VÀ TÌNH YÊU MỤC TỬ
Lm. Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên
“Chân lý cần được tìm kiếm, khám phá và diễn tả trong ‘nhiệm cục’ bác ái, nhưng bác ái đến lượt mình, cũng cần được hiểu biết, khẳng định và thực hành trong ánh sáng của chân lý. Theo phương thức này, ta không những phục vụ bác ái được soi sáng bởi chân lý, nhưng ta còn góp phần đem lại tính khả tín cho chân lý, bằng cách chứng tỏ năng lực thuyết phục và chứng thực của chân lý trong bối cảnh cụ thể của cuộc sống xã hội. Đây là một vấn đề không nhỏ ngày nay, trong bối cảnh xã hội và văn hóa đang tương đối hóa chân lý, ít quan tâm đến chân lý và có thái độ ngần ngại, lẩn tránh chân lý”.[1]
Chúng ta không có thời gian và điều kiện để nói về tất cả những vấn đề liên quan đến chân lý, bác ái và xã hội. Chúng ta dừng lại ở “chủ nghĩa tương đối – relativisme” cùng những hình thái khác nhau của nó và từ đó rút ra vài suy nghĩ luân lý và mục vụ, để có được ý thức tương đối về chính mình và để tình yêu mục tử, là sức sống mục vụ, luôn được mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Đấng là CHÂN LÝ và TÌNH YÊU soi dẫn.
I. RELATIVISME – CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI[2]
“Tương đối chủ nghĩa” là “luồng tư tưởng xuyên suốt nhiều thế kỷ từ thời cổ hy lạp”[3], trong đó nhiều học thuyết khác nhau, cùng bảo vệ luận đề là ý nghĩa và những giá trị của các niềm tin và của những thái độ nhân linh không có những quy chiếu tuyệt đối siêu nghiệm (siêu việt). Những “thành công” của “tương đối văn hoá thuyết” từ hậu bán thế kỷ vừa qua, và hướng đi chính trị trong những năm 80, tại Tây Phương, đã củng cố ưu thế cũng như độc quyền của chiều hướng “tương đối thuyết”. Trong thực tế, “tương đối thuyết” liên hệ đến mọi lãnh vực tư duy và hoạt động của con người, xã hội…
Mặc dù từ ngữ mới được xác định vào thế kỷ 19, nhưng học thuyết này có những mầm rễ từ thời thượng cổ. Platon, với tác phẩm Théétète, trong bút chiến đã diễn tả Protagoras như một trong những người bảo vệ chủ trương tương đối (theo) cá nhân. Ngày nay người ta thường nhận Protagoras (485-411 TCN) là người đầu tiên chủ trương “chủ nghĩa tương đối” : “L’homme est la mesure de toute chose – Con người là thước đo vạn vật (mọi sự)”. Ông cho rằng sự thật tùy thuộc ở nhận thức của mỗi người, thực tại thế nào là tùy ở sự xuất hiện của nó đối với nhận thức của con người (être = apparaitre = phénomène). “L’homme est la mesure de toute chose” là “công thức” đầu tiên của chủ nghĩa tương đối. Từ đó đi đến chủ trương : luân lý, thay vì bất biến, sẽ chuyển biến theo các thể chế.
Tư tưởng “tương đối” được coi như một “phong trào” (luồng) với Sextus Empiricus (tk. II-III TCN) là người sáng lập phái Hoài nghi (sceptiques) nhằm đặt lại vấn đề về cách thế chung trong việc tiếp cận chân lý. Sau này Michel de Montaigne (1533-1592), David Hume (1711-1776), Friedrich Nietzsche mỗi người đều thừa kế và phát triển luồng tư tưởng này theo cách của mình…, với Nietzsche là “phả hệ luân lý – généalogie”.
“Chủ nghĩa tương đối” có thể là toàn bộ hay từng phần ; nhưng luôn tập chú vào những phán quyết về chân lý, phán quyết sẽ hiển nhiên bị loại trừ nếu nó không hoặc ít hợp lý. Tư tưởng “tương đối” ảnh hưỡng đến những phạm vi chuyên biệt như khoa học, tôn giáo, luân lý… Do đó cũng phái sinh những ý kiến khác nhau về văn hoá, về những phương tiện sản xuất, về những thời kỳ lịch sử hay vể phái tính, dục tính. Sau cùng “chủ nghĩa tương đối”, toàn bộ hay từng phần, có thể thuộc “nhận thức luận – épistémologique” hay “siêu hình – métaphysique), nghĩa là chủ trương cho rằng, không có tri thức tuyệt đối về chân lý, cũng như không có chân lý tuyệt đối, và như thế mọi đối thoại hay tranh luận nói cho cùng đều vô ích vì chân lý không được nhìn nhận như điều kiện tiên thiên – condition a priori. Luận đề “triệt để” trên dường như là thực tế của nhiều hình thái tư duy và thực hành hậu hiện đại (postmodernité).
1. Các hình thái của chủ nghĩa tương đối
a. Tương đối nhận thức luận
(relativisme épistémologique)
George Lakoff định nghĩa “tương đối thuyết” trong tác phẩm Metapgors We By (Les métapgores par lesquelles nous vivons), như một chủ trương nhằm loại bỏ cả chủ quan thuyết lẫn khách quan thuyết (subjectivisme và objectivisme) để tập trung vào những liên hệ giữa hai quan niệm, giống như chúng ta đặt mối liên quan giữa kinh nghiệm hiện nay của chúng ta với kinh nghiệm trước đó (đã qua). Trong “What is this thing called Science ?”, Alan Chalmers trích dẫn ý tưởng của Henri Poincaré : giá trị khoa học (kiến thức) có thể so sánh với giá trị các thư mục của thư viện, đó là sự hữu dụng của nó, và không là nhận thức đúng hay sai. Bruno Latour lưu ý rằng, ngược với “tương đối thuyết” không phải là “phổ quát thuyết – universalisme” nhưng là “chuyên chế độc tài – absolutism”.
b. Tương đối văn hoá
“Tư tưởng tương đối văn hoá” đã xuất hiện trước thế kỷ 19. Có thể tìm thấy tư tưởng này nơi Hérodote (484 hay 482 TCN), khi ông cố gắng diễn tả những phong tục tập quán của các dân tộc mà ông đã ghé thăm mà không kèm theo những phán đoán, đánh giá ; hàm ý tôn trọng mọi khác biệt về cách sống trong các nền văn hoá đó. Nói cách khác mỗi cá nhân cho là thật (chân lý) điều mà nền văn hoá của cá nhân đó cho là thật (đúng).
“Tương đối văn hoá” chủ trương rằng những niềm tin cá nhân luôn liên quan đến văn hoá tại nơi những niềm tin này được hình thành. Quan niệm này đưa tới chủ nghĩa tương đối trên bình diện luân lý, với lập luận là không thể xác định một luân lý tuyệt đối và phổ quát vì luân lý thoát thân từ phong tục xã hội và từ những định chế khác của con người. Do đó những giá trị luân lý chỉ là một đồng thuận văn hoá và chỉ có thể được áp dụng bên trong biên giới của mỗi nền văn hoá.
Đàng khác, chủ nghĩa “tương đối văn hoá” còn cho rằng, ngay trong những hoàn cảnh cùng một văn hoá, nhiều người vẫn không theo một bộ luật luân lý chung (code moral commun) vì những hoạt động của họ không phát sinh từ những cá nhân buộc phải xuôi theo sức ép xã hội.
Quan niệm này có thể diễn tả cách khác và cực đoan hơn : “mỗi người tạo cho mình một luân lý riêng khởi từ lịch sử”. Do vậy mỗi người xử sự hợp với tình cảm của mình, chấp nhận hay từ khước tất cả hay một phần lịch sử này.
Như vậy “Tư tưởng tương đối” loại trừ hiện hữu một nền luân lý tuyệt đối. Theo nghĩa này nó chống lại những luận đề của các tôn giáo mạc khải, vì các tôn giáo này đề nghị một luân lý tuyệt đối mà nguồn gốc và sự bảo đảm của nó là chính Thiên Chúa.
c. Tương Đối Luân Lý và Luân Lý Tuyệt Đối
Các triết gia duy tâm, như Kant, đã cố chứng minh duy nhất tính của “luân lý” bằng cách “thế tục hoá” luân lý kitô giáo như là luân lý duy nhất và phổ quát. Kant thiết lập một luân lý đặt trên lý trí nhưng với tiên đề là sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Các triết gia duy vật, như Spinoza hay Nietzsche, bảo vệ chủ trương nhân loại có nhiều nền luân lý bằng cách cố gắng tìm những tiêu chuẩn cho phép đánh giá một giá trị luân lý (“quelle est la valeur d’une valeur morale ?”). Sự thuận lợi hay mối nguy hại đối với cuộc sống, là tiêu chuẩn thường thấy nhất nơi những nhà tư tưởng duy vật. Những người theo “tương đối luân lý” cho rằng tính hợp pháp của một hành vi được qui định bởi các quan hệ giữa các cá nhân với nhau (đạo đức học) và của các cá nhân với chính mình (luân lý).
“Tương đối luân lý” có thể bao hàm nhiều ý nghĩa :
§ Theo phân tích miêu tả, đó là ghi nhận thực nghiệm cho thấy rằng có nhiều nền luân lý khác nhau giữa các xã hội, qua các thời đại và các vùng địa lý khác nhau ;
§ Theo quan niệm đạo đức học, thuyết tương đối liên hệ đến việc phân định đúng sai các giá trị và các phán quyết luân lý : có những sai biệt quan trọng giữa những cách phân định luân lý và những khác biệt đó đã biện bạch cho nhận thức là có thể có nhiều luân lý nếu mỗi luật luân lý có thể hành xử quyền của nó và đáp ứng những nguyên tắc, quy phạm. Do đó tiêu chuẩn tính của một nền luân lý có liên quan với nguồn gốc xã hội của nó ; Nguồn gốc xã hội này, qua toàn thể xã hội hay qua một nhóm xã hội, đã tác động lên tiêu chuẩn tính luân lý. Nó chỉ có thể được hiểu, được đón nhận trong bối cảnh giới hạn của những tín ngưỡng, những truyền thống, những thực hành tập thể.
§ Trong trường hợp trên, thuyết tương đối không chối tất cả sự đúng đắn của luân lý vì rất hợp lý việc một cá nhân sống theo một luân lý định hình từ nền văn hoá, từ xã hội hay từ nhóm người của cá nhân đó đặt ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những phân định này không đúng cũng không sai và nhận định này có thể dẫn đến sự phủ nhận giá trị khách quan (độc lập và siêu vượt mọi nền văn hóa hay xã hội đặc thù) của các phán quyết luân lý cũng như của các giá trị luân lý. Tương đối thuyết này có thể gọi là nihilism – thuyết hư vô (học thuyết phủ định mọi tồn tại của thực thể hay căn bản thực sự của chân lý).
Quan niệm này có thể diễn tả cách khác : “mỗi người tạo cho mình một luân lý riêng khởi từ lịch sử”. Do vậy mỗi người xử sự hợp với tình cảm của mình, chấp nhận hay từ khước tất cả hay một phần lịch sử này.
Tư tưởng tương đối chủ nghĩa loại trừ hiện hữu một nền luân lý tuyệt đối. Theo nghĩa này nó chống lại những luận đề của các tôn giáo mạc khải, vì các tôn giáo này đề nghị một luân lý tuyệt đối mà nguồn gốc và sự bảo đảm của nó là chính Thiên Chúa.
Thuyết tương đối luân lý chống lại luân lý tuyệt đối (morale absolue). Thuyết luân lý tuyệt đối chủ trương luân lý được ghi khắc bởi một bản tính tuyệt đối (John Rawls), bởi một nguồn bên ngoài như các thần linh (đối với nhiều tôn giáo) hay bởi chính bản chất vũ trụ (objectivisme). Các “đồ đệ” của luân lý tuyệt đối luôn chống lại “tương đối thuyết” ; một số trong họ coi “thuyết tương đối” này là phi đạo đức (immoralité) hay phản đạo đức (amoralité).
Quan niệm khách quan (conception objectiviste), khẳng định luật luân lý không lệ thuộc vào con người nhưng :
– Là những luật thuộc bản tính (triết học hy lạp và quan niệm chung) ;
– Là những lệnh truyền của Thiên Chúa (như Mười điều răn) ;
– Là những luật của lý trí, xét là hữu thể có lý tính nên con người phải vâng theo (Tommaso d’Aquino, Kant).
Theo quan niệm khách quan, những giá trị luân lý là vĩnh cửu, phổ quát và tuyệt đối ; do đó mọi thời mọi nơi người ta không thể thay đối hoặc triệt tiêu chúng. Ngược lại “chủ nghĩa tương đối” cho rằng những giá trị ấy thay đổi tuỳ theo xã hội, nhóm hay cá nhân. Do đó rất khó để lên án những thực hành thuộc về một xã hội khác xã hội mình (án tử hình, sự tùng phục của nữ giới, …).
d. Ethnocentrisme (đề cao chủng tộc mình)
và tương đối văn hoá thuyết
Tương đối văn hoá thuyết tương phản với ethnocentrisme : phán xử quy phạm luân lý của một xã hội bởi những người thuộc một xã hội khác là một hình thức ethnocentrisme ; một số nhà chủ trương “tương đối văn hoá” cho rằng người ta chỉ có thể bị phán xử theo sự thẩm định từ chính luật luân lý của xã hội họ mà thôi, những người khác lại cho rằng những luật luân lý khác nhau của những xã hội khác nhau thì vẫn có những phần chung có thể được sử dụng để đưa ra những phán quyết như nhau.
Hậu quả của quan niệm này là mọi phán quyết của một xã hội đặt nền trên luật luân lý của quan sát viên (ngoài luồng) là vô hiệu ; các cá nhân phải được phán xử theo những quy phạm luân lý của xã hội họ và không có môt bối cảnh rộng lớn toàn cầu mà trong đó những phán quyết này luôn luôn đúng. Đây là nguồn của các xung đột giữa “luân lý tương đối” và “luân lý tuyệt đối”, vì theo “luân lý tuyệt đối”, một xã hội trong toàn thể của nó có thể bị lên án vì việc chấp nhận những thực hành trái luân lý (pratiques immorales) như chế độ nô lệ, việc duy trì phụ nữ trong thân phận lệ thuộc hay án tử hình…
2. Những phê bình về tương đối thuyết
– Bình diện luận lý : Những người phản đối thuyết tương đối, như Alan Sokal, lưu ý rằng khẳng định theo đó “không (hiện hữu) có chân lý nào tuyệt đối khách quan” là sáo ngữ tự mâu thuẫn. Thật vậy, nếu phát biểu đó được chấp nhận như là đúng, khi ấy phát biểu đó phải áp dụng cho chính mình, và hậu quả là nó sai… Aristotele cũng phê phán Protagoras là tự mâu thuẫn, vì nếu con người là thước đo vạn vật, vậy lại không có một tiêu chuẩn nào nơi con người để phân biệt đúng với sai sao (Metafisica, 1062 b 14). Ngay cả thuyết tương đối của Einstein (theorie de la relativité) cũng chỉ nói lên một qui luật của tự nhiên, vì thế sẽ là sai lầm lớn nếu dựa vào đó để chủ trương mọi sự là tương đối.
– Bình diện đạo đức học : nếu mọi mệnh lệnh luân lý đều tương đương, nghĩa là đều có hiệu quả trên xã hội, như thế không có một Chân Lý tuyệt đối làm nền tảng qui chiếu phân biệt cái đúng với cái sai, khi đó tất cả đều hợp pháp ? Chính khẳng định về tương đối này lại muốn đặt mình thành “nguyên tắc tuyệt đối” dù mặc chiếc áo “không bắt buộc” của “chủ nghĩa tương đối”.
Hồng Y Joseph Ratzinger (trước ngày được chọn làm Giáo Hoàng) đã phát biểu trong diễn văn ngày 18/04/2005 : “chủ nghĩa tương đối” làm giáo thuyết tan bay theo gió (“laisser entrainer “à tout vent de la doctrine”“), và “ une dictature du relativisme qui ne reconnaît rien comme définitif et qui donne comme mesure ultime uniquement son propre ego et ses désirs – sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối là không nhận bất cứ điều gì là chung quyết và đặt ra chuẩn mực duy nhất tối hậu là chính cái tôi – ego và những ham muốn của nó”.[4] “Noi, invece, abbiamo un’altra misura : il Figlio di Dio, il vero uomo. È lui la misura del vero umanesimo – Ngược lại chúng ta có một chuẩn mực khác : Con Thiên Chúa, con người thật, Chính Ngài là chuẩn mực cho nền nhân bản đích thật”.[5]
II. VÀI SUY NGHĨ
Trong một bài báo đăng trên tờ Sunday Telegraph ngày 27.6 vừa qua, vị giám mục Anh giáo Paul Richardson đã quả quyết :
– Kitô giáo mất dần ảnh hưởng và các giá trị luân lý ngày một xuống thấp.
– Chúng ta đã không hiểu đầy đủ tính cách nghiêm trọng của sự thay đổi này đối với nền văn hóa đương thời, và đã không xử lý kịp thời đối với cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng hiện nay.
– Những vấn đề ấy và nhiều vấn đề khác là kết quả của việc mất niềm tin trong xã hội.
– Tuy nhiên, theo ông, vấn đề nằm bên dưới còn nghiêm trọng hơn nhiều : đó là việc đánh mất ý thức truyền thống về luân lý tính.
– Văn hoá – luân lý hiện đại đã trở nên một nơi “bất thân thiện” với niềm tin khiến con người tôn giáo không thể sống được nữa… Việc xuất hiện chủ nghĩa duy thế tục đem lại một xã hội thù nghịch đối với Kitô giáo, và nói chung niềm tin tôn giáo bị coi như “một thứ lệch lạc thuộc phạm vi tư”[6]
1. Đức tin và luân lý
Luân lý Kitô giáo là luân lý đến từ Đức Tin. Luân lý này đón nhận và kiện toàn luân lý tự nhiên. Luân lý kitô giáo là luân lý phổ quát cho mọi người mọi thời và mọi nơi. Nói khác đi luân lý kitô giáo không chấp nhận “luân lý tương đối” theo văn hoá hay theo chủng tộc hoăc theo nhận thức cá nhân . Con người (tập thể, cá nhân) không thể tự mình làm luật luân lý cho chính mình (ngược với luật tự nhiên).
Luân lý kitô giáo đặt nền trên mầu nhiệm Đức Kitô, được mạc khải trong Kinh Thánh và được cử hành trong Phụng Vụ.
a. Khủng hoảng luân lý (nơi kitô hữu)
bắt nguồn từ khủng hoảng đức tin
– Khủng hoảng đức tin do tiến trình tục hoá : kinh Thánh ít được đọc, đọc mà không tin (giải thiêng Kinh Thánh) ; Huấn quyền bị coi là lạc hậu ; đề cao tự do cá nhân nhất là tự do luân lý (tự do sex, tự do sống chung, tự do kế hoạch hoá gia đình)[7] ; luật cạnh tranh kinh tế phi đạo đức được hợp pháp hoá (gian dối, lừa, ép giá, khống giá… bất chấp hậu quả về công bằng, về sức khoẻ, về luân thường đạo lý)[8]. Dường như đức tin đang mất dần chỗ đứng (chi phối) trong suy nghĩ và hành động của kitô hữu trong một xã hội mà những giá trị luân lý tự nhiên vừa đang bị chà đạp, vừa đang là cản trở cho thăng tiến cá nhân về kinh tế, xã hội, chính trị. Đặc biệt khủng hoảng đức tin đến từ những khám phá khoa học tự nhiên : điều gì con người có thể làm được thì đều được phép làm (sinh sản vô tính, thụ tinh trong ống nghiệm, tạo phôi…).[9] Con người muốn tự trị, tự quyết tuyệt đối cuộc nhân sinh trần thế này.[10]
– Khủng hoảng đức tin có thể do chính những cử hành đức tin (Phụng Vụ) :
o Khung cảnh cử hành thiếu bầu khí thiêng thánh (nến hoa, ca hát, trang trí, đồ dùng phụng vụ, phẩm phục, âm thanh, ánh sáng…). Phải chăng bầu khí phụng vụ đang ít nhiều bị tục hoá ? Ưu tư phụng vụ nặng tính “hấp dẫn” quần chúng thay cho ưu tư thờ phượng và thánh hoá ?
o Vai trò chủ sự : tác phong phụng vụ (đi, đứng, ngồi, cách đọc…), nội dung chia sẻ đức tin và luân lý (thày dạy đức tin và luân lý !) đã đủ “xác tín” ?
b. Khủng hoảng luân lý có thể do não trạng “tương đối hoá”, duy mục đích, hoàn cảnh thuyết (éthique de situation, situation ethical : luật yêu là trên hết, cực đoan : vì yêu có thể làm những điều sai, mục đích biện minh cho phương tiện).
– Ví dụ, tôi thương nó quá (bạn, cháu…) nên tôi cố vấn nó mà như ép (vì uy quyền của tôi) lấy người mà đương sự không yêu, hoặc “chào hàng” bạn tôi (cháu tôi) với người mình nhắm cưới không đúng sự thật.
– Vì thương giáo dân nhất là giới trẻ nên tôi cắt bớt Phụng Vụ chỗ này, đắp thêm “sáng kiến” vào chỗ kia để Phụng Vụ “vui đẹp” hơn ! Biết đâu như thế chẳng làm “mầu nhiệm đức tin” cứ loãng dần.
2. Luân lý và văn hoá
Chủ trương luân lý tương đối chống lại Ethnocentrisme vì lấy luân lý của nền văn hoá A đánh giá luân lý của nền văn hoá B. Dĩ nhiên chúng ta không theo chủ trương luân lý tương đối, nhưng cũng nên cảnh giác :
– Lẫn lộn văn hoá-luân lý với đức tin : kinh nghiệm thương đau về đánh giá việc “tôn kính tổ tiên” trong quá khứ truyền giáo tại Viêt Nam là một bài học đáng nhớ.
– Trong việc truyền giáo cho anh em dân tộc bản địa có khi nào chúng ta áp đặt những thực hành luân lý của dân tộc (văn hoá) Kinh cho anh em dân tộc không ? Ngược lại cần cố gắng đem luân lý kitô giáo vào thẳng nền văn hoá của các dân tộc bản địa. Cần gìn giữ bản sắc văn hoá của họ trong ngôn ngữ, y phục, cách xử sự… (Mặc “giuýp” thay vì mặc ùi !… mọi sự đều “làm bằng tiếng Kinh hết cho tiện !). Vợ chồng người dân tộc đi đâu thường có đôi, thậm chí cả con cái nữa, cả nhà rất gắn bó thân thương với nhau. Nên lợi dụng phong tục này để giảng dậy và phát triển đức tin, văn hoá gia đình.
– Trong mục vụ hôn nhân : Người Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nhiều về phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó khi “dựng vợ gả chổng” cho con cái. Rất cần truyền đạt đến các bậc cha mẹ yếu tố quan trọng của hôn nhân kitô giáo là “tình yêu vợ chồng – amour conjugal, amore coniugale” bao hàm tự do và ý thức để hôn nhân thành sự và có điều kiện thật để đời sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc. Tình yêu vợ chồng sâu xa mới có được sự kính trọng nhau trong các sinh hoạt vợ chồng, trong việc sinh con có trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc… Cần phổ biến ý thức “cấm ép duyên” cho các cha mẹ và kể các linh mục lo cho đôi tân hôn : “… phải cẩn thận, không được dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường”.[11]
– Văn hoá “trọng” nam “khinh” nữ : Huấn quyền, đặc biệt Đức Gioan Phaolo II nhiều lần kêu gọi phải tìm mọi cách trả lại cho người nữ giá trị ngôi vị ngang với người nam trong đời sống gia đình, xã hội và tôn giáo[12]. Người linh mục trong sứ vụ mục tử (thày dạy đức tin và luân lý) cần quan tâm mang luân lý kitô giáo về vấn đề này đến với Dân Chúa, đến với xã hội qua việc giảng day giáo lý, chuẩn bị hôn nhân, mục vụ hậu hôn nhân, thăm viếng mục vụ… hay vì đó là văn hoá địa phương nên cứ để yên vậy, khỏi “rách việc” và nhiều khi còn có lợi nữa ! Biết đâu vô tình ta vẫn “coi” phụ nữ là “ngôi vị hạng hai”. Về vần đề “trọng nam khinh nữ” đối tượng cần nhiều nỗ lực và nhiều ơn Chúa để thay đổi là người nam.
LỜI KẾT
Từ xưa nhà ngộ giáo Carpocrate di Alessandria và các đồ đệ đã viện dẫn ví dụ minh chứng : Thích Ca, Môisen, Mani và Giêsu đã có cùng giá trị trên bình diện con người để củng cố cho lập trường “tương đối”.[13] Ngày nay trong đối thoại liên tôn, nhiều người sử dụng lại lập luận này khi muốn đặt Đức Giêsu Kitô ngang tầm với các vị sáng lập các tôn giáo khác như của Phật giáo, Hồi giáo, “Khổng giáo”. Hệ luận của việc “tương đối hoá” này là “tương đối hoá” mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô cũng như sự hiện diện và sứ vụ của Giáo Hội, của Tín Lý, Luân lý kitô giáo… Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin đã ra Tuyên ngôn Dominus Iesus (16.8.2000) để trình bày và khẳng định tính độc nhất và tính phổ quát của mầu nhiệm Cứu Độ của Đức Giêsu, sứ vụ cứu độ của Hội Thánh duy nhất trong tương quan với các tôn giáo khác : “Sự bình đẳng, được giả thiết trong đối thoại, phải qui chiếu về bình đẳng phẩm giá con người giữa các bên, không được qui chiếu về các giáo thuyết cũng không về Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa làm người, khi đối chiếu so sánh với các nhà sáng lập các tôn giáo. Quả vậy Giáo Hội được hướng dẫn bởi đức ái và bởi sự tôn trọng tự do, trước hết phải dấn thân loan báo cho tất cả mọi người chân lý được Chúa mạc khải dứt khoát trọn vẹn, và công bố sự cần thiết của việc hoán cải về với Đức Giêsu Kitô và của việc gia nhập vào Giáo Hội qua phép Rửa và các bí tích khác, để được chia sẻ trọn vẹn vào sự thông hiệp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đàng khác sự chắc chắn về ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa không buông lỏng, nhưng gia tăng bổn phận và sự khẩn thiết loan báo ơn cứu độ và việc trở về với Chúa Giêsu Kitô”.[14]
Như vậy Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể Dân Chúa, nhất là các linh mục xác tín vào mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô – mầu nhiệm cứu độ duy nhất – vào sứ vụ của Giáo Hội, vào giáo lý (tín lý, luân lý, Phụng Vụ…). Từ đó với tình yêu mục tử và với ý thức “bản thân mình là tương đối” chúng ta sẽ có thể lắng nghe, có thể đối thoại, có thể đồng hành với anh em mình (kitô hữu và lương dân) trong văn hoá Việt Nam, Kơhô, Churu… để vượt qua những bão tố đa diện của “chũ nghĩa tương đối”, để nhận biết và sống chân lý cứu độ duy nhất từ mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Đấng là “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
[1] Beneđicto XVI, Tông huấn Caritas in Veritate, s. 2. (Bản dịch của Đan Quang Tâm)
[2] Phần số I này được tóm lược theo Wikipédia tiếng Pháp, Ý, Anh và mục từ Relativisme trong “Dictionnaires critique de théologie” do J-Y Lacoste chủ biên, 1998.
[3] Raymond Boudon, Relativisme, trong “Dictionnaire des sciences humaines”, P.U.F., “Grands dictionnaires”..
[4] BenoÎt XVI, La dictature du relativisme ; Missa pro eligendo romano pontefice, omelia del cardinale Joseph Ratzinger, 18/4/2005 trong http ://www.vatican.
[5] Missa pro eligendo romano pontefice, omelia del cardinale Joseph Ratzinger, 18/04/2005 trong http ://www.vatican.
[6] Phát biểu của Hồng Y Cormac Murphy O”Connor trên tờ Sunday Telegraph 06.12.2008
[7] Xem Beneđicto XVI, Tông huấn Caritas in Veritate, s. 44.
[8] Xem Beneđicto XVI, Tông huấn Caritas in Veritate, s. 46.
[9] Xem Beneđicto XVI, Tông huấn Caritas in Veritate, s. 74.
[10] Beneđicto XVI, Tông huấn Caritas in Veritate, s. 78 “… Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân”.
[11] Gaudium et Spes, s. 52 ; chú thích số 63 trong bản dịch của GHHV PIÔ X nói về vấn đề này : “Các gia đình và đại gia đình (kể cả các linh mục lo cho đôi tân hôn) nên lưu ý tới câu này của Công Đồng.Vì ép duyên không những là tội bất công đối với thanh niên thiếu nữ có quyền lợi bất khả xâm phạm để lập gia đình và chọn người bạn, mà còn gây nên nhiều khó khăn và nhiều dịp tôi lỗi, không kể trường hợp hôn nhân bất thành vì mặc dầu hai bên đã ưng thuận, nhưng chỉ vì sợ hãi quá đáng (Giáo Luật, khoản 1087 (cũ), 1103 GL mới). Lạm dụng lòng hiếu thảo của con mình để ép duyên là điều không thích hợp với giáo lý công giáo”.
[12] Xem Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris Consortio, (22.11.1981), s. 22-24 ; cũng nên xem Benedicto XVI, Tông huấn Deus Caritas est, (25.12.2005) s. 4-5.
[13] Madeleine Scopello, Églises et identités culturelles in Les premiers temps de l”Église, collectif, Folio Histoire, 2004, p. 565
[14] Thanh Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus, (16.08.2000), s. 22.