LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN ĐÀLẠT
“VÌ HỌ, CON XIN THÁNH HIẾN CHÍNH MÌNH CON”
Ga 17, 9
TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
TOÀ GIÁM MỤC ĐÀ LẠT
16-22/02/2009
MỞ ĐẦU
LINH MỤC, CHỨNG TỪ SỐNG ĐỘNG
CỦA NGƯỜI RAO TRUYỀN
1. TÂM TÌNH MỞ ĐẦU.
Trọng kính Đức cha Phêrô,
Kính thưa cha Tổng Đại Diện,
Kính thưa quý cha và quý thầy,
Các cha thường nói đùa rằng ba việc khó nhất trên đời là “giảng cho cụ, giải tội cho mụ, bắt ve cho chó”. Hai việc sau không biết có đúng không, nhưng việc đầu tiên quả là chính xác : giảng cho các linh mục không phải là chuyện dễ. Càng khó hơn nữa khi người nghe giảng là người quen, vì tôi biết rất nhiều cha thuộc giáo phận Đàlạt, nhất là những cha cùng thế hệ với tôi….
Nói đến đây, tôi sực nhớ đến một câu chuyện … Năm 1991, tôi lên Bảo Lộc dự lễ truyền chức người em linh tông là Cha Điện, chính xứ Thánh Mẫu bây giờ. Lúc đó tôi đang làm thầy. Oái oăm là hôm đó vì không mang theo phù hiệu nên tôi bị trật tự từ chối không cho vào nhà thờ. Trớ trêu là người đuổi tôi lại là một cha đàn anh Giáo Hoàng Học Viện rất quen thuộc. Tôi tự nhủ không hiểu sao ngài lại có thể cư xử lạnh lùng với tôi như thế. Đến giờ ăn, anh em nhận ra nhau, ngài mới thú thật rằng : “Chú mày bây giờ sao mà xấu xa gớm ghiếc đến thế? Anh không nhận ra chú mày là đúng rồi !”. Thưa quý cha, vị đàn anh đó chính là cha Tổng Đại Diện kính yêu của chúng ta.
Mới ngày nào còn bị gọi là “chú mày” đây làm sao tôi dám ngồi mà giảng cho ngài được ? Không chỉ có cha Tổng đại diện. Trong số các cha có mặt, còn rất nhiều đấng bậc thầy, chẳng những là bậc thầy về tri thức, mà còn về linh đạo, tu đức, linh thao; còn rất nhiều bậc đàn anh, nhất là bạn bè đồng môn, đồng sự. Nếu không có một lý do đủ mạnh, chắc chắn tôi chẳng dám…
Nhưng tôi vẫn vâng lời Đức cha Phêrô, vẫn đến đây để giảng…Trước hết, vì Đàlạt là nơi tôi đã sống ba năm cuối cùng của tiểu chủng viện (Đức cha Nha trang gửi lên học trường Adran từ 1968). Đàlạt cũng là nơi tôi sống 5 năm đại học (1970-1975) và bảy năm Giáo Hoàng Học Viện (từ 1970 đến khi giải thể năm 1977). Trở lại Đà lạt, đối với tôi giống như một cuộc hành hương về với cội nguồn tri thức, nơi các vị ân sư đã đầu tư vốn liếng hành trang để tôi vào đời sứ mệnh, nhất là về với với cội nguồn ân nghĩa, vì Đàlạt cũng là xuất phát điểm nhiều cuộc hành trình tiến về Thanh hóa, dẫn đầu là Đức cha cố Batôlômêô Nguyễn sơn Lâm, rồi Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Đức cha Phaolô Nguyễn văn Đọc, của rất nhiều thế hệ linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ. Những chuyến hành trình đó đã hồi sinh giáo phận Thanh hóa sau một chặng đường dài bị thời thế vùi dập. Vì thế, sự có mặt của tôi hôm nay là để thay mặt giáo phận Thanh hoá nói lên lời cám ơn sâu xa chân thành đối với giáo phận Đà lạt.
Như vậy, tôi đến đây là vì tình nghĩa nhiều hơn là vì khả năng chuyên môn, bởi vì thú thật, tôi không có nhiều kinh nghiệm về giảng tĩnh tâm. Mãi đến 1992 tôi mới được chịu chức linh mục. Năm 1993, bề trên Nha trang sai tôi đi làm phó một giáo xứ ở Phan Rang rồi hai năm sau đi du học. Sau khi nhận nhiệm vụ Giám mục Thanh Hoá, tôi mới bắt đầu tập giảng tĩnh tâm…
2. TRƯỚC NGƯỠNG CỬA CUỘC TĨNH TÂM
Tuy nhiên, với số vốn kinh nghiệm ít ỏi đó, tôi đã nhận ra điều này : người giảng tĩnh tâm không phải là nhân vật chính, chỉ là khí cụ Chúa dùng. Khí cụ hay dở, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tác động của Chúa Thánh Thần – Đấng xử dụng khí cụ – và thái độ đón nhận của người tĩnh tâm. Người giảng tĩnh tâm chỉ là “ngón tay chỉ mặt trăng”, giữ vai trò thứ yếu là cố vấn cho người tĩnh tâm khám phá chân lý của vầng trăng là chính Thiên Chúa.
Về phía người tĩnh tâm, qua kinh nghiệm thu tập được ở một số nơi, tôi có cảm tưởng hầu hết đều có thói quen “khoán trắng” mọi sự cho người giảng và cho ban tổ chức. Chúng ta có cảm tưởng sốt sắng khi nghe bài giảng bùi tai. Chúng ta có cảm tưởng cuộc tĩnh tâm thành công nếu được ăn ngon ngủ kỹ, được ở phòng ốc tiện nghi, vừa ý. Thái độ đó là thái độ thụ động, lệ thuộc ngoại nhân và ngoại cảnh.
Không thể phủ nhận rằng những yếu tố đó góp phần đáng kể vào sự thành công của một cuộc tĩnh tâm. Nhưng đúng ra, chúng chỉ giữ vai trò hổ trợ chứ không quyết định sự thành công. Thành công của cuộc tĩnh tâm lệ thuộc phần lớn vào tinh thần tự nguyện tự giác của người tĩnh tâm. Tĩnh tâm là “vào sa mạc với Chúa” nên người tĩnh tâm cần phải tự nguyện khổ chế, tự nguyện thinh lặng, tự nguyện tiết giảm những nhu cầu bình thường của thế xác vốn “nặng nề”, ngõ hầu tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần được “hăng hái nhiệt thành”
Cuộc tĩnh tâm đúng nghĩa đòi chúng ta phải có thái độ của người “tầm sư học đạo”, nghĩa là tự ý và chủ động đi tìm kiếm “Đấng có lời ban sự sống”, đích thân tiếp xúc với Ngài. Thật ra, Chúa không đòi chúng ta phải làm tất cả. Ngài chỉ đòi chúng ta tỏ thiện chí muốn gặp Ngài. Một khi chúng ta đến được với Ngài rồi, Ngài sẽ làm tất cả mọi sự còn lại. “Hỡi những ai vất vả lao nhọc, hãy đến với ta, ta sẽ bổ sức cho, và tâm hồn anh em sẽ được an nghỉ”.
Cũng rất có thể khi muốn tĩnh tâm cách nghiêm túc, chúng ta lại rơi vào căn bệnh ngược lại. Chúng ta quá chủ động, hay nói cho rõ hơn, chúng ta quá tự tin về kiến thức của mình. Trong thư gửi người chị Céline, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết : “Tất cả mọi thứ diễn văn dù hay ho hùng hồn tới đâu cũng không thể làm phát sinh Tình yêu Chúa trong một tâm hồn nếu không có ơn Chúa kích thích bên trong”.
Martin Heidegger, triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, khi định nghĩa triết học, đã cho rằng người ta thường lẫn lộn “triết học” với “triết lý”. Triết học thuộc lãnh vực kiến thức; triết lý thuộc lãnh vực cuộc sống. Có những người có kiến thức triết học nhưng không phải là triết nhân, không sống triết lý. Tương tự như thế, chúng ta thường lẫn lộn “kiến thức tu đức” với “lòng đạo đức”. “Kỹ thuật nguyện ngắm” khác hẳn với “trao đổi thân mật”. Thiên về kỹ thuật, chúng ta trở thành người lý luận độc thoại “về Chúa” chứ không phải đối thoại “với Chúa”. Nói theo ngôn từ ngữ học, Chúa vẫn chỉ là đại danh từ “ngôi thứ ba”, tức người vắng mặt, chứ không phải là “ngôi thứ hai”, người đang trực tiếp đối thọai với chúng ta.
Bằng mọi giá, cuộc tĩnh tâm phải là một cuộc gặp gỡ sống động và thầm kín giữa chúng ta với Chúa Giêsu. Muốn vậy, chúng ta cần phải tạo được một cõi thinh lặng đủ để cách ly khỏi thế giới đời thường vốn rất ồn ào không cho phép chúng ta thực sự tĩnh tâm.
Một trong những tiến bộ kỳ diệu nhất của khoa học thời đại chúng ta là tin học. Chỉ trong tích tắc, chúng ta có thể liên lạc với người thân ở xa hàng nửa vòng trái đất. Nhưng những kỳ diệu đó đôi khi cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu điện thoại giúp chúng ta thông tin dễ dàng, nó cũng quấy nhiễu chúng ta trong những sinh hoạt cần thinh lặng như cuộc tĩnh tâm.
Chúng ta có thể duyệt lại một vài yếu tố đại loại như thế để tự đề ra cho mình những biện pháp giúp chúng ta thực sự lên núi với Chúa trong những ngày đặc biệt này.
3. CHỦ ĐỀ CUỘC TĨNH TÂM
Sau một vài lưu ý có tính cách “vệ sinh môi trường” trên đây, có lẽ điều mà các cha, các thầy đang thắc mắc là chủ đề cuộc tĩnh tâm. Khi nhờ tôi giảng tĩnh tâm, Đức cha Phêrô muốn tôi nói về các mối quan hệ giữa linh mục với các thành phần Dân Chúa khác. Tôi nghĩ rằng đề tài đó cũng rất phù hợp với thư chung 2007 của HĐGMVN bàn về vấn đề giáo dục Kitô giáo. Dành ra cuộc tĩnh tâm này để suy nghĩ về đề tài này cũng là cách chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của HĐGM cách cụ thể.
Khuôn khổ tuần tĩnh tâm không cho phép chúng ta đề cập đến tất cả mọi góc độ của một đề tài rộng lớn và phức tạp như giáo dục. Vì thế tôi chỉ xin giới hạn nội dung chia xẻ của tôi vào một vài khía cạnh của thư chung như sau :
Hơn ai hết, với tư cách là linh mục, theo ngôn từ của thư chung (2007) số 15, chúng ta phải là những “chứng từ sống động của người rao truyền” Tin Mừng….Mỗi chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc huấn luyện. Chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác”. Giáo dục luôn đi dôi với việc huấn luyện bản thân. Học phải đi trước dạy (Lc 22, 31-33). Chúng ta thường mang não trạng “thầy cả”, có nghĩa là biết mọi sự, dạy dỗ mọi người mà quên đi rằng bài chúng ta dạy phải hiệu quả đối với con người chúng ta trước. “Bao lâu còn là phần tử của Giáo hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta” (số 21).
Khi nói về sống đạo thư mục vụ 2006 ở số 4 của HĐGMVN nhấn mạnh rằng linh mục phải đi đầu trong mặt trận sống đạo. Cũng thế trong lãnh vực giáo dục đức tin, linh mục cũng phải là chứng từ sống động của một người đã thành công trong lãnh vực giáo dục bản thân.
Đã nói đến chứng từ là phải nói đến một cái gì rất cụ thể, sống động. Số 32 của thư chung triển khai ý tưởng này như sau : “mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không những là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gia 2, 17)”.
Thư chung 2007 số 34 cho rằng : “con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như nỗi sầu”. Sứ mệnh giáo dục đức tin của linh mục chúng ta chỉ thành công nếu chúng ta có quan hệ tốt với Chúa và với mọi người. Vì thế trong cụ thể, qua tuần tĩnh tâm này, chúng ta sẽ tuần tự duyệt lại những mối quan hệ chính tạo thành cuộc sống linh mục. Trước hết là mối tương quan của chúng ta đối với bản thân chúng ta, điều mà chúng ta cần phải rà xét lại trước ngưỡng cửa của bất kỳ cuộc tĩnh tâm nào. Mối quan hệ thứ hai có tính căn bản hơn, đó là quan hệ của chúng ta đối với Chúa Giêsu, “suối nguồn Tình yêu” (số 2), “điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định các giá trị căn bản của Tin Mừng” (thư chung 2006 số 4). Từ đó chúng ta có thêm ánh sáng để nhìn lại các mối tương quan khác đối với bề trên Giáo Hội, với anh em linh mục và với giáo dân.
Mỗi mối tương quan sẽ là một đề tài để chúng ta suy niệm trong tuần tĩnh tâm này. Như vậy, trừ bài mở đầu và bài kết thúc, chúng ta có tất cả năm bài. Dĩ nhiên, còn rất nhiều mối tương khác không kém phần quan trọng, chẳng hạn tương quan với nữ giới, giới trẻ, với chính quyền, với các tôn giáo bạn…nhưng khuôn khổ thời gian không cho phép chúng ta bao quát tất cả.
Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha : “vì họ, con xin thánh hiến chính mình con” (Ga 17, 9). Vì các môn đệ, Chúa Giêsu đã tôi luyện hun đúc bản thân mình để trở thành lợi ích cho các môn đệ. Tôi nghĩ rằng đó cũng là ơn mà chúng ta rất cần trong đời sống linh mục của chúng ta và cách riêng trong tuần tĩnh tâm này. Vì con chiên, chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết mài dũa huấn luyện chính bản thân mình.
Với những lưu ý có tính cách cương lĩnh đó, tôi kính chúc các cha, các thầy một tuần tĩnh tâm đầy dấu ấn thiêng liêng.
BÀI II
TƯƠNG QUAN VỚI BẢN THÂN
Sau bài mở đầu có tính cách cương lĩnh cho cuộc tĩnh tâm, chúng ta chính thức bước vào đề tài thứ nhất : mối tương quan của chúng ta với bản thân. Trong bối cảnh năm giáo dục đức tin, thể theo tinh thần của thư chung, mọi sự phải bắt đầu bằng bản thân, đúng như cha ông Việt Nam đã nói “tri kỷ tri nhân bách chiến bách thắng”. Muốn phục vụ đắc lực hơn, chúng ta phải biết mình rõ hơn, phải có một thái độ quan hệ mới mẻ hơn. Chúa Giêsu hoàn toàn có lý khi tuyên bố “sự thật sẽ giải phóng anh em”. Không biết mình đang ở đâu, đang trong tình trạng nào, không biết những thế lực nào đang xiềng xích con người mình, không thấy mình đang bị tệ nạn nào kiềm toả khống chế, chúng ta không thể nào thực hiện được cuộc giải phóng triệt để mà chúng ta hằng mong đợi mỗi lần chúng ta tĩnh tâm. Con người là thước đo vạn vật. Thước không chuẩn thì đo cái gì cũng sai. Nếu chúng ta sai lầm về chính bản thân chúng ta, mọi quan hệ còn lại đương nhiên cũng bị lệch lạc méo mó theo. “Linh tại ngã bất linh tại ngã” là vậy.
Ơn mà chúng ta cần xin trong giờ suy niệm này là phát hiện được con người thật của mình với tất cả những ưu điểm và cả những tật nguyền của nó. Nhờ biết mình cách chính xác, chúng ta hy vọng tìm được những biện pháp cụ thể để cải thiện đời sống. Nói một cách cụ thể hơn, mỗi lần chúng ta tĩnh tâm, đặc biệt là tĩnh tâm thường niên, chúng ta muốn làm lại tất cả. Đề tài này phần nào gợi ý cho chúng ta có một cái nhìn thấu đáo hơn về hiện tình tâm hồn chúng ta để từ đó, chúng ta canh cải cuộc đời chúng ta.
1. CẦN THIẾT PHẢI PHẢN TỈNH
Thật ra khái niệm tương quan với bản thân là một khái niệm triết học, theo đó, vì có khả năng “phản tỉnh”, con người có thể lấy chính mình làm đối tượng tư duy.
Các nhà khoa học cho biết cứ 7 năm, toàn bộ tế bào của con người thay đổi một lần. Chính nhờ sự thay đổi đó mà sự sống luôn luôn mới mẻ từ khi con người là một bào thai cho đến khi nó trưởng thành. Sự sống sẽ ngưng lại nếu không có thay đổi trong cấu tạo thể lý.
Về tinh thần cũng thế, trong mỗi chúng ta luôn luôn có hai cái “ngã”. Một cái “đang là” tức là hiện tình, hiện trạng của chúng ta, và một cái “phải là”, cái mà chúng ta phải vươn tới. Cần phải biết cặn kẽ về cái “đang là” chúng ta mới biết mình phải sống như thế nào để vươn tới cái “phải là”. Con người chúng ta luôn luôn là một công trình dang dở. Chúng ta có một phẩm giá phải kiện toàn. Điều đó chỉ khả thi khi chúng ta luôn luôn cảnh giác về những bất toàn của chúng ta. Số 33 thư chung HĐGMVN về giáo dục viết rằng : “Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung”. Cuộc chiến khám phá và kiện toàn bản thân là một cuộc chiến liên lỉ và triệt để cho đến khi chúng ta nhắm mắt lìa đời.
Thật ra, đó chỉ là một cách diễn tả khác về khái niệm hoán cải của Thánh Kinh. Hoán cải có nghĩa là nhìn lại mình để phát hiện bất cập rồi từ đó, khắc phục và tái thiết cuộc đời trên một cơ sở mới. Đó là sứ điệp đầu tiên của Gioan Tiền Hô và của Chúa Giêsu. Trong Giáo Hội có nhiều phương pháp tĩnh tâm khác nhau nhưng phương pháp nào cũng bắt đầu bằng hoán cải. Thánh Phaolô khi ngã ngựa, đã phát hiện sai lầm quá khứ nên đã hoán cải và từ đó đã bắt đầu một sứ mệnh hoàn toàn mới. Không có lần hoán cải đó, đã không có Phaolô Tông đồ dân ngoại.
Trước mỗi thánh lễ, linh mục chúng ta đều kêu gọi giáo dân hoán cải. Câu hỏi cần đặt ra là chúng ta kêu gọi giáo dân hoán cải, nhưng chính chúng ta có thực sự hoán cải không. Đó là vấn đề chúng ta cần phải đặt ra lúc khởi đầu cuộc tĩnh tâm này. Cần phải nhìn lại quá khứ để kiểm tra xem mình đã sống đời linh mục thế nào.
2. VỀ VỚI CĂN TÍNH LINH MỤC
Câu hỏi đó đòi chúng ta phải quy chiếu về căn tính linh mục của chúng ta. Để thấy được chúng ta đã trung thành hay không, chúng ta cần phải nắm vững chúng ta phải trung thành với cái gì. “Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục” ở số 2 định nghĩa rằng : “Do Bí Tích truyền chức, được thể hiện thông qua việc dặt tay và kinh thánh hiến của giám mục, phát sinh nơi con người linh mục một mối dây hữu thể đặc thù nối kết linh mục với Đức Kitô là linh mục tối cao và là Đấng chăn chiên lành”.
Từ ngữ quan trọng nhất trong trích đoạn trên đây là từ ngữ “hữu thể”. Có nghĩa là ấn tích truyền chức biến chúng ta thành một tạo vật mới do tương quan với Đức Kitô. Nói theo ngôn từ của Aristote thì mối quan hệ giữa linh mục và Chúa Kitô có tính cách bản thể chứ không phải là tùy thể. Trong thực tế, để hoán cải, để xét mình, để tìm lại chính mình, chúng ta cần xét xem ơn linh mục đã trở thành bản chất của chúng ta chưa, hay chúng ta xem và sống căn tính linh mục như một tùy thể.
Để đi sâu hơn, chúng ta có thể mượn hai khái niệm của triết gia Gabriel Marcel. “Có” (avoir) và “là” (être). “Là” diễn tả một cái gì thuộc bản thể, “có” là cái gì chúng ta sở hữu. Bản thể đi đôi với sự tồn tại, sở hữu có thể nay còn mai mất. Nhiều khi chúng ta không cố ý nhưng chúng ta sống tựa hồ như ơn bí tích thánh chức chỉ là những gì chúng ta sở hữu. Chức linh mục chỉ là một món trang sức cất ở đâu đó, khi cần mới đem ra sử dụng. Con người hoang dã vẫn còn đó, lấn át mọi sự của chúng ta. Chúng ta đã thụ phong, nhưng chúng chỉ “có chức” linh mục, chưa thực sự “là linh mục”.
3. GIẢI PHÓNG BẢN THÂN.
Xu hướng triết học có ưu thế nhất trong thời cận đại ở phương Tây, đó là hiện tượng luận. Hiện tượng luận cho rằng muốn tri thức chính xác về vạn vật, trước hết cần phải trả lại tự do cho tư duy, nghĩa là phải giải phóng tư duy khỏi mọi thứ ảnh hưởng chi phối nó, chẳng hạn như văn hoá, giáo dục, thành kiến, những cái người ta vẫn gọi là “nếp suy nghĩ”, có thể chi phối hoạt động của trí năng.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ y học để minh hoạ. Ở Au Châu, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân phải trút bỏ hết quần áo trước khi khám bệnh. Đối với người VN chúng ta thì rất ngượng nhưng đối với người Tây Phương, đó là chuyện bình thường. Nhưng xét cho cùng, điều đó hoàn toàn hợp lý, bởi vì có như vậy việc chẩn bệnh mới đạt độ chính xác cao.
Trong đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng thế. Nhiều thứ bóng tối đang bao phủ cuộc đời chúng ta nhưng có thể vì đã quá quen thuộc như quần áo nên chúng ta không còn cảm thấy nhu cầu trút bỏ. Có những căn bệnh trầm kha đang gậm nhắm đục khoét đời linh mục của chúng ta một cách nào đó mà chúng ta không thấy được tác hại của nó. Tất cả những thứ đó giống như những lớp bụi che phủ không cho chúng ta thấy ánh sáng bên ngoài chiếu vào, khiến chúng ta không còn cảm thấy nhu cầu đổi mới, không cho phép chúng ta thấy sự thật phải vươn tới.
Thánh Phêrô đã cảnh giác giáo đoàn của ngài rằng “Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức vì ma quỉ thù địch của anh em như sư tử gầm thét lượn quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”. Điều đáng sợ nhất là chúng ta không cảnh giác mà ma quỉ vẫn thường xuyên rình mò và hoạt động liên lỉ. Chúng ta không hề hay biết âm mưu của chúng, không có cảm giác bị chúng xâm chiếm.
Lúc còn nhỏ, tôi rất sợ tấm ảnh chết lành chết dữ trong đó có thằng quỉ đen chùi chũi, có sừng, có đuôi nắm tấm ra giường của người chết dữ để kéo họ xuống hỏa ngục. Tôi cũng nghe các soeurs dạy giáo lý giải thích rằng sở dĩ ta ngủ gục trong nhà thờ là vì có thằng quỉ ngồi trên đầu dùng hai chân đạp xuống mi mắt. Phải nhìn nhận rằng những lối diễn tả như thế cũng có hiệu quả sư phạm là giúp sợ tội nhờ hình ảnh gớm ghiếc về ma quỉ. Nhưng lớn lên, tôi thấy ma quỉ không xấu xí như thế. Ngược lại, chúng đội lốt những nhân vật rất hấp dẫn, khôn khéo dụ dẫm ta lạc vào mê hồn trận của chúng một cách êm ái nhẹ nhàng. Và chính vì thế mà chúng trở thành nguy hiểm nếu chúng ta không đủ cảnh giác như Thánh Phêrô đã lưu ý.
Những tật xấu thâm căn cố đế, những thói quen bệnh hoạn, những mối quan hệ không trong sáng… nhiều khi được che dấu bởi những bức màn rất đẹp đẽ. Tĩnh tâm là dịp để chúng ta đưa ra ánh sáng tất cả sự thật ẩn dấu đàng sau những bức màn đó. Cần phải xem xét thật kỹ để phát hiện những gì thần dữ đang thực hiện cách khéo léo trong tâm hồn chúng ta.
Chúng ta thường có thói quen thực hiện những cuộc tĩnh tâm giống như một thủ tục, một bổn phận. Không làm thì thấy thiếu, nhưng trớ trêu là làm mãi suốt đời cũng không có gì đổi thay. Chả lẽ lần này, chúng ta lại tiếp tục thực hiện thêm một cuộc tĩnh tâm vô hồn như thế?
Kết luận
Tất cả những suy nghĩ trên đây nhắm một mục đích cụ thể : qua cuộc tĩnh tâm này chúng ta phải phát hiện được những bóng tối đang bao phủ đời linh mục chúng ta. “Cẩm nang cho thừa tác vụ và đời sống linh mục” số 53 khuyên rằng : “Như bất kỳ giáo dân tốt lành nào khác, linh mục cũng cần xưng thú tội lỗi mình và những yếu đuối của mình. Người là người đầu tiên biết rằng viẹc thực hành bí tích này cũng cố đức tin và đức mến Chúa yêu người”.
Chúc các cha có được một lần xứng tội thật như các cha vẫn dạy và vẫn mong muốn cho giáo dân làm.
BÀI III
LINH MỤC VÀ CHÚA GIÊSU
Đối với linh mục, mối quan hệ căn bản nhất chính là mối quan hệ với Chúa Giêsu. “Kim chỉ Nam thừa tác vụ và đời sống linh mục số 7 viết rằng, “Linh mục phải ý thức rằng dời sống của mình là một mầu nhiệm hoàn toàn đâm rễ nơi mầu nhiệm Đức Kitô”. Ơn gọi linh mục tự bản chất là một mối quan hệ, quan hệ với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi và tuyển chọn linh mục. Nói cách khác, chúng ta chỉ thực sự là linh mục khi chúng ta ở trong mối quan hệ với Chúa Giêsu.
Định nghĩa mối quan hệ đó không phải là chuyện khó vì có rất nhiều sách vở tài liệu bàn về đề tài này. Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là định nghĩa quan hệ cho bằng thái độ quan hệ. Làm thế nào để sống mối quan hệ đó trở thành sống động, đó mới là vấn đề chúng ta phải bàn.
Bao nhiêu anh em linh mục đã ra đi, đã ngã xuống biết đâu chỉ vì mối quan hệ với CG không đủ nồng nàn và bền chặt trong đời linh mục của các ngài ? Cũng rất có thể đời linh mục của chúng ta không mấy an vui chỉ vì CG chưa có được vị trí ưu tiên.
Chúng ta hãy dành ra bài suy niệm này để xin CG giúp chúng ta canh tân được mối tương quan của chúng ta với Ngài, để nhờ đó chúng ta sống ơn gọi và sứ mệnh linh mục của chúng ta cách sâu xa hơn.
1. QUAN HỆ ÂN TÌNH.
Để ám chỉ sự kêu gọi của Chúa, tiếng Latin gọi là vocatio. Tiếng Pháp và tiếng Anh cũng dùng chữ vocation, chỉ có nghĩa đơn giản là “sự kêu gọi”. Nội hàm từ ngữ tương đương trong tiếng Việt xem ra phong phú hơn khi có thêm khái niệm “ơn” đi liền với sự kêu gọi. Quả vậy, sự kêu gọi của Chúa tự bản chất là một ơn nhưng không, bởi vì hoàn toàn do hảo tâm của Ngài.
Bản thân tôi đã cảm nghiệm điều đó cách khá rõ ràng khi chịu chức linh mục. Sau khi Giáo Hoàng Học viện giải thể năm 1977, tôi bị trả về gia đình làm ăn sinh sống. Hiện tại gian khổ, tương lai mù mịt. Thời gian chờ đợi chức linh mục là cả một cuộc phiêu lưu vô định vì không biết mình sẽ đi về đâu. Bề trên trong giai đoạn đó cũng bó tay. Nhưng may mắn là cuối cùng tôi cũng được chịu chức linh mục. Lúc đó ai cũng tấm tắc khen tôi kiên trì. Nhưng tôi không hề cảm thấy đó là kết quả sự kiên trì. Tôi ý thức rằng bản thân tôi không thể nào vượt qua một chặng đường chông gai như thế. Tất cả là do hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Bao nhiêu anh em lỗi lạc kẻ trước người sau đã ra đi. Chỉ còn lại mình : kém cỏi, mong manh…Tại sao ? Nhờ đâu, nếu không phải là ơn phù trợ của Chúa ?
Nhưng đó không phải là huyền nhiệm ơn gọi của tiêng tôi. Tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều cảm nghiệm như thế. Có nghĩa là, chúng ta còn lại đây, trong thiên chức linh mục, là do ơn của Chúa chứ không phải do tài năng hay công trạng của chúng ta. Tại sao Ngài đã chọn chúng ta mà không chọn người khác? Đó là một mầu nhiệm mà theo diễn tả của Chúa Giêsu, “ai có tai mời hiểu được”.
Dù sao, điều chắc chắn là thiên chức linh mục là một hồng ân đặc biệt Chúa chỉ dành riêng cho mỗi người chúng ta. Và đó chính là lý do đời linh mục của chúng ta phải là một đời tri ân. Trong kinh tiền tụng thứ bốn, có câu “lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Chúa”. Thật vậy, chúng ta tạ ơn Chúa không phải vì Chúa cần chúng ta. Chúng ta tạ ơn Người suốt đời vì ơn gọi là lý do khai sinh, lý do tồn tại và lẽ sống đời linh mục chúng ta.
Đức Maria trong kinh Magnificat, đã cho chúng ta một mẫu gương về lòng tri ân. Mẹ luôn cảm thấy tâm hồn chứa chan hạnh phúc vì lúc nào tâm hồn Mẹ cũng dạt dào niềm tri ân, lúc nào Mẹ cũng “hớn hở vui mừng” vì thấy Chúa luôn là vị ân nhân vĩ dại đã ban cho Mẹ và cho Dân Israel “Đấng cứu độ”. Cũng thế, đời linh mục của chúng ta chỉ thực sự bằng yên, hạnh phúc khi chúng ta ý thức mình là kẻ thụ ân, được CG tuyển chọn, yêu thương và đồng hành.
2. QUAN HỆ SỐNG ĐỘNG
Tin Mừng Mc 3, 13-19 kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ với một câu kết rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ngài kêu gọi họ “để họ ở lại với Người”. Các nhà chú giải cho rằng Tin Mừng Maccô được chia làm hai cuộc hành trình rất rõ rệt : cuộc hành trình thứ nhất từ đoạn 1 đến đọan 8 là cuộc hành trình băng qua Galilê. Đây quả thật là mùa xuân của ơn gọi vì các môn đệ không làm gì hơn là ở bên cạnh Chúa Giêsu.
Điều rất đáng ngạc nhiên là cuộc hành trình thứ nhất này kết thúc bằng câu hỏi “các con bảo thầy là ai?” (Mc 8, 26), có nghĩa là Chúa Giêsu thăm dò sự hiểu biết của các môn đệ về chính Người. Nếu gọi Chúa Giêsu là sư phụ, chúng ta có thể nói được rằng chưa biết đủ về sư phụ, sư phụ sẽ không cho xuống núi. Lời tuyên xưng của Phêrô “Thầy là Đức Ktô” (8, 27) có thể được xem như Phêrô đã “thi đậu” trong cuộc phỏng vấn của Chúa Giêsu : Phêrô có thể xuống núi vì đã đạt trình độ hiểu biết về sư phụ Giêsu.
Cuộc hành trình qua Galilê vừa nhắc đến trên đây kết thúc với việc chữa người hành khất mù tên là Bartimê tại Giêricô. Được chữa lành, anh ta đã vất áo choàng lại, bước theo CG lên Giêrusalem. Dường như Marcô coi Bartimê như biểu tượng của những ai đã nhận thức được hoàn toàn ơn gọi của mình. Trước đó, anh chỉ làm được một việc duy nhất là ngồi bên vệ đường (10, 6). Sau khi nhận ra Chúa anh mới có thể bước theo Ngài (10, 52). Từ bài học về Bartimê, ta có thể kết luận rằng bất cứ ai không nhìn thấy, không nhận ra CG đều không thể đi theo Ngài và bất cứ ai không đi theo Ngài đều không nhận ra Ngài. Lòng tri ân sẽ nồng nàn hơn, cụ thể hơn nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động của vị đại ân nhân đã kêu gọi chúng ta.
Một cha bạn truyền giáo ở Kontum đã chia sẻ với tôi kinh nghiệm này : người dân tộc Tây nguyên có cảm thức về linh thánh rất cao. Họ tham dự cử hành phụng có khi đông hàng vạn mà vẫn im phăng phắc từ đầu đến cuối. Có lẽ vì trước khi gia nhập đạo, họ đã quen kính sợ thần rừng thần núi nên họ ý thức dễ dàng hơn về sự vĩ đại của Thiên Chúa.
Ngược lại, hiện nay ở phương Tây, người ta lại nói rất nhiều đến một căn bệnh đức tin, đó là căn bệnh mất cảm thức về linh thánh. Vì thế mà người ta rơi vào chủ nghĩa dửng dưng tôn giáo (indifférentisme religieux), cho rằng đã đến lúc nên loại trừ tôn giáo vì không cần thiết nữa.
Điều đáng báo động là có khi chính linh mục chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thời đại đó. Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa lúc tôi còn bé, một hôm có một vị linh mục, sau khi truyền phép bánh, đã rời cung thánh bước xuống lòng nhà thờ bạt tai một cụ già rồi trở lên truyền phép máu thánh. Lý do chỉ vì cụ già đó cầu nguyện quá to tiếng khi ngài đưa Mình Thánh Chúa lên cao cho giáo dân thờ lạy sau khi truyền phép.
Chính bản thân tôi cũng là nạn nhân những hành vi như thế. Chỉ vì có con kiến lẫn vào, cha xứ đã hắt cả bình rượu vào mặt tôi hôm đó giúp lễ.
Hy vọng rằng chỉ vì nóng tính không kềm chế được, nên các linh mục trong những câu chuyện trên đã có những hành vi như thế. Nhưng cũng rất có thể vì các ngài thiếu ý thức về sự hiện diện linh thiêng của Chúa trên bàn thờ. Nếu cảm nghiệm được sự hiện diện thiêng liêng cao trọng của Chúa chắc chắn các ngài không dám làm như thế.
Đôi khi cách cử hành cẩu thả, lôi thôi của linh mục chúng ta cũng khiến cho giáo dân ngờ vực, không biết các cha có đức tin không. Mới đây tôi nghe một giáo dân đạo đức than phiền rằng “Thưa Đức cha, con thấy cha X lúc mới chịu chức xem ra được lắm. Không hiểu sao bây giờ có vẻ như ngài bị lãnh cảm về thiêng liêng”. Tôi giật mình vì cách dùng từ của người giáo dân này, nhưng một cách nghịch lý, lại thấy chữ “lãnh cảm” thật chính xác. Có thể chúng ta đang bị lãnh cảm thiêng liêng như phát biểu của người giáo dân trên đây.
Vì thế bằng mọi giá, chúng ta phải củng cố lại sự hiện diện của CG trong đời chúng ta, một sự hiện diện phải đủ nồng độ để bảo đảm sự gắn bó của chúng ta với Ngài mọi nơi mọi lúc.
Khi muốn đặt Phêrô làm thủ lãnh nhóm 12, CG không thẩm vấn Phêrô về tay nghề. Chúa chỉ hỏi ông “anh có yêu mến ta không?”. Như vậy điều kiện của CG là tình yêu. Đó cũng là điều kiện Chúa đặt ra cho linh mục chúng ta. Con tim và cuộc đời linh mục phải đầy ắp Chúa Giêsu.
3. XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ.
Những ý tưởng trên đây cho chúng ta thấy rằng để đứng vững trong đời linh mục, chúng ta cần phải tạo lại chỗ đứng cho Chúa Giêsu, phải đặt Ngài vào vị trí hàng đầu trong đời sống linh mục. Hay nói theo ngôn từ của Đức Gioan Phaolô II, cần phải « xuất phát lại từ Đức Kitô ».
Một số nơi ở miền Bắc, người giáo dân vẫn còn giữ thói quen đi qua nhà thờ bỏ mũ cúi đầu. Chúa đối với họ Chúa vẫn còn rất gần gũi. Họ chào hỏi Ngài thường xuyên mỗi khi có dịp gặp, đi qua hoặc tưởng nhớ Ngài.
Chắc các cha cũng đã đọc câu chuyện cha Don Camillo. Qua cách phản ứng của nhân vật này, ta dễ có cảm tưởng ngài là người ngớ ngẩn. Nhưng đọc kỹ, chúng ta sẽ đó là một mẫu linh mục sống đức tin rất mạnh mẽ, cụ thể và triệt để : luôn luôn dành chỗ ưu tiên cho Chúa Giêsu trong mọi tình huống cuộc đời, chia xẻ vui buồn với Ngài và xin Ngài chỉ đạo tất cả mọi công việc.
Đó cũng là điều mà trong đời linh mục, chúng ta phải đạt được trong mối quan hệ đối với Chúa Giêsu. Thường chúng ta chỉ giới hạn mối quan hệ đó trong phạm vi cử hành phụng vụ. Nhưng đúng ra nó phải bao trùm cả cuộc sống của chúng ta.
Có lần, lúc tôi còn là một cha phó, có một giáo dân già gần trăm tuổi đã nói với tôi : “thưa cha, con nhớ các cha ngày xưa hay viếng Thánh Thể lắm nhưng sao bây giờ không thấy các cha làm như thế nữa ?” Tôi hơi bất bình tự nhủ : “đâu phải hễ viếng Chúa là phải trình cho cụ đâu”. Nhưng nghĩ lại, tôi cảm thấy xấu hổ vì nhận xét của cụ giáo dân phản ảnh đúng một phần sự thật về các linh mục thời đại.
Trong khoá tu nghiệp dành cho giám mục tân nhiệm cuối tháng 9-2007 tại Roma, có vị đã báo động rằng càng ngày càng thấy các linh muc ít xưng tội. Phải chăng đàng sau những tiêu cực đó, tương quan giữa Chúa Giêsu với linh mục đang trên đà suy thoái ?
Kết luận
Chúng ta hãy mượn lời thánh Phaolô để tự nhắc nhở mình : “Đã đến lúc phải canh tân niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 8).
BÀI IV
LINH MỤC VÀ GIÁM MỤC
Chúng ta đã bàn về mối tương quan với Chúa Giêsu. Đó là một mối tương quan hàng dọc. Hôm nay chúng ta chuyển sang những mối tương quan hàng ngang, nghĩa là giữa con người với nhau, giữa linh mục và các thành phần Dân Chúa khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng mối tương quan của linh mục đối với giám mục.
“Không có thừa tác vụ linh mục ở ngoài sự hiệp thông”. Đó là lời khẳng định của “Cẩm nang cho thừa tác vụ và đời sống linh mục” (số 21). Đã nói đến linh mục là phải nói đến hiệp thông. Bí tích truyền chức đặt linh mục trong mối quan hệ hữu thể đối với mọi thành phần Dân Chúa, từ Giáo Hoàng cho đến giáo dân. Nhưng chúng ta không có đủ thời gian để bàn tới tất cả mọi đối tượng của thế giới hiệp thông rộng lớn đó. Chúng ta chỉ có thể đề cập đến một vài đối tượng có tính cách chủ lực, trong đó không thể không nhắc đến mối quan hệ của linh mục đối với giám mục.
1. CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI HỌC.
Trước hết chúng ta hãy trở về với cơ sở thần học của mối quan hệ giữa giám mục và linh mục.
Khi thụ phong, chúng ta được khai sinh trong chức linh mục, có nghĩa là chúng ta trở thành thành viên của một trật tự mới, trật tự mà Giáo Hội học gọi là Phẩm Trật. Trật tự đó trước hết là một cơ chế, nghĩa là một tổ chức nhân sự y như bao tổ chức trần thế khác.
Nhưng ngoài tính cơ chế, GH do Chúa thiết lập, theo ngôn từ của Thánh Phaolô, còn là một nhiệm thể trong đó, mọi bộ phận và chi thể chỉ hoạt động được trong thế liên kết với nhau và với một đầu não duy nhất. Không thể tách rời linh mục ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội và cách riêng là với giám mục. Mối quan hệ đó là điều kiện bất khả kháng mang tính sinh tồn, chứ không phải là nhiệm ý, muốn thì quan hệ không muốn thì thôi. Nếu diễn tả theo triết học của Gabriel Marcel, chúng ta có thể phát biểu rằng tự bản chất, linh mục “là”quan hệ với giám mục chứ không phải “có” quan hệ với giám mục.
Giám mục là người kế vị các tông đồ, và nhờ tính tông truyền đó, ngài trực tiếp nhận chức linh mục từ Chúa Giêsu. Linh mục là người chỉ thông dự vào chức linh mục viên mãn của giám mục nên linh mục chỉ là linh mục khi hiệp thông với giám mục. Sứ mệnh của linh mục thật ra là sứ mệnh của giám mục, dù giám mục có thế nào đi nữa.
Cũng vì vậy mà truyền thống thần học của Giáo Hội vẫn luôn coi giám mục là nguyên lý hợp nhất cộng đoàn. Trong mỗi thánh lễ, chúng ta đều cầu nguyện cho giám mục giáo phận. Người Việt Nam chúng ta thường cả nể, nhắc đến tất cả các giám mục đang sống trong giáo phận và cho cả các đức cha khách đang có mặt. Nhưng đúng theo phụng vụ, chúng ta chỉ cần nhắc đến một mình vị giám mục đang cai quản giáo phận là đủ. Không phải là xem thường các vị khác, nhưng khi chỉ nhắc đến một vị bản quyền, Giáo Hội muốn nói lên tính duy nhất của cộng đoàn Giáo hội qua một vị thủ lãnh duy nhất.
Qua một vài nét phác hoạ trên đây, chúng ta thấy rằng mối quan hệ giữa linh mục và giám mục là một mối quan hệ có nguồn gốc thần linh, chứ không phải hàng ngang mà thôi.
2. KHỦNG HOẢNG HIỆN NAY
Đáng buồn là những giá trị đó hiện nay đang bị đe doạ. Do ảnh hưởng của não trạng dân chủ, nhân loại khắp nơi đang trải qua một cuộc khủng hoảng về quyền bính. Khủng hoảng đó lây nhiễm cả vào Giáo Hội. Người ta không chấp nhận quyền bính cách dễ dàng như xưa nữa. Thậm chí có khi người ta nhạo báng chức sắc của Giáo hội một cách trắng trợn sống sượng. Kể cả Đức giáo hoàng người ta cũng không tha.
Không phải ở phương Tây mà thôi. VN của chúng ta cũng đang đi dần vào khủng hoảng. Tôi có một cha thầy cũ thuộc hội thừa sai Paris được chỉ định đi truyền giáo tại Nhatrang. Ngài kể chuyện rằng sau khi chịu chức linh mục, Đức Cha Marcel Piquet Lợi lúc đó là giám mục Nha trang đã ra lệnh cho ngài học văn chương cổ ngữ ở đại học Sorbonne để sang Việt Nam dạy chủng viện. Ngài thưa với Đức Cha : “xin Đức cha cho con qua Nha-trang ngay chứ bây giờ con hơi lớn rồi nên ngại học quá”. Thế là đức cha Piquet đùng đùng nổi giận cảnh cáo rằng : “Ở Việt Nam linh mục vâng lời giám mục chứ không phải nói gì cũng cãi như bên Pháp. Hoặc cha đi học hoặc tôi không nhận cha vào Nha trang nữa”.
Như vậy trong tâm khảm của Đức cha Piquet, ở VN chưa có khủng hoảng. Điều đó có lẽ nay không còn nữa. Chức giám mục tại Việt Nam cũng đang càng lúc càng bị xem thường, nhất là từ khi có mạng lưới internet. Thông tin nhanh là một kỳ diệu của nền văn minh tin học nhưng cũng là con dao hai lưỡi, có khi gây ra thảm kịch, tai vạ. Người chống đối Giáo Hội tha hồ báng bổ, người bất mãn bôi bác lãnh đạo, người tiểu nhân trả thù cách đê tiện, người nông cạn loan tin thất thiệt….Rốt cuộc uy tín của giới lãnh đạo Giáo Hội bị thương tổn, sứt mẻ.
Sau biến cố tháng 04-1975, do tình hình xã hội phức tạp nên Toà thánh thường chọn người trong địa phận làm Giám mục. Giải pháp này vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực vì vị giám mục nắm vững hiện trường công tác hơn, nhưng tiêu cực vì việc lựa chọn ứng viên không còn giữ được tính độc lập nữa. Nó bị bao nhiêu là yếu tố nhân loại xen vào, tạo ra thảm kịch vạch áo cho người xem lưng và có khi lật đổ nhau cách trắng trợn. Giám mục chỉ còn là thắng lợi hay thất bại của một thế lực hoặc một phe nhóm nào đó.
Do vô tình, chúng ta sa vào nhiều thứ bẫy, bẫy của đối phương, bẫy của kẻ ham danh háo lợi. Cuối cùng chức giám mục và linh mục chẳng còn gì là thiêng thánh nữa. Linh mục không thấy nơi giám mục người Chúa chọn, không thấy đấng kế vị tông đồ nữa, không thấy mình là người phải vâng lời giám mục. Nếu phải vâng lời thì đó chỉ là thế bắt buộc. Hậu quả là hiện tượng nói xấu, kiện cáo giám mục càng ngày càng phổ biến.
3. GIÁM MỤC LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI?
Làm thế nào để phục hồi mối quan hệ đúng đắn đối với GM? Tông huấn Pastores dabo vobis nhắc nhở rằng, điều quan trọng không phải là mối quan hệ nhưng là thái độ quan hệ. Muốn quan hệ tốt, chúng ta phải có những ý nghĩ tích cực về GM.
Trước hết, linh mục cần phải tin vào tình thương GM dành cho linh mục. Mỗi lần nhìn các cha xứ từ vùng sâu vùng xa về thành phố, đèo bồng đủ thứ trên một chiếc xe hai bánh, tôi cảm thấy thật bùi ngùi, nghĩ rằng linh mục của mình vất vả lo cho con chiên. Mỗi lần đi qua La vang, dù có vội đến mấy, tôi cũng tìm cách ghé vào thăm Đức Mẹ, gửi gắm địa phận cho Đức Mẹ, nhất là để cầu nguyện cho các linh mục giáo phận được trung thành với ơn gọi. Tôi đặc biệt nhớ đến những linh mục đang gặp khó khăn để xin Đức Mẹ đỡ đần cứu giúp. Mỗi lần xuất ngoại, tôi luôn bận tâm tìm một món quà nào đó để mua cho các cha. Không riêng gì tôi, hầu hết các đức cha đều làm như thế.
Không phải bỗng dưng có thể dành cho linh mục một niềm thương đặc biệt như thế. Phải chăng đó là “ơn bổn phận” (grâce d’état) Chúa ban cho giám mục ? Nếu LM có thể thương yêu cộng tác viên thân cận của mình cách dễ dàng thì GM cũng thế. Còn ai thân cận với giám mục bằng linh mục? Cách thể hiện có thể vụng về nhưng điều chắc chắn là giám mục yêu thương linh mục. Linh mục cần phải tin vào điều đó. Bởi vì có như thế, linh mục mới cảm thấy dễ chịu trong mối quan hệ với ngài và nhờ đó, thông cảm dễ dàng hơn với những bất toàn của ngài, tạo điều kiện thuận lợi hơn để ngài kiện toàn bản thân ngài. “Kinh nghiệm cho thấy giám mục càng lo huấn luyện bản thân mình bao nhiêu, thì càng biết khuyến khích và nâng đỡ việc huấn luyện linh mục đoàn của mình bấy nhiêu” (“Kim chỉ nam linh mục” số 89).
Linh mục cũng như giáo dân VN thường có xu hướng thần thánh hoá GM nên dễ rơi vào khuyết điểm đòi hỏi GM quá sức ngài. Chúng ta muốn giám mục phải là người xuất chúng vạn năng, giải quyết tất cả mọi vấn đề cách hoàn hảo, vừa ý chúng ta mà quên rằng giám mục phải chọn một trong muôn vàn phương án thường là khác với phương án và kế hoạch của chúng ta. Người nào cũng cho phương án mình là tối ưu nhưng trong tư cách lãnh đạo, GM chỉ được quyền chọn một phương án mà thôi. Bất mãn vì GM không làm theo ý mình đó là điều quá đáng.
Đã là giám mục, ai cũng đều muốn vừa lòng càng nhiều người càng tốt. Điều đó thường là bất tòng tâm. Nếu trong xứ đạo đôi khi linh mục chúng ta thấy lúng túng không biết phải quyết định thế nào trong một số công việc thì giám mục đối với linh mục cũng vậy. Đôi khi thoạt nghe thoạt thấy cách làm của giám mục, chúng ta vội phê phán mà quên đi rằng đó là hồ sơ ngài phải xử lý nên ngài nắm vững cặn kẽ, phải xem xét kỹ lưỡng và toàn diện hơn chúng ta, đang khi chúng ta chỉ thấy một góc độ thường là nông cạn và phiếm diện.
Kết luận
Chỉ cần đặt ra câu hỏi nếu là giám mục, liệu tôi có hơn giám mục của tôi không, chúng ta sẽ thấy ngay câu trả lời : chắc chắn là có những điều chính tôi không làm được nếu tôi là giám mục.
Thật ra vấn đề không phải là làm được hay không làm được cho bằng mối quan hệ của linh mục với giám mục có tốt đẹp không.
Chúng ta hãy xác tín rằng giáo phận lý tưởng là giáo phận trong đó linh mục và giám mục yêu thương nhau tận tình theo tinh thần của Chúa Giêsu đấng sáng lập Giáo Hội.
BÀI V
HIỆP THÔNG LINH MỤC
Sau mối tương quan với giám mục, mối tương quan ưu tiên thứ hai là mối tương quan giữa linh mục với nhau. Có thể nói được rằng hai mối tương quan này là thước đo sức khỏe của một giáo phận. Các linh mục hiệp thông chặt chẽ với nhau chung quanh giám mục, đó là một bảo đảm vững chắc cho sự hưng thịnh của giáo phận.
Tông Huấn “Pastores dabo vobis” số 17 đã diễn tả tình hiệp thông linh mục giống như tình anh em một nhà : “ Khi được sát nhập vào hàng linh mục, linh mục làm thành một đơn vị có thể định nghĩa như một gia đình thật sự”. Là thành viên của linh mục đoàn hay của cộng đoàn dòng tu, có nghĩa là linh mục có thêm một gia đình mới. Yêu sự nghiệp Chúa, yêu Giáo Hội, yêu giáo phận, linh mục phải luôn sống keo sơn găn bó với nhau. Đó là ơn chúng ta xin trong giờ suy niệm sáng nay. Ước gì tuần tĩnh tâm này là dịp để chúng ta quyết tâm thanh toán tất cả những gì làm suy yếu tình hiệp thông linh mục đoàn giáo phận Đàlạt.
Con xin tiếp cận đề tài hiệp thông linh mục dưới ba tiêu điểm. Tiêu điểm thứ nhất : tầm quan trọng của hiệp thông linh mục; tiêu điểm thứ hai : những biểu hiện phản hiệp thông; tiêu điểm thứ ba : chuyển xứ, tình huống thử thách tình hiệp thông.
1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA HIỆP THÔNG LINH MỤC
Thật ra, hiểu theo nghĩa sự liên đới giữa con người với nhau, tình hiệp thông không phải là một giá trị biệt loại của Kitô giáo. Tất cả mọi nền văn hóa đều đề cao tình hiệp thông liên đới. Nhưng thực tế cho chúng ta thấy rằng tình liên đới, tình hữu nghị, tình đoàn kết xã hội hoặc chính trị thường rất mong manh vì thường được xây dựng trên tương quan sức mạnh và tư lợi. Đó là điểm khác biệt giữa tình liên đới chính trị xã hội với tình liên đới Giáo hội. Đó cũng là lý do tại sao tình liên đới trong Giáo Hội mang tên là tình hiệp thông.
GH hữu hình cần đến một cơ chế chặt chẽ, nghĩa là cũng cần đến tình liên đới để hoạt động hữu hiệu. Nhưng tình hiệp thông không phải chỉ là nhu cầu của cơ chế. Ý nghĩa căn bản của tình hiệp thông hệ tại ở chỗ nó được xây dựng trên lệnh truyền, trên lời trăn trối sau cùng của Chúa Giêsu. Khi làm di chúc, người ta thường nghĩ đến việc phân chia tài sản vật chất cho người thân. Nhưng Chúa Giêsu không hề nhắc đến gia đình huyết tộc. Chủ thể thừa kế của Ngài chỉ là linh tộc của Ngài, những đứa con tinh thần, những ai Ngài đã chọn để kế tục sự nghiệp cứu thế của Ngài.
Nội dung di chúc của ngài không phải là của cải thế gian. Đối tượng chính trong bản di chúc của Ngài là tình hiệp thông : “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu”. Đó cũng là lời kêu cứu tha thiết nhất Ngài dâng lên Chúa Cha. “Xin cho họ nên một như Cha Con ta là một”. Không phải chỉ là một lời khuyên, một câu nói suông. Di chúc đó đã đi kèm với hành động : Đêm hôm đó ngài đã quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, đã gọi môn đệ là bạn hữu, nghĩa là nâng họ lên tầm quan hệ đồng đẳng và đã khẳng định đó là tột đỉnh của tình yêu : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng cho bạn hữu”.
Hiệp thông là ước nguyện sau cùng của Chúa Giêsu và từ đó, là nguyện ước của mọi thành phần dân Chúa. Giáo dân rất muốn thấy các linh mục yêu thương nhau. Càng thấy các cha quảng đại với nhau họ càng quý, càng hài lòng. Họ cũng rất vui khi các cha hiện diện bên cạnh nhau. Không hiệp thông với nhau chúng ta phụ lòng giáo dân biết bao ?
Không chỉ giáo dân mà thôi. Người bên lương và thậm chí cán bộ nhà nước cũng cảm nhận được nét đẹp đó. Sau lễ truyền chức linh mục của tôi, có một cha hỏi ông trưởng ban tôn giáo xem ông có cảm tưởng thế nào khi tham dự, ông trả lời rằng ông thích nhất là cử chỉ ôm hôn nhau của các linh mục.
Có một bản thăm dò đã khá lâu cho thấy rằng đoạn Thánh Kinh được linh mục ưa thích nhất đó là lời nguyện hiến tế của Giêsu trong Phúc Am Gioan. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì qua hình tượng của các tông đồ, các linh mục cảm thấy mình được Chúa Giêsu quan tâm cách đặc biệt, nhất là qua đó Chúa Giêsu phản chiếu được sự hiệp thông mà ai trong chúng ta cũng đều mơ ước. Thánh Phaolô kể lại rằng chính vào giờ phút bị phản bội, “trong đêm bị trao nộp, Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho cho các môn đệ mà nói : tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn”. Diễn tả một cách mộc mạc, ta có thể nói rằng lúc bị chơi xấu nhất là lúc chúa đã chơi đẹp nhất. Nghiền nát cuộc đời thành tấm bánh nuôi tình hiệp thông, ngay cả khi bị phản bội. Đó là bài học mà bằng mọi giá linh mục phải thực thi trong đời mình. Đối tượng hàng đầu chính là anh em linh mục của mình.
2. KỲ THỊ : KẺ THÙ CỦA HIỆP THÔNG
Nói đến hiệp thông là nói đến phản hiệp thông. Thủ phạm số một phá hủy hiệp thông là kỳ thị. Kỳ thị có nghĩa là không chấp nhận, là tẩy chay sự khác biệt. Thật ra Chúa sinh ra chúng ta không ai giống ai. Chúng ta rất khác nhau về gốc gác, khả năng, hoàn cảnh….v.v… Vấn đề là con người có thái độ nào đối với những khác biệt đó. Ở các nước tiên tiến phương Tây, người ta xem sự khác biệt là yếu tố làm cho xã hội con người được phong phú. Nguyên tắc của họ là “năng lực trên hết”, bất luận anh thuộc mầu da tầng lớp nào. Nguyên tắc đó giúp vượt qua được sự khác biệt, tính ích kỷ hẹp hòi, tận dụng được chất xám của mọi thành phần ưu tú và nhờ đó đạt được sự tiến bộ tối đa.
Ngược lại trong nhiều nước hậu tiến người ta lại xem sự khác biệt là một mối đe dọa. Và có lẽ vì vậy mà họ trở thành hậu tiến. Vì phe nó phái kia khác mình nên đe dọa sự tồn tại của mình nên cần phải loại trừ họ để độc chiếm quyền lợi. Xem ra người Việt Nam cũng lâm vào cách suy nghĩ hẹp hòi này. Xã hội VN đầy dẫy những hình thức phân biệt bạnt thù, lý lịch, công trạng, đặc quyền, ưu tiên…
Trong giới công giáo chúng ta cũng chẳng khá hơn. Đủ mọi thứ kỳ thị đang gặm nhắm và làm suy yếu Giáo Hội. Hình thức kỳ thị thường gặp nhất là tinh thần cục bộ địa phương. Có một thầy chịu chức linh mục khi tuổi đã cao. Có người hỏi tại sao muộn màng thế. Thầy ấy trả lời rằng : “tôi gốc địa phận X, nhưng ở ngay trong biệt khu địa phận Y nên chẳng ai đệ bạt. Vì thế mà chịu chức muộn màng”.
Những biệt khu như vậy nhan nhản khắp nơi trong giáo hội VN. Điều đáng buồn là linh mục thường kỳ thị hơn giáo dân. Tình trạng đau lòng đó đòi chúng ta phải can đảm mổ xẻ.
Xét cho cùng kỳ thị là một điều không có cơ sở tồn tại. Đa số các cháu Việt nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thích là công dân nước tiên tiến hơn là công dân Việt nam. Điều đó có nghĩa là khái niệm “địa phương” hay “đồng hương” là những khái niệm rất tương đối. Chỗ nào con người hạnh phúc, chỗ đó là quê hương. Thật là vô lý nếu ranh giới địa dư trở thành nguyên nhân chia cách lòng người. Trên thế giới người ta đang có xu hướng xoá đi ranh giới quốc gia để tiến tới một căn cước mang tính rộng lớn hơn ở cấp lục địa. Cộng đồng kinh tế Au châu, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, cộng đồng các nước Đông Nam á là những ví dụ điển hình. Cùng là người VN, cùng thuộc về một Giáo Hội, lẽ nào chúng ta lại “phân biệt chủng tộc” chỉ vì chúng ta sinh ra ở những tỉnh và địa phương khác nhau? Lần nào ở Pháp có biểu tình phản đối dân nhập cư, người ta cũng thấy biểu ngữ “tất cả chúng ta đều là nhập cư”.
Kỳ thị về trình độ cũng phi lý như thế. Mọi người chúng ta vào đời đều trần truồng như ông Gióp. Giỏi hay dở, giầu hay nghèo đâu phải tự chúng ta tạo ra. Tất cả vốn liếng chúng ta có được đều là do Chúa ban. Vậy chúng ta dựa vào đâu để khinh miệt người thua kém chúng ta?
Kỳ thị thế hệ, già than phiền trẻ, trẻ than phiền già cũng là kẻ thù của tình liên đới linh mục. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ già. Nếu chúng ta không tập quen với những suy nghĩ hài hoà thế hệ, chúng ta cũng sẽ làm phân tán sức mạnh của linh mục đoàn.
Tắt một lời, tất cả mọi thứ kỳ thị đều không có lý do tồn tại và tự nó là phản Tin Mừng. Ở sâu xa vấn đề những người có chủ trương kỳ thị là những người muốn độc chiếm một cái gì đó. Kỳ thị chỉ là cái cớ để loại trừ người này người nọ vì sợ họ chiếm mất chỗ mình muốn hoặc đe dọa nguồn lợi mình toan tính.
3. CHUYỂN XỨ VÀ HIỆP THÔNG LINH MỤC
Chỉ nói về những tiêu cực mà thôi là thiếu công bằng. Tôi đã thấy một cha nọ, gia đình đã đi Mỹ trọn gói, chỉ một mình ngài ở lại VN. Tiền bạc ngài rất dồi dào vì được cả dòng họ ở hải ngoại yểm trợ. Nhưng ngài đã dùng tất cả những nguồn tài trợ đó vào việc xây dựng giáo xứ do ngài coi sóc. Ngày được lệnh đổi xứ, ngài chỉ mang theo vừa đúng một chiếc cartable. Cha kế nhiệm ngài xúc động quá, đã gom một số đồ đạc ngài để lại chở về xứ mới cho ngài. Ngài từ chối và yêu cầu cha kế nhiệm đưa về cho nhà chung.
Những mẫu gương thoát tục như vậy không phải là hiếm. Chúng ta có quyền kiêu hãnh và chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã dùng sức mạnh Thánh Thần để cấu tạo những linh mục đáng khâm phục như thế. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng đã xảy ra những chuyện đau lòng tiêu cực khi linh mục chuyển xứ.
Trước hết có thể vì chúng ta quá gắn bó với của cải thế gian nên vô tình chúng ta trọng của hơn trọng người. Lúc còn làm thầy, tôi đã chứng kiến trường hợp một cha sau khi về xứ mới, đã trở lại xứ cũ lấy cái xích chó và cả cái bát nhôm móp méo cho chó ăn. Ngài nói nửa đùa nửa thật rằng con chó nó bị ghẻ nên ngài để lại nhưng cái xích thì ngài bảo ngài cần để xích con chó mới. Cha xứ mới cười méo mó đành phát biểu rằng vâng cha cần gì cha cứ việc lấy. Không cố ý nhưng vô tình cha xứ cũ đã xem trọng cái xích chó mà quên cả tế nhị với người anh em linh mục. Vì đặt nặng vấn đề tiền bạc nên nhiều khi cha không màng gì cha đến sau mình.
Một hình thức lỗi hiệp thông nữa cũng thường gặp là các cha hay chứng tỏ “trước và sau mình chẳng ai bằng mình”. Vì nghĩ như vậy nên xảy ra cảnh các cha đi bêu riếu nói xấu nhau, cha cũ cứ về xứ cũ để nghe ngóng và chê bai cha xứ mới; cha xứ mới tìm cách khai tử những gì cha cũ làm.
Hãy nêu cao tinh thần hiệp thông mỗi lần đổi xứ. Phải quan niệm đổi xứ là dịp làm lại cuộc đời, chia xẻ gia sản giáo phận với anh em linh mục, chia xẻ tài năng với anh chị em giáo dân, nhất là để trắc nghiệm tinh thần thoát tục, lòng can đảm của linh mục.
Ở Au châu, vì thiếu linh mục giáo quyền không có giải pháp nào khác hơn là gom nhiều xứ lại và đặt dưới sự điều hành của một cộng đoàn linh mục lo cho cả vùng. Người ta khám phá ra tằng linh mục triều không thể ở được với nhau.
Kết luận.
Giáo Hội VN được khai sinh từ một sự hợp tác quốc tế. Đọc lại lịch sử chúng ta thấy các nhà thừa sai thuộc nhiều quốc tịch và hội dòng khác nhau làm việc bên cạnh nhau một cách hài hòa. Chúng ta phải sống tình hiệp thông linh mục thế nào để xứng đáng với di sản đó ?
BÀI VI
LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN
Sau cuộc tĩnh tâm, chúng ta lại trở về với đời thường của chúng ta. Đối với đa số các cha, trở về đời thường có nghĩa là trở về với giáo dân. Có thể nói được rằng giáo dân chính là cuộc đời, là bổn phận, là gia đình thiết thân nhất của linh mục. Xét cho cùng thì chúng ta làm linh mục là vì giáo dân, cho giáo dân và với giáo dân. Vì thế, thành hay bại đời linh mục phần lớn tùy thuộc cách ứng xử của linh mục đối với giáo dân.
Pastores dabo vobis số 22-23 đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau : “Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh mục-Mục Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên”.
Trích đoạn trên đây là một định nghĩa tuyệt vời về mối quan hệ của linh mục đối với giáo dân. Dựa vào chuẩn mực được đề ra, chúng ta hãy duyệt lại thái độ của chúng ta đối với giáo dân để nhận ra ưu khuyết điểm, với hy vọng trở về sau cuộc tĩnh tâm này, chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Trong giờ suy niệm này, chúng ta hãy xin Chúa tạo cho chúng ta biết yêu thương con chiên với một quả tim của người mục tử nhân lành.
Chúng ta hãy dựa vào gợi ý của trích đoạn Pastores Dabo vobis trên đây để tiếp cận đề tài dưới ba tiêu đề : 1/ cách đối xử của LM đối với giáo dân; 2/ Cách cử hành của linh mục và 3/ Chuẩn mực quan hệ với giáo dân.
1. SỐNG VÌ CỘNG ĐOÀN
Hiện hữu vì đoàn chiên có nghĩa là linh mục phải cống hiến đời mình cho đoàn chiên. Chức linh mục của chúng ta được gọi là chức linh mục thừa tác. Điều đó có nghĩa là, theo thứ tự thời gian, cộng đồng tín hữu có trước linh mục. Có Dân Chúa rồi mới đặt thừa tác viên để phục vụ. Có giáo xứ rồi Giám mục mới sai người làm quản xứ về. Trong thực tế, linh mục chúng ta thường hành động ngược lại. Chúng ta xử với giáo dân như chúng ta là những người sinh ra họ.
Một trong những điều Việt Kiều hay than phiền nhất là linh mục Việt nam quá quan liêu. Không thể vơ đũa cả nắm rằng linh mục nào cũng quan liêu. Cũng không thể lấy lối sống của linh mục Tây Phương làm mẫu mực cho linh mục Việt Nam được. Nhưng ngược lại cũng không thể phủ nhận rằng nhiều linh mục Việt nam có lối đối xử quan liêu, nghĩa là như một vị quan, coi giáo dân như thần dân của nhà độc tài.
Không những với con chiên, nhiều linh mục còn có thái độ hống hách với cả người bên lương. Một số người có chuyện cần gặp linh mục nhưng chỉ để cho xong việc, rồi không bao giờ trở lại vì quá ngao ngán thái độ độc đoán, khiếm nhã của linh mục. Hệ lụy thật nghiêm trọng : có khi hộ cấm luôn người nhà có đạo không được đến nhà thờ nữa. Giáo dân thì không đến nỗi nào vì họ chịu mãi cũng quen, nhưng người bên lương mất hết thiện cảm và không bao giờ nghĩ đến chuyện theo đạo nữa. Hoá ra, thay vì truyền đạo, linh mục lại làm mất đạo.
Tài chánh cũng là một trong những lý do khiến linh mục làm cho giáo dân buồn phiền. Tại một số giáo xứ, mỗi lần có đại lễ, giáo dân lại ngao ngán vì thảm cảnh cha bổ nhân danh. Đa số giáo dân Việt nam còn rất nghèo. Nông dân đồng bằng sông Hồng Bắc Việt mỗi ngày bình quân không kiếm nổi một ngàn đồng. Họ khổ từ chỗ ăn chỗ ở cho đến chỗ đi cầu. Nhưng họ rất thương linh mục, sẵn sàng nhường hết những ngọt bùi ưu đãi cho chúng ta. Thế mà nhiều khi lối cư xử của linh mục đối với họ lại quá vô tình. Biết đâu, tuy không cố ý, nhưng chúng ta làm “nghề” linh mục nhiều hơn là mục tử đối với con chiên ?
2. “VÌ CỘNG ĐOÀN MÀ CẦU NGUYỆN”.
Ngoài lối cư xử đời thường, linh mục còn phải thể hiện vai trò mục tử khi cử hành phụng vụ, hay nói theo lời trích Pastores dabo vobis trên đây, linh mục phải “vì đoàn chiên mà cầu nguyện”. Trong Tông Thư Dies Domini về Ngày chủ Nhật ở số 1, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết : “Lời thánh vịnh 118 câu 24 : “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” thật rất xứng hợp với Thánh lễ chủ nhật”. Có nghĩa là phải biến ngày chủ nhật thành một ngày vui cho giáo dân.
Mỗi tuần giáo dân đi lễ có một lần, có khi từ rất xa. Thế mà nhiều khi chỉ gặp được “bộ mặt hình sự” của linh mục. Giáo dân giống như những chiếc bình tích điện : gặp được linh mục, họ như được dịp “xạc” lại bình để có nhiên liệu tiếp tục con đường.
Ngày chủ nhật phải là ngày linh mục tặng quà tinh thần cho giáo dân : một nụ cười, một ánh mắt yêu thương, một lời nói khích lệ là những món quà đơn sơ nhưng rất ý nghĩa của linh mục tặng cho giáo dân. Hãy làm một cái gì đó, hãy chuẩn bị một cái gì đó cho giáo dân mỗi lần chúng ta tiếp xúc với họ. Đức cha Hòa rất kiên trì với việc chụp hình với giáo dân. Có thể nói đó là một nhân đức. Có lần tôi hỏi làm sao đức cha có thể kiên trì ngồi chụp hình với hàng trăm người như thế. Ngài trả lời rằng không đích thân đến thăm học tại gia đình được thì chụp hình là cách để hiện diện bên cạnh họ.
Nhiều linh mục chẳng những không có một cử chỉ yêu thương nào cho giáo dân mà còn làm cho ngày chủ nhật của họ mất vui. Có cha cau có gắt gỏng từ đầu lễ đến cuối lễ, có khi gạt cả micro và sách lễ xuống đất, biến bàn thờ thành nơi nạt nộ khủng bố giáo dân làm cho ngày chủ nhật của họ trở thành căng thẳng nặng nề. Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm doạ, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ. Bài giảng không dọn nói mãi không kết được khiến cha giống như máy bay không tìm được phi trường. Người nói thường không cảm thấy dài nhưng đối với người nghe là cả một sự chịu đựng. Nhất là nếu chúng ta không có lợi khẩu, chúng ta làm khổ giáo dân, biến họ thành nạn nhân hơn là nâng tâm hồn họ lên.
Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị triệt hạ những người đối lập. Không làm được thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ đê bêu diếu bôi bác.
Khi thấy giáo dân đi lễ không chịu vào nhà thờ, chúng ta bực bội vì nghĩ rằng họ vô kỷ luật nhưng biết đâu ở sâu xa vấn đề, họ chán linh mục quá nên không muốn đến gần. Có một cha đuổi thanh niên vô nhà thờ. Có đứa nói nó tin Chúa nhưng không vô nhà thờ vì không thích cha.
Phải làm thế nào để mỗi lần nghĩ đến linh mục ngày chủ nhật hay lúc dâng thánh lễ, người giáo dân cảm thấy hứng thú vì nhớ lại thái độ tình nghĩa vui vẻ của linh mục, nhất là làm cho họ cảm thấy lời giảng của linh mục thực sự đem lại cho họ một sức sống mới.
3. MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC.
“Yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô”. Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được.
“Ta đến để cho thế gian được sống và được sống dồi dào”. Đó là điều Chúa Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống tại thế của ngài. Đó cũng là điều bằng mọi giá chúng ta phải đạt được trong đời linh mục của chúng ta. Sự có mặt của vị linh mục trong đời giáo dân có khi đã đục khoét những lỗ hổng quá lớn. Cần phải làm thế nào để sự có mặt của linh mục trong đời giáo dân là một cái gì tích cực: làm cho họ được sống và được sống dồi dào hơn.
Có thể nói không quá đáng rằng phải thương giáo dân mới là cha xứ. Không thương dân không phải là linh mục, không phải là cha xứ. Người giáo dân sẵn sàng châm chước cho linh mục ngay cả khi các ngài mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng, miễn là họ thấy linh mục yêu thương họ.
Kết luận
Yêu thương giáo dân phải là một phản xạ tự động của linh mục. Đó là cách hiệu quả nhất để chúng ta thể hiện tinh thần của Chúa Giêsu cứu thế.
BÀI VII
LM VÀ HẠNH PHÚC
Như một lời cầu chúc sau cùng trước khi chia tay, tôi muốn kết thúc những chia xẻ của tôi trong mấy ngày qua bằng một tâm tình lạc quan : mong cho các cha tìm thấy hạnh phúc trong đời linh mục.
Có một bản tình ca ngoại quốc đã được dịch ra Việt Ngữ. Tôi không nhớ tựa đề bài hát nhưng nhớ một câu này : « Đời không có em đời chẳng còn chi để gọi là đời ». Chắc các cha thấy buồn cười vì câu hát nặng mùi cải lương. Nhưng tôi muốn mượn câu hát đó để minh hoạ một điều tương tự : đời linh mục không có hạnh phúc thì chẳng còn chi để gọi là đời linh mục nữa. Nhất là khi với tư cách là linh mục, chúng ta là những người rao giảng tám mối phúc thật. Là linh mục, chúng ta phải là chứng nhân của hạnh phúc, của niềm vui Phục Sinh. Không thể thể hiện điều đó, nếu chính linh mục không tìm thấy hạnh phúc trong đời mình.
Nhưng hạnh phúc là một khái niệm rất tương đối. Tùy theo quan điểm, người ta định nghĩa hạnh phúc rất khác nhau. Vậy khi nói linh mục phải hạnh phúc, chúng ta phải hiểu hạnh phúc đó theo nghĩa nào?
Để minh họa câu trả lời, tôi xin đặt khái niệm hạnh phúc trong mối tương quan của nó với bốn khái niệm khác : 1/ Hạnh phúc và trách nhiệm ; 2/ Hạnh phúc và gian lao ; 3/ Hạnh phúc và hiệp thông; 4/ Hạnh phúc và khôn ngoan.
1. HẠNH PHÚC VÀ TRÁCH NHIỆM.
Hạnh phúc chính là vấn nạn đầu tiên của giáo lý công giáo, theo đó, khát vọng sâu xa nhất của con người là khát vọng hạnh phúc. Các tôn giáo được sáng lập thật ra là để cống hiến cho con người những con đường hạnh phúc khác nhau. Chọn Kitô giáo có nghĩa là chúng ta tin rằng đó là bí quyết hạnh phúc tối ưu mà con người tìm kiếm. Điểm độc đáo của Kitô giáo là không quan niệm hạnh phúc như một thứ may mắn hay như một món quà gói sẵn. Hạnh phúc theo nghĩa Kitô giáo là viên ngọc quý giấu trong ruộng phải khổ công đào bới, là đồng bạc mất phải đi tìm mới thấy, là cánh cửa phải gõ mới mở. Con người có thể đạt được hạnh phúc đích thật nếu nó biết nỗ lực tìm kiếm. Điều đó đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với hạnh phúc.
Có thể nói được rằng nếu đời là một chuỗi trách nhiệm thì trách nhiệm lớn nhất là trách nhiệm đối với hạnh phúc. Tất cả mọi trách nhiệm còn lại đều qui về trách nhiệm hạnh phúc bởi vì đó là mục tiêu tối hậu mà con người đeo đuổi. Trách nhiệm đối với hạnh phúc là trách nhiệm lớn nhất vì chính nó quyết định ý nghĩa cuộc đời. Nói cách khác, đời đáng sống hay không đáng sống, điều đó hoàn toàn lệ thuộc ta có hạnh phúc không.
Theo cách suy nghĩ ở trên, đời linh mục không hạnh phúc, không phải chỉ là chuyện đáng buồn mà thôi nhưng còn là lỗi trách nhiệm. Lỗi trách nhiệm đối với bản thân vì một cách nào đó, khi không tạo được hạnh phúc, chúng ta đánh mất đời mình. Lỗi trách nhiệm đối với Chúa vì chúng ta không sinh lời cho số vốn Chúa trao, vì chúng ta không lấy Chúa làm làm gia nghiệp, làm niềm vui đích thật. Lỗi trách nhiệm đối với Giáo hội vì chúng ta không thể hiện được niềm vui hiền thê của Giáo Hội đối với Đức Kitô là Đức Lang Quân. Lỗi trách nhiệm đối với giáo dân vì không có hạnh phúc, chúng ta sẽ buồn. Mà chúng ta buồn thì cộng đoàn, giáo dân và tha nhân cũng buồn theo.
Như vậy trách nhiệm xây dựng hạnh phúc bản thân gắn liền và kéo theo trách nhiệm đối với hạnh phúc của mọi đối tượng mà chúng ta có tương quan.
2. HẠNH PHÚC VÀ GIAN LAO
Dĩ nhiên hạnh phúc và niềm vui chúng ta đề cập ở đây không chỉ là hạnh phúc và niềm vui bề ngoài thoáng chốc. Niềm vui chúng ta tìm kiếm phải là niềm vui thánh thiện, niềm vui mà Chúa Giêsu đã hứa là “không ai lấy mất được” (Ga 16, 22), hay như niềm vui giữa gian lao ba chìm bảy nổi chín lênh đênh như của Phaolô “Tâm hồn tôi chan chứa niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Co 7, 4).
Không phải Phaolô mới có niềm vui đó. Rất nhiều người cũng đã khám phá niềm vui của Phaolô. Có một cha cựu tuyên úy quân đội, trong trại cải tạo, thường xuyên bị kết tội vi phạm kỷ luật vì lén lút làm lễ và phân phát Mình Thánh Chúa cho anh em bạn tù. Sau nhiều lần bị cảnh cáo và trừng trị ngài vẫn tiếp tục vi phạm. Một hôm viên ban giám thị đã hăm dọa ngài. “Anh mà cứ như thế thì đừng hòng ra khỏi đây”. Thật đáng ngạc nhiên, ngài nhoẻn miệng cười rạng rỡ, đáp lại rằng : “thưa cán bộ, nếu thế thì còn gì bằng. Tôi chỉ muốn xin ở lại đây thôi. Ở đây rất nhiều người đang cần tôi ”.
Đúng là thế gian không thể cướp đi những loại niềm vui như thế. Thứ niềm vui chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Đạt được những giấc mơ trần thế, chiếm hữu được một đối tượng tình cảm, đôi khi chúng ta ngỡ mình đang hạnh phúc. Nhưng rồi những gì diễn ra sau đó cho chúng ta cái kinh nghiệm chua chát rằng thời gian là một tên cướp sẽ tước đoạt tất cả những gì thuộc về thế gian giả trá phù du. Chúng ta chợt khám phá ra rằng đó chỉ là những thứ hạnh phúc hão huyền, thoáng chốc. Hạnh phúc thật đòi chúng ta phải trả giá, như niềm vui Phục sinh phải đánh đổi bằng cái chết ngày thứ sáu tuần Thánh.
Đã có lúc trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu thốt lên “Xin cất chén này xa con” nhưng ngay tức khắc ngài đã thêm vào “nhưng xin đừng theo ý con một xin vâng ý cha”. Ngài đã chấp nhận thương đau để niềm vui được nên trọn. Đó cũng chính là thứ niềm vui Chúa hứa cho môn đệ, cho chúng ta : “Bây giờ anh em buồn phiền nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng”.
Trong thông điệp Mùa Chay năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, gọi Mùa chay là “một cuộc hành hương nội tâm về với Đấng nguồn mạch lòng thương xót. Qua cuộc hành hương này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta xuyên qua sa mạc sự nghèo hèn của chúng ta, nâng đỡ chúng ta trên con đường tiến về niềm vui phục sinh”. Niềm vui Phục sinh sẽ cho chúng ta sức mạnh vượt qua gian nan thử thách. Chắc chắn rằng cuộc đời của chúng ta không phải lúc nào cũng êm ả bằng phẳng. Đôi lúc hay có khi thường xuyên nó là một sa mạc mùa chay. Nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả để có được hạnh phúc lâu dài. Đó là điều chắc chắn vì Chúa đã hứa như thế : “Can đảm lên, thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
3. HẠNH PHÚC VÀ HIỆP THÔNG
Hạnh phúc và niềm vui theo nghĩa của Chúa Giêsu không phải là hạnh phúc của người đơn độc. Ngài gắn liền hạnh phúc của Ngài với Cha Ngài và gắn lièn hạnh phúc của môn đệ với hạnh phúc của Ngài. “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy như Thầy đã giữ các điều răn của cha thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em.” (Ga 15, 10-11). Linh mục và nói chung là Kitô hữu, chỉ thực sự hạnh phúc khi đang ở trong Chúa và đang ở với anh em.
Đang ở trong Chúa có nghĩa là đang ở trong tình trạng ơn thánh, đang bình an trong tâm hồn. Khi tôi khuyên một người anh em đang có ý định từ bỏ đời sống linh mục để ra đi, người anh em đó đã nói rằng “con yếu đuối quá, con không làm sao chỗi dậy được. Xin Đức cha thông cảm. Con không chịu nỗi cái mặc cảm mình nhơ bẩn mỗi lần con làm lễ”. Ít lâu sau tôi nghe tin ngài đã ra đi….Đó là một bi kịch đời linh mục. Hạnh phúc của người anh em linh mục đó đã chắp cánh bay xa chỉ vì ngài không giữ được sự bình an tâm hồn, hay nói theo đề tài hôm nay ngài không giữ được mối giây hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ngoài Thiên Chúa, hạnh phúc đời linh mục còn gắn liền với anh em. Thánh Augustin có một tư tưởng xem ra rất cực đoan, ngài cho rằng công việc của linh mục sẽ trở thành vô ích nếu không cộng tác với giám mục và anh em linh mục. Khi hiệp thông với Giáo Hội, linh mục hòa mình vào đời sống Giáo Hội và khi hòa mình vào đời sống Giáo Hội, linh mục thống nhất được chính đời sống của mình. Ngài lập luận rằng sự hiệp thông Giáo hội và hiệp thông linh mục dẫn đến hiệp thông Ba ngôi, suối nguồn mọi niềm vui. Như vậy đối với thánh Augustinô, sự hiệp thông với Ba ngôi bắt đầu từ hiệp thông đối với anh em linh mục. Trong bài nói về hiệp thông linh mục, chúng ta đã nói về sự cần thiết của nó. Hôm nay chúng ta thấy một khía cạnh khác : hiệp thông linh mục là điều kiện hạnh phúc. Sắc lệnh về đời sống và tác vụ linh mục số 11 viết rằng : “Nhờ hiệp thông với Giáo Hội và linh mục, linh mục kết hợp với ba Ngôi Thiên Chúa và cuộc đời họ luôn tràn trề ơn an ủi và chan chứa niềm vui”.
Như vậy, niềm vui là kết quả của tình liên đới, của tinh thần phục vụ cộng đoàn: “Kìa xem anh em sống chung một nhà, bao là êm ái bao là niềm vui”. Có nhiều người tỏ vẻ ái ngại khi hỏi thăm về Giáo Hội miền Bắc. Nhưng với riêng tôi, làm việc ở Bắc cũng có niềm vui riêng của nó. Vui vì giữa khó khăn thiếu thốn, tôi đã chia xẻ được tình anh em một nhà với con cái trong giáo phận mình. Thật ra, niềm vui như thế không phải chỉ ở ngoài Bắc mới tìm thấy. Bất kỳ ai và bất kỳ đâu, chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc nếu chúng ta thấy mọi người đều là thân nhân, hay nói theo ngôn từ chúng ta đang dùng, hiệp thông hóa hiện trường, gia đình hóa mọi người.
Có một ông cố hội thừa sai Paris (MEP) què chân, kể lại rằng ngài được gửi đến một nơi không có nhà thờ lẫn nhà xứ ở Thái Lan. Khó khăn lắm ngài mới thực hiện được một ngôi nhà sàn để làm nơi tập trung dân công giáo trong vùng. Ngày khánh thành ngài mừng quá, đi lại lần hạt tạ ơn Đức Mẹ ở balcon lầu I. Vì mệt, bước thấp bước cao nên ngài ngã nhào xuống đất gãy chân. Nhưng ngài không hề buồn. Mỗi lần nhìn cái chân què ngài lập tức tưởng tượng hàng ngàn người đang ở trong ngôi nhà chung mà ngài đã tạo ra và cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui.
Ngay cả trong trường hợp thất vọng như hai môn đệ làng Emmaus Chúa vẫn tạo điều kiện để họ tìm lại niềm vui đã mất, gặp lại Đấng rừng rực sức sống. Đó cũng là điều chúng ta phấn đấu để thực hiện trong đời linh mục của chúng ta. Luôn luôn ở trong vòng tay của anh em, của tha nhân, luôn luôn ôm trọn mọi người trong trái tim mình. Đó là một bảo đảm chắc chắn cho niềm vui và hạnh phúc.
4. HẠNH PHÚC VÀ KHÔN NGOAN
May mắn cho chúng ta là hạnh phúc đời linh mục khả thi hơn là trong đời hôn nhân. Trong đời hôn nhân người ta không thể chủ động được cách thiết kế hạnh phúc. Có một đêm một người vợ trẻ ôm con hớt hải chạy vào gặp tôi lúc đó đang làm cha phó. Đó là một người vợ khốn khổ chồng say rượu về khuya đòi hỏi đủ thứ chuyện. Chị ta bảo rằng con chờ tới sáng sẽ làm đơn xin ly dị. Dĩ nhiên là tôi phải khuyên chị đừng làm như thế. Nhưng tôi cũng nghĩ chị bất hạnh vì chồng chị không có thiện chí và vô tình làm hỏng đời chị.
Ngược lại, linh mục có thể một mình chủ động hạnh phúc đời mình, không bị ai quấy nhiễu, không bị người chung sống phá đám. Vấn đề còn lại là làm thế nào để thiết kế, kiến tạo và xây dựng hạnh phúc. Nếu biết tìm kiếm, chúng ta sẽ thấy lúc nào Chúa cũng có những món quà để sẵn đâu đó cho chúng ta. Một trong những điều con ớn nhất là nhà vệ sinh công cộng ở VN. Ghê tởm đến độ không dám nhìn. Nhưng có nhu cầu thì cũng phải chịu đựng thôi. Thế rồi một hôm vào mùa Chay, tôi bỗng khám phá ra ý tưởng này : mình phạm đủ thứ tội nên xứng đáng ngửi cái mùi khủng khiếp đó mà đền tội. Từ đó tôi cảm thấy chấp nhận cách dễ dàng mỗi khi có dịp phải vào những nơi như thế. Đó là bằng chứng cho thấy hoàn cảnh dù bi đát ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.
Tôi rất thích làm lễ cho thiếu nhi. Nhất là khi thấy hàng ngàn con mắt long lanh sinh động giống như gà công nghiệp đang nhìn hau háu lên bàn thờ. Thế mà có một bài hát mang tên “những đôi mắt mang hình viên đạn”. Cũng là những con mắt, cũng là những cái nhìn, nhưng có người thấy ở đó sự ngây thơ, trong trắng, có người lại thấy rực lửa hận thù. Thế mới biết là vui buồn ở tại lòng ta, đúng y như Nguyễn Du đã quan sát : “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ai đó cũng đã nói “một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Chúng ta cũng có thể nói được rằng “một vị linh mục buồn là một vị linh mục đáng buồn”.
Cần phải giải phóng mình khỏi những nỗi buồn không cần thiết, những suy nghĩ tối tăm bi quan, tập nhìn thực tại bằng một cái nhìn lạc quan, khoan thứ. Mất tiền nếu cứ tiếc mãi, ta sẽ không vui. Chỉ cần nghĩ cách đơn giản rằng tiền cũng giống như râu, cạo đi nó sẽ mọc lại thôi, chắc chắn chúng ta sẽ lại vui.
Xét cho cùng, sống không hạnh phúc cũng là một thứ dại dột. Dại bởi vì nạn nhân số một chính là bản thân mình. Tôi thấy có một cha bàn tay sưng vù như ổ bánh mì. Hỏi thì ngài nói thật là vì giận một chú giúp lễ, tát nó một cái, nó né sang một bên thế là cha đánh phải cột. Thấy tay cha sưng nó sợ quá bỏ về nhà không ở với cha nữa. Hóa ra gậy ông lại đập lưng ông. Giá như cha đừng hung dữ quá như vậy thì cha đâu đến nỗi chuốc vạ vào thân. Đời chúng ta nhiều khi mất vui đi là thế, chẳng những chúng ta không đi tìm hạnh phúc mà lại làm sứt mẻ hạnh phúc. Rốt cuộc, trên con đường truy tầm hạnh phúc, kẻ thù lớn lao nhất vẫn là bản thân mình.
Kết luận
Theo suy nghĩ đó, Chúa Giêsu là người khôn ngoan nhất. Đủ mọi thứ hình tội trên đường khổ nạn. Thế mà, trước khi trút hơi thở cuối cùng, trong đau đớn tột cùng, ngài đã xin Chúa Cha tha cho quân dữ vì họ không biết việc họ làm. Thế là mãn nguyện an tâm nhắm mắt. Các thánh cũng vậy. Các ngài là những người khôn ngoan đã biết tìm cho mình một con đường hạnh phúc riêng. Niềm vui của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là con đường thơ ấu thiêng liêng. Của thánh Vinh Sơn là người nghèo, của thánh Phanxicô Assisi là sự phó thác.
Chúng ta cũng có thể làm y như các thánh. Hãy tìm cho mình một đam mê thánh thiện. Chắc chắn hạnh phúc sẽ đến. Cũng vì thế mà Chúa Giêsu đã đề xuất đến tám con đường mà giáo lý gọi là tám mối phúc thật.
Một linh mục đạt đạo là một linh mục hạnh phúc. Sứ điệp cuối cùng tôi xin thân ái gửi đến quí cha là : BẰNG MỌI GIÁ, ĐỜI LINH MỤC CHÚNG TA PHẢI HẠNH PHÚC. Xin Chúa chúc lành và giúp quý cha thành công.