Lúc 18 giờ Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 18/04/2025, tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt, Cha Quản xứ Phaolô Phạm Công Phương đã long trọng cử hành nghi thức Suy tôn Thánh Giá. Cùng cử hành với ngài có Cha Phó Giuse Lê Vũ Thành Trung và Cha Giuse Nguyễn Viết Liêm. Tham dự buổi Suy tôn Thánh Giá có đông đảo tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân trong giáo xứ.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong bài giảng, từ hai bài đọc và bài Thương khó Đức Chúa Giêsu (Sách tiên tri Isaia, Thư gửi tín hữu Do Thái, Phúc âm theo Thánh Gioan), Cha Quản xứ Phaolô tập trung vào cái chết của Chúa Giêsu và nhấn mạnh đến việc phải “chết” như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa: “Đối với Đức Giêsu, thập giá là chén đắng tình yêu, phải uống vào mới thấy vinh quang thấm dần. Ai cũng phải chết, nhưng tìm ra lẽ sống để chết thì mới đáng chết! Chúa Giêsu đã nối kết cái chết với sứ mạng cứu thế của mình – sứ mạng chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Thiên Chúa đã không trở nên như hình mẫu chúng ta mong đợi, mà trở thành một người bị ghét bỏ, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá. Thế nhưng, hình ảnh Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá chính là hình ảnh của Thiên Chúa cao cả, hào hiệp, quyền năng và linh thiêng hơn bao giờ hết! Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết như thế để chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa muốn đứng chung với con người để cứu độ con người. Vì thế người Kitô hữu hãy biết chấp nhận và đón nhận cái chết. Chấp nhận cái chết vì biết rằng cái chết của mình mang lại một chứng từ như cái chết của các Vị Tử đạo. Đón nhận cái chết một cách bình thản vì biết rằng cái chết của mình đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Vui vẻ chết một cách âm thầm, từng ngày như Mẹ Têrêsa Calcutta, vì biết rằng sự phục vụ của mình mang lại hạnh phúc cho nhiều người nghèo.
Khi liên hệ với cuộc sống thực tại, Cha nhấn mạnh đến cái chết âm thầm trong từng giây phút khi phải chiến đấu chống lại tội lỗi, khi phải vượt qua những ích kỷ, nhỏ nhen, yếu đuối của bản thân. Đó là cái chết từ sự chịu đựng của người vợ vì chồng con, sự nhịn nhục của cha vì con cái. Những cái chết nhỏ bé thường ngày ấy xảy đến trong gia đình vì hạnh phúc của gia đình, vì lương tâm mách bảo, vì sống theo Tin Mừng. Chính vì những điều này mà chúng ta phải chấp nhận chết đi một tí, chết đi con người cũ của mình, chết đi những gì lẽ ra mình được hưởng. Những người thân cận làm khổ nhau nhiều nhất, như con cái gây phiền não cho cha mẹ, cha mẹ làm khổ con cháu hoặc anh chị em làm khổ nhau. Đó là những cái chết dai dẳng gặm nhấm tâm hồn con người, rất đau khổ. Chúng ta sẽ tìm ra lẽ sống nếu biết chấp nhận những cái chết âm thầm và dai dẳng ấy với sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô, vì hạnh phúc của anh chị em, vì sự cứu độ mà Chúa Kitô đã đổ máu mình ra cho hết mọi người được tha tội.
Hãy nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ diễm phúc hơn mọi người nữ, nhưng Mẹ là người đau khổ hơn ai hết! Hãy xin Mẹ hỗ trợ chúng ta trong đời sống hằng ngày, để dù có trải qua đau khổ, nhưng có tình yêu thì chắc chắn sẽ có vinh quang.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, Giáo hội dành 10 lời nguyện đặc biệt cho mọi thành phần trong Giáo hội và thế giới để cảm nghiệm sâu sắc hơn tình yêu bao la và sự hiến mình Chúa dành cho nhân loại .
Thờ lạy và suy tôn Thánh Giá
Tiếp theo là nghi thức Kính thờ Thánh Giá. Thánh Giá được Cha Quản xứ cung nghinh lên cung thánh và giương cao 3 lần với lời xướng- đáp: “Đây là Cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.” “Chúng ta hãy đến thờ lạy!”. Sau mỗi lần xướng đáp, toàn thể cộng đoàn quỳ gối bái lạy Thánh Giá trong thinh lặng.
Sau đó, Thánh Giá được đặt giữa Cung Thánh để mọi người đến quỳ gối hôn kính. Đầu tiên là Cha Quản xứ, các Cha và đoàn lễ sinh, sau đó là Đoàn Đại diện giáo xứ gồm đầy đủ tất cả thành phần Dân Chúa, bái lạy và hôn kính Thánh Giá.
Rước lễ
Phần thứ ba là nghi thức Rước lễ. Bàn thờ được trải khăn thánh. Mình Thánh Chúa được kiệu từ Nhà Tạm tới bàn thờ. Sau khi đọc Kinh Lạy Cha, toàn thể cộng đoàn được rước Mình Thánh Chúa.
Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa Giêsu kết thúc trong thinh lặng và Thánh Giá tiếp tục được mọi người hôn kính.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết chết đi cho tội lỗi mình, để được sống lại với Đức Kitô Phục Sinh.
Bài viết : Thiên Lan; Hình ảnh: Xuân Cường
Truyền thông Giáo xứ Chính Tòa