Nhà thờ Mai Anh
Có người gọi là Nhà Thờ Vinh Sơn vì là nguyện đường của các soeurs Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Có người gọi là Nhà thờ Mai Anh, vì trước đây khu vực này có rất nhiều hoa mai anh đào. Từ năm 1943, nhà thờ này được xây dựng lại với một dạng kiến trúc độc đáo hơn các nhà thờ khác ở Ðà Lạt. Tuy nhà thờ không có tháp chuông trên đỉnh, nhưng tiền đình được thiết kế là một tam giác cân, phía trước được trang điểm các cửa vòm nhỏ xinh xắn. Cửa chính có hai cấp thang đi lên từ hai phía. Mái nhà thờ có hình dạng tựa như mái nhà rông của người Thượng, nhưng đặc biệt có các vòm mái cửa nhô ra để cho mái đỡ trơ chọi. Tường phía dưới mái xây khá dày và các cửa được thiết kế sâu vào bên trong nên càng tăng thêm nét đẹp độc đáo cho công trình kiến trúc này. Tường được xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ theo phong cách kiến trúc Normandie. Không gian nội thất được chiếu sáng bởi những khung kính màu, càng tăng phần lung linh hấp dẫn cho thánh đường. Nhà thờ còn lưu trữ được pho tượng Ðức Mẹ Ban Ơn cao 3m, nặng 1 tấn, quà tặng của phu nhân Toàn Quyền Ðông Dương Decoux.
Về màu sắc, từ khi hoàn thành đến nay, nhà thờ Domaine de Marie chỉ sử dụng một màu vôi hồng đậm để quét tường. Vì vậy, dưới ánh nắng, nhà thờ như sáng rực hẳn lên. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu mới với 3 dãy nhà 3 tầng của dòng nữ tu Bác Ái thánh Vinh Sơn. Chính điều này càng tôn thêm vẻ uy nghi, đồ sộ và trang nghiêm cho toàn bộ khu vực nhà thờ này.
GIÁO XỨ MAI ANH
Mai Anh là một trong vài giáo xứ mới nhất của giáo phận Dalat. Giáo xứ mang tên Mai Anh vì nhà thờ của giáo xứ nằm trên ngọn đồi Domaine de Marie (đồi Mai Anh) thuộc phía Bắc thành phố Dalat. Ðặc biệt nhà thờ nói đây cũng không phải là một nhà thờ biệt lập mà chính là nhà nguyện của Dòng Nữ Tử Bác Ái, nằm trong phạm vi tu viện đã được xây cất từ những năm 1940. Tuy là một giáo xứ mới mẻ, nhưng Mai Anh có một lịch sử kỳ cựu từ những thập niên 1940, 1950. Hồi đó giáo dân mới chỉ có chừng hơn 100 người thuộc hơn 29 gia đình ở các đường Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Calmette. Họ thuộc quyền coi sóc của giáo xứ Chính Tòa, nhưng sống lạc lõng, ít người đi lễ tại Chính Tòa và cũng ít tiếp xúc với các cha ở Chính Tòa, ngoại trừ các trường hợp có hôn phối hay an táng.
Sau năm 1954, con số giáo dân mới tăng dần. Thời gian này, cha Nguyễn Thanh Ðiện làm tuyên úy tại Dân Y Viện. Cha giúp các cha nhà thờ Dalat tiếp xúc nhiều hơn với giáo dân, nhờ đó giáo dân cũng bắt đầu gắn bó hơn với giáo xứ. Năm 1967 số giáo dân lên đến 700 và khu vực này trở thành khu giáo Thánh Phaolô của nhà thờ Chính Tòa. Với sự giúp đỡ của các cha Nguyễn Văn Luận, Dương Ngọc Châu nối tiếp cha Ðiện làm tuyên úy bệnh viện, các cha nhà thờ Dalat đã tổ chức các lớp giáo lý hoặc các đoàn thể như Thanh Sinh Công, Legio Mariae. ÐỒng thời, nhờ sự nhiệt tâm cộng tác của ông trùm Giuse Phạm Văn Ðịch, khu giáo có tiến triển hơn về tổ chức qui củ, về tinh thần gần gũi với giáo xứ Chính Tòa.
Sau 1975, các cha phó nhà thờ Chính Tòa, rồi tiếp đến cha Ðỗ Xuân Quế, Cha Mai Văn Hùng Dòng Ðaminh, thay nhau lên làm lễ cho khu giáo này. Ðến ngày 16-3-1976, Tòa Giám Mục cử cha Giuse Nguyễn Văn Hân phụ trách hẳn. Ngày 29-6-1976, ÐGM Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã nâng khu Giáo Thánh Phaolô lên thành giáo xứ Mai Anh và chọn Ðức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng, đồng thời đặt cha Giuse Hân làm cha xứ đầu tiên. Cũng theo ý muốn của Tòa Giám Mục và được sự nhất trí của các cha xứ liên hệ, ranh giới giáo xứ bao gồm đường La Sơn Phu Tử, Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng và trọn khu vực Domaine với số giáo dân trên dưới 1000. Các cơ sở của giáo xứ – nhà thờ, nhà xứ phòng ốc- vẫn là nhà nguyện và một số phòng ốc thuộc tu viện Nữ tử Bác Ái, được nhà Dòng tiếp tục cống hiến cho giáo xứ.
Sau nhiều nỗ lực chung của cha xứ và mọitầng lớp trong giáo xứ, nhất là sau đợt học tập Bức Thư chung của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (1980) giáo xứ Mai Anh đã có một bộ mặt mới và vươn lên đời sống đạo phù hợp với đường hướng chung của giáo phận.