PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN TRONG SẠCH
1. Từ sự trong sạch theo nghi thức đến sự trong sạch trong tâm hồn
Nghe lời chúc phúc trên đây của Chúa, chúng ta thường nghĩ ngay đến nhân đức trong sạch. Nếu như điều răn thứ VI dạy chớ làm sự dâm dục thì lời chúc phúc của Chúa là dành cho những ai giữ điều răn này. Linh đạo Kitô giáo trong nhiều thời kỳ đã hiểu theo ý nghĩa trên đây, đặc biệt trong thế kỷ XIX.
Thực sự, theo Chúa Giêsu, có tâm hồn trong sạch không phải là một nhân đức đặc biệt, nhưng là một phẩm chất đi kèm với một nhân đức, để chứng tỏ là nhân đức thực sự. Ngược với trong sạch không phải là không trong sạch, nhưng là giả hình. Chúng ta thử bàn thêm đôi điều.
Muốn hiểu tâm hồn trong sạch là gì, cần đặt trong ngữ cảnh Bài Giảng Trên Núi. Theo Phúc âm, hành động trong sạch hay không trong sạch, dù đó là bố thí, chay tịnh hay cầu nguyện, là ở ý định, nghĩa là làm hành động này cốt cho người ta thấy hay cốt làm hài lòng Thiên Chúa.
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chắng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6,1). Đây là nguyên tắc chung cho những việc lành, tức bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Ở mỗi việc làm trên đây, Chúa đều nhắc lại ý ấy : bố thí thì đừng có khua chiêng đánh trống để người ta khen, cầu nguyện thì vào phòng đóng cửa lại, đừng thích làm ở hội đường hay ở ngã tư cho người ta thấy, ăn chay thì đừng làm bộ rầu rĩ…Theo Chúa, những cách làm ấy là cách của những kẻ giả hình.
Trong cả Thánh Kinh, giả hình là tội bị Thiên Chúa lên án mạnh mẽ. Có lý do hẳn hoi. Vì khi giả hình, người ta đưa Chúa xuống hạng hai, coi con người quan trọng hơn Thiên Chúa, coi bên ngoài trọng hơn bên trong. Nhưng như Sách Thánh nói, “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7).
Bởi vậy, giả hình chủ yếu là thiếu lòng tin, và cũng là thiếu bác ái, vì đánh lừa người khác, muốn biến người khác thuần túy thành người ca ngợi ta.
Đối với Chúa Giêsu, người giả hình bị xét xử dứt khoát : người đó đã có phần thưởng rồi (receperunt mercedem suam). Mà phần thưởng này chỉ là ảo tưởng, ngay cả trên bình diện nhân loại, vì như ta biết, ai cố tìm vinh quang thì không có được nó, còn ai trốn chạy nó thì lại có được nó.
Lời Chúa lên án mạnh mẽ luật sĩ và biệt phái về sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài con người, càng giúp ta hiểu hơn ý nghĩa của mối phúc dành cho những tâm hồn trong sạch: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Biệt phái giả hình. Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23, 27-28).
Cuộc cách mạng của Chúa Giêsu trong lãnh vực này vô cùng quan trọng. Trước Ngài, trừ một vài trường hợp mà các tiên tri hay Thánh vịnh ám chỉ, sự trong sạch được trình bày theo nghĩa nghi thức và phụng tự. Phải tránh xa những đồ vật, thú vật, con người, nơi chốn được coi là làm dơ bẩn con người và xúc phạm đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cũng nằm trong số này là sự sinh, sự tử, nhất là tình dục. Không chỉ Kinh thánh mà nhiều tôn giáo khác cũng có những lệnh truyền tương tự.
Chúa Giêsu bãi bỏ những cấm kỵ này. Ngài ăn uống với người tội lỗi, giao du với kẻ ngoại. Rồi khi nói về sạch và dơ, giọng điệu long trọng giúp cho người ta hiểu rằng Ngài ý thức về sự mới mẻ trong lời giảng dạy này như thế nào: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người mà lại có thể làm con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế. .. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15.21-23).
Trước một số Kitô hữu gốc Do thái muốn phục hồi sự phân biệt giữa sạch và dơ trong đồ ăn và trong những sự viêc khác, Giáo hội thời tông đồ không quên lời Chúa tuyên bố mọi của ăn đều sạch (Mc 7,19), và mạnh mẽ khẳng định: “Mọi sự đều trong sạch với những người trong sạch, omnia munda mundis (Tt 1,15; x. Rm 14,20).
Sự trong sạch hiểu theo nghĩa tiết dục và khiết tịnh không phải là không có trong mối phúc này. Ta thấy khi liệt kê những gì làm dơ bẩn tâm hồn, Chúa có nói đến tà dâm, ngoại tình. Nhưng đây chỉ là những gì thứ yếu, là một trong số những điều dơ bẩn thôi. Điều được nhấn mạnh là chỗ của nó trong tâm hồn: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người đó rồi” (Mt 5,28).
Cứ như những gì đã trình bầy thì Chúa Giêsu là người có tâm hồn trong sạch tuyệt hảo, không giả hình, không gian dối. Chính các đối thủ của Ngài có lần cũng đã nói: “Thưa Thày, chúng tôi biết Thầy là người chân thật… vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Mc 12,14). Sở dĩ thế vì Chúa không tìm vinh quang cho mình (Ga 8,50).
2. Một chút lịch sử
Khi chú giải về mối phúc này, các Giáo phụ đã đi theo ba hướng : hướng luân lý, hướng thần bí và hướng khổ chế. Theo dòng lịch sử, linh đạo Kitô giáo cũng rập theo ba hướng đó. Hướng luân lý nhấn mạnh ý định ngay thẳng; hướng thần bí nhấn mạnh thị kiến về Thiên Chúa; hướng khổ chế nhấn mạnh việc chống lại những đam mê xác thịt. Đại diện cho các hướng trên là Augustinô, Grêgorio Nyssê và Gioan Kim Khẩu.
Augustino giải thích mối phúc này theo hướng luân lý, như một cái gì đó chống lại sự giả hình “làm việc lành phúc đức cốt cho người ta thấy”. Ngài viết: “Chỉ người nào vượt lên trên các lời khen của con người, khi làm việc thiện, người đó chỉ nhằm làm hài lòng Đấng thấu suốt mọi tâm hồn. Đó là người có tấm lòng đơn sơ, tức trong sạch”.
Yếu tố quyết định để biết lòng ta có trong sạch hay không chính là ý định. “Hành vi của ta tốt và làm hài lòng Thiên Chúa nếu ta làm mà có tâm hồn trong sạch, nghĩa là hướng về Chúa, có mục đích là tình yêu… Chúng ta xem xét không phải chính hành vi cho bằng ý định thúc đẩy hành vi ấy”. Kiểu giải thích trên đây được tiếp tục trong truyền thống tu đức sau này, nhất là nơi Dòng Tên.
Giải thích theo hướng thần bí được Grêgoriô Nyssê đề xướng, nhằm phục vụ cho việc chiêm niệm. Phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi liên hệ với thế gian, với điều xấu. Nhờ vậy tâm hồn ta sẽ lại trở thành hình ảnh tinh tuyền của Thiên Chúa, như đã có từ ban đầu. Ta sẽ có thể thấy được Thiên Chúa trong linh hồn mình như trong một tấm gương. Ngài viết: “Nếu như bạn ý thức và chú ý tẩy sạch những gì xấu xa trong tâm hồn, thì vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ chói sáng nơi bạn. Khi nhìn vào mình, bạn sẽ thấy nơi bạn Đấng mà bạn mong ước, và bạn sẽ được hạnh phúc”.
Ở đây, mục đích là được thấy Thiên Chúa, còn phương tiện là có tâm hồn trong sạch.
Đường lối giải thích này cũng được tiếp tục trong lịch sử linh đạo Kitô giáo, từ Bênađô, qua Bonaventura cho tới các nhà thần bí vùng sông Rhine.
Còn giải thích theo hướng khổ chế là để giúp cho sự khiết tịnh. Đi tiên phong giải thích theo hướng này là thánh Gioan Kim Khẩu. Cũng theo hướng này, nhà thần bí Ruysbroec phân biệt ba loại khiết tịnh hay trong sạch : trong tâm trí, nơi tâm hồn và ngoài thân xác. Mối phúc đang bàn liên hệ đến sự khiết tịnh trong tâm hồn. Tác giả viết như sau: “Sự khiết tịnh trong tâm hồn gom các giác quan bên ngoài lại, trong khi ở nội tâm, nó kiềm chế và làm chủ các bản năng thô bạo…, nó khép lòng trước những thực tại trần thế, những mồi chài phỉnh phờ, và mở lòng đón nhận những thực tại trên trời và chân lý”.
Với những tầm mức hạnh phúc khác nhau, tất cả các giải thích chính thống đều rập theo lời dạy mới mẻ của Chúa, là nhấn mạnh cái bên trong. Một cách nghịch lý : những người phản bội lại mối phúc về tâm hồn trong sạch lại chính là những người tự cho mình là trong sạch, trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, từ phong trào cathares (katharoi) tới những phong trào hay giáo phái tương tự. Họ thuộc vào số những người giữ sự trong sạch bên ngoài hơn bên trong, không khác gì những người Biệt phái mà Chúa lên án.
3. Sự giả hình của người đời
Người ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng về phương diện xã hội và văn hóa của một số mối phúc. Chẳng hạn biểu ngữ của phái chủ hòa có ghi câu “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”. Mối phúc dành cho người hiền lành sẽ được đất làm gia nghiệp cũng được gợi ra để ủng hộ cho cuộc đấu tranh bất bạo động. Đấy là chưa kể đến mối phúc dành cho những người nghèo và người bị bách hại vì lẽ công chính. Thế nhưng chẳng ai buồn nói tới mối phúc dành cho những tâm hồn trong sạch, vì cho nó thuộc lãnh vực cá nhân. Thực ra mối phúc này có thể có tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội hôm nay.
Như ta đã thấy : đối với Chúa Giêsu, sự trong sạch trong tâm hồn tiên vàn không đối nghịch với sự không trong sạch, nhưng là với sự giả hình, một lầm lỗi rất thường thấy nơi con người, nhưng lại rất ít được xưng thú. Có sự giả hình cá nhân. Có sự giả hình tập thể.
Pascal đã đưa ra nhận xét như thế này : con người ta có hai cuộc sống, một cuộc sống thật và một cuộc sống tưởng tượng dựa vào ý kiến của người khác hay ý kiến của mình. Chúng ta thường tô điểm và bảo vệ con người tưởng tượng của mình, và lờ đi con người thật. Có được một nhân đức hay một công trạng nào, chúng ta muốn dùng mọi cách để làm cho chúng được biết đến, để làm giầu cho con người tưởng tượng bằng nhân đức hay công trạng đó… đến độ đôi khi chấp nhận hèn nhát để vờ là can đảm, và thậm chí hy sinh cuộc đời, miễn được người ta nói về nó”.
Khuynh hướng coi trọng hình ảnh hơn thực tế, như Pascal nhận xét, được thấy rõ trong văn hóa hiện nay, một văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của các phương tiện truyền thông đại chúng. Descartes nói: “Cogito, ergo sum” (Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu). Ngày nay, người ta muốn thay thế câu ấy bằng câu: “Tôi xuất hiện, vậy tôi hiện hữu”.
Chữ ‘giả hình’ có gốc gác từ kịch nghệ. Nó chỉ có nghĩa là đọc truyện, biểu diễn trên sân khấu. Thánh Augustinô có nhắc đến nó khi chú giải mối phúc về tâm hồn trong sạch. Ngài viết: Người giả hình là tác giả những chuyện giả tưởng, cũng như những người đóng các vai khác nhau trên sân khấu.
Vậy gốc gác của chữ này cho phép ta khám phá ra bản chất của giả hình. Giả hình là biến cuộc đời mình thành một sân khấu, nơi đó người ta đọc truyện trước cử tọa. Giả hình còn ở chỗ đeo mặt nạ, không còn là mình, để trở thành một nhân vật của bản kịch. Có người nói rằng “Nhân vật (personnage) là sự thoái hóa của con người (personne). Con người là bộ mặt, còn nhân vật là mặt nạ. Con người trần truồng tự bản chất, còn nhân vật thì bận đầy trang phục. Con người thích những gì chính thực, chủ yếu, còn nhân vật thì sống bằng giả tưởng và mưu mẹo. Con người tuân theo những xác tín của mình, còn nhân vật thì làm theo kịch bản. Con người sống cuộc đời như băng qua sa mạc, còn nhân vật chỉ biết không gian của mình trong những lúc xuất hiện trên sân khấu. Con người thì khiêm tốn, nhẹ nhõm, còn nhân vật lại nặng nề, cồng kềnh”.
Tuy vậy, sự giả tưởng trong kịch nghệ chỉ là sự giả hình vô tội, vì dầu sao vẫn có sự phân biệt giữa sân khấu và cuộc đời. Không phải vì tôi đóng vai Tôn Ngộ Không mà khán giả tưởng tôi thật sự là Tôn Ngộ Không, dù tôi có nhập vai hoàn hảo mấy đi nữa. Thế mà ngày nay, người ta chứng kiến một sự kiện mới mẻ và đang lo ngại, đó là có những người muốn biến cuộc đời thành một sân khấu, không còn tách biệt gì ráo.
Theo triết gia Pháp Jean Beaudrillard, từ nay khó mà phân biệt những biến cố thực sự xẩy ra với những gì mà truyền thông thuật lại. Người ta lẫn lộn cái xẩy ra thực với cái có thể xẩy ra.
Lời nhắc nhở về nội tâm liên hệ đến mối phúc đang bàn, cũng như đến toàn bộ Bài Giảng Trên Núi, kêu gọi ta đừng chạy theo khuynh hướng muốn biến con người thành một nhân vật, một hình ảnh, hoặc, tệ hơn, một ảo ảnh (simulacre).
Kierkegaard cho thấy sự vong thân là kết quả của một cuộc sống thuần túy bên ngoài, luôn luôn và chỉ sống trước mặt người khác chứ không bao giờ đối diện với Thiên Chúa và với chính mình. Một anh chăn bò có thể là một ông chủ đối với đàn bò của mình, nếu anh luôn sống với chúng và chỉ đối chiếu mình với chúng, Một ông vua có thể là một ông chủ đối với thần dân của mình, và thấy mình là một ông chủ quan trọng. Nhưng đó là những ông chủ bất toàn vì thiếu cái làm chuẩn. Cái làm chuẩn đây là Thiên Chúa. Nếu những người đó ý thức mình hiện hữu trước Thiên Chúa, họ sẽ biết mình chỉ là một con người mà chuẩn mực là do Chúa tác tạo và ban cho.
Thánh Phanxicô Assisi nói: “Con người là thế nào trước mặt Thiên Chúa, thì là thế ấy, không hơn”
4. Sự giả hình ở trong đạo
Khi nói về sự giả hình thì điều tệ hại nhất chính là chỉ dùng nó để xét đoán người khác, phê phán xã hội…Chúa Giêsu gọi những con người như thế là giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5).
Với tư cách một người tín hữu, chúng ta cần nhắc lại lời của một tôn sư Do thái giáo sống vào thời Chúa Giêsu. Ông quả quyết ở Giêrusalem lúc đó có đến 90% sự giả hình của thế giới. Thánh Ignatiô Antiokia thấy cần phải sửa mắng anh em mình trong đức tin nên viết: “Là một Kitô hữu mà không nói mình là Kitô hữu thì tốt hơn nói mình là Kitô hữu mà thực sự không là Kitô hữu”.
Sự giả hình đánh lừa đặc biệt những người sống thánh thiện, đạo đức. Lý do đơn giản và dễ hiểu thôi. Nơi nào càng coi trọng các giá trị tinh thần, đạo đức.. thì cám dỗ bày tỏ những giá trị ấy càng lớn, để chứng tỏ mình không thiếu các giá trị ấy. Đôi khi chính chức năng, vai trò của ta thúc đẩy ta làm như thế. Chẳng hạn trong vai trò lãnh đạo, chúng ta cần được người khác yêu thương, kính trọng và vâng phục. Muốn vậy phải có những lời lẽ, hành vi, cách sống chứng tỏ mình đáng được yêu kính, vâng phục, dù đó là những biểu hiện giả đối của chúng ta.
Sự giả hình độc hại nhất chính là che giấu sự giả hình của mình. Trong các bản xét mình ngày tĩnh tâm hay để xưng tội, hầu như không thấy ai đặt ra câu hỏi : Tôi có giả hình không? Tôi có để tâm xem người khác nhìn tôi hơn là Thiên Chúa nhìn tôi không? Mỗi người hãy đặt ra câu hỏi ấy cho mình mà tự tra vấn.
Tất cả chúng ta đều được Chúa ban cho những nén bạc khác nhau. Giữa việc làm cho các nén bạc sinh lợi và không làm cho chúng sinh lợi, có thể có một cách thứ ba: làm chúng sinh lợi cho tôi, cho vinh quang của tôi, chứ không phải cho chủ, cho Chúa. Việc này có lẽ còn tệ hơn chôn giấu các nén bạc. Chúng ta giả hình khi làm cho các nén bạc sinh lợi mà sai mục đích!
Chúa Giêsu đã để lại một phương thế đơn sơ, dễ dàng giúp điều chỉnh ý định của ta nhiều lần mỗi ngày. Đó là đọc ba lời xin đầu trong kinh Lạy Cha : Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Có thể đọc như những lời nguyện xin, mà củng có thể là cách nói lên ý định của chúng ta, tức là: mọi việc tôi làm, tôi muốn làm để Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa thể hiện.
Nếu mối phúc về tâm hồn trong sạch góp phần làm cho thế giới được trong sạch, chân thực, không giả dối giả hình, ngoài đời cũng như trong đạo, thì quả là một sự góp phần quý giá cho xã hội và cho Giáo hội. Trong thế giới ấy, hành động tương ứng với lời nói, lời nói tương ứng với ý tưởng, ý tưởng của con người tương ứng với ý tưởng của Thiên Chúa. Điều này sẽ xẩy ra viên mãn tại Giêrusalem thiên quốc, quê hương trong sáng mà chúng ta đang tiến về.
Có một câu truyện ngụ ngôn với tựa đề “Đất nước bằng kính”. Tác giả kể truyện một đứa trẻ nhờ ma thuật mà tới được một đất nước toàn bằng kính : nhà cửa bằng kính, chim chóc bằng kính, cây cối bằng kính, con người đi lại như những bức tượng bằng kính. Tuy vậy, kính này không bao giờ vỡ, vì ai nấy đều học cách di chuyển rất cẩn thận và tinh tế. Khi gặp nhau, người này trả lời trước khi người kia hỏi, vì ngay cả ý tưởng cũng trở nên trong suốt và rõ ràng. Kính mà! Không ai nói dối ai vì biết rằng người này có thể đọc được tư tưởng của người kia.
Điều này mà xẩy ra với chúng ta thì đáng lo quá. Nhưng không sao, đây chỉ là truyện ngụ ngôn thôi. Dầu vậy, nó cũng có thể giúp chúng ta tiến dần tới một lý tưởng như thế. Sẽ không còn giả dối giả hình. Đó là con đường đưa tới hạnh phúc mà chúng ta đang bàn, tức hạnh phúc cho những tâm hồn trong sạch, vì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, không chỉ ở Giêrusalem trên trời, mà ngay trong cuộc đời trần gian này.
(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2007 tại Phủ Giáo hoàng ở Vatican)
Lm Micae Trần Đình Quảng