Thành Thi
Ngày 5.7.2013, tại Rôma, linh mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh công bố với báo chí: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn đệ trình của Bộ Phong thánh về việc công nhận phép lạ thứ hai do lời bầu cử của Chân phước Gioan Phaolô II. Phép lạ này đã xảy ra với bà Floribeth Mora Diaz, người Costa Rica, được chữa khỏi bệnh bướu não vào năm 2011. Phép lạ thứ nhất do Đức Gioan Phaolô II bầu cử đã được Chúa ban cho nữ tu người Pháp Marie Simon Pierre Normand bị bệnh Parkinson.
Ngày 30.9.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tọa Công nghị Hồng y tại Vatican. Trong Công nghị, Đức Thánh Cha quyết định tuyên thánh cho hai vị chân phước giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Lễ tôn phong Hiển thánh được cử hành vào ngày 27 tháng Tư năm 2014, tức Chúa Nhật II Phục sinh, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Và từ ngày đó, Giáo Hội có thêm hai vị hiển thánh. Cả hai đều là giáo hoàng. Cả hai đều là thánh nhân của thế kỷ XX. Cả hai đều làm chứng cho Tin Mừng Tình yêu và Hòa bình, Mở cửa và Đối thoại.
Những chứng từ của hai vị đều được xác nhận bởi những người đương thời và đến nay vẫn nguyên vẹn mới. Như vừa xảy ra hôm qua. Sống động và gần gũi.
Nếu Đức Gioan XXIII là người có sáng kiến triệu tập, đích thân khai mạc và chủ tọa Công đồng, rồi sau đó không lâu, đã giã biệt mọi người về trời, thì Gioan Phaolô II là người tham dự Công đồng, tiếp tục ở lại trần gian nửa thế kỷ nữa và thực thi những dự phóng và dự báo của Công đồng.
Nếu Đức Gioan XXIII được người Ý gọi là Papa buono – Người cha nhân hậu, thì Đức Gioan Phaolô II là người của Spirito di Assisi – Tinh thần Assisi, hay Messaggero di pace – Sứ giả hòa bình.
Như vậy cả hai đều phản chiếu gương mặt của Đức Giêsu, Đấng Mục tử nhân hậu và ban bình an.
Mừng hai hiển thánh – Gioan XXIII và Gioan Phaolô II – là đón mừng và tiếp tục cuộc hành trình của hai đấng thánh, hai ánh quang nhân hậu và an hòa tỏa chiếu từ Trái tim giàu lòng Thương xót của Chúa Giêsu, vị mục tử tốt lành.
I. THÁNH GIOAN XXIII, GIÁO HOÀNG (1881–1963) II. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, GIÁO HOÀNG (1920–2005) 1. Thời niên thiếu và trưởng thành 2. Bí mật theo đuổi ơn thiên triệu |
I. THÁNH GIOAN XXIII, GIÁO HOÀNG (1881–1963)
1. Thời Thơ Ấu
Thánh giáo hoàng Gioan XXII, tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881, tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, nước Ý. Ngài là người con thứ 4 và là trưởng nam trong một gia đình có 13 người con. Cha ngài là ông Giovanni Battista Roncalli (1854–1935), và mẹ là bà Marianna Mazzola (1855–1939). Gia đình ngài sống bằng nghề nông. Nhà đông con, cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng cha mẹ ngài nổi tiếng tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Thánh nhân kể lại:
“Tuy nghèo, nhưng mỗi khi có người ăn xin đến trước cửa, dù trong bếp đã có đến hơn chục đứa trẻ háu ăn đang chờ dĩa súp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho người hành khất và mau mắn mời người lạ ngồi vào bàn, cùng dùng bữa với gia đình”.
Đại gia đình Roncalli gồm hai chi tộc anh em sống quây quần bên nhau tại vùng nông thôn Bergamo. Bõ đỡ đầu của Angelo Roncalli (tức thánh Gioan XXIII) là ông Zaverio, ông chú (em ruột của ông nội) là người đã xây dựng nền móng và chăm sóc đời sống đức Tin của thánh nhân lúc thiếu thời. Bàu khí sống đức Tin, chuyên chăm cầu nguyện và bác ái của gia đình Roncalli và giáo xứ Sotto il Monte, dưới sự hướng dẫn của cha xứ Francesco Rebuzzini, đã góp phần rất lớn vào nếp sống đạo của Angelo Roncalli.
Nhà báo Mark Duff của đài BBC gặp cô Elena Roncalli (sinh năm 1993) là cháu đời thứ sáu, gọi cố giáo hoàng Gioan XXIII là cụ cố. Elena kể lại, các thế hệ con cháu nhà Roncalli vẫn được nghe các bậc cha ông trong gia đình kể những câu chuyện về cụ cố Angelo Giuseppe (tức Đức giáo hoàng Gioan XXIII) là một người sống nghèo khó và giản dị, trở thành mẫu gương đời sống cho mọi người trong dòng họ.
Thánh Gioan XXIII không bao giờ quên mình xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ và luôn tạ ơn Chúa, bởi đó là hồng ân được tập sống khó nghèo dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Về sau, vào tháng 3 năm 1959, lúc tiếp Hội nghị Phụ nữ Ý, ngài hồi tưởng về gia đình:
“Ngay khi vừa biết tin tôi được Chúa chọn và trao sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội, nhiều người ta nói đến cảnh nghèo của gia đình tôi, quả thật, tôi rất cảm động khi nghe nhắc đến điều này và hết lòng tạ ơn Chúa! Phải, phần lớn cũng nhờ gia đình mà tôi đã được Chúa gọi làm linh mục, giám mục rồi giáo hoàng… Gia đình tôi không phải quá nghèo như người ta vẫn thường nói, nhưng trên tất cả mọi ơn Chúa ban, thì kho tàng lớn nhất là gương sáng của cha mẹ và bàu khí tốt lành, đơn sơ và ngay thẳng trong gia đình tôi được hấp thụ từ hồi thơ ấu”.
2. Linh Mục Roncalli
Năm 1904, thầy Roncalli chịu chức linh mục ngày 10–8 và dâng lễ mở tay vào lễ Đức Mẹ lên trời.
Năm sau ngài đỗ tiến sĩ thần học và làm thư ký cho Giám mục địa phận Bergamo đến năm 1914 (trong gần 10 năm). Ngoài công việc thư ký tại tòa giám mục, cha Roncalli còn làm giáo sư đại chủng viện và điều khiển phong trào Công giáo tiến hành của giáo phận.
Tháng 4 năm 1915, nước Ý tuyên chiến với Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, linh mục Roncalli nhận bài sai làm tuyên úy quân đội. Về sau ngài nói về công việc tuyên úy quân đội:
“Chiến tranh đã cho tôi một dịp để đến gần các tâm hồn hơn, và để tìm ra những con đường tốt nhất đi vào lòng người. Qua kinh nghiệm này, tôi trở nên tốt hơn, sẵn sàng hơn để cảm thương lỗi lầm của kẻ khác, biết quên mình và quên cả những gì có thể tạo danh giá hay vinh dự cho mình ở đời này”.
Năm 1920, Đức giáo hoàng Bênêđictô XV gọi ngài về làm việc ở Bộ Truyền giáo (1920–1925).
3. Giám Mục Roncalli
Được tấn phong Giám mục
Ngày 19.3.1925, ngài được tấn phong Tổng giám mục hiệu tòa Areopolis, phụ trách công cuộc truyền giáo tại Bulgaria.
Khâm sứ Tòa thánh tại Bulgaria (1931–1934)
Năm 1931, Đức giáo hoàng Piô XI bổ nhiệm ngài làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Bulgaria. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì đã hơn 1.000 năm giữa Roma và Bulgaria không có liên lạc về ngoại giao và số tín hữu Công giáo chỉ chiếm 1% dân số.
Trong thời gian thi hành sứ vụ tại Bulgaria, ngài không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Ngài thăm viếng các công đoàn tín hữu ở tận những nơi hẻo lánh và khó khăn nhất. Ngài dốc sức xây dựng nền móng cho Giáo Hội tại Bulgaria và mở đầu cho những mối liên lạc với anh em Chính thống giáo.
Khâm sứ Tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (1934–1944)
Ngày 30.11.1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Số tín hữu tại hai quốc gia này rất ít: Hy Lạp 0,8% và Thổ Nhĩ Kỳ 0,66% dân số. Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng, chính quyền không che giấu thái độ chống Giáo Hội Công giáo. Vì thế lúc đầu Roncalli phải hoạt độngrất kín đáo. Nhưng dần dần nhờ cách xử sự mềm mỏng, tế nhị của ngài, chính phủ Ankara tuy vẫn còn tinh thần bài tôn giáo, nhưng đã tỏ rõ sự nể trọng đối với Đức Khâm sứ Roncalli. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Tổng giám mục Roncalli ở trong một tình trạng khó xử: phe nào cũng muốn ngài lên án đối thủ. Nhưng ngài luôn trung thành với sứ mạng thiêng liêng của mình. Ngoài ra, ngài xin Tòa Thánh viện trợ cho hàng vạn trẻ Hy Lạp chết vì thiếu ăn. Ngài đến các trại giam an ủi tù binh và tổ chức chuyển tin tức về cho gia đình họ.
Sứ thần Tòa Thánh tại Paris (1944–1953)
Tháng 12 năm 1944, Đức Tổng giám mục Roncalli được Đức giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Paris. Ngài đã đảm nhận sứ mạng này trong gần 10 năm, từ 1944 đến 1953, với cung cách mềm mỏng và chân thành nhằm giải quyết những khó khăn, phức tạp về chính trị và về ngoại giao giữa Tòa Thánh, Hội đồng giám mục Pháp và chính phủ Pháp.
André Latreille, vụ trưởng Vụ Tôn giáo thuộc Bộ Nội vụ Pháp, nhận định về Đức Sứ thần Tòa Thánh Roncalli sau những lần gặp gỡ:
“Khi biết tôi có 10 đứa con, Đức sứ thần Roncalli liền tỏ rõ sự quan tâm và coi tôi là một người nghiêm túc… Nhờ tính lạc quan, khéo léo và nhẫn nại, ngài đã góp một phần lớn trong việc tái lập quan hệ ngoại giao mà sáu tháng trước đây không thể hình dung”.
Còn Đức Tổng giám mục Roncalli thì chia sẻ:
“Tôi cứ bình thản, làm xong một việc rồi chuẩn bị làm tiếp việc sau. Tôi hoạt động, nói năng, luôn nhẫn nại chờ đợi trong im lặng, và luôn làm sáng lên tinh thần trong sáng, hiền hòa và vui tươi trước những gì đang diễn ra… Không biết do đâu, có lẽ thời gian 20 năm sống ở Đông phương đã giúp tôi nhanh lẹ hơn, tinh tường hơn trước những mưu chước của phương Tây”.
Đức Roncalli rất ít khi tuyên bố lập trường, nhưng thích được gặp gỡ, trò chuyện cùng mọi người, từ giới trí thức đến những người bình dân, để lắng nghe và học hỏi.
Nhận mũ hồng y và được bổ nhiệm thượng phụ giáo chủ Venezia
Ngày 12.1.1953, tại Công nghị Hồng y, ngài được Đức Piô XII vinh thăng hồng y. Ba ngày sau, 15.1.1953, Đức Piô XII bổ nhiệm ngài làm thượng phụ giáo chủ Venezia.
Phát biểu trong lễ nhậm chức, ngài nói:
“Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ Chúa…
Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, cứ hãy gõ cửa. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công giáo hay không? Mời người anh em vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu chào mời”.
Từ đó, cứ vào sáng sớm, người ta thường gặp ngài tản bộ trên đường phố còn thưa vắng, ghé thăm dân lao động: anh bán tranh, anh hầu bàn quán cà phê, bắt tay người gác cửa khách sạn, hỏi han bà bán rau và cô hàng hoa. Còn buổi tối, ngài xuống bến đò trò chuyện với dân chài, người lái đò gondola.
4. Giáo Hoàng Gioan XXIII
Mật nghị Hồng y
Ngày 9.10.1958, Đức giáo hoàng Piô XII qua đời. Ngày 25.10.1958, các hồng y họp Mật tuyển viện bầu giáo hoàng mới.
Trước khi khai mạc Mật tuyển viện, ai cũng để ý tới tên tuổi Đức Tổng giám mục Giovanni Battista Montini, Tổng giáo phận Milan, dù lúc đó ngài chưa phải là hồng y. Đức TGM Montini (sau này sẽ là Đức giáo hoàng Phaolô VI) lúc đó là một nhân vật lừng lẫy và dư luận đoán sẽ được Mật tuyển viện bầu làm giáo hoàng.
Nhưng sau 4 ngày họp Mật tuyển viện, các hồng y đã chọn Đức thượng phụ giáo chủ thành Venezia: Hồng y Angelo Roncalli.
Ngày 28 tháng 10 năm 1958, hồng y Angelo Roncalli trở thành vị giáo hoàng thứ 261 của Giáo Hội Công giáo. Lúc đó ngài đã 77 tuổi. Xuất hiện tại bao lơn Đền thờ thánh Phêrô, Đức tân giáo hoàng với nét mặt phúc hậu, dễ mến, mỉm cười chào mọi người và nói: “Hãy gọi tôi là Gioan!”.
Chỉ vài tháng sau, báo chí sớm nhận xét về vị tân giáo hoàng, sau khi chứng kiến những hoạt động xã hội, bác ái của ngài:
“Chưa có ai trong chức vụ giáo chủ mà ung dung đến thế. Người ta yêu mến vị giáo chủ đã làm cho nội dung Tin Mừng của đạo, vốn bấy lâu nay được bao bọc trong bầu khí tôn nghiêm đền thánh, bỗng trở nên hồn nhiên và hiện thực. Vì xét cho cùng, đó cũng là cung cách của Chúa Giêsu tìm đến với mọi người, Đức Giêsu của hoa đồng cỏ nội, của thiếu nhi và người nghèo, của Thập giá và Nước Trời…” (Linh mục Casalis, báo Osservatore Romano).
“Đứng trước ngài, ai ai cũng đều cảm nhận ngài có một nét độc đáo. Đó là sự độc đáo của một nhân cách khiêm tốn và bao dung, phản ánh cả một nếp sinh hoạt nội tâm phong phú và sâu xa. Một cụ già với trái tim yêu thương nhân loại thắm thiết, vị giáo hoàng với tình phụ tử nồng nàn, khiến ai nấy khi trò chuyện cùng ngài cũng đều kính trọng và ngưỡng mộ…” (Robert T. Elson, báo Life).
Triệu tập, khai mạc và chủ tọa Công đồng Vatican II
Dưới triều đại giáo hoàng Gioan XXIII, một biến cố rất lớn và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, đó là việc triệu tập Cộng đồng Vatican II, đưa Giáo Hội nhập cuộc thế giới ngày nay.
Những cột mốc Công đồng Vatican II dưới thời Đức Gioan XXIII
– 25.1.1959: Đức Gioan XXIII loan báo triệu tập công đồng.
– 17.5.1959: Thành lập Ủy ban tiền chuẩn bị.
– 18.6.1959: Gởi bản thăm dò ý kiến về công đồng cho các giám mục trên toàn thế giới.
– 5.6.1960: Thành lập các Ủy ban chuẩn bị công đồng.
– 25.12.1961: Công bố Tông hiến Humanae Salutis về việc triệu tập công đồng.
– 11.9.1962: Đức Gioan XXIII ngỏ lời với toàn thế giới qua thông điệp truyền thanh Ecclesia Christi, lumen gentium.
– 11.10.1962: Đức Gioan XXIII khai mạc công đồng, gần 2500 giám mục, bề trên các dòng tu tham dự.
– 13.10.1962: Đức Hồng y Liénart yêu cầu và được chấp thuận là việc bầu thành viên các ủy ban của công đồng được lùi lại vài ngày.
– 22.10.1962: Văn phòng Hiệp nhất các Kitô hữu được trở thành một ủy ban của công đồng.
– 14.11.1962: Lược đồ về phụng vụ được chấp nhận về nguyên tắc.
– 20.11.1962: Lược đồ về Mạc khải De Fontibus Revelationis không vượt qua được cuộc bỏ phiếu chấp thuận.
– 21.11.1962: Theo quyết định của Đức giáo hoàng, lược đồ De Fontibus Revelationis được chuyển tới một ủy ban hỗn hợp, gồm Ủy ban Giáo lý và Văn phòng Hiệp nhất, để soạn thảo lại.
– 6.12.1962: Thành lập Ủy ban điều phối có nhiệm vụ theo dõi công việc giữa hai khóa họp.
– 8.12.1962: Đức Gioan XXIII kết thúc khóa họp đầu tiên.
Tháng 2/1963: Ủy ban điều phối giảm số lược đồ từ 70 xuống 17.
– 11.4.1963: Đức Gioan XXIII công bố Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất).
– 3.6.1963: Đức Gioan XXIII từ trần.
“Pacem in Terris” – Di chúc thiêng liêng gửi lại Giáo Hội:
Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đặc biệt khích lệ các tín hữu hãy dành mọi ưu tiên dấn thân phục vụ xã hội. Với thông điệp Pacem in Terris, ngài đã góp phần làm phong phú Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, đặt nền móng giáo thuyết cho việc kiến tạo hòa bình.
Thông điệp được công bố ngày 11 tháng 4 năm 1963.
Pacem in Terris là tâm huyết và giáo huấn của Đức Gioan XXIII gửi đến mọi người thiện chí, nhấn mạnh đến nhân quyền, chống mọi hình thức kỳ thị và đặc quyền đặc lợi, lên án chủ trương sử dụng chiến tranh.
Trên giường bệnh, ngài duyệt lại lần cuối cùng bản văn sứ điệp. Pacem in terrisđã trở thành di chúc thiêng liêng của ngài gửi lại cho Giáo Hội và thế giới.
Con người phải được quyền tôn thờ Thiên Chúa
“Trong các quyền lợi của con người, phải kể cả quyền được tôn thờ Thiên Chúa theo mệnh lệnh của lương tâm, và được tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời sống tư nhân, cũng như trong đời sống công khai. Lactanxiô ngày xưa đã xác định: “Sở dĩ Chúa cho chúng ta sống là để chúng ta dâng lên Ngài, là Đấng Sáng Tạo, lòng tôn sùng chính đáng, chúng ta chỉ nhìn nhận, tuân theo một mình Ngài. Cái tình hiếu thảo này ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa, và chính vì thế mới có tôn giáo”. Đức Lêo XIII, vị Tiền nhiệm còn lưu danh, cũng đã quả quyết: “Chính cái quyền tự do chân chính, xứng đáng với địa vị con cái Thiên Chúa và bảo toàn nhân vị, nó hùng mạnh hơn cả bạo lực, và những hành động bất công: Giáo Hội vẫn cầu mong tự do, vẫn coi tự do như một báu vật yêu quí hơn cả. Từ ngàn xưa, các thánh tông đồ vẫn đòi quyền tự do này, các nhà hộ giáo vẫn đề cao trong sách vở, và từng ức vạn các thánh Tử đạo, đã lấy xương máu để minh chứng” (Pacem in terris, số 14)
Những quyền dân sự của con người
“Gắn với phẩm giá con người, là quyền được tham dự một cách tích cực vào đời sống công cộng và góp phần cá nhân vào thiện ích chung. Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Piô XII đã giải thích: “Về bản chất, con người không phải là một đối tượng, hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, nó phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh”.
Phẩm giá con người còn có quyền đòi pháp luật bảo vệ những quyền lợi riêng của mình, bảo vệ một cách hữu hiệu, hết mọi người bằng nhau, và chiếu theo những nguyên tắc công bình. Đức Piô XII đã tuyên bố: “Do trật tự pháp lý mà Thiên Chúa đã quy định, con người được hưởng một quyền lợi đặc biệt và vĩnh viễn, do đó mỗi cá nhân được bảo đảm an ninh, và được cả một khu vực quyền lợi có pháp luật bảo vệ cho khỏi bị người khác lấn áp, vi phạm” (Pacem in Terris, số 26–27).
5. Chân Phước Gioan XXIII
Ngày 3.9.2000, tại Rôma, hơn 100 ngàn tín hữu đến từ nhiều nước trên thế giới tham dự thánh lễ Phong chân phước của 5 vị tôi tớ Chúa: Pio IX (1792–1878) – Gioan XXIII (1881– 1963) – Tommaso Reggio (1818–1901) – Giuse Chaminade (1761–1850) – Columba Marmion (1858–1923).
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự thánh lễ đồng tế tôn phong các vị chân phước.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nêu cao tấm gương đời sống đức Tin của các tân chân phước. Về Đức chân phước Gioan XXIII, Đức Thánh Cha nói:
“Đức cố giáo hoàng Gioan XXIII đã để lại trong ký ức mọi người hình ảnh một gương mặt tươi cười và hai cánh tay rộng mở để ôm trọn thế giới. Tâm hồn giản dị của ngài đã chinh phục biết bao con người. Sự giản dị này có mối liên hệ sâu xa với kinh nghiệm rộng lớn của ngài về con người và sự việc! Luồng gió mới ngài mang đến cho Giáo Hội không phải là về giáo thuyết mà là cách trình bày giáo thuyết. Cách thức ngài trình bày và thực hành giáo thuyết thật mới mẻ. Thái độ và tình cảm của ngài khi đến với những người bình thường và những người quyền thế trên trần gian cũng thật mới mẻ. Với một tinh thần như thế, ngài đã đem đến cho Giáo Hội Công đồng Vatican II. Còn với Công đồng Vatican II, ngài đã mở một trang sử mới cho Hội Thánh. Từ trang sử mới này, các Kitô hữu nhận ra mình được mời gọi loan báo Tin Mừng với lòng quả cảm mới và biết quan tâm hơn đến những “dấu chỉ” của thời đại. Công đồng thực sự là một trực giác mang tính tiên tri của vị Giáo hoàng luống tuổi này. Chính ngài đã khai mạc, giữa muôn vàn khó khăn, một mùa hy vọng mới cho các Kitô hữu và cho nhân loại.
Trong những ngày cuối cùng sống trên trần thế, ngài đã trối lại cho Hội Thánh: “Trên đời này, không gì quý giá hơn Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh và Tin Mừng của Người, chân lý và lòng nhân hậu”. Hôm nay chính chúng ta cũng muốn nhận lấy lời trăn trối này và tôn vinh Chúa đã ban ngài làm vị mục tử dẫn dắt chúng ta”.
II. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, GIÁO HOÀNG (1920–2005)
1. Thời niên thiếu và trưởng thành
Thánh Gioan Phaolô II, tức Karol Wojtyla sinh ngày 18.5.1920, tại Wadowice, đông nam Cracovia, Ba Lan. Cha ngài là ông Karol Wojtyla và mẹ là bà Emilia Kaczorowska.
Khi lên 9 tuổi, mẹ ngài qua đời. Ba năm sau, ngài mất thêm người anh cả là bác sĩ Edmund Wojtyla. Thân phụ ngài qua đời vào năm 1941.
Sau khi đậu tú tài, năm 1938, Karol Wojtyla vào Đại học Jagellon tại Cracovia, theo học khoa Triết, đồng thời bắt đầu làm quen với nghệ thuật sân khấu và thi ca. Năm 19 tuổi, ngài hoàn thành tập thơ “Thánh vịnh Phục hưng” đồng thời cũng hoàn tất khóa huấn luyện quân sự dành cho sinh viên.
Cùng lúc đó, Phát xít Đức xâm lăng Ba Lan. Trường đại học Jagellon buộc phải đóng cửa. Karol xin vào làm tại nhà máy hóa chất Solvay để kiếm sống và tránh bị đưa sang Đức.
2. Bí mật theo đuổi ơn thiên triệu
Năm 1939, Ba Lan bị Đức chiếm đóng. 184 giáo sư trường Đại học Jagellon của Cracovia bị bắt giữ. Các linh mục tại quê nhà của Karol cũng bị Gestapo bắt giam.
Karol vừa đi làm vừa tham gia các hoạt động bí mật kháng chiến chống phát xít Đức (sáng tác và biểu diễn các vở kịch yêu nước), đồng thời tham gia Nhóm trẻ Kinh Mân côi và học hỏi đời sống chiêm niệm Cát Minh với Jan Tyranowski (1900–1947), một cộng tác viên đắc lực của các cha dòng Don Bosco, hiện đã được công nhận là Tôi tớ Chúa.
Năm 1942, Karol được giáo phận chấp nhận vào học chủng viện. Lúc này chủng viện đang âm thầm đào tạo linh mục trong bí mật.
Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Karol tiếp tục học Thần học tại chủng viện của giáo phận vừa được mở cửa lại.
3. Linh mục Karol Wojtyla
Ngày 1.11.1946, ngài được Đức hồng y Adam Stefan Sapieha, Tổng giám mục Cracovia, truyền chức linh mục. Sau khi chịu chức, ngài được gửi sang Rôma học tiếp tục tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của cha Garrigou–Lagrange, dòng Đa Minh. Năm 1948 ngài lãnh học vị tiến sĩ với luận án về đức Tin qua trước tác của thánh Gioan Thánh giá. Trong thời gian học tại Rôma, ngài phục vụ cộng đoàn Ba Lan đến từ các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thần học tại Rôma, cha Karol trở về quê hương Ba Lan và được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại một số giáo xứ và tuyên úy sinh viên cho đến năm 1951, cha trở lại học tiếp triết học và nghiên cứu thần học.
Năm 1953, cha bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại đại học Lublin với đề tài: “Phát triển khả năng xây dựng một nền đạo đức Công giáo trên cơ sở hệ thống đạo đức học Max Scheler”. Sau đó ngài được mời giảng dạy thần học luân lý và đạo đức xã hội tại Đại chủng viện Cracovia và tại Phân khoa thần học Lublin.
- Weigel, trong quyển Witness to Hope (tr. 136), thuật lại:
“Đối với các sinh viên trường đại học Lublin, cha Wojtyla là một vị giáo sư rất dễ gần gũi. Ngài thường dành thời giờ ngồi tòa giải tội và giúp linh hướng cho các sinh viên”.
4. Giám mục, Tổng Giám mục, Hồng y Karol Wojtyla
Ngày 4.7.1958, Đức giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm cha Karol Wojtyla làm giám mục phụ tá tổng giáo phận Cracovia, hiệu tòa Ombi. Ngày 28 tháng 9, Đức cha Karol Wojtyla được tấn phong giám mục tại nhà thờ chánh tòa Wawel (Cracovia).
Ngày 13.1.1964, Đức giáo hoàng bổ nhiệm Đức cha Karol Wojtyla làm Tổng giám mục Cracovia.
Trong thời gian làm giám mục phụ tá, rồi Tổng giám mục Cracovia, Đức cha Karol Wojtyla đã tham dự tất cả các khóa họp của Công đồng Vatican II, được bổ nhiệm vào Uỷ ban Soạn thảo Lược đồ XIII về Giáo Hội trong thế giới ngày hôm nay. Lược đồ này đã trở thành Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes.
Tại Công đồng, Đức cha có một bài phát biểu nổi tiếng về tự do tôn giáo.
Ba năm sau khi đảm nhiệm sứ vụ Tổng giám mục Cracovia, ngày 26.6.1967, Đức giáo hoàng Phaolô VI thăng ngài lên hàng hồng y.
Mùa Chay 1967, Đức hồng y Karol Wojtyla được Đức giáo hoàng Phaolô VI mời giảng tĩnh tâm cho giáo triều Rôma.
5. Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Ngày 16.10.1978, Đức hồng y Karol Wojtyla được Mật tuyển viện bầu lên kế vị Đức Gioan Phaolô I qua đời sau 33 ngày đảm nhận sứ vụ Phêrô. Vị tân giáo hoàng lấy tông hiệu Gioan Phaolô II, trở thành vị lãnh đạo toàn thể Giáo Hội không phải người Ý sau gần 500 năm. Ngài sẽ thực thi sứ vụ mới trong suốt 27 năm (1978–2005) và ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Giáo Hội, không chỉ vì độ dài của triều đại mà vì những đóng góp lớn lao cho Giáo Hội và thế giới
Những hoạt động sứ vụ tiêu biểu của Đức Gioan Phaolô II
– Thực hiện 104 chuyến tông du ngoài lãnh thổ nước Ý, đến 104 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 1 triệu 162 ngàn 615 km. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm châu Phi với 14 chuyến tông du.
– Ban hành 14 thông điệp.
– Phát biểu 10.000 diễn văn gồm 80.000 trang.
– Triệu tập 15 Thượng Hội đồng Giám mục, trong đó có: 6 Khoá họp Chung Thường lệ, 1 Khoá họp Chung Ngoại lệ và 8 Khoá họp Đặc biệt.
– Chủ tọa 1.500 buổi tiếp kiến chung.
– Tiếp 65 nguyên thủ quốc gia. Nâng số quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ 92 lên 172.
– Tuyên phong 482 thánh và 1338 chân phước (so với 300 thánh và 1310 chân phước của tất cả các triều giáo hoàng trước).
– Phong thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam (19.6.1988) và tuyên phong Anrê Phú Yên lên bậc chân phước (5.3.2000).
Khối lượng hoạt động sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II hết sức đồ sộ, cho thấy sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội.
Một số công trình và sáng kiến mục vụ của Đức Gioan Phaolô II đã thúc đẩy đời sống đức Tin, cầu nguyện của tín hữu khắp thế giới
– Ban hành bộ Giáo luật 1983.
– Phê chuẩn ấn bản Sách Lễ Rôma mới ngày 11 tháng Giêng năm 2000.
– Mở Năm Thánh Cứu chuộc 1983, kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu chịu chết để cứu chuộc loài người.
– Ngày 27.10.1986, thiết lập “Tinh thần Assisi” khi mời các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn về Assisi để cầu nguyện cho hòa bình.
– Ban hành Bộ sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992)
– Mở Năm Thánh 2000, kỷ niệm 2000 năm Thiên Chúa giáng sinh làm người.
– Năm 1984, ấn định lễ Lá là Ngày Giới trẻ Thế giới và tổ chức Đại hội quốc tế Giới trẻ 2 năm một lần.
– Thiết lập lễ Kính Lòng Chúa Thương xót (30.4.2000)
– Đặt thêm Năm sự Sáng vào Kinh Mân Côi (nhân Năm Mân Côi 2002–2003).
Gioan Phaolô II, chứng nhân của Tin Mừng Yêu thương – Hoán cải – Tha thứ
– Năm 1981, ngài đến nhà tù thăm Mehmet Ali Agaça, kẻ đã ám sát ngài vào ngày 13.5.1981 và tha thứ cho anh ta.
– Ngày 12 tháng 3 năm 2000, công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ.
Di sản tinh thần của Đức Gioan Phaolô II: “Đừng sợ! Hãy mở rộng mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!”
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Thánh lễ phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, là một đúc kết sâu sắc về cuộc đời của một vị Mục tử kiên cường và nhân hậu, mạnh mẽ và đầy lòng vị tha.
Đức Bênêđictô XVI nêu cao di chúc đã được vị tân chân phước trối lại cho Hội Thánh. Di chúc đó chính là tinh thần “Đừng sợ”. Đừng sợ phục vụ Tin Mừng. Đừng sợ làm chứng cho những giá trị Phúc âm. Đừng sợ được gọi là Kitô hữu, được thuộc về Giáo Hội để loan báo Tin Mừng:
“Trong Di chúc của mình, tân chân phước Gioan Phaolô II đã viết: “Ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi các hồng y trong Mật tuyển viện đã bầu xong Gioan Phaolô II, thì Đức hồng y Stefan Wyszyński, giáo trưởng Ba Lan, đã nói với tôi: ‘Công việc của tân giáo hoàng sẽ là lãnh đạo Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba’. Và ngài thêm: ‘Tôi muốn một lần nữa cám ơn Chúa Thánh Thần về quà tặng Công đồng Vatican II. Cùng với toàn thể Giáo Hội, cách riêng với các giám mục, tôi cảm nhận sâu xa ân huệ này. Tôi tin Công đồng này của thế kỷ XX sẽ vẫn còn ban cho các thế hệ kế tiếp được lãnh nhận sự phong phú Công đồng mang lại cho chúng ta. Là một giám mục từng tham dự Công đồng từ những ngày đầu tiên cho đến khi kết thúc, tôi muốn ủy thác di sản lớn lao này cho tất cả những ai đang và sẽ được mời gọi làm cho Công đồng trở thành hiện thực trong tương lai. Về phần mình, tôi biết ơn Đấng Mục tử Muôn đời đã cho tôi được phục vụ trong tinh thần này trong suốt triều giáo hoàng của mình’.
Tinh thần gì vậy? Đó chính là tinh thần mà Đức Gioan Phaolô II trình bày trong thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại quảng trường Thánh Phêrô, với những lời không thể nào quên: “Đừng sợ! Hãy mở rộng mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!”.
Điều mà vị giáo hoàng mới được bầu đề nghị với mọi người, thì chính ngài là người đầu tiên thực hiện: ngài đã mở các hệ thống xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế cho Đức Kitô, với sức mạnh của một người khổng lồ – một sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa – tạo ra một xu thế hầu như không thể đảo ngược. Bằng chứng từ đức tin, tình yêu, bằng lòng can đảm tông đồ của mình, và bằng uy tín cá nhân lớn lao, người con tuyệt vời này của đất nước Ba Lan đã giúp cho các tín hữu trên khắp thế giới không sợ được gọi là Kitô hữu, không sợ thuộc về Giáo Hội, không sợ nói về Tin Mừng.
Tắt một lời: ngài đã giúp chúng ta không sợ sự thật, vì sự thật là bảo đảm của tự do. Hay nói hàm súc hơn: ngài đã trao cho chúng ta sức mạnh để tin vào Đức Kitô, vì Đức Kitô là Redemptor hominis, Đấng Cứu Chuộc nhân loại” (Bênêđictô XVI, Bài giảng ngày 1.5.2011).
III. KẾT LUẬN: VĨ NHÂN HAY CHỨNG NHÂN?
Khi quyết định tôn phong một tín hữu của mình lên hàng hiển thánh, Giáo Hội không nhằm áp đặt cho thế giới hình ảnh một con người kiệt xuất, một vĩ nhân trong lịch sử nhân loại, nhưng muốn nêu cho toàn thể tín hữu tấm gương về một cuộc đời đã “nên trọn lành như Cha trên trời” (x. Mt 5, 48). Đó là sự trọn lành của Đấng yêu thương đã được vị hiển thánh làm chứng bằng một cuộc đời “yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân”.
Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, hai vị thánh mới của Giáo Hội Công giáo, là hai khuôn mặt tiêu biểu cho biết bao chứng nhân của Tình yêu của Thiên Chúa hằng được thể hiện sống động, hữu hình trong suốt lịch sử nhân loại.
Các ngài đã đảm nhận và thực hiện được nhiều việc lớn lao cho Giáo Hội và thế giới, vì thế, sẽ không quá lời khi gọi các ngài là hai nhân vật lỗi lạc, hai vĩ nhân. Nhưng điều đáng nói hơn cả, các ngài đã sống một cuộc đời lớn lao bằng tinh thần “trẻ nhỏ”, hoàn toàn cậy dựa vào Chúa, như trẻ thơ tuyệt đối tin vào tình thương và luôn nép mình, cậy dựa vào cha. Quả thật các ngài đã tin và sống theo lời của Đức Kitô: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ nhỏ” (Mt 19, 14).
Hai vị giáo hoàng, hai con người lỗi lạc, cũng là hai “trẻ nhỏ” hoàn toàn thuộc trọn về Chúa và tận tình phục vụ con người.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 82 (Tháng 5 & 6 năm 2014)