“ Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” (Mc 16,15-18)
Sau hơn hai mươi năm các chị em Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô hoạt động âm thầm, phục vụ cho người Dân tộc thiểu số, với ơn Chúa luôn tuôn đổ dạt dào và sự hy sinh hết mình của các chị em chứng nhân. Trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và tri ân Cha già cố kính yêu – Laurensô Phạm Giáo Hóa – đã sáng lập hiệp hôi, vào lúc 9g30’ thứ bảy ngày 12/10/2024, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh – Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Đấng Bản Quyền của Hiệp hội đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn thiết lập Cộng đoàn Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô. Cũng ngày này, Đức cha làm phép Bàn thờ, Nhà nguyện và ngôi nhà mới của Hiệp hội, tại thôn 1, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, thuộc Giáo xứ B’Sumrăc, Giáo hạt Bảo Lộc.
Về tham dự và đồng tế với Đức cha có Cha Tổng Đại diện Gioan Bosco Hoàng Văn Chính, Cha Phaolô Lê Đức Huân – Đại diện Giám mục đặc trách người Dân tộc, Cha Giuse Trần Đức Liêm – Quản hạt Giáo hạt Bảo Lộc, Cha Phêrô K’Cheoh – Quản xứ Giáo xứ B’Sumrăc, và quý Cha trong giáo phận.
Hòa chung niềm vui tạ ơn Chúa với Hiệp hội hôm nay, có sự hiện diện của quý Bề trên các Dòng tu, quý Tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, quý ân nhân, thân nhân, quý khách cùng bà con giáo dân B’Sumrăc.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha mời gọi cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban cho các chị em trong suốt những năm qua, hiệp với niềm vui nhân ngày thiết lập Trụ sở và Cộng đoàn Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô. Đồng thời, tưởng nhớ và tri ân Cha cố Laurensô, cùng ghi nhận sự cố gắng của quý chị em trong Hội. Đây là một niềm vui lớn, không chỉ đối với chị em Hiệp hội, mà còn là niềm vui cho cộng đoàn Giáo xứ B’Sumrăc và Giáo phận Đà Lạt có thêm một cộng đoàn Hiệp hội hiện diện.
Cha phó Chưởng ấn Giuse Nguyễn Minh Cường, công bố quyết định việc chấp thuận cho phép thiết lập Trụ sở Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô, và trao chứng thư cho chị Tổng phụ trách Hiệp hội Anna Lê Thị Loan trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cộng đoàn.
“Các chị em đã có ngôi nhà nguyện mới, Thiên Chúa muốn các chị em thường xuyên trở về đây gặp gỡ Ngài, kín múc năng lượng và tiếp tục lên đường truyền giáo” Đức cha đã nhắn nhủ như thế khi Ngài chủ sự các nghi thức làm phép nước, rẩy nước thánh để thánh hóa bàn thờ, nhà nguyện mới và trụ sở.
Trong bài giảng, Đức cha Đaminh phác họa hình ảnh của ngôn sứ Isaia, một người hết lòng tin tưởng vào Chúa, và sẵn sàng đi theo đường lối của Ngài. Qua đó làm nổi bật ý nghĩa tạ ơn Thiên Chúa của ba bài đọc. Bài đọc I trích trong sách Is 63,7-9 Thư Ep 1,3-10 và bài Phúc âm Mc 5,18-20 gợi lên không những tâm tình tạ ơn mà còn liệt kê những ơn nhận được, nêu lên lý do tạ ơn và còn chỉ dạy cách thức tạ ơn như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc âm: “Anh cứ về nhà với thân nhân, thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Về phần chị em Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, bởi vì sự tốt lành của Chúa không phải cái gì bên ngoài, chóng qua, mà nằm sâu bên trong đem lại hương vị cuộc sống và cho ta nhìn mọi sự theo cách thức mới. Chúng ta hưởng nếm hương vị đức tin của Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô, bằng cách gợi lại những cuộc đời cống hiến cho Tin Mừng. Tiên vàn chúng ta nhớ đến Cha già cố Laurensô Phạm Giáo Hóa, vị sáng lập hiệp hội. Một Cha cố đạo đức đáng kính, gợi lại khuôn mặt Cha cố là chúng ta nhớ về con người của nguồn cội Hiệp hội này. Chính bút tích của Ngài trong đơn xin thành lập cách đây 22 năm, cho chúng ta hình dung Ngài một cách sống động với thao thức về chị em và một trụ sở cho chị em. Vậy các chị em hãy chạy đến với Chúa mỗi khi mệt mỏi, chán chường, thất bại để ta nhận được bình an nơi tâm hồn và được tiếp lấy nguồn năng lượng vô biên từ Chúa Giêsu.
Sau thánh lễ, Chị Anna Tổng phụ trách Hiệp hội, thay lời cho chị em tri ân Đức cha Đaminh, quý Cha, quý Bề trên, quý Tu sĩ, quý ân nhân ,quý khách đã đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cho Hiệp hội trong ngày hồng phúc này. Cách riêng cám ơn Cha linh hướng Phaolô đã giúp đỡ và cùng đồng hành trong sứ vụ “được sai đi” của quý chị.
TÂM TÌNH CHA PHAOLÔ LÊ ĐỨC HUÂN – LINH HƯỚNG HIỆP HỘi (nghĩa tử của Cha cố Laurensô)
Cha Phaolô – đại diện Giám mục đặc trách người Dân tộc nói lời cảm ơn Đức cha Đaminh đã thương và nâng đỡ các chị em còn lại. Ngài ước mong những hạt giống còn tồn tại này sẽ được phát triển lên, nhờ quý Cha và cộng đoàn cổ võ ơn gọi của Hiệp hội này. Nét độc đáo của nó là phục vụ cho người dân tộc không kể ngày đêm. Ơn gọi này không chỉ cho người Kinh, nhưng đang chuyển biến để trở thành Hiệp hội có nhiều người Dân tộc hơn, để Giáo hội và Giáo phận sớm chuyển giao mảng người Dân tộc cho chính những anh em Linh mục Dân tộc, Nữ tu Dân tộc trong địa phận, vì chính họ mới là những người hiểu được tâm tình, nói được ngôn ngữ của anh em Dân tộc.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HIỆP HỘI CHỨNG NHÂN CHÚA KITÔ
Sau khi mãn nhiệm Bề trên Chủng viện Tân Thanh, Cha Laurensô đã được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền – Giám mục Sài Gòn, bổ nhiệm làm việc truyền giáo cho người Dân tộc thiểu số ở vùng Bảo Lộc (thư bổ nhiệm đề ngày 16/04/1958). Từ đó đến khi qua đời, 64 năm linh mục, 1948-2012, cũng là dấu ấn của 54 năm Cha cố Laurensô dấn thân phục vụ anh em Dân tộc thiểu số 1958-2012. Không gì ngăn cản được bước chân truyền giáo của Cha, dù tuổi đã cao, sức đã giảm, và đầu mỗi lúc một cúi sâu về lòng đất mẹ, Ngài vẫn miệt mài ra đi. Từ Madagui vào Đạ Tẻh, từ Đạ Nghịch (Tân Bùi) vào Blao Sre, từ Blao Sre trở về B’Sumrăc; từ Ferme vào Minh Rồng, vô Tân Rai; từ Đại Bình lên B’Đơr, từ B’Lao xuống Định Quán….Tất cả đều mang đậm dấu chân của Cha.
Cha Laurensô Phạm Giáo Hóa đặt trung tâm truyền giáo đầu tiên tại khuôn viên nhà thờ Bảo Lộc. Năm 1960, vì số người Dân tộc sinh sống trong vùng đất này rất đông, cần nhiều người cộng tác truyền giáo trực tiếp, Cha thiết lập nhóm các chị em độc thân thành một Hiệp hội sống tinh thần gia đình với tên gọi GIA ĐÌNH CHỨNG NHÂN CHÚA KITÔ.
Hiệp hội được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền khuyến khích, được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đồng ý cho tổ chức.
Ngày 27/12/2002, được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chấp thuận và phê chuẩn.
Ngày 21/11/2022, Hiệp hội được Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh nâng lên thành Hiệp hội công và cho phép đội lúp.
Danh xưng: Năm 1960 có tên gọi là Gia đình Chứng Nhân Chúa Kitô.
Năm 2022 được gọi là Hiệp hội Chứng Nhân Chúa Kitô.
Linh đạo: Chúa Giêsu Kitô chứng nhân trung thành và chân thật của Thiên Chúa, là mẫu gương duy nhất của hiệp hội.
Đặc sủng: Chị em trong Hiệp hội được mời gọi trở nên chứng nhân trung thành và chân thật của Chúa Kitô, để hiến trọn cuộc đời và trọn ngày sống cho việc loan báo Tin mừng cho mọi người, đặc biệt cho anh chị em Dân tộc thiểu số.
VÀI NÉT VỀ CHA CỐ LAURENSÔ PHẠM GIÁO HÓA
Là nghĩa tử bước theo chân Cha cố tiếp nối sứ mạng truyền giáo, Cha Phaolô kể rằng: Cha cố Laurensô vào trong miền Nam này với chức vụ là Giám đốc Chủng viện Thanh Hóa, Cha cố đã cùng đồng hành với Đức Ông Mai Đức Vinh, Cha Lập, Cha Huy (bên Pháp) . Hình ảnh đậm nét còn giữ về ngài, là hình ảnh một người cha từ nhân, hiền lành và khiêm nhường, tận tình lo lắng cho mọi người nghèo. Đức Ông Mai Đức Vinh nhắc rằng: ở với cha Bề trên Laurensô mình cảm nghiệm được hương vị bình dị, nhưng thơm nồng của một tình yêu quên mình và niềm vui tươi tỏa lan từ một Linh mục Kitô thứ hai nơi con người và cuộc đời của cha. Cha cố muốn lập ra một cộng đoàn để gần gũi với dân Chúa, gặp gỡ họ cùng ở, cùng ăn, cùng ngủ, đồng hành với họ suốt 24 giờ, vì thế, phát sinh ra ơn gọi hiệp hội. Người dân tộc của rừng sâu núi thẳm, vốn đơn thành tốt bụng, dẫu chưa hiểu hết những gì Cha cố Laurensô giảng dạy về đạo, nhưng cảm nhận được tình thương yêu nhân từ, hiền lành và đơn sơ của Cha dành cho họ, nên đã tin theo và đón nhận Phép Rửa. Khi có ai hỏi họ theo đạo nào, Tin Lành hay Công Giáo, thì họ đã xưng mình theo “Đạo Bàp Hóa”, “Đạo Cha Hóa”. Nhà thờ Thiện Lộc được người dân địa phương biết đến với địa chỉ gắn liền với một con người “Nhà thờ Cha Hóa”.
Cha mời gọi những anh em người Kinh đỡ đầu cho những anh em Dân tộc: già đỡ đầu cho già, trẻ đỡ đầu cho trẻ, gia đình với gia đình, giáo xứ với bản làng. Tất cả đã trở thành “một mạng lưới tình liên đới” mà tính hiệu năng của nó cho đến nay vẫn còn cần phải được khai thác, rất nhiều gia đình đã đỡ đầu cho các tân tòng người Dân tộc do Cha Laurensô truyền giáo. Cả vùng Bảo Lộc, lương giáo đều quí mến Cha cố, coi Ngài như một thánh sống. Các xứ đạo vùng Bảo Lộc, từ Tân Thanh, Tân Phát, Tân Hà, Tân Bùi,.. đâu đâu giáo dân cũng nghĩ rằng Cha Laurensô là một Linh mục thánh. Các Đấng bề trên cũng rất tôn trọng và quý mến Cha Laurensô. Đức cha Cố Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền khi về làm Giám mục Đà Lạt từ năm 1960, vẫn tiếp tục tin tưởng và quí mến Cha Laurensô. Đặc biệt Đức Hồng Y Nhơn, rất quí mến Cha cố Laurensô. Ngài đã hiện diện trong dịp kỷ niệm Kim khánh Linh mục và 40 năm truyền giáo cho Dân tộc Thượng (3 – 6 – 1998), Ngọc khánh Linh mục và 50 năm truyền giáo (22 – 05 – 2008) của Cha cố. Khi được bổ nhiệm Tổng Giám mục Hà Nội vào năm 2010, ngày mùng năm tết Tân Mão (7/2/2011) Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã đến thăm hỏi và chúc tuổi Cha cố. Thật cảm động khi nghe Đức Tổng nói xem Ngài như bậc “Tổ phụ”.
Trong bức thư Đức cha Antôn gửi cho quý Cha trong Giáo phận Đà Lạt đề ngày 30/12/2012, một ngày sau khi Cha Laurensô qua đời, có đoạn viết : “Sau Đức cha Jean Cassaigne, Cha cố Laurensô Phạm Giáo Hóa được coi như “tổ phụ” của công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc trong Giáo phận chúng ta, đặc biệt vùng Bảo Lộc…”.
Ban Truyền thông Giáo hạt Bảo Lộc