“Con là con yêu quý của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng”.
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 5-6.8-13
“Thánh Thần, nước và máu”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nêu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của Người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con mình. Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống, còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng: Các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con được sống đời đời.
ÐÁP CA: Tv. 147, 12-13, 14-15, 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa.
1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, Hãy ngợi khen Thiên Chúa ngươi, hỡi Sion, vì Người đã củng cố then chốt cửa thành ngươi, con cái ngươi được Người chúc phúc trong ngươi.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống mặt đất, và Lời Người đã mau mắn chạy đi.
3) Người đã rao Lời Người cho Giacób, Lề Luật và giới răn người cho Israel. Người không làm như thế cho dân khác, không bày tỏ cho họ biết giới răn Người.
TIN MỪNG: Mc 1, 7-11
Khi ấy Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.
Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.
Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình.
Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
THỜI ĐẠI MỚI CỦA THÁNH THẦN
“Tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” (Mc 1,8)
Suy niệm: Đức Giê-su, với tư cách một thành viên trong gia đình nhân loại, bước xuống sông Gio-đan để Gio-an làm phép rửa biểu lộ lòng ăn năn sám hối; và cũng chính Ngài, là Ngôi Hai trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, “bước lên khỏi nước” để ‘khai trương’ một phép rửa mới: “phép rửa bằng Thánh Thần”. Nơi dòng sông Gio-đan, Chúa Giê-su đã khởi động một hành trình đưa nhân loại vào thời đại mới, thời đại của Thánh Thần. Thánh Thần là tác nhân thánh hoá, nhờ bí tích Rửa tội, Ngài làm cho sống mới của Thiên Chúa nhờ công ơn cứu độ của Đức Ki-tô được trổ sinh nơi người tín hữu và biến đổi họ nên nghĩa tử trong gia đình Chúa Ba Ngôi.
Mời Bạn: Khi lãnh bí tích Rửa tội, chúng ta được rửa sạch mọi tội lỗi và được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ được miễn nhiễm với tội. Do đó, chúng ta vẫn phải không ngừng lắng nghe và tuân theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời. Lắng nghe và vâng theo Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đủ sức chống lại cám dỗ của ma quỷ. Chúng dụ dỗ ta sa vào chốn hư mất. Nhưng Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến sự sống mới trong ánh sáng và bình an.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần soi sáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con ơn khôn ngoan để có thể hiểu được ý Chúa. Xin ban sức mạnh để con vượt qua những thử thách và nghịch cảnh trong cuộc sống. Xin thắp lên trong con ngọn lửa của tình yêu và lòng nhân ái, để con chia sẻ niềm vui và tình thương đến với tha nhân. Amen.
B/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
1.Thánh Gioan đi rao giảng phép rửa thống hối. Ông loan báo cho mọi người biết : :”Có Đấng quyền thế hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài”. Ông còn cho biết thêm :”Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa anh em trong Thánh Thần”.
Và lời loan báo của ông đã được thực hiện. Đức Giêsu từ miền Nazareth đã hòa mình vào đám đông xin ông Gioan làm phép rửa cho mình. Một sự kiện lạ lùng xẩy ra, khi Đức Giêsu được kéo ra khỏi nước thì các tầng trời mở ra và có tiếng phán :”Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
2.Trong đoạn Tin mừng này, thánh Gioan viết về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhưng ngài không nhằm tường thuật việc đó mà nhằm nhân dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa để giới thiệu con người và sứ mạng của Chúa Giêsu.
Trong kinh Tin kính, Hội thánh tuyên xưng Con Thiên Chúa “đã từ trời xuống thế” để cứu độ loài người chúng ta. Đúng vậy, nhưng không phải trong dáng vẻ cao cả uy nghi của một vị Thiên Chúa mà là trong tư thế một con người bé mọn nghèo hèn.Thiên hạ vẫn biết Người là con bác thợ mộc và bà Maria.
Tin mừng theo thánh Luca liệt kê bản gia phả của Chúa Giêsu lên tới tận”Adong, là con Thiên Chúa”. Như vậy, Chúa Giêsu là người trong dòng tộc họ hàng với cả nhân loại. Ngài là Thiên Chúa thật đã trở nên người thật, là “Emmanuel” nghĩa là Thiên-Chuá-ở-cùng-chúng ta”(Mt 1,23; Is 7,14).
3.Chúa Giêsu hoàn toàn không phạm tội, Ngài là Đấng vô tội (x.Dt 7,26), nhưng đã mang trên thân mình Ngài tình trạng tội lỗi của chúng ta, để chúng ta, được sống như thánh Phaolô đã tuyên tín:”Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta”. Ngài chiến thắng tội lỗi và sự chết và dẫn đưa chúng ta ra khỏi tình trạng khốn khổ của tội lỗi và sự chết nơi nhân loại. Cho nên “Vì được dìm vào cái chết của Người chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
4.Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn thanh sạch lại tự nhận mình là người tội lỗi để gánh tội cho chúng ta. Người đã đến chịu phép rửa ở sông Giorđan chỉ vì muốn hòa mình với thân phận loài người, muốn sống với con người để yên ủi và nâng con người lên; trong khi đó Người lại tự hạ mình xuống làm thân nô lệ để phục vụ con người.
Trong việc chịu phép rửa này, Chúa Giêsu cũng nêu cao sự khiêm nhường : từ địa vị Thiên Chúa quyền uy đã hạ mình xuống làm thân nô lệ. Như vậy, cả hai vai chính trong chuyện này đều là những nhân vật khiêm tốn : Gioan khiêm tốn đã tự hạ mình để đề cao Chúa Giêsu; Chúa Giêsu lại khiêm tốn xin Gioan làm phép rửa cho mình. Người khiêm tốn là người chỉ nghĩ đến việc chu toàn nhiệm vụ chứ không quan tâm đến vinh dự cá nhân.
5.Thiên Chúa làm người để phục hồi cho chúng ta chức vị làm con cái Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, chúng ta được hồng ân đó, được trở thành là “người nhà của Thiên Chúa” (x. Mt 12,49). Chúng ta được mời gọi và nhắc nhớ sống xứng đáng với danh hiệu này và có bổn phận làm rạng rỡ gia phong của những người con trong gia đình của Thiên Chúa.
Từ nay, nhân loại được giao hòa với Chúa, được hưởng nguồn ơn cứu độ nhờ sự tự hủy của Chúa Giêsu, nhờ Thần Khí đã được ban cho nhân loại qua Người.
6.Truyện : Phải biết cúi đầu xuống.
Lúc còn trẻ, Franklin là một người rất cao ngạo, đi ra ngoài lúc nào cũng nghênh ngang. Có một lần, anh ta đến thăm một vị giáo sư, không ngờ cửa nhà ông ấy có một thanh chắn ngang rất thấp.
Do bất cẩn Franklin đụng phải đầu, cậu ta trừng mắt tức giận.
Lúc này vị giáo sư đi ra đón, nhìn thấy vậy thì cười và nói :
– Chàng trai, có đau lắm không ? Nếu cậu hiểu cuộc sống thì cậu nên cúi thấp đầu, có như thế thì hôm nay cậu đã không phải nhận hậu quả như vậy.
Tiếp đó, vị giáo sư lại nói một câu hàm ý :”Sự cao ngạo được thấy rất nhiều ở những người trẻ tuổi, vì họ đánh giá mình quá cao, nhưng đến lúc nào đó đụng vào ngạch cửa rồi thì mới bắt đầu suy nghĩ về việc mình phải nỗ lực khom lưng để đi qua”.