“Người thở dài não nuột và nói:
‘Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?’”
(Mc 8,12)
BÀI ĐỌC I: St 4, 1-15. 25
“Cain xông vào giết Abel em mình”.
Trích sách Sáng Thế.
Ađam ăn ở với vợ là Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: “Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được người con”. Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến, nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: “Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó”.
Cain nói cùng em là Abel rằng: “Chúng ta hãy ra ngoài”. Và khi hai anh em đã ra tới đồng, thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: “Abel, em ngươi đâu?” Cain thưa: “Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?” Chúa phán: “Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất”. Cain thưa cùng Chúa rằng: “Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi”. Chúa bảo: “Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần”. Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.
Ađam còn ăn ở với vợ, bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: “Thiên Chúa đã ban cho tôi một đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 1 và 8. 16bc-17. 20-21
Đáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).
Xướng: 1) Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. – Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? – Đáp.
3) Ngươi ngồi đâu là buông lời nói xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. – Đáp.
Tin mừng: Mc 8,11-13
11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.
12 Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”
13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
1. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Người Pharisêu Đòi Dấu Lạ
Trang Tin Mừng hôm nay rất vắn gọn chỉ có 3 câu, nhưng Thánh sử Marcô đã cho chúng ta thấy 2 thái độ trái ngược nhau: Thái độ của Chúa Giêsu và Thái độ của người Pharisêu.
Thái độ của Chúa Giêsu đầy uy quyền, giàu lòng yêu thương, nhẫn nại mời đón mọi người đến hưởng ơn cứu độ.
Trái lại, Thái độ của người Pharisêu cố chấp không tin Chúa Giêsu là đấng Mêsia đến cứu độ trần gian. Chính vì thế mà rất nhiều lần họ đã thử thách, gài bẫy và muốn thủ tiêu Chúa.
Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ từ trời. Mặc dù họ đã tận mắt thấy Chúa Giêsu làm rất nhiều dấu lạ: người mù được sáng, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ chết sống lại… và ngay ở đoạn Tin mừng trước (Mc 8,1-10), từ 7 chiếc bánh Chúa Giêsu đã nuôi 4.000 người ăn no nê mà vẫn còn dư. Đó chẳng phải là những dấu lạ chỉ có Thiên Chúa mới làm được hay sao? Thế mà, người Pharisêu chưa cho là dấu lạ, họ đòi ép Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ từ trên trời. Sở dĩ người Pharisêu đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ từ trời, không phải vì khao khát muốn thấy quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng bởi họ ngoan cố không muốn tin Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, là Thiên Chúa làm người.
Đứng trước thái độ không tin của người Pharisêu, Chúa Giêsu hoàn toàn bất lực: “Ngài thở dài não ruột”. Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ không thể làm phép lạ biến những người không muốn tin thành những người có đức tin. Thánh Augustino cho chúng ta biết sự thực này là:“Khi dựng nên con người Thiên Chúa không cần con người, nhưng muốn cứu chuộc con người thì Thiên Chúa cần con người cộng tác”. Vì tin hay không tin là tùy thuộc hoàn toàn ở phía con người với ý chí và tự do chọn đón nhận hay từ chối Thiên Chúa: “Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối. Tin hay không tin là sống mãi hay trầm luân…”
Là những người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta đang biểu lộ đức tin của mình như thế nào giữa thế giới hôm nay?
Ai tin Chúa thì luôn bình an phó thác tiến bước giữa ngàn khó khăn đau khổ vì biết rằng Chúa đang đồng hành nâng đỡ dẫn dắt chúng ta: Có một vụ cháy lớn sảy ra trong thành phố kia. Một gia đình trẻ với ba đứa con đang vội vã khéo nhau ra khỏi căn nhà đang cháy. Bỗng nhiên cậu con trai út chạy tót lên lầu để lấy con gấu bông mà cậu ưa thích. Nhưng cậu không thế xuống được nữa vì lửa đã bốc cao. Người cha ở dưới nhìn lên gào thé giục con: “Con nhảy xuống đi, cha sẽ đỡ con”. Nhưng đứa trẻ lưỡng lự: “Con chỉ thấy khói với lửa, không thấy cha”. Người cha lại càng la lớn: “Nhảy đi, cha đang thấy con”. Thế là cậu nhảy xuống phía tiếng nói và rơi vào vòng tay âu yếm của người cha.
Cũng vậy mỗi khi gặp đau khổ thử thách trăm bề chúng ta hãy “nhảy vào lòng Chúa thương xót” để luôn được bình an tiến bước trong cuộc đời này. Đức tin giúp chúng ta thêm can đảm, kiên nhẫn và sáng suốt nhận ra Chúa đang ban ơn, cộng đoàn, giáo xứ vẫn đang đồng hành giúp chúng ta vượt chốn phong ba.
Và như thế, chúng ta chẳng cần đòi ép Chúa phải làm phép lạ theo ý chúng ta. Bởi vì, mọi lúc Chúa vẫn không ngừng làm những phép lạ. Nhìn lại bản thân chúng ta chẳng là gì, thế mà cả trời đất bao la Chúa dành cho ta sử dụng. Mỗi giây phút Chúa ban cho ta sợ sống, ánh sáng, không khí, nước… để hưởng dùng. Đặc biệt Chúa lập các Bí Tích để chữa lành và bồi bổ thân xác linh hồn chúng ta. Và ngay giờ đây, trên bàn thờ này, Chúa lại làm một phép lạ cả thể là biến bánh rượu trở thành thịt máu Chúa để cho ta ăn uống mà được sống đời đời.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con nhận ra phép lạ thương yêu vô cùng của Chúa, để trọn tình kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương hết thảy mọi người. Amen.
2. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Biệt phái xin Chúa phép lạ từ trời (Mc 8,11-13)
- Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (8,1-10) lần thứ hai ở phía đông biển hồ Bétsaiđa, Chúa Giêsu cùng môn đệ xuống thuyền sang phía tây hồ. Nhưng vừa cập bến được ít lâu, một nhóm biệt phái, có cả nhóm Sađucêu nữa, kéo nhau đến rình mò, tranh luận và thử thách Ngài.
Trước đó Người cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35–5,43: dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người biệt phái vẫn chưa tin Người. Hôm nay họ lại thách thức Người làm một “dấu lạ từ trời” nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
- “Người thở dài não nuột mà nói…”
Thực ra những phép lạ Người làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ minh chứng Người là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Trong phần tiếp theo, Tin mừng Marcô vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người biệt phái ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác, chứ không cho những người biệt phái cứng lòng.
- Vấn đề phép lạ – dấu lạ
Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ, để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì thế, sẽ tầm thường hoá niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu, cũng như không có sự yêu mến đích thực.
Thánh Phaolô từng dạy rằng: đã trông thấy rồi mới tin thì không còn là đức tin nữa. Nói cách khác, chỉ là sự bất đắc dĩ phải chấp nhận khi chuyện đã tỏ tường mà thôi. Thiên Chúa ban phép lạ hay dấu lạ là do lòng nhân hậu của Người và có giá trị trong chương trình cứu độ, chứ không chiều theo sở thích của con người đòi hỏi Người phải ban dấu lạ điềm thiêng.
Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.
- Những phép lạ kể trên đã đủ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng, họ không tin là vì họ ngoan cố, bởi đó Ngài nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Chúng ta phải nói lại, Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ “không sinh ra đức tin” mà chỉ là “dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin”. Bởi thế, sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, La Vang…) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
- Niềm tin thì chúng ta dễ có, và có thể tạo ra niềm tin, còn đức tin thì phải đến từ Thiên Chúa, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tạo ra Đức tin. Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là đức tin nữa. Vả lại, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
- Truyện: Hãy cho tôi thấy Thiên Chúa
Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bèn nảy ra ý kiến hiểm độc.
Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua được? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách thức ấy.
Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.
Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: “Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn”.
Nhà vua tức giận quát lớn: “Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy?”
Lúc ấy, người chăn chiên liền quỳ gối xuống trước mặt vua mà nói: “Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được?