Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.
(Mc 6,7)
Bài Ðọc I: Dt 12, 18-19. 21-24
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Mô-sê thốt lên: “Tôi đã kinh khiếp và run sợ”. Trái lại, anh em tiến đến núi Si-on và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giê-su, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu A-ben.
Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 9. 10-11.
Ðáp: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài (c. 10).
Xướng: Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.
Xướng: Núi Si-on là cùng kiệt phương bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Ngài, tự chứng tỏ Ngài là an toàn chiến luỹ.
Xướng: Chúng tôi đã nhìn thấy, như đã nghe kể lại, trong thành trì của Chúa thiên binh, trong thành trì của Thiên Chúa chúng tôi: Thiên Chúa kiên thủ thành đó tới muôn đời.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.
TIN MỪNG: Mc 6,7-13
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
7 Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ.” 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ
Đức Giê-su chỉ thị cho các [tông đồ] không được mang gì đi đường chỉ trừ cây gậy… (Mc 6,8)
Suy niệm: Các bộ tộc Eskimo thời xưa, khi chuẩn bị cuộc hành trình vượt ra khỏi vùng băng giá của sáu tháng mùa đông tại Bắc cực, phải hạn chế tối đa những đồ đạc cồng kềnh; chúng tuy cần thiết thật, nhưng cũng có thể làm cản trở, gây chậm trễ khiến họ không thể kịp đến vùng đất có nắng ấm của mặt trời. Liên hệ với kinh nghiệm đó, chúng ta hiểu được “chỉ thị” của Đức Giê-su khi sai các tông đồ đi rao giảng: Chỉ có cây gậy làm hành trang, ngoài ra “lương thực, tiền bạc, giầy dép, áo quần…”, những thứ đó, tuy rất cần thiết cho đời sống thường ngày, nhưng không phải là điều cốt lõi của sứ vụ tông đồ; trái lại điều họ phải có và phải làm là có Chúa ở với họ để họ loan báo Tin Mừng bình an và rao giảng Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Một khi quá bị vướng bận hoặc cậy dựa vào của cải vật chất, thế lực trần gian, người tông đồ dễ dàng đánh mất ơn gọi và sứ mạng của mình.
Bạn Ki-tô hữu thân mến, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn được Chúa trao sứ mạng làm tông đồ. Nếu bạn chờ đến khi bạn rảnh rỗi hay có đủ phương tiện bạn mới lên đường, thì có thể suốt đời, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đó. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúa hối thúc bạn làm tông đồ ngay bây giờ và trong đời sống thường ngày bằng cách biến từng lời nói việc làm thành hành động loan báo Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, bạn suy niệm một câu Lời Chúa và quyết tâm sống Lời đó trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết từ bỏ những gì cản trở cho sứ mạng tông đồ để con luôn sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng cho anh em.
B/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TRUYỀN GIÁO
1.Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỷ. Người không cho các ông mang theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Người dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.
2.Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trông thấy việc Chúa làm, Chúa giảng dạy… thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày lễ Hiện Xuống việc này mới kết thúc – nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.
3.Chúa muốn các ông sống khó nghèo và đơn sơ phó thác
Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả, các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.
Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình… Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói suông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.
4.Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta – thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất giấu trong những chiếc va-li của ta.
5.Chúa muốn các nhà truyền giáo làm chứng cho Người
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như lời Người dạy: “Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông, nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ là những “phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói: cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa. Về phương diện này có người kể lại rằng: “Đã có lần Lénine nói về thánh Phanxicô Assisi: Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích Mỗi ngày một Tin vui).
6.Chúa cũng muốn chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa
Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Truyện: Thánh Phanxicô Assisi giảng đạo
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?”
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).