“Thế nên Thầy bảo anh em:
anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.
(Lc 11,9)
Bài Ðọc I: (Năm I) Ml 3, 13 – 4, 2a
“Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa”.
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: “Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu?” Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát”.
Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: “Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người”.
“Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả”, Chúa các đạo binh phán như vậy. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người”.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa
Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 1-5
“Anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin?”
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Ôi những người Galata vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em bất phục chân lý tỏ bày Ðức Giêsu Kitô trước mặt anh em, Ðấng chịu đóng đinh vào thập giá trong anh em? Tôi chỉ muốn anh em cho biết một điều này: là anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin? Chớ thì anh em vô tâm trí đến nỗi anh em đã khởi công theo tinh thần, để rồi giờ đây kết thúc theo xác thịt sao? Anh em đã chịu đựng bao nhiêu chuyện như thế luống công sao, nếu có thể nói là luống công? Vậy Ðấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em, có phải Người hành động bởi anh em giữ luật hay bởi anh em vâng phục đức tin?
Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.
Xướng: Ðể giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài.
Xướng: Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng ta rằng: Ngài cho chúng ta được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù; phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng ta.
Alleluia: Lc 4, 18-19
Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.
TIN MỪNG: Lc 11, 5-13
5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được ?’ 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9”Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC
“Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)
Suy niệm: Chìa khoá mà Chúa Giê-su áp dụng vào dụ ngôn này không phải là sự tương tự mà là tương phản. Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn cho con cái những điều tốt thì Thiên Chúa là Cha nhân lành sẽ ban cho những điều tốt hơn biết chừng nào. Chúa Giê-su không chỉ nhấn mạnh tới việc kiên trì trong lời cầu xin. Ngài lưu ý chúng ta nhớ luôn rằng khi cầu nguyện không phải chúng ta đang nói với một chiếc máy biết ban ơn mà là thưa chuyện với một người Cha vừa quyền năng vừa biết rõ điều gì là tốt đẹp nhất cho con cái mình. Chắc chắn không phải vì Thiên Chúa sợ chúng ta quấy rầy mà vì Ngài là Đấng nhân lành hay thương xót. Do đó, chúng ta xin bao giờ cũng sẽ được, không phải là ‘xin gì được nấy’ mà chắc chắn sẽ được điều Thiên Chúa thấy là tốt nhất cho chúng ta, đó là Thánh Thần mà “Người sẽ ban cho những kẻ xin Người”.
Mời Bạn: Đừng ngại ngùng cầu xin Thiên Chúa bất cứ điều gì bạn cần. Bạn là con của Chúa mà! Nhưng cũng đừng nản lòng, bất mãn khi không thấy mình được ơn mình xin, bởi vì có khi Chúa đã ban cho bạn một điều khác tốt hơn nhiều. Bởi Chúa là Cha của bạn mà!
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đã cầu nguyện chưa? Bạn đã xin Chúa điều gì chưa? Vậy bạn hãy bắt đầu cầu nguyện đi. Bạn đừng để một ngày trôi qua mà không cầu nguyện.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha.
CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)
Suy niệm: Ngày kia, thánh Clément Hofbauer (+1820) đi xin đồ viện trợ cho các cô nhi. Ngài vào một quán ăn, có ba người đang đánh bạc, xin họ góp phần vào công việc từ thiện. Một người chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài. Thánh nhân lặng lẽ rút khăn tay lau mặt và nhẹ nhàng nói: “Đó là phần ông cho tôi. Còn phần cho các cô nhi của tôi đâu?” Tay cờ bạc kinh ngạc đến thẹn thùng, rồi dốc túi đưa hết cho ngài. Vâng, nhiều lần chúng ta thất vọng về Thiên Chúa “lặng thinh làm ngơ” trước những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa không như chúng ta tưởng, Ngài mang trong mình bản chất nhân hậu và giầu ân sủng, Ngài rất vui thích ban mọi ơn dồi dào và nhưng không cho con người. Vì Chúa là Cha thương yêu con cái mình: “Có người cha nào trong các con lại cho con cái con rắn trong khi nó xin con cá chăng…? (Lc 11,11). Để xác tín hơn vào Thiên Chúa tốt lành, Chúa Giê-su đã khuyến khích và thúc dục chúng ta kiên trì cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Lc 11,10).
Mời Bạn: Có hai lý do để bạn cầu xin với Chúa: trước hết để nói lên niềm tin của bạn vào Thiên Chúa. Thứ đến, để bạn thú nhận sự giới hạn và bất toàn của mình, rất cần được trợ giúp của Chúa để vượt qua. Phần Chúa, Ngài sẵn sàng ban ơn cho những ai kêu cầu Người. Vậy tại sao bạn lại chần chừ cầu nguyện? Chẳng những bạn cầu xin cho những chính bạn, và cho chính bạn, bạn đừng “quên” cầu nguyện người khác, nhất là những người đau khổ, bị bỏ rơi.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng, phó thác và kiên trì cầu nguyện.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.”
Nhiều lần chúng ta cầu nguyện với Chúa, và nhiều lần cảm thấy trống vắng. Bao mơ ước với lời cầu xin không được nhận lời, nhiều biến cố trong cuộc đời là những thất bại và chúng ta thầm nghĩ: Chúa thật xa vời. Một thách đố lớn đối với đức tin của người tín hữu đó là sự im lặng của Thiên Chúa. Những khốn cùng, đau khổ của con người dường như Ngài không biết, không thấy. Khi con người kêu cầu Ngài dường như Ngài không nghe không đáp lại. Chính vì biết rõ thách đố lớn lao đó, Chúa Giê-su không ngừng nhắc đi nhắc lại cho chúng ta cần phải kiên trì cầu xin, không nản lòng thất vọng. Điều bảo đảm lời cầu xin của chúng ta sẽ được Chúa đón nhận đó là bởi vì Ngài chính là Cha nhân từ chắc chắn “sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài.”
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhưng Ngài không nuông chiều con cái. Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho chúng ta. Cần cầu nguyện nhiều, chúng ta mới biết điều chúng ta phải xin. Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp. Cần có đức tin mới nhận ra rằng Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu chúng ta muốn.
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương, nhưng Ngài hành động không giống điều chúng ta nghĩ. Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá, nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ, điều đó khó hơn nhiều.
Chúng ta đang cầu xin và mong mỏi Thiên Chúa ban cho những điều gì? Những điều chúng ta ưa thích hay là tùy ý Thiên Chúa? Chúng ta có xin với tư cách là một người con luôn sẵn sàng phó thác và vâng theo ý Cha hay không?
Chúa thật kiên nhẫn với chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ ngã lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn và gõ cửa cho đến khi được hồng ân của Chúa.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
DỤ NGÔN NGƯỜI BẠN QUẤY RẦY
1.Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện theo kinh Lạy Chúa. Đức Giêsu còn đưa ra dụ ngôn “người bạn quấy rầy”, để khuyên chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện. Theo dụ ngôn ấy, việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do: cho để khỏi bị quấy rầy hoặc cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin và lý do là nhờ anh kiên trì.
2.Một trong những đặc điểm của nền văn minh cổ xưa nhất chính là sự kiên trì cầu nguyện. Tất cả những lời cầu nguyện được tìm thấy trong nền văn minh đó, đều là những kinh cầu được lặp đi lặp lại. Lời cầu nguyện đối với người xưa là cả một công trình lâu dài. Khi người Ai cập thời cổ tống táng người chết dọc theo bờ sông Nil, họ thường cho xây cất những đền thờ bên cạnh để đêm ngày cầu nguyện. Nếu người chết là một nhân vật quan trọng, sẽ có những tư tế ngày đêm túc trực trong đền thờ để cầu nguyện, có khi lời cầu nguyện này kéo dài hàng thế kỷ (R.Veritas).
3.Chúa Giêsu dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, vì Thiên Chúa không là Đấng sợ bị quấy rầy, Ngài luôn lắng nghe chúng ta trong từng giây phút. Nơi Thiên Chúa không có tình trạng hồ sơ ứ đọng. Mỗi lần cầu xin, mỗi nhu cầu của chúng ta đều được Chúa lắng nghe với tất cả yêu thương trân trọng. Thật ra, trước khi chúng ta mở miệng kêu xin, Chúa đã biết rõ nhu cầu chúng ta và Ngài ban ơn trước khi chúng ta cầu xin. Chúng ta hãy cầu nguyện và cầu nguyện luôn, bởi vì lời cầu nguyện gia tăng lòng tín thác và đó chính là sự đáp trả của Chúa, còn ân ban nào cao cả hơn. Cầu nguyện do đó cũng là xin ơn phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa có chương trình cho chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình ấy được thực hiện để trong mọi sự Danh Chúa được cả sáng, ý Chúa được thể hiện (Mỗi ngày một tin vui).
4.Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thực ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhận lời, nhưng vì ích lợi chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là lòng chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa (5 phút mỗi ngày).
5.Một ngày nọ, thánh Clément Hofbauer vào một quán ăn để xin tiền giúp trẻ mồ côi. Thấy vậy, có một người chửi bới và nhổ vào mặt ngài. Ngài lặng lẽ lau mặt và nói: “Đấy là phần ông cho tôi, còn phần cho các em cô nhi đâu ?” Cảm phục trước sự kiên trì của thánh nhân, ông xin lỗi và dốc hết túi tiền tặng ngài.
Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vì bị con cái quấy rầy bằng những lời van xin khẩn nguyện. Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa yêu thương nhân từ. Thiên Chúa biết chúng ta cần gì là tốt cho chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng ban những ơn cần thiết để nâng đỡ và giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ. Vì vậy, chúng ta hãy chạy đến với Ngài, kiên trì cầu nguyện để xin Ngài cứu giúp. Nhờ đó, chúng ta có những ân sủng cần thiết, để đi trọn hành trình theo Chúa và gắn bó mật thiết hơn với Ngài.
6.Có người thắc mắc: Thiên Chúa đã biết tất cả mọi sự trước khi chúng ta cầu xin, tại sao Đức Giêsu còn nhắc bảo chúng ta: “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ” ? Ba động từ như ba lệnh truyền lặp đi lặp lại. Đành rằng Chúa thông biết mọi sự, cần gì phải xin, phải tìm, phải gõ ? Thánh Augustinô giải thích: “Hãy xin Ngài sẽ cho. Những điều Ngài cho, Ngài chưa cho ngay để càng làm tăng thêm ước muốn của chúng ta và làm tăng giá trị cho của Ngài ban cho”.
Chúng ta có thể thêm vào lời thánh Augustinô: Phải kiên trì khi cầu xin để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Ngài sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không ích lợi cho linh hồn chúng ta; hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái.
Truyện: Một em bé cầu nguyện
Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương, các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc tê mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe nói đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời: “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.
Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là: “Thưa bác sĩ, cháu có được lành bệnh không ?” Bác sĩ nhìn em bé và cảm động nói: “Cháu hãy để Chúa liệu… điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm, cháu đã cứu được một người là chính bác: từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa, nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác; sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ, bác tin chắc Chúa đã nhận lời cháu, cháu đừng lo, hãy phó thác cho Chúa”.