“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. (Ga 15,17)
BÀI ĐỌC I: Cv 15, 22-31
“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.
Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Đọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 56, 8-9. 10-12
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân (c. 10a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc. – Đáp.
2) Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất! – Đáp.
Tin mừng: Ga 15,12-17
12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.
Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
BẠN HỮU CỦA CHÚA
“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15,14)
Suy niệm: Thiên Chúa không phải là một Đấng nào đó xa vời nhưng Ngài rất gần gũi với con người, gần gũi thân thiết như người cha, như người mẹ, hơn nữa như người bạn – không chỉ là người bạn bình thường mà là bạn chí thân, chí cốt, người bạn dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. Thời đế quốc Rô-ma, hoàng đế Xê-da đôi khi phong tước “Bạn của Hoàng đế” cho một số người nhưng với điều kiện: họ phải là trung thần và đã lập được rất nhiều công trạng. Còn Chúa Giê-su, Ngài không đòi những kẻ theo Ngài phải lập nhiều công trạng nhưng Ngài gọi họ là bạn với điều kiện là họ thực hiện những điều Ngài truyền dạy. Mà điều Ngài truyền dạy là gì? – Thưa, đó chính là điều Chúa lặp đi lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Điều Thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau”.
Mời Bạn: Muốn được kể là bạn thân thiết của Chúa Giê-su thì chính bạn càng phải “thực hiện” điều răn yêu thương của Chúa chứ không chỉ dừng lại trên lý thuyết mà thôi. Đây chính là ‘tiêu chuẩn’ để xét xem bạn có thực sự đang là bạn của Chúa hay không: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Sống Lời Chúa: Ngày nào bạn không có một hành động yêu thương nào, ngày đó kể như bạn đã không “sống”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp sức để con biết sống khiêm nhường và chan hòa yêu thương với tất cả mọi người để nhờ đó chúng con được kể vào số những người bạn hữu của Chúa, và ngày sau được hưởng hạnh phúc cùng Chúa trên Quê Trời. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Yêu như Chúa yêu
“Không ai sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào”. Yêu và được yêu là lẽ sống của con người, khi không có điều này, thì cuộc sống trở nên buồn tẻ, vô nghĩa. Thế nhưng trong thực tế, có khi chúng ta lại dễ yêu một cách mù quáng yêu cuồng sống vội, yêu vị kỷ, phiến diện. Chẳng hạn, cha mẹ yêu con nhưng không quan tâm lắng nghe tiếng lòng của con, thương con theo kiểu con muốn gì cũng được, thích gì cũng chiều. Ngoài xã hội, người ta thương nhau bằng cách kết phe, kết đảng, tâng bốc nịnh hót, bao che cho nhau, để được an toàn, để kiếm tiền bạc địa vị chứ chưa chắc đã có tình thương yêu chân thật.
Vậy thì, yêu như Chúa đã yêu nghĩa là thế nào?
Thưa, là yêu cách quảng đại: vô vị lợi, yêu cho đến cùng, yêu đến độ sẵn sàng hiến mạng vì người mình yêu, yêu vì hạnh phúc của tha nhân và đem ơn cứu độ cho tha nhân: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu lớn lao như vậy đó và Chúa dạy chúng ta hãy yêu như Ngài.
Vào năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một thành phố hầu như đổ nát. Thiệt hại về người và của rất lớn, đến nỗi các đội cứu hộ phải làm việc suốt ngày đêm để lôi ra khỏi những đống gạch vụn vô vàn người thiệt mạng, người bị thương.
Trong tai họa vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết sức cảm động, mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động đất.
Đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, dưới tòa nhà đổ nát, đội cứu hộ đã tìm được hai người vẫn còn sống sót: Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng tuổi vẫn còn thoi thóp còn người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.
Sau khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng vấn người mẹ:
– Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn ấy? Chị đáp:
– Tuy bị chôn vùi dưới tòa nhà đổ nát, nhưng may mắn có một cái đà đã che chắn cho mẹ con tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã uống cạn. Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén. Tôi liền vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút dòng máu nóng. Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào lên khóc. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng cháu. Sau đó, tôi không còn biết gì nữa?
– Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao?
– Tôi không hề nghĩ đến cái chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cách nào cho con tôi được sống.
Vâng, câu chuyện ấy cho thấy : tình yêu hy sinh quên mình, sẵn sàng hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con đã phản ánh sâu sắc lời Chúa truyền dạy chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Xin Chúa giúp chúng con biết yêu thương hết mọi người, trong tinh thần khiêm tốn, vị tha như Chúa đã yêu chúng con. Amen.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Các con hãy yêu thương nhau
(Ga 15,12-17)
1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăn trối, lời di chúc của Ngài :”Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin Mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin Mừng, Chúa nhắc lại :”Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
3. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến :
– Yêu như Chúa yêu : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15,12) hoặc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4,8-11).
– Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Thánh Gioan diễn tả :”Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
– Tình yêu phải thể hiện trong việc làm : “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả :”Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).
4. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tinh yêu.
Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã dạy. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
5. Tin Mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này :”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
6. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
7. Truyện : Sẵn sàng chết cho người khác.
Một vị đạo sĩ kia kể rằng : Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với ngưới Tây Tạng đồng hành :
– Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó !
Nhưng người Tây tạng trả lời :
– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ nói :
– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp ngưới khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.