“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59
“Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu”.
Trích sách Ma-ca-bê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Giu-đa và anh em ông nói rằng: “Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại”.
Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Si-on.
Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.
Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.
Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).
Xướng: Ða-vít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-el cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở”.
Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa.
Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.
Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11
“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.
Tôi là Gio-an, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”.
Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131
Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).
Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.
Xướng: Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con.
Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
Xướng: Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con.
Xướng: Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.
Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 19, 45-48
Khi ấy, Chúa Giê-su vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
TÔN TRỌNG NƠI THÁNH
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp.’’ (Lc 19,46)
Suy niệm: Người Do Thái giữ rất kỹ luật về sự thanh sạch: không tiếp xúc với những đồ vật hay người họ cho là “ô uế”, trước khi ăn phải rửa chén dĩa, bình, tay chân…. Trong khi đó, ngay tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, họ cho tập trung mua bán chiên, bò, bồ câu, đặt bàn đổi tiền… vừa dơ bẩn, vừa huyên náo, chưa kể đến tính cách bát nháo trong việc mua bán; còn đâu là bầu khí tôn nghiêm, linh thánh của nơi dành riêng cho Thiên Chúa và việc thờ phượng Ngài. Chúa Giê-su đuổi đám con buôn này vì họ đã “biến nhà Chúa là nhà cầu nguyện thành sào huyệt trộm cướp.” Thông điệp của Ngài thật rõ ràng: Những gì thuộc về Thiên Chúa là linh thánh, không thể bị làm cho tục hoá.
Mời Bạn: Hiện nay trên thế giới, nhiều nhà thờ được xây dựng khang trang đẹp đẽ, trong khi đó cũng có nhiều nhà thờ bỏ hoang, thành bảo tàng, điểm du lịch, nhà hát; có những nhà thờ bị đốt phá, đánh bom thật thê thảm! Nhà thờ cũng là nơi để cộng đoàn dân Chúa đến viếng Chúa, đọc kinh cầu nguyện, cùng cử hành phụng vụ. Bộ mặt nhà thờ phần nào phản ảnh tinh thần đức tin của cộng đoàn. Cần chăm chỉ quét dọn, lau chùi bàn ghế, trang trí hoa đèn,… để nhà thờ thành nơi cầu nguyện xứng đáng.
Sống Lời Chúa: Hãy xem lại bàn thờ gia đình: các ảnh tượng, đèn nến,… có sạch sẽ không? Gia đình tôi có qui tụ đọc kinh gia đình trước bàn thờ không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, được biết và yêu mến Chúa là hạnh phúc cho chúng con. Xin cho con cái Chúa khắp nơi được tự do thờ phượng Chúa và loan truyền danh thánh Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện’, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”
Đền thờ hay nhà thờ là nơi thờ phượng, nơi cầu nguyện; nơi Thiên Chúa dạy dỗ dân người qua Lời Chúa và qua Giáo Huấn của Hội Thánh; nơi cộng đoàn dân Chúa họp nhau dâng hy lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thế nhưng có lần Chúa Giê-su đã phải than: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” và Chúa đã phải mạnh tay hành động để thanh tẩy đền thờ.
Tại Châu Âu hiện nay nhà thờ, tu viện đang dần phải bán đi. Trong khi đó tại Việt Nam, đa số nhà thờ rất nhộn nhịp, chắc là nhất nhì thế giới! Chúng ta có lý do để mừng và tự hào. Nhưng một số mục tử nhìn tới tương lai và bắt đầu lo. Làm sao để điều tệ hại như bên Tây không xảy ra bên ta trong mười hay hai mươi năm nữa? Chắc hẳn chỉ có một cách thôi, đó là bảo đảm chất lượng cho sự nhộn nhịp hôm nay. Thật vậy, nhộn nhịp là chuyện số lượng; còn chất lượng có thể là chuyện khác. Đền Thờ Giêrusalem ngày xưa rất sầm uất, nhưng chính Đức Giêsu đã gọi đó là “hang trộm cướp,” bởi vì người ta biến nơi đó thành cái chợ, nơi họ buôn bán, trục lợi bằng đủ thứ mánh lới đặc trưng của một ‘chợ trời’: đầu cơ, độc quyền, ép giá, lừa đảo, móc nối chia chác…
Thánh Phao-lô nhắc nhở: “Nào anh em chẳng biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Và mỗi khi rước lễ, chúng ta đón rước Chúa Giê-su vào đền thờ tâm hồn ta.
Tuy nhiên, giờ phút này có lẽ tâm hồn chúng ta cũng đang ngổn ngang đủ mọi chuyện, có thể còn hơn cả những chuyện buôn bán tại đền thờ xưa kia nữa. Nào là ích kỷ, giận hờn, ghen ghét, ham danh, khoe khoang, gian dối… liệu Chúa có phải nổi nóng vì chúng ta đã biến đền thờ tâm hồn chúng ta thành hang trộm cướp hay không.
Chúng ta hãy dẹp đi mọi bất xứng trong tâm hồn để thanh thản dâng của lễ lên Chúa và chuẩn bị cho Chúa đến với đền thờ của chúng ta.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
ĐỨC GIÊ-SU THANH TẨY ĐỀN THỜ
(Lc 19,45-48)
1. Đức Giê-su được sai đến để chu toàn sứ mạng: phụng sự Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giê-su gồm có hai khía cạnh:
a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp” cho nên Đức Giê-su đã đánh đuổi những người buôn bán trong đó.
b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.
2. Đền thờ Giê-ru-sa-lem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay lúc được vua Sa-lô-môn xây cất khoảng năm 950 (trước Công nguyên), đền thờ Giê-ru-sa-lem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Ít-ra-en. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su vào Đền thờ, xua đổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
3. Hôm nay Tin Mừng cho thấy, Đức Giê-su nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế. Đức Giê-su nói: ”Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giê-su đã thánh hiến Đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…
4. Lời khiển trách của Đức Giê-su nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).
5. Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su; Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dây say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).
6. Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức Giê-su đã từng nói: ”Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô đã nói: ”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đên thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó (Hiên Lâm).
7. Truyện: Nhà thờ để làm gì?
Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: ”Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).