“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 26-30
“Những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên hình ảnh giống Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.
Ðáp Ca: Tv 12, 4-5. 6
Ðáp: Lạy Chúa, con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa (c. 6a).
Xướng: Xin đoái xem, nhậm lời con, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa. Xin soi sáng mắt con, kẻo con thiếp ngủ trong tay tử thần, đừng để tên thù con nói được: “Ta đã thắng nó”. Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã.
Xướng: Bởi con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, con sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 6, 1-9
“Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Ðức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”.
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Ðức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.
Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán (c. 13c).
Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Ðáp.
Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Ðáp.
Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta”.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
GIỜ ĐÃ ĐIỂM
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27)
Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng cửa – cánh cửa hẹp – và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ. Thế nhưng, sự bất thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa nhẫn nại “đợi cho đến mùa gặt”, nhưng một khi “giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa.
Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, có tên trong sổ gia đình Công giáo, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Người đó có thể đang hưởng nhờ các ơn ích từ cộng đoàn từ những người đi trước, nhưng chính mình lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Bạn có ở trong số này không?
Chia sẻ: Lời Chúa luôn đòi bạn đáp lại cách triệt để và dứt khoát. Bạn có sẵn sàng đáp lại như thế không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhận ra tiếng Chúa mời gọi, bạn đáp lại ngay tức khắc, ví dụ tới giờ thức dậy, bạn dậy ngay; hoặc tới giờ đi lễ bạn xếp lại công việc để đi lễ, không làm ráng…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Ngài để con có thể vượt thắng yếu đuối của bản thân để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi người, Ngài đã chuẩn bị bàn tiệc Nước Trời cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Tuy nhiên lối vào phòng tiệc chỉ có một cửa duy nhất, cửa đó chỉ mở ra cho những người đã chuẩn bị xứng đáng. Những ai chậm trễ sẽ không thể vào được, nhất là khi cửa đã đóng lại rồi thì mọi lời kêu cầu đều trở thành vô ích.
Hôm nay Chúa còn cho biết là đừng tưởng mình là dân riêng, là con cái trong nhà, là con cái Abraham, là có được một bảo đảm chắc chắn để vào phòng tiệc, vào Nước Trời.
Vấn đề quan trọng là phải phấn đấu, phải dùng sức mạnh, phải chiến đấu với những đam mê, những cám dỗ, những tội lỗi. Đó là ý nghĩa của cách nói: Phải vào qua cửa hẹp.
Cửa hẹp của Nước Trời chính là phải sống theo giáo huấn của Chúa, thi hành Thánh ý Chúa, biết từ bỏ chính mình, vác Thập giá mỗi ngày, dám hy sinh của cải để giúp người nghèo, dám hy sinh mạng sống vì kẻ khác. Nghĩa là bản thân mình phải nhỏ đi thì mới lọt vào được cửa nước trời. Còn ai chỉ chú ý đến mình, đề cao mình, làm cho cái tôi của mình nó thành quan trọng, thành vĩ đại, thì sẽ không lọt qua được cửa hẹp của Nước Trời.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ biết bỏ cái tôi ích kỷ. Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. Họ gõ cửa và đòi vào. Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu, và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… Có thể Chúa vẫn không quen biết chúng ta vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. Có thể chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
HÃY ĐI QUA CỬA HẸP
(Lc 13,22-30)
1. Người Do thái hay quan tâm đến số lượng những người được cứu. Vì thế có một người hỏi Ngài rằng: ”Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, có phải không”? Đức Giê-su thấy trước cái nguy của câu trả lời: nếu nói mọi người đều được cứu thì thái độ của họ sẽ là ỷ lại; còn nếu chỉ một số nhỏ được cứu thoát thì họ sẽ chán nản vì có cố gắng cũng uổng công. Nên Ngài không nói về số lượng mà chỉ nói đấn cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải “đi qua cửa hẹp”, nghĩa là phải cố gắng, phải chiến đấu.
Như thế, để chiếm được Nước Trời, để được cứu rỗi, chúng ta phải chiến đấu với bản thân, phải từ bỏ và phải chết đi cho những dục vọng, những thói xấu trong chúng ta.
2. Theo quy luật của cuộc sống, chẳng có gì đạt được mà không có nỗ lực cố gắng. Muốn giỏi thì phải học chứ không tự nhiên mà thi đậu, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi chứ không phải bỏ ruộng hoang để chờ có lúa gặt. Của cải không từ trên trời rơi xuống, tri thức cũng không tự nó toàn tri, hạnh phúc không tự có nếu không vun đắp xây dựng… Cũng thế, Nước Trời đã được Thiên Chúa dọn sẵn và dành cho bất cứ ai, nhưng không phải tự nhiên mà đạt tới, mà phải trải qua những gian truân khổ ải và hy sinh thì mới mong đạt tới.
3. Dựa trên tư tưởng của thánh Phao-lô, chúng ta có thể hiểu “Qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng: ”Không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Cha Ta ở trên trời mới được vào”. Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang, cửa tiền tài, sắc dục, hư danh, cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: ”Ta không biết các người từ đâu đến” (Lc 13,27).
4. Đức Giê-su kêu gọi: ”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Ta”. Chúa ban bố lệnh lên đường cho những ai theo Ngài. Ra đi và lên đường, đó là tư thế đích thực của người môn đệ Đức Giê-su. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai muốn làm môn đệ để đi theo Đức Giê-su. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này để đến một nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Đây chính là cuộc ra đi và lên đường mà Đức Giê-su mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở ra cho chúng ta (R.Veritas).
5. Người Ai-len kể câu chuyện vào thiên đàng như sau: Một người đến trước cửa thiên đàng và xin thánh Phê-rô cho mình vào. Ngài trả lời: ”Đương nhiên là được, chỉ cần con chỉ cho ta các vét sẹo của con”. Người ấy trả lời: ”Con không có vết sẹo nào”. Thánh nhân nói: ”Thật đáng tiếc vì chẳng có gì đáng cho con phải chiến đấu sao”? Đức Giê-su xác quyết với ta: Đường về Nước Trời là con đường Thập giá, vào cửa sự sống là đi qua cửa hẹp, phải chiến đấu “trầy da tróc vẩy” mới vào được. Những vết sẹo trong hành trình nỗ lực đấu tranh của ta với bản thân ươn lười, với mưu mô ma quỉ tinh vi, với môi trường xã hội nặng tính trần tục, nhất là xã hội đề cao tiện nghi, hưởng thụ cách ích kỷ như hiện nay (5 phút Lời Chúa).
6. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải quyết tâm đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào qua cửa hẹp, đây là điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, điều kiện bắt buộc, không có không được. Chúng ta đã có nhiều bài học do tiền nhân để lại:
– Nước chảy đá mòn,
– Kiến tha lâu đầy tổ,
– Có công mài sắt có ngày nên kim.
Thì trên phương diện thiêng liêng cũng thế, vì Chúa đã phán: ”Ai muốn theo Ta…hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” hoặc: ”Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng thế, nếu ở đời: ”Có khó mới có miếng ăn” hoặc “Không hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc Nước Trời cũng đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được. Tương lai đang chờ đón ta!
7. Truyện: Muốn vào hàng trai tráng.
Trong nhiều bộ lạc Da Đỏ ở Mỹ châu họ có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng, người ta tổ chức như sau: khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: ”Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định…
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chằm lấy bố, reo lên: ”Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.