THƯỢNG ÐỈNH CỦA THIÊN NIÊN KỶ:
Tuyên ngôn của Ðức Hồng Y Sodano
(Tờ L”Osservatore Romano – 12 tháng 9 năm 2000)
Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000, hơn 150 đại diện các Quốc Gia đã tham dự Thượng Ðỉnh các Lãnh Tụ Quốc Gia và Chánh Quyền nhân dịp Thiên Niên Kỷ mới, do Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Nữu Ước. Ngày 8 tháng 9, Ðức Hồng Y A. Sodano, Bộ Trrưởng Bộ Ngoại Giao của Ðức Thánh Cha, Ðại Diện Tòa Thánh, đã đọc một bản tham luận được chia thành bốn đoạn dựa trên bốn điểm như sau:
Kính thưa Ông Chủ Tịch,
Tôi được vinh dự đem tới Hội Nghị này những lời chúc mừng thân tình và những lời khích lệ của Ðức Giáo Hoàng Gio-An Phao-Lồ Ðệ Nhị gửi đến các vị Tổng Ðại Diện của các Quốc Gia trên toàn thế giới đã đến Nữu Ước để lập lại sự tin tưởng của mình vào công trình của Liên Hiệp Quốc. Lời cầu chúc nồng nhiệt của Tòa Thánh là, vào bước đầu của đệ tam thiên niên kỷ, LHQ góp phần xây dựng cho lợi ích của nhân loại một nền văn minh mới, một nền văn minh được gọi là Văn Minh của tình thương .
1. Phận vụ thứ nhất của LHQ là duy trì và phát huy hòa bình trên thế giới.Ðó là mục đích chính yếu của những vị sáng lập ra Hội Ðồng và nhiệm vụ đó vẫn luôn là thời sự. Chiến tranh gây ra tang tóc và làm khổ đau các dân tộc còn quá nhiều. Trước sự gia tăng của các vụ xung đột, đăc biệt là những cuộc tranh chấp dân sự và giữa các chủng tộc, LHQ có bổn phận can thiệp trong giới hạn của Hiệp Ước để mang lại hòa bình.
Nhân danh Ðức Giáo Hoàng, tôi xin tỏ lòng cảm phục Hội Ðồng LHQ trước tất cả những công việc đã được thực hiện trong lãnh vực này và tôi cũng xin tưởng nhớ đến những chiến binh và nhân sự đã tử thương trong các công vụ duy trì hòa bình.
Hòa bình lúc nào cũng bấp bênh và chúng ta nên canh chừng để dập tắt những lò chiến tranh cũng như đừng để chúng được khai mở, vì thế LHQ phải khai triển những khả năng ngoại giao phòng ngừa.
Về phần Tòa Thánh, Tòa Thánh sẽ luôn luôn tán thành những sáng kiến có lợi cho hòa bình, nhất là những sáng kiến nhằm để tăng cường sự kính trọng luật lệ quốc tế và để hạn chế vũ khí.
2. Phận vụ thứ hai của LHQ là khuyến khích sự phát triển.
Hơn nữa, nhiều tai họa khác thường do sự nghèo túng mà ra, như chiến tranh, tình trạng thoái hóa của môi sinh và những thiên tai cũng như những bệnh truyền nhiễm. Làm sao không nhấn mạnh được là hầu hết những tai họa này xâm nhập trước hết vùng Châu Phi mà không gợi lên cho vùng này một sự lưu ý đặc biệt và những cố gắng phù hợp với nhu cầu của họ ?
Tình thế đòi hỏi một sự huy động tinh thần và tài chánh bao gồm những mục tiêu chính xác hầu đạt được một sự giảm thiểu tối đa của nghèo đói. Một trong những mục tiêu là sự tha nợ cho những quốc gia nghèo theo những dạng thức gay gắt hơn, một sự cải tiến trong việc giúp đỡ cho sự phát triển và rộng mở những thị trường cách đại lượng. Vả lại, những chương trình phải được thực thi để những bước tiến bộ xã hội đi song song với sự sinh trưởng kinh tế. Sự phát triển là một khái niệm chung có mục đích thăng tiến những vật dụng và phẩm cách con người được cân nhắc cách trọn vẹn. Và những phương tiện để đạt được những điều đó được tóm tắt lại trong hai chữ liên đới .
Về tiết mục này, kính thưa Ông Chủ Tịch, xin cho phép tôi được nhắc lại rằng những lời giao hứa đã được tán thành trong những buổi họp thượng đỉnh và hội nghị quốc tế dành riêng cho những vấn đề này phải được kính trọng. Thật là thất vọng khi thấy rằng về những điểm chính yếu như giảm bớt nợ nần hay mực độ của sự giúp đỡ công cộng cho nền phát triển, những tiến triển được thực hiện quá ít ỏi.
3. Phận vụ thứ ba của LHQ là phát huy nhân quyền
Rất nhiều những văn kiện đã được soạn thảo, hoặc là để định nghĩa những quyền lợi này hay là để bảo đảm sự tôn trọng những quyền lợi đó bằng những cơ chế thích đáng. Những cố gắng này phải được tiếp tục theo đuổi, vì sự chiến đấu cho nhân quyền không bao giờ chấm dứt và tôi sẽ dẫn chứng ở hội nghị này sự bảo vệ của một trong những quyền lợi đó, đó là quyền sinh sống mà thường xuyên bị chà đạp.
Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị, ngay từ giây phút này, nói lên sự ủng hộ của Ngài đối với Thượng Ðỉnh Thế Giới chống lại sự kỳ thị chủng tộc, sự phân biệt màu da, tinh thần bài ngoại và sự không khoan dung, được tổ chức vào năm tới tại nước Nam Phi, và cổ võ tất cả những sáng kiến nhằm ngăn cản sự phổ biến tính kỳ thị chủng tộc và tinh thần không khoan dung.
Nhưng ngoài cách đề cập cụ thể đến nhân quyền, còn phải gầy dựng những quyền lợi này bằng cách xây cho chúng một nền móng đạo lý vững chắc, bởi vì nếu không chúng sẽ luôn mãi bấp bênh và không nền tảng. Về điều này, chúng ta phải khẳng dịnh rằng nhân quyền không được dựng nên hay phân phát bởi bất cứ ai, nhưng chúng luôn cố hữu với bản thể con nguời. Theo Tòa Thánh, luật tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong tim của mỗi người, là một mẫu số chung của mọi người và mọi dân tộc. Ðó là một tiếng nói phổ thông mà mọi người có thể nhận biết và trên nền tảng đó, con người có thể hiểu nhau.
4. Phận vụ thứ tư của LHQ là bảo đảm sự bình đẳng của mọi thành viên.
Trong ý nghĩa này, một số cải cách sẽ trở thành cần thiết, để thích nghi cơ cấu của LHQ với những thực tại hiện diện trong lúc này và củng cố sự hợp pháp của hành động của LHQ. Ðúng thế, LHQ phải đại diện cách toàn vẹn hơn Cộng Ðồng quốc tế và không có vẻ bị lệ thuộc vào một vài nước thành viên.
Sự lắng nghe và sự kính trọng mỗi thành viên là điều bắt buộc khi phải đi đến những quyết định chung, nhưng đăc biệt hơn nữa khi chúng ta cố gắng định những hướng đi đụng chạm đến những giá trị luân lý và văn hóa căn bản. Trong lãnh vực này, nhân danh một quan niệm chủ quan của tiến bộ, một vài thành viên thiểu số khẳng định ép buộc những thành viên khác phải chấp nhận một vài lối sống của mình không còn là hợp pháp. Những dân tộc của LHQ được ghi trong Tiền Ðề của Hiến Chương, có quyền thấy phẩm cách và phong tục của họ được tôn trọng.
Trong cách nhìn này, tôi xin phép được nhắc lại lập trường của Tòa Thánh về vấn đề những trừng phạt do LHQ ép buộc để bắt một quốc gia phải thực hiện những nghĩa vụ quốc tế.
Một thủ tục rõ ràng về sự kiểm tra và sự xét lại phải được đặt ra cho mỗi trường hợp, cũng như những dạng thức hợp thời cơ để những biện pháp này không đè bẹp trước hết những người dân vô tội.
Kính thưa Ông chủ Tịch,
Những người Ki Tô Giáo, đã nhắc lại năm nay ngàỵ ra đời của Chúa Giêsu tại Bethléem, liên đới với những cố gắng mà cộng đoàn quốc tế đang thực hiện để thế giới ngày mai được giải thoát khỏi bạo lực, khỏi những bất công và những ích kỷ. Ðối với công trình vĩ đại này, Giáo Hội Công Giáo tự đề nghị góp phần trước hết bằng sự rao giảng tin mừng của Ðức Ki Tô vì không có tiến bộ tinh thần, sự tiến bộ về vật chất của các quốc gia sẽ vô ích và ảo tưởng. Sự thâm tín này đã hướng dẫn Giáo Hội trong suốt lịch sử của Giáo Hội và đó cũng là sự dấn thân của Giáo Hội cho đệ tam thiên niên kỷ.
Xin Cám ơn Ông Chủ Tịch.
Chuyển dịch: Trần văn Toàn. Paris 17.09.2000