Julius Caesar là một danh tướng của La Mã.
Ông có một câu nói “để đời” sau khi đánh bại Pharnace, vua xứ Bosphore:
“Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng” (Veni, vidi, vici)
Nhưng ông vẫn còn một câu nói “để đời” nữa,
lúc bị cả nhóm nguyên lão cầm kiếm xông vào đâm chết,
đó là câu nói cuối cùng với Brutus,
người mà lâu nay ông hằng tin tưởng, coi như con đẻ:
“Cả con nữa sao?” (Tu quoque, fili?)
Câu nói “bi thương” này, dường như được “lặp lại”
nơi bàn Tiệc ly giữa Thầy trò Giêsu tối hôm ấy,
khi Thầy Giêsu nói về chuyện Giuđa phản bội:
“Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.”
Giọng Thầy buồn, xót xa và “thương” cho Giuđa.
Cho đến nay, chuyện “làm ơn mắc oán”,
chuyện bị những người mình phục vụ, tin tưởng, quý mến
quay ra phản bội, “đâm sau lưng” vẫn thường xảy ra.
Có bao giờ bạn cảm thấy “cay đắng”
vì rơi vào những chuyện “đau lòng” ấy không?
Trên thập giá, thay vì “thương” cho bản thân mình
Thầy Giêsu đã thưa với Chúa Cha:
“Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)
Sau này, không ít người đã đi theo Thầy Giêsu như thế:
Đó là phó tế Stêphanô, trước khi tắt thở
vì bị người Do Thái ném đá, đã quỳ gối xuống kêu lên:
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (Cv 7,60).
Và mới đây, cha Giuse Trần Ngọc Thanh,
sau khi bị chém, cho tới lúc rơi vào hôn mê,
cha chỉ nói có một câu duy nhất: “Hãy tha thứ cho họ!”
Bạn nghĩ sao, nếu hôm nay Thầy Giêsu nói với bạn:
“Con hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37)
“Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà,
kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.” (Ga 13,16)
Tác giả: Jos. Quốc Anh