Cho đến nay, người ta vẫn hay “làm khó dễ nhau”
với những câu đố ‘hại não”, chẳng hạn như:
“Quả trứng có trước hay con gà có trước?”
Phải “động não” lắm mới tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng
khiến mọi người “khẩu phục tâm phục”.
Hôm nay Thầy Giêsu cũng “làm khó dễ” người Do Thái
khi đưa ra câu hỏi “hại não”:
“Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít?
Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa thượng,
thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?”
Chẳng một ai đứng đó trả lời được!
Thực ra Thầy Giêsu không nhắm “làm khó dễ” người Do Thái,
mà chỉ muốn đặt họ đứng trước mầu nhiệm của chính bản thân Ngài,
Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật,
Đấng quyền năng, vô biên, nhưng lại muốn
mang thân phận làm người đến cùng.
Mẹ Maria là người đầu tiên
“bị” đặt trước mầu nhiệm này, từ buổi Truyền tin
cho đến lúc đứng dưới chân thập giá ở núi Sọ.
Bởi vậy, Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy,
và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19)
để có thể lặp lại lời thưa “vâng” mỗi ngày một hơn.
Ngày hôm nay, nơi Bí tích Thánh Thể,
người Kitô hữu cũng đứng trước mầu nhiệm
của một vị Thiên Chúa không chỉ hóa thân làm người
mà còn hóa thân thành tấm bánh bị bẻ ra để nuôi dưỡng con người.
Như thi sĩ Hàn Mặc Tử, chúng ta cũng được mời gọi:
“Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều,… để xem Trời giải nghĩa yêu”!
“Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít?” (Mc 12,35)