Hội thảo « Phát triển Con người Toàn diện, con đường Hòa bình, con đường Tương lai » (tháng 11 năm 2019, Abidjan).
Tác giả : Tebaldo Vinciguerra
Các nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo và tính thời sự của chúng : nhân phẩm, bổ trợ, liên đới, công ích, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, mục đích phổ quát của của cải và phát triển con người toàn diện, từ Công đồng Vatican II cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Dẫn nhập : Công đồng Vatican II và địa chính trị
Tại sao lại đề nghị khóa học về một số nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội của Giáo hội (HTXH) chính trong khuôn khổ một cuộc hội thảo về hòa bình và từ Công đồng Vatican II ?
Một vài câu trả lời nhanh.
Công đồng Vatican II (10/1962-12/1965) xứng đáng được đặt trong bối cảnh địa chính trị tế nhị của nó. Sau đây là một số vấn đề địa chính trị này : xây dựng hòa bình ở châu Âu và châu Á sau Thế Chiến II ; việc phi thực dân hóa ; Chiến tranh lạnh giữa « hai khối » nhưng còn cả mưu toan về một lập trường thứ ba đối với một số nước « không liên kết » ; sự phát triển của Liên hiệp quốc.
Công đồng đã củng cố lối tiếp cận các vấn đề xã hội ở Giáo triều Rôma và cách chung hơn là Giáo hội Công giáo. Dưới ánh sáng của nhiều văn kiện quan trọng, đặc biệt là Hiến chế Gaudium et Spes (các văn kiện khác sẽ được trích dẫn nơi các trang sau), một loạt « các bộ » (tức là các cơ quan giúp Đức Thánh Cha trong việc phục vụ của ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội) sẽ được tạo ra. Chẳng hạn : Hội đồng Tòa Thánh về « Công lý và Hòa bình », Hội đồng Tòa Thánh « Cor Unum », Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội. Về sau (năm 1994) đến lượt Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội và Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống gia nhập Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học.
Học thuyết xã hội của Giáo hội
Như Hiến chế Gaudium et Spes giải thích, « Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ ». Vì đức tin Kitô giáo, sự thờ ơ là không thể được. Như Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói rõ, « ở tâm điểm của Tin Mừng, có đời sống cộng đồng và sự dấn thân với người khác » (1).
Những gì bây giờ sẽ được trình bày dĩ nhiên bắt nguồn từ đức tin Kitô giáo, từ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. HTXH của Giáo hội đề nghị « những nguyên tắc suy tư, những tiêu chí phán đoán và những chỉ dẫn hành động trên cơ sở đó để thúc đẩy một chủ thuyết nhân bản toàn diện và liên đới. Do đó, việc phổ biến học thuyết này là một ưu tiên mục vụ đích thực, để mọi người, được soi sáng bởi nó, đều có thể giải thích thực tại ngày nay và tìm kiếm những con đường hành động thích hợp » (2) Điều này được giải thích trong cuốn Toát yếu HTXH của Giáo hội, được phổ biến vào năm 2004, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến cáo « việc sử dụng và nghiên cứu một cách mạnh mẽ » (3]) Tác phẩm này là sự trình bày « một cách tổng thể và hệ thống, mặc dù dưới hình thức tổng hợp » (4) về những giáo huấn (chủ yếu là của các Đức Giáo hoàng) làm nên HTXH của Giáo hội ; « một công cụ phục vụ cho việc phân định luân lý và mục vụ đối với các biến cố phức tạp (…) một cuốn chỉ nam để truyền cảm hứng, trên bình diện cá nhân và tập thể, cho các ứng xử và chọn lựa cho phép nhìn về tương lai với niềm tin và hy vọng » (5).
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là công cụ này, và cách chung hơn là HTXH của Giáo hội, được đề nghị cho tất cả những người thiện chí, chứ không chỉ cho người Công giáo hay các Kitô hữu mà thôi. Quả thế, những nguyên tắc này được bén rễ trong một suy tư sâu xa về nhân chủng học vốn không phải là đặc quyền của Giáo hội. Những người và tổ chức khác có thể thực hiện những suy tư tương tự và do đó chia sẻ những nguyên tắc này. Việc xem xét một số truyền thống lớn về sự khôn ngoan luân lý do Ủy ban Thần học Quốc tế thực hiện « chứng nhận rằng một số kiểu hành xử của con người được công nhận, trong hầu hết các nền văn hóa, như là diễn tả một sự xuất sắc nào đó trong cách thức con người sống và thể hiện nhân tính của mình : những hành vi can đảm, kiên nhẫn trước những thử thách và khó khăn của cuộc sống, lòng trắc ẩn đối với người yếu thế, sự điều độ trong việc sử dụng của cải vật chất, thái độ có trách nhiệm đối với môi trường, sự tận tụy đối với công ích…Những hành xử đạo đức này xác định những đường hướng lớn của một lý tưởng đạo đức đúng đắn về một cuộc sống ‘theo bản tính’, tức là phù hợp với bản thể sâu xa của chủ thể nhân linh. Vả lại, một số hành xử được mọi người coi là đối tượng bị khiển trách : giết người, trộm cắp, nói dối, giận dữ, thèm muốn, tham lam…Chúng xuất hiện như là những cuộc gây tổn thương đến phẩm giá của nhân vị và những đòi hỏi công bằng trong đống sống xã hội » (6). Có thể nói, trong tất cả các nền văn hóa và khôn ngoan, có một « ngữ pháp » bẩm sinh nào đó về những gì phải là con người điển hình ! Nói như thế, cần phải nói rõ rằng việc trình bày các nguyên tắc của HTXH của Giáo hội sau đây không thể đầy đủ, và chắc chắn nó có nguy cơ lặp đi lặp lại nào đó vì những nguyên tắc này gắn bó chặt chẽ với nhau.
Điểm xuất phát là nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải
Chúng ta sống trên cùng một hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta, hình thái và cơ chế môi trường của nó có trước các biên giới chính trị và hành chính của chúng ta, chúng ta chia sẻ tài nguyên của nó mà chúng ta phụ thuộc vào. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với tình trạng Trái Đất này hiện đang khiến chúng ta lo âu : điều đó liên quan đến tất cả các quốc gia, các nền văn hóa, các nhóm sắc tộc và các tôn giáo. Mối lo âu này là rất mạnh mẽ dưới triều đại của Đức Phaolô VI, đặc biệt trong các bài phát biểu và bài viết của ngài từ năm 1967 đến 1973.
Chúng ta có điểm chung là mối quan tâm chung về ngôi nhà chung. Chúng ta cảm thấy rằng những gì cần cho phép sự sống và sự triển nở của các thế hệ tiếp theo đang lâm nguy. Nhân loại « bằng cách khai thác thiên nhiên thiếu cân nhắc (…) đang có nguy cơ hủy hoại nó » (7). Thế nhưng, chúng ta cảm thấy rằng tất cả mọi người – trong cùng một thế hệ và trong tất cả các thế hệ – đều phải có thể hưởng lợi được từ của cải của Trái Đất. Đối với chúng ta, những của cải này được dự kiến cho một mục đích phổ quát. Mục đích phổ quát của của cải này vừa là :
+ Một lối tiếp cận, nghĩa là được xác tín rằng các nguồn tài nguyên của Trái Đất được dự định để được chia sẻ và sử dụng một cách liên đới và bền vững ;
+ Một tiến trình, nghĩa là tổng các nỗ lực cần thiết để thực hiện một sự chia sẻ và sử dụng như thế.
Hãy lấy hai ví dụ rất khác nhau. Mục đích phổ quát của của cải đã được áp dụng cho các đại dương (8) (những năm 1970) rồi cho đất đai (9), do đó cho một thực tế luôn biến động và về mặt truyền thống tuân theo luật pháp quốc tế (biển khơi) và một thực tế hiển nhiên hơn nhiều, thường dứt khoát tuân theo luật pháp quản lý quyền tư hữu.
Làm thế nào giữ gìn, tôn trọng, bảo vệ các đại dương để mục đích phổ quát của chúng được đảm bảo ? Biết bao là vấn đề ! Bảo vệ sự đa dạng sinh học ; hạn ngạch đánh bắt cá ; khả năng thực hiện các nghiên cứu khoa học ; tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản và hydrocarbon ; điều hướng việc đi lại của tàu du lịch thương mại hay quân sự ; tranh chấp địa chính trị và các mối đe dọa cướp biển, …
Làm thế nào phân định và quyết định về việc sử dụng đất : nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất năng lượng, đô thị hóa, đất bỏ hoang và tôn trọng đa dạng sinh học ? Mỗi mảnh đất đòi hỏi đưa ra một quyết định tỉ mỉ, có tính đến thực tế và nhu cầu của cấp địa phương, cũng như cấp quốc gia, và nếu có, thậm chí xuyên biên giới và khu vực. Làm thế nào để bảo đảm rằng đất phải được phục vụ tất cả mọi người, đồng thời tôn trọng « khả năng tái tạo của mỗi hệ sinh thái » (10) ?
Đức Gioan-Phaolô II đã nêu rõ : « Quyền tư hữu có giá trị và cần thiết, nhưng nó không xóa bỏ giá trị của nguyên tắc này. Quả thế, có « một quyền cầm cố xã hội » đè nặng lên quyền tư hữu, nghĩa là người ta phân định ở đó, như phẩm chất nội tại, một chức năng xã hội được thành lập và chứng minh chính xác bởi nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải » (11).
Một cảnh giác đặc biệt : chọn lựa ưu tiên cho người nghèo khổ nhất
Chúng ta hãy đến với nguyên tắc « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Đó là một chọn lựa, hay một hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thực hành bác ái Kitô giáo mà toàn bộ truyền thống của Giáo hội làm chứng. Nó liên quan đến đời sống của mỗi Kitô hữu, khi họ bắt chước đời sống của Chúa Kitô, nhưng nó cũng được áp dụng cho các trách nhiệm xã hội của chúng ta và do đó cho lỗi sống của chúng ta, cho các quyết định mà chúng ta phải đưa ra một cách mạch lạc về quyền tư hữu và việc sử dụng tài sản » (12).
Chẳng hạn, nguyên tắc này soi sáng cho các tuyên bố của Liên hiệp quốc trong năm 2019 này, « không để ai bị bỏ lại phía sau » (tiếng Anh : « leaving no one behind » (13)) nhân Ngày Nước Thế giới (22/3) và Ngày Thế giới vệ sinh sắp tới (19/11). Quan tâm đến những người nghèo khổ nhất, những người bị loại trừ hay phân biệt kỳ thị « về mặt luật pháp hay trên thực tế, vì sắc tộc, nguồn gốc, màu da, văn hóa, giới tính hay tôn giáo của họ » (14), vì rào cản ngôn ngữ hoặc do trình trạng khuyết tật, hoặc do tuổi tác, của các tù nhân hay đơn giản hơn là của những người bị bỏ lại phía sau bởi « tham nhũng và lợi ích của một nền kinh tế loại trừ và giết chết » (15).
Sự nghèo khổ thường là đa chiều. Nghèo kinh tế, thiếu đào tạo và giáo dục, ít tiếp xúc, do đó « không có mạng lưới » để dựa vào và như thế bị cô lập, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và trường học. Ít nhận được tình cảm, và ít khả năng thể hiện tình cảm và sự gắn bó : nghèo nàn về sự dịu dàng. Phải chăng chúng ta không thể quan niệm được mối liên hệ giữa nghèo khổ trong gia đình (trẻ mồ côi, bắt cóc trẻ em, gia đình tan nát, bạo lực và lạm dụng trong gia đình, …) và cuối cùng là những khó khăn trong đời sống kinh tế và xã hội ? Vả lại, nếu là di dân, thì người ta cuối cùng cũng sẽ mất đi những nét văn hóa của mình. Nghèo khổ đa chiều, một người dễ rơi vào nanh vuốt của những kẻ lừa đảo, cho vay nặng lãi, nhiều hình thức nghiện ngập khác nhau (từ lạm dụng chất gây nghiện đến nghiện internet), những kẻ tuyển dụng « thịt người để bóc lột » (mại dâm và khiêu dâm, lao động cưỡng bức, dân quân và binh lính trẻ em, buôn bán nội tạng).
Hãy lưu ý rằng người nghèo, theo kinh nghiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, « không bằng lòng với những lời hứa hão huyền, những lời bào chữa hoặc những mẹo nghi binh. Họ cũng không khoanh tay chờ đợi sự giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ, các chương trình viện trợ hoặc các giải pháp không bao giờ đến hoặc nếu chúng đến, thì làm như thế với xu hướng hoặc là gây mê, hoặc là thuần hóa, và điều đó khá nguy hiểm. Anh chị em cảm thấy rằng người nghèo không còn chờ đợi nữa và muốn trở thành người chủ chốt ; họ tự tổ chức, học tập, làm việc, đòi hỏi và nhất là thực hành tình liên đới rất đặc biệt vốn tồn tại giữa những người đau khổ, giữa những người nghèo, và tình liên đới mà nền văn minh của chung ta dường như đã quên lãng,, hay ít nhất là rất muốn lãng quên » (16). Vì thế, bất cứ nơi đâu có thể, không được giới hạn bản thân trong vai trò trợ lý, mà hãy thúc đẩy và khuyến khích vai trò chính của những người này, sự hòa nhập của họ, chứng tá của họ (chúng ta sẽ nói lại về điều này trong nguyên tắc bổ trợ).
Nguyên tắc liên đới : một bổn phận được soi sáng bởi công lý
Chúng ta tiếp tục xem giáo huấn của Đức Phanxicô : « Tình liên đới là một từ không phải lúc nào cũng được ưa thích ; (…) nhưng một từ thì còn hơn nhiều một số cử chỉ quảng đại lẻ tẻ. Đó là suy nghĩ và hành động xét theo cộng đồng, theo sự ưu tiên của sự sống của mọi người trên việc chiếm hữu của cải từ phía một số người. Đó cũng là đấu tranh chống lại các nguyên nhân cấu trúc của sự nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, đất đai và nhà ở, việc chối bỏ các quyền xã hội và lao động. Đó là đối mặt với những tác động hủy diệt của Đế chế tiền bạc : những cuộc di cư cưỡng buộc, các cuộc di cư đau đớn, buôn người, ma túy, chiến tranh, bạo lực và tất cả những thực tại mà nhiều người trong anh chị em phải chịu và tất cả chúng ta đều được mời gọi biến đổi. Liên đới, hiểu theo nghĩa sâu xa nhất, là cách thức làm nên lịch sử » (17).
Đó là điều mà thánh Phaolô VI đã xem xét trong chương dành bàn về sự phát triển mang tính liên đới của nhân loại trong thông điệp mạnh mẽ của ngài Populorum progressio. « Sự phát triển toàn diện của con người không thể tiến triển mà không có sự phát triển mang tính liên đới của nhân loại. (…) « con người phải gặp gỡ con người, các quốc gia phải gặp gỡ nhau như anh chị em, như con cái của Thiên Chúa. Trong sự hiểu biết và tình bạn lẫn nhau này, trong sự hiệp thông thánh thiêng này, chúng ta cũng phải bắt đầu làm việc cùng nhau để xây dựng tương lai chung của nhân loại (…) » » (18). Đức Phaolô VI khuyến khích « việc tìm kiếm các phương tiện tổ chức và hợp tác cụ thể và thiết thực, để tập hợp các nguồn lực sẵn có và như thế thể hiện sự hiệp thông thực sự giữa mọi quốc gia » bằng cách nhấn mạnh rằng một bổn phận như thế « trước tiên liên quan đến những người được ưu đãi nhất. Nghĩa vụ của họ bắt nguồn từ tình huynh đệ nhân loại và siêu nhiên và được thể hiện dưới ba khía cạnh : bổn phận liên đới, sự giúp đỡ mà các quốc gia giàu có phải mang lại cho các nước đang phát triển ; bổn phận công bằng xã hội, điều chỉnh các tương quan thương mại khiếm khuyết giữa các dân tộc mạnh và các dân tộc yếu ; bổn phận bác ái phổ quát, thúc đẩy một thế giới nhân bản hơn cho tất cả mọi người, nơi tất cả mọi người sẽ phải cho và nhận, mà sự tiến bộ của những người này không trở thành trở ngại cho sự phát triển của những người kia. Đây là vấn đề nghiêm trọng, vì tương lai của nền văn minh thế giới tùy thuộc vào đó » (19). Đó là vấn đề « các bổn phận » ! Và Đức Gioan-Phaolô II nói về một « nghĩa vụ luân lý » : « Những người phụ trách các vấn đề công cộng, công dân của các nước giàu, mỗi người với tư cách cá nhân (…) đều có nghĩa vụ luân lý – ở cấp độ trách nhiệm tương ứng của họ – trong các quyết định cá nhân và chính phủ của họ, phải tính đến mối tương quan về tính phổ quát này, về sự tương tùy đang tồn tại này giữa hành xử của họ và sự khốn khổ và kém phát triển của rất nhiều triệu người » (20). Vì thế, tình liên đới phải hướng dẫn một cách có trách nhiệm và bác ái những chọn lựa của các nhà đầu tư, các nhà phát minh, các doanh nhân, các chính trị gia, các nhà giáo dục, …Không thể là vấn đề tiếp tục trong các chọn lựa và hành xử bất công, vô liêm sỉ và có hại. Thậm chí không tự nhốt mình trong sự thờ ơ : « Chuyện đó không liên quan đến tôi, tôi có làm gì sai đâu ». Trong dụ ngôn nổi tiếng về người phú hộ sống cuộc đời vui vẻ và người hành khất Ladarô, người phú hộ rõ ràng không làm gì chống lại Ladarô, ông « giới hạn mình ở sự thờ ơ » và chỉ vì điều đó mà ông bị lên án (21).
Điều đó gợi lên một nguyên tắc thường được sử dụng trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu : « các trách nhiệm chung nhưng có phân biệt ». Do đó, chúng ta có thể nói về « công bằng phân phối » để mỗi người tham gia vào nỗ lực chung, về « công bằng giao hoán » để có sự công bằng trong các trao đổi mà người yếu đuối nhất không bị tổn hại hay sỉ nhục, và về « công bằng phục hồi », chẳng hạn để những người đã làm ô nhiễm nhiều nhất bắt tay vào khôi phục hệ sinh thái này hay hệ sinh thái kia. Hãy lấy một trường hợp cụ thể : liên quan đến năng lượng, các nước giàu và công nghiệp hóa nhất có « nghĩa vụ luân lý phát triển việc sử dụng các công nghệ năng lượng phức tạp nhất và và tiêu tốn nhiều vốn hơn, để cho phép [các nước khác] thúc đẩy sự phát triển của họ, bằng cách sử dụng các công nghệ năng lượng đơn giản nhất và ít tốn kém nhất » (22).
Một chính phủ tốt trong nguyên tắc bổ trợ
Nguyên tắc bổ trợ là một nguyên tắc được áp dụng cho chính phủ. Nó « bảo vệ mọi người khỏi những lạm dụng của các cơ quan xã hội cấp cao và khuyến khích các cơ quan xã hội cấp cao giúp đỡ các cá nhân và các cơ quan trung gian phát triển chức năng của họ. Nguyên tắc này rất cần thiết vì mọi người, mọi gia đình và mọi cơ quan trung gian đều có một cái gì đó độc đáo để mang lại cho cộng đồng » (23), một kỹ năng, một hiệu quả, và một kiến thức cụ thể. Vì thế, « tất cả các xã hội thuộc trật tự cao hơn phải đặt mình trong thái độ trợ giúp (subsidium) – do đó hỗ trợ, thăng tiến, phát triển – đối với các xã hội thuôc trật tự thấp hơn. Bằng cách này, các cơ quan xã hội trung gian có thể chu toàn một cách thích đáng các chức năng thuộc về mình, mà không phải nhường chúng một cách bất công cho các nhóm xã hội khác ở cấp độ cao hơn, những nhóm mà cuối cùng sẽ làm tiêu tan và thay thế họ và, cuối cùng, sẽ phủ nhận phẩm giá và không gian sống của họ. Đối với nguyên tắc bổ trợ được hiểu theo nghĩa tích cực, như sự trợ giúp về kinh tế, thể chế, luật pháp dành cho các thực thể xã hội nhỏ hơn, tương ứng một loạt hàm ý theo nghĩa tiêu cực, bó buộc Nhà nước phải kiềm chế tất cả những gì mà trên thực tế sẽ hạn chế không gian sống của các tế bào nhỏ và thiết yếu của xã hội. Sáng kiến của họ, tự do và trách nhiệm của họ không được thay thế » (24).
Nguyên tắc này rất hiện diện trong giáo huấn của các Đức Giáo hoàng, ngay cả trước Công đồng Vatican II. Nó giữ được tất cả sự thích đáng của nó vào đầu thế kỷ XXI này. Hãy nghĩ về vai trò của các thành phố và tòa thị chính, các công đoàn, hiệp hội, nghiệp đoàn và hợp tác xã, các phong trào thanh niên, các giáo phận, liên đoàn doanh nghiệp,…Tất cả những tác nhân này đều có một trách nhiệm, một vai trò phải thực hiện. Tế bào đầu tiên cần được bảo vệ và trợ giúp tất nhiên là gia đình, với nhiều đặc thù và vai trò không thể phủ nhận và bất khả thay thế của nó. Đức Bênêđíctô XVI đã viết : « Các chương trình phát triển, để có thể thích nghi với các hoàn cảnh cụ thể, phải được đặc trưng bởi tính linh hoạt. Và những người được hưởng lợi từ chúng sẽ phải được trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị và trở thành những nhân vật chính trong việc thực hiện chúng » ; vì thế, « trong các can thiệp có lợi cho sự phát triển, nguyên tắc về tính trung tâm của nhân vị phải được giữ vững vì nhân vị là chủ thể đầu tiên phải đảm nhận nhiệm vụ phát triển » (25).
Chẳng hạn, nguyên tắc bổ trợ yêu cầu các hệ thống của truyền thống và tổ tiên về việc quản lý đất, rừng, khu vực đánh cá phải được xem xét mà không có các suy diễn tiên thiên tiêu cực. Đó là một vấn đề cũng có mặt trong Thượng hội đồng về vùng Amazon vừa kết thúc. Hiến chế Gaudium et Spes đã nhận xét rằng « thông thường, trong các xã hội kém phát triển về mặt kinh tế, nguyên tắc mục đích chung của của cải phần nào được thực hiện bởi các phong tục và truyền thống của cộng đồng, đảm bảo cho mỗi thành viên những của cải cần thiết nhất. Chắc chắn, phải tránh coi một số phong tục là hoàn toàn bất di bất dịch, nếu chúng không còn đáp ứng được nữa các đòi hỏi mới của thời đại này ; nhưng, ngược lại, không được khinh suất xâm phạm những phong tục trung thực này » (26). Các cộng đồng thổ dân, thông thường, « khi họ vẫn ở lại trên lãnh thổ của họ, thì chính họ sẽ bảo vệ nó tốt nhất. Thế nhưng, ở nhiều nơi trên thế giới, họ đang chịu áp lực phải từ bỏ đất đai của mình để bỏ không nó cho những dự án khai thác cũng như cho các dự án nông nghiệp và đánh cá, vốn không quan tâm đến sự suy thoái của thiên nhiên và văn hóa » (27). Về vấn đề này, năm 2012, FAO đã thông qua Chỉ thị tự nguyện về quản trị có trách nhiệm chế độ ruộng đất được áp dụng cho đất đai, thủy sản và rừng trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia. Chỉ thị số 5.6,7.1 và 7.3 – cách riêng – đáng được đọc liên quan đến nguyên tắc bổ trợ.
HTXH của Giáo hội nhấn mạnh đến « sự liên kết » lành mạnh « của chính quyền ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế » (28), đến tầm quan trọng của « các chiều kích khác nhau, từ nhóm xã hội cơ bản là gia đình, ngang qua cộng đồng địa phương và Quốc gia, cho đến đời sống quốc tế. Trong mỗi cấp độ xã hội và giữa chúng, được phát triển các thể chế vốn điều chỉnh các mối tương quan nhân loại. Tất cả những gì gây hại cho chúng đều có tác hại, chẳng hạn như mất tự do, bất công và bạo lực. Nhiều nước tự liên kết với nhau ở cấp độ thể chế bấp bênh, với cái giá là sự đau khổ của người dân và vì lợi ích của những người được hưởng lợi từ sự tình này » (29). Không thể phủ nhận, một Nhà nước duy nhất không thể giải quyết tất cả các thách thức một cách hiệu quả. Đức Gioan XXIII đã có thể nhận xét rằng « trong các điều kiện hiện nay của cộng đồng nhân loại, phải thừa nhận rằng việc tổ chức và vận hành của các Nhà nước cũng như thẩm quyền được trao cho tất cả các chính phủ không cho phép việc thăng tiến thích đáng công ích toàn cầu » (30). Đôi khi cấp độ song phương hay khu vực có vẻ thích đáng và hiệu quả : đó là trực giác của « Công ước bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế (Công ước về Nước) được thông qua vào năm 1992 tại Helsinki, Phần Lan, [vốn] là một cơ chế nhằm tăng cường các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để quản lý sinh thái và bảo vệ nước mặt hay nước ngầm xuyên biên giới » (31). Chúng ta cũng hãy công nhận sự cần thiết phải hợp tác nhanh chóng trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, như sự bùng phát trở lại của virus Ebola đã cho thấy.
Tuy nhiên, đôi khi cấp độ quốc tế được đòi hỏi : « Những vấn đề có quy mô toàn cầu (…) chỉ có thể được giải quyết bởi một cơ quan công quyền có quyền lực, hiến pháp và các phương tiện hành động cũng có quy mô toàn cầu (…). Do đó, chính trật tự luân lý đòi hỏi phải thiết lập một cơ quan công quyền có thẩm quyền phổ quát » (32). Đức Gioan XXIII coi Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền « là một bước tiến tới việc thành lập một tổ chức chính trị-pháp lý của cộng đồng thế giới » và mong muốn rằng Liên hiệp quốc có thể « ngày càng thích nghi cấu trúc và phương tiện hành động của mình với phạm vi và giá trị cao của sứ mạng của mình » (33). Giữa việc thừa nhận, một mặt, những khiếm khuyết của Liên hiệp quốc, sự rối ren của nó, một số sai lệch ý thức hệ và sự chậm chạp trong cải cách của nó, và mặt khác, việc đề nghị loại bỏ nó, có một bước mà tốt hơn là nên tránh vượt qua. Cách cụ thể, chúng ta hãy nghĩ đến nhu cầu hành động trên quy mô toàn cầu đối với việc giải trừ quân bị, đối với hạn ngạch đánh bắt cá, đấu tranh chống tội phạm tài chính và tội phạm trực tuyến, đối với luật quốc tế liên quan đến hàng hải, đối với việc bảo vệ khí hậu. « Đối mặt với sự phát triển không thể cưỡng lại của sự phụ thuộc lẫn nhau trên thế giới (…) điều cấp bách là phải thiết lập một thẩm quyền chính trị đích thực (…). Một thẩm quyền như thế sẽ phải được quy định bởi pháp luật, phải tuân thủ một cách nhất quán các nguyên tắc bổ trợ và liên đới, phải được sắp đặt hướng đến việc thực thi công ích » (34).
Nhân phẩm, sự phát triển con người toàn diện và công ích
« Trong một thế giới bị sự bấp bênh giày vò, chúng ta phải luôn trung thành với các nguyên tắc luân lý. Phẩm giá và các quyền gằn liền với mỗi cá nhân phải là nguồn gốc của mọi hành động của chúng ta và cho phép đo lường sự thành công của nó. Tính phức tạp ngày càng tăng của thế giới không được làm mất gì đối với chân lý này. Đó chính là nền tảng của các xã hội lành mạnh và các Nhà nước hùng mạnh, là cơ sở cho một trật tự quốc tế công bằng và ổn định hơn » (35). Những lời đanh thép này là của bà cựu Tổng Giám đốc UNESCO, nhưng « nếu chúng ta xem nhân phẩm dưới ánh sáng của các chân lý được Thiên Chúa mặc khải, thì chúng ta chỉ có thể đặt nó còn cao hơn nhiều » (36).
« Nhân phẩm bất khả tước bỏ » này (37) thuộc về mọi người, từ khi được thụ thai. Chúng ta đừng xem nhẹ nó vì « một xã hội công bằng chỉ có thể được thực hiện trong sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của nhân vị. Nhân vị này là mục đích cuối cùng của xã hội, vốn được xếp đặt hướng đến nhân vị » (38). Bốn hệ luận cho điều này.
– « Trong bất cứ trường hợp nào, nhân vị không thể bị thao túng vì những mục đích xa lạ với sự phát triển của nó », không thể « bị biến thành mục tiêu cho những dự án có tính cách kinh tế, xã hội và chính trị » (39), bị giảm thiểu thành một lá phiếu, một khách hàng, một tổng số năng lượng, một hữu thể tùy chọn, « có thể hy sinh được », hay có thể được thực hiện « theo mệnh lệnh » và có thể lập trình được như những lệch lạc khoa học kỹ thuật khiến cho một số người hy vọng như thế khi « tiến bộ kỹ thuật không tương ứng với sự tiến bộ trong việc đào tạo đạo đức » (40).
– Quyền lợi và nghĩa vụ bắt nguồn từ nhân phẩm này ; chúng là phổ quát, bất khả xâm phạm, và phải được thăng tiến cùng nhau (41). « Giáo hội đã có một đóng góp quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, thông qua sự dấn thân bảo vệ và thăng tiến nhân quyền : ở những môi trường thấm đậm ý thức hệ, nơi những quan điểm cực đoan che khuất ý thức chung về nhân phẩm, Giáo hội khẳng định một cách đơn sơ và mạnh mẽ rằng mọi người, bất kể niềm tin cá nhân của họ là gì, đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và do đó xứng đáng được tôn trọng » (42).
– Không chỉ những người khốn khổ, những người bị coi thường, bị gạt ra bên lề xã hội và bị sỉ nhục mới bị chà đạp nhân phẩm. Điều đáng nói đến, đó thực sự cũng là phẩm giá của những ai có thể cải thiện hoàn cảnh nhưng trái lại làm xấu đi tình hình hay tự giới hạn mình trong những tuyên bố mà không dấn thân. Họ hành xử cách bất xứng (43).
– Nhân vị được mời gọi sống một cuộc đời giàu ý nghĩa, một « ơn gọi toàn diện » (44), một cuộc sống « tròn đầy » hay « dồi dào » như Chúa Giêsu đã nói (45). Trong viễn tượng cánh chung Kitô giáo, mỗi người nam và người nữ « được mời gọi đạt tới sự sống sung mãn vốn vượt xa các chiều kích của cuộc sống của họ trên trần gian, vì nó là sự tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa » (46) như thánh Gioan-Phaolô II nhắc nhớ. « Mầm mống của sự toàn diện và sung mãn này mong đợi được biểu lộ trong tình yêu và được hoàn thành, nhờ món quà nhưng không của Thiên Chúa, trong sự tham dự vào sự sống đời đời của Ngài » (47). Tuy nhiên, ngay trên Trái đất này rồi, nhân phẩm đòi hỏi chúng ta phải thăng tiến sự phát triển con người toàn diện của mỗi người, trong khuôn khổ công ích của toàn thể gia đình nhân loại. « Chúng ta được đề nghị sống ở một cấp độ cao hơn, chứ không phải vì thế với cấp độ thấp hơn : « Cuộc sống được tăng lên khi nó được cho đi và nó yếu đi trong sự cô lập và dễ dãi » » (48). Đức Phaolô VI giải thích rằng « mỗi người được mời gọi phát triển vì tất cả cuộc sống là một ơn gọi » (49) và sự phát triển phải « thăng tiến mọi người và toàn thể con người » (50).
Sự phát triển con người toàn diện chắc chắn xem xét chiều kích kinh tế, nhưng cả sự hòa nhập xã hội, đời sống gia đình và tình cảm, đời sống tính dục, sức khỏe và ăn uống lành mạnh, đời sống văn hóa, giáo dục và đạo tạo, tiếp cận chính trị và các thể chế, đời sống hiệp hội, tiếp cận thông tin và khả phổ biến nó, đời sống tôn giáo và thiêng liêng. Đó là ý nghĩa của « toàn thể con người » : một cái nhìn toàn diện về con người và sự phát triển của nó. Tất cả mọi thứ đều được liên kết ! « Cuốn sách của tự nhiên là duy nhất và không thể chia cắt, cho dù đó là môi trường cũng như sự sống, tính dục, hôn nhân, gia đình, các mối quan hệ xã hội, nói tóm lại là sự phát triển con người toàn diện » (51).
Và nó không chỉ là một phương pháp, đó còn là một mục đích. Quả thế, Đức Phaolô VI mong muốn mỗi người có thể « lớn lên trong nhân tính » (52) và đạt đến « một sự triển nở mới mẻ, một nền nhân bản siêu việt, vốn mang lại cho nó sự viên mãn lớn lao nhất : đó là mục đích tối cao của sự phát triển nhân vị » (53). Ngài biến nó thành một vấn đề « ơn gọi » nhất quán. Chúng ta dám nói : ơn gọi nên thánh. Thực sự, sự phát triển con người toàn diện không phải là một cuộc sống được đánh giá bằng thước đo kinh tế, sức mua, năng suất, khả năng hiển thị xã hội trực tuyến (tôi trích dẫn rõ ràng những tiêu chí đang thịnh hành này và dường như đã đạt được tầm quan trọng quá lớn). Ngay cả Liên hiệp quốc cuối cùng đã công nhận (hoặc cảm thấy nhu cầu công nhận !) rằng tổng sản phẩm nội địa không cho phép « đo lường hạnh phúc và phúc lợi của người dân » (54).
Việc thăng tiến « mọi người » nhắc nhớ rằng « mỗi người là thành viên của xã hội : họ thuộc về toàn thể nhân loại. Đó không chỉ là người này hay người kia, nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi đến sự phát triển toàn diện này » (55). Nó hệ tại quan tâm đến toàn thể gia đình nhân loại, do đó toàn bộ thế hệ của chúng ta cũng như chiều kích liên thế hệ. Công ích của gia đình nhân loại là « toàn bộ những điều kiện xã hội này vốn cho phép, các nhóm cũng như từng thành viên của họ, đạt đến sự hoàn thiện của mình một cách toàn diện và dễ dàng hơn (…). Một xã hội mà, ở mọi cấp độ, thực sự mong muốn tiếp tục phục vụ con người, là một xã hội đặt công ích làm mục tiêu ưu tiên của mình, trong chừng mực đó là một thiện ích thuộc về tất cả mọi người và toàn thể con người » (56).
Công ích không phải là lý do của một nhà nước, cũng không phải là ý muốn của đa số, cũng không phải là tổng số vị tất các lợi ích cá nhân ; đó là một hành trình tập thể và là một mục đích của toàn thể xã hội (« các nhóm » được nói đến ở đây đưa chúng ta về nguyên tắc bổ trợ), chưa bao giờ thực sự đạt được. « Tất cả các cá nhân và tất cả các cơ quan trung gian buộc phải đóng góp, mỗi người trong phạm vi của mình, vào lợi ích của toàn bộ. (…) Vì chức năng của chính phủ chỉ có ý nghĩa nhằm đến công ích, nên các quy định mà những người nắm giữ nó đưa ra phải vừa tôn trọng bản chất thực sự của lợi ích này vừa phải tính đến tình hình hiện tại » (57).
« Toàn bộ » các điều kiện này phản ảnh chiều kích « toàn diện » của sự phát triển con người, và cũng được tìm thấy trong kiểu nói « toàn diện » nơi chương 4 của Thông điệp Laudato si’ dành cho hệ sinh thái toàn diện. Trong đó, Đức Thánh Cha Phanxicô duyệt xét hệ sinh thái xã hội, hệ sinh thái kinh tế, hệ sinh thái môi trường, sức khỏe tốt của các thể chế, hệ sinh thái văn hóa, hệ sinh thái đời sống hằng ngày, hệ sinh thái nhân bản. Đó là một mô hình để phân tích và hành động.
Chắc chắn, việc phát triển con người toàn diện xứng đáng được « sự quan tâm của thế giới » và là một vấn đề « thực sự quá quan trọng không được thất bại » » (58). Trở thành một dân tộc « đòi hỏi một quá trình liên lỉ trong đó mỗi thế hệ mới đều thấy mình được dấn thân. Đó là một công việc chậm rãi và gian khổ, đòi hỏi phải để cho mình được hội nhập, và học cách làm điều đó đến mức phát triển một nền văn hóa gặp gỡ trong sự hài hòa nhiều mặt » (59). Điều đó cũng đòi hỏi ý thức rằng « thời gian lớn hơn không gian. Nguyên tắc này cho phép làm việc dài hạn, mà không bị ám ảnh bởi kết quả ngay lập tức. Nó giúp kiên nhẫn chịu đựng những hoàn cảnh khó khăn và trái nghịch, hay những thay đổi kế hoạch do sự năng động của thực tế bó buộc. Nó là một lời mời gọi đảm nhận sự căng thẳng giữa sự tròn đầy và giới hạn, bằng cách dành ưu tiên cho thời gian. Một trong những tội lỗi đôi khi xảy ra trong hoạt động chính trị xã hội là dành ưu tiên cho các không gian quyền lực hơn là thời gian của các tiến trình. Ưu tiên không gian dẫn đến phát điên lên để giải quyết mọi thứ trong thời điểm hiện tại, để cố gắng chiếm hữu mọi không gian quyền lực và sự tự khẳng định. Đó là kết tinh các tiến trình và có tham vọng giam giữ chúng. Dành ưu tiên cho thời gian là quan tâm khởi xướng các tiến trình hơn là chiếm hữu các không gian. (…). Nó hệ tại ưu tiên các hành động tạo ra những năng động mới trong xã hội và bao hàm những người và các nhóm khác vốn sẽ phát triển chúng, cho đến khi chúng sinh hoa kết quả trong những sự kiện lịch sử quan trọng. Không lo lắng, nhưng với niềm xác tín rõ ràng và sự kiên trì » (60).
Đức tin và sự phát triển
Thông điệp Laudato si’ đề nghị thánh Phanxicô Assidi như một mẫu gương vì ngài « đã sống cách giản dị và hòa hợp tuyệt vời với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên và với chính mình » (61). Giáo hội dạy rằng tội lỗi là một yếu tố phá hoại, xâu xé, vốn sinh ra bốn sự đoạn tuyệt : của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với anh chị em của mình, với toàn thể công trình tạo dựng. Và Giáo hội đóng góp vào việc chữa lành các mối quan hệ, vào việc hòa giải (62). Trong buổi hội thảo này, chúng ta bắt đầu từ những gì rõ ràng nhất, tức là hoàn cảnh của hành tinh và mối quan tâm đối với môi trường mà chúng ta đã đương đầu dưới ánh sáng của nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải. Ban đầu, đó là vấn đề phân định « mối tương quan lành mạnh nào mà chúng ta được mời gọi thiết lập với thiên nhiên xung quanh chúng ta. Điều đó đặt ra câu hỏi về mối tương quan đúng đắn cần phải thiết lập với người khác đang sống như chúng ta hay sẽ sống trong ngôi nhà chung. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tự vấn về chính mình, cơ thể của chúng ta và ý nghĩa của nó, về ý nghĩa của cuộc sống chúng ta. Cuối cùng, điều đó đưa đến suy nghĩ về mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một « hành trình hòa giải » đang hình thành : bắt đầu từ những gì rõ ràng nhất (khủng hoảng xã hội, sinh thái, kinh tế và thể chế) để hướng tới những gì sâu kín nhất » (63). Bắt đầu từ nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải để hướng tới các nguyên tắc liên đới, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, nhân phẩm, phát triển con người toàn diện….
Chúng ta cũng có thể thực hiện hành trình này theo một hướng khác, vì « việc chấp nhận lời loan báo đầu tiên, vốn mời gọi hãy để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và yêu mến Ngài bằng tình yêu mà chính Ngài thông ban cho chúng ta, khơi dậy trong đời sống của con người và nơi các hành động của họ một phản ứng đầu tiên và cơ bản : mong ước, tìm kiếm và quan tâm đến thiện ích của người khác » (64). « Vì Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, vì thế chắc chắn nảy sinh từ một bản chất như thế lòng bác ái hiệu quả đối với người lân cận, lòng trắc ẩn hiểu biết, trợ giúp và thăng tiến » (65).
« Tình yêu người lân cận (…) hệ tại ở sự kiện là tôi cũng yêu thương, trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, người mà tôi không đánh giá cao hay thậm chí tôi không biết. Điều đó chỉ có thể được thực hiện từ cuộc gặp gỡ mật thiết với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ đã trở thành sự hiệp thông của ý chí để đi đến chỗ chạm đến tình cảm. (…) Tình yêu – đức ái – sẽ luôn luôn cần thiết, ngay cả trong xã hội công bằng nhất. Không có trật tự công bằng nào của Nhà nước có thể làm cho việc phục vụ của tình yêu trở nên dư thừa. Ai muốn thoát khỏi tình yêu cũng đang chuẩn bị thoát khỏi con người với tư cách là con người. Sẽ luôn có đau khổ đòi hỏi sự an ủi và giúp đỡ. Sẽ luôn có sự cô đơn. Cũng thế, sẽ luôn có các hoàn cảnh nghèo túng vật chất, mà sự giúp đỡ là không thể thiếu, theo nghĩa một tình yêu cụ thể dành cho người lân cận của mình » (66).
Đối thoại tôn trọng và hợp tác giữa các tôn giáo có thể mang lại nhiều kết quả trong vấn đề này.
Các giá trị tôn giáo đích thực mang lại động lực để hoán cải, dấn thân và kiên trì phục vụ công ích, phục vụ anh chị em, ngay cả bảo vệ thiên nhiên. Đó là sự nhất quán cần có đối với các tín hữu : « Sự hiệp nhất nội tâm về tư tưởng và khuynh hướng của họ, để mọi hoạt động của họ được soi sáng bởi ánh sáng của đức tin và sự năng động của tình yêu » (67).
Do đó, « không ai có thể đòi hỏi chúng ta đặt tôn giáo vào chỗ kín đáo riêng tư của con người, không có ảnh hưởng nào đến đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm đến sức khỏe của các thể chế của xã hội dân sự, không lên tiếng về các biến cố mà các công dân quan tâm » (68). « Nếu chúng ta tính đến sự phức tạp của cuộc khủng hoảng sinh thái và nhiều nguyên nhân của nó, thì chúng ta phải công nhận rằng các giải pháp không thể đến từ một cách duy nhất để giải thích và biến đổi thực tại. Cũng cần phải dựa vào sự phong phú văn hóa đa dạng của các dân tộc, vào nghệ thuật và thơ ca, đời sống nội tâm và linh đạo. Nếu chúng ta thực sự tìm cách xây dựng một hệ sinh thái cho phép chúng ta khôi phục lại tất cả những gì chúng ta đã phá hủy, thì lúc đó không có ngành khoa học nào và không có hình thức khôn ngoan nào có thể bị gạt sang một bên, kể cả sự khôn ngoan tôn giáo, với ngôn ngữ riêng của nó » (69).
Hòa bình và phát triển
Hiểu biết, thúc đẩy và giảng dạy nhân phẩm với các hàm ý của nó, tìm kiếm sự phát triển con người toàn diện và hướng tới công ích của gia đình nhân loại bằng cách không ngừng tìm cách nhận ra toàn bộ các điều kiện của nó là một con đường hướng tới hòa bình. Hòa bình và phát triển liên kết mật thiết với nhau.
Thánh Phaolô VI giải thích rằng « sự tham gia hữu hiệu với nhau, với phẩm giá bình đẳng, để xây dựng một thế giới nhân bản hơn (…) chắc chắn sẽ không diễn ra nếu không có nỗ lực phối hợp, liên lỉ và can đảm. Nhưng mỗi người hãy tin chắc rằng : đấy là vấn đề sống còn của các dân tộc nghèo, của hòa bình dân sự nơi các nước đang phát triển, và của hòa bình trên thế giới » (70). Ngài sẽ đi đến chỗ thốt lên « phát triển là tên gọi mới của hòa bình » (71) ! Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục đường hướng : « Hòa bình cho mọi người nảy sinh từ công lý của mỗi người » (72). « Hòa bình là điều kiện của sự phát triển », thánh Gioan-Phaolô II nói thêm, đồng thời nêu rõ rằng « một nền hòa bình đích thực chỉ khả thi nhờ sự tha thứ » vì việc khước từ sự tha thứ, « đặc biệt nếu nó duy trì theo đuổi các cuộc xung đột, sẽ có những hậu quả khôn lường đối với sự phát triển của các dân tộc. Các nguồn lực được dùng để hỗ trợ việc chạy đua vũ trang, chi tiêu cho chiến tranh, hay đối diện với những hậu quả của sự trả đũa kinh tế » (73). Và ngài chỉ rõ : « Việc tuyển dụng những kẻ khủng bố sẽ (…) dễ dàng hơn trong các bối cảnh xã hội nơi các quyền bị chà đạp và những bất công được dung thứ quá lâu » (74).
Lời mở đầu của Hiến pháp của UNESCO nêu rõ rằng « chính trong tâm trí của con người mà các cuộc bảo vệ hòa bình phải được nuôi dưỡng ». Các cuộc bảo vệ như thế phải được định hướng xung quanh một tầm nhìn – một tầm nhìn lành mạnh về nhân vị được tạo dựng để sống thành cộng đồng và về nhân phẩm bất khả tước bỏ từ đó các quyền và nghĩa vụ phát sinh ; một tầm nhìn đúng đắn và có trách nhiệm về hành tinh mà tất cả chúng ta đang sống, ngôi nhà chung này. Những cuộc bảo vệ này cũng phải biến thành những thói quen và hành xử, đặc biệt là một « nền văn hóa gặp gỡ và tương quan » (75), một khả năng lắng nghe, đối thoại, một ý thức về sự kiện rằng « thời gian lớn hơn không gian », như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở. Do đó, cần phải thúc đẩy sự thống nhất với nhau, cung cấp cho mình những phương tiện lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của mọi người và của các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề hơn, và « khởi xướng các tiến trình hơn là chiếm hữu các không gian » (76) quyền lực hay khả năng hiển thị hời hợt. « Tư tưởng, lời nói và các cử chỉ hòa bình tạo nên một não trạng và một nền văn hóa hòa bình, một bầu khí tôn trọng, trung thực và thân ái. Như thế, phải dạy cho con người yêu thương nhau và giáo dục bản thân về hòa bình, và sống cách nhân từ, hơn là chỉ bao dung mà thôi » (77).
Một nền văn hóa tôn trọng và thân ái như thế và sự quan tâm liên tục đối với « những cử chỉ lịch sử chân thành nhỏ bé [vốn] giúp xây dựng một nền văn hóa sống chung và tôn trọng đối với những gì xung quanh chúng ta » (78) là một kho báu không thể phủ nhận mà các bậc cha mẹ có thể truyền lại cho con cái của mình ; vai trò này của các gia đình phải được hỗ trợ bởi nhà trường, các phong trào hiệp hội như hướng đạo, và các cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, các Nhà nước cũng cần cam kết với quyết tâm thúc đẩy nền văn hóa này thông qua các chính sách và các cơ quan hành chính của mình : trong các mối quan hệ song phương và đa phương của mình, trước các hiện tượng di cư, trong trường hợp cùng chung sống khó khăn giữa các cộng đồng khác nhau, khi các rạn nứt đòi hỏi một thời gian hòa giải.
« Đó là một nhiệm vụ lâu dài, bởi vì nó đòi hỏi một sự tiến triển tinh thần, một nền giáo dục về các giá trị cao nhất, một tầm nhìn mới mẻ về lịch sử con người. Nên từ bỏ nền hòa bình giả tạo được hứa hẹn bởi các thần tượng của thế giới này và những nguy hiểm đi kèm với nó, từ bỏ nền hòa bình giả tạo này vốn làm cho các lương tâm ngày càng trở nên vô cảm hơn, dẫn đến sự khép kín nơi chính mình, đến một cuộc sống yếu đi được sống trong sự thờ ơ. Trái lại, nền sư phạm hòa bình bao hàm hành động, lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng dũng cảm và sự kiên trì » tha thứ. Điều đó cho phép chúng ta cảm thấy trước những khó chịu và đau khổ, ngăn chặn khủng hoảng, tạo điều kiện thuận lợi cho viẹc trung gian và hòa giải, « tạo nên những mối liên hệ thuộc về và chung sống » (79).
Kết luận
Cuộc hội thảo này dựa trên tư tưởng xã hội của Giáo hội mà, như tôi đã nói trong phần dẫn nhập, bao gồm các nguyên tắc mà nhân chủng học và sự khôn ngoan sẽ cho phép nhiều người, nếu không muốn nói là mọi người, đạt tới, chia sẻ, áp dụng. Tuy nhiên, để kết thúc, chúng tôi có thể nhường lời cho thần học. Nếu quý vị cho phép tôi tóm tắt đại khái mục đích của thần học là « tìm hiểu Thiên Chúa là ai và Người muốn gì nơi chúng ta », thì có lẽ tôi có thể dám liệt kê ba châm ngôn sau đây :
Bạn đã được tạo dụng bởi tình yêu.
Bạn là một hữu thể có hạn và bạn sẽ chết.
Bạn sẽ bị phán xét.
————————————————————–
(1) Tông huấn Evangelii gaudium 177 (EG 177)
(2) Hội đồng giáo hoàng « Công lý và Hòa bình », Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, Cité du Vatican 2004, § 10.
(3) Evangelii gaudium, § 184. (EG 184)
(4) Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội § 8.
(5) Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội § 10.
(6) Tìm kiếm một nền đạo đức phổ quát. Cái nhìn mới về luật tự nhiên, 2009, § 36.
(7) Phaolô VI, tông thư Octogesima adveniens § 21. (OA 21)
(8) Ủy ban giáo hoàng « Công lý và Hòa bình », Mục đích phổ quát của của cải tại Hội nghị luật biển, 1979.
(9) Hội đồng giáo hoàng « Công lý và Hòa bình », Để phân phối đất đai tốt hơn. Thách thức của cải cách ruộng đất, 1998.
(10) Phanxicô, Laudato si’ § 140.(LS 140)
(11) Thông điệp Sollicitudo rei socialis § 42 (SRS 42).
(12) Sollicitudo rei socialis § 42. (SRS 42)
(13) Cf. UNDP, What does it means to leave no one behind? Discussion paper, juillet 2018.
(14) Tông thư Octogesima adveniens § 16.(OA 16)
(15) Phanxicô, Sứ điệp cho Hội nghị « Quản trị một công ích : tiếp cận nước uống cho tất cả mọi người » diễn ra tại Đại học Urbaniana, ngày 8/11/2018.
(16) Phanxicô, Diễn văn tại Hội ngộ thế giới các phong trào bình dân, diễn ra ở Vatican ngày 28/10/2014.
(17) Phanxicô, Diễn văn tại Hội ngộ thế giới các phong trào bình dân, diễn ra ở Vatican ngày 28/10/2014.
(18) Thông điệp Populorum progressio § 43.(PP 43)
(19) Populorum progressio § 44. (PP 44)
(20) Sollicitudo rei socialis § 9.(SRS 9)
(21) Xem Tin Mừng theo thánh Luca 16, 19-31.
(22) Hội đồng giáo hoàng « Công lý và Hòa bình », Năng lượng, Công lý và Hòa bình, LEV 2014, tr. 121 và 122.
(25) Thông điệp Caritas in veritate § 47. (CV 47)
(26) Hiến chế Gaudium et spes § 69.
(27) Thông điệp Laudato si’ § 146.(LS 146)
(28) Caritas in veritate § 41.(CV 41)
(29) Laudato si’ § 142.(LS 142)
(30) Thông điệp Pacem in terris § 135.(PT 135)
(31) Ủy ban kinh tế Liên hiệp quốc về châu Âu (UNECE) – Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ nước quốc tế, Hướng dẫn áp dụng Công ước về nước, 2016, p. 5.
(32) Pacem in terris § 137. (PT 137)
(33) Pacem in terris § 144, 145. (PT 144)
(34) Caritas in veritate § 67.(CV 67)
(35) Irina Bokova, Sứ điệp nhân Ngày Nhân Quyền, 10/12/2010.
(36) Pacem in terris § 10.(PT 10)
(37) Jean-Paul II, Diễn văn cho Ngoại giao đoàn, 3/5/1989, § 5.
(40) Bênêđíctô XVI , thông điệp Spe salvi § 22.
(41) Xem Pacem in terris § 9-38 (PT 9) ; Tóm Lược § 152-157.
(42) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus § 22. (CA 22)
(43) Xem Laudato si’ § 160.(LS 160)
(44) Gaudium et spes § 11, 57, 63.
(45) Xem Tin Mừng theo thánh Gioan 10, 10.
(46) Thông điệp Evangelium vitae § 2.
(48) Tông huấn Evangelii gaudium § 10.(EG 10)
(49) Thông điệp Populorum progressio § 15.(PP 15)
(50) Populorum progressio § 14.(PP 14)
(51) Caritas in veritate § 51.(CV 51)
(52) Populorum progressio § 15.(PP 15)
(53) Populorum progressio § 16.(PP 16)
(54) Xem Nghị quyết A/RES/65/309 của Đại hội đồng, 2011.
(55) Populorum progressio § 17. (PP 17)
(57) Pacem in terris § 53, 54.(PT 53)
(58) Bênêđíctô XVI, Diễn văn tại hội ngộ ở Westminster Hall, 17/9/ 2010.
(59) Evangelii gaudium § 220.(EG 220)
(60) Evangelii gaudium § 222-223. (EG 222)
(61) Laudato si’ § 10.(LS 10)
(62) Xem Gioan-Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia § 4, 26.
(63) Tebaldo Vinciguerra, Baptisés : quelles motivations pour prendre soin de la création, dans ‘Diaconat Aujourd’hui’, n°202, octobre 2019, p. 12.
(64) Evangelii gaudium § 178.(EG 178)
(65) Evangelii gaudium § 179.(EG 179)
(66) Bênêđíctô XVI, thông điệp Deus caritas est § 18 và 28.
(67) Pacem in terris § 152; (PT 152) xem Deus caritas est § 19-34.
(68) Evangelii gaudium § 183 (EG 183)
(69) Laudato si’ § 63. (LS 63)
(70) Populorum progressio § 55.(PP 55)
(71) Populorum progressio § 87 (PP 87)
(72) Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 2012 § 5.
(73) Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 2002 § 9.
(74) Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 2002 § 5.
(75) Phanxicô, Diễn văn tại cuộc hội ngộ với giai cấp lãnh đạo của Braxin, Rio de Janeiro, 27/7/2013, § 1.
(76) Tông huấn Evangelii gaudium § 223.(EG 223)
(77) Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 2013, § 7.
(78) Laudato si’ § 213 (LS 213)
(79) Laudato si’ § 149 (LS 149).
————————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
Nguồn: Xuân Bích Việt Nam – 31/08/2023
Nguồn : bài thuyết trình này được đăng trên hai trang : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/la-doctrine-sociale-en-debat/409-actualite-des-principes-fondamentaux-de-la-doctrine-sociale-de-l-eglise-catholique của CERAS, và trên https://www.humandevelopment.va/content/dam/sviluppoumano/eventi/2019-eventi/costa-d%27avorio-2019/Costad%27Avorio19_%20Vinciguerra_FRA.pdf của Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện. Tác giả bài thuyết trình là tiến sĩ Tebaldo Vinciguerra, viên chức của Bộ này.