Vấn Đề Hôn Nhân Đồng Tính Và Ly Dị Tái Hôn Theo Amoris Laetitia
(gpquinhon.org)
VẤN ĐỀ HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH
VÀ LY DỊ TÁI HÔN
THEO AMORIS LAETITIA
Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
(Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2016)
DẪN NHẬP
Có thể nói vấn đề người công giáo ly dị tái hôn và hôn nhân đồng tính luôn được Giáo Hội lưu ý vì nó liên quan đến định chế hôn nhân Kitô giáo và tầm ảnh hưởng sâu xa đến đời sống Kitô hữu. Vấn đề giới tính, cách riêng là về người đồng tính và hôn nhân đồng tính, được xã hội và cả Giáo Hội đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề phức tạp và là một sự thách đố đối với định chế hôn nhân gia đình truyền thống[1]. Bên cạnh đó gần đây cũng nổi cộm trở lại vấn đề từng được bàn luận sôi nổi, đó là việc người công giáo ly dị và tái hôn dân sự với những hệ luận của nó, chẳng hạn như việc xưng tội rước lễ hay việc tham gia vào đời sống cộng đoàn.
Trong thời gian trước và đang khi diễn ra thượng hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình (4-25 tháng 10 năm 2015) có đã nhiều luồng ý kiến, có khi trái chiều, liên quan đến quan niệm và giải pháp cho vấn đề người công giáo ly dị tái hôn và hôn nhân đồng tính.
Vấn đề hôn nhân đồng tính và người ly dị tái hôn vừa có tính thời sự nóng bỏng, vừa là vấn đề phức tạp đã được nhiều văn kiện của Giáo Hội hay nhiều tác giả đề cập và người ta mong đợi tông huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục nói trên sẽ có hướng giải quyết thích hợp. Dựa theo một số văn kiện của Giáo Hội và đặc biệt tông huấn Amoris Laetitia, chúng ta sẽ trình bày vấn đề nói trên nhưng thiên về giáo luật và mục vụ nhiều hơn là về khía cạnh nhân bản, đạo lý, thần học hay luân lý.
I. ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH
Những năm gần đây xã hội và Giáo Hội nói khá nhiều về người đồng tính và hôn nhân đồng tính[2]. Giáo Hội tại Việt Nam cũng quan tâm rất nhiều về việc này[3]. Người mục tử cần nhìn vấn đề theo quan niệm của Giáo Hội và thực hiện những chỉ dẫn cần thiết mà Giáo Hội đưa ra sao cho phù hợp với thực tế với những con người và hoàn cảnh cụ thể.
1. Đồng tính luyến ái
Đồng tính luyến ái là gì? Có một sự phân biệt giới tính về phương diện y khoa. Mỗi người đều có căn tính tính dục (sexual identity), trong đó có phân biệt khuynh hướng tính dục (sexual orientation) của con người nhằm cho biết giới tính sinh học mà người đó bị hấp dẫn. Người ta có thể phân biệt: khác phái tính luyến ái (heterosexual), hay luyến ái cả hai phái (bisexual) và đồng tính luyến ái (homosexual) tức là bị hấp dẫn thể lý bởi người cùng phái tính[4].
Hạn từ đồng tính luyến ái có nhiều nghĩa khác nhau[5]. Theo Giáo lý Hội Thánh công giáo «đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hoặc những người nữ với nhau: họ cảm thấy sức quyến rủ về tính dục một cách mạnh hơn hẳn, hoặc một cách độc chiếm đối với những người cùng giới tính»[6].
Nguyên nhân dẫn đến đồng tính luyến ái rất phức tạp, chẳng hạn như có thể do tâm lý, do giáo dục, do rối loạn tâm thần, do thói quen, do gương xấu, hoặc những nguyên nhân tương tự nào khác và trong số đó không phải là không thể chữa lành[7]… Hiện nay hai nguyên nhân gây ra tính dục đồng tính được giới khoa học trên thế giới chấp nhận: nguyên nhân thứ nhất là do sự lựa chọn ở tuổi vị thành niên, chẳng hạn do thói tự yêu thái quá dễ dẫn đến hứng thú tính dục đồng tính; nguyên nhân thứ hai là do những thay đổi khó nhận biết ở các gene, ở sự tương tác các gene và bộ phận cảm thụ hoóc-môn của các trung tâm thần kinh[8].
Cũng từ những nguyên nhân nói trên mà có những tranh luận để bênh vực hay chống đối giữa các cá nhân hay các tổ chức đối với hành vi đồng tính, hôn nhân đồng tính. Thiết nghĩ chúng ta cần có một sự hiểu biết nhất định nào đó về tâm sinh lý và luật tự nhiên liên quan đến người đồng tính, hành vi đồng tính[9].
2. Hôn nhân đồng tính
Hiện nay ước lượng con số người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam khoảng 1,6 triệu người và pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận tính pháp lý của hôn nhân đồng tính[10]. Thực tế hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã công nhận tính pháp lý của hôn nhân đồng tính (same sex marriage, marriage for same-sex partners, homosexual unions). Điều này hiện cũng gây ra một áp lực không nhỏ đối với Nhà Nước Việt Nam để xem xét tính pháp lý của hôn nhân đồng tính khi mà ngày càng có những đám cưới của cặp đôi đồng tính diễn ra[11].
Đối với hôn nhân đồng tính, có hai nhóm đối lập nhau một bên ủng hộ và một bên chống lại với những lập luận cơ bản sau đây[12].
Nhóm ủng hộ hôn nhân đồng tính thì cho rằng: Người đồng tính cũng như bao nhiêu người khác vì họ cũng quân bình nhân cách, tâm thần trí tuệ, năng lực, do đó họ cũng có những nhu cầu:
– Được tự do thể hiện mình kể cả về xu hướng giới tính,
– Cần được đối xử bình đẳng,
– Cần được luật pháp bảo vệ,
– Có quyền nhận nuôi con nuôi bình thường.
Trong khi nhóm chống lại hôn nhân đồng tính thì cho rằng:
– Định chế hôn nhân giữa người nam và người nữ, ngoài lợi ích hai người còn có lợi ích của trẻ em và lợi ích cộng đồng,
– Hôn nhân đồng tính làm mất đi một trong những mục đích của nó là truyền sinh và hơn nữa trẻ em cần có cha có mẹ, hôn nhân đồng tính làm trẻ em bị loại ra khỏi gia đình,
– Hôn nhân đồng tính có lẽ chỉ nhằm tới lợi ích của hai người,
– Sẽ có nhiều con ngoài giá thú của cặp đôi đồng tính và chúng có thể bị thiếu quân bình, dễ bị tổn thương, gặp vấn đề về tâm lý…
Về mặt xã hội, kể cả tại Việt Nam, cuộc tranh luận về tính pháp lý của hôn nhân đồng tính vẫn còn tiếp tục. Như nhiều nước trên thế giới đã làm và đang làm, thường có một lộ trình nào đó để đi đến việc thừa nhận hôn nhân đồng tính: lúc đầu là nhìn nhận quyền của người đồng tính, tiếp đó là việc chung sống như vợ chồng của người đồng tính, rồi mới quy định về việc thừa nhận ‘hôn nhân đồng tính’. Đứng trước những lộ trình có tính “tiệm cận” và “êm dịu” này mà Giáo Hội đã lên tiếng cảnh giác và nói rõ quan điểm của mình về liên quan đến vấn đề đồng tính luyến ái.
3. Giáo huấn của Giáo Hội
Quan điểm của Giáo Hội về vấn đề người đồng tính, hành vi đồng tính cũng như hôn nhân đồng tính thật rõ ràng và dứt khoát, thể hiện qua nhiều văn kiện khác nhau, mà mới nhất là tông huấn Amoris Laetitia (2016).
Ngoài những ý kiến và lý lẽ phản đối hay ủng hộ hành vi đồng tính và hôn nhân đồng tính đã nói trên đây, chúng ta cũng thấy một số quan điểm khác ủng hộ hôn nhân đồng tính kể cả của những người trong Giáo Hội. Ngoài những điểm nói trên, một số ý kiến chính ủng hộ hôn nhân đồng tính như sau[13]:
– Tình trạng đồng tính là bình thường, thậm chí là tốt, ít nhất là vô hại hoàn toàn, nếu không phải là một việc tốt hoàn toàn. Do đó cần chấp nhận các hành vi đồng tính luyến ái về mặt luân lý.
– Kinh Thánh không nói gì về đồng tính luyến ái, hoặc ngầm chấp nhận, hay tất cả các huấn giáo luân lý của Kinh Thánh đều quá gắn liền với văn hóa thời đó đến nỗi chúng không còn có thể áp dụng cho thời nay.
– Tình trạng đồng tính không phải là bị rối loạn và do đó không nên chấp nhất hành vi đồng tính. Theo đó, cần thiết lập luật pháp để bảo vệ hành vi đó, tức là luật pháp cần thừa nhận về mặt pháp lý hành vi đồng tính và hôn nhân đồng tính.
– Các chỉ trích hay sự dè dặt về người đồng tính, về hoạt động và lối sống của họ, đều là sự phân biệt đối xử bất công đối với họ.
– Khuynh hướng đồng tính trong một số trường hợp không phải là do chọn lựa hữu ý; vì không có chọn lựa nào khác hơn là hành xử theo cách đồng tính nên người đồng tính thiếu tự do, vì vậy khi dấn thân vào hoạt động đồng tính, họ sẽ không có tội.
Trước những ý kiến nói trên, Tòa Thánh đã lưu ý và phân tích sự sai lạc các quan điểm hay ý kiến đó đồng thời nêu lên quan điểm dứt khoát của mình qua nhiều cách và nhiều văn kiện khác nhau[14].
Trong “Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục”, Bộ Giáo lý Đức tin đã lưu ý phân biệt giữa tình trạng hay khuynh hướng đồng tính và các hành vi đồng tính cá nhân. Các hành vi này được mô tả là đã làm mất đi mục tiêu chính yếu và cần thiết, như là “rối loạn tự nội tại”, và không trường hợp nào có thể được chấp nhận[15].
Liên quan đến việc giải thích Thánh Kinh về đồng tính luyến ái, Giáo Hội khẳng định rằng, giáo thuyết Giáo Hội về vấn đề này không phải dựa trên vài câu rời rạc nhưng trên nền tảng vững chắc của bằng chứng Kinh Thánh hằng định và hòa hợp với truyền thống của cộng đoàn đức tin. Thật vậy, đối với vấn đề đồng tính, «căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn”. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào»[16].
Về vấn đề hôn nhân, theo Giáo Hội, «giao ước hôn nhân, nhờ đó một người nam và một người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời, tự bản chất nó hướng tới lợi ích của những người phối ngẫu cũng như hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Giao ước này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích giữa những người đã lãnh nhận phép rửa tội»[17]. Giáo luật điều 1055§1 khẳng định rằng: «Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích».
Theo đó, khi phân tích hôn nhân đồng tính theo nhiều khía khác nhau như về lẽ phải (luật dân sự chắc chắc bị giới hạn hơn nhiều so với luật luân lý, và không chấp nhận luật dân sự đi ngược luật luân lý), về mặt sinh học và nhân học, về mặt xã hội và về mặt pháp lý, và dù rất tôn trọng người đồng tính, thì Giáo Hội thấy rằng cũng không thể thừa nhận hành vi đồng tính là đúng đắn hay công nhận tính pháp lý của hôn nhân đồng tính hoặc đặt chúng trên cùng một bình diện như hôn nhân truyền thống bình thường[18].
Trong kỳ họp thượng hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình (4-25.10.2015) đã có một số ý kiến quá nhấn mạnh đến sự cảm thông, gần gũi với người đồng tính đến mức làm người ta nghĩ rằng cần phải chấp nhận như vậy. Tuy nhiên phần lớn ý kiến còn lại rất rõ ràng và dứt khoát rằng: dù cần phải thương yêu và kính trọng người đồng tính, nhưng việc sống chung của những người đồng tính thì xa lạ với hôn nhân Kitô giáo[19]. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định «không có bất cứ căn bản nào để so sánh hay thiết lập một loại suy nào, dù là xa xôi, giữa các cuộc kết hợp đồng tính và kế hoạch mà Thiên Chúa vốn dành cho hôn nhân và gia đình»[20].
Do vậy “hôn nhân đồng tính” giữa người nam với nhau (đồng giới nam, gay) hay giữa người nữ với nhau (les) là không thể chấp nhận vì cả hai mục đích của giao ước hôn nhân Kitô giáo nói trên sẽ không thể nào thực hiện được trong hành vi đồng tính hay hôn nhân đồng tính. «Giáo Hội, vâng phục Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập Giáo Hội và ban cho Giáo Hội đời sống bí tích, cử hành kế hoạch Thiên Chúa về sự hiệp nhất yêu thương và truyền sinh của người nam và người nữ trong bí tích hôn phối. Chỉ trong tương quan hôn nhân mà việc sử dụng năng lực tình dục có thể là tốt lành về mặt luân lý. Vì thế, một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái là hành động không hợp luân lý»[21].
4. Một số hướng dẫn mục vụ cho người đồng tính
a. Một số nguyên tắc chung
Theo một số văn kiện của Tòa Thánh, có những lưu ý mục vụ hữu ích liên quan đến người đồng tính như sau[22].
– Người mục tử có bổn phận phải cố gắng hiểu biết tình trạng đồng tính luyến ái và lưu ý rằng hành vi đồng tính chỉ nên được phê phán với sự thận trọng[23], khuyến khích mời gọi sự trợ giúp của nhiều người nhất là các nhà thần học công giáo, để góp phần việc chăm sóc mục vụ đặc biệt này.
– Phải tôn trọng người đồng tính như những người khác. Không có thể mô tả một người bằng cách quy chiếu giản lược về khuynh hướng tính dục của họ. Giáo Hội «tái xác nhận rằng mọi con người, bất chấp khuynh hướng tính dục, phải được tôn trọng trong chính phẩm giá của họ và được đối xử ân cần, trong khi ‘mọi dấu hiệu kỳ thị bất công’ phải được thận trọng xa tránh, nhất là bất cứ hình thức gây hấn hay bạo lực nào»[24].
– Các mục tử cần được thông tin một cách đúng đắn và tìm cách chuyển đạt toàn vẹn và trung thành giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề đồng tính cho mọi người. Khuyến khích người đồng tính đi đến một cuộc sống khiết tịnh và bằng sự khẳng định phẩm giá và giá trị Thiên Chúa ban cho người đó.
– Các mục tử, nhất là Giám Mục phải thận trọng một cách đặc biệt và không bao giờ cổ võ kể cả đối với những thành phần mang danh là công giáo tìm cách này hay cách khác ủng hộ hành vi và hôn nhân đồng tính.
– Tránh chương trình mục vụ trong đó hình thành tổ chức mà những người đồng tính luyến ái liên kết với nhau vì để tránh cho họ có cơ hội gần dễ phạm tội.
– Xây dựng một chương trình mục vụ toàn diện giúp đỡ người đồng tính: về các bí tích, cách riêng bí tích hòa giải, qua cầu nguyện, chứng từ, lời khuyên và chăm sóc cá nhân; đặc biệt cần ủng hộ sự chăm sóc mục vụ bao gồm cả sự trợ giúp của các khoa tâm lý, xã hội, và y khoa phù hợp hoàn toàn với giáo huấn của Giáo Hội.
– Xây dựng chương trình giáo lý thích hợp dựa trên sự thật về tính dục con người, trong tương quan với gia đình như đã được Giáo Hội giảng dạy.
– Chọn lựa với sự cẩn trọng đặc biệt các thừa tác viên phù hợp mục vụ cho người đồng tính, chẳng hạn trưởng thành trổi vượt nhân bản và thiêng liêng, trung thành với huấn quyền cách riêng về vấn đề đồng tính.
– Bổn phận của cha mẹ, những nhà giáo dục, những người làm truyền thông, những nhà nghiên cứu… đều được mời gọi cộng tác trong việc giáo dục giới tính[25], phổ biến đạo lý toàn vẹn của Giáo Hội, thận trọng và tỉnh táo ngăn ngừa những sai lạc liên quan đến người đồng tính và hôn nhân đồng tính.
b. Một vài đề nghị
Nhìn chung giáo phận Qui Nhơn chúng ta chưa có những hướng dẫn mục vụ cụ thể dành cho người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Cũng chưa có những cuộc học hỏi đào sâu giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này. Đây vấn đề vừa khó, vừa tế nhị đòi hỏi người mục tử bỏ ra nhiều công sức với sự cộng tác của nhiều người.
Thực tế, do những khó khăn về tâm lý cũng như phong hóa người Việt Nam đối với người đồng tính, nên các giáo xứ ít quan tâm và có lẽ cũng không biết con số những người hay những gia đình có các thành viên có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, gần đây với những phát triển của phương tiện truyền thông và với sự nhận thức mạnh mẽ hơn về giới tính của mình, nên họ mạnh dạn hơn trong việc biểu lộ khuynh hướng giới tính của mình và tập hợp dần dần lại với nhau thành nhóm hay thành cộng đồng.
Đứng trước thực trạng ngày càng phức tạp về người đồng tính, những người mục tử cần theo sát hướng dẫn của Giáo Hội đồng thời tìm cách thích ứng với thực tế đang diễn ra trong môi trường mình đang sống. Vài điểm cần lưu ý :
– Tôn trọng người đồng tính, tránh những cử chỉ, hành động hay lời nói vô tình gây tổn thương họ. Cần đón nhận họ với sự tôn trọng, thông cảm và hết sức tế nhị, chẳng hạn tránh nhìn họ bằng ánh mắt tò mò, soi mói, nên xưng hô với họ một cách bình thường, không được gọi bằng những từ “đồ đồng tính”, “gay“, “les“, “dở hơi”, “nửa đực nửa cái”, “nửa nạc nửa mỡ”…
– Nhờ các hội đoàn hay cá nhân để tìm hiểu, tế nhị tiếp cận những người đồng tính để có thể giúp đỡ họ một cách thiết thực về đời sống đạo đức và những phương diện khác.
– Trong chương trình giáo lý giáo phận, nên dành một phần nói về đạo lý của Giáo Hội đối với vấn đề đồng tính nói riêng, và đạo đức tính dục nói chung.
– Xem xét nghiêm túc thực trạng vấn đề người đồng tính và đời sống tu trì. Đây cũng là vấn đề nhức nhối và hết sức tế nhị trong đời sống chung nơi các cộng đoàn tu trì. Người đồng tính một khi đã trở nên thành viên chính thức của một Hội dòng hay đã có chức thánh thì càng phức tạp và có ảnh hưởng tiêu cực. Tòa Thánh đã nói rõ không nhận vào chủng viện hay vào dòng tu các ứng sinh thực hành hành vi đồng tính, có khuynh hướng đồng tính vững bền hay ủng hộ “văn hóa đồng tính” (gay culture)[26]. Về vấn đề này, các cha xứ nên tìm hiểu kỹ trước khi giới thiệu ứng sinh trong giáo xứ của mình cho chủng viện và dòng tu. Trong Qui luật chủng viện thánh Giuse Qui Nhơn, điều 68, số 11 và 12, ghi rõ cần phải nghiêm trị những chủng sinh nào «thư từ với nhau hay tỏ dấu nghĩa riêng cách nào và ngồi hoặc nằm chung một giường», hơn nữa, những chủng sinh này có thể bị sa thải (điều 70, 20 và 40).
II. VẤN ĐỀ LY DỊ TÁI HÔN
1. Thực trạng của vấn đề người công giáo ly dị và tái hôn
Những năm gần đây Giáo Hội rất lo lắng vì ngày càng có nhiều tín hữu ra tòa đời ly dị và sau đó tiến hành một nhân khác. Thât vậy, «ly dị là một sự xấu và con số càng ngày càng tăng các vụ ly dị là điều gây nhiều bối rối. Do đó, trọng trách mục vụ hàng đầu của ta đối với các gia đình là củng cố tình yêu của họ, giúp hàn gắn các vết thương và cố gắng ngăn ngừa việc lan tràn thứ bi kịch của thời ta này»[27].
Tuy có điểm chung là ly dị tái hôn, nhưng mỗi người có thể có những hoàn cảnh khác nhau và chúng ta cần có sự phân định để có những cách thích hợp giúp đỡ họ. Trường hợp được bàn cãi nhiều nhất chính là phía người phối ngẫu bị bỏ rơi vô tội, họ ra tòa đời ly dị và kết hôn dân sự với người khác dù dây hôn phối trước vẫn còn hiệu lực; hôn nhân mới này kéo dài bền vững hơn hôn nhân trước và «đạt được một sự ổn định đặc thù, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một lòng âu yếm sâu đậm và có trách nhiệm đối với con cái, và chứng tỏ có khả năng vượt qua thử thách»[28]. Những người này đau khổ và khao khát được xưng tội rước lễ bình thường.
Một mặt, Giáo Hội phải bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo, mặt khác cũng muốn cảm thông và biểu lộ lòng nhân từ của Chúa đối với người ly dị tái hôn có hoàn cảnh riêng. Khi chấp nhận cho người ly dị được xưng tội rước lễ và tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn, cũng có nghĩa Giáo Hội chấp nhận tình trạng bất hợp luật của họ hay nói cách khác, tức là đi ngược lại tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo (indissolubilitas). Điều đó cũng có thể gây gương mù gương xấu bởi vì có nguy cơ coi việc ly dị tái hôn là chuyện bình thường và sẽ đưa đến hậu quả dây chuyền là dễ dàng ly dị, dễ dàng kết hôn mới dù dây hôn phối trước vẫn còn, tức là coi thường bí tích hôn nhân.
Nhiều ý kiến và giải pháp được đưa ra để giải quyết trong thời gian khá dài và xét nhiều khía cạnh khác nhau[29]. Mới đây, vấn đề này “nóng” trở lại nhất là thời gian trước và trong khi diễn ra Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình với bối cảnh của năm Lòng Thương Xót.
a. Giáo luật và việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ[30]
Theo Giáo luật, người công giáo ly dị và tái hôn có được rước lễ không? Các điều từ 912 đến 923 cho ta biết những điều kiện để người tín hữu có thể rước lễ, đặc biệt là hai điều 916 và 916.
Linh mục Patrick Travers trên tập san The Jurist số 55 (1995) giải thích rộng hai điều trên vì cho rằng rước lễ là quyền lợi của người tín hữu (đ. 912), đã đi đến kết luận rằng: theo điều 916 một tín hữu không được rước lễ, khi (1) phạm một tội nặng; (2) tiếp tục sống trong tình trạng tội nặng; và (3) một cách chủ quan ý thức rằng mình đang sống trong tình trạng tội nặng. Bởi vậy, áp dụng vào trường hợp người công giáo ly dị và tái hôn thì có trường hợp họ được rước lễ xét vì cuộc hôn nhân sau có thể là tội nặng lúc kết ước, nhưng sau đó, người công giáo đã thống hối bằng hành vi ăn năn tội cách trọn, như vậy họ không còn ở trong tình trạng tội nặng, và chứng tỏ cũng không có sự ngoan cố.
Hơn nữa, theo tác giả này, có sự khác biệt giữa giáo luật và quy định của Bộ Giáo lý Đức tin trong thư 1994 gởi các Giám Mục nói về việc cho người ly dị tái hôn rước lễ, trong đó bó buộc các mục tử phải giữ theo giáo huấn của số 84 của tông huấn Familiaris Consortio (1981). Tuy nhiên hai văn kiện này đều không giá trị bằng giáo luật (vì một chỉ là thư của cấp Bộ mà Đức Giáo Hoàng không ký nhận riêng như là của mình, còn văn kiện kia lại ban hành trước bộ giáo luật 1983), cho nên các mục tử nên theo giáo luật, nghĩa là trong một số trường hợp nào đó cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ.
Trước vấn đề này, linh mục Michael Manning có viết một bài trên tờ “Canon Law Newsletter” (1997) trong đó bác bỏ các luận chứng trên. Thật vậy, điều 916 nói đến ý thức chủ quan tội nặng của người phạm tội, còn điều 915 nói thừa tác viên cho phép người nào đó rước lễ. Ở đây, các mục tử hành xử ở tòa ngoài và do đó, tội nặng phải được hiểu là tội nặng và nghiêm trọng một cách khách quan. Điều 915 có ý nói tới tội nặng cách khách quan, còn nếu áp dụng nó với yếu tố chủ quan phải chăng có nghĩa là ai cảm thấy mình không có tội là họ được phép rước lễ như một quyền lợi và như vậy Giáo Hội có chấp nhận không?
Mặt khác, nguồn quy chiếu của đ. 915 là điều 855 của giáo luật 1917, trong đó cấm mọi người đã ly dị và tái hôn không được rước lễ, không có luật trừ. Bộ giáo luật cho các Giáo Hội đông phương đã lấy lại nội dung này (đ. 712) và phải hiểu là cũng được áp dụng cho Giáo Hội latin nữa vì cùng là một chủ thể. Đây là điều sau này được Tòa Thánh minh định[31].
Sau nữa, về tông huấn Familiaris consortio dù có trước bộ giáo luật 2 năm, nhưng vì dựa trên Thánh Kinh, nên nó phải có vai trò dứt khoát trong việc giải thích các khoản giáo luật liên quan đến vấn đề này. Nên nhớ, sau khi Bộ giáo luật 1983 ra đời, Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại giáo huấn của ngài trong Familiaris consortio và Giáo lý của Giáo Hội Công giáo năm 1992 cũng nhắc lại giáo huấn ấy. «Nếu người đã ly dị tái hôn ở phần đời, họ sẽ lâm vào tình thế đi ngược lại luật Chúa một cách khách quan. Do đó, họ không thể rước lễ bao lâu tình trạng trên còn kéo dài»[32]. Như thế, có thể sử dụng văn kiện này để giải thích vấn đề trên một cách nhất quán trong giáo luật. Còn lá thư của Bộ giáo lý đức tin năm 1994 gởi các Giám Mục, sở dĩ Đức Giáo Hoàng không muốn ký nhận như của riêng vì việc chấp thuận một cách chuyên biệt chỉ dành cho các đạo luật và sắc lệnh tổng quát hay có một sửa đổi (derogatio) luật phổ quát, trong khi nội dung lá thư trên không thêm điều gì mới cho quy định trong Familiaris consortio, nên việc chấp thuận tổng quát của Đức Giáo Hoàng với lá thư đó đủ nói lên hiệu lực của nó.
Trước một số cách hiểu sai về điều 915, Tòa Thánh đã có văn thư để làm sáng tỏ những hạn từ, ví dụ “cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”, nhấn mạnh từ “ngoan cố”, “tội trọng” và nhắc lại giáo huấn mà được Giáo Hội lập đi lại nhiều lần về việc cấm người tín hữu ky dị tái hôn được rước lễ, trong đó có tông huấn Familiaris Consortio là nguồn quy chiếu giải thích điều 915 và 916 liên quan đến người tín hữu ly dị và tái hôn không được rước lễ[33].
b. Giải pháp tòa trong – lương tâm ngay lành
Giải pháp “lương tâm ngay lành” áp dụng trường hợp người ly dị tái hôn, tức là với sự giúp đỡ của một linh mục nào đó, họ xác tín hôn nhân trước của mình vô hiệu dù chưa được tòa án Giáo Hội tuyên bố. Với xác tín đó, cùng với một số điều kiện khác, họ nghĩ họ được nhận các bí tích một cách bình thường[34].
Tuy nhiên, “giải pháp tòa trong-lương tâm ngay lành” dù được nhiều người đề nghị áp dụng cho người ly dị tái hôn nhưng đã bị Giáo Hội bác bỏ qua nhiều văn kiện, chẳng hạn[35]: Thư của Hồng y Franjo Seper, bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã viết cho Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ về “những ý kiến chối từ hay ra sức kêu gọi người ta đặt thành vấn đề giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân bất khả phân ly” (11.4.1973), đặc biệt số 84 của tông huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sách Giáo lý Hội Thánh công giáo (1992), đặc biệt các số 1650-1651 và lá thư của Bộ Giáo lý Đức tin (1994) gửi cho các Giám Mục thế giới, “Về vấn đế rước lễ của những người tín hữu ly dị – và tái hôn” để trả lời cho những ý kiến đề xuất các ngoại lệ mục vụ ngoài giáo thuyết cũng như ngoài các điều Giáo luật đã định. Tông huấn “Sacramentum Caritatis”(2007), số 29 cũng tái khẳng định là không chấp nhận người ly dị và tái hôn được đón nhận các bí tích, vì tình trạng và hoàn cảnh sống của họ mâu thuẫn khách quan với các bí tích, cách riêng là bí tích Thánh Thể[36]. Tất cả đều nói lên Giáo Hội không chấp nhận giải pháp tòa trong.
2. Giáo huấn của Giáo Hội
Vấn đề người công giáo có kết hôn dân sự sau khi ly dị luôn được Giáo Hội nghiêm túc xem xét nhằm giúp đỡ họ. Tuy nhiên định chế hôn nhân Kitô giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống cho nên Giáo Hội hết sức thận trọng trong những phán quyết để làm sao luôn trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô và tìm những giải pháp phù hợp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh này.
a. Tông huấn Familiaris Consortio đã củng cố giáo huấn tín lý của Giáo Hội về hôn nhân và có những chỉ dẫn mục vụ đối với các tín hữu ly dị và tái hôn dân sự là những người vẫn còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự trong Giáo Hội, đặc biệt là số 84.
– Các mục tử và các cộng đoàn cần giúp các tín hữu ly dị tái hôn vói lòng bác ái cao độ. Họ vẫn thuộc về Giáo Hội và có quyền được chăm sóc mục vụ cũng như cho họ tham dự vào đời sống của Giáo Hội.
– Đặc biệt, họ không thể được rước lễ vì hai lý do:
+ lý do nội tại là từ thực trạng sống của mình đã tự làm cho họ trở nên mất đi khả năng rước lễ và và tình trạng của họ mâu thuẫn một cách khách quan với thực tại hiệp thông trong bí tích thánh thể.
+ Nếu cho họ rước lễ có thể gây cho các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Giáo Hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo.
– «Cấm tất cả mọi chủ chăn, dù bất cứ vì nguyên do nào hay bất cứ vịn cớ gì, ngay cả vì lý do mục vụ, đều không được cử hành bất cứ một thứ nghi thức nào cho những người đã ly dị nay kết hôn lại… vì điều đó sẽ làm cho người ta có cảm tưởng rằng việc cử hành mới này thành sự và như thế sẽ đưa người ta đến chỗ hiểu sai lạc về sự bất khả phân ly của hôn nhân đã kết ước cách thành sự».
b. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
Số 1650, dựa trên lời dạy của Chúa Kitô (Mc 10,11-12), «Giáo Hội không thể công nhận cuộc kết hôn mới này là thành hiệu, nếu cuộc hôn nhân trước đã thành. Nếu những người ly dị lại kết hôn theo luật đời, họ ở trong một tình trạng nghịch với luật Thiên Chúa. Bởi vậy họ không thể rước lễ bao lâu còn tồn tại tình trạng này. Cũng vì lý do này, họ không thể thi hành một số trách nhiệm trong Giáo Hội. Sự hoà giải nhờ bí tích Sám hối chỉ có thể được ban cho những người thành thực hối hận vì đã phạm đến dấu hiệu của giao ước và của sự trung thành với Chúa Kitô, và quyết chí sống trong sự tiết dục trọn
Số 1665: «Sự tái hôn của những người đã ly dị khi người phối ngẫu hợp pháp vẫn còn sống, là điều trái nghịch với ý định và luật của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô giảng dạy. Tuy họ không bị tách rời khỏi Giáo Hội, nhưng họ không thể tới bàn tiệc Thánh Thể để rước Mình Chúa. Nhưng khuyên họ sống đời sống Kitô hữu của mình bằng cách giáo dục con cái trong đức tin».
c. Thư của Bộ Giáo lý Đức tin (1994) về việc rước lễ của các tín hữu ly dị và tái hôn
Ngày 14.9.1994 Bộ giáo lý đức tin có gởi một lá thư cho các Giám Mục trên thế giới. Sau khi nhắc lại giáo huấn của tông huấn Familiaris Consortio về vấn đề này, thư đã nhấn mạnh rằng thực hành của Giáo Hội trong vấn đề này «không thể bị thay đổi vì các tình thế khác nhau» (số 5). Một vài điểm nhấn như sau:
– Các tín hữu như thế không thể tự ý rước lễ khi dựa trên chính lương tâm họ. Nếu họ phán đoán như thế, thì các mục tử và các cha giải tội… có nhiệm vụ phải cảnh báo họ rằng một phán đoán lương tâm như thế là mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội và các vị phải dạy cho các tín hữu đạo lý đúng đắn của Giáo Hội (xem số 6).
– Trong trường hợp người tín hữu hoài nghi tính thành sự hôn nhân của mình, thì cần chạy đến các tòa án có thẩm quyền để xin cứu xét một cách khách quan hầu tìm ra sự thật chứ không chỉ dựa vào phán đoán chủ quan (xem số 9).
– Trong mục vụ, đối với vấn đề này cần phải cho người ta hiểu rằng đây không phải là vấn đề kỳ thị mà chỉ là vấn đề tuyệt đối trung thành với ý muốn của Chúa Kitô (xem số 10).
d. Tông huấn Sacramentum Caritatis (2007)
Tông huấn Sacramentum Caritatis dành riêng số 29 đề cập mối liên hệ giữa Bí tích Thánh thể và tính bất khả phân lý của hôn nhân. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khẳng định một lần nữa là Giáo Hội không thể chấp nhận cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ xét vì tình trạng và điều kiện đời sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, được biểu thị và tái hiện trong bí tích Thánh Thể.
3. Vấn đề tín hữu ly dị tái hôn theo tông huấn Amoris Laetitia
Như trên đã nói, vấn đề người tín hữu ly dị ở tòa đời và tự ý đi đến một hôn nhân khác không phải là vấn đề mới lạ và luôn được Giáo Hội xem xét nghiêm túc. Đã có nhiều bàn luận và giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề. Vài năm gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trở lại vấn đề với những lời nói xa gần trong những hoàn cảnh khác nhau, nhất là trong năm Lòng thương xót.
Mặt khác, số người tín hữu ly dị tái hôn ngày càng tăng và những tín hữu bình thường cũng đặt vấn đề tại sao Giáo Hội lại không thể cho phép người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích với một số điều kiện nào đó, phải chăng Giáo Hội đã áp dụng luật lệ cứng nhắc và không muốn xem xét lại vấn đề cũng như nghiêm túc xem xét mọi hệ luận và hậu quả của nó[37].
Trong hoàn cảnh đó mà nhiều người đã chờ đợi tông huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình sẽ giải quyết vấn đề và đưa ra những giải pháp thích hợp cho những tín hữu đang ở trong những hoàn cảnh bất hợp luật, cách riêng là người ly dị tái hôn[38].
a. Vài vấn đề về người ly dị tái hôn trong Thượng Hội đồng Giám Mục về gia đình[39]
Trong thượng hội đồng vấn đề được bàn cãi rất nhiều là người tín hữu ly dị và tái hôn, cách riêng là bên bị bỏ rơi vô tội, đời sống trong gia đình mới ổn định, có thể cho họ được xưng tội rước lễ không và có thể cho họ tham dự tích cực hơn vào đời sống của cộng đoàn không?
Có hai hướng để giải quyết: một là vẫn cấm theo như xưa nay trong Giáo Hội; hướng thứ hai là nại đến lòng thương xót để cho họ xưng tội rước lễ với một số điều kiện nào đó, chẳng hạn tùy lương tâm của họ với một cha linh hướng mà quyết định; để Giám Mục giáo phận tùy nghi quyết định theo hoàn cảnh riêng, hoặc theo lộ trình thống hối nhất định có cha linh hướng hướng dẫn để rồi được xưng tội rước lễ; hoặc cần có sự tiết dục hoàn toàn dù sống chung (có thể do già yếu, bệnh tật nên sống như anh em…). Tuy nhiên theo hướng nào hay giải pháp nào cũng có những khó khăn nhất định.
– Giải pháp cho họ xưng tội rước lễ dễ dàng: có nguy cơ đi ngược lại tính bất khả phân ly của hôn nhân (indissolubilitas) là giáo huấn của Chúa Kitô đã dạy. Hơn nữa có thể dẫn đến hiệu ứng đôminô, tín hữu dễ dàng ly dị-tái hôn và coi thường giao ước hôn nhân.
– Giải pháp thống hối: nhưng nếu chỉ thống hối là chưa đủ vì thống hối cần có chừa cải đi kèm. Không thể thống hối thực sự nếu không chừa cải, tức là thay đổi tích cực tình trạng hiện có (hoán cải).
– Giải pháp hội nhập và thay đổi lề luật: xét hoàn cảnh và đối tượng để hội nhập tức là cần thay đổi luật lệ. Luật lệ cần canh tân nhưng khó khăn là làm sao xác định ranh giới hội nhập và canh tân ở mức độ nào để giữ căn tính.
– Giải pháp trung thành với giáo huấn của Giáo Hội: khó khăn ở chỗ làm sao và trong mức độ nào để có thể giữ tinh thần của luật và tránh sự cứng nhắc duy luật.
– Giải pháp theo lương tâm: khó khăn là dù có sự hướng dẫn của vị linh hướng, nhưng lương tâm cá nhân rất dễ chủ quan và sai lầm. Chỉ dựa trên lương tâm cá nhân như vậy không đủ để quyết định.
– Giải pháp tiết dục hoàn toàn: Giải pháp này khó khả thi vì cả hai sống trong một nhà. Hơn nữa không dễ để thực thi giải pháp này bằng cách buộc họ phải xa nhau và xa con cái khi mà họ đang yêu thương, gia đình đã ổn định, được luật pháp nhìn nhận.
b. Đường hướng của tông huấn Amoris Laetitia
Như trên đã nói, vấn đề người ly dị tái hôn rất phức tạp. Trước những vấn đề đặt ra nói trên trước và trong thời gian diễn ra thượng hội đồng Giám Mục, với sự thận trọng cần thiết, tông huấn Amoris Laetitia đã cập vấn đề nói trên một cách sâu sắc và tinh tế, nhưng trên thực tế «người ta chỉ chú trọng những đoạn giật gân và bỏ qua nhiều đoạn ý nghĩa»[40], cách riêng là cơ quan truyền thông báo chí chỉ chú trọng đến Chương số 8, liên quan đến người ly dị tái hôn, dù đó không phải là trọng tâm của tông huấn[41]. Dù sao điều này càng cho ta thấy “độ nóng” và tầm quan trọng của vấn đề đặt ra như thế nào.
Có lẽ để “giảm nhiệt” của bầu khí nói trên, ngay từ đầu tông huấn đã lưu ý rằng Giáo Hội không thể giải quyết mọi tình tiết của cuộc sống, đồng thời cần tránh thái độ tách bạch hay đối nghịch giữa đạo lý và mục vụ hay nói cách khác hoặc chỉ lo khăng khăng bảo vệ đạo lý bất chấp hoàn cảnh con người cụ thể hoặc chỉ lo con người không màng đến cơ sở đạo lý[42]. Ý thức sự phức tạp của vấn đề nên tông huấn khẳng định là không đưa ra một loạt các quy định mới về giáo luật và có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh[43].
Như vậy tông huấn không trực tiếp trả lời câu hỏi: người ly dị tái hôn có được rước lễ không? Thay vào đó, Đức Thánh Cha đề nghị áp dụng “luật tiệm tiến” trong mục vụ với lưu ý rằng đó không phải là “tính tiệm tiến của lề luật”[44], được thể hiện qua ba động từ quan trọng: đồng hành (accompagnare), phân định (discernere) và hội nhập (integrare).
Về sự đồng hành, nguyên tắc là những người ly dị tái hôn vẫn là phần tử của Giáo Hội và «Giáo Hội vẫn phải đồng hành một cách đầy lưu tâm và chăm sóc với những người yếu đuối nhất trong số con cái mình»[45]. Họ vẫn được hòa nhập, tham gia vào các sinh hoạt của Giáo Hội. Sau khi khẳng định đạo lý của bí tính hôn nhân Kitô giáo, tông huấn quả quyết rằng «Giáo Hội không coi thường các yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn tương hợp với giáo huấn về hôn nhân của mình nữa».
Tông huấn nhắc nhở bổn phận của các linh mục là đồng hành với người ly dị và tái hôn nhằm giúp đỡ họ hiểu rõ hoàn cảnh của họ theo giáo huấn của Giáo Hội và các hướng dẫn của Giám Mục[46]. Bàn về sự đồng hành trong Amoris Laetitia, Đức Hồng Y bộ trưởng bộ Giáo lý Đức Tin, Gerhard L. Muller cho rằng các thừa tác viên phải lưu ý «sự hòa hợp giữa việc cử hành bí tích và đời sống Kitô hữu. Nhờ vậy, Giáo Hội có thể trở nên một cộng đoàn đồng hành, tiếp đón tội nhân mà không vì thế chấp nhận tội lỗi. Đồng thời Giáo Hội đặt nền tảng cho việc phân định và hội nhập… sự hài hòa kiên định giữa bí tích và đời sống Kitô hữu bảo đảm rằng nền văn hóa bí tích trong đó Hội Thánh đang sống và đề xuất với thế giới vẫn là môi trường có thể ở được. Chỉ cách này Hội Thánh mới có thể tiếp nhận các tội nhân, quan tâm chào đón và mời gọi họ tham gia vào một hành trình cụ thể, nhờ vậy, họp có thể vượt qua tội lỗi»[47].
Tông huấn dành khá nhiều số bàn về sự phân định: phân định các hoàn cảnh (số 296 – 300), chú ý đến các yếu tố giảm khinh trong phân định mục vụ (số 301- 303) và các quy luật và sự phân định (số 304-306). Phân định phải luôn luôn dựa trên cơ sở đạo lý nhưng cũng cần tránh những phán đoán hời hợt không để ý đến sự phức tạp của những hoàn cảnh hay sự đau khổ vì hoàn cảnh[48].
Theo Đức Hồng Y Gerhard L. Muller, thì mục đích của việc phân định là «mục đích Giáo Hội công bố cho mọi tín hữu, nó đòi hỏi các đôi vợ chồng ly dị tái hôn phải trung thành với mối dây ràng buộc ban đầu…. Vì thế, cần phân định, không để chọn mục đích, nhưng để chọn lối đi. Nhận thức rõ nơi chúng ta muốn đến, đó là cuộc sống tràn đầy Chúa đã hứa ban cho chúng ta, mỗi người có thể phân định những cách thức nhờ đo, theo hoàn cảnh cá biệt của mình, họ có thể đạt tới đó»[49].
Về sự hội nhập, theo tông huấn, «vấn đề ở đây là hội nhập tất cả mọi người, phải giúp mỗi người tìm ra cách thức riêng của họ để tham gia cộng đoàn Giáo Hội, để họ cảm thấy mình là đối tượng của một lòng thương xót không do công trạng, vô điều kiện và nhưng không»[50].
Hội nhập của người ly dị tái hôn là một tiến trình trong đó «Giáo Hội có trách nhiệm phải giúp đỡ họ hiểu rõ khoa sư phạm của Thiên Chúa trong đời sống họ và đề nghị với họ sự giúp đỡ để họ đạt tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ»[51].
Trong tiến trình đó, người mục tử phải theo giáo huấn của Giáo Hội và các hướng dẫn của Giám Mục[52] đồng thời chú ý rằng Lời Chúa là nguồn soi sáng và động lực cho những người ly dị tái hôn, họ cần lắng nghe lại sứ điệp của Tin Mừng và lời mời gọi ăn năn của Tin Mừng[53].
Cần quan tâm hơn nữa trong việc giúp người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đoàn giáo xứ theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu, nhờ đó giúp họ cảm nhận vẫn thuộc Giáo Hội và vẫn có ích cho Giáo Hội, cảm nghiệm mẹ hiền Giáo Hội đang đồng hành, săn sóc và khích lệ họ, con cái họ được chăm sóc và giáo dục[54].
Nói chung, về vấn đề ly dị tái hôn, tông huấn Amoris Laetitia có một số định hướng hướng canh tân mục vụ tích cực nhưng vẫn giữ nguyên giáo lý Hội Thánh về bí tích hôn nhân Kitô giáo. Đức Hồng Y Gerhard L. Muller nói rằng «nếu tông huấn của Đức Phanxicô muốn loại bỏ một giáo lý đã đâm rễ sâu và đầy ý nghĩa như thế, thì nó đã phải xác định thật rõ ràng và đề ra các lý lẽ hậu thuẫn. Tuy nhiên đã không có một xác minh nào theo ý hướng này; cũng như không có lúc nào Đức Thánh Cha đặt lại vấn đề về các lý lẽ của các vị tiền nhiệm của ngài đã để xuất»[55].
4. Một số lưu ý và đề nghị
Tiếp đón – gần gũi: Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc «chúng ta đừng quên rằng trách vụ của Giáo Hội thường giống như trách vụ của một bệnh viện dã chiến»[56]. Bệnh viện dã chiến hay bệnh viện nông thôn là tuyến đầu đón tiếp tất cả các trường hợp để xử lý cấp thời và chuyển lên tuyến trên để điều trị chuyên khoa, nếu cần thiết. Một cách nào đó giáo xứ chính là “nhà thương” loại này nên cần có nhân sự với tinh thần sẵn sàng và ứng trực 24/24h để tiếp đón mọi người không phân biệt lương giáo, giàu nghèo. Chính tại giáo xứ (= nhà thương) mà tinh thần yêu thương và phục vụ được thể hiện rõ nét qua việc tiếp đón gần gũi. Đây cũng là chủ đề sống của giáo phận chúng ta trong năm chuẩn bị cuối (2017) mừng kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng.
Lắng nghe-cảm thông: Lưu ý rằng vai trò người mục tử rất quan trọng trong tiến trình hòa nhập xét vì «phần lớn những người trong các tình huống khó khăn và nguy kịch không tìm sự trợ giúp mục vụ, vì họ không thấy nó có thiện cảm, hiện thực hay quan tâm tới các trường hợp cá biệt. Điều này nên kích thích ta cố gắng tiếp cận các vụ khủng hoảng hôn nhân với một sự nhạy cảm nhiều hơn đối với sức nặng thương tích và lo âu xao xuyến của họ»[57]. Bước đầu, «các mục tử các vị mục tử hãy thân ái lắng nghe trong sự thanh thản, với ước muốn chân thành đi vào thảm kịch của con người và hiểu quan điểm của họ, để giúp họ sống tốt đẹp hơn và nhìn nhận chỗ đứng của họ trong Giáo Hội»[58]. Đó cũng là bổn phận căn bản của người mục tử mà giáo luật quy định[59].
Đồng hành: Lưu ý rằng sự đồng hành rất quan trọng trong tiến trình hòa nhập cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tông huấn Amoris Laetitia bàn về sự phân định và hòa nhập khá nhiều, nhưng thiết nghĩ sự đồng hành là bước đầu cần thiết để “đầu xuôi đuôi lọt” và được tiến hành liên tục trong suốt lộ trình dài giúp người tín hữu thăng tiến. Đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhấn mạnh[60] và muốn rằng Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người vào “nghệ thuật đồng hành – art of accompaniment”, với những điều kiện nhất định như: cần có kinh nghiệm cá nhân; sự thận trọng, cảm thông và kiên nhẫn; biết lắng nghe và tôn trọng; cần lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn[61]. «Nghệ thuật đồng hành dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3,5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo»[62].
Hội nhập: Các mục tử tìm những sáng kiến và cách thức giúp công giáo ly dị tái hôn hội nhập vào cộng đoàn đầy đủ hơn. Làm sao cho họ cảm thấy họ vẫn thuộc về Giáo Hội, họ không bị vạ tuyệt thông và không nên đối xử như vậy với họ. Tuy nhiên, chú ý tránh gương mù gương xấu và phải tôn trọng giáo huấn của Đức Kitô và Giáo Hội về hôn nhân Kitô giáo.
Ly dị tái hôn và tòa án giáo phận: Trong tiến trình phân định đối với người ly dị tái hôn, một việc có lẽ nên được tính đến là khả năng xét sự thành hiệu của cuộc hôn nhân thứ nhất. Dù các quy tắc chung giáo luật về vấn đề này không thay đổi, nhưng mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã có canh tân thủ tục xét hôn phối vô hiệu sao cho đơn giản, thuận lợi và nhanh hơn qua tự sắc Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ – Mitis Judex Dominus Jesus[63].
Tự sắc đề cập đến vai trò rất quan trọng của cha xứ. Trước hết bằng mọi cách, cha xứ lo hết sức khuyên đôi bên tha thứ, hòa giải và sống chung lại với nhau. Theo tự sắc, trong nguyên tắc về thủ tục tiến hành vụ kiện hôn nhân vô hiệu, tại khoản 2 có nói đến việc điều tra tiền-tư-pháp tức là về mục vụ, bao gồm việc tiếp đón đương sự tại giáo xứ hay giáo phận để biết tình trạng hôn nhân của họ và để thu thập những yếu tố hữu ích cho việc tiến hành tố tụng hôn nhân nếu cần.
Ngoài ra, khoản 3 nhấn mạnh trong việc điều tra sơ khởi, thì ưu tiên ủy nhiệm cho chính cha xứ hay người đã chuẩn bị cho các đôi hôn phối cử hành lễ cưới. Cũng có thể ủy thác công việc tư vấn này cho các giáo sĩ khác, các tu sĩ hay những giáo dân được Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn nhận[64].
Theo nguyện vọng của những người sống trong tình trạng hôn nhân tan vỡ, cha xứ có thể hướng dẫn họ làm đơn xin xét hôn nhân bất thành gởi đến tòa án hôn phối có thẩm quyền khi thấy có những yếu tố tích cực có thể làm hôn nhân của họ vô hiệu[65]. Tuy nhiên cha sở không nên hứa hẹn hay tuyên bố điều gì về vấn đề hôn nhân của họ.
KẾT LUẬN
Tại Việt Nam, với quyền tự do ly dị được pháp luật thừa nhận và khẳng định, việc ly dị có xu hướng ngày càng tăng trong đời sống xã hội và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người Kitô hữu[66]. Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ số người công giáo ly dị và tiến tới một hôn nhân mới, nhưng có lẽ con số đó cũng không ngừng tăng lên, nhất là tại những giáo xứ ở thị thành. Một cách tương tự, những “hôn nhân đồng tính” đang ngày càng nhiều và cũng có thể đang được pháp luật dân sự Việt Nam xem xét để có thể tiến tới công nhận tính pháp lý của nó.
Rõ ràng hôn nhân đồng tính và người công giáo lý dị tái hôn không chỉ là vấn đề của Giáo Hội toàn cầu mà còn của Giáo Hội địa phương trong đó có giáo phận Qui Nhơn đang phải đối diện. Đây là một thách thức không phải nhỏ, cách riêng là đối với những người mục tử đang trực tiếp chăm sóc đoàn chiên được trao phó.
Tông huấn Amoris Laetitia mời gọi những người mục tử tiếp cận vấn đề nói trên đa diện hơn, hiện sinh hơn khi biết chú ý đến những hoàn cảnh đầy khó khăn của những con người cụ thể trong hành trình tiệm tiến tiến đến sự hoàn thiện Kitô giáo. Khi tiếp cận vấn đề như vậy, người mục tử cần có một sự canh tân mục vụ thực sự với một sự uyển chuyển nhất định trong khuông khổ đạo lý.
Tông huấn kêu gọi người mục tử phải biết đồng hành và phân định để giúp người tín hữu không phải chọn điểm đến cho bằng chọn lối đi, chọn con đường tiến bước đến sự hoàn thiện. Đó là con đường mà Chúa Giêsu đã hướng dẫn, đã đi và mời gọi chúng ta bước theo để đạt tới sự hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).
Ba hạn từ quan trọng đồng hành, phân định và hòa nhập mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong tông huấn có thể coi là cách diễn đạt khác của yêu thương và phục vụ mà giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang hướng tới trong năm 2017 để chuẩn bị mừng năm thánh kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận. Thât vậy, vì yêu thương mà người mục tử không ngại khó để đồng hành trường kỳ với mọi người, nhất là những người có cảnh ngộ khó khăn. Còn sự phân định sẽ giúp người mục tử nhạy bén và thực tế trong việc phục vụ giúp đỡ họ. Đồng hành và phân định như thế là cách để giúp con người dù là đang ở trong hoàn cảnh bất hợp luật đi nữa cảm nhận sự hòa nhập mà không thấy bị loại trừ.
Đồng hành, phân định và hòa nhập hay nói cách khác yêu thương và phục vụ, phải là cách sống, cách ứng xử mà người mục tử cần phải có không chỉ đối với những phận người đang ở trong hoàn cảnh rối ren, bất hợp luật như tông huấn Amoris Laetitia đề nghị, mà nó còn có thể áp dụng cho hết thảy mọi người trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng là cách người tín hữu, đặc biệt là các mục tử có thể thực hiện được trong tầm tay để góp phần tích cực cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa hiện nay trong giáo phận.
[1] Xem Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (19.3.2016), số 52, 249, 251.
[2] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Xem xét về việc đề xuất công nhận pháp lý đối với cộng đồng những người đồng tính (2003), số 1. Ngoài văn kiện này, thì còn có những văn kiện khác đề cập về vấn đề này như: Gioan Phaolô II, Sứ điệp kinh truyền tin ngày 20.2.1994, 19 tháng 6. 1994; Diễn văn cuộc họp kháng đại của Hội đồng Giáo Hoàng về gia đình (24.3.1999); Giáo lý Hội Thánh Công Gíao, các số 2357-2359 và 2396; Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên bố,Persona humana (29.12. 1975), 8; Thư hướng dẫn chăm sóc mục vụ cho người đồng tính (1.10.1986); Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, Thư gửi các chủ tịch của các Hội đồng Giám Mục châu âu về việc giải quyết của Nghị viện châu âu đối với cặp vợ chồng đồng tính (25.3.1994); Gia đình, hôn nhân và những kết hợp “de facto”(26.7.2000). Mới nhất là trong tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô, ở các số 52, 251 và 252. Hội Đồng Giám Mục Pháp, “Tư vấn gia đình và xã hội, mở rộng hôn nhân cho những người đồng giới? Hãy mở cuộc tranh luận!” (28-9-2012); Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ,“Mục vụ cho những người có xu hướng đồng tính luyến ái: Hướng dẫn chăm sóc mục vụ” (2006), 17.
[3] Trong nhiều số báo Hiệp Thông của HĐGMVN, chẳng hạn số 78 và 79 (tháng 9&10 và 11&12 năm 2013); số 87 (tháng 3&4 năm 2015) có một số bài viết sâu sắc về đề tài người đồng tính và hôn nhân đồng tính.
[4] Xem Trần Như Ý Lan, Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý công giáo, trong Hiêp Thông số 87 (tháng 3&4 năm 2015), tr.116-117. Ngày nay người ta thường nói đến cộng đồng LGBT, kể cả tại Việt Nam. LGBT là những từ viết tắt của “Lesbian” đồng tính nữ, “Gay” đồng tính nam, “Bisexual” luyến ái cả hai phái tính và “Transgender”, người chuyển giới tính.
[5] Đồng tính luyến ái (homosexuality) hay sự hấp dẫn đồng giới (same-sex attraction – SSA) như là một sự thu hút dai dẳng và nổi trội, về mặt tình dục hay sinh lí, từ phía những người cùng giới với mình. Một định nghĩa của tiến sĩ Gerard van den Aardweg: “đồng tính để chỉ những ước muốn tình dục hướng tới những người cùng phái, đồng thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với những người khác phái”. Xem Lữ Y Nguyễn, Cái nhìn của Giáo Hội về người đồng tính và “hôn nhân” đồng giới, trong Hiệp Thông, số 78, tr. 44-45. Vài định nghĩa khác về người đồng tính luyến ái thường được dùng, xem Trần Như Ý Lan, Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý công giáo), Hiệp Thông, số 87, tr.117.
[6] Sách GLHTCG số 2357.
[7] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn, về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục – Persona Humana, (29.12.1975)[=Persona Humana]; Nguyễn Văn Quýnh, Phong hóa Việt Nam và quan hệ đồng tính, trong trong Hiệp Thông số 79 (tháng 11-12 năm 2013), tr. 104-105.
[8] Xem Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tâm lý tính dục người đồng tính, trong Hiệp Thông số 79 (tháng 11-12 năm 2013), tr. 123.
[9] Xem Trần Như Ý Lan, Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý công giáo, trong Hiêp Thông số 87 (tháng 3&4 năm 2015), tr.119-123.
[10] Xem Nguyễn Văn Quýnh, Phong hóa Việt Nam và quan hệ đồng tính, trong Hiệp Thông, số 79 (tháng 11-12 năm 2013), tr. 107-108.
[11] Xem Lữ Y Nguyễn, Cái nhìn của Giáo Hội về người đồng tính và “hôn nhân” đồng giới, trong hiêp thông số 78 (tháng 9&10 năm 2013), tr. 43-56. Trần Như Ý Lan, Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý công giáo, trong Hiêp Thông số 87 (tháng 3&4 năm 2015), tr.109-141. Tính đến 5.2003 đã có mười bốn nước có hôn nhân đồng tính được luật pháp nhìn nhận là: Hà Lan (2001), Bỉ (2003), Tây Ban Nha (2005), Canada (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2008), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Iceland (2010), Argentina (2010), Đan Mạch (2012), Uruguay (2013), New Zealand (2013), và Pháp (2013). Ngoài ra, nước có tầm ảnh hưởng khá lớn trên thế giới là Mỹ cũng đã công nhận tính pháp lý của hôn nhân đồng giới khi vào ngày 26.6.2015 Tối cao Pháp viện Mỹ đã ra phán quyết công nhận rằng hôn nhân đồng tính là điều hợp với hiến pháp liên bang.
[12] Xem Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tâm lý tính dục người đồng tính, trong Hiệp Thông số 79 (tháng 11-12 năm 2013), tr. 129-130.
[13] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona Humana (1975); Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái (1.10.1986) (tham khảo bản dịch việt ngữ của Trần Như Ý Lan); Xem xét về việc đề xuất công nhận pháp lý đối với cộng đồng những người đồng tính (2003);
[14] Chẳng hạn, xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona Humana, (29.12.1975); Xem xét về việc đề xuất công nhận pháp lý đối với cộng đồng những người đồng tính (2003), số 5-9. Và Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái (1.10.1986), đặc biệt các số 3-8; Thông tri của Bộ Giáo Lý Đức Tin về cuốn sách Just Love. A Framework for Christian Sexual Ethics (New York, Continuum, 2006) của Nữ tu Margaret A. Farley, R.S.M., ( Nói về Tình Yêu. Một khung làm việc cho luân lý Kitô giáo về phái tính), ngày 30-3-2012, số 2.
[15] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona Humana, số 11.
[16] Sách GLHTCG số 2357.
[17] Sách GLHTCG số 1601.
[18] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Xem xét về việc đề xuất công nhận pháp lý đối với cộng đồng những người đồng tính (2003), số 5-11. Amoris Laetitia, số 52, 250 và 251.
[19] Xem Đinh Đức Đạo, “Cảm nhận và suy tư về Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình”, trong hiệp thông số 94 (tháng 5&6 năm 2016), tr. 198.
[20] Amoris Laetitia, số 251.
[21] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái (1.10.1986), số 7.
[22] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona Humana, số 13. Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái (1.10.1986) số 12-18;
[23] Persona Humana, số 8.
[24] Amoris Laetitia, số 250. Xem GLHTCG số 2358.
[25] Mới đây Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình đã post tài liệu hướng dẫn giáo dục sinh lý dành cho học sinh và các nhà giáo dục với tựa đề: Il luogo dell’incontro, progetto di educazione affettivo sessuale – The Meeting point, project for affective and sexual formation). Có thể đọc tài liệu này tại trang mạng của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình: http://www.familia.va/
[26] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Chỉ thị, Về các tiêu chuẩn phân định ơn gọi cho người có khuynh hướng đồng tính luyến á và chức thánh (4.12.2005), số 2. Theo văn kiện này, đây là điều đã được sự nhất trí của cả Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích. (“Instruction: Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations with regard to Persons with Homosexual Tendencies in view of their Admission to the Seminary and to Holy Orders,”(http://www.vatican.va/roman_ curia/congregations/ccatheduc/documents/rc_con_ccatheduc_ doc_20051104_istruzione_en.html)
[27] Amoris Laetitia số 246.
[28] Gioan Phaolô II, tông huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 84: AAS 74 (1982), 186. [=Familiaris Consortio]. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, tuy biết và chấp nhận khả thể sống “như anh trai em gái” mà Giáo Hội đề xuất với họ, nhưng đã nhấn mạnh rằng nếu một số cách phát biểu sự thân mật không có, “thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái” (Gaudium et Spes, 51).
[29] Trong số những tác giả nghiên cứu khá hay về vấn đề này là J. Anthony Dewhirst, với loạt bài tựa đề “Reflections on the Indissolubility of Marriage and Intolerable Marriage Situations. History and Present Teaching”. Đăng trên website của Hội dòng Rosimi tại http://www.rosmini.org/docs/ và được Vũ Văn An chuyển dịch sang Việt ngữ. Cha Edward McNamara cũng có bài viết nêu vắn tắt những ý tưởng chính về vấn đề này là “Hiệp Thông và vấn đề người ly dị tái hôn”, (Tuấn Anh, chuyển ngữ) in trong Hiệp Thông số 81 (tháng 3&4 năm 2014), tr. 139-146.
[30] Xem J. Anthony Dewhirst, Reflections on the Indissolubility of Marriage and Intolerable Marriage Situations, History and Present Teaching (http://www.rosmini.org/docs/index.html). Ở đây tham chiếu theo bản dịch việt ngữ của Nguyễn Văn An.
[31] Xem Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Luật, tuyên bố, về việc rước lễ của tín hữu ly dị tái hôn. Trong L’Osservatore Romano, 7.7.2000, tr. 1.
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/intrptxt/documents/rc_pc_intrptxt_doc_20000706_declaration_en.html
[32] GLHTCG số 1650.
[33] Xem Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Luật, tuyên bố, về việc rước lễ của tín hữu ly dị tái hôn, số 2.
[34] Ví dụ, không gây cớ vấp phạm trong cộng đoàn; rằng họ phải hứa tiến hành làm phép hôn phối của họ khi người phối ngẫu trước qua đời; họ cho thấy mối quan hệ thứ hai đó là bền vững; họ phải hiểu rằng việc cá nhân họ được phép lãnh các bí tích không có nghĩa là giáo lý hôn nhân Công giáo vốn bất khả phân ly nay đã bị thay đổi, đó cũng không phải là một quyết định chính thức tuyên bố hôn nhân trước bất thành. Xem Edward McNamara,“Hiệp Thông và vấn đề người ly dị tái hôn”, (Tuấn Anh, chuyển ngữ) trong Hiệp Thông số 81 (tháng 3&4 năm 2014), tr. 140-141.
[35] Xem Edward McNamara,“Hiệp Thông và vấn đề người ly dị tái hôn”, (Tuấn Anh, chuyển ngữ) trong Hiệp Thông số 81 (tháng 3&4 năm 2014), tr. 143-145.
[36] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis (2007), số 29.
[37] Xem Gerhard Ludwig Müller, On the indissolubility of marriage and the debate concerning the civilly remarried and the sacraments, in trongL”Osservatore Romano, số 243, Thứ Tư 23.10.2013. Có thể đọc bài này tại:http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/muller/rc_con_cfaith_20131023_divorziati-risposati-sacramenti_en.html.
[38] Tông huấn Amoris Laetitia dùng tính từ irregolare để nói lên tình trạng không hợp với quy tắc, chuẩn mực (regola), với những gia đình sống trong tình trạng gọi là trái quy tắc (bất quy tắc, bất hợp lệ, irregolare), mà chúng ta thường gọi là “rối”: chẳng hạn như: Hôn nhân thử, chung sống không hôn nhân, người công giáo kết hôn theo hôn phối dân sự, người ly thân và người ly dị không tái hôn, người ly dị tái hôn, tức là ly dị ở tòa đời và đã tiến tới một hôn nhân mới theo luật dân sự. Xem Amoris Laetitia, số 298.
[39] Xem Đinh Đức Đạo, Cảm nhận và suy tư về Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới về gia đình, 4-25.10.2015, trong Hiệp Thông số 94 (tháng 5&6.2015), tr. 198-200.
[40] Phan Tấn Thành, Giới thiệu tông huấn niềm vui của tình yêu, trong Hiệp Thông số 95 (tháng 7&8 năm 2016), tr. 54.
[41] Xem Phan Tấn Thành, Giới thiệu Tông huấn Niềm vui của tình yêu, trong Hiệp Thông số 95 (tháng 7&8 năm 2016), tr. 57.
[42] Xem Amoris Laetitia số 2, số 3
[43] Xem Amoris Laetitia số 300.
[44] Amoris Laetitia số 293-295.
[45] Amoris Laetitia số 291.
[46] Amoris Laetitia 300.
[47] Xem Viết Hiệp, Giáo Hội được mời gọi thăng tiến một nền “văn hóa về gia đinh”, trong Nguyệt San CGvDt số 258. Tháng 6.2016, tr. 52-53. Bài do Viết Hiệp biên soan theo CNA/EWTA News) trích bài phát biểu của ĐHY Gerhard Muller tại chủng viện ở Oviedo, Tây Ban Nha ngày 4.5.2016.
[48] Xem Amoris Laetitia số 296, 300 – 301.
[49] Xem Viết Hiệp, Giáo Hội được mời gọi thăng tiến một nền “văn hóa về gia đình”, trong Nguyệt San CGvDt số 258. Tháng 6.2016, tr. 53-54.
[50] Amoris Laetitia số 297.
[51] Amoris Laetitia số 297.
[52] Xem Amoris Laetitia 300.
[53] Xem Amoris Laetitia số 297.
[54] Xem Amoris Laetitia số 299.
[55] Xem Viết Hiệp, Giáo Hội được mời gọi thăng tiến một nền “văn hóa về gia đinh”, trong Nguyệt San CGvDt số 258. Tháng 6.2016, tr. 51. .
[56] Amoris Laetitia số 291.
[57] Amoris Laetitia số 234
[58] Amoris Laetitia số 312
[59] Xem giáo luật các điều 383; 529§1; 771.
[60] Trong tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hạn từ “đồng hành – accompaniment” đươc sử dụng khoảng 23 lần. Ngay trong chương đầu tiên của tông huấn, ở số 24, với phụ đề “đi bước trước, dấn thân và đồng hành, sinh hoa trái và vui mừng” cho ta thấy sự đồng hành là một phần trong lộ trình giúp tăng trưởng đời sống tín hữu (xem thêm số 44 và 92)..
[61] Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium số 1
[62] Evangelii Gaudium, số 169.
[63] Xem Phanxicô, tự sắc Mitis Judex Dominus Jesus, (12.8.2015). Theo đó, các điều 1671 đến 1691 của giáo luật hiện hành sẽ được thay thế hoàn toàn bằng quy định mới của tự sắc này. Tự sắc này có phần đầu giới thiệu; phần tiếp theo là nêu những nguyên tắc cải tổ, phần thứ ba là nội dung những quy định nền tảng có 21 điều luật tương ứng thay thế các điều 1671-1691 của bộ giáo luật. Cuối tự sắc có kèm theo bản những nguyên tắc hướng dẫn thủ tục tiến hành. Đáng chú ý, trong tự sắc, ở khoản 14, trong phần những nguyên tắc hướng dẫn thủ tục thi hành có nêu một số những trường hợp về sự việc và người có thể cho phép tiến hành vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu bằng thủ tục ngắn gọn hơn, chẳng hạn:
– Người thiếu đức tin khiến có thể nảy sinh gian ý hay lầm lẫn chi phối ý chí.
– Thời gian chung sống vợ chồng quá ít.
– Phá thai có hiệu quả để tránh không sinh con.
– Ngoan cố duy trì một quan hệ khác trong thời gian kết hôn hay ngay sau đó.
– Cố tình giấu tình trạng vô sinh hay một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay dấu đã có con do một quan hệ trước đó hay đã từng bị tù.
– Kết hôn vì lý do xa lạ đời sống vợ chồng hay kết hôn chủ yếu chỉ vì người nữ đã lỡ có thai trước.
– Bạo lực thể lý để ép buộc bên kia ưng thuận.
– Thiếu sử dụng trí khôn có chứng nhận của bác sĩ, v.v…
Ở đây tự sắc chỉ kể ra một loạt về sự kiện và về con người, nhưng không phải chỉ giới hạn bao nhiêu đó mà thôi, tự sắc còn để ngỏ một số sự việc khác có thể xét theo thủ tục này. Lưu ý rằng tự sắc không khẳng định đây là chứng cớ hay lý do để tuyên bố hôn nhân bất thành.
[64] Xem Phanxicô, tự sắc Mitis Judex Dominus Jesus, (12.8.2015), khoản 2-3 phần mhững nguyên tắc thủ tục.
[65] Thông thường tòa án Giáo Hội quy về ba loại lý do và cũng là 3 điều kiện cần phải có cùng một lúc để làm nên kết ước hôn nhân: Năng cách pháp lý để kết hôn (đ. 1083-1094); sự ưng thuận kết hôn (1095-1107); thể thức kết hôn (1108-1123).
[66] Xem Bùi Công Huy, Nhìn lại bối cảnh gia đình hôm nay, trong Nguyệt San Công Giáo và dân Tộc, số 239, tháng 11.2014, tr. 12.17-18. Những năm trở lại đây, số lượng và tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam tăng đáng kể, theo thống kê của ngành tòa án, nếu năm 2000 có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ và đến năm 2010 là 126.325 vụ. Và theo số liệu của ngành tòa án TP.HCM, hiện có khoảng 40% các cuộc kết hôn kết thúc bằng ly hôn (xem http://phununews.vn/qua-bom-ly-hon-tang-chong-mat-va-trach-nhiem-cua-dan-ong-viet-75205.html).