Vatican Ban Hành Chỉ Nam Huấn Giáo Mới
Tập Trung Vào Việc Làm Chứng,
Thương Xót Và Đối Thoại
Trong Kỷ Nguyên Số
Việc xuất bản Chỉ nam Huấn giáo là một sự kiện vui mừng trong sinh hoạt của Giáo hội. Đối với những người hết lòng cho nhiệm vụ to lớn của huấn giáo, việc này có thể được coi như là một thách thức tích cực vì nó khiến họ đánh giá cao bản chất năng động của hoạt động giáo lý, vốn luôn có sự hiện diện đáng kể trong đời sống của cộng đồng Kitô giáo. Chỉ nam huấn giáo là một tài liệu của Tòa thánh và được ủy thác cho toàn thể Giáo hội. Phải mất nhiều thời gian và công việc để chuẩn bị cho tài liệu này, và ấn phẩm được ban hành sau khi tham khảo ý kiến quốc tế rộng rãi. Hôm nay chúng tôi giới thiệu phiên bản tiếng Ý.
Tuy nhiên, bản dịch đã sẵn sàng bằng tiếng Tây Ban Nha (phiên bản riêng cho Châu Mỹ Latinh và Tây Ban Nha), tiếng Bồ Đào Nha (phiên bản riêng phát hành ở Brazil và Bồ Đào Nha), tiếng Anh (phiên bản riêng phát hành ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh), tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ba Lan. Chỉ nam huấn giáo trước tiên nhắm đến các Giám Mục, là các giáo lý viên đầu tiên trong Dân Chúa vì trách nhiệm chính của họ là chuyển giao đức tin (tham khảo số 114). Trách nhiệm đối với huấn giáo cũng mở rộng cho các Hội đồng Giám mục và nói riêng với các Ủy ban Giáo lý của họ, góp phần soạn thảo một dự án quốc gia đầy hy vọng nhằm hỗ trợ công việc của các giáo phận riêng lẻ trong lĩnh vực này (tham khảo số 413). Tuy nhiên, những người trực tiếp nhất trong việc sử dụng Chỉ nam huấn giáo, vẫn là các linh mục, phó tế, những người tận hiến và hàng triệu giáo lý viên giáo dân nam và nữ, với lòng quảng đại, chăm chỉ và hy vọng, sẽ trao ban sứ vụ hàng ngày của họ trong các cộng đồng khác nhau. Sự cống hiến, mà cùng với nó họ dốc sức làm việc, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển giao văn hóa như hiện tại, là dấu hiệu hữu hình về cung cách gặp gỡ với Chúa có thể biến một giáo lý viên thành một nhà truyền giáo đích thực.
Hôm nay, những gì chúng tôi đang trình bày về cơ bản là Chỉ nam huấn giáo thứ ba kể từ Công đồng Vatican II. Chỉ nam đầu tiên là vào năm 1971, Chỉ nam huấn giáo Tổng quát, và Chỉ nam thứ hai là vào năm 1997, Chỉ nam tổng quát về huấn giáo, đã để lại dấu ấn của chúng suốt năm mươi năm qua trong lịch sử huấn giáo. Những văn bản này không chỉ có một vai trò chính, mà chúng còn là công cụ giúp cho huấn giáo thăng tiến, nhất là bằng cách đổi mới phương pháp của nó và tính đến các cân nhắc sư phạm. Nhu cầu về một Chỉ nam mới được sinh ra từ quá trình hội nhập văn hóa, đem lại cho huấn giáo nét đặc trưng theo một cách riêng biệt và đặc biệt là ngày nay, đòi hỏi một trọng tâm đặc biệt.
Ngày nay, Giáo hội đang phải đối mặt với một thách thức lớn dưới hình thức văn hóa kỹ thuật số. Việc tập trung vào một hiện tượng tự coi mình là có tính toàn cầu đòi hỏi những người có trách nhiệm với công việc đào luyện không được thoái thác. Trái ngược với quá khứ, khi mà văn hóa vẫn còn bị giới hạn trong bối cảnh địa lý, văn hóa kỹ thuật số bị cuốn vào quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra và thậm chí quyết định sự phát triển của quá trình đó. Các công cụ được tạo ra trong thập kỷ vừa qua cho thấy một sự biến đổi căn bản của các lối ứng xử có ảnh hưởng lên tất cả sự hình thành căn tính cá nhân và các mối quan hệ liên nhân vị. Tốc độ thay đổi ngôn ngữ, và cùng với nó, các mối quan hệ ứng xử, cho phép chúng ta nhìn thoáng qua một mô hình giao tiếp và đào luyện mới, chắc chắn cũng ảnh hưởng đến Giáo hội trong giới giáo dục phức tạp. Những biểu hiện khác nhau của sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới internet rộng lớn chắc chắn là một thực tế tích cực, nhưng văn hóa kỹ thuật số còn tiến xa hơn nhiều. Nó đi đến tận gốc rễ của vấn nạn liên quan đến con người có tính quyết định trong mọi bối cảnh đào luyện và không thể không quan tâm đến chân lý và tự do. Chỉ một mình việc đặt ra vấn đề này đã đòi hỏi phải xác minh tính thỏa đáng của bất kỳ đề xuất đào luyện nào bất kể nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, đối với Giáo hội, việc xác minh này đặc biệt là cần thiết khi cân nhắc “thẩm quyền” của Giáo Hội đối với nhân loại và yêu sách của Giáo Hội đối với chân lý.
Tiền đề này có lẽ, tự nó, là đủ để yêu cầu cần có một Chỉ nam mới cho huấn giáo. Sẽ không quá lời khi nói rằng hai mươi năm trong thời đại kỹ thuật số giống như một nửa thế kỷ trước khi thời đại đó bắt đầu. Như thế, nhu cầu cần phải có một Chỉ nam xem xét một cách hiện thực sâu sắc những phát triển văn hóa gần đây cũng cần ghi tâm khắc cốt những đòi hỏi của giáo lý. Vì lý do này, Chỉ nam không chỉ đưa ra những vấn đề gắn liền với văn hóa kỹ thuật số, mà còn gợi ý những con đường cần thực hiện để giáo lý trở thành một đề nghị có thể hiểu được và đáp ứng được các yêu cầu của bối cảnh của mình.
Tuy nhiên, việc đòi hỏi phải chuẩn bị Chỉ nam này có một lý do thần học và giáo hội hơn. Sự nổi bật của chiều kích của Thượng hội đồng không thể khiến chúng ta quên đi các Thượng hội đồng gần đây trong Giáo hội. Năm 2005, Thượng hội đồng về Bí tích Thánh Thể: Nguồn cội và Đỉnh cao của Sự sống và Sứ mệnh của Giáo hội; vào năm 2008, Thượng hội đồng về Lời Chúa trong Sự sống và Sứ mệnh của Giáo hội; vào năm 2015, Thượng hội đồng về Ơn gọi và Sứ mệnh của Gia đình trong Giáo hội và Thế giới Đương đại; và năm 2018, Thượng hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Biện phân Ơn gọi. Trong tất cả các lần họp này, liên tục nổi lên các mối quan tâm liên quan chặt chẽ đến chủ đề truyền giáo và huấn giáo như có thể được xác minh trong các tài liệu ban hành sau đó. Cụ thể hơn, thật là thích hợp làm nổi bật ở đây hai sự kiện bổ sung đánh dấu lịch sử của thập kỷ này liên quan đến huấn giáo: Thượng hội đồng về việc Tân Phúc Âm hóa việc loan truyền đức tin Kitô giáo năm 2012, với kết quả là Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng[1] của Đức Giáo hoàng Phanxicô và kỷ niệm hai mươi lăm năm công bố Giáo lý Hội Thánh Công giáo, cả hai đều trực tiếp liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa.
Truyền giáo chiếm vị trí chính yếu trong đời sống của Giáo hội và trong giáo huấn hàng ngày của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Không thể khác được. Truyền giáo là nhiệm vụ mà Chúa Phục sinh đã giao phó Giáo hội của mình để, trong mọi thời đại, là lời loan báo trung thành về Tin Mừng của mình.
Không biết đến điều này sẽ chẳng khác gì với việc làm cho cộng đoàn Kitô giáo, chỉ là một trong nhiều hiệp hội đáng khen nào đó, trở nên mạnh mẽ trong hai nghìn năm lịch sử của nó, nhưng không phải là Giáo hội của Chúa Kitô. Tẩm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong số những điều khác nữa, tiếp nối cách mạnh mẽ giáo huấn của Thánh Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng[2] năm 1975. Cả hai không làm gì khác ngoài việc nói đến sự phong phú phát sinh từ Công Đồng Vatican II, liên quan đến huấn giáo, đã tìm thấy tâm điểm của nó trong Tông huấn Việc Dạy Giáo Lý [3](1979) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Do đó, huấn giáo phải được kết hợp mật thiết với công việc truyền giáo và không thể tách rời khỏi nó. Huấn giáo cần phải đảm nhận những đặc điểm của việc truyền giáo, mà không rơi vào cám dỗ trở thành người thay thế cho truyền giáo hoặc muốn áp đặt cơ sở sư phạm của mình vào việc truyền giáo. Trong mối quan hệ này, tính ưu việt thuộc về truyền giáo, không thuộc về giáo lý. Điều này cho phép chúng ta hiểu lý do tại sao, dưới ánh sáng của Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Chỉ Nam này có sự khác biệt là chỉ hỗ trợ như một bài “giáo lý đầu tiên”[4]
Trọng tâm của huấn giáo là loan báo về con người của Chúa Giêsu Kitô, là người đã vượt qua giới hạn của không gian và thời gian để trình bày về chính mình cho mỗi thế hệ như một tin mừng được đưa ra để đạt được ý nghĩa của cuộc sống. Trong viễn cảnh này, một đặc tính cơ bản nổi lên mà giáo lý phải làm cho riêng mình: đó là lòng thương xót. Các kerygma là một thông báo về lòng thương xót của Chúa Cha hướng vào kẻ có tội không còn được coi là một người bị loại trừ, nhưng như một vị khách đặc quyền tại bữa tiệc cứu độ bao gồm sự tha thứ tội lỗi. Nếu chúng ta mong muốn, chính trong bối cảnh này mà kinh nghiệm dạy giáo lý cho người dự tòng đòi hỏi có sức mạnh như kinh nghiệm về sự tha thứ được trao ban và về đời sống mới trong sự hiệp thông với Thiên Chúa xảy ra sau đó.
Tuy nhiên, trọng tâm của bài giáo lý đầu tiên (kerygma) phải được hiểu theo nghĩa chú trọng vào phẩm chất chứ không chú trọng vào thời gian. Trên thực tế, trọng tâm đó đòi hỏi phải có mặt trong tất cả các giai đoạn của việc dạy và học giáo lý và trong mọi bài giáo lý. Chính việc “loan báo đầu tiên” đó luôn luôn cần được thực hiện bởi vì Chúa Kitô là điều duy nhất cần thiết. Đức tin không phải là một cái gì đó hiển nhiên để người ta cần đến trong những lúc khó khăn, mà là một hành động tự do gắn kết tất cả cuộc sống. Do đó, chỉ nam này làm cho trọng tâm của kerygma thành trọng tâm của riêng mình được diễn tả luôn luôn theo nghĩa Ba Ngôi như một cam kết của toàn thể Giáo Hội. Huấn giáo như được trình bày trong Chỉ nam này có nét đặc trưng là nhờ vào chiều kích này và tác động của nó trong cuộc sống của mọi người. Trong tầm nhìn này, toàn bộ huấn giáo có được một giá trị đặc biệt được thể hiện trong việc không ngừng đào sâu hiểu biết của chúng ta về sứ điệp tin mừng. Nói tóm lại, huấn giáo có mục đích dẫn con người đến sự hiểu biết tình yêu Kitô giáo, tình yêu đó dẫn dắt những người đã chấp nhận nó trở thành những môn đệ truyền giáo.
Chỉ nam mở ra và dù chạm đến các chủ đề khác nhau, nhưng chỉ đề cập đến mục tiêu cơ bản. Một chiều kích đầu tiên đó là khai tâm (dẫn nhập vào mầu nhiệm) được trình bày thông qua hai yếu tố bổ sung: một sự đánh giá mới về các dấu chỉ phụng tự khi khởi đầu đời sống Kitô giáo, sau đó, sự trưởng thành tiệm tiến trong quá trình đào luyện mà cả cộng đoàn đều liên quan. Khai tâm là một con đường ưu tiên phải theo, nhưng nó không phải là tùy ý chọn lựa trong hành trình giáo lý. Tính chất bắt buộc của nó xuất phát từ thực tế là nhờ nó, chúng ta ngày càng được đưa nhiều hơn vào mầu nhiệm được chúng ta tin tưởng và cử hành. Chính sự nhận thức về tính ưu việt của mầu nhiệm dẫn đến việc huấn giáo không cô lập kerygma khỏi bối cảnh tự nhiên của nó. Việc loan báo đức tin vẫn là một loan báo về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành con người để cứu độ của chúng ta. Sự đáp trả của một người không gì hơn là sự chấp nhận mầu nhiệm Chúa Kitô tự trong bản chất để làm sáng tỏ mầu nhiệm kinh nghiệm cá nhân của người ấy (Gaudium et spes, 22)[5].
Một tính chất mới khác của Chỉ nam là liên kết giữa việc truyền giáo và huấn giáo theo nhiều nghĩa khác nhau (tham khảo n.62). Có một sự cấp bách trong việc tiến hành một cuộc “hoán cải mục vụ” để giải phóng huấn giáo ra khỏi một số tình trạng xiết cổ ngăn chặn hiệu quả của nó. Sự bóp nghẹt đầu tiên như vậy có thể được xác định trong mô hình trường học, theo đó, việc dạy giáo lý Khai tâm Kitô giáo được thực hiện theo mô hình trường học. Giáo lý viên thay thế giáo viên, lớp học trở thành phòng giáo lý, lịch học giống hệt với lịch giáo lý, v.v. Sự bóp nghẹt thứ hai là tâm thế cho rằng giáo lý trở thành điều kiện để lãnh nhận một bí tích khai tâm cụ thể, với một khoảng trống để lại sau đó khi việc khai tâm kết thúc. Sự bóp nghẹt thứ ba là việc khai thác một bí tích nhân danh chiến lược mục vụ, để không bị mất đi một đàn chiên nhỏ những người trẻ còn lại trong giáo xứ chứ không phải vì ý nghĩa mà bí tích có được trong hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết rằng “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên mọi cách diễn tả cái đẹp đích thực đều có thể được nhìn nhận là một con đường dẫn tới sự gặp gỡ Chúa Giêsu…. Vì vậy một sự đào luyện theo via pulchritudinis[6] phải là một thành phần trong cố gắng của chúng ta để bước vào đức tin” (Evangelii gaudium, 167). Một cách tiếp cận sáng tạo cho huấn giáo nằm ở con đường của cái đẹp, trên hết bằng cách tăng nhận thức về di sản vĩ đại về nghệ thuật, văn học và âm nhạc, mà mỗi Giáo hội địa phương sở hữu. Đây là lý do tại sao Chỉ nam đã đặt con đường của cái đẹp là một trong những “nguồn” của huấn giáo (tham khảo số 106-109).
Một chiều kích cuối cùng được Chỉ nam cung cấp có thể được tìm thấy trong nỗ lực của nó để đưa chúng ta dần dần vào mầu nhiệm đức tin. Đặc tính này không thể được ủy thác cho một chiều kích duy nhất của đức tin hoặc huấn giáo. Thần học tra vấn mầu nhiệm đã được mặc khải bằng các công cụ của lý trí. Phụng vụ cử hành và gợi lên mầu nhiệm với đời sống bí tích. Đức ái nhận ra mầu nhiệm của anh chị em đang đưa tay ra. Huấn giáo, theo cách tương tự, dần dần hướng dẫn chúng ta chấp nhận và sống mầu nhiệm cách hoàn hảo trong cuộc sinh tồn hàng ngày của chúng ta. Chỉ nam chấp nhận tầm nhìn này khi nó yêu cầu huấn giáo được trình bày chính xác theo một cách sao cho duy trì được sự duy nhất của mầu nhiệm trong khi vẫn nói rõ các giai đoạn khác nhau khi diễn tả mầu nhiệm ấy. Mầu nhiệm, khi được gồm chứa trong thực tại sâu sắc của nó, đòi hỏi sự im lặng. Một huấn giáo chân thực sẽ không bao giờ bị xúi giục cố gắng nói mọi điều về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, nhiệm vụ của huấn giáo là hướng dẫn chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm bằng cách làm nên sự thuyết phục từ việc thinh lặng.
Do đó, chỉ nam trình bày huấn giáo kerygmatic không như một lý thuyết trừu tượng, mà là một dụng cụ có giá trị hiện sinh mạnh mẽ. Huấn giáo này tìm thấy sức mạnh của nó trong cuộc gặp gỡ cho phép người ta kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Một Thiên Chúa gần gũi, yêu thương chúng ta và theo dõi các sự kiện trong lịch sử của chúng ta bởi vì Sự Nhập Thể của Chúa Con đã làm Ngài nhập cuộc trực tiếp. Huấn giáo phải liên quan đến tất cả mọi người, người dạy giáo lý và người học giáo lý, trong việc kinh nghiệm sự hiện diện này và trong việc cảm thấy liên quan đến công việc của lòng thương xót. Nói tóm lại, loại huấn giáo này cho phép chúng ta khám phá ra rằng trước khi là một đề nghị đạo đức, đức tin thực sự là một cuộc gặp gỡ với một con người và Kitô giáo không phải là một tôn giáo của quá khứ, mà là một sự kiện của hiện tại. Một kinh nghiệm như vậy thúc đẩy sự hiểu biết về tự do cá nhân như là kết quả của việc khám phá ra sự thật giải phóng chúng ta (Gioan 8:31).
Một huấn giáo xem kerygma là trên hết thì ngược lại với bất kỳ sự áp đặt nào, thậm chí ngược lại sự áp đặt dù của rất nhiều bằng chứng không thể phủ nhận. Trên thực tế, sự lựa chọn đức tin trước khi xem xét các nội dung cần phải gắn bó qua sự đồng ý của một người, là một hành vi tự do bởi vì người ta khám phá ra rằng người ta được yêu thương. Trong bối cảnh này, thật là tốt khi xem xét cẩn thận những gì mà Chỉ nam đề xuất liên quan đến tầm quan trọng của hành vi đức tin trong sự trình bày rõ ràng gồm hai phần của nó (xem số18). Suốt một thời gian quá lâu, huấn giáo đã tập trung vào việc làm sao cho nội dung của đức tin được mọi người biết đến và tập trung vào các phương pháp sư phạm tốt nhất để đạt đến mục đích này, mà lại bỏ qua thời điểm quan trọng nhất đó là hành vi quyết định sống đức tin và biểu lộ sự đồng ý của một con người.
Chúng ta hy vọng rằng Chỉ nam huấn giáo mới này sẽ hỗ trợ và thực sự đỡ nâng việc đổi mới huấn giáo trong một tiến trình truyền giáo mà Giáo hội đã không mệt mỏi tiến hành trong hai ngàn năm, để thế giới đến gặp Chúa Giêsu Nazareth, con Thiên Chúa đã thành một con người trong chúng ta, vì sự cứu độ của chúng ta.
https://www.catholicnewsworld.com/
—————————–
[1] ND: Evangelii gaudium.
[2] ND: Evangelii nuntiandi
[3] ND: Catechesi tradendae
[4] ND: kerygmatic, kerygma: là việc công bố hay loan báo Tin Mừng lần đầu tiên cho dân ngoại, phân biệt với didakhê là huấn giáo hay giảng dạy cho những người đã nghe loan báo Tin Mừng (Mt 28,19), để con người có thể lĩnh hội càng nhiều càng tốt (x. Mt 13,19).
[5] ND: Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng.
[6] ND: con đường của cái đẹp.
Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.