XXXII
“ÔNG NÀY ĐÍCH THỰC LÀ
CON THIÊN CHÚA”
Trong cuộc Khổ Nạn, thánh Phaolô viết cho Timotê rằng Đức Kitô “đã làm chứng bằng một lời tuyên xưng cao đẹp” (1Tm 6,13). Người ta tự hỏi: làm chứng về điều gì vậy? Không phải là sự thật về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Nhiều người đã chết, và vẫn còn chết ngày hôm nay vì một sự nghiệp không tốt mà vẫn nghĩ rằng nó tốt. Phải, chính sự sống lại làm chứng cho sự thật về Đức Kitô. Ở Arêôpagô thành Athêna, Phaolô đã thuyết giảng như sau: “Để bảo đảm điều ấy (tức sự thật về Đức Kitô), Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31).
Cái chết không làm chứng cho sự thật, nhưng cho tình yêu của Đức Kitô. Hoặc đúng hơn, cái chết là bằng chứng tuyệt vời của tình yêu này. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người ta có thể thắc mắc là còn có một tình yêu lớn hơn là hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình: hy sinh tính mạng vì kẻ thù của mình. Chính đó là việc Đức Giêsu đã làm. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).
“Đức Kitô đã chết khi chúng ta là kẻ thù của Ngài, để làm cho chúng ta trở thành bạn hữu của Ngài[1].”
Một “thần học về thập giá” một chiều có thể làm chúng ta quên đi điều cốt yếu. Thập giá không chỉ là việc Thiên Chúa xét xử thế gian, bác bỏ sự khôn ngoan của thế gian, mạc khải tội lỗi của nó. Thập giá không phải là tiếng nói “Không” của Thiên Chúa đối với thế gian, nhưng là tiếng nói “Vâng” đầy yêu thương của Người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong cuốn sách cuối cùng của ngài về Đức Giêsu, đã viết: “Sự bất công, một sự dữ như một thực tại, không thể đơn giản không được biết đến, không thể để nó yên đó. Người ta phải hủy bỏ nó, chiến thắng nó. Chính đó là sự thương xót đích thực. Và vì con người không có khả năng làm điều đó, chính Thiên Chúa giờ đây làm điều đó. Đây là lòng nhân từ “vô điều kiện” của Thiên Chúa[2].”
***
Nhưng làm sao ta có can đảm nói về tình yêu của Thiên Chúa, khi mà trước mắt ta, có biết bao nhiêu thảm kịch cho con người, chẳng hạn tai họa đã giáng xuống trên đất Nhật Bản, hay cuộc thảm sát trên biển trong những tuần vừa qua? Còn nếu giữ im lặng hoàn toàn không lên tiếng, thì cũng là phản bội lại đức tin, và không biết đến ý nghĩa của mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành.
Có một sự thật phải công bố lớn tiếng trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, đó là : Đấng mà chúng ta chiêm ngắm trên thập giá, là đích thân Thiên Chúa. Ngài cũng là con người Giêsu Nadarét, đúng vậy, nhưng con người này và Con Thiên Chúa hằng hữu chỉ là một. Đây là định tín đầu tiên của Công đồng Nicêa, theo đó, Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha. Bao lâu người ta không công nhận và không coi trọng tín điều căn bản này của người Kitô hữu, bấy lâu sự đau khổ của con người vẫn không có lời giải đáp.
Chúng ta không thể nói rằng “lời cầu xin của Gióp vẫn không có câu giải đáp”, cũng như đức tin Kitô giáo không đưa ra câu giải đáp liên quan đến sự đau khổ của con người, nếu ngay từ đầu người ta từ chối trả lời là sự đau khổ này đã có câu giải đáp. Phải làm gì để bảo đảm cho ai đó biết đồ uống này không có thuốc độc? Chúng ta cứ uống trước người đó, trước mặt người đó. Đây là điều Thiên Chúa đã làm với con người. Người đã uống chén đắng cuộc Khổ Nạn. Thế nên đau khổ của con người không thể bị đầu độc, không thể chỉ là tiêu cực, mất mát, phi lý, nếu chính Thiên Chúa đã chọn uống nó. Dưới đáy chén, phải có một hạt ngọc trong đó.
Chúng ta biết hạt ngọc đó là gì: chính là sự sống lại. “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18), còn nữa: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Nếu cuộc đời kết thúc ở trần gian này, thì quả là đáng thất vọng, khi nghĩ đến có hàng triệu và có lẽ hàng tỉ người, ra đi quá bất lợi, từ điểm xuất phát phải ở trong tình trạng nghèo đói và kém phát triển, thậm chí không thể tham gia cuộc thi. Thật may là không phải như vậy. Cái chết không những hủy bỏ những khác biệt, mà còn đảo ngược chúng. Chúng ta biết câu chuyện dụ ngôn nhà phú hộ và anh Ladarô nghèo đói: “Thế rồi người nghèo này cũng chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giầu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16,22-23). Không thể áp dụng cách đơn giản hóa quá mức lược đồ này vào thực tại xã hội, nhưng dụ ngôn vẫn là một lời cảnh báo: niềm tin vào sự sống lại không để ai yên trong cuộc sống của mình. Nó cũng nhắc ta rằng: kiểu nói “sống và để người khác sống” không bao giờ biến thành “sống và để mặc người khác chết”.
Lời giải đáp của thập giá không chỉ riêng cho người Kitô hữu chúng ta, nhưng là cho mọi người, vì Con Thiên Chúa chết cho mọi người. Trong mầu nhiệm cứu chuộc, có một khía cạnh khách quan và một khía cạnh chủ quan. Khía cạnh khách quan là mầu nhiệm cứu chuộc; khía cạnh chủ quan là ý thức về mầu nhiệm ấy, đáp ứng đức tin với mầu nhiệm ấy. Mầu nhiệm thì lớn hơn là ý thức về mầu nhiệm. Tuy vậy, như Công đồng Vatican II nói, “Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, cách nào đó chỉ có Thiên Chúa mới biết[3].”
Một cách tham dự vào mầu nhiệm này là biết chịu đau khổ. Sau ngày bị ám sát hụt và phải điều trị trong một thời gian, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Chịu đau khổ là có một tâm hồn đặc biệt biết mở rộng đón nhận những hành động đầy sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại trong Đức Kitô[4].” Sự đau khổ, mọi đau khổ, cách riêng của những người vô tội, cho phép tiếp xúc với thập giá Đức Kitô cách mầu nhiệm, mà “chỉ mình Thiên Chúa biết”.
***
Sau Đức Giêsu thì người làm chứng, người “uống chén đắng”, là các vị tử đạo. Trình thuật về cái chết của các ngài có tựa đề là “passio”, khổ nạn, như trình thuật về những đau khổ của Chúa Giêsu, mà chúng ta vừa nghe.
Thế giới Kitô giáo hôm nay lại đang phải chịu thử thách tử đạo, một việc người ta tưởng đã qua rồi, khi các chế độ toàn trị vô thần sụp đổ. Chúng ta không được phép yên lặng trước chứng từ của họ. Các Kitô hữu sơ khai đã rất mực tôn kính các vị tử đạo. Những trình thuật về các cuộc tử đạo này được đọc và phổ biến trong Giáo hội với sự kính trong vô bờ. Thậm chí hôm nay, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011 này, trong một quốc gia lớn tại châu Á, các Kitô hữu đã cầu nguyện và bước đi trong thinh lặng trên các đường phố để xua đi mối đe dọa đang lởn vởn trên đầu họ.
Cần phân biệt những trình thuật xác thực với những câu chuyện hơi hoang đường được viết ra sau khi cuộc bách hại chấm dứt. Trong các trình thuật xác thực, có thể nói không có dấu vết bút chiến chống lại kẻ bách hại. Người ta hoàn toàn chú ý tới thái độ và và hành vi anh hùng của các vị tử đạo, không quan tâm tới sự độc ác của quan tòa và lý hình. Thánh Cyprianô còn bảo môn đệ đưa 25 đồng tiền vàng cho đao phủ thủ sẽ chém đầu mình. Các ngài là những môn đệ của Đấng đã nói trước khi chết: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Trong cuốn sách cuối cùng của mình[5], Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc nhở chúng ta: “Máu Đức Giêsu nói một tiếng nói khác với tiếng nói Abel (x. Dt 12,24); không đòi hỏi báo thù hay trừng phạt, mà chỉ là hòa giải[6].”
Cũng vậy, thế giới cũng nghiêng mình trước những chứng nhân đức tin hôm nay. Ta hiểu vì sao cuốn phim Des hommes et des dieux do Pháp sản xuất, thành công ngoài sức tưởng tượng. Phim kể về 7 đan sĩ dòng Xitô người Pháp đã bị nhóm cuồng tín giết chết ở Tibhirine tháng ba năm 1996, vì không chịu rời nơi trú ẩn giữa các anh em người Hồi giáo. Và làm sao không ngưỡng mộ những lời viết trong di chúc của ông Shahbaz Bhatti, một chính trị gia Công giáo bị giết vì đức tin ở Pakistan tháng trước? Di chúc của ông cũng được để lại cho chúng ta, những người anh em của ông trong đức tin, và sẽ là vô ơn khi nhanh chóng lãng quên nó. Ông viết:
“Người ta đã đề nghị trao cho tôi một chức vụ cao cấp trong chính quyền, đã yêu cầu tôi từ bỏ cuộc tranh đấu. Nhưng tôi luôn từ chối, dù biết nguy hiểm đe dọa tính mạng của tôi. Tôi không muốn được quần chúng hoan hô, không muốn chức quyền. Tôi chỉ muốn một chỗ dưới chân Chúa Giêsu. Tôi muốn cuộc đời tôi, tính khí tôi, hành động của tôi nói thay cho tôi rằng tôi đang theo chân Chúa Giêsu Kitô. Ước muốn này mạnh mẽ trong tôi, đến nỗi tôi coi mình như người được đặc ân, nếu như, trong nỗ lực và tranh đấu của tôi nhằm giúp đỡ những người túng thiếu, nghèo khổ, những Kitô hữu bị bách hại ở Pakistan, Chúa Giêsu muốn nhận lễ hy sinh của cuộc đời tôi. Tôi muốn sống cho Chúa, và cũng muốn chết vì Ngài”.
Người ta có cảm tưởng đang đọc lại những gì thánh Ignatiô Antiokia đã nói, khi ngài đến Rôma để chịu tử đạo. Nhưng sự yên lặng của các nạn nhân không biện minh cho sự thờ ơ đáng trách của thế giới trước vận mệnh của họ. “Người công chính tiêu vong, thế mà chẳng ai lưu tâm đến; người hiếu nghĩa bị cất đi, mà chẳng ai hay” (Is 57,1).
***
Những vị tử đạo trong Kitô giáo không phải là những người duy nhất chịu khổ và chịu chết, như chúng ta đã thấy. Chúng ta có thể cung cấp những gì cho người không tin, ngoài việc chúng ta tin chắc đau khổ đã được cứu chuộc? Chúng ta được mời gọi khổ với người khổ, khóc với người khóc (x. Rm 12,5). Trước khi loan báo sự sống lại và sự sống, Đức Giêsu đã khóc trước cái tang của các chị Ladarô (Ga 11,35). Vào lúc này, chúng ta có thể đau khổ và khóc đặc biệt với người dân Nhật Bản, những người vừa mới phải chịu một trong những thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử. Chúng ta cũng có thể nói với những anh em này trong nhân loại rằng chúng ta ngưỡng mộ phẩm giá của họ và tấm gương về tư thế và liên đới lẫn nhau mà họ đã để lại cho thế giới.
Sự toàn cầu hóa ít nhất đem lại hậu quả tích cực này: sự đau khổ của một dân tộc trở thành sự đau khổ của mọi người, tạo nên sự liên đới giữa mọi người. Nó giúp chúng ta ý thức về một gia đình nhân loại duy nhất, liên đới với nhau trong điều tốt cũng như trong điều xấu. Nó giúp chúng ta vượt qua những rào cản về chủng tộc, tôn giáo, mầu da. Như lời thơ của một trong những thi sĩ người Ý của chúng ta: “Hỡi con người, hãy sống bình an! Trên địa cầu nghiêng ngả này có quá nhiều mầu nhiệm[7].”
Tuy nhiên, còn phải rút ra những bài học khác nữa từ các biến cố vừa gợi lên. Những trận động đất, những cơn lốc xoáy, những tai họa khác cùng một lúc đổ trên đầu nhiều người, cả người có tội lẫn người vô tội, không bao giờ được coi là do Chúa phạt. Quả quyết ngược lại là xúc phạm tới Thiên Chúa và con người. Dù sao, đó cũng là những dấu hiệu cảnh báo, và trong trường hợp xác định này, dấu hiệu đó cảnh báo chúng ta đừng có ảo tưởng khi cho rằng khoa học và kỹ thuật là đủ để cứu chúng ta. Nếu không biết đặt ra những giới hạn, khoa học và kỹ thuật có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn hết.
Lúc Đức Kitô chết thì xẩy ra một cuộc động đất: “Thấy động đất và các sự việc xẩy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói : Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Nhưng có một cơn động đất lớn hơn xẩy ra lúc Chúa sống lại: “Thình lình đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên” (Mt 28,2). Bao giờ cũng vậy. Sau một cuộc động đất gây chết chóc thì có một cuộc động đất mang lại sự sống. Có người đã nói: “Từ nay chỉ mình vị thần có thể cứu chúng ta” Nur noch ein Gott jann uns retten[8]. Chúng ta tin chắc Ngài sẽ làm điều đó, vì “Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16).
Với niềm xác tín và lòng biết ơn, chúng ta cùng nhau hát lên những lời của phụng vụ: “Ecce lignum crucis, in quo salus mundi pependit: Đây là cây Thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Venite, adoremus: Chúng ta hãy đến thờ lạy.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 355-362)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] Augustinô, Traité sur la Première lettre de Jean 9, 9 (PL 35, 2051).
[2] x. J. Ratzinger – Biển Đức XVI, Jésus de Nazareth, Éditions du Rocher, 2011, p. 157.
[3] Gaudium et Spes, n. 22.
[4] Salvifici doloris, n. 23.
[5] J. Ratzinger – Biển Đức XVI, Jésus de Nazareth
[6] Ibid, p, 215.
[7] G. Pascoli, I due fanciulli.
[8] Antwort, Martin Heidegger im Gesprach, Pfullingen, 1988.