ĐỂ GHI NHỚ
CUỘC HỘI NGỘ GHHV PIÔ X 2022
TGM Đà Lạt – Ngày chia tay, thứ bảy 20/08/2022
ĐC Đaminh Nguyễn Văn Mạnh-Suy niệm lời Chúa thứ bảy tuần 20 TN
—000—
– Bài đọc 1: Ez 43,1-7: “Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ”.
– Bài Phúc Âm: Mt 23,1-12: “Họ nói mà không làm”.
I. DẪN
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay vừa là những lời mặc khải thật an ủi khi áp dụng vào bối cảnh của ngày hội ngộ cựu GHHV PIÔ X hôm nay vừa là những lời dạy dỗ cao quí.
II. BÀI ĐỌC I
– Chúng ta mới lắng nghe bài đọc một trích sách ngôn sứ Êzêkien 43. Ở những chương đầu, ngôn sứ Êzêkien đã thị kiến thấy Đức Chúa rời khỏi Giêrusalem để đến ở với dân Người bên đất lưu đày Babylon; giờ ở những chương cuối, Êzêkien lại thị kiến thấy vinh quang Đức Chúa trở về Giêrusalem và uy nghi tiến vào đền thờ. Chúng ta trực tiếp nghe Êzêkien mô tả: “Vinh quang Đức Chúa tiến vào đền thờ qua cửa phía Đông,… và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập đền thờ. Và tôi nghe tiếng Đức Chúa phán với tôi: ‘Hỡi con người, Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Itraen, cho đến muôn đời”. Đức Chúa trung tín luôn ở với dân, đồng hành với dân: ngay lúc ban đầu, rồi khi bị tản mác bên đất lưu đày, và cả khi thời gian lưu đày đã kéo dài đến vài chục năm, Ngài vẫn nhắc lại và mạnh mẽ tuyên bố: “Ta ngự tại đây, giữa con cái Itraen, cho đến muôn đời”.
– Chúng ta nghe sứ điệp sao như hiện sinh, gần gũi, như dành riêng cho anh em cựu PIÔ X hôm nay: Thiên Chúa vẫn ở giữa chúng ta, những anh em cựu Piô X, từ những ngày đầu, cả khi đã tản mác, cả khi thời gian tản mác đã kéo dài mấy chục năm, và cho đến hôm nay, lời Chúa bỗng nhắc lại với chúng ta: “Ta vẫn ngự tại đây, giữa con cái Ta, đến muôn đời”. Sứ điệp như muốn vượt cả thời gian, vươn đến muôn đời.
– Chúng ta vui mừng được gặp lại nhau, ôn lại những chuyện cũ, gợi thắm lại những tâm tình, nhưng chiều sâu nối kết và đem lại ý nghĩa, giá trị cho tất cả chính là sự hiện diện sống động của Chúa khi chúng ta hội họp nhau nhân danh Ngài và nhất là trong các cử hành Phụng vụ, Thánh lễ. Chúng ta hết lòng tạ ơn Chúa vì sự yêu thương vô vàn đã quan phòng cho có “GHHV Piô X” trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
III. BÀI PHÚC ÂM
– Thế nhưng, bài Phúc Âm theo thánh Matthêu 23 lại khiến chúng ta băn khoăn. Chúa Giêsu vạch tội và khiển trách các Kinh sư Biệt Phái, tức hàng lãnh đạo tôn giáo, những vị có thế giá, được ngồi trên Tòa Môsê mà giảng dạy. Chính cái thế giá, quyền bính mà các Kinh sư Biệt phái có lại khiến họ bị kết án, vì như lời Chúa Giêsu, họ nói mà không làm, họ bó những gánh nặng đặt lên vai người khác mà chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Đấy là tội “không làm”. – Còn cái họ “làm” cũng khiến họ vương tội bởi khoe khoang tư lợi, thích đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất, chiếm hàng ghế đầu, được chào hỏi ở những nơi công cộng, được thiên hạ gọi là rabbi.
– Người bị khiển trách là các Kinh sư Biệt phái, những vị lãnh đạo tôn giáo, nên động lòng nhất chắc hẳn là hàng giáo sĩ trong anh em chúng ta. Cứ theo luận lý này, thì chức sắc càng cao càng phải động lòng, phải xét mình. Và hiểu theo nghĩa rộng, cũng bao hàm những nhóm cảm nhận mình là tốt đẹp hơn, ưu việt hơn. Cách nào đó dường như tất cả chúng ta đều phải suy niệm, xét mình.
– Chúa Giêsu nói về một thứ quyền hành, lạm dụng quyền hành: đừng để ai gọi mình là “rabbi” hay là cha. Đừng gọi là “rabbi”, tức là người có hiểu biết thường làm cho người ta im miệng; cũng đừng gọi là cha, người làm cho ai nấy tôn kính mình và bị lụy phục đến nỗi quên nhìn lên Đấng duy nhất tốt lành. Trong Giáo Hội, không ai được che khuất hình bóng của Cha trên trời, Đấng mà Chúa Giêsu nói là “chỉ có một”.
IV. NHỚ VỀ CÁC ÂN SƯ, NHỮNG VỊ THẦY GƯƠNG MẪU
Trong Tập “GHHV Piô X Một thời để nhớ”, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt có bài “Bảy mối tội đầu của GHHV” gợi lại ảnh hưởng sâu đậm của các ân sư GHHV, như một “đối ảnh” với các Kinh sĩ Biệt Phái trong bài Phúc Âm, có thể gợi ý giúp suy niệm .
1. Cái nhìn siêu nhiên
Trước khi vào GHHV, tôi đã qua 2 năm Nhà Tập của Dòng Tên. Dầu vậy, tôi vẫn thấy mình còn khá “đời”. Gương các cha giáo đã dần dần giúp tôi có cái nhìn siêu nhiên về mọi sự. Các ngài đến Đà Lạt để tìm gì ngoài việc hiến thân cho Thiên Chúa và Việt Nam? Điều này được cụ thể hóa bằng những suy nghĩ và phản ứng trước bao vấn đề khó khăn đòi hỏi phải hy sinh hằng ngày.
2. Tính đại đồng
Tôi là con nhà nghèo, ít được đi đây đi đó, nên thế giới của tôi khá nhỏ bé. Mãi đến lớp 12 tôi vẫn nghĩ tất cả người miền Trung đều là dân tộc thiểu số! Đến GHHV, tôi thấy các cha giáo thuộc nhiều quốc tịch sống chung với nhau, làm việc chung với nhau. Tôi cũng thấy các chủng sinh thuộc nhiều giáo phận cùng học với nhau. Tôi bắt đầu ý thức tính đại đồng của Hội Thánh.
3. Tình huynh đệ
Tôi sống trong một xã hội tôn ti rõ ràng, có trên có dưới. Khi đến GHHV thấy các cha sống với nhau cũng như với chủng sinh bằng tình thân như anh em một nhà, lúc đầu tôi hơi lạ, nhưng rồi nhận ra đó chính là cách sống của Chúa Giêsu với các môn đệ, đó chính là gia đình của Chúa. Không chỉ bình đẳng mà thực sự huynh đệ.
4. Đối thoại
Tôi lớn lên trong một xã hội trên bảo dưới nghe. Chỉ người trên mới có quyền nói, người dưới chỉ việc nghe. Ở GHHV, tôi thấy các cha giáo thảo luận với nhau và cả lắng nghe chủng sinh. Có lần tôi mạnh dạn gặp cha viện trưởng đề nghị cho nghỉ học ngày giỗ tổ Hùng Vương và được cha đồng ý.
5. Tinh thần phục vụ
Tôi thấy ở Việt Nam, thường người dưới phải phục vụ người trên, vì sợ mất lòng người trên, và cũng để mong được người trên “chiếu cố”. Hầu như không thấy người trên phục vụ người dưới. Ngay cả những người gọi là phục vụ nhân dân hay giáo dân cũng nhiều khi làm với thái độ kẻ cả. Ở GHHV, tôi thấy các cha giáo phục vụ một cách tận tụy và hoàn toàn vô vị lợi. Các cha không chờ mong gì ở các chủng sinh hơn là họ trưởng thành và hữu ích cho Hội Thánh và xã hội.
6. Tính nghiêm túc
Tôi là con một gia đình nông dân, nên quen với tác phong nông nghiệp, nghĩa là khá thoải mái, tùy tiện, chẳng hạn giờ giấc cao su. Đến GHHV, tôi thấy giờ nào việc ấy rất nghiêm túc. Các cha giáo soạn bài, dạy và chấm bài rất đàng hoàng. Ngày bế giảng, tất cả sinh viên có điểm thi cùng với lời phê.
7. Vui tươi
Tôi từ nhỏ đã hay đùa nghịch với bạn bè. Khi đi tu, tôi nghĩ phải trở thành nghiêm nghị như các cha tôi thường gặp. Nhưng ở GHHV, tôi thấy các cha luôn vui tươi. Hầu như không thấy các cha nóng giận hay cau có. Ngay cả khi sửa lỗi một chủng sinh, các cha vẫn mỉm cười. Điều ấy tạo nên bầu khí vui tươi giữa các chủng sinh.
V. KẾT
– Để kết luận, trong bối cảnh của ngày cuối cùng trước khi chia tay, lời Chúa hôm nay một lần nữa, như gợi lên cho chúng ta tâm tình tạ ơn sâu xa vì hồng ân “Giáo Hoàng Học Viện” mà mỗi lần hội ngộ chúng ta như cảm sâu hơn, thấm thía hơn. Chúng ta như muốn cùng Đức Mẹ thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Vui mừng tạ ơn, nhưng lại qui hướng tất cả về Chúa, bởi xác tín chính Chúa đã làm tất cả. Mình chỉ là những chiếc bình sành.
– Đồng thời chúng ta cũng muốn theo chân thánh Phaolô: sau khi nói “Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa”, ngài thêm “Và ơn Người xuống cho tôi đã không ra hư luống” (1 Cr 15,10).
– Với tất cả tinh thần trách nhiệm, chúng ta vẫn hướng về tương lai với mong ước phụng sự Chúa và phục vụ anh em đến hơi thở cuối cùng: “Ad maiorem Dei gloriam”, để Thiên Chúa được vinh danh hơn. – Hẹn ngày tái ngộ.