• Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo - Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Danh Sách Linh Mục
    • Đại Chủng Viện Và Dòng Tu
      • Đại Chủng Viện Minh Hoà
      • Tu Đoàn Tông Đồ ICM
      • Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
      • Dòng Chứng Nhân Đức Tin
      • Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt
      • Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn
      • Các Dòng Tu Khác
    • Giáo Hạt Và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Giờ Lễ
  • Phụng Vụ
    • Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
      • Mùa Thường Niên
      • Mùa Vọng – Giáng Sinh
      • Mùa Chay – Phục Sinh
      • Lễ Ngoại Lịch
    • Chư Thánh
    • Lời Nguyện Tín Hữu
      • Năm A
      • Năm B
      • Năm C
      • Lễ Chung
    • Nghi Thức Và Kinh Nguyện
      • Kinh Nguyện
      • Nghi Thức
    • Giờ Kinh Phụng Vụ
  • Mục Vụ
    • Thiếu Nhi
    • Giới Trẻ
    • Hôn Nhân – Gia Đình
    • Truyền Giáo
    • Caritas
    • Di Dân
    • Truyền Thông
    • Thánh Nhạc
    • Tham Khảo Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Thông Báo
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
    • Văn Kiện Giáo Hội Hoàn Vũ
      • Đức Thánh Cha
      • Công Đồng Chung
      • Thượng Hội Đồng Giám Mục
      • Các Bộ Giáo Triều
      • Tài Liệu Khác Toà Thánh
    • Văn Kiện Hội Đồng Giám Mục
      • Thư Chung
      • Thư Mục Vụ Của Các Giám Mục
      • Thư Mục Vụ Của Hội Đồng Giám Mục
      • Tài Liệu Khác HĐGM
    • Văn Kiện Giáo Phận
      • Thư Mục Vụ
      • Sắc Lệnh Và Quy Chế
      • Thường Huấn Linh Mục
      • Tĩnh Tâm Linh Mục
      • Tài Liệu Khác Giáo Phận
    • Kinh Thánh
      • Chia Sẻ Lời Chúa
      • Tìm Hiểu Kinh Thánh
    • Giáo Lý
      • Giáo Lý Dự Tòng
      • Giáo Lý Phổ Thông
      • Giáo Lý Hôn Nhân
      • Tài Liệu Khác
    • Tu Đức – Nhân Bản
    • Triết Học
      • Đông Phương
      • Tây Phương
    • Thần Học
      • Phụng Vụ – Bí Tích
      • Tín Lý
      • Luân Lý
      • Mục Vụ
      • Học Thuyết Xã Hội
      • Giáo Phụ
      • Suy Tư Thần Học
    • Giáo Luật
    • Lịch Sử Giáo Hội
    • Tham Khảo
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Chầu Thánh Thể
    • Giáo Lý
    • Nhạc Thánh Ca
    • Giới Thiệu Giáo Xứ
    • Thắng Cảnh Tôn Giáo
    • Video Sinh Hoạt
   
Không Có Kết Quả
Xem Tất Cả
  • Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo - Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Danh Sách Linh Mục
    • Đại Chủng Viện Và Dòng Tu
      • Đại Chủng Viện Minh Hoà
      • Tu Đoàn Tông Đồ ICM
      • Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
      • Dòng Chứng Nhân Đức Tin
      • Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt
      • Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn
      • Các Dòng Tu Khác
    • Giáo Hạt Và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Giờ Lễ
  • Phụng Vụ
    • Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
      • Mùa Thường Niên
      • Mùa Vọng – Giáng Sinh
      • Mùa Chay – Phục Sinh
      • Lễ Ngoại Lịch
    • Chư Thánh
    • Lời Nguyện Tín Hữu
      • Năm A
      • Năm B
      • Năm C
      • Lễ Chung
    • Nghi Thức Và Kinh Nguyện
      • Kinh Nguyện
      • Nghi Thức
    • Giờ Kinh Phụng Vụ
  • Mục Vụ
    • Thiếu Nhi
    • Giới Trẻ
    • Hôn Nhân – Gia Đình
    • Truyền Giáo
    • Caritas
    • Di Dân
    • Truyền Thông
    • Thánh Nhạc
    • Tham Khảo Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Thông Báo
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
    • Văn Kiện Giáo Hội Hoàn Vũ
      • Đức Thánh Cha
      • Công Đồng Chung
      • Thượng Hội Đồng Giám Mục
      • Các Bộ Giáo Triều
      • Tài Liệu Khác Toà Thánh
    • Văn Kiện Hội Đồng Giám Mục
      • Thư Chung
      • Thư Mục Vụ Của Các Giám Mục
      • Thư Mục Vụ Của Hội Đồng Giám Mục
      • Tài Liệu Khác HĐGM
    • Văn Kiện Giáo Phận
      • Thư Mục Vụ
      • Sắc Lệnh Và Quy Chế
      • Thường Huấn Linh Mục
      • Tĩnh Tâm Linh Mục
      • Tài Liệu Khác Giáo Phận
    • Kinh Thánh
      • Chia Sẻ Lời Chúa
      • Tìm Hiểu Kinh Thánh
    • Giáo Lý
      • Giáo Lý Dự Tòng
      • Giáo Lý Phổ Thông
      • Giáo Lý Hôn Nhân
      • Tài Liệu Khác
    • Tu Đức – Nhân Bản
    • Triết Học
      • Đông Phương
      • Tây Phương
    • Thần Học
      • Phụng Vụ – Bí Tích
      • Tín Lý
      • Luân Lý
      • Mục Vụ
      • Học Thuyết Xã Hội
      • Giáo Phụ
      • Suy Tư Thần Học
    • Giáo Luật
    • Lịch Sử Giáo Hội
    • Tham Khảo
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Chầu Thánh Thể
    • Giáo Lý
    • Nhạc Thánh Ca
    • Giới Thiệu Giáo Xứ
    • Thắng Cảnh Tôn Giáo
    • Video Sinh Hoạt
Giáo Phận Đà Lạt
   
No Result
View All Result

Chúa Nhật 10, Thường Niên B

Ngày Đăng: 09/06/2024
Trong Mùa Thường Niên

“Xatan đã tận số”.

Bài Ðọc I: St 3,9-15

“Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà”.

Trích sách Sáng thế.

Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8

Ðáp: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. (c. 7bc)

Xướng: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Xướng: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.

Xướng: Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Xướng: Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 – 5,1

“Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.

Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

Alleluia: Ga 12,31b-32

Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3,20-35

“Xatan đã tận số”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

“Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

 

SUY NIỆM


A/ 5 phút với Lời Chúa

Anh em đích thực của chúa

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)

Suy niệm: Xét trên bình diện tự nhiên, đây có thể là một trong những giây phút phũ phàng nhất trong đời của Chúa Giê-su. Người dưng nước lã nói Ngài bị quỷ ám thì cũng đành; còn ở đây ngay cả thân nhân bà con cũng đến để lôi Chúa về nhà, vì họ cho rằng Chúa bị điên loạn, mất trí. Sống trong thân phận con người, nhưng Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, vẫn không để bản tính nhân loại lấn át, kéo Ngài xa lạc khỏi sứ mạng thiêng liêng: cứu độ con người để nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Ngài nhìn mọi sự trong nhãn quan siêu nhiên đó và cho chúng ta biết mối tương quan thân thuộc đích thực của chúng ta với Ngài không hệ tại ở huyết thống nhân loại mà là ở việc “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Thay vì nghĩ suy, cư xử theo sự thúc đẩy của xu hướng tự nhiên, chúng ta nhận ra Chúa nơi mọi sự, mọi người; thay vì chạy theo chủ nghĩa thế tục để tìm kiếm tiền tài, danh vọng cốt sao có thể hưởng thụ tối đa ở đời này mà thôi, đối lại, với cặp mắt đức tin siêu nhiên, chúng ta luôn tìm kiếm và hưởng dùng mọi sự, nhắm tới cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Nói tóm lại, để trở thành anh em chị em với Chúa Ki-tô, nghĩa là sống trong tình thân với Ngài, chỉ cần một điều kiện, đó là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động bất cứ điều gì, mời bạn dừng lại một giây để thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì để đẹp ý Chúa?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra Chúa trong mọi sự và biết nhìn mọi sự trong Chúa để con xứng đáng là anh em chị em với Chúa.

 

B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông

Sức phá hoại của Xa-tan nơi hai ông bà nguyên tổ vì bất phục huấn lệnh của Thiên Chúa được tiếp tục nơi giai cấp lãnh đạo Do thái vì họ vu khống Đức Giê-su dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Nhưng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa: “miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi”, sẽ được Đức Giê-su thực hiện khi Ngài khẳng định rằng nước của Sa-tan sẽ sụp đổ và thiết lập gia đình Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

St 3: 9-15

Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của việc hai ông bà nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa và đồng thời lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.

2Cr 4: 13-5: 1

Được cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân cũng với các tín hữu thân yêu của ngài sẽ được sống với Chúa.

Mc 3: 20-35:

Đức Giê-su thực hiện lời hứa của Thiên Chúa bằng cách khẳng định nước của Xa-tan sẽ sụp đổ và thiết lập gia đình Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I (St 3: 9-19)

Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của tội và lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.

1. Những tác hại của tội (3: 9-13)

Tác giả mô tả cách tinh tế tội gây tác hại cho nhân loại qua hai ông bà nguyên tổ như thế nào.

A. Tội phá vỡ mối giao hảo của con người với Đấng Tạo Hóa (3: 9-11)

Thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà. Nhưng kể từ nay khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa, hai ông bà, thay vì mừng rỡ chạy ra nghênh đón Người, lại ẩn mình vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn vào lùm cây diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối thân tình ban đầu giữa loài thụ tạo với Đấng Tạo Hóa của mình.

B. Tội làm rạn nứt tình chồng nghĩa vợ (3: 12-13)

Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, con người đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2: 23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ mình: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (3: 12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (3: 13). Lời của người nữ là thực, nhưng bà quên rằng mình đã để cho Con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt “nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.

2. Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (3: 14-15)

Thiên Chúa phán xử con rắn qua hai câu: câu thứ nhất là án phạt dành cho con rắn, câu thứ hai báo trước sự chiến thắng của loài người trên con rắn, tên cám dỗ.

A – Thiên Chúa luận tội con rắn (3: 14)

Trước hết, Thiên Chúa luận tội con rắn, kẻ cám dỗ:

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.  Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (3: 14).

Lời luận tội này mang tính tầm nguyên về loài rắn, nhằm để trả lời cho những câu hỏi như: tại sao con rắn lại bò sát đất, lại ăn đất? Tại sao nó khác biệt với các loài khác? Tại sao lại có mối thù giữa loài người và loài rắn? Thực ra, bản án không gì khác chỉ như một lời chứng nhận: con rắn không có chân nên phải “bò bằng bụng”, nhưng tác giả đã nối kết nét đặc trưng này với hình tượng kinh điển về sự thất bại, bị hạ nhục và khinh dể: “Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (x. Is 49: 23; Mk 7: 17; Tv 72: 9; v.v.). Ở đây, tác giả một lần nữa phản bác việc phụng thờ thần rắn để cầu xin cho được phong nhiêu và phồn sinh thường thấy tại Lưỡng Hà Địa, Ai-cập, Pa-lét-tin… Trong các đền thờ, thần rắn được tạc tượng giống như con rồng có chân đứng thẳng để nhận những hành vi thờ bái của các tín hữu; thần rắn cũng được cho rằng có thể ăn lễ vật do các tín đồ sốt sáng dâng lên, nhưng từ nay “phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi”.

B – Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ (3: 15)

Tiếp đó, Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ qua việc dòng giống người nữ sẽ chiến thắng trên dòng giống con rắn:

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (3: 15).

Lời tiên báo này có thể được giải thích cách rộng lớn hơn khi hiểu toàn thể nhân loại qua kiểu nói: “dòng giống của người đàn bà”, và tất cả những quyền lực của sự ác qua kiểu nói: “dòng giống của con rắn”. Qua lời tiên báo này, Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ can thiệp để phục hồi nguyên trạng cho con người. Lời hứa này mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng là một ngày kia nhân loại sẽ chiến thắng trên những quyền lực của Ác Thần.

Tuy nhiên, bản dịch Hy-ngữ (bản Bảy Mươi) đặt chủ từ ở số ít giống đực: “Chính người con trai đó sẽ đạp dẹp đầu người”. Theo cách hiểu của bản dịch này, lịch sử sẽ là một cuộc chiến đấu dài lâu giữa nhân loại và các quyền lực của sự dữ; nhưng nếu cuộc chiến thắng sau cùng được đảm bảo cho nhân loại, thì cuộc chiến thắng này hàm chứa một vị lãnh tụ có khả năng chiến thắng sự Dữ, tức là Đấng Cứu Thế. Còn các Giáo Phụ thì đọc thấy lời hứa này là lời tiên báo theo đó ở giữa lòng nhân loại sẽ sinh hạ một người nữ, bà này sẽ đạp dập đầu Quỷ Dữ, người đàn bà đó là Mẹ của Đấng Cứu Thế; vì thế bản dịch La-ngữ (bản Phổ Thông) của thánh Giê-rô-ni-mô đặt chủ từ ở số ít giống cái: “Chính người đàn bà đó sẽ đạp dập đầu ngươi”, để áp dụng vào Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.

Dù thế nào, cách hiểu của hai bản dịch này không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau. Người Đàn Bà chiến thắng sự Dữ chỉ bởi và nhờ Người Con của Bà. Thật đáng lưu ý rằng khi tạc tượng vẽ hình về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đạp dẹp đầu con rắn, các nghệ sĩ luôn luôn trình bày Hài Nhi Giê-su trong vòng tay của Mẹ Mình. Chúng ta biết rằng sách Khải Huyền của thánh Gioan âm vang bản văn Sáng Thế này trong một thị kiến về Người Phụ Nữ đối lập với Con Rồng, “con rắn xưa”, nhưng trong đó Đức Ma-ri-a đã không được trực tiếp chỉ ra (Kh 12). Vì thế, lời tiên báo này được truyền thống Ki-tô giáo giải thích là “tiền tin mừng”, nghĩa là tin mừng “đầu tiên” loan báo hừng đông ơn cứu độ.

BÀI ĐỌC II (2Cr 4: 13-5: 1)

Thánh nhân vạch rõ rằng đau khổ của Đức Giê-su mặc khải tình yêu Thiên Chúa và ban sự sống như thế nào, thì những đau khổ của thánh Phao-lô nảy sinh trong tình yêu mà thánh nhân dành cho các tín hữu Cô-rin-tô cũng như vậy. Được cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân sẽ được sống lại “với Chúa” (4: 14; x. 1Tx 4: 14, 17). Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây được đặt trên “cùng với anh em” (4: 14). Điều nhấn này giúp chúng ta thấu hiểu tình yêu thánh nhân dành cho những người mà thánh nhân chia sẻ Tin Mừng và cũng giúp cho chúng ta thấu hiểu lòng nhiệt thành thánh nhân dâng hiến cho sứ mạng của mình ngỏ hầu Tin Mừng có thể đạt đến nhiều người chừng nào có thể.

TIN MỪNG (Mc 3: 20-35)

Bối cảnh không gian của phân đoạn này chính là Đức Giê-su đang ở trong một ngôi nhà có đám đông vây quanh. Còn bối cảnh thời gian thì rộng lớn hơn bối cảnh không gian: thân nhân của Người từ làng Na-da-rét đến Ca-phác-na-um để bắt Ngài về vì nghĩ rằng “Người đã mất trí” (3: 21), trong khi các kinh sư Do thái xuyên tạc hành động của Ngài và vu khống Ngài dùng tướng quỷ mà trừ quỷ.

Bản văn này được cấu trúc theo lối hành văn “đối xứng đồng tâm nghịch đảo” như sau:

A- Thân nhân cáo giác Đức Giê-su (3: 20-21).

      B- Các kinh sư vu cáo Đức Giê-su (3: 22).

          C- Đức Giê-su tự biện hộ (3: 23-27).

                  B’- Đức Giê-su phê phán các kinh sư (3: 28-30).

A’- Đức Giê-su phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35).

A- Thân nhân cáo giác Đức Giê-su (3: 19b-21)

20. “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến”: Giới thiệu hoàn cảnh của Đức Giê-su vào lúc đó. Đây chắc là nhà của thánh Phê-rô.

21. Bà con họ hàng của Đức Giê-su đến để bắt Người về, vì họ nghĩ rằng Người đã mất trí. Khi xử sự như thế, họ chỉ muốn gìn giữ thể diện danh giá của gia tộc và bảo vệ mạng sống cho Đức Giê-su. Nhưng điều ấy cho thấy rằng các thân nhân của Người tỏ ra không hiểu gì về sứ mạng của Người và không nhận ra Người có một sứ mạng thần linh.

B- Các kinh sư vu cáo Đức Giê-su (3: 22)

Các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến kết án Chúa Giê-su hai tội: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám” và “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Trong lời biện hộ, Đức Giê-su sẽ trả lời cho họ lời kết tội thứ hai trước (3: 23-26), rồi đến lời kết tội thứ nhất sau (3: 27).

C- Đức Giê-su tự biện hộ (3: 23-27)

23. “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”: Chúa Giê-su trả lời cho lời buộc tội thứ hai của các các kinh sư, những người này không thể nào bác bỏ những việc trừ quỷ của Đức Giê-su, vì thế họ giải thích rằng Người đã dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Qua ba câu 24-26, Đức Giê-su vạch rõ cho thấy lời giải thích này thật là phi lý.

24-26. Điểm cơ bản được minh họa theo ba cách, mỗi cách theo cùng một cấu trúc. Nếu một nước, một nhà hay Xa-tan chia rẽ, thì nó không thể đứng vững được. Nếu câu 24 và câu 25: một nước, một nhà là dụ ngôn, thì câu 26 lại là lời trả lời trực tiếp: nếu Đức Giê-su dùng tướng quỷ mà trừ quỷ hóa ra Xa-tan sẽ đặt các thuộc hạ của mình chống lại nhau, vì thế, tự tiêu diệt chính mình và vương quốc của mình. Câu kết luận không cần phải nói ra Đức Giê-su không thể nào thuộc về vương quốc của Xa-tan được, nhưng là đối thủ đáng gờm của Xa-tan.

27. “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”: Qua câu 27 này, Đức Giê-su trả lời cho lời buộc tội thứ nhất của các kinh sư khi họ tố cáo Người bị quỷ ám. Nếu Đức Giê-su bị quỷ ám thì Người phải dưới quyền thống trị của Xa-tan. Nhưng rõ ràng Đức Giê-su là “người mạnh hơn Xa-tan”, Người đã đột nhập vào nhà của nó, đã trói nó và “cướp sách sạch nhà nó”, tức là những người được giải thoát khỏi bệnh tật và ma quỷ. Chính cuộc giải phóng này loan báo cuộc trất quyền của Xa-tan và Triều Đại Thiên Chúa ngự đến.

B’- Đức Giê-su phê phán các kinh sư (3: 28-30)          

28. “Tôi bảo thật anh em”: Lời dẫn nhập long trọng và đầy xác quyết này có giá trị như một lời cam đoan.

– “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều mấy đi nữa, thì cũng còn được tha”: “Tội nói phạm thượng” theo nghĩa hẹp là nói những lời xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Danh Thiên Chúa (Mc 2: 7; 14: 64; Ga 10: 33-36); theo nghĩa rộng là lời nói xúc phạm đến một đặc quyền thần linh nào đó (Cv 6: 11), một tổ chức thánh (Ed 35: 12; 1Mcb 7: 38); theo văn mạch ở đây là tội nói xúc phạm đến Chúa Giê-su, vì Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến và có quyền năng của Thiên Chúa (15: 29tt; Lc 22: 64-65; 23: 30). Tất cả mọi tội xúc phạm đến Đức Giê-su đều được tha.

29. “Nhưng ai phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”: Bản liệt kê các thứ tội mà loài người phạm đều có thể được tha nhằm làm nổi bật tội phạm đến Thánh Thành chẳng đời nào được tha. Vậy tội phạm đến Thánh Thần là tội gì? Chúa Giê-su đang trả lời cho các kinh sư Do thái, theo họ Thần Khí không chỉ mặc khải sự thật của Thiên Chúa cho loài người nhưng còn khai lòng mở trí cho loài người hiểu biết sự thật ấy. Theo văn mạch, Thánh Mác-cô đã trình bày ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần ở cùng và hướng dẫn Người trên con đường thi hành sứ mạng. Như vậy, Thánh Thần hoạt động trong những việc chữa lành và trừ quỷ nơi Đức Giê-su để mặc khải cho loài người sự thật của Đức Giê-su và giúp con người hiểu biết sự thật ấy. Nhưng các kinh sư chẳng những không mở rộng lòng mình để tiếp nhận sự thật mà Thánh Thần mặc khải mà còn cố tình xuyên tạc sự thật ấy bằng cách gán những hành động của Thánh Thần ở nơi Đức Giê-su cho quyền lực của quỷ. Thật ra, “tội nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha thứ”, không có nghĩa rằng Thánh Thần không tha thứ, mà chính đương sự tự ý khép kín lòng mình trước sự thật và nhất quyết sống trong sự gian dối.

30. “Đó là vì họ đã nói ông ấy bị thần ô uế ám”: Những ai cho rằng những gì Đức Giê-su làm đều ở dưới quyền lực của ma quỷ, chịu sự tác động của ma quỷ, những người ấy không thể đón nhận ánh sáng của ân sủng, không muốn đón nhận ơn tha thứ mà Thánh Thần ban cho hết mọi người. Câu này mặc nhiên khẳng định rằng Chúa Thánh Thần chứ không Xa-tan là nguồn quyền năng của Đức Giê-su.

A’- Đức Giê-su phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35)

31. “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài cho gọi Người ra”: Nhóm người này tương tự như (hay ít ra một phần) “thân nhân của Người” được kể ra ở 3: 21. Từ “anh em” trong tiếng Híp-ri có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng như là anh em ruột, anh em họ, và cả bà con xa gần. Trong câu chuyện trước đó (3: 20-21), tác giả đã kể rằng khi hay tin Chúa Giê-su say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, “thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người mất trí” (Mc 3: 21). Chuyến đi đó họ “không bắt” (nghĩa là “không ngăn cản”) Chúa Giê-su được. Có lẽ vì thế mà bây giờ, họ dẫn thêm Đức Ma-ri-a. Câu chuyện này cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giê-su. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập Giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giê-su. Quả thật, Công Đồng Va-ti-can đã nói về cuộc hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a.

32. “Đám đông đang ngồi chung quanh Người”: Đám đông được mô tả như những môn đệ vây quanh Người, chăm chú lắng nghe Lời Người.

– “Có kẻ nói với Người rằng: ‘Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”: Theo cách mô tả của thánh Mác-cô, những thân nhân của Đức Giê-su đang đứng ở bên ngoài, còn đám đông thì đang ngồi chăm chú lắng nghe Người ở bên trong. Như vậy, với hai cặp không gian đối nghịch nhau: “ở bên ngoài” và “ở bên trong”, thánh Mác-cô muốn diễn tả chủ đề chính của phân đoạn này, theo đó những kẻ đang ngồi lắng nghe lời Người ở bên trong thì thân thiết và gần gũi với Người còn hơn những thân nhân của Người đang đứng ở bên ngoài.

33. “Ai là mẹ tôi?, ai là anh em tôi?”: Khi nghe tin mẹ và anh em từ làng quê Na-da-rét đến ở bên ngoài, chẳng những Đức Giê-su không ngừng công việc rao giảng, nhưng Người còn nêu lên một câu hỏi lạ lùng này.

34. “Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ chung quanh”: Đây là cách thức thánh Mác-cô nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn mà Chúa Giê-su đưa ra sau đó.

– “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”: Đức Giê-su đang chỉ những người ở bên trong, họ mới thật sự là mẹ và anh chị em của Người.

35. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa”: Lời nói trọng tâm này chứa đựng ít nhất một ghi nhận tiêu cực về gia đình huyết thống của Đức Giê-su. Những thân nhân huyết thống “ở bên ngoài”, những người đang đến đó không phải để nghe Lời Người nhưng để ngăn cản Người thi hành sứ vụ của Người vì cho rằng “Người đã mất trí” (3: 21), đối lập với những thân nhân đức tin “ở bên trong”, tức là tất cả những ai lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Mác-cô muốn làm nổi bật hai mẫu gia đình: gia đình huyết thống thì “ở bên ngoài”, còn gia đình đức tin thì “ở bên trong”.

Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43: 16; Tv 29: 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 9). Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6: 47-48).

– “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Trong một xã hội mà gia đình đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, thì ý tưởng về một gia đình đức tin có tác dụng làm tương đối hóa những mối liên hệ huyết thống, đây mới thực sự là gia đình của Đức Giê-su không căn cứ trên huyết thống hay chủng tộc nhưng trên việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tác giả không nhằm phê phán Đức Ma-ri-a cũng như anh chị em của Người, nhưng có chủ ý cho thấy các tín hữu, tức là những người môn đệ ở cùng nhà và chia sẻ đời sống với Đức Giê-su, không chỉ như những người “ở với Người và để Người sai đi” (x. 3: 14), nhưng còn như những thành viên của cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su cho hiểu rằng những người đang quây quần chung quanh Người được nối kết với Người một cách sống động và thực sự: Người thuộc về họ và họ thuộc về Người. Tuy nhiên, sợi dây liên kết này không căn cứ trên căn bản huyết thống, nhưng trên mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ là những người liên kết với Đức Giê-su cách mật thiết nhất, bởi vì họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Qua những lời này, Chúa Giê-su cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Ma-ri-a có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Đức Giê-su cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Đây quả là một cách thức vừa rõ ràng vừa đơn giản mà thánh Mác-cô muốn trình bày cho các Ki-tô hữu đương thời về Giáo Hội. Cuộc bách hại của người Rô-ma đã đẩy nhiều gia đình đến những cuộc phân ly đau đớn. Những ai trở lại đạo thường bị buộc phải chọn lựa hoặc là thân quyến hoặc là cộng đồng Ki-tô hữu. Thánh Mác-cô chứng tỏ cho họ thấy ngay chính Chúa Giê-su cũng từng bị buộc phải đoạn tuyệt với thân nhân của Người: vì thế các Ki-tô hữu không thể đòi cho mình được đặc quyền hơn Người. Như thế, trên con đường rao giảng của Chúa Giê-su, thánh Mác-cô đưa ra hai loại tương giao giữa Chúa Giê-su và những kẻ đương thời của Người: một số khước từ và một số khác đón nhận Người. “Bản thân là một người Ki-tô hữu, tôi đã thuộc về Đức Ki-tô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế. Hôm nay Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.” (“Epphata”).

C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BIẾT NHỮNG GÌ CHÍNH ĐÁNG

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 10 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van, mà soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng ta đủ sức thi hành. 

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và đủ sức thi hành, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca cho thấy: ông Giôsuê và ông Calép đứng ra đương đầu với cộng đồng, ngăn cản không để dân phạm tội, làm im bặt những tiếng xì xầm không hay. Vì thế, trong số sáu trăm ngàn bộ binh, chỉ có hai ông là được cứu thoát để đưa dân vào phần gia sản, vào đất tràn trề sữa và mật.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và quyết tâm thực hiện, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Anh em đừng dành cho tôi cái gì khác hơn là cứ để tôi được hiến tế cho Thiên Chúa, đang lúc bàn thờ đã sẵn đây rồi. Thiên Chúa đã đoái thương chọn giám mục Xyri này, mà đem từ phương mặt trời mọc sang hướng mặt trời lặn. Tốt đẹp biết bao được lặn khỏi thế gian này mà về cùng Thiên Chúa, rồi được mọc lên trong Người.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, bởi vì, Xatan luôn tìm cách quấy phá, cám dỗ chúng ta chống lại ý Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giữ vững niềm trông cậy trước những thử thách gian truân, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 129, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, những gì không thiện hảo chắc chắn không xuất phát từ Thiên Chúa, mà từ Xatan. Do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ, con người thường dễ nghiêng chiều theo những lời mời gọi của Xatan, mà khước từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đã chiến thắng Xatan. Người đã được giương cao và Người sẽ kéo mọi người lên với Người. Xatan là cha của sự dối trá, luôn tìm cách làm cho con người lầm đường lạc lối. Chỉ có một mình Chúa mới chế ngự được Xatan. Ước gì chúng ta luôn biết bám chặt vào Chúa, là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, hầu, chúng ta tránh được những lời quyến dụ phù phiếm của Xatan. Ước gì được như thế!

 

D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

  1. Trong đoạn Tin mừng này, Chúa Giêsu chữa lành cho những người bị quỷ ám. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên cho rằng Ngài lấy quyền của tướng quỷ Bengiêbút mà trừ quỷ. Nhưng Chúa nói cho họ biết: nước nào tự chia rẽ thì làm sao tồn tại được. Ma quỷ cũng vậy, nếu nó chia rẽ, nó sẽ tiêu vong. Còn nếu Ngài nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ thì ma quỷ đã tự chia rẽ nhau rồi, làm sao nó đứng vững được?
  2. Các luật sĩ nói Chúa Giêsu bị quỷ vương Bengiêbút ám và dựa vào thế quỷ vương để trừ quỷ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan. Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Satan cũng vậy. Marcô 3,27 cho thấy: chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Ngài còn chống quỷ; quỷ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).
  3. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỷ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỷ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là nguồn bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ? (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Có lẽ chúng ta không đến nỗi “tệ” tới mức “nghi” Chúa Giêsu bị quỷ Bengiêbút ám, nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn “tán chuyện” ra để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở…” sở làm, trong xóm ngõ của chúng ta? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phải phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.
  5. Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do thái kết án Người là lấy quyền tướng quỷ đè bẹp lính quỷ.
  6. Những người luật sĩ bị coi là phạm đến Chúa Thánh Thần vì họ chối bỏ chân lý, không chấp nhận sự sám hối thì làm sao có thể tha tội được. Qua lời phân định của Chúa Giêsu về mức độ tội trạng được tha và không được tha, mỗi người chúng ta, một đàng ý thức về tội trạng của mình khi xét mình trước mặt Chúa để khơi dậy lòng thống hối; đàng khác phải luôn luôn bảo vệ và phát triển lòng tin cùng kính mến Chúa để tránh những xúc phạm đến Chúa. Nếu đã đã trót phạm tội mà ăn năn sám hối thì tội bao nhiêu cũng được tha. Cứ vững lòng tin.
  7. Truyện: Không nghi ngờ và thất vọng

Người ta kể: một hôm có một chàng thanh niên đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quỳ xuống và thưa với cha Vicardi:

– Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

Cha Vicarđi đáp:

– Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi:

– Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội nào vậy?

Cha Vicardi trả lời:

– Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải tội. Vậy, nhân danh Đấng giàu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

ShareTweet

Bài Viết Cùng Chuyên Mục

Thứ Ba, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Ba, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Hai, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Hai, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Bảy, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Bảy, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Sáu, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Sáu, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Năm, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Năm, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Tư, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Tư, Tuần VII, Thường Niên

Bài Viết Mới

Giáo Xứ Chính Tòa Đà Lạt: Giáo Họ Fatima Long Trọng Mừng Bổn Mạng

Giáo Xứ Chính Tòa Đà Lạt: Giáo Họ Fatima Long Trọng Mừng Bổn Mạng

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh.

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh.

Thứ Năm, Tuần IV Phục Sinh

Thứ Năm, Tuần IV Phục Sinh

Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Bảo Lộc: Đức Cha Giáo Phận Dâng Lễ Hành Hương Ngày 13/5 và Tham Dự Dâng Hoa Kính Mẹ

Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Bảo Lộc: Đức Cha Giáo Phận Dâng Lễ Hành Hương Ngày 13/5 và Tham Dự Dâng Hoa Kính Mẹ

Trực tuyến Thánh Lễ Khánh Thành & Cung Hiến Nhà thờ Thanh Bình – Đức Trọng, lúc 09:30 | 15/5/2025

Trực tuyến Thánh Lễ Khánh Thành & Cung Hiến Nhà thờ Thanh Bình – Đức Trọng, lúc 09:30 | 15/5/2025

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh – Kính Thánh Matthia Tông Đồ

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh – Kính Thánh Matthia Tông Đồ

Giáo Phận Đà Lạt

Thông Tin Liên Hệ
VĂN PHÒNG TRUYỀN THÔNG GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
– Địa chỉ: 09 Nguyễn Thái Học – Tp. Đà Lạt – Lâm Đồng – Việt Nam
– Điện thoại: 0918.525.019
– Email: giaophandalat1960@gmail.com

  • Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo – Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Giáo Hạt và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Danh Sách Linh Mục
  • Phụng Vụ
  • Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Thông Báo
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Giới Thiệu Giáo Xứ

© Giáo Phận Đà Lạt - Ban Truyền Thông

  • Trang Chủ
  • Thông Báo
  • Tin Tức Giáo Phận
  • Báo Lỗi