Chúa Nhật XV Thường Niên C
Ai Là Đồng Loại Của Tôi ?
Lc 10:25-37: 25 Và này một luật sĩ đã chỗi dậy, và muốn thử Ngài thì nói: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp?” 26 Nhưng Ngài nói cùng người ấy: “Trong Lề luật đã viết gì? ông đọc làm sao?” 27 Ðáp lại người ấy nói: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi, và hết trí khôn ngươi, và đồng loại ngươi như chính mình”. 28 Ngài nói với người ấy: “Ông đã trả lời cách chí lý. Hãy làm thế và sẽ được sống”.
29 Người ấy muốn biện chính cho mình thì nói cùng Ðức Yêsu: “Nhưng ai là đồng loại của tôi?” 30 Tiếp lời, Ðức Yêsu nói: “Người kia từ Yerusalem xuống Yêricô, và đã sa vào ổ cướp; chúng lột hết áo xống và đánh nhừ tử người ấy, đoạn chúng bỏ mặc người ấy nữa sống nữa chết mà đi mất. 31 Tình cờ, một tư tế nọ cũng xuống theo con đường ấy, nhưng thấy người kia, ông tránh một bên mà đi qua. 32 Cũng vậy một Lêvit đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên mà đi qua. 33 Một người Samari nọ, nhân đi qua đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, 34 tiến lại mà ràng buộc thương tích người ấy, sau khi đã đổ dầu và rượu; đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy. 35 Sáng hôm sau, rút hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo: “Ông hãy săn sóc người ấy, và phải tiêu pha gì thêm, thì chính tôi, vòng về, tôi sẽ trả ông”. 36 Vậy theo ý ông, thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người sa vào ổ cướp?” 37 Ông ấy đáp: “Kẻ đã xử nhân nghĩa với người ấy”. Ðức Yêsu nói với ông: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như thế!”
Ngữ cảnh của đoạn 10:25-37 là hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem (9:51-19:27). Dựa trên ghi nhận “Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem” (9:51; 13:22; 17:11), hành trình nầy có thể chia làm ba phần; như thế, đoạn tin mừng trên nằm trong giai đoạn thứ nhất của hành trình (9:51-13:21). Giai đoạn nầy gồm các giáo huấn, nhấn mạnh đến hành động, cho các môn đệ và cả các cuộc tranh luận với những người đối nghịch. Đoạn 10:25-37 gồm hai phần là bàn về sự sống đời đời (10:25-29) và câu chuyện người Samaritanô (10:26-37). Cấu trúc của hai phần nầy được trình bày cách cân xứng gồm những câu hỏi – trả lời. Phần một (10:25-28), câu hỏi của người thông luật (c. 25), câu hỏi ngược lại của Chúa Giêsu (c. 26), câu trả lời của người thông luật trích dẫn từ Sách Thánh (c. 27); lời khen ngợi và mời gọi hành động (c. 28). Phần hai (10:29-37), câu hỏi của người thông luật (c.29); lần nầy Chúa Giêsu trả lời bằng câu chuyện (c. 30-35) trước khi Người hỏi ngược lại (c. 36); câu trả lời của người thông luật (c. 37a); lời mời gọi hành động (c. 37b). Chủ đề đoạn nầy là bàn về chân dung người lân cận. Dẫn nhập và kết luận của câu chuyện (10:29.36) qui chiếu về lại giới răn yêu thương người thân cận (10:27). Qua câu chuyện Chúa Giêsu trình bày cho người thông luật là Người nghĩ thế nào về “người lân cận”. Một cái nhìn mở rộng hơn quan niệm của lề luật cũ.
Người thông luật đặt câu hỏi về sự sống đời đời (10:25-29).
Khác với Matthêô và Marcô trong đoạn tương ứng, Luca gọi là “người thông luật” thay vì Sađucêô hay luật sĩ (x. Mt 22:34; Mc 12:28) với hàm ý tiêu cực. Họ là những người biết luật, thầy dạy luật và giải thích luật, nhưng lại là những người không giữ luật (x. 7:30; 11:45.46.52; 14:3). Ông đến thử Chúa Giêsu (c. 25); ma quỉ cũng đã làm (x. 4:7.12). Nhưng theo diễn tiến của trình thuật, chính Chúa Giêsu mới là Người thử ông và làm chủ câu chuyện. Như vị Thầy (c. 25), Người dẫn người thông luật nầy đi như học trò của Người. Người đặt câu hỏi cho ông phải trả lời (c. 27), Người khen ngợi (c. 28a) và ra lệnh cho ông phải hành động (c. 28b.37). Câu hỏi ông đặt ra không giống như trong Matthêô và Marcô: “Tôi phải làm gì để có sự sống đời đời?”. Để trả lời, Người hướng ông về Sách thánh. Từ câu hỏi “được viết gì trong Lề luật?” đến “ông đọc thế nào?” (c. 26), Người muốn nói đến thái độ đọc Sách thánh. Việc nầy phải tương đồng với lời được ghi trong Lề luật. Đó là bước đầu để có sự sống đời đời; khác với câu hỏi “Đâu là giới răn trọng nhất” (x. Mt 22:34; Mc 12:28).
Luca trích dẫn hai câu Sách thánh (cc. 27-28), Đnl 6:5 về yêu mến Thiên Chúa và Lv 19:18 về yêu người thân cận. Ông không gọi đó là “giới răn trên hết” hay “lớn nhất”. Chúng được nói ra bởi miệng người thông luật thay vì bởi Chúa Giêsu. Có thể vì Luca quan tâm hơn đến hành động cụ thể diễn tả lòng mến ấy, nhất là đối với người lân cận, như dụ ngôn người Samaritanô được dùng làm minh họa. Câu trả lời của người thông luật làm thoả mãn Chúa Giêsu. Đòi hỏi đầu tiên là làm như điều đã nói. Như thế, sự sống đời đời gắn liền với việc thực hành, “Hãy làm điều ấy và sẽ sống” (c. 29); Người cũng đòi hỏi hành động tương tự như thế nơi người giàu có (x. 18:22).
Dụ ngôn người Samaritanô (10:29-37)
Lại một câu hỏi nữa của người thông luật dẫn vào phần thứ hai. “Ông biện minh cho mình” (c. 29) nghĩa là ông muốn được công nhận là người xứng đáng và không đáng trách. Ông muốn biết định nghĩa về người lân cận để có thể thực hành đúng mà được sự sống đời đời. Ai là người thân cận? Trong Cựu ước “người thân cận”, tiếng hy lạp “plēsion” có nghĩa là “gần” “bên cạnh”, tiếng do thái “rëá”, chỉ người bạn, người yêu, người cùng chí hướng, người đồng nghiệp; nói tóm, người thân cận là những phần tử trong dòng giống Do thái. Họ là những người cùng chia sẻ một lãnh thổ và một quốc gia (Xh 2:13, 20:16, 20:17, 20:17, 20:17). Người thông luật muốn biết Chúa Giêsu nghĩ gì về “người thân cận”, mà chắn chắn là khác với ông.
Câu chuyện bắt đầu với bối cảnh dẫn nhập là một nạn nhân bị cướp và đánh trọng thương trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô (c. 30). Tiếp theo, mô tả hành động của thầy tư tế và Lêvi (cc. 31-32). Động từ “đi” làm chủ những câu đầu tiên: một người “đi xuống” (c. 30), một thầy tư tế “đi xuống”, thấy và “tránh đi xa ra” (c. 31), một thầy Lêvi “đi” đến chỗ ấy, thấy và “tránh đi xa ra” (c. 32), người Samaritanô đi” (c. 33). Điểm chung của ba người là cùng thấy nạn nhân bên đường. Điểm khác biệt là thầy tư tế và Lêvi “tránh đi xa ra” (antiparerchomai) (cc. 31.32), còn người Samaritanô “đi đến lại gần” (proserchoma) (c. 34), vì người nầy động lòng thương (c. 33). Dù không trình bày lý do vì sao thầy tư tế và Lêvi tránh xa nạn nhân, việc Luca đưa những người lãnh đạo tôn giáo và đại diện luật Môsê nầy vào dụ ngôn cho thấy sự mâu thuẫn giữa việc họ là ai trước mặt Thiên Chúa và dân chúng và cách sống của họ (x. 1:5; 5:14; 6:4; 17:14). Đây cũng là điều Chúa Giêsu muốn lưu ý người thông luật. Rồi, cách cư xử của hai người nầy làm nổi bật hơn hành động của người Samaritanô được mô tả trong những câu tiếp theo.
Người Samaritanô, không là “người thân cận” của người Do thái; thế mà ông tận tình cứu giúp nạn nhân (10: 33-35). Thái độ đầu tiên khi mới thấy nạn nhân là “động lòng thương” (c. 33). Động từ nầy chỉ được dùng ba lần trong Luca: Chúa Giêsu động lòng thương trước bà goá mất người con trai độc nhất (7:13); người Samaritanô trước nạn nhân (10:33) và người cha trước người con thứ trở về (15:20). Trong cả ba trường hợp, lòng trắc ẩn được thể hiện cách cụ thể cho những người trong tình trạng khốn khổ, tinh thần hoặc thể lý. Lòng trắc ẩn, từ tiếng Do thái có nghĩa là “ruột gan lòng phổi…”nơi chứa mọi tình cảm, bao gồm sự rộng lượng, lòng nhân từ, lòng trắc ẩn, lòng tốt và cả tình yêu. Lòng trắc ẩn kéo người Samaritanô về phía nạn nhân, vì người ấy cần được cứu giúp. Một loạt hành động của ông được mô tả: đến lại gần, băng bó, đem về nhà trọ, chăm sóc… Ông làm cho mình trở thành người thân cận của nạn nhân. Như thế, tương quan được thiết lập giữa ông và nạn nhân không là dòng giống, quốc gia hay tôn giáo, mà yêu thương.
Để kết luận, Chúa Giêsu hỏi ngược lại người thông luật, và để ông chọn lựa câu trả lời (cc. 36-37). Câu hỏi của Người không nhắm trên “người thân cận” như một đối tượng xếp loại hay chọn lựa, “Ai là người thân cận của tôi” (c. 29). Ngược lại, Người nhắm trên người thực hành lề luật: khi tỏ lòng thương xót là tự trở nên (gegonenai) người thân cận của kẻ khác.
Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót (1:50.54.58.72.78), và trong Chúa Giêsu Kitô, Người đã trở nên gần gũi với con người.