Chúa Nhật 19 Quanh Năm (12-8-2001)
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Do-thái 11: 1-2, 8-19
Theo các học giả Kinh Thánh, thư gửi tín hữu Do-thái không phải do thánh Phao-lô viết. Nhưng các chủ đề trong thư Do-thái lại giống với những gì ngài trình bày trong các thư của ngài. Vì thế chúng ta cũng có thể coi mình đang tiếp tục suy niệm cùng một dòng tư tưởng ấy của thánh Phao-lô. Có bảy đoạn thư Do-thái được sử dụng trong Phụng vụ Lời Chúa năm B, đề cao chức tư tế tối cao của Đức Ki-tô; và bốn đoạn khác cho năm C, khích lệ Ki-tô hữu hãy trung kiên vì họ có vị Thượng Tế như vậy.
Để học hỏi bài đọc hôm nay, chúng ta thử nhìn lại mạch văn của nó. Bốn bài đọc cho năm C trích ra từ hai đoạn thư dài nói về các huấn dụ liên quan đến đời sống đức tin (10:26 – 12:13; 12:14 – 13:19), sau phần trình bày giáo lý về chức tư tế của Chúa Ki-tô trong những chương trước và nhất là các chương ở giữa (5:11 – 10:25). Phần huấn dụ thứ nhất nói đến sức mạnh của đức tin, được biểu lộ qua những tấm gương trong lịch sử dân Chúa. Cụm từ “Nhờ đức tin” được lập lại mười tám lần trong 11:3-31, cho thấy tác giả muốn trưng lên những gương mẫu để chứng minh cho khẳng định vô cùng quan trọng “đức tin là gì” (11:1). Lịch sử Cựu Ước đã để lại rất nhiều nhân chứng đức tin “như đám mây bao quanh” (12:1). Nhưng Phụng vụ Lời Chúa chỉ trích dẫn một tấm gương sáng chói và ý nghĩa nhất: Áp-ra-ham, cha của đức tin (11:8-19). Vậy bài đọc hôm nay nói với chúng ta hai điểm về đức tin: a) Đức tin là gì? b) Ông Áp-ra-ham là một gương mẫu đức tin.
Trước hết định nghĩa đức tin nêu lên hai yếu tố căn bản: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (11:1). Xin trích dẫn ở đây lời giải thích trong sách Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ, mà chúng tôi nghĩ là ngắn gọn, rõ ràng. “Câu này đã trở thành một câu định nghĩa thần học về đức tin, nghĩa là chiếm lãnh được trước một cách chắn chắn những sự ở trên trời (Rm 5:2; Ep 1:13) là những điều ta không xem thấy. Đức tin xem ra nghịch lý ở chỗ này, là có mà không nắm giữ trong tay, biết mà không nhìn thấy. Các gương tích trưng dẫn ở đây cho thấy sức sống mãnh liệt chất chứa trong đức tin.”
Định nghĩa đức tin (11:1) nhấn mạnh đến sức mạnh của nó tác động như thế nào trên chúng ta là những người hy vọng và không nhìn thấy. Để dễ hiểu, chúng ta dùng thí dụ. Ông Áp-ra-ham đã vâng theo lời gọi của Chúa và đi tới xứ lạ quê người là vì đức tin giúp ông luôn xác tín (=bảo đảm) ông sẽ tới “một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (11:10). Hoặc ông Nô-ê khi đóng tàu, mặc dù lũ lụt chưa thấy đâu, nhưng nhờ con mắt đức tin ông đã nhìn thấy (=bằng chứng) những gì người khác không thấy được. Các ông đã hành động không do lý trí, nhưng do con tim hay lòng tín thác.
Trong câu truyện đức tin của Áp-ra-ham, bốn lần cụm từ “nhờ đức tin” đều mở đầu cho bốn hành động “ngược đời” của ông: (1) ông vâng lời khi được gọi; (2) ông ra đi tìm đất hứa nơi xứ lạ; (3) ông lãnh nhận khả năng sinh sản mặc dù tuổi già; và (4) ông saün sàng sát tế I-xa-ác con một của mình. Trong mỗi trường hợp, Áp-ra-ham đều hành xử vì đức tin bảo đảm cho ông một điều gì tốt đẹp hơn. Ông vâng lời Chúa vì ông tin sẽ được một gia nghiệp tốt hơn. Ông ra đi vì ông muốn đi tìm một thành vĩnh cửu. Ông đã được khả năng sinh sản vì ông tin vào quyền năng của Chúa. Ông muốn dâng con một mình vì ông biết Chúa có thể cho nó sống lại.
Mọi người ai cũng tin vào một cái gì đó, ngay cả khi họ coi mọi sự là hư vô và cuộc sống trống rỗng. Tuy nhiên khi chúng ta ta tin vào điều gì hoặc vào người nào thì sẽ khác biệt lắm. Điều hoặc người chúng ta tin sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến lối sống của chúng ta. Chính vì thế, Đức Ki-tô thường hay đặt câu hỏi: anh em có tin không? Không phải chỉ để được Chúa làm phép lạ, nhưng là để theo Người và làm môn đệ Người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Chia sẻ khó khăn của tôi khi hiểu về đức tin.
Một tác giả tu đức nói: Đức tin được biểu lộ bằng đầu gối, chứ không phải bằng bộ óc. Khẳng định này giúp tôi hiểu về đức tin như thế nào?
Những mốc điểm trong hành trình đức tin của Áp-ra-ham phản ảnh hành trình đức tin của tôi như thế nào? Có gì giống với hành trình của ông không?
Tôi chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, một gương mẫu đức tin, qua những biến cố nào cụ thể nhất trong cuộc đời của Người?
Tôi có thể chia sẻ với anh chị em trong nhóm biến cố này trong đời tôi: “Nhờ đức tin, tôi đã… “
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng nhau tuyên xưng đức tin, đọc chậm và với tất cả xác tín cùng lòng yêu mến kinh Tin Kính của các Tông Đồ, hoặc hát bài “Tin cậy mến”, CNLT trang 39.
Lm.Trần Đình Nhi