SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI – 2001
Chuyện dụ ngôn trong Tin Mừng, những lời khuyên bảo của Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê, và những lời tiên tri của Amos, đan xen với nhau làm thành một phác thảo khá toàn vẹn và sinh động về cuộc sống con người.
Cuộc sống nhân sinh này có hòa bình với những yến tiệc sa hoa giữa bạn bè và người thân. Người ta có rất nhiều sáng kiến để tăng thêm cảm xúc, đẩy tính hưởng thụ lên tuyệt đỉnh : cung cách khi ăn uống, với phụ họa của tiếng đàn tiếng hát…Cuộc sống thật phồn vinh và giàu sang với lụa là gấm vóc, giường ngà, dầu thơm hảo hạng… Người ta có thể nghĩ đến những năm tháng kinh tế luôn có chỉ số phát triển ở đỉnh cao, và sự tiến bộ vượt bực trong các ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cao của con người.
Nhưng dầu thế nó cũng không thể che lấp tính mỏng manh bèo giạt nổi trôi : vì cảnh lưu đày đã kề cận cửa ngõ, và cái chết đã chấm dứt thời vàng son. Biến cố 11.9 mãi mãi là tiếng gào thét kinh hoàng trong mọi trái tim con người, nó đang mở vào bóng đêm của âm phủ với bao cực hình và vực thẳm ngăn cách giữa những con người vốn đã từng chung sống bên nhau trong cùng một lịch sử.
Đi giữa giòng thời gian ấy có những con người có tên và có tuổi : đó là Abraham, là Israel, là Môsê, là Đavid, cũng có người mang tên là Lazarô, hay là Giêsu Kitô; cũng có những con người vì sứ vụ và hành trạng được gọi chung trong một tiếng gọi gợi nhớ uy quyền và địa vị tôn quý : các ngôn sứ, là người của Thiên Chúa. Bên cạnh những con người ấy cũng có những con người mang cái tên là Pontiô Pilatô, cái tên được nhớ tới chỉ vì làm tổng trấn ở thủ phủ một quốc gia, một dân tộc. Cái tên thống trị nhưng cũng sống nhờ thuế khóa của đám đông, của đoàn lũ vô danh. Họ ở Xion hay trên núi Samari những tên gọi một địa danh như mọi địa danh khác trên mặt đất này. Và cái lịch sử nhân loại trên bình diện trần thế hay bình diện tâm linh cuối cùng chính là lịch sử hướng về cái đám đông, cái đoàn lũ vô danh ấy.
Có những lối sống và chính sách làm cho những con người có tên có tuổi phải chịu số phận là mồi cho lũ chó thèm khát máu mủ như Lazarô. Cũng đã có quá nhiều tiên tri trở thành miếng mồi cho bầy thú cắn xé. Cuộc đời của Môsê, của Đavid, của Giêsu Kitô cũng đã từng bị ruồng bắt và truy nã gắt gao bởi thế lực muốn xóa tên các Ngài, và rồi lịch sử Giáo Hội 2000 năm qua cũng là lịch sử của những giòng máu đã đổ ra vì lời chứng cao đẹp của mình. Cũng đã có những cơn cám dỗ phải báo oán cho máu người vô tội và không ít người đã chạy theo để rồi làm ra những trang sử ân oán chồng chất, và số phận của đám đông của đoàn lũ vô danh trong những thời điểm ấy chỉ thêm phần đen tối. Lời chứng cao đẹp mà những người của Thiên Chúa từ Abraham cho đến ngày Đức Kitô lại đến, là lời chứng phải khẳng định cái danh phận, cái tên gọi cho mỗi người trong lũ đông thống khổ ấy. Kể từ Abraham cho đến Phêrô, mỗi một con người được tuyển chọn đều được Thiên Chúa ban cho một tên mới, tên nói lên địa vị của họ trong trái tim Thiên Chúa: địa vị là con Thiên Chúa. Đức Giêsu trong chính thời gian của mình đã không ngơi nghỉ diễn tả niềm vui và hạnh phúc vì là CON Thiên Chúa, và cũng làm chứng sứ vụ của Ngài là thông ban sự sống là CON cho ngay cả những con người bé nhỏ nhất, cho đám đông, cho đoàn lũ vô danh. Và đấy là đường lối thiết lập một thế giới huynh đệ bền vững và thái bình trường cửu. Hãy cho đám đông đoàn lũ vô danh đang rên xiết trong thống khổ ân oán chồng chất, cuộc sống là CON. Tình nghĩa này chỉ có thể được chứng thực nơi mỗi trái tim bằng lời chứng của những con người “hiến mạng sống mình” để yêu thương và tha thứ. Chỉ có lời chứng như vậy mới tiêu diệt được chính sách “khủng bố” vốn là “cái tội cơ cấu” nằm trong chính con người. Bởi vì “khủng bố” chỉ là dùng bạo lực để bắt người khác phục vụ cho ý muốn của bản thân, vốn là điều ám ảnh cuộc sống con người ngay trong cơ cấu gia đình, và cơ cấu xã hội nhân loại. “Tự Do trường tồn” không thể có bằng sức mạnh của bạo lực, mà chỉ có nhờ sức mạnh của “Tình Yêu” muốn trả lại cho mỗi con người cái DANH PHẬN, CÁI TÊN cao quý của họ trong “TÌNH YÊU VĨNH CỬU”.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên