LÒNG TIN và thái đỘ sẴn sàng phỤc vỤ
(Luca 17,5-10 – CN XXVII TN – C)
1.- Ngữ cảnh
Đoạng văn Lc 17,7-9 [10] thường được trích như là một “dụ ngôn”. Kiểu gọi này được biện minh vì dựa trên một lời hư cấu về một cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa một ông chủ và những người đầy tớ làm việc ngoài đồng; lời này có tầm quan trọng đối với thế giới tôn giáo. Trong khi câu chuyện của Đức Giêsu thì hư cấu, nó lại phản ánh tương quan ông chủ-đầy tớ trong thế giới lúc ấy. Cử tọa rất hiểu những chờ đợi của ông chủ đối với đầy tớ của ông.
Tác giả Lc đã đặt dụ ngôn này ở cuối một vài lời nói không liên kết với nhau tại nguồn (cc. 1-6). Tuy nhiên, bài dụ ngôn của chúng ta bắt đầu với câu hỏi của Đức Giêsu ở c. 7, hẳn là ít ra phải liên hệ với c. 6, bởi vì câu hỏi của Đức Giêsu đi theo c. 6 mà không có chỗ nghỉ hoặc một lời dẫn nhập.
Những gì chúng ta đọc được ở cc. 5-6 liên hệ đến đức tin. Các môn đệ xin đức tin, nhưng qua câu hỏi, ta hiểu là họ đã có đức tin. Nhưng lời của Đức Giêsu dường như lại gợi ý rằng họ có ít đức tin hơn họ tưởng; thậm chí họ không có đức tin lớn bằng hạt cải, là thứ hạt giống nhỏ nhất. Lý do khiến các ông xin thêm đức tin là vì nội dung lời rao giảng trước đó của Đức Giêsu (tha thứ cho người xin tha, bất kể số lần) rất khó tuân theo. Có thêm đức tin, họ sẽ có thể vâng theo. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc gia tăng đức tin, nhưng Người quả có nghi ngờ là các ông không có đủ đức tin để vâng lời Thiên Chúa, là Chủ của họ và đối tác ký giao ước với họ.
Lời than thở này của Đức Giêsu về đức tin của các môn đệ gợi ý là có một dây liên kết với bài dụ ngôn. Nhận ra rằng các môn đệ hiểu lầm là các ông đã có đức tin, mà thật ra các ông không có một đức tin để luôn luôn vâng lời, Đức Giêsu tận dụng khái niệm “vâng lời” mà đưa ra một dụ ngôn liên hệ trực tiếp đến tư cách môn đệ: họ là những đầy tớ. Theo một nghĩa nào đó, đối với các đầy tớ, vâng theo các lệnh của ông chủ thì không khó khăn gì. Nhưng phải nhìn xa đến việc vâng lời chủ trong cả những hoàn cảnh khó khăn. Thực tại ông chủ-đầy tớ là một ví dụ tốt cho việc sống đời sống tôn giáo: đầy tớ phải hành động như đầy tớ. Các môn đệ đáng nhận lời Đức Giêsu chỉ trích về tình trạng thiếu đức tin, nhưng qua bài dụ ngôn, họ được yêu cầu nhìn đến bản thân để thấy rõ sự thật của họ: họ là những đầy tớ phải vâng lời Đức Chúa. Những giáo huấn của Đức Giêsu di trước cc. 5-6 rất khó nghe, nên đòi hỏi tin tưởng vào sự khôn ngoan của Đức Giêsu và qua Người, vâng lời Thiên Chúa. Có ai nghĩ rằng mình có đức tin mà lại không vâng theo các giáo huấn của Đức Giêsu? Đúng ra, chúng ta phải lắng nghe Đức Giêsu như là những đầy tớ, cho dù các khó khăn của các điều răn của Người có thế nào. Hiểu như thế, dụ ngôn có một đường nối với những gì đi trước: giáo huấn thì cứng rắn (không được làm bất cứ điều gì làm suy yếu đức tin của người thân cận do không tha thứ), nhưng đây là ý muốn của Chúa, và chúng ta, những đầy tớ của Người, chúng ta biết vai trò của mình và vâng phục.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần :
1) Đức tin (17,5-6);
2) Dụ ngôn Người tôi tớ (17,7-10).
3.- Vài điểm chú giải
– xin thêm lòng tin (5): Câu này có thể hiểu là: xin thêm đức tin vào niềm tín thác mà chúng con đã có, hoặc thêm tin tưởng vào những ân huệ khác mà chúng con đã lãnh nhận. Dựa theo văn cảnh, có thể ưu tiên hiểu theo nghĩa đầu.
– Hạt cải (6): Tiếng Hy Lạp là kokkos sinapeôs, tiếng Pháp là graine de moutarde, tiếng Anh là mustard seed. Cây sinapi (ta tạm dịch là “cây cải”) là một loại cây thông dụng bên Paléttina, có thể cao tới ba hoặc bốn thước, dạng mộc với các cành tỏa rộng. Hạt của nó không phải là nhỏ nhất trong các loại hạt, nhưng nhỏ nhất trong các loại hạt được người ta gieo trồng, được dùng làm mù-tạc và được tục ngữ Do Thái dùng mà chỉ những gì nhỏ nhất.
– cây dâu (6): Từ Hy Lạp sykaminos (1 V 10,27; 1 Sb 27,28 … Bản LXX) để dịch từ Hípri shiqmâh; thế mà shiqmâh là “cây sung” (HL sykomorea, “sycamore”). Vậy hẳn sykaminos ở đây cũng là sykomorea ở Lc 19,4: tác giả Lc dùng không phân biệt hai từ này. Dù sao, tác giả muốn nêu ra hình ảnh một cây khá to.
– đầy tớ (7): Tiếng Hy Lạp là doulos: người nô lệ hoàn toàn lệ thuộc người chủ và đón nhận mọi sự từ người chủ như những ân huệ (x. Tv 123,2). Vào thế kỷ i, xã hội được phân chia thành các giai cấp, chủ nhân và đầy tớ. Đa số các công nhân là đầy tớ của một ông chủ thì sống trong một ngôi làng và ra đi làm việc cho ông chủ, rồi lại trở về làng với một số tiền nhỏ là công lao động. Đôi khi những người này chờ nơi quảng trướng để mong có ông chủ nào thuê họ, vào bất cứ lúc nào. Một loại đầy tớ khác, đó là người sống trong nhà của chủ, nên không có tiền công.
– lại bảo nó…? (7): Câu hỏi này chờ đợi câu trả lời là “không”.
– Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn…? (9): Câu hỏi này chờ đợi câu trả lời là “không”.
– vô dụng (10): Từ Hy Lạp là achreios có nghĩa chữ là “vô ích, vô dụng” (useless), nhưng ở đây, nghĩa thích hợp hơn, đó là “không sinh lợi lộc” (unprofitable), bởi vì chỉ làm đúng bổn phận. TOB dịch là quelconque (= bon à rien), NAB dịch là unprofitable, New International Version dịch là unworthy. Dịch là “vô dụng” dường như không đúng, vì ba lý do: 1) Người đầy tớ trong dụ ngôn đã tỏ ra có ích vì làm việc trong cánh đồng suốt ngày; 2) Trong việc chúng ta vâng lời Thiên Chúa, Người không bao giờ gọi chúng ta là “vô dụng” cả; Kinh Thánh không có chỗ nào ghi nhận như thế cả; 3) Từ ngữ Hy Lạp achreios này rất hiếm, nên trong văn chương Hy Lạp, không có ví dụ để giúp xác định ý nghĩa đúng của nó. Dựa vào ngữ cảnh, co thế hiểu “vô dụng” đây là người đầy tớ không có quyền gì mà yêu cầu được đối xử khác với những gì tư cách anh cho anh được hưởng.
4.- Ý nghĩa của bản văn* Đức tin (5-6)
Chúng ta không biết động lực nào đã thúc đẩy các tông đồ xin Đức Giêsu thêm lòng tin cho các ông. Rất có thể đó là những khó khăn trong cuộc sống của những người đi theo Đức Giêsu, như ta hé thấy ở Lc 17,1-4. Đức Giêsu đã trả lời các tông đồ không phải bằng cách cho một định nghĩa về đức tin mà bằng cách ca ngợi sức mạnh của lòng tin, với những hình ảnh có vẻ phi lý; Người nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của đức tin. Nếu người ta có một lòng tin tưởng chân chính và thực hữu nơi Thiên Chúa, thì sẽ xảy ra điều không sao làm được theo các tiêu chuẩn loài người. Để diễn tả điều này, Đức Giêsu dùng các hình ảnh là “chuyển núi dời non” (x. Mt 17,20) hoặc “nhổ bật rễ cây dâu mà trồng xuống biển”. Người muốn nói rằng lòng tin, dù nhỏ bé, luôn luôn là hiệp thông với Thiên Chúa, tức là thông dự vào quyền lực của Ngài, mà đối với quyền lực Thiên Chúa thì không có gì là giới hạn cả. Cho dù Thiên Chúa có đặt người môn đệ trước những nhiệm vụ và đòi hỏi nhìn bề ngoài thì thấy không thể làm được, Ngài vẫn có thể giúp họ có khả năng thực hiện được. Cho dù Ngài hứa một điều loài người thấy là không thể làm được, Ngài vẫn có thể làm được: trong dạng triệt để nhất, điều này xảy ra với việc kẻ chết sống lại. Chính vì thế Đức Giêsu đã nói với những kẻ được Người giúp đỡ: “Lòng tin của con đã cứu con” (Lc 7,50; 8,48; 17,19; 18,42).
* Dụ ngôn Người tôi tớ (7-10)
Với công thức Người chọn để đưa vào bài dụ ngôn, Đức Giêsu lôi kéo cử tọa dấn thân ngay; họ được mời gọi hãy phán đoán. Đây là kỹ thuật thường được Đức Giêsu vận dụng. Họ đều đã trải qua kinh nghiệm Đức Giêsu mô tả, nên có thể trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng câu chuyện, trong khi là một lời mời gọi trực tiếp gửi đến các thính giả, cũng nhắm đưa tới câu trả lời chính Đức Giêsu cung cấp ở c. 10.
Dụ ngôn được kể trong các câu 7-10 có thể coi như một xác định lập trường đối lập lại với giáo lý của người Pharisêu về việc ban thưởng cho các việc lành (x. Lc 18,18: “tôi phải làm gì?”; Lc 18,11-12: người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện). Nền tảng của tương quan của chúng ta với Thiên Chúa hệ tại sự kiện Ngài là Chúa của chúng ta, nên chúng ta phải quan tâm đến và thi hành ý muốn của Ngài. Chúng ta không phải là những chủ nhân tự do và độc lập, vì Thiên Chúa luôn luôn có điều gì đó để nói với chúng ta. Tuy nhiên, trước khi yêu cầu chúng ta điều gì, Ngài đã ban cho chúng ta rất nhiều ân huệ rồi: sự sống, các khả năng … Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa về cuộc sống, nên từ nơi Ngài, phát xuất các bổn phận của chúng ta. Ngài xác định cho chúng ta đâu là con đường phải theo và đâu là mục tiêu. Chúng ta chịu trách nhiệm trước nhan Ngài và chúng ta sẽ phải trả lời với Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng phải biết rằng Ngài không yêu cầu chúng ta điều vì võ đoán và phi lý. Chúng ta phải tôn trọng Ngài và nhìn nhận Ngài là Đấng tạo hóa và Chúa tể của chúng ta. Đối với người anh em, chúng ta phải kính trọng và gán cho họ phẩm giá của chính chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ phải hành động như những người quản lý trung thành, có trách nhiệm. Khi làm mọi việc, chúng ta phải ý thức rằng mình chỉ làm các việc bổn phận mà thôi. Tuyệt đối không bao giờ được tưởng rằng mình đã ban một ân huệ cho Thiên Chúa khi tuân giữ các giới răn của Ngài và chu toàn các bổn phận của chúng ta.
Dụ ngôn này cũng được các nhà chú giải hiểu là được ngỏ riêng với các thủ lãnh trong Hội Thánh: Các ngài đừng dừng lại nghỉ ngơi vì cho rằng mình đã làm đủ rồi. Đức Giêsu gợi lại hoàn cảnh xã hội thời đó, có chủ nhân và nô lệ với tương quan được xác định rõ ràng. Nô lệ luôn luôn phải đưa mắt nhìn về phía chủ mà đón nhận mọi mệnh lệnh. Khi thi hành các mệnh lệnh, nô lệ chỉ làm “việc bổn phận” mà thôi. Tất cả thì giờ, tài nguyên, sức lực của con người phải được tận dụng mà phục vụ Thiên Chúa. Rồi khi đã chu toàn công việc, con người không được khoe khoang hoặc đòi hỏi những quyền lợi hoặc phần thưởng đặc biệt. Tác giả muốn khẳng định rằng nơi người tín hữu, mọi sự đều là ơn Chúa, lòng tin cũng là một ơn Chúa. Tất cả những gì con người nhận được đều không hề tỷ lệ với những gì họ đã làm. Mọi sự đều là hồng ân phát xuất từ lòng nhân lành và từ bi của Thiên Chúa, chứ không do một khoản hợp đồng giao kèo nào cả.
+ Kết luận
Đức tin là niềm tín nhiệm không lay chuyển rằng Thiên Chúa có quyền năng vượt mọi múuc độ loài người; Ngài đầy tình yêu, Ngài không quên chúng ta, Ngài hướng dẫn chúng ta đến chỗ thành toàn. Với cái nhìn đức tin, chúng ta hiểu mình chỉ là những tôi tớ, lại là tôi tớ “vô dụng” vì chỉ biết làm những việc phải làm. Hiểu như thế chẳng hề làm chúng ta nản chí, bởi vì chúng ta biết rằng mọi sự là của Thiên Chúa, là do Ngài. Người tin vào Đức Giêsu và Thiên Chúa được thúc bách xác định bản than tùy theo tương quan của mình với Thiên Chúa: người ấy là đầy tớ của Thiên Chúa và phải vâng phục Ngài, cho dù giáo huấn của Ngài có khó khăn đến đâu. Người ấy không là gì khác ngoài thân phận đầy tớ, và chỉ được vinh quang vì là đầy tớ. Người ấy không vô dụng, nhưng luôn luôn là đầy tớ, và không là gì khác, trong tương quan với các điều răn của Thiên Chúa. Thật ra, được làm việc cho Ngài đã là một vinh dự rồi, thì sao lại còn chờ đợi có phần thưởng? Và như thế, cuộc sống mai sau cũng là một hồng ân.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đứng trước các trách nhiệm cũng như các khó khăn của cuộc đời, chúng ta noi gương các tông đồ, không tránh né, không tìm cách giảm thiểu, nhưng xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin. Chúng ta xin Người giúp kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa. Chỉ duy Thiên Chúa mới có thế giúp đỡ chúng ta làm những việc mà người đời nghĩ rằng sức con người không sao làm nổi.
2. Nhờ đức tin, người tín hữu mở lòng ra đón lấy sự giúp đỡ của Đức Giêsu và như thế họ được chính quyền năng của Người đến hỗ trợ. Cho dù đức tin của họ nhỏ bé, cho dù nó chỉ như một hạt cải, nếu nó thực sự là đức tin đặt nơi Ngài, thì chính Thiên Chúa sẽ làm cho họ tiến tới. Điều cần thiết là họ không khép lòng lại với Ngài, ít ra họ giơ bàn tay về phía Ngài. Thiên Chúa sẽ không để họ phải té ngã. Ngài sẽ nắm chắc bàn tay của họ và dẫn đưa họ tới đích.
3. Không chỉ khuyên chúng ta tin, Chúa Giêsu còn cầu nguyện cho niềm tin của chúng ta, như Người đã từng nói với Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32). Bằng cách đó, Đức Giêsu đưa lời thỉnh cầu của các môn đệ là được thêm lòng tin đến chỗ thành toàn viên mãn. Chính Người ngỏ lời với Chúa Cha để gửi gắm các môn đệ. Chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho mình, cho nhau, đồng thời chúng ta cậy dựa vào lời chuyển cầu của Chúa Giêsu.
4. Khi đọc Dụ ngôn Người tôi tớ, chúng ta không nên đi lạc sang đề tài “chủ nô” của triết học Tây phương, cũng đừng chạnh lòng về mặt luân lý mà cho rằng Thiên Chúa chỉ coi chúng ta như những nô lệ! Trong Tin Mừng Luca, không thiếu những đoạn văn nói về những tương quan và thái độ của Thiên Chúa đối với con người với nội dung hoàn toàn khác (x. Lc 11,5; 15,3-7; 15,11-32; v.v.). Ở đây, tác giả chỉ nhắc lại một hoàn cảnh quen thuộc với các thính giả để rút ra những bài học thần học. Đó là: người tín hữu, người môn đệ hoặc người tông đồ phải có thái độ khiêm tốn, mà không nô lệ, ở trước nhan Ngài, nhất là đối với những đề nghị của Ngài.
5. Bởi vì Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng người môn đệ chỉ là một “tôi tớ” và là tôi tớ “vô dụng”, chúng ta hiểu rằng: chu toàn các nhiệm vụ được giao phó không nhất thiết bảo đảm cho phần rỗi của mình; khi đã làm tất cả những việc được giao rồi, người môn đệ vẫn ý thức rằng cuộc sống đang chờ mình ở bên kia thế giới cũng là một ân huệ. Như thế, quả thật, không có chỗ nào dành cho sự vênh vang, tự hào tự mãn cả.
6. Đôi khi chúng ta có lối suy nghĩ y như thể nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta ra sức bước theo nẻo chính đường ngay, thì Thiên Chúa phải biết ơn chúng ta. Quả thật, Thiên Chúa vui mừng về những cố gắng của chúng ta, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta đã làm cho Ngài vui thích. Thiên Chúa không hề lệ thuộc vào bất cứ điều gì chúng ta làm cả. Ngài không cần lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài cũng không cần nỗ lực của chúng ta để sống với người khác. Chính chúng ta mới cần sống cho tương hợp với ý nghĩa của đời sống chúng ta, để trở thành những con người trung thực. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa không bao giờ thua chúng ta về sự tốt lành và quảng đại. Là Đức Chúa, Ngài sẽ cho các tôi tớ trung thành ngồi vào bàn ăn và phục vụ họ (Lc 12,37).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm