HỘI THÁNH
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 10, 1-9
NGẪM
CÂU HỎI GỢI Ý:
1. Chủ đề của các bài đọc hôm nay?
2. Hội Thánh của Thiên Chúa có những đặc điểm gì?
3. Nhiệm vụ của chúng ta, người được sai đi?
SUY TƯ GỢI Ý:
1. Chủ đề: Hội Thánh
Nếu tinh ý, ta nhận ra ngay ý tưởng chủ đạo mà Giáo Hội muốn truyền đạt cho ta qua các bài đọc, đó là Hội Thánh. Trong bài đọc một, Ngôn sứ I-sai-a diễn tả Thành Đô Giê-ru-sa-lem hết sức vui tươi, đáng yêu và đầy ân sủng. Thành Đô có khả năng thoả mãn chúng ta trong việc cho ta nếm trải mùi vinh quang, sự an bình, nỗi ủi an, niềm hoan lạc. Thực ra, Giê-ru-sa-lem là trung tâm văn hoá và tôn giáo của Ít-ra-en thời đó. Tuy dù đền thờ này có nguy nga và tráng lệ đi nữa, nó cũng không thể được diễn tả như một nhân vật toàn năng muốn ban phát cho ai ơn gì tuỳ thích. Đó phải là thuộc tính của một thực tại khác, một thực tại siêu nhiên huyền nhiệm hơn. Lại nữa, I-sai-a là một ngôn sứ, nhiệm vụ chính yếu của ông là tiên đoán những sự việc của tương lai. Vì thế chắc chắn ông không nhằm mỗi một mục đích là miêu tả Thành Đô của thời bấy giờ. Mà qua thành đô, ông muốn diễn tả một thực tại khác : Hội Thánh, một Giáo Hội đầy ân sủng. Đây là thành Giê-ru-sa-lem mới, một thành đô thượng giới (x Gl 4, 26), (x Kh 21, 1-7; 9b-14; 22-23).
Trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã hai lần nhắc lại :” Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” ( Lc 10, 9b. 11b). Vậy Triều Đại Thiên Chúa là gì nếu không là Hội Thánh, là nước Chúa? Và bài đọc hai cũng cho ta biết những ưu điểm đặc biệt của con dân sống trong NƯỚC này. Bề ngoài, họ vẫn là người trong một xã hội với những chiều kích giới hạn, đầy tội lỗi, đau thương và cực nhọc như bao người chưa có đức tin. Nhưng bên trong, họ hãnh diện về Thập giá Đức Kitô, suối nguồn của sự sống mai hậu. Những gì mà thế gian cho là nhục nhã thì họ cho là nguồn đem lại vinh quang. Những gì thế gian cho là đau khổ thì họ lại đánh giá là nguồn đem lại hạnh phúc vĩnh cữu. Họ không còn là nô lệ của luật Môi-sê, nhưng được tự do làm bất cứ điều gì mà Tình Yêu thúc đẩy. Như vậy, Thành Đô Giê-ru-sa-lem mới có những đặc điểm gì?
2. ĐẶC ĐIỂM CỦA THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM MỚI (Hội Thánh)
Thành Đô mới tức là Hội Thánh có những đặc điểm:
– Duy nhất. Ta thấy Cựu Ước không dặt một thành nào khác ngang hàng với Giê-ru-sa-lem. Thật sự không có một thành đô nào sánh bằng Giê-ru-sa-lem về bất cứ phương diện nào. Thành Đô này huy hoàng nhất, được Thiên Chúa yêu thương nhất, được ban nhiều ân huệ nhất, được chọn làm biểu tượng của sự hiệp nhất dân Chúa (x Is 2, 1-5);(x Mk 4, 1-4). Còn Tân Ước xem Hội Thánh là THÂN THỂ thể của Đức Kitô.
– Thánh thiện. Đền thờ do vua Salomon xây cất và được vinh quang Thiên Chúa hiến thánh (x 1V 8, 1-7; 9-12; 22-23.). Hội Thánh có Chúa Kitô là đầu, nên Hội Thánh vô cùng thánh thiện.
– Công giáo. Thành đô mới không những là nơi tụ họp và thờ phượng của con cái Ít-ra-en mà còn cho cả ngoại kiều (x Is 56, 1-3); (Gl 4, 27). Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều không những dể đám đông theo Chúa ăn no nê, mà còn dư ra mười hai thúng đầy. Cho ai? Há chẳng phải là Chúa Giê-su có ý dành cho những kẻ sẽ gia nhập vào đoàn chiên Ngài trong tương lai?
– Tông truyền: Thành Đô được các ngôn sứ ca tụng trong Cựu Ước. Còn Hội Thánh được chính các tông dồ cộng tác với Chúa để thiết lập, củng cố và phát triển mỗi ngày cho đến tận cùng trái đất.Mỗi khi có dịp, chúng ta đều tuyên xưng một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Nhưng ta có saün sàng tiếp nối công việc của các tông đồ không?
3. Sứ mạng truyền giáo
Tốt khoe, xấu che. Ta biết Hội Thánh của Chúa tuyệt vời và đem lại sự sống trường sinh.
Thế tại sao ta không tích cực giới thiệu cho những nguời chung quanh ? Theo nếp nghĩ thông thường , việc truyền giáo là bổn phận của hàng giáo sĩ và tu sĩ. Nhưng Chúa Giê-su đã không chỉ sai mười hai Tông đồ, mà Ngài còn sai bảy mươi hai môn đệ đi loan báo Tin Mừng của Ngài. Con số 72 có ý nghĩa vô lượng, gồm có ta trong đó. Vấn đề là ta cần có gì cho hành trang của mình?
– Gọn nhẹ. Tư trang chỉ cần điều kiện ắt có và đủ. Phải có tinh thần từ bỏ, không dính bén. Ta đừng tuyên khấn đức khó nghèo để bắt người khác phải giữ. Còn chính ta thì nệ vào điều kiện tối thiểu để ăn sung mặc sướng.(Lc 10, 4a)
– Hành động. Thường người ta nói nhiều làm ít. Người dạy tâm lý thì có cuộc sống không hoà hợp với tha nhân. Kẻ chủ trương vô sản thì giàu có nhất vùng. Đừng ba hoa,hãy bắt tay (Lc 10, 4b).
– Khiêm nhường. Điều đầu tiên các tông đồ khoe với Chúa Giê-su là họ vui mừng vì đã trừ được quỉ. Chúa Giê-su thì lại khuyên họ đừng hãnh diện về việc ấy. Nhưng hãy vui vì mình đã làm được một điều thiện (Lc 10,20).
NGUYỆN
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con có lòng yêu mến Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập. Xin cho con biết chứng tỏ lòng yêu mến ấy bằng hành động thiết thực. Để những ai tiếp xúc vớicon đều ao ước được gia nhập vào một ràng chiên có cùng một Chúa chiên. Amen.
Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa.