“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6
“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
Xướng: Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28
“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.
Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
Tin Mừng: Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
ĐẠO CHÚA LÀ ĐẠO YÊU NHAU
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61). Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giê-su cho biết mọi giới răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm trước đây, các Ki-tô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương dân.
Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa. Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo” không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ như yêu mến Chúa.
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXI năm B này thắp sáng luật yêu thương: Cựu Ước mặc khải cho chúng ta “Mến Chúa”, trong khi Tân Ước mặc khải cho chúng ta “Mến Chúa và yêu người”.
Đnl 6: 2-6
Bài Đọc I, trích từ sách Đệ Nhị Luật, chứa đựng lời tuyên tín nổi tiếng của Ít-ra-en: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.
Dt 7: 23-28
Thư gởi tín hữu Do thái khẳng định chức tư tế của Đức Ki-tô cao vời khôn ví hơn chức tư tế của Cựu Ước.
Mc 12: 28-34
Tin Mừng tường thuật cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với một kinh sư trong đó Đức Giê-su hiệp nhất “Mến Chúa” với “yêu người”.
BÀI ĐỌC I (Đnl 6: 2-6)
Bản văn này, đỉnh cao sứ điệp của sách Đệ Nhị Luật, giải thích giới răn thứ nhất của Thập Giới, được đặt trên môi miệng của ông Mô-sê.
1. Mến Chúa đối với Ít-ra-en:
Đức Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa duy nhất mà con người không chỉ kính sợ nhưng còn phải yêu mến hết lòng hết dạ và hết sức nữa. Đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa đã bảy tỏ cho dân Ngài, mỗi người phải trọn tình vẹn nghĩa với Thiên Chúa của mình.
Dân Chúa chọn đã hiểu sự mới mẽ tận mức của giới răn này đem lại cho tôn giáo của họ một tính chất đặc thù. Họ đã tuyên xưng giới răn này và đặt giới răn này vào trung tâm của kinh nguyện được gọi kinh Shê-ma (“Nghe đây”), mà suốt nhiều thế kỷ qua những tín hữu đạo hạnh của Ít-ra-en thường ngày đọc vào ban sáng và ban chiều. Vào thời đó, lời tuyên tín này được tôn kính đến mức người ta ghi trên những mảnh vải và cuộn vào hộp kinh để mang trên cánh tay hay trên trán. “Mến Chúa” phải được bày tỏ qua thái độ “kính sợ Chúa”, tuân giữ các giới răn của Ngài và bận lòng thông truyền đức tin.
2. Kính sợ Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài:
Kiểu nói Kinh Thánh: “Kinh sợ Chúa”, không có nghĩa sự sợ hãi; đây là thái độ tôn kính đầy niềm tin, khi ý thức về sự cao cả của Thiên Chúa. Tuân giữ các giới răn là bổn phận xuất phát từ Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Sách Đệ Nhị Luật được trình bày như bài giáo lý về Giao Ước. Để đáp trả sự trung thành của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Ngài, dân Ít-ra-en phải trung thành với Thập Giới, nền tảng của Giao Ước. Thiên Chúa đã hứa cho dân du mục này một miền đất trong đó họ sẽ được an cư lạc nghiệp và trở thành một quốc gia vĩ đại. Thay vì sa mạc khô cằn nắng cháy, Thiên Chúa đã hứa cho họ “một miền đất tràn đầy sữa và mật ong” với điều kiện là tuân giữ các giới răn của Ngài.
3. Thông truyền đức tin:
Tầm quan trọng của việc giáo dục tôn giáo trong gia đình là lời kêu gọi khẩn thiết của tác giả sách Đệ Nhị Luật. Lời kêu gọi này được lập đi lập lại nhiều lần (Đnl 4: 9; 6: 20; 32: 7). Tác phẩm của ông là lời cảnh giác thường hằng coi chừng những nguy hiểm của môi trường ngoại giáo chung quanh. Việc gìn giữ các truyền thống và bận lòng thông truyền đức tin thuộc vào những đòi hỏi căn bản tất yếu đối với sự tồn vong của dân Ít-ra-en.
Sách Đệ Nhị Luật thấm đẫm tính nhân bản cũng như tính siêu việt. Thiên Chúa mà sách trình bày là một Thiên Chúa gần gũi với dân Ngài, dân mà Ngài bày tỏ lòng trìu mến và xót thương. Sách Đên Nhị Luật mang dấu ấn giáo huấn của các ngôn sứ lớn như A-mốt, Hô-sê, I-sai-a, đồng thời sách chuẩn bị sứ điệp của Tin Mừng.
BÀI ĐỌC II (Dt 7: 23-28)
Sau khi đã chứng minh Đức Ki-tô đã sở hữu những phẩm trật tư tế – liên đới với loài người và được Thiên Chúa đặt làm tư tế – tác giả sẽ cho thấy những nét khác biệt giữa chức tư tế của Đức Ki-tô và chức tư tế của Cựu Ước. Tác giả nhắm đến tác vụ trung gian của Đức Ki-tô phục sinh.
1. Đức Ki-tô là Thượng Tế đời đời:
Đức Ki-tô là Thượng Tế đời đời; Ngài là Đấng trung gian hoàn hảo vì “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến gần Thiên Chúa”. Vị thượng tế Do thái mỗi năm một lần bước vào nơi cực thánh để cầu bầu cho dân vào ngày lễ Xá Tội, còn Đức Giê-su, “thật ra, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ”.
2. Đức Ki-tô là Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn:
Đức Ki-tô là Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn. Nếu trong cuộc sống tại thế, Ngài đã tự mình liên đới với những người tội lỗi, từ nay Ngài “được nâng cao vượt các tầng trời”, nghĩa là dự phần vào tính siêu việt của chính Thiên Chúa. Trái lại, các tư tế theo luật Mô-sê, những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, phải dâng lễ tế hy sinh, “trước là để đền tội của mình, sau là để đền tội thay cho dân”.
3. Đức Giê-su được đặt làm tư tế với lời thề:
Cuối cùng, một lần nữa tác giả trích dẫn Tv 110 để nhấn mạnh phẩm trật tư tế đặc biệt của Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Thượng Tế với lời thề, còn các tư tế theo luật Mô-sê thì không có lời thề. Quả thật, Thánh Vịnh nói: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”. Bản văn này đã đến sau này, nghĩa là sau ông Mô-sê, hàm chứa một giai đoạn cao cả trong Mặc Khai và loan báo một mức độ hoàn hảo, mà Đức Giê-su thực hiện với tư cách là Con Thiên Chúa. Tác giả ngỏ lời cách tinh tế với các Ki-tô hữu gốc Do thái trong số họ chắc chắn có những tư tế của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
TIN MỪNG (Mc 12: 28-34)
Thánh Mác-cô cũng như thánh Mát-thêu đặt cuộc đối thoại của Đức Giê-su với một kinh sư này vào những ngày Đức Giê-su giảng dạy tại Giê-ru-sa-lem. Cuộc đối thoại này liên quan đến điều răn nào là quan trọng nhất trong số 613 giới luật Cựu Ước (365 điều cấm và 248 điều buộc), một đề tài thường được đặt ra cho các kinh sư Do thái. Câu trả lời của Đức Giê-su phối hợp hai câu trích dẫn Cựu Ước: Đnl 6: 4-5 và Lv 19: 18, quả thật nhấn mạnh tính chính thống lời dạy của Ngài như một kinh sư Do thái và minh chứng Ngài đi cho đến tận ngọn nguồn của sự việc. Cuộc đối thoại này quan trọng không chỉ vì sự độc đáo của nó mà còn vì điểm nhấn của nó trên những tư thế nội tâm.
Bản văn này có thể chia làm bốn phần được cấu trúc theo hình thức “đối xứng xen kẻ” như sau:
A – Vị kinh sư hỏi (12: 28).
B – Đức Giê-su trả lời (12: 29-31).
A’ – Vị kinh sư bình phẩm (12: 32-33).
B’-Đức Giê-su khen ngợi (12: 34).
A – Vị kinh sư hỏi (12: 28):
- “Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau”: Câu này được dùng để nối kết cuộc tranh luận trước đó với cuộc đối thoại theo sau. Ông kinh sư này là một trong những người chứng kiến cuộc tranh luận của Đức Giê-su với nhóm Xa-đốc về kẻ chết sống lại.
– “Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi”: Khi thấy Đức Giê-su đối đáp với nhóm Xa-đốc về cuộc sống mai hậu cách khúc chiết, mạch lạc dựa trên nền tảng Kinh Thánh, vì thế ông chân thành muốn hỏi Đức Giê-su để mong gặp thấy một giải đáp. Thái độ thành tâm thiện chí muốn hiểu biết của ông khiến cuộc nói chuyện thành một cuộc học hỏi chân thành và cởi mở hơn là một cuộc tranh luận (khác với Mt 22: 35 và Lc 10: 25).
– “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”: Vị kinh sư nêu câu hỏi nầy không có bất kỳ ác ý nào. Câu hỏi của ông thật sự phản ảnh nỗi bận lòng của trường phái kinh sư vào thuở đó.
Các kinh sư đều xem lề luật là ý muốn của Thiên Chúa, vì thế, thực thi lề luật chính là trung thành với Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Tuy nhiên, có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng tìm cách cách mở rộng lề luật cách vô hạn định ra thành muôn vàn điều luật và quy tắc để làm thế nào lề luật có thể được thực thi trong mọi cảnh huống cuộc sống của dân Chúa chọn. Còn khuynh hướng thứ hai thì cố tìm cách thu gọn lề luật vào trong một câu cô động cái tinh thần cốt yếu của lề luật.
Thật ra, cả hai khuynh hướng: mở rộng cũng như thu gọn lề luật, vẫn thường hằng hiện diện trong những cuộc tranh luận giữa các kinh sư với nhau. Có những người tin trong luật có những vấn đề nặng nhẹ khác nhau, có nhiều nguyên tắc đáng xem là quan trọng hơn mà người ta phải lãnh hội và thi hành trước nhất. Nhưng có nhiều người khác cực lực chống lại, họ chủ trương rằng một nguyên tắc nhỏ nhặt cũng có tính bắt buộc y như một nguyên tắc quan trọng nhất, vì thế cố phân biệt chỗ khác nhau tương đối giữa chúng, là điều vô cùng nguy hiểm.
Khi hỏi Đức Giê-su như thế, vị kinh sư chân thành muốn biết trong số 613 điều luật Cựu Ước (gồm 365 điều cấm và 248 điều buộc) điều răn nào Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm trước và làm cách triệt để.
B – Đức Giê-su trả lời (12: 29-31)
- “Điều răn đứng hàng đầu là: ‘Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất…’”: Đức Giê-su trích dẫn Đnl 6: 4-5, đây là bản văn đầu tiên trong số ba bản văn (Đnl 6: 4-9; 11: 13-21; Ds 15: 37-41) đã trở thành kinh “Shê-ma” (“Nghe đây”) được xem như kinh “Tin Kính” của Do thái giáo và được những người Do thái mộ đạo đọc mỗi ngày hai lần. Giới răn mến Chúa phát xuất từ bản tính của Người là Thiên Chúa duy nhất. Bổn phận mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” không nhằm quy chiếu đến những phần riêng biệt của con người, nhưng nhấn mạnh rằng toàn thể con người phải yêu mến Chúa tận mức, một cách tuyệt đối. Kinh Shê-ma được chép lại trên một tấm vải nhỏ cuộn vào một hộp nhỏ bằng da mà người Do thái ngoan đạo đeo trên trán và trên cườm tay khi cầu nguyện như nhắc nhở tín điều của tôn giáo mình.
- “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”: Dù chỉ được hỏi một điều răn, Đức Giê-su nói thêm điều răn thứ hai khi trích dẫn Lv 19: 18b (x. Rm 13: 9; Gl 5: 14; Gc 2: 8). Khi trích dẫn câu này, Chúa Giê-su sửa đổi một điểm. Trong nguyên văn, “người thân cận” được giới hạn chỉ trong vòng người Do thái chứ không bao gồm dân ngoại như câu mở đầu của huấn lệnh này cho thấy: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi” (Lv 19: 18a). Nhưng trong câu trích dẫn của Chúa Giê-su, yêu “người thân cận”phải bao gồm với hết mọi người và đạt tới mức độ cao nhất như yêu chính mình: “thương người như thể thương thân”, vì theo lẽ tự nhiên, ai nấy đều quý trọng, yêu thương bản thân hơn người khác.
Giáo Huấn của Đức Giê-su mang tính mới mẽ khi Người ghép chung hai điều răn “Mến Chúa” và “Yêu người” vào với nhau. Trước đó, chưa có một kinh sư nào làm như vậy. Trong bản văn của thánh Mát-thêu, điều răn “Yêu người” đồng nhất với điều răn “Mến Chúa”: “Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy” (Mt 22: 39); còn trong bản văn của thánh Mác-cô, hai điều răn “Mến Chúa” và “Yêu người” được đặt bên cạnh để chuẩn bị cho việc lượng giá chúng ngang bằng giá trị:“Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12: 31). Trong Tân Ước, lời giải thích về “Mến Chúa” và “Yêu người” của thánh Gioan là hay nhất: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy’” (1Ga 4: 20).
A’ – Vị kinh sư bình phẩm (12: 32-33):
- “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng”: Vị kinh sư này tán đồng câu trả lời của Đức Giê-su và bình phẩm câu trả lời của Người mà không có bất kỳ hậu ý nào về sự thù ghét hay châm biếm. Thật ra, vị kinh sư chỉ lập lại hai câu Kinh Thánh Chúa Giê-su đã trích dẫn, với từ ngữ có vẻ sát với thực tế hơn.
– “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác”: Trước hết, ông nhấn mạnh thêm khía cạnh độc tôn của Thiên Chúa.
- “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu mến người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”: Rồi, ông kết luận rằng “mến Chúa và yêu người” phải được coi trọng hơn mọi hy lễ. Lời này của vị kinh sư khiến chúng ta liên tưởng đến Hs 6: 6 và 1Sm 15: 22.
Khi nhận định như vậy, vị kinh sư không cố ý khẳng định rằng nền phụng tự Đền Thờ đã bị hủy bỏ, nhưng đã trở nên tương đối hóa đi rất nhiều. Thật ra, trong Cựu Ước đã có những tư tưởng chuẩn bị cho việc phê phán nền phụng tự Đền Thờ như thế (1Sm 15: 22; Tv 51: 20t; 40: 7; Cn 21: 3), đặc biệt với các ngôn sứ như ngôn sứ Hô-sê: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được người nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6: 6; x. Is 1: 11-17).
Vì thế, không cần phải giải thích lời của ông như lên án nền phụng tự Đền Thờ. Trong trật tự của ông, mến Chúa và yêu người là những nguyên tắc hàng đầu của nền phụng tự Đền Thờ, là linh hồn của mọi hy lễ dâng tiến Thiên Chúa. Nhưng điều đáng nói ở đây, một nhà thần học Do thái đã nhận định như thế tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nghĩa là ngay tại nơi dâng hy lễ.
B’ – Đức Giê-su khen ngợi (12: 34):
- “Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy”: Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su thường có cái nhìn về giai cấp lãnh đạo Do thái rất tiêu cực, nhưng ở đây Người nhận định câu trả lời của vị kinh sư này rất tích cực.
– “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”: Còn hơn tương lai, ở đây Nước Thiên Chúa đang ở trong tầm tay và xem ra có một chiều kích không gian. Việc ông hiểu đúng điều gì là quan trọng trong lề luật Cựu Ước đặt ông gần với Nước Thiên Chúa đang đến và chuẩn bị ông đón nhận nước đó một cách thích đáng (x. 10: 13-16).Ẩn sau những hỏi đáp này, chính là cuộc đối thoại sâu xa giữa Chúa Giê-su với một người kinh sư chân thành cởi mở đặc biệt, mà không hề có một hậu ý nào.
– “Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa”: Câu này chuẩn bị cho câu chuyện tiếp theo sau, trong đó Đức Giê-su chất vấn các kinh sư về chân tính của Đấng Mê-si-a.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Luật tôn giáo Do Thái xưa có 613 điều, một rừng luật lệ với những hình thức tỉ mỉ chi li làm cho người ta khó phân biệt được điều nào là quan trọng nhất. Cho nên, hôm nay ông kinh sư đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào là quan trọng nhất?”
Chúa Giêsu đã không trả lời dựa theo thứ tự của 10 điều răn trong Kinh thánh Cựu ước, nhưng Ngài xướng lên một lời kinh hằng ngày mà người Do Thái vẫn đọc và quả quyết: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Và điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”.
Kinh Shema này, đối với người Do Thái là lời kinh quan trọng tựa như kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính mà người Công Giáo chúng ta vẫn đọc nhiều lần trong ngày. Đó là lời kinh tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất mà hết thảy mọi loài phải quy phục mến yêu Ngài. Điều tuyệt vời ở đây là Đức Giêsu nối kết hai điều răn: kính Chúa và yêu người. Không thể mến Chúa mà không yêu người, và ngược lại không thể yêu người mà lại không mến Chúa.
Kiểu nói “mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” ám chỉ con người phải quy tất cả cuộc sống của mình vào Thiên Chúa để phụng sự Người một cách trọn vẹn, vì Người là Thiên Chúa duy nhất, không còn thần nào khác.
Còn kiểu nói “yêu người thân cận như chính mình”. Cựu ước hiểu rằng người thân cận là những người gần gũi với người Do Thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng ra, người thân cận gồm hết mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù.
Hai thiền sư: Zaman và Suzu được thầy phái xuống núi để cứu trợ cho một ngôi làng đang gặp nạn đói. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, đi ngang qua một con sông, thấy có một thiếu nữ muốn sang sông nhưng lại sơ dòng nước chảy xiết, cô liền xin hai vị thiền sư giúp. Zaman đồng ý cõng cô ấy qua sông. Nhưng suốt quãng đường về thiền viện, người bạn của anh tỏ vẻ không bằng lòng. Về gần tới nhà, Suzu không dằn được lòng liền thốt ra: “Này Zaman, chúng ta là những nhà tu hành, trong giáo luật dạy chúng ta rằng, không được phép gần gũi phụ nữ nhất là những cô gái trẻ và đẹp. Thế mà anh đã vác cô ấy trên vai. Anh đã vi phạm luật của giới tu hành, đồng thời anh mang tiếng xấu cho thiền viện của chúng ta”. Nghe tới đây, Zaman bật cười, bình tĩnh trả lời: “Này Suzu, tôi đã bỏ cô ấy lại bên bờ sông rồi. Thế mà, tại sao anh vẫn còn mang cô ấy trong lòng mãi vậy? Phải chăng anh đang mang cô ấy về thiền viện của chúng ta?”
Câu chuyện trên, đáng để chúng ta suy ngẫm và hành động thế nào cho đúng điều răn trọng nhất: mến Chúa và yêu người. Xin Chúa giúp chúng ta biết làm tất cả các bổn phận thường ngày vì tình yêu Chúa và tha nhân. Amen.
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
+++
A. DẪN NHẬP
Khi nói tới điều răn mến Chúa yêu người thì ai cũng cho là một đề tài quá quen và cũ kỹ rồi, nhưng nếu biết cầu nguyện, suy gẫm, tìm hiểu và nghiên cứu thì đây là một đề tài phong phú, nó sẽ gợi mở ra một chân trời rộng rãi và còn nhiều điều mới lạ. Hầu hết chúng ta mới học thuộc lòng điều răn ấy, chứ chưa hiểu hết nội dung, nên chưa thực hành đầy đủ điều răn ấy.
Cốt yếu của đạo Công giáo của chúng ta là Đức ái “Mến Chúa yêu người” vì Đức Giêsu đã khẳng định: “Ngoài ra không còn điều răn nào khác quan trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12,31). Thánh Phaolô nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Thánh Tông đồ dân ngoại còn khẳng định thêm: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người… được ơn nói tiên tri… đem hết gia tài ra bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3). Thế mới biết tầm quan trọng của Đức ái.
Điểm đặc biệt trong đạo chúng ta là Đức Giêsu đã nâng giới răn yêu người lên ngang tầm với giới răn mến Chúa, và gắn liền hai giới răn đó chặt chẽ với nhau đến nỗi mến Chúa mà không yêu người thì chưa giữ trọn luật Chúa, và ngược lại cũng vậy. Hôm nay chúng ta suy niệm về luật mến Chúa yêu người, nhưng chúng ta chú trọng hơn đến luật yêu người để thúc giục chúng ta thi hành luật Chúa cho đầy đủ.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Đnl 6,2-6
Ông Maisen nhắc nhở cho dân Do thái phải thi hành luật cao trọng nhất là: “Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức”. Lòng yêu mến Chúa trong Đệ nhị luật truyền dạy bao hàm trong sự trung thành thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữ các giáo huấn của Ngài.
Dân Do thái tuân giữ giới răn này qua bao thế hệ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Cựu ước còn thiếu sót vì chỉ chú trọng tới việc yêu mến Giavê, Thiên Chúa duy nhất, mà chưa nói đến việc yêu thương tha nhân.
Sự thiếu sót này sẽ được Đức Giêsu bổ túc trong bài Tin mừng hôm nay.
+ Bài đọc 2: Dt 7,23-28
Thư gửi tín hữu Do thái ca ngợi chức Tư tế của Đức Giêsu. Chức Tư tế của Đức Giêsu Kitô ưu việt trên chức tư tế của dòng họ Lêvi. Nếu so sánh hai chức tư tế ấy chúng ta sẽ thấy:
– Chức tư tế của Do thái chỉ có một đời người, khi chết thì hết; còn chức Thượng tế của Đức Giêsu thì vĩnh viễn.
– Các tư tế Do thái là những người phàm, vướng mắc nhiều tội lỗi; còn Đức Giêsu là vị Thượng tế thánh thiện, vẹn toàn.
– Các tư tế Do thái phải dâng lễ nhiều lần; còn Đức Giêsu chỉ dâng lễ đền tội một lần là đủ.
+ Bài Tin mừng: Mc 12,28b-34
Một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trọng nhất. Câu hỏi xem ra bình thường nhưng là câu hỏi hóc búa. Lý do vì trong 613 khoản luật không nói đến điều răn nào trọng nhất, tuỳ theo ý chủ quan của mỗi luật sĩ, thích điều răn nào thì cho là điều răn ấy trọng nhất. Nhưng Đức Giêsu đã nối kết hai khoản luật ở Đệ nhị luật và ở sách Lêvi trả lời rõ ràng cho luật sĩ: đó là hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu tha nhân như chính mình.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hai giới răn trọng nhất
I. GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
+ Giới răn trong Cựu ước
Ông Maisen là nhà lập quốc và lập pháp đã truyền lại cho dân Do thái mười điều răn của Thiên Chúa. Qua bao thế hệ người ta vẫn trung thành giữ các điều răn ấy.
Hằng ngày người Do thái sốt sắng cầu nguyện với kinh Shema tựa như kinh Lạy Cha của chúng ta. Trong đó có câu: “Hãy nghe, hỡi Israel, Giavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lặp lại cho con cái ngươi”.
Đó là một kinh tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, hết thảy mọi người đều phải tận lực yêu mến Ngài. Tuy mọi người tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất, nhưng chưa đồng ý với nhau trong một rừng luật như vậy, giới răn nào là quan trọng nhất. Đức Giêsu sẽ trả lời cho họ trong Tân ước.
Nhân dịp này chúng ta cũng nên tìm hiểu xem thế nào là sách Đệ nhị luật hay Thứ luật. Ông Maisen đã ra luật cho dân nhưng còn tổng quát và ngắn gọn, sau này luật được diễn dịch rồi tổng hợp thành bộ luật Thorab. Sách Đệ nhị luật không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó cũng không phải là tác phẩm trong thời Maisen. Nó lấy lại luật Maisen, suy đi nghĩ lại và cùng với lịch sử của dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc của sách này. Thế nên nó được gọi là Đệ nhị luật hay Thứluật, tức là luật đến sau luật trước, luật bổ khuyết và diễn giải luật pháp Sinai.
2. Giới răn trong Tân ước
Trong thời Đức Giêsu, các luật sĩ là những chuyên gia nghiên cứu Thánh kinh và luật pháp. Chắc chắn họ phải thông hiểu rành rẽ về Kinh thánh, vì đó là lãnh vực chuyên môn của họ. Thế mà có một luật sĩ nêu ra cho Đức Giêsu một câu hỏi kể cũng hơi lạ!
Nhưng thực ra, vào thời ấy, các luật sĩ đều sôi nổi tranh luận xem giới răn này hay giới răn nọ quan trọng hơn. Họ đã liệt kê ra một rừng giới răn, cả một cánh rừng mù mịt đối với người Do thái. Như vậy, luật Do thái có 613 khoản luật, chia ra 248 việc phải làm và 365 việc không được làm. Xét về sự quan trọng, người ta lại chia các điều luật đó ra nhiều hạng: khinh giới và trọng giới, đại giới và tiểu giới. Nhưng các người biệt phái lại không đồng ý với nhau về giới răn nào trọng nhất. Vì thế, người luật sĩ mới đến dò xem Chúa cho biết điều răn nào là trọng nhất.
Đức Giêsu đã trả lời cho ông bằng cách đọc lại những lời đầu tiên của kinh cầu nguyện Do thái. Đó là kinh Shema “Hỡi Israel, hãy lắng nghe” trích trong Đệ nhị luật 6,4-5: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”.
Nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đây, Ngài liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai là phải yêu mến anh em: “Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Lv 19,18-34).
Trong văn chương Do thái thời ấy, người ta thường thấy thủ pháp nối kết như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu quả là bậc thầy tuyệt diệu: Ngài nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu anh em, và hợp thành một giới răn duy nhất. Để nêu lên tính duy nhất căn bản đó, Marcô đã không ngần ngại dùng lẫn lộn số ít với số nhiều: “Không có giới răn nào quan trọng hơn những giới răn đó” (J. Hervieux).
* Hãy yêu tha nhân. Tha nhân là ai? Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù.
* Như chính mình ngươi. Không có nghĩa là ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, màu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
II. NÓI VỀ HAI GIỚI RĂN ĐÓ
1. Liên hệ giữa hai giới răn
Điều mới lạ mà Đức Giêsu làm là ghép chung hai giới răn này lại với nhau. Từ trước cho đến thời Đức Giêsu chưa có ai nhập chung hai giới răn ấy thành một. Yêu Chúa và yêu tha nhân, hai tình yêu ấy như hai anh em sinh đôi dính liền nhau. Khi tìm được người này, chúng ta sẽ gặp được người kia. Và khi không tìm được người này, chúng ta cũng chẳng gặp được người kia.
Nhưng cần phải phân biệt rõ hai giới răn này. Người ta thường có khuynh hướng hợp nhất hai giới răn này làm một, như thể “yêu Thiên Chúa là đủ” hay “yêu thương anh em” cũng đủ. Giới răn thứ hai không thể thay thế cho giới răn thứ nhất được. Hai giới răn này chỉ là hợp nhất và song hành thôi, chứ giới răn thứ hai không đồng nhất với giới răn thứ nhất được
Nếu so sánh tình yêu đối với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình “hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xoá mọi chuyện.
Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai (Lm. Phạm Văn Phượng).
2. Tình yêu và hành động
Nếu thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết”, thì chúng ta cũng có thể nói: tình yêu không được thể hiện bằng hành động là thứ tình yêu giả dối, chỉ có trên đầu môi chót lưỡi như người ta nói:
Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương không đào.
a) Mến yêu Chúa
Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài, nhưng những cách biểu lộ ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin mừng. Chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa. Chúng ta hãy nghe những lời Chúa dạy:
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các điều răn của Thầy… Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy, mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy… Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,15-21.23).
b) Yêu tha nhân
Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn: “Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình” (Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tai hoạ; vậy yêu người thì cũng phải làm như vậy cho người.
Có lần một người mới gia nhập Do thái giáo yêu cầu thầy Hillel dạy ông ta toàn thể thông điệp của luật pháp trong thời gian ông ta có thể đứng trên một chân. Câu trả lời của thầy Hillel là “Điều gì ngươi ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn luật pháp, phần còn lại là nhằm giải thích, hãy đi và học lấy”.
Ngay bên Đông phương, trước Đức Giêsu, Đức Khổng Tử đã để lại một câu nói để đời: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Sau này ngài cũng nói một câu khác tương tự nhưng với khía cạnh tích cực: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”: điều gì mình muốn làm cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy.
c) Tình yêu tha nhân bắt đầu từ đâu?
Tình yêu tha nhân phải bắt đầu từ gần đến xa. Nhưng bi đát thay, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình chúng ta. Không yêu các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được. Và ngược lại cũng thế, khi yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được những người khác nữa.
Chúng ta hãy đặt một câu hỏi cho mình: chúng ta đã dành tình thương cho những người trong gia đình mình thế nào? Nếu chúng ta trả lời là “chưa mặn mà lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì chúng ta cũng không thể yêu mến Chúa nồng nàn được. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quý mọi người trong gia đình mình, chúng ta mới có thể yêu quý người hàng xóm, và một khi yêu được người hàng xóm, thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa.
Trong ý nghĩa đó, Thomas Merton đã nói: “Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”.
3. Thành quả của hai giới răn đó
Nhờ hai tình yêu đó mà con người có thể tìm lại được chính mình. Các tác giả tu đức nói rằng lệnh truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Ngài đòi buộc chúng ta yêu mến Chúa. Hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau đến nỗi: nếu chúng ta không thương yêu anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa. Có một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau:
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,
Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,
Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.
Chúng ta có thể quả quyết: bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương người lân cận của mình.
III. THỰC HÀNH GIỚI RĂN CHÚA
Chúng ta không còn thắc mắc gì nữa. Lệnh truyền của Chúa thật rõ ràng. Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng đồng thời cũng phải thương yêu anh em như chính mình. Yêu anh em như mình là chuyện khó, vì anh em là những con người cụ thể với biết bao những khuyết điểm, dễ va chạm, nhiều khi tha nhân bị coi như kẻ thù của chúng ta.
Nhìn rõ thực tế đó nên thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Nếu anh em cụ thể mà không yêu được thì làm sao có thể yêu mến Chúa được” (1Ga 4,20).
Theo lời thánh Giêrônimô, khi thánh Gioan Tông đồ về già, ngài nguyên giảng về bác ái: “Các con thân mến, các con hãy yêu thương nhau”. Giáo hữu thưa với thánh nhân: “Sao cha giảng điều ấy hoài?” Thánh Tông đồ đã trả lời: “Vì đó là điều luật Chúa dạy, và nếu thi hành được duy một điều đó là đủ rồi”.
Đức Giêsu đã phán: “Các con muốn được người ta làm cho các con thế nào thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). Ngài còn phán thêm: “Hãy cho đi thì các con sẽ được người ta cho lại. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc đầy tràn toé ra mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào thì cũng sẽ đong trả bằng đấu ấy”.
Napoléon, hoàng đế đầy uy quyền của Pháp, đã tuyên bố không thèm thân với ai, thì ông đã chết đơn độc trong đảo Sainte Hélène
Hitler, con hùm xám Đức quốc xã, chủ trương dùng bạo lực thì đã chết trong khói lửa đúng theo lời Thánh kinh “cái ác giết ác nhân” (Tv 33,22).
Trở lại với bài Tin mừng hôm nay, nghe Đức Giêsu trả lời, vị luật sĩ rất tâm đắc với ý kiến rất khôn ngoan của Ngài và diễn tả tâm tình thiện cảm và xác tín của ông đối với tuyên phán của Đức Giêsu về giới răn trọng nhất: “Mến Chúa và yêu người thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và lễ vật hy sinh”. Việc mến Chúa yêu người có giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn những lễ hiến dâng có tính cách hy lễ và vật chất.
Lời phát biểu của vị luật sĩ phát xuất từ sách 1 Samuel 15,22 (bản văn này kêu gọi sự vâng lời). Lời ấy được lấy lại trong Ôsê 6,6 (Ta thích lòng nhân từ chứ không thích lễ tế). Người ta có thể nhận biết trong lời đó sự quở trách mà Thiên Chúa, qua các tiên tri, đã ngỏ với dân Ngài: dân chỉ thực hiện những nghi thức nhưng kèm theo bóc lột và những bất công.
Truyện: Bỏ tội thiếu tình thương
Thứ tội mà chúng ta phạm nhiều nhất là tội không yêu thương. Tuy nhiên chúng ta lại không coi đó là tội, vì chúng ta vẫn nghĩ cái gì làm hại đến người khác mới là tội.
Một người kia bán một chiếc xe “dỏm” cho một người khách lạ. Một hôm anh vừa đi nhà thờ xưng tội ra thì gặp một người bạn. Người bạn nói: “Chắc là anh có kể cho cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc xe dỏm?” Anh đáp lại: “Tôi chỉ xưng các tội thôi. Còn chuyện buôn bán thì có ăn thua gì tới ông cha đó”.
Một nguy hiểm lớn cho tín hữu thường đi nhà thờ là không thấy sự liên hệ giữa điều họ làm ở nhà thờ ngày Chúa nhật với điều họ làm trong tương quan với người khác vào những ngày trong tuần. Nhiều người xét mình theo đủ mọi điều răn, nhưng không hề xét tới những tội thiếu sót: thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ngay thẳng trong việc làm ăn, thiếu tôn trọng những người sống chung với mình… Đối với những người đó, đạo và đời hoàn toàn tách biệt nhau (Theo Flor McCarthy).
Mở đầu sách giáo lý Tân Định có một câu hỏi rất hay. Hỏi: “Ta sống ở đời này để làm gì?” Thưa: “Ta sống ở đời này để nhận biết thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”.
Như vậy, cuộc đời con người là phải mến Chúa và yêu người thì mới mong được hưởng hạnh phúc đời đời. Chính vì thế nữ tu Rosalie mới nói: “Nước Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương”.