11
ĐỨNG GÁC TRÊN TƯỜNG LŨY
Theo định nghĩa, Thiên Chúa là Đấng bất khả tri: chính vì vậy mà cách chúng ta tiếp cận Ngài khuyến khích chúng ta luôn đi xa hơn, vượt ra ngoài tất cả những gì đã được nói về Ngài. Đó là con đường của siêu việt. Đừng bao giờ dừng lại, nhưng lặp lại ở cuối mỗi giai đoạn câu này: “Phải, nhưng Thiên Chúa là một cái gì đó khác!” Sau mỗi câu khẳng định là một câu phủ định. Vượt ra ngoài vũ trụ, vượt ra ngoài linh hồn con người, thậm chí vượt ra ngoài chữ nghĩa của Kinh Thánh, điều mà cho đến nay, tuy vậy, đã giúp chúng ta nhận thức được một số dấu hiệu về Thiên Chúa hằng sống.
Người ta có thể đến được với Thiên Chúa bằng cách loại trừ. Loại trừ có nghĩa là “đóng cửa”, để sang một bên. Kinh Thánh và linh đạo Kitô giáo giới thiệu cho chúng ta một loạt các ví dụ để giúp chúng ta hiểu phương pháp này cụ thể bao gồm những gì và cách chúng ta có thể áp dụng nó trong cuộc sống của mình.
Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện Giacóp, người đã chiến đấu chống lại Thiên Chúa và được Ngài chúc phúc. Sự chuẩn bị nào cho cuộc gặp gỡ mầu nhiệm với Thiên Chúa, kết thúc bằng tiếng kêu của tổ phụ: “Tôi đã nhìn thấy Chúa diện đối diện”? Kinh Thánh chép: “Giacóp dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ, mười một đứa con, và ông lội qua sông Yabbốc. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông Giacóp ở lại một mình (St 32,23tt). Yabbốc là một dòng sông chảy dưới lũng hẹp. Như vậy giữa ông và phần còn lại của thế giới, thậm chí giữa ông và gia đình ông, Giacóp đặt một dòng chảy và một khe trũng, hoặc ít nhất một quãng đường khá xa, nếu người ta hiểu bản văn theo nghĩa vị tổ phụ một mình ở lại đàng sau, trong khi phần còn lại của đoàn tiếp tục lên đường. Tất cả xảy ra trong sa mạc, trong bóng đêm tịch mịch.
Phong trào loại trừ đặc trưng đã xuất hiện trước mắt chúng ta. Phụ nữ, nô lệ, trẻ em, tài sản: trước hết người ta phải gạt bỏ mọi sự và được giải phóng khỏi mọi sự. Không cần mang theo! Giống như khi bạn chờ một bạn thân đến mà bạn biết người đó sẽ chỉ đến khi biết chắc chỉ có mình bạn.
Cảnh Kinh Thánh này gợi lên một cảnh khác. Tiên tri Khabacúc, trước khi nhận được “thị kiến” nổi tiếng của mình được khắc trên tấm bia, và sấm ngôn lớn về người công chính “sống nhờ lòng thành tín của mình“, đã tự nhủ như để tuân theo một lời kêu gọi bên trong: “Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường lũy, canh chừng xem Người nói với tôi điều gì…” (Kb 2,1)
Có một ngày, đoạn văn này đã nói với tôi cách trực tiếp hơn. Dường như tôi có thể chứng kiến tận mắt và muốn chính mình làm những gì nhà tiên tri gợi ý. Lên, lên cao hơn, như cầu thang hẹp của một tòa tháp hay một lâu đài, không nói với ai, bỏ lại phía sau hết tầng này đến tầng khác, con người, tiếng ồn, tất cả. Không dừng lại, để cuối cùng đến chỗ “đứng gác trên tường lũy”, nơi đó chỉ còn lại trước mặt là bầu trời để chiêm ngưỡng và Thiên Chúa để mình nói chuyện, tất cả những gì khác được bỏ lại dưới chân. Tất nhiên, đó là hình ảnh của một chuyến đi lên khác, bằng một cầu thang dẫn lên đỉnh của một lâu đài hoàn toàn bên trong. Trong một thời gian dài, đọc lại hoặc nghe những lời của vị tiên tri và làm sống lại tâm trạng này, tất cả chỉ là một đối với tôi. Chỉ cần tôi lại tự nhủ: “Đi lên tường lũy!” Mỗi lần như vậy, hình ảnh này trợ giúp tôi mạnh mẽ, kích thích tâm hồn tôi cầu nguyện bằng cách giải thoát tôi khỏi mọi trở ngại.
Trong Phúc Âm, Đức Giêsu cũng đưa ra một trong những hình ảnh hướng dẫn này: “Khi cầu nguyện, anh hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,5). Giacop để một dòng sông giữa ông và mọi người mọi vật khác. Khabacúc muốn nhốt mình trong pháo đài. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta khóa cửa. Một vị ẩn danh thời Trung cổ mà chúng ta đã nghe ở trên gợi ý cho chúng ta đặt một đám mây chen vào giữa, mà ông gọi là đám mây lãng quên: “Đặt một đám mây lãng quên bên dưới bạn, đám mây này sẽ ở giữa bạn và mọi thụ tạo, giống như đám mây bất tri ở trên bạn, giữa bạn và Thiên Chúa của bạn[1] ”.
Các đan sĩ xưa không hài lòng với những chia cách quá dễ vượt qua này; họ muốn đặt sa mạc giữa họ và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận đừng khinh thường vấn đề này. Những chữ “hãy chạy trốn, hãy im lặng” (fuge, quiesce) mà họ liên tục nhắc nhở bản thân và các môn đệ của họ như là lý tưởng thuần túy của việc fuga mundi (“chạy trốn thế gian”) phát xuất từ đó, không có nghĩa là chạy trốn khỏi một cái gì đó (đây chỉ là thứ yếu, một phương tiện) nhưng chạy trốn đến một cái gì đó. Một cuộc chạy trốn đến chóng mặt, hướng tới Thiên Chúa hằng sống.
Về điểm này, một câu chuyện đầy tinh tế thuật lại kinh nghiệm của Augustinô và mẹ ngài là Monica, ở Ostia, trong chuyến hai người trở về châu Phi. Chúng ta hãy đọc lại một vài đoạn khá tiêu biểu mà ngài đã viết về những giờ phút may mắn đó. Những lời đầu tiên cho ta hình dung về khung cảnh. “Ngày bà (mẹ con) từ giã cuộc đời này sắp đến… chúng con chỉ có hai người, đứng tựa cửa sổ; từ đó, khu vườn bên trong ngôi nhà chúng con đang ở hiện ra trước mắt chúng con: Đó là ở Ostia, gần cửa sông Tevere. Tránh đám đông, sau cuộc hành trình dài mệt mỏi, chúng con đang phục hồi sức lực cho chuyến vượt biển… Chúng con đã nói chuyện với nhau, rất nhẹ nhàng… Lúc đó, khi hướng tâm trí lên cao hơn tới chính Hữu Thể, với trái tim nhiệt thành hơn, chúng con đã rảo qua hết vật thể này đến vật thể khác cho tới chính bầu trời… Và chúng con còn hướng lòng chúng con lên, khi suy niệm, mô tả, ngưỡng mộ những công trình của Chúa. Và chúng con đi tới linh hồn chúng con; rồi chúng con vượt qua chúng để đến vùng đất dồi dào vô tận, nơi Ngài mãi mãi chăn dắt Israel trong đồng cỏ của sự thật… Và khi chúng con nói về sự khôn ngoan cao cả và khao khát nó, thì đây chúng con chạm được một chút vào nó, trong đà vươn của tất cả con tim. Sau tiếng thở dài và để lại đó những của đầu mùa của thần khí, mà lòng còn gắn bó, chúng con quay trở lại với tiếng động của môi miệng, nơi lời nói bắt đầu và kết thúc… Ngày đó, thế giới này đối với chúng con, qua những lời nói, mất hết mọi lợi ích cùng với mọi thú vui của nó[2].”
Đó là một số mẫu gương về những người đã thực sự “gặp gỡ” Thiên Chúa hằng sống. Bằng cách đặt những câu chuyện của họ như những linh ảnh sống động trước mắt tâm trí chúng ta, chúng ta hãy tìm cách bắt chước ngần nào có thể. Thánh Anselmô khuyên chúng ta làm như vậy trong một bản văn như làm vang vọng câu chuyện của thánh Augustinô: “Và giờ đây, can đảm lên, hỡi con người chẳng ra gì! Hãy xa rời nghề nghiệp của bạn trong chốc lát, trốn khỏi những tư tưởng xao động, vứt bỏ những lo lắng nặng nề, để lại sau những căng thẳng mệt nhọc. Hãy đến với Chúa một chút và nghỉ ngơi một chút trong Ngài. Hãy vào phòng tâm hồn bạn, loại bỏ mọi sự, ngoại trừ Chúa hoặc bất cứ điều gì giúp bạn tìm kiếm Ngài. Đóng cửa lại, tìm kiếm Ngài, rồi mở rộng lòng mình và thưa ngay: “Con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lậy Chúa. Thánh nhan Ngài, con tìm kiếm!… Hãy dạy cho trái tim con biết tìm Ngài ở đâu và cách nào, tìm thấy Ngài ở đâu và cách nào[3]. “
Cách thức “tiếp xúc thiêng liêng” này với Thiên Chúa hằng sống là mỗi lần một mầu nhiệm, một thực tại mới mẻ và không thể lường trước. Hai sự hiện diện luôn theo nhau lúc này, giống như hai nữ tỳ trao đổi trong thinh lặng những thông điệp tương ứng của ông chủ: ân sủng và tự do. Một nhà thần bí lớn đã viết: “Thiên Chúa là biển lúc lên lúc xuống. Ngài không ngừng mở rộng lúc thủy triều lên cho tất cả những ai yêu mến Ngài, và lúc thủy triều xuống, Ngài đưa về tất cả những ai đã được thỏa mãn, trên trời dưới đất, với tất cả những gì họ có và tất cả những gì họ có thể cho[4].”
Những lời này cho chúng ta thấy một hình ảnh rất gây ấn tượng: hình ảnh đại dương, khi nước lên, phình ra, xâm chiếm bãi biển và khi nước rút, mang theo tất cả những gì không bị vướng mắc. Một số thuyền nhỏ bị dây neo cản trở hoặc được giữ cho cố định bằng một dây chão cột chặt vào cọc chôn trên đất liền. Đại dương bao quanh chúng, vuốt ve chúng như mời gọi chúng đi theo. Có một lúc, chúng được nâng lên, nhưng vì bị buộc, thủy triều xuống không thể kéo chúng đi: chúng vẫn ở lại trên bờ. Trong khi những con thuyền khác, những thuyền không bị cột, ra khơi dưới ánh mặt trời trong một vùng biển yên tĩnh.
Với Thiên Chúa cũng vậy. Ngài gửi lời và ân sủng của Ngài như một cơn mưa nhân từ bao bọc linh hồn và mời gọi đi theo Ngài trong sự bao la của Ngài. Những linh hồn “không bị buộc” và sẵn sàng vui vẻ đi theo Ngài, khi sẵn sàng để Ngài “hút” theo, lúc nước rút. Những linh hồn khác, bị cản trở bởi những ràng buộc của thói quen cũ hoặc bởi sợ điều không được biết, trong một thời gian rất muốn được nâng lên và ru ngủ, nhưng khi phải quyết định lúc khởi hành, họ thiếu can đảm để cắt dây neo, và họ ở lại trên bờ. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu một ngày nào đó họ sẽ trải qua cơn say cuồng giữa biển khơi? Hay họ sẽ giống như những con thuyền vẫn còn trên bãi biển và cuối cùng sẽ bị những bụi nước biển ăn mòn hết?
Một bài thơ của Tagore dường như được viết ra để khơi dậy nơi chúng ta khát vọng giải thoát khỏi mọi xiềng xích, để trải nghiệm trong giây lát sự rất thân mật với Thiên Chúa, xa lánh mọi sự. Trong bản văn này, nhà thơ thưa chuyện với Chúa; ông sử dụng các thuật ngữ mà chúng ta có thể lấy lại dưới dạng một lời cầu nguyện như một lời hứa mà chúng ta nhắc cho bản thân và cho Chúa:
“Sáng sớm, một tiếng rì rào nói cho biết là chúng ta sắp bắt đầu, chỉ có con và Chúa, và không một linh hồn nào biết gì về cuộc lữ hành bất tận và không có mục đích này của chúng ta. Trên đại dương không bờ không bến này, với nụ cười chăm chú thầm lặng của Chúa, các bài ca của con sẽ đầy những giai điệu tự do như những cơn sóng, thoát khỏi những cản trở của lời[5].”
[1] Anonyme anglais, Le nuage de l’inconnaissance, V (cité note 15), p. 83.
[2] Saint Augustin, Confessions, IX, x, 23-26; BA t. 14, p. 115-121.
[3] Anselme, Proslogion, I; x. trad. Corbin, Paris, Cerf, 1986, p. 237.
[4] G. Ruysbroeck, L’ornement des noces spirituelles, II, 41, Paris, Vromant, 1920, p. 139.
[5] R. Tagore, Gitanjali (L’offfrande lyrique), XVII, Paris, Gallimard, 1939, p.55.