CHÚA CHA, NGUỒN MẠCH VÀ CÙNG ÐÍCH CỦA PHỤNG VỤ
Linh Mục Micae Trần Ðình Quảng
I. MẤY Ý NIỆM CƠ BẢN
Sách Giáo Lý Công Giáo, khi bàn về Phụng Vụ như là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã coi Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ (Phần II, chương I, mục 1). Xác quyết này chỉ là một phần của một xác quyết toàn bộ: Chúa Cha là nguồn mạch mọi sự, mọi sự phát xuất từ Chúa Cha (exitus a Deo) và mọi sự hướng về Chúa Cha (reditus ad Deum)
Lịch sử cứu độ cho thấy mọi sáng kiến, hành động đều khởi phát từ Chúa Cha: Tạo dựng, ban sự sống, giải thoát, cứu độ., chính Người thi ân giáng phúc hoặc chúc lành cho thụ tạo. Nhưng chúc lành lớn lao nhất, trọn hảo nhất, kỳ diệu nhất, là Người đã sai Ðức Kitô, Con của Người, đến thế gian thực hiện công trình cứu độ cho cả nhân loại, và nhờ Ðức Kitô, đã ban cho chúng ta Thánh Thần là Hồng Ân tuyệt vời. Chính nhờ Ðức Kitô, với sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong ta, mà Chúa Cha không ngừng tiếp tục thánh hóa ta và ban cho ta sự sống.
Ðáp lại hành động của Thiên Chúa là hành vi đáp trả của con người. Hành vi có ý nghĩa nhất của con người hướng về Thiên Chúa và cùng với vạn vật dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, dân Chúa cũng đã bày tỏ nhiều cách chúc tụng, nhất là khi Thiên Chúa thực hiện cho họ những việc lạ lùng. Nhưng chỉ nhờ đức Kitô, Ðấng đã dâng chính mình làm hi lễ tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha, cùng với sự hiện diện và hoạt động cửa Chúa Thánh Thần, con người mới có thể dâng lên Chúa Cha những lời chúc tụng hoàn hảo, qua việc ngợi khen , tôn vinh và tạ ơn Người.
Hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, cùng với hành vi đáp trả của con người, được trình bày theo một viễn tượng tóm gọn trong lược đồ: A (Patre), PER (Filium eisum Christum), IN (Spiritu Sancto), AD (Patrem), trong đó nguồn gốc mọi sự là từ Chúa Cha và cùng đích mọi sự là hướng về Chúa Cha.
Các tác giả Tân Ước, đặc biệt Phaolô và Gioan, thường trình bày giáo huấn theo viễn tượng trên, với lược đồ A, PER, IN, AD hoặc đầy đủ hoặc chỉ một phần. Lấy thí dụ một bản văn điển hình trong thư Êphêsô 1, 3-14. Phaolô viết:” Chúc tụng Thiên Chúa. (là Ðấng) cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần (A). Người đã tiền định cho ta được phúc làm nghĩa tử, nhờ Ðức Giêsu Kitó (PER). Trong Ðức Kitô, cả anh em nữa. một khi đã tin, Anh em được đóng ấn Thánh Thần (IN). chờ ngày dân riêng được cứu chuộc để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa (AD)”.
Các Giáo Phụ, kể từ thời Tông Ðồ, tiếp tục trình bày viễn tượng ấy, không chỉ trong giáo huấn mà cả trong kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa. Thánh Pôlycarpô tử đạo, trước lúc chịu khổ hình, đã thốt lên một lời kinh hầu chắc phản ảnh điều đã thường được đọc trong cộng đoàn phụng vụ: “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, là Cha của người Con Yêu Dấu được chúc phúc là Ðức Giêsu Kitô. Nhờ Ngài mà chúng con được biết danh Cha. Con chúc tụng Cha đã cho con, ngày hôm nay và giờ này, được dự phần vào chén của Ðức Kitô, như các chứng nhân của Cha, để thân xác và linh hồn được sống lại bằng sự sống vĩnh cửu, trong sự bất hoại của Chúa Thánh Thần. Vì thế, con ca ngợi Cha, chúc tụng Cha, Tôn vinh Cha về tất cả mọi sự, nhờ vị Thượng Tế vĩnh cửu trên trời là Ðức Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Cha, nhờ Ngài mà vinh quang qui về Cha cùng với Ngài và với Chúa Thánh Thần, bây giờ và mãi mãi, Amen”.
Ngay cả thời kỳ có lạc giáo Ariô, dù nhấn mạnh thần tính của Ngôi Lời nhập thể, các Giáo Phụ vẫn cho thấy hành động của Thiên Chúa trong lịch sử rập theo quy luật tổng quát này: “Chúa Cha làm mọi sự nhờ Ngôi Lời trong Chúa Thánh Thần” (Athanasiô). Grêgôriô de Nysse cũng nói: “Tất cả những gì Thiên Chúa làm cho tạo vật. đều xuất phát từ Chúa Cha, tiến triển nhờ Chúa Con, và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần”. Chung quy Chúa Cha vẫn là nguồn mạch mọi sự.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào nói về tương quan giữa Thiên Chúa và con người, Tân Ước và Giáo Hội cũng đều minh nhiên cho thấy lược đồ A, PER, IN, AD. Có rất nhiều bản văn Kinh Thánh và Giáo Phụ chỉ đơn thuần đề cập đến Thiên Chúa hay một Ngôi nào đó riêng biệt. Tuy vậy, khi các tác giả này muốn trình bày toàn bộ tương quan giữa Thiên Chúa và con người theo nhãn quan Kitô-giáo, thì tổng hợp của các Ngài luôn được xây dựng theo lược đồ trên.
Tương quan này, hay hành động của Thiên Chúa cùng với sự đáp trả của con người, được thực hiện đăc biệt trong Phụng Vụ Kitô-giáo, nhất là phụng vụ Thánh Lễ, nơi đặc biệt để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, hay nói đúng hơn, để Thiên Chúa gặp gỡ con người, vì sáng kiến khởi đầu luôn luôn là từ Thiên Chúa, Thiên Chúa thiết lập một dân, kêu gọi họ tụ họp lại, để họ đi vào hiệp thông với Người. Ðiều này đã từng xảy ra trong lịch sử cứu độ, và vẫn tiếp tục được thực hiện nơi chúng ta hôm nay, nhất là trong Phụng Vụ Thánh. Thực ra, Phụng vụ là một giai đoạn của lịch sử cứu độ, là phương thế để chúng ta có thể hội nhập vào lịch sử này.
Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với ta, Lời Người được công bố cho ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức kitô được hiện-tại-hóa, nhờ đó qua các dấu chỉ hữu hình khả giác, Thiên Chúa ban cho ta ơn thánh hóa cứu độ. Ðó là chiều đi xuống của Phụng Vụ (catabase), là đặc điểm đầu tiên của Phụng Vụ, cho thấy mọi sự xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa Cha: mời gọi, Lời Chúa, bí tích, ân sủng.
Trước hành động của Thiên Chúa, con người không giữ thái độ thụ động. Người tín hữu đã nhận biết và tin Chúa sẵn sàng lắng nghe và vâng phục. Lời Chúa thúc giục họ đáp lại. Tình yêu của Thiên Chúa thúc giục họ yêu mến Người. Công trình thi ân của Chúa thúc giục họ ca ngợi và cảm tạ Người. Quyền năng yêu thương của Chúa thúc giục họ cầu xin Người trợ giúp. Những hành vi này không phải của con người xét như một cá nhân riêng rẽ, nhưng như một phần tử của cộng đoàn. Những hành vi đáp lại này hướng về Chúa Cha như một cùng đích, cho thấy Phụng Vụ còn có một chiều đi lên (anabase), gắn liền và tiếp sau chiều đi xuống.
Do đó Phụng Vụ được coi là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Phụng Vụ thật sự thực hiện một cuộc trao đổi lạ lùng (admirabile commercium) giữa một Thiên Chúa Cha yêu thương và các con cái mình.
Tuy nhiên, không như các hoạt động đạo đức khác, trong Phụng Vụ, Ðức Kitô luôn hiện diện cách đặc biệt để có thể tiếp tục công trình cứu độ. Ngài hiện diện trong hy lễ, trong Lời Chúa được công bố, trong thừa tác viên, trong cộng đoàn tụ họp., hiện diện trong vai trò là Ðấng Trung Gian, thi hành chức vụ tư tế, liên kết Thiên Chúa và con người. Vì là hành động của Nhiệm Thể, tức gồm cả Ðầu lẫn các chi thể, nên trong Phụng Vụ, Hội Thánh được Chúa Thánh Thần tác động cùng kết hợp với hành động của Ðức Kitô. Do đó, Phụng Vụ cũng là hành động của Hội Thánh nhờ Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
II. CÁCH DIỄN TẢ CỦA PHỤNG VỤ
Vai trò của Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ được Phụng Vụ diễn tả như thế nào? – Chúng ta thử gợi ra đôi nét, dựa vào các kinh nguyện trong Thánh Lễ mà chúng ta thường xuyên sử dụng.
Hầu hết các lời nguyện trong Thánh Lễ đều là những lời nguyện dâng lên Chúa Cha như là cùng đích của mọi lời tôn vinh, cảm tạ và cầu xin. [Nói hầu hết, vì có một số ít dâng lên Chúa Kitô do ảnh hưởng của một số lời nguyện trước đây đã có cơ cấu như thế, hoặc do chủ ý của nội dung hướng về Chúa Kitô, hoặc do bối cảnh cụ thể của cử hành phụng vụ. Chẳng hạn trong lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô, lời nguyện nhập lễ và lời nguyện hiệp lễ khởi đầu bằng câu: “Lạy Chúa Giêsu”. Kinh xin bình an quen thuộc trong nghi thức hiệp lễ cũng hướng về Chúa Kitô: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Ðồ rằng..”. Trước đây lời nguyện trong lễ kính Chúa Ba Ngôi bắt đầu bằng lời dâng lên Chúa Cha, tuy có đề cập Chúa Con và Chúa Thánh Thần: “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con một là Lời chân lý, và sai Thánh Thần Ðấng thánh hóa muôn loài.”]
Hướng về Chúa Cha là cách diễn tả đã có từ thời Giáo Hội sơ khai, chắc chắn đã rập theo lời khuyên của Phaolô: “Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Ep 5, 19-20). Một quy tắc, một truyền thống đã hình thành: Kinh nguyện Phụng Vụ hướng về Chúa Cha, qua trung gian của Ðức Kitô. Augustinô viết: “Một khi đến trước bàn thờ, luôn phải hướng lời cầu nguyện lên Chúa Cha”.
Khởi đầu lời nguyện, chủ sự đọc: “Lạy Cha (Pater), hoặc “Lạy Chúa” (Domine), “Lạy Thiên Chúa” (Deus). “Chúa” hay “Thiên Chúa” không chỉ chung chung, nhưng hiểu về Chúa Cha, vì Chúa Kitô hay Chúa Thánh Thần được nhắc đến sau, ít nhất trong câu kết dài quen thuộc: “Nhờ Ðức Kitô. hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Hơn nữa Tân ước vẫn có khuynh hướng dành cho Chúa Cha danh xưng Thiên Chúa, gọi Người là Cha chúng ta, không phải Thiên Chúa độc nhất nhưng là Thiên Chúa Cha, và coi điều Cựu Ước nói về Thiên Chúa là nói về Chúa Cha.
Tiếp theo, lời nguyện thường đề cập một vài thuộc tính nào đó của Chúa (của Chúa Cha mà cũng là của cả Ba Ngôi), như: “toàn năng”, “hằng hữu”, “Ðấng Tạo Thành”; rồi nhắc lại một hay vài hành động được thực hiện trong lịch sử cứu độ, hoặc do đích thân Chúa Cha hoặc qua Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, các thánh, tức là nhắc tới Chúa Cha như là Ðấng a quo omnia. Hành động này là Lý do để dân Chúa dâng lên Cha những tâm tình tôn thờ, cảm tạ, thống hối và cầu xin.
Kinh tạ ơn (Prex Eucharistica). Là trọng tâm và cao điểm của cử hành Thánh Lễ, Kinh Tạ Ơn là một lời mời gọi lên Chúa Cha, tạ ơn vì công trình cưú độ của Người. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma viết: “Linh mục mời giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Ðức Giêsu Kitô. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đồng tín hữu kết hợp với Ðức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và dâng hy lễ” (số 54).
Các yếu tố chính của Kinh Tạ Ơn cũng được trình bày hướng về Chúa Cha:
Việc tạ ơn: “Linh mục nhân danh toàn thể dân thánh mà tán tụng Chúa Cha và cảm tạ Người về tất cả công trình cứu chuộc, hoặc về lý do nào đó đặc biệt, tùy theo ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau” (ibid., số 55a).
Lời tung hô “Thánh, Thánh, Thánh” là lời tung hô Chúa Cha.
Epiclese là lời kêu cầu trong đó linh mục nài xin Chúa Cha sai Thần Khí là Ðấng Thánh Hóa.
Phần tường thuật và lập bí tích Thánh Thể và phần hiến thánh: tuy nhắc lại lời nói và việc làm của Ðức Kitô, nhưng hy lễ do Ðức Kitô thiết lập trong bữa tối sau hết là hy lễ dâng lên Chúa Cha.
Việc tưởng niệm (anamnèse) liên hệ với Chúa Cha, vì cử hành Phụng Vụ luôn qui chiếu về những lần Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử để cứu độ con người, đặc biệt những việc thực hiện nơi Ðức Kitô, nhất là nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô.
Việc dâng tiến: “Hội Thánh dâng của lễ tinh tuyền lên Chúa Cha” (ibid., số 55e).
Lời chuyển cầu: Ðây cũng là những lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha, để cầu cho Hội Thánh và cho mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, dựa vào sự hiệp thông của toàn thể Hội Thánh.
Vinh tụng ca kết thúc chính là Lời chúc tụng đưa mọi vinh quang và danh dự về Cha là Thiên Chúa toàn năng.
Dĩ nhiên, Kinh Tạ Ơn cũng cho biết những phúc lành khác nhau được thực hiện cho con người đều phát xuất từ Chúa Cha. Lược đồ A.AD được áp dụng ở đây như trong các kinh nguyện khác, nhưng được khai triển nhiều hơn, rộng hơn, và đặt trọng tâm vào chính hy tế của Ðức Kitô.
Lấy thí dụ Kinh Tạ Ơn IV, một kinh ghi đậm dấu vết Kinh Thánh và Phụng Vụ nhất, và như vậy rập theo cơ cấu truyền thống của kinh nguyện nhất. Ðây là kinh thức có lời Tiền Tụng riêng và cố định, vì theo cấu trúc, lời Tiền Tụng này phải gắn liền với phần kế tiếp.
Kinh Tạ Ơn IV “trình bày sơ lược tất cả mầu nhiệm cứu độ” (ibid., số 322d), nên khởi đầu bằng việc hướng lên Cha là nguồn mạch cứu độ. Rập theo truyền thống Giáo Phụ, Kinh chia làm hai phần. Phần đầu là Lời Tiền Tụng, nhấn mạnh khía cạnh thần học, nói lên một số thuộc tính của Thiên Chúa, nhất là sự tốt lành. Sang phần hai, lời Kinh chuyển hướng, được trình bày theo viễn tượng lịch sử cứu độ, nhắc lại những công trình Chúa Cha đã thực hiện cho con người qua những giai đoạn lớn, những thời điểm chủ chốt: tạo dựng và sa ngã, chuẩn bị công cuộc cứu độ, sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu để hoàn tất chương trình.
Chịu ảnh hưởng sâu đậm của Kinh Thánh (nhiều câu trong lời Kinh lặp lại hầu như nguyên văn bản văn Kinh Thánh), Kinh Tạ Ơn IV làm nổi bật tình yêu của Chúa Cha đối với con người, qua tình bạn thuở đầu, việc thiết lập Giao Ước, việc Chúa Kitô xuống thế đem tình yêu của Chúa Cha đến cho mọi người, nhất là những người nghèo khó.
III. THAY LỜI KẾT
Nếu Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ, có cần phải lập một lễ riêng để kính Người không? Câu hỏi này ít nhiều liên hệ với đề tài. Vần đề được đặt ra là vì Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù đã đóng vai trò chủ chốt trong Phụng Vụ, vẫn có những lễ kính riêng, trong khi một lễ về Chúa Cha, ngay cả lễ ngoại sùng, cũng không có.
Thực sự từ lâu và nhiều lần, đã có những ý kiến đề nghị dành một lễ riêng kính Chúa Cha trong Năm Phụng Vụ, nhưng Tòa Thánh luôn luôn bác bỏ. Một quy tắc đã trở thành truyền thống cho rằng một ngày lễ phụng vụ không nhằm kính nhớ một tín điều thuần túy, nhưng đối tượng của nó phải là một sự kiện hay một biến cố của lịch sử cứu độ. Nếu là một chân lý đức tin thì chân lý ấy phải được bày tỏ trong biến cố nào đó của lịch sử này.
Chúng ta hiểu vì sao trong suốt hơn năm thế kỷ, Tòa Thánh vẫn không chấp nhận lễ kính Chúa Ba Ngôi, dù lễ này đã xuất hiện ở Pháp từ đầu thế kỷ IX, được cử hành trong nhiều đan viện, và có nhiều người xin chính-thức-hóa nó trong Giáo Hội Tây Phương. Sở dĩ thế vì đối tượng của lễ này là một tín điều thuần túy. Do ảnh hưởng của việc chống lạc giáo Ariô, người ta muốn có lễ này để minh nhiên khẳng định sự duy nhất về bản tính nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng lại không dính dáng gì với lịch sử cứu độ. Chỉ mãi tới năm 1334, Rôma mới chấp nhận lễ này như một luật trừ, đặt nó vào sau Mùa Phục Sinh và buộc cử hành cho cả Tây Phương, vì coi nó như một cách hoàn tất nhãn quan Kitô-giáo về lịch sử và thế giới. [Trong Phụng Vụ canh tân sau Vaticanô II, lễ này vừa nhấn mạnh bản thể duy nhất của Ba Ngôi (lời Tiền Tụng và các lời nguyện), vừa khai triển hoạt động của từng Ngôi trong lịch sử cứu độ (các bài đọc)].
Do quan niệm truyền thống như vậy nên không có chỗ cho một lễ riêng kính Chúa Cha.
Nhưng có người như cha R. Cantalamessa (trong “La vie dans la seigneurie du Christ”, trang 126-127) lại nghĩ khác. Theo tác giả, không có một lễ dành cho Chúa Cha là một điều lạ, một thiếu sót, một chuyện đáng buồn. Ngay cha nuôi của Ðức Giêsu còn có hai lễ, mà lại không có chỗ nào dành cho Cha thật. Nhiều lễ phát sinh là để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của một giai đoạn lịch sử Lễ Kính Mình Thánh Chúa Kitô chẳng hạn, như một phản ứng chống lại Béranger de Tours phủ nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Hay như lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, khi có lạc thuyết Jansénisme. Những lễ như vậy đã đem lại rất nhiều lợi ích cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Ngày nay, nhiều người lãng quên Chúa Cha, thậm chí khước từ Người vì những lý do này khác, nên cũng cần có một lễ riêng kính Người.
Ngày lễ chính là một cách huấn giáo sống động, một cơ hội giúp dân Chúa đi sâu vào một mầu nhiệm hay một biến cố của lịch sử cứu độ, một cách tuyên tín chung, long trọng, hân hoan vì được lông trong cử hành Phụng Vụ, trong lời ca ngợi và tạ ơn của cả dân Chúa. Chúa Cha đáng được tôn kính riêng theo cách đó.